Dịch coronavirus mạnh nhất gần Thứ Tư Lễ Tro và có thể biến mất vào Lễ Phục sinh

 

2. Chuyên gia Y tế: Dịch coronavirus mạnh nhất gần Thứ Tư Lễ Tro và có thể biến mất vào Lễ Phục sinh

Dịch coronavirus sẽ tiếp tục lan tràn mạnh nhất ở Trung Quốc vào khoảng Thứ Tư Lễ Tro và có thể biến mất vào Lễ Phục sinh, một chuyên gia y tế, cho biết như trên hôm thứ Ba 11 tháng Hai, trong một đánh giá mới nhất về trận dịch bệnh đang gây chấn động thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan – 钟南山), một nhà dịch tễ học 83 tuổi, người nổi tiếng vì đã chiến đấu với dịch SARS năm 2003, đã rơi nước mắt trước cái chết của Bác sĩ Lý văn Lương (Li Wenliang – 李文亮), là bác sĩ đầu tiên đưa ra cảnh báo về coronavirus và cảnh sát đã bắt anh phải im lặng. Anh đã chết trong bệnh viện sau khi nhiễm bệnh từ một bệnh nhân.

Bác sĩ Chung Nam Sơn lạc quan rằng số trường hợp nhiễm bệnh mới sẽ sớm suy giảm, ít nhất là ở một số nơi.

Đỉnh cao của trận dịch này sẽ xảy ra vào cuối tháng Hai, khoảng thứ Tư Lễ Tro, và giữ nguyên ở mức này trong một thời gian, trước khi suy giảm và sau cùng biến mất vào dịp lễ Phục sinh. Bác sĩ Chung dự đoán như trên, dựa trên một mô hình dự báo toán học, các sự kiện gần đây và hành động của nhà cầm quyền.

“Tôi hy vọng sự bùng phát này hoặc sự kiện này có thể kết thúc vào tháng Tư,” ông nói với Reuters tại một bệnh viện do Đại học Y Khoa Quảng Châu điều hành, nơi 11 bệnh nhân coronavirus đang được điều trị.

Mặc dù những bình luận của ông có thể làm dịu những lo lắng toàn cầu về coronavirus – mà đến nay đã giết chết hơn 1,000 người và hơn 40,000 trường hợp đang nhiễm bệnh, chủ yếu là ở Trung Quốc; một số người vẫn tiếp tục lo lắng vì các dự đoán trước đó của ông về đỉnh cao của trận dịch hóa ra là không được chín chắn lắm.

“Chúng tôi không biết tại sao nó lại rất dễ lây lan và trở thành một vấn đề lớn như vậy,” ông nói thêm. Bác sĩ Chung là người đã giúp xác định các lỗ hổng trong các hệ thống ứng phó khẩn cấp của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng SARS 2002-2003.

Ông nhận thấy rằng có một sự giảm dần các trường hợp nhiễm bệnh mới ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, nơi ông đang sống, và cả ở tỉnh Chiết Giang và các nơi khác. “Đó là tin tốt lành cho chúng tôi.”

Nhận xét về việc Trung Quốc thực hiện các biện pháp chưa từng có là phong tỏa các khu vực bị nhiễm bệnh, bác sĩ Chung tỏ ra đồng tình với giải pháp phong tỏa Vũ Hán, là thành phố tại tâm chấn của dịch bệnh mà theo ông đã mất kiểm soát đối với virus ở giai đoạn đầu.

Tuy nhiên ông nói: “Giới lãnh đạo, các cơ quan y tế địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Họ đã không làm tốt công việc của mình.”

Virus này được cho là bùng lên từ đầu tháng 12 tại một chợ hải sản ở Vũ Hán, nơi động vật hoang dã bị bán trái phép.

Bọn cầm quyền ở Vũ Hán đã bị chỉ trích mạnh vì cách đối xử nặng nề với vị bác sĩ quá cố Lý văn Lương, là người đã bị cảnh sát dằn mặt hồi đầu tháng Giêng khi anh lên tiếng cảnh báo về sự bùng phát của dịch bệnh.

“Hầu hết mọi người nghĩ rằng anh ấy là người anh hùng của Trung Quốc,” bác sĩ Chung nói trong khi lau nước mắt. “Tôi rất tự hào về anh ấy, anh ấy nói cho mọi người biết sự thật, vào cuối tháng 12, và sau đó anh ấy đã qua đời.”

“Đằng sau anh ấy có hàng trăm bác sĩ khác muốn nói sự thật và họ phải được khuyến khích làm như vậy,” ông nói. “Chúng tôi thực sự cần lắng nghe”.

Virus hiện đã lây nhiễm hơn 40,000 người trên lục địa Trung Quốc và lan sang ít nhất 24 quốc gia khác.

Bác sĩ Chung cho biết Bắc Kinh thường xem các vấn đề như thế này là một bí mật quốc gia và không sẵn sàng chia sẻ thông tin. Điều này đã làm kéo dài cuộc khủng hoảng SARS. Tuy nhiên, theo bác sĩ Chung, lần này Bắc Kinh tỏ ra cởi mở, minh bạch và hợp tác hơn với Tổ chức Y tế Thế giới.

Nhưng ông nhấn mạnh rằng “Họ cần phải làm nhiều hơn nữa, bao gồm việc chấm dứt buôn bán động vật hoang dã, hợp tác quốc tế tốt hơn về công nghệ vệ sinh, cải thiện hoạt động của các trung tâm kiểm soát dịch bệnh và hệ thống canh gác toàn cầu để cảnh báo về các tiềm năng dịch bệnh.”

“Nếu có sự hợp tác và phối hợp tốt hơn, chúng tôi có lẽ đã phát hiện vấn đề sớm hơn và tìm ra sự lây truyền từ người sang người sớm hơn, và dịch bệnh sẽ không quá nghiêm trọng như hiện nay.”


Source:Reuters

 

1. Giáo Hội thời dịch bệnh: Những chuyện chưa từng thấy. Thảm họa cho nhà hàng Tầu

Trong một video được công bố trên các mạng xã hội vào chiều thứ Năm 13 tháng Hai, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán của Hương Cảng cho biết Giáo Hội Công Giáo tại đây đã đề ra một loạt các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, là dịch bệnh đến nay vẫn chưa có phương dược chữa trị và chủng ngừa.

Trong đoạn video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, Đức Hồng Y nói:

“Tôi lấy làm tiếc phải báo với anh chị em rằng giáo phận đã quyết định đình chỉ các Thánh lễ có công chúng tham dự vào các ngày Chúa Nhật từ 15 đến 28 tháng Hai, và không có phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro, bắt đầu Mùa Chay Thánh.”

Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, hiện là Giám quản Tông tòa của Giáo phận Hương Cảng. Ngài cho biết các cuộc tụ họp phụng vụ khác cũng bị hủy bỏ hầu tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngài mô tả các biện pháp này là đáng tiếc, nhưng cho biết quyết định này được đưa ra, vì hai tuần tới sẽ là thời điểm rất nguy hiểm.

Ngài khuyên anh chị em tín hữu nên theo dõi các thánh lễ trực tuyến, “dành thời gian đọc Kinh Thánh, lần chuỗi Mân côi, và suy niệm các bài đọc của Thánh lễ.”

Tại bán đảo Hương Cảng đã có 50 trường hợp được xác nhận là mắc COVID-19 và có một trường hợp tử vong.

Theo Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của Bắc Kinh, tính đến 10 giờ sáng thứ Sáu 14 tháng Hai, số người chết đã lên đến 1,488 người, tức là 121 người mới qua đời trong ngày thứ Năm 13 tháng Hai. Đồng thời, con số người nhiễm bệnh tăng lên đến 65,000 người. Như thế, chỉ trong một ngày thứ Năm đã có thêm 5,090 ca nhiễm bệnh.

Tân Hoa Xã cũng đề cập đến việc bắt giữ một số cán bộ địa phương, trong đó có Hạ Quốc Hoa phó phòng thống kê của Vũ Hán. Hoa được phân công phân phát các khẩu trang y tế. Tuy nhiên, thay vì phát cho dân chúng, Hoa bị cáo buộc đã phát hầu hết số khẩu trang y tế ấy cho vợ mình mang đi bán chợ đen. Một người khác là bà Đường Chí Hoành trưởng phòng y tế thành phố Hoàng Cương của tỉnh Hồ Bắc, bị bắt vì tội xua đuổi bệnh nhân về nhà, né tránh không xét nghiệm đến nơi đến chốn các trường hợp nghi ngờ, tiến độ xét nghiệm chậm chạp.

Tại Hòa Lan, trong thánh lễ ngày 11 tháng Hai, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Hồng Y Wim Eijk, là Tổng Giám Mục Utrecht đã lên tiếng kêu gọi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho dân tộc Trung Hoa đang đối diện với thảm họa dịch bệnh, và bày tỏ lòng trắc ẩn và cảm thông đối với họ. Ngài đặc biệt nhắc đến cộng đoàn Công Giáo tại quốc gia này. Họ đã bị bách hại trong hơn 7 thập niên qua, và đến nay vẫn tiếp tục bị phân biệt đối xử. Trong dịch bệnh kinh hoàng này, họ thậm chí còn bị phân biệt đối xử nặng nề hơn, ngay cả trong các trợ giúp y tế.

Lời kêu gọi cầu nguyện, bày tỏ lòng trắc ẩn và cảm thông đối với người Hoa của Đức Hồng Y dường như là để đáp lại làn sóng bài người Hoa trong những ngày này tại Hòa Lan.

Trong chương trình truyền hình hàng tuần “Late with Lex”, là một show truyền hình rất ăn khách tại Hòa Lan, vì tính chất trào phúng của nó đối với các câu chuyện thời sự, một ca sĩ đã hát bài “Voorkomen is beter dan chinezen”, nghĩa là “Phòng ngừa nhiều hơn đối với người Hoa”. Nội dung bài hát cho rằng người Hoa ăn ở không hợp vệ sinh nên mới gây ra dịch bệnh.

Bài hát lặp đi lặp lại những câu như: “Chúng ta không cần virus ở đất nước này, tất cả là do những người Trung Quốc dơ bẩn này gây ra.”

“Virus sẽ sớm hiện diện trong cơm chiên. Đừng ăn đồ ăn Trung Quốc, nếu bạn vẫn còn muốn sống.”

Trò châm biếm này khiến nhiều người cảm thấy rất đau đớn vì nó phi nhân bản và thiếu cảm thông đối với một dân tộc đang lâm nạn.

Chưa hết, một số đài truyền hình còn chiếu cảnh một cô gái Trung Hoa rất đẹp đang ăn một con dơi trong một nhà hàng Tầu như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Những diễn biến này đã khiến các nhà hàng Tầu đột nhiên trở nên ế ẩm. Nhiều tiệm đành phải đóng cửa.

Trong một diễn biến khác, Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức đã chỉ trích tạp chí Der Spiegel là phân biệt chủng tộc và gây hoảng loạn với hình bìa một người đàn ông mặc áo choàng đỏ, mặt nạ bảo vệ, kính bảo hộ và tai nghe. Bên dưới có dòng tít lớn ghi “coronavirus sản xuất tại Trung Quốc.”

Trong một diễn biến bị nhiều người cực lực lên án là một trò đùa vô nghĩa, cảnh sát miền Peel của Canada cho biết đã câu lưu một thanh niên 28 tuổi cư ngụ tại thành phố Vaughan tên là James Potok.

Trong đoạn video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây James Potok, có mẹ là người Hoa, đưa ra lời xin lỗi các hành khách và nhân viên phi hành. Y cho biết như sau.

Trên chuyến bay từ Toronto sang Jamaica của hãng hàng không WestJet vào ngày thứ Hai 3 tháng Hai, chở theo 243 hành khách, anh ta ngồi ở hàng ghế sau cùng. Chuyến bay dài hơn 4 giờ đồng hồ. Khi máy bay đã bay được 3 giờ 30 phút, tức là chỉ còn 30’ phút nữa là đáp xuống sân bay Montego Bay, anh ta đột nhiên đứng dậy tuyên bố rằng anh ta vừa về quê thăm nhà ở Vũ Hán, và hiện cảm thấy không khoẻ, có lẽ đã bị nhiễm coronavirus.

Diễn viên nổi tiếng Tiffany Richards cho biết cô và mẹ cô có mặt trên chuyến bay này vào thời điểm xảy ra vụ việc. Cô cho biết cô đang ngủ gà ngủ gật thì giật mình khi thấy hành khách nhốn nháo. Một người đàn ông cách cô tám hàng đang đứng và lặp đi lặp lại một thông báo.

“Về cơ bản, những gì anh ấy nói là ‘Tôi cần mọi người chú ý. Tôi vừa trở về từ Vũ Hán, một trong những thành phố lớn của Trung Quốc, và nó là tâm chấn của coronavirus.

Ngay bây giờ tôi cảm thấy rất, rất là không khoẻ. Tôi nghĩ rằng tôi có thể đã bị nhiễm bệnh. Tôi cần mọi người tránh xa tôi, làm ơn đừng đến gần tôi.”

Trong khi nói như thế, James Potok giơ cao chiếc máy quay phim và quay cảnh náo loạn trên máy bay.

“Mẹ tôi rất lo lắng, bà khẩn khoản xin các tiếp viên cho bà đeo mặt nạ như những người khác,” Tiffany Richards nói.

Một tiếp viên hàng không đến chỗ James Potok và yêu cầu y đeo mặt vào. Lúc đó, y thú nhận đây chỉ là trò đùa cho vui. Y cho biết y là một ca sĩ nổi tiếng đang trên đường sang Jamaica để quay một phim ca nhạc. Y nảy sinh ra ý kiến gây sốc cho hành khách để quay phim sau khi vừa ăn ở một nhà hàng Tầu ở Toronto tên là Hunan, nghĩa là Hồ Nam, chứ chưa hề về thăm Vũ Hán, bên Trung Quốc.

Tiếp viên hàng không này giải thích với y rằng đã quá trễ. Tuân theo các thủ tục phòng dịch, phi công đã điều khiển máy bay quay ngược trở lại Toronto, nơi các cơ quan thực thi pháp luật và nhân viên y tế đang chờ đợi sẵn. Y bị bắt ngay khi xuống máy bay.

Hãng hàng không WestJet cho biết chuyến bay 2702 từ Toronto đi Jamaica, dài 2,800km, và chuyến bay 2703 từ Jamaica về Toronto đã bị hủy bỏ vì chuyện này.

Tháng Ba này James Potok sẽ phải hầu tòa. Chưa kể có thể bị các hành khách khác thưa kiện đòi bồi thường, số tiền đền cho hai chuyến bay bị hủy bỏ của hãng máy bay đã đủ để anh ta sạt nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *