Cùng Mẹ xin vâng

Ruskin là một nghệ sĩ, phê bình nghệ thuật kiêm xã hội học người Anh sống vào cuối thế kỷ 19. Một hôm, có một người đàn bà quý phái mang đến cho ông xem một chiếc khăn tay đắt tiền đã bị vấy mực. Bà ta xuýt xoa tiếc rẻ vì chiếc khăn tay đã hoàn toàn mất giá trị của nó.  Ruskin không nói gì, ông chỉ xin cho ông mượn chiếc khăn tay trong một ngày. Ngày hôm sau, ông trao lại chiếc khăn tay cho người đàn bà mà cũng không nói một lời nào. Nhưng khi trải chiếc khăn tay ra, người đàn bà hết sức ngạc nhiên, bởi vì từ một vết mực trong góc của chiếc khăn, nhà nghệ sĩ đã biến thành một bức tranh tuyệt mỹ. Chiếc khăn tay có vấy mực tưởng đã bị vứt đi, nay đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật để đời.

Những người có niềm tin vào cuộc sống không bao giờ bỏ cuộc trước những thất bại. Họ luôn biết biến những thất bại ấy thành khởi đầu của một thành công vĩ đại hơn.  Người có niềm tin vào Thiên Chúa cũng luôn nhìn vào thất bại, rủi ro, đau khổ trong cuộc sống như cơ may của một ân phúc cao cả và dồi dào hơn.

Dạo tháng 6 năm 1990, mục sư Anh giáo Michael Lapsley, người Zimbabwe bên Phi Châu, vì là mục sư Tuyên úy của tổ chức Quốc đại Châu Phi bao gồm các lực lượng tranh đấu cho quyền lợi của người da đen Nam Phi, đã bị quân khủng bố đặt chất nổ khiến ông bị cụt hai tay, mù một mắt và hỏng lỗ tai. Trong một tuyên ngôn công bố sau đó, ông đã viết như sau: “Họ đã lấy mất đôi tay của tôi. Nhưng tôi không buồn, bởi vì tôi không dùng đến võ khí để cần phải có đôi tay. Họ đã lấy mất một phần đôi mắt của tôi và thính giác của tôi, nhưng tôi vẫn còn có thể dâng hiến lời nói để tiếp tục rao giảng một cách xác tín và mạnh mẽ hơn”.

Người ta vẫn thường nói: Yêu là chết trong lòng một ít. Tình yêu đích thực luôn luôn đòi hỏi hy sinh, mất mát. Nhưng chỉ có đôi mắt tình yêu mới nhận ra giá trị của những mất mát ấy. Qua cái chết trên thập giá như một tiêu hao hoàn toàn, Chúa Giêsu đã bày tỏ Tình Yêu của Thiên Chúa cho nhân loại, ánh sáng của Tình Yêu đã chiếu sáng qua sự mất mát ấy. Qua những hao mòn trong từng ngày của cuộc sống Mẹ Maria, Tình Yêu của Thiên Chúa cũng được tiếp tục bày tỏ. Có cái chết độc ác, tức tưởi của Chúa Giêsu trên thập giá, thì cũng có cái chết âm thầm từng ngày của Mẹ Maria. Ngày nay, tình Yêu của Thiên Chúa cũng cần có những mất mát, hao mòn khác của người Kitô để được tiếp tục bày tỏ cho con người, bởi vì sứ mệnh của người Kitô chính là bổ túc cho những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Ðức Kitô.

Trong tâm tình đó, Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam chọn Đức Maria với tước hiệu Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam làm bổn mạng, nhằm nhắc nhở rằng: “qua đau khổ mới đến vinh quang”. Đức Maria từ khi thưa hai tiếng “xin vâng”, Mẹ đã âm thầm gánh chịu những đau khổ: khi nhận được lời tiên báo của ông già Simêon, cho đến khi phải chạy trốn sang Ai Cập. Ba ngày lạc mất Chúa trong Đền Thờ, và đặc biệt là Mẹ dốc hết sức lực với con mình tiến lên đỉnh đồi Gôngôtha, chứng kiến cái chết của con mình, cùng với các môn đệ yêu dấu hạ xácchôn xác con mình. Lời đáp trả cứ tăng dần lên trong đau khổ, Mẹ không một lời than thân trách phận, ngược lại Mẹ luôn dâng lời chúc tụng và cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã thương ban cho Mẹ. Qủa thật, chính nhờ vâng phục và phó thác, mà Thiên Chúa đã tặng ban cho Đức Mẹ với một tước hiệu cao quý là “Mẹ Thiên Chúa”.

Theo gương Mẹ, biết bao cha anh Đa Minh từ những giám mục, linh mục nước ngoài chỉ vì “xin vâng” như Mẹ, bỏ quê hương để lên đường loan giảng Tin Mừng cứu độ nơi xứ sở Việt Nam xa lạ, và đã phải chấp nhận lắm gian khổ, nhiều hy sinh. Tuy hành trình truyền giáo đẩy thử thách nhưng các ngài vẫn kiên trung làm chứng cho Đức Kitô dẫu phải máu chảy, đầu rơi. Các ngài đã góp phần làm cho gia tài ân sủng thiêng liêng của Dòng triển nở phong nhiêu với 38 vị thánh, và 118 vị đáng kính thuộc gia đình Đa Minh. Với sự che chở của Mẹ từ thưở sơ khai, khi thành lập năm 1967 Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam chỉ là một hạt cải tí hon hoặc là một đàn chiên nhỏ, đến nay sau 50 năm hoạt động “Tỉnh Dòng đang bùng nổ về nhân sự và tông đồ, với số anh em đông đảo, hiện diện thi hành sứ vụ càng ngày càng trải rộng”, như Cha Tổng Quyền Bruno nhận định.

Mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi mời gọi chiêm ngắm thế đứng kiên cường của Mẹ nơi chân thập giá Đức Kitô. Lễ Đức Mẹ Sầu Bi được kính nhớ liền ngay sau lễ Suy Tôn Thánh Giá. Giáo Hội muốn nhắc nhở con cái mình khi suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu, không được quên một hình ảnh sống động đứng dưới chân Thánh Giá là Mẹ Maria. Mẹ đứng không phải để khóc lóc thảm thiết, mà Mẹ đứng để hiệp thông đau khổ với con mình hầu cứu chuộc nhân loại. Mẹ đứng để dâng con mình làm hy lễ một lần nữa lên Chúa Cha. Mẹ đứng để lãnh nhận sứ mạng làm mẹ Gioan, Mẹ nhân loại mà Chúa Giêsu sẽ trăn trối. Mẹ đứng để ẵm con mình khi người ta hạ xác xuống trao cho Mẹ. Mẹ đã đi đến tận cùng của sự đau khổ của nhân loại, Mẹ đã đi trọn con đường mà Chúa mời gọi Mẹ, trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa.

Cùng với Gíao Hội kính nhở bảy sự thương khó của Đức Trinh nữ Maria, chúng ta chiêm ngưỡng mọi đau khổ của Ngài như sự đồng khổ với Chúa Giêsu, để cùng biết hiệp nhất mọi khó khăn trong đời chúng ta với cuộc khổ nạn hồng phúc của Chúa.

Mỗi người chúng ta cũng nguyện xin Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Đức Mẹ Sầu Bi luôn biết kiên vững trước mọi khó khăn, giông bão nhất của cuộc đời. Và đặc biệt cũng biết rước Mẹ về ngôi nhà của mình, để Mẹ cùng sống với chúng ta khi vui cũng như lúc buồn, để Mẹ dạy cho biết cách chịu đau khổ ! và để những đau khổ ấy luôn trở thành nguồn ơn cứu độ cho mọi người.

Nguyện chúc Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam, cũng như tất cả anh chị em luôn sống trong bình an và ân sủng của Thiên Chúa, qua vòng tay nhân ái của Mẹ Maria Sầu Bi.

PHẠM THỤC 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *