Cỏ lùng thời 4.0

Làng quê có những chiều vàng

Thánh đường in bóng bên nàng hoàng hôn

Ôi làng quê lắng tim ai

Chuông ngân quyện dáng áo dài thướt tha.

Đã lâu lắm rồi, trải qua bao biến cố thăng trầm trong cuộc sống, bệnh tật nan y với bao khó khăn vẫn còn đang chờ đợi phía trước và công việc hội đoàn mỗi lúc lại nặng gánh hơn. Dù vậy, hôm nay mụ gác lại tất cả, lặng ngồi trên bờ đê ngắm nhìn hoàng hôn đang dần lặn xuống phía chân trời xa xa. Ánh dương cuối ngày hắt lên tòa tháp đôi ngôi thánh đường mới xây, vươn cao trên ngọn đồi như ngọn hải đăng, soi lối chỉ đường cho đoàn con đang lênh đênh trên biển đời đầy phong ba cạm bẫy. Ráng chiều lãng đãng màu lam tím, dần phủ xuống lũy tre xào xạc những lá khô rơi rụng, thấp thoáng mấy cánh cò đang sải cánh tìm về tổ ấm sau một ngày mải miết mưu sinh. Lúa trên cánh đồng đã thu hoạch xong, chỉ còn trơ lại những gốc rạ xơ xác cùng đám cỏ lùng bị thợ gặt gạt ra lổm nhổm. Cỏ lùng, (chẳng biết có phải là cây cỏ cạnh ở quê mụ không?) vì nó luôn luôn mọc cạnh cây lúa. Khi nó còn nhỏ, nếu không quan sát kỹ thì rất dễ bị nhầm, trông nó giống hệt cây lúa, để ý lắm mới thấy thân nó mảnh hơn, lá nó nhạt màu, mỏng và ẻo lả hơn lá lúa một chút. Nó ăn bám chất dinh dưỡng của khóm lúa, lớn lên rất nhanh, chen lấn và ngạo mạn ngoi đầu lên cao hơn cả đám lúa, nhổ nó không khéo sẽ làm bật rễ khóm lúa lên. Khi mùa lúa chín, cả cánh đồng như một biển vàng gợn sóng trong những làn gió nô đùa đuổi rợt nhau không ngừng. Sẽ đẹp biết bao, nếu trong biển vàng ấy không bị những đám cỏ lùng phất phơ những bông dài màu xám xịt, chứa đựng bên trong là những hạt đen và nhỏ li ti như hạt thanh long. Bực hơn cả là thời máy xay xát còn thô sơ, chưa lọc sạch được như bây giờ, bưng trên tay bát cơm gạo mới trắng tinh thơm dẻo, vậy mà lại có những hạt cỏ lùng đen đúa xấu xa trộn lẫn.

Đang lan man về cỏ lùng, mụ chợt liên tưởng đến một số nhóm, hội hay giáo phái gì gì đó, đang len lỏi trong cánh đồng giáo hội. Chẳng nói đâu xa, ngay nơi mụ ở, cũng có những nhóm, những người nép trong cái vỏ bọc rất đạo đức, cũng là thành viên của hội nọ, cộng đoàn kia. Họ lén lén lút lút, cộng với sự khéo léo và ranh ma, họ quảng bá, lôi kéo mọi người, phần lớn là những bà góa, bà mẹ đơn thân, người nhẹ dạ cả tin. Hằng ngày tụ tập tại nhà một người đứng đầu nhóm, để đọc kinh, làm giờ thánh, hội họp bàn bạc gì đó. Thi thoảng cả nhóm lại thuê một chuyến xe để đi lễ, lúc thì Hà Nội, khi miền Trung rồi tới miền Nam. Đôi khi lại thấy có một “ông” nào đó ào đến như một cơn gió, gặp gỡ trao đổi gì đó với mọi người trong nhóm, rồi lại vội vã ào đi, thoắt ẩn thoắt hiện như đang hoạt động tình báo. Nhóm này Tuyên truyền Đức Giáo Hoàng Phanxicô là giả, rước lễ thì phải bằng miệng. Trong mùa đại dịch Covid, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho giáo dân, linh mục không cho rước lễ bằng miệng, nhóm này sụp lạy chào Thánh Thể Chúa rồi quay về, chứ nhất định không rước lễ trên tay. Nhóm này cũng không tiêm vacxin phòng bệnh, vì như thế là phạm tội trọng, đã có Chúa rồi, lo gì đại dịch. Cách đây mấy năm, họ rì rầm rỉ tai nhau đi mua lúa gạo, mì tôm, đèn nến và nước về tích trữ đầy nhà, vì sắp đến ngày… tận thế. Năm tháng trôi đi, chẳng thấy tận thế đâu, chỉ thấy lúa gạo tích trữ nhiều để mốc meo, phải đem đổ cho lợn gà ăn. Lạ lùng hơn nữa, trong nhóm này có rất nhiều người hiếm muộn được diễm phúc mang bầu con… Đức Bà. Bụng bà nào cũng chềnh ềnh, các bà hãnh diện khoe đứa trẻ trong bụng nhảy nhót, thậm chí còn nói được, các bà bầu này cũng thường xuyên đến một nơi quy định để gặp gỡ ai đó. Thật chẳng tầm thường như những phụ mang bầu con “đức ông”, nhưng mang bầu đến 3 hoặc 4 năm gì đó mà chẳng thấy cô nào sinh đẻ, cuối cùng bụng cô nào cũng lép xẹp, thế là… phép lạ kết thúc. Nhưng việc tập trung, kéo bè kéo cánh, hội họp, gặp gỡ ai và làm những gì gì đó, thì vẫn nối dài cho đến bây giờ.

Gần đây, lại rộ lên một nhóm gọi là đạo Đức Chúa Trời Toàn Năng, nhóm này rỉ tai mọi người mua điện thoại thông minh để nghe giảng online. Họ còn khẳng định: “Thời Chúa Giêsu đã qua, bây giờ đến thời Đức Chúa Trời Toàn Năng, Chúa xắp đến rồi, Chúa sẽ đến Trung Quốc đầu tiên”. Các nhóm này có một điểm chung là rất hay được nhìn thấy Đức Mẹ… hiện ra.

Hoàng hôn đã tắt từ lâu, tiếng vạc đi ăn đêm gọi bạn da diết dưới con kênh đào chảy qua cánh đồng. Mụ vẫn ngồi đó với thao thức cỏ lùng và lúa, cỏ lùng thời 4.0 nguy hiểm hơn, giỏi luồn lách, len lỏi, lấn sân hơn. Chúng trà trộn, lan rộng và bám rễ sâu vào cây lúa, làm cho nhiều cây vàng vọt, còi cọc, bị thoái hóa vì “phấn hoa” của chúng tung bay, gieo rắc. Vậy thì lúa cũng phải tiến hóa theo thời gian, thời đại, lắng nghe và thực hiện theo sự hướng dẫn và chăm sóc của Giáo Hội. Để mỗi hạt thêm chắc mẩy, từ đó sẽ làm nên những cây, những ruộng và những cánh đồng lúa tươi tốt, những mùa vàng bội thu. Thao thức là vậy, chứ mụ luôn đặt niềm tin và phó thác nơi Chúa, vì Chúa đã dạy: “Hãy cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt”.

Chúa ơi! Con chỉ là một nhánh lúa nhỏ bé trên cánh đồng mênh mông bát ngát, xin Chúa ban ơn thêm sức cho con. Vì, lạy Chúa! sức con đuối yếu lắm, mà cuộc đời nhiều khi quá nặng nề đắt đỏ.

Hồng Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *