Mục lục
ẢO VỌNG đến CHÂN LÝ
Thời đại chúng ta đã chứng kiến một thảm trạng hoang mang về chân lý, nhất là các chân lý tuyệt đối của tôn giáo, kể cả ở nơi các tín hữu Kitô. Trước tiên, nhiều người chất đầy những tư tưởng của chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa tương đối đặc trưng của thời hiện kim đến độ nghi ngờ chúng ta có thể biết được một điều gì hoàn toàn xác thực hay không. Có những người cho rằng kinh nghiệm cá nhân chính là nguồn mạch duy nhất phát sinh chân lý về những vấn đề muôn đời. Thuyết Thời Đại Mới còn kích động việc dùng trực giác chủ quan để thay thế giáo lý bền vững.
Dĩ nhiên tình trạng hỗn độn tri thức ấy không chỉ đưa đến các giáo thuyết phức tạp, bất nhất, mà còn dẫn đến những lầm lạc về trách vụ luân lý. Nếu không hiểu biết một cách xác thực, làm sao chúng ta có thể trung thành tuân giữ những giáo huấn đạo đức? Một số người cho rằng cá nhân được toàn quyền giải thích Thánh Kinh, không cần đến quyền bính; vì quyền bính tôn giáo truyền thống đã lỗi thời. Do đó, mỗi người được tự do sàng lọc và lựa chọn những gì họ yêu thích từ Thánh Kinh và Thánh Truyền, bởi vì chẳng có gì bắt buộc cả.
Cái nhìn của các thánh rất khác biệt với quan điểm trên đây! Các tín hữu thánh thiện đã nhiệt thành tránh lánh những điều sai trái mà thánh Phaolô Tông Đồ đã cảnh báo để giữ lấy chân lý khách quan được Thiên Chúa mặc khải. Nhiều vị giáo phụ như thánh Clement, thánh Ambrose và thánh Augustine đã hăng say chiến đấu nhiều năm để đánh đổ các giáo thuyết sai lạc. Các thánh tiên tri như thánh Đaminh và thánh Phanxicô đã phản bác ảo tưởng lầm lạc của nhiều giáo sĩ và giáo dân, cho rằng việc tích góp của cải thừa mứa và thói đàng điếm xa hoa là hợp pháp.
* Người (Chúa Giêsu) phán rằng vì danh Người, chúng ta sẽ bị giết hại và bị ganh ghét; nhiều tiên tri giả và Kitô giả sẽ xuất hiện, nhân danh Người mà lôi kéo nhiều người đến chỗ lầm lạc. Quả đúng như thế. Vì có nhiều kẻ đã giảng dạy những điều vô đạo và gian tà, mượn danh Chúa để đóng “mác” vào mậu thuyết của họ, và đã rao truyền những điều mà thần dữ nhơ uế đã ghi khắc vào tâm trí họ. (Thánh Justine tử đạo)
* Khi đã tự tín, thì lý trí nhân loại nghèo nàn sẽ dùng những điều kỳ quặc nhất để thay thế cho những tư tưởng thần linh cao siêu nhất. (Thánh Gioan Kim khẩu)
* Quả thật, không gì vĩ đại hơn tâm trí của con người, ngoại trừ một mình Thiên Chúa. Chúng ta hãy học cho biết dùng con mắt đức tin mà coi lời thần linh của Thánh Kinh như nguồn sáng soi chiếu nơi tăm tối cho đến lúc rạng đông ngày mới và ngôi sao mai xuất hiện trong tâm hồn chúng ta. Bởi vì nguồn sáng vô biên ấy – nơi ngọn đèn này mượn ánh sáng – là Ánh Sáng chiếu soi sự tăm tối, nhưng tăm tối không nhận biết Ánh Sáng. Để nhìn thấy Ánh Sáng ấy, tâm hồn chúng ta phải được đức tin thanh luyện. (Thánh Augustine)
* Vì là Mặt Trời Công Chính, nên Chúa có lý mà gọi các môn đệ của Người là ánh sáng soi cho thế gian. Bởi vì qua các ngài, như những tia sáng soi chiếu, Chúa đã trào đổ ánh sáng tri thức về chính Người trên khắp thế gian. Khi minh chứng ánh sáng chân lý, các ngài đã xua tan bóng tối lầm lạc ra khỏi tâm hồn nhân loại. (Thánh Chromatius Aquileia)
* Lạy Chúa, xin dùng ánh sáng rạng ngời thượng trí của Chúa mà chiếu giãi linh hồn tăm tối của chúng con, để chúng con được soi sáng và phụng sự Chúa với tâm hồn trong sạch mới mẻ. Rạng đông báo hiệu thời điểm cho con người bắt đầu lao nhọc, còn trong linh hồn chúng con, lạy Chúa, xin hãy sửa dọn một nơi cho ngày không bao giờ tàn. Lạy Chúa, qua sự nhiệt tâm liên lỉ của chúng con, xin Chúa hãy thiết lập nơi chúng con dấu chỉ ngày của Chúa, ngày không tính theo mặt trời. (Thánh Ephraem)
* Mặt trời, tạo vật của Thiên Chúa, duy nhất và như nhau trên toàn thế giới thế nào, thì giáo huấn của Giáo Hội chiếu giãi mọi nơi để soi sáng cho tất cả những ai muốn tìm đến tri thức chân lý cũng như vậy. (Thánh Irenaeus)
* Giáo huấn mà không được ân sủng kèm theo vẫn có thể đi vào đôi tai, nhưng chẳng bao giờ đến được cõi lòng. Khi ơn Chúa tác động đến nơi sâu thẳm nhất của tâm trí chúng ta và giúp nó hiểu biết, thì khi ấy lời Người, lời đã được đôi tai tiếp nhận, mới có thể lắng sâu vào cõi lòng. (Thánh Isidore Seville)
* Lạy Thiên Chúa hiển vinh cao quang, xin soi sáng nơi tăm tối của tâm hồn con. Và lạy Chúa, xin ban cho con một đức tin chân thực, một đức cậy vững vàng, một đức ái hoàn hảo, một sự cảm nhận và tri thức, để con có thể thực hiện mệnh lệnh thánh thiện và chính trực của Chúa. (Thánh Francis Assisi)
* Bao lâu còn ở chốn khách đầy, thì tâm hồn con người vẫn còn quanh co và xu hướng về đàng tội, khườn lười và yếu đuối trong đàng nhân đức. Chúng ta cần được cổ võ và khích lệ, để người này được người kia giúp đỡ và lòng sốt sắng do lòng mến thiên đàng có thể thắp lên ngọn lửa trong tâm hồn chúng ta, ngọn lửa mà thói bất cẩn và sự nguội lạnh thường ngày của chúng ta thường làm tắt lịm. (Chân phúc Jordan Saxony)
* Vì vậy, trong Chúa, tôi hiểu biết và sở hữu trọn vẹn chân lý trên trời, dưới đất, trong hỏa ngục, và nơi mọi tạo vật; chân lý và sự xác thực ấy thật lớn lao đến độ cả thế gian này dù có nói ngược lại đi nữa, thì tôi cũng chẳng tin, tôi còn nhạo cười cho nữa. (Chân phúc Angela Foligno)
* Phúc cho ai có những lời tự Chúa Thánh Thần -chứ không phải tự họ – phát ra. (Thánh Anthony Padua)
* Anh chị em là ngọn lửa xua tan sự cóng lạnh, anh chị em hãy dùng ánh sáng của mình mà chiếu giãi tâm trí, và làm cho tôi nhận biết chân lý của anh chị em. (Thánh Catherine Siena)
* Khi cất tiếng rao giảng Phúc Âm cho mọi dân nước, lời thánh Phaolô giống như tiếng vang sấm động trên bầu trời. Lời thánh nhân rao giảng là ngọn lửa bừng cháy cuốn phăng tất cả những gì cản trở. Đó là mặt trời xuất hiện trong vinh quang chói lọi. Sự thất trung bị tiêu hủy, những tà đạo bị xua tan, và chân lý xuất hiện như một ngọn đèn vĩ đại soi sáng cho toàn thế giới bằng ngọn lửa rạng ngời của nó. (Thánh Bernadino Siena)
* Tất cả những ai đảm nhận trách vụ huấn luyện phải có một tình yêu nóng bỏng, một lòng nhẫn nại rất lớn lao, và trên hết là một đức khiêm nhượng thẳm sâu. Họ phải thực hiện công việc với một nhiệt tâm hăng say. Sau đó, vì những lời cầu nguyện khiêm nhượng của họ, Thiên Chúa sẽ thấy họ xứng đáng trở nên những cộng tác viên của Người trong sự nghiệp chân lý. (Thánh Joseph Calasanza)
* Trong ngôi nhà học thuật lừng danh này có ai hằng ngày đi đến trường luật, trường y, trường triết hoặc thần học mà không suy nghĩ làm cách nào để có thể tiến bộ tốt nhất trong chuyên ngành của mình và cuối cùng đạt cho được học vị tiến sĩ? Phải, trường học của Chúa Kitô là trường đức ái. Trong ngày sau hết,… đức ái sẽ là toàn bộ giáo trình. (Thánh Robert Bellarmine)
* Lý luận và khoa học nhân loại thường đưa anh em đến chỗ lầm lạc bởi vì chúng quá yếu kém và giới hạn, không thể thấu đáo kiến thức về Thiên Chúa, vốn là những điều vô cùng và khôn dò. Trí năng và tri thức nhân loại còn lừa lọc, bởi vì chúng đầy những tối tăm và mê muội tội lỗi, không thể đạt đến chỗ tri thức ngay cả những sự bên ngoài Thiên Chúa. (Thánh Gioan Eudes)
* Khi nhìn thấy nhu cầu người ta cần thiết và đói khát muốn được nghe giáo huấn về Thiên Chúa, tôi run rẩy muốn ra đi và chạy rảo khắp cùng thế giới để rao giảng lời Chúa. Tôi không còn một chút nghỉ ngơi, tâm hồn tôi chẳng tìm được một chút khuây khỏa nào khác ngoài việc hối hả đi khắp nơi và rao giảng. (Thánh Anthony Mary Claret)
* Những người được Chúa Thánh Thần hướng dẫn thì có những tư tưởng chân thực; vì thế rất nhiều người dốt nát nhưng lại thông sáng hơn những người học thức. Chúa Thánh Thần là ánh sáng và sức mạnh. (Thánh Gioan Vianney)
* Chân lý chỉ có một; vì thế… có rất nhiều người lầm lạc, vì họ khác biệt; họ khác biệt không chỉ những điểm nhỏ mọn, mà cả trong những vấn đề quan trọng; do đó, rất đông người, hoặc do lỗi của họ hoặc không do lỗi của họ, đã sai lầm ngay cả trong những vấn đề quan trọng về tôn giáo…. Chân lý tự tỏ hiện với bản tính thiêng liêng của chúng ta; nó sẽ chỉ được thấu hiểu và coi trọng bởi những người yêu mến chân lý, nhân đức, thanh khiết, khiêm nhượng, và bình an. (Đấng đáng kính hồng y John Henry Newman)
Mục lục