Cuộc đời của Adrienne von Speyr, một phụ nữ hiện đại với những trải nghiệm thiêng liêng về Bí tích Hòa giải
Là một phụ nữ, một người vợ, một bác sĩ, một nhà thần bí, nhà văn và nhà linh hướng, Adrienne von Speyr đã làm cho tất cả điều này hòa hợp trong cuộc sống đời thường, trở thành những kinh nghiệm quý báu, là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người đặc biệt cho phụ nữ trong thế kỷ 21. Adrienne mang lại sắc thái và sức sống cho sự dấn thân trong lãnh vực thần học được thể hiện đặc biệt qua Bí tích Hòa giải kết hợp với ngành y khoa của bà.
Là người theo Tin Lành, nhưng từ khi còn rất nhỏ, Adrienne đã có một đường hướng cầu nguyện rõ ràng và quan tâm đến đạo Công giáo. Suốt thời kỳ thanh thiếu niên bà luôn có một ước muốn mãnh liệt đến với ơn Giao hòa của Thiên Chúa và tha nhân, nhưng một cách cụ thể qua Bí tích Hòa giải, quyền bính của Giáo hội Công giáo. Bà có một cảm nhận thâm sâu về ân sủng của Bí tích này. Bà cố gắng học như một đứa trẻ nghĩa là phải biến đức tin của mình thành hành động và cầu xin sự tha thứ từ những người mà bà đã xúc phạm; bà buộc mình phải thể hiện nó bằng cách tìm kiếm sự tha thứ từ gia đình và bạn bè. Nhưng một người trong số họ nói với bà: “Đây là việc làm cho việc xưng tội ở tòa giải tội, bạn không nên làm điều đó”. Những lời này càng làm cho ước muốn mãnh liệt hơn đến với Bí tích Giao hòa.
Cùng với việc tiếp tục tiến tới gia nhập đạo Công giáo bà nhận ra ơn gọi khác đó là trở thành thầy thuốc. Ước mơ trở thành bác sĩ của bà đã bị người mẹ và người bác phản đối chỉ có người cha là quan tâm nhưng ông lại qua đời sớm. Dầu vậy bà vẫn cương quyết theo đuổi giấc mơ. Khi Adrienne tốt nghiệp, bà cầu nguyện khẩn thiết với Chúa, xin Ngài đừng để bà chọn ngành y chỉ bởi vì sự ích kỷ, như mẹ bà đã buộc tội bà. Chẳng bao lâu bà cảm thấy bình yên và có thể nói chuyện với mẹ rằng: việc nghiên cứu y khoa là điều đúng đắn để làm, lý do con chọn là đúng. Cuối cùng, sự kiên trì của bà đã được ban thưởng và bà bắt đầu nghiên cứu như một bác sĩ vào năm 1923, với sự phản đối vẫn còn quyết liệt của người mẹ. Sự phản đối của người mẹ và mối quan hệ không hạnh phúc giữa hai người đã kéo dài từ thời thơ ấu chỉ được giải quyết sau khi Adrienne trở lại vào tuổi ba mươi tám. Trong nhiều năm, Adrienne đã cầu nguyện rất nhiều cho sự hòa giải này và rồi bà đã có thể lấy lại trái tim của mẹ mình. Vào năm 1931, Adrienne mở phòng mạch đầu tiên tại Basel.
Trong công việc, Adrienne luôn rộng mở tâm hồn với người bệnh. Kinh nghiệm cá nhân về sức khỏe không được tốt đã giúp bà cảm thông với những đau khổ của bệnh nhân. Mục đích nghiên cứu y khoa của bà không chỉ dừng lại trên bình diện thể lý nhưng còn quy hướng đến tâm trí và tinh thần. Theo bà trong việc điều trị cần phải chú ý đến cả hai, giữa chúng có mối liên hệ. Adrienne dành thời gian thường xuyên thăm bệnh nhân khoảng 60-80 bệnh nhân mỗi ngày. Hơn nữa, bà tìm phương thế để dung hòa giữa đời sống đức tin, cầu nguyện và công việc của một bác sĩ.
Ước muốn của Adrienne về bí tích hòa giải trở nên ngày càng mãnh liệt hơn không chỉ vì cá nhân mà bà còn muốn người khác cũng được như vậy. bà chia sẻ: “Có những bệnh nhân nói cho tôi tình trạng tâm hồn của họ, tội lỗi của họ. Chúng tôi cùng nhau nhận ra rằng chúng tôi phải chịu đựng hậu quả tội lỗi của chúng tôi. Tôi thú nhận điều này với Chúa, nhưng dường như chưa đủ. Trong tôi có một sự khao khát lớn đế tiến tới lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Tôi chờ đợi lãnh nhận ơn thánh này không chỉ như một hiệu quả của sự thanh luyện tâm hồn mà trên hết là để có một sự ảnh hướng sâu sắc đến mối tương quan với bệnh nhân”.
Vào năm 1942, một ngày khi đang trên đường trở về nhà bà nhìn thấy một ánh sáng rực rỡ chiếu thẳng vào mình và cảm nhận được một tiếng nói “Con sẽ sống ở trên thiên đường và cả trên mặt đất”. Từ thị kiến này cùng với kinh nghiệm huyền bí về quá khứ, và những công việc đặc biệt trong cuộc đời bà, bà cảm nhận điều Chúa muốn nơi bà một cuộc sống dung hòa giữa công việc và đời sống cầu nguyện. Bà nhớ lại Thánh Têrêsa Avila, người đã biết dung hòa những kinh nghiệm thần bí ngoại thường của mình với một thái độ thực tế đối với các công việc thường ngày của mình; cho dù thánh nữ làm việc nơi nhà bếp hay những công việc khác của cộng đoàn vị thánh đều quy hướng về Chúa, chiêm ngắm Chúa ngay trong những công việc thường nhật. Cuộc sống của bà từ đây được quy hướng cầu nguyện, chiêm ngưỡng sâu sắc và rồi dẫn đến một cuộc sống đơn giản và khiêm tốn. Với một linh đạo như vậy chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ca ngợi Adrienne rằng bà là người đã bắt đầu ơn gọi nghề nghiệp-xã hội trong một sự kết hợp với Thiên Chúa.
Bà có cảm nghiệm đặc biệt ơn ban của Bí tích Giao hòa qua những điểm sau:
Tính vĩnh cữu của Bí tích: Đối với Adrienne “sức mạnh ân sủng của Bí tích này được nới rộng và kéo dài thời gian tiếp nhận nó cho vĩnh cửu.” Việc đạt được “vĩnh cửu” của thực tại bí tích này được ví như một tấm màn mỏng giữa trời và đất, tấm màn đã trở nên trong suốt khi tiếp xúc với bí tích. Adrienne nói: “Ngay khi tôi nhận được ơn tha thứ, thật ra tôi đã ra ngoài thời gian. Và do đó, sự tha thứ ảnh hưởng đến quá khứ và tương lai “. Sự nhạy bén sâu xa này đối với bản chất siêu việt của kinh nghiệm nội tại đặc trưng cho các bài viết của Adrienne.
Chiều kích cộng đoàn: Bà cảm nhận được rằng qua Bí tích Hòa giải, bà đã trở lại với cộng đoàn Giáo Hội. Bà nói về Bí tích như một cuộc gặp “mầu nhiệm dịu dàng” của tha thứ. Đối với bà, bí tích trong bản chất của nó mang lại một sự giao hòa sâu thẳm giữa cá nhân và TC; giữa cá nhân và cộng đoàn Giáo hội; cá nhân và những người khác; cá nhân và chính mình.
Cái giá phải trả cho ơn tha thứ: Bà đã có kinh nghiệm về sự đau khổ khi thú nhận với TC về những tội lỗi, thiếu xót của mình, đồng thời phải xóa bỏ mọi kiêu căng đến độ linh hồn không còn bận tâm đến chính mình nữa mà chỉ còn một điều đó là TC đã chịu đau khổ vì tội lỗi nhân loại. Chính ở điểm này mà linh hồn gặp được Đấng Cứu Độ chịu đóng đinh. Đối với bà, ơn giao hòa bà nhận được qua Bí tích Hòa giải phải trả giá bằng khổ nạn của Chúa Giêsu. Ngài chính là Đấng Giao Hòa đang ôm lấy cả nhân loại.
Ân sủng của Bí tích Giao hòa đã giúp bà có một một sự nảy sinh kết nối mới giữa cuộc sống của bà với thực tế Tin Mừng. Đối với bà tất cả những người tội lội có thể được giải thích như những người gian ác chống lại giới răn duy nhất của tình yêu. Ngược lại, một sự hòa giải tốt có một hiệu quả kéo dài, mở rộng không như một sự tưởng nhớ của những điều đã qua, mà hơn thế nữa như một hiện diện đồng hành, một món quà quý giá lưu giữ chính sức sống, một ơn ban mà chúng ta cảm thấy phải có bổn phận bảo vệ. Bà rất xúc động về cách thức ân ban của sự hòa giải giúp tăng trưởng trong đức tin và trưởng thành thiêng liêng.(L’Osservatore Romano 17 -11- 2017)
Ngọc Yến