Có 40 ngàn bạn trẻ thuộc 195 trên tổng số 226 giáo phận toàn quốc đã tham dự cuộc hành hương ”qua ngàn nẻo đường” từ ngày 8-8, trước hết ở các địa phương rồi tiến về Roma, và ngoài ra có 70 ngàn người khác thuộc giáo phận Roma. Từ ban chiều, họ tụ tập tại khu vực Circo Massimo để sinh hoạt trong khi chờ đợi ĐTC đến đây vào lúc 6 giờ 15 phút chiều.
Hiện diện trong dịp này còn có ĐHY Bassetti, Chủ tịch HĐGM Italia, 120 GM và đông đảo các linh mục tuyên úy giới trẻ thuộc các giáo phận. Ngoài ra cũng có một số danh ca và ban nhạc Rulli Frullii gồm 70 ca viên và nhạc công, đảm trách phần văn nghệ phụ họa trong cuộc gặp gỡ.
Đối thoại với ĐTC
Cuộc gặp gỡ với ĐTC bắt đầu từ lúc 6 giờ rưỡi chiều khi ngài đến đây, và diễn ra qua 2 phần: trong phần đầu là cuộc đối thoại giữa ĐTC và các bạn trẻ.
Ngài lần lượt trả lời 3 câu hỏi do đại diện các bạn trẻ nên lên: Câu hỏi đầu tiên liên quan đến hai khía cạnh của cùng một sự tìm kiếm, đó là xây dựng căn tính bản thân và những ước mơ của mình.
Câu thứ hai về vấn đề phân định trong cuộc sống và ý tưởng sự dấn thân và trách nhiệm đối với thế giới. Câu câu thứ ba do một nam y tá nêu lên về đề tài đức tin và sự tìm kiếm ý nghĩa.
Cụ thể:
Thắc mắc thứ I
do hai bạn trẻ nêu lên: Letizia 23 tuổi và Lucamatteo 21 tuổi.
– Cô Letizia là một sinh viên đại học. Hồi cuối lớp 5 (lớp 10 của Việt Nam) của bậc trung học, cô có ý định học về nghệ thuật và ngỏ ý với giáo sư môn này vì ông đã dạy nhiều điều làm cô say mê và muốn theo con đường của ông. Nhưng ông trả lời rằng thời nay không còn như trước, có cuộc khủng hoảng kinh tế, vì thế nếu theo ngành nghệ thuật này sẽ khi ra trường sẽ không tìm được việc làm. Tốt hơn nên chọn ngành học nào đáp ứng các nhu cầu của thị trường. Cô Letizia rất thất vọng và cảm thấy bị bội phản trong mơ ước mà cô đã bộc lộ cho giáo sư, cô cảm thấy không được khuyến khích theo đuổi giấc mơ của mình. Sau cùng Letizia quyết định cứ theo con đường đam mê của mình là học về nghệ thuật.
Một hôm trong một nhóm sinh hoạt của các em nhỏ, nơi cô làm huấn luyện viên, một em bé gái cho biết em tín nhiệm nơi cô và quí mến chọn lựa của cô. Em coi cô là gương mẫu và muốn làm như cô vậy.
Letizia nói với ĐTC: ”Bất chợt, trong lúc ấy, con ý thức con phải quyết tâm trở thành một nhà giáo dục: con sẽ không làm như người lớn kia đã phản bội và làm cho con thất vọng, nhưng con sẽ dành thời giờ và nghị lực, với tất cả uy tín mà con có thể có để giúp đỡ một người đã tín thác nơi con”.
– Lucamatteo thuật với ĐTC và mọi người: nhiều khi con nhìn tương lai như một tấm phim miếng (diapositif) trắng trơn, chẳng có gì cả, và con tìm cách vẽ lên đó tương lai của con. Nhưng rồi con thấy có cái gì đó làm con không thỏa mãn. Con nghĩ: chính chúng ta vẽ lên tương lai của mình. Nhiều khi chúng ta bắt đầu từ một dự phóng lớn, như một bức bích họa lớn, rồi dần dần, chúng ta bỏ đi một số chi tiết, tháo gỡ một số mảnh. Rốt cục, vì sợ người khác và sự phán xét của họ, những dự án ấy bị thu hẹp lại, nhỏ hơn nhiều so với lúc khởi đầu. Và rốt cuộc con tạo nên môt cái gì đó không luôn luôn làm con hài lòng..
ĐTC trả lời:
Trong câu trả lời, ĐTC đề cao tầm quan trọng của những mơ ước. ”Chúng mở rộng cái nhìn của chúng ta, giúp chúng ta ôm lấy cả chân trời, vun trồng hy vọng trong mọi hoạt động hằng ngày. Và những giấc mơ của người trẻ quan trọng hơn cả, đó là những ngôi sao sáng, chỉ dẫn một con đường khác cho nhân loại…
”Nhưng chắc chắn là các giấc mơ cần phải tăng trưởng, thanh tẩy, thử nghiệm và chia sẻ. Các bạn có bao giờ tự hỏi những giấc mơ của các bạn từ đâu mà đến hay không? Phải chăng chúng nảy sinh khi các bạn xem truyền hình? hoặc khi lắng nghe một người bạn? hay là mơ ước với đôi mắt mở toang? Đó là những giấc mơ lớn hay chỉ là những giấc mơ bé nhỏ, nghèo nàn, hài lòng với những gì ít ỏi bao nhiêu có thể?
Kinh thánh dạy chúng ta rằng những giấc mơ lớn là những giấc mơ có khả năng phong phú, gieo vãi an bình và tình huynh đệ. Đó là những giấc mơ lớn vì chúng nghĩ đến tất cả mọi người như thể nghĩ đến chính mình.. Và để tiếp tục là những giấc mơ lớn, cần có một nguồn hy vọng vô tận, một Đấng Vô Biên thổi vào bên trong và làm cho chúng nở lớn hơn. Những giấc mơ lớn cần Thiên Chúa để khỏi trở thành những ảo ảnh hay sự điên rồ mơ ước toàn năng.
ĐTC cũng nhận xét rằng những giấc mơ của người trẻ làm cho người lớn có phần lo sợ vì họ đã ngưng mơ ước và không dám liều, có lẽ vì những giấc mơ của các bạn đã làm cho những chọn lựa của họ bị khủng hoảng. Nhưng các bạn đừng để người ta cướp mất những giấc mơ của mình. Hãy tìm kiếm những thầy tốt, có khả năng giúp các bạn hiểu các giấc mơ ấy và làm cho chúng dần dần được thể hiện trong sự từ từ và thanh thản. Và đến lượt mình, các bạn hãy trở thành những người thầy tốt, thầy dạy hy vọng và tín nhiệm nơi các thế hệ trẻ nối tiếp các bạn.
”Cuộc đời không phải là một thứ xổ số trong đó chỉ có những người may mắn mới có thể thực hiện được những giấc mơ của họ. Cuộc đời là một thách đố trong đó người chiến thắng thực sự là người cùng nhau chiến thắng, không đè bẹp người khác, không loại trừ một ai”.
Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 đã nói: ”Tôi chưa hề gặp một người bi quan nào đến độ họ không làm một điều gì tốt lành” (phỏng vấn Đức Cha Capovilla dành cho Sergio Zavoli, báo Jesus n.6, 2000). Vậy các bạn hãy duy trì một cái nhìn tích cực và nhìn nhận những điều thiện hảo đối với thời nay và tương lai. Các bạn đừng sợ hãi, khó khăn bao giờ cũng xảy ra đối với mỗi thế hệ và mỗi thế hệ đàu có nghĩa vụ phải khắc phục những khó khăn ấy và biến chúng thành những cơ hội làm điều thiện”.
Thắc mắc thứ II
do cô Martina 24 tuổi nêu lên liên quan đến dự phân định trong cuộc sống và sự dấn thân, trách nhiệm đối với thế giới mà người trẻ đang thực hiện thời nay
Cô cho biết gần đây, nhận xét của một giáo sư làm cô suy nghĩ: thế hệ chúng con ngày nay không có khả năng chọn một chương trình truyền hình, huống chi là dấn thân trong một quan hệ kéo dài cả đời…
”Thực tế là con cảm thấy khó nói rằng con là người đã đính hôn. Đúng hơn con thích nói ”Tôi nhập cuộc”, đơn sơ dễ dàng hơn. Nói như thế con cảm thấy ít trách nhiệm hơn, ít là trước mắt người khác. Nhưng trong thâm tâm con cảm thấy muốn dấn thân thực sự đề ra dự phóng và xây dựng ngay từ bây giờ một cuộc sống chung giữa hai người với nhau.
”Vì thế, con tự hỏi; tại sao ước muốn lập những quan hệ chân thực, giấc mơ lập gia đình, lại bị coi là kém quan trọng hơn những giấc mơ khác, và phải tùy thuộc mình có thành đạt trong nghề nghiệp hay không? Con nhận thấy những ngừơi lớn mong đợi nơi con: trước hết là có nghề nghiệp, rồi bắt đầu là ”một ngừơi”.
”Chúng con cần những người lớn nhắc nhở chúng con rằng thật là đẹp khi ước mơ chung hai người với nhau! Chúng con cần những người lớn kiên nhẫn ở gần và dạy chúng con kiên nhẫn, dạy chúng con biết lắng nghe là hơn là luôn luôn có lý! Chúng con cần những điểm để tham chiếu, say mê và liên đới.
Tại sao những người lớn đang đánh mất cảm thức xã hội, sự trợ giúp lẫn nhau, dấn thân cho thế giới và trong các quan hệ? Tại sao điều này cũng xảy ra đôi khi đối với các LM và các giáo chức?
ĐTC trả lời
Chọn lựa, có thể quyết định về mình dường như là một sự biểu lộ cao cả nhất về tự do. Theo một nghĩa nào đó, đúng như vậy. Nhưng ý tưởng về sự chọn lựa mà chúng ta thấy ngày nay là một ý tưởng về tự do không có ràng buộc nào, không có sự dấn thân và luôn luôn có một con đường để thoát thân. Họ nói ”Tôi chọn, nhưng mà..”. Luôn luôn có cái ”nhưng mà” như thế, và cái ”nhưng mà” này nhiều khi lớn hơn cả sự chọn lựa và bóp nghẹt nó. Và thế là tự do bị dần dần mất đi và không còn duy trì được những lời hứa hẹn về cuộc sống và hạnh phúc. Và lúc ấy chúng ta kết luận rằng cả tự do cũng chỉ là một sự lừa đảo và hạnh phúc là điều chẳng có được.
Tự do của mỗi người là một hồng ân lớn, không chấp nhận thái độ nửa chừng. Và cũng như mọi ân huệ, cần phải đón nhận, đón nhận theo mức độ chúng ta cởi mở tâm trí và cuộc sống.. Với thái độ dè dặt ”nhưng mà”, chúng ta chối bỏ hồng ân ấy, tỏ ra không hiểu đó là gì và quan trọng ra sao. Chắn chắn là việc bày tỏ sự ưng thuận, có thể làm cho ta lo lắng, làm cho tâm trí ta đầy những ý tưởng tiêu cực. Nhưng các bạn có biết vào thời Chúa Giêsu cũng có lo âu hay không? Lo âu không phải là một điều người ta phát minh gần đây. Chúa Giêsu đã nói rõ với các môn đệ: Các con đừng lo âu (Xc Lc 12,29), hãy có đức tin, hãy tin tưởng! Hãy phân biệt điều gì là quan trọng với điều không quan trọng. Hãy khôn ngoan..
Cụ thể hơn, ĐTC nói rằng: Các bạn hãy hiểu rằng sự chọn lựa kết hôn, lập gia đình, hoặc chọn dâng mình cho Thiên Chúa và anh chị em trong sự thánh hiến, đó là tìm được một kho tàng quí giá hơn. Và cần hành động phù hợp. Vì chính Chúa đã giấu kho tàng ấy trong đời sống chúng ta để chúc lành và làm cho đời sống chúng ta phong phú. Chọn lựa kho tàng chính là chọn con đường biết ơn, con đường các mối phúc thật”.
Thắc mắc thứ III
do Anh Dario 27 tuổi, là một y tá làm việc trong lãnh vực săn sóc chống đau. Anh cho biết trong cuộc sống, có những lúc anh đối đầu với vấn đề đức tin và nhiều lần những nghi ngờ nhiều hơn là chắc chắn. Những thắc mắc của anh ít được những câu trả lời cụ thể và nhiều khi nghĩ rằng những câu trả lời không hữu lý lắm.
Anh cũng nhận thấy không dễ tìm được một người hướng dẫn để đối chiếu và tìm kiếm. Rồi có những câu hỏi lớn, ví dụ làm sao Thiên Chúa cao cả và tốt lành lại để cho những bất công xảy ra trên thế giới? Tại sao những người nghèo và những người ở ngoài lề xã hội phải chịu đau khổ dường ấy? ”Công việc hằng ngày của con đặt con trước cái chết và thấy những bà mẹ trẻ hoặc những người cha gia đìn bỏ rơi con cái. Con tự hỏi: tại sao Chúa để như vậy?”
Anh cũng nhận xét rằng ”Giáo Hội, người mang Lời Chúa trên trần thế, dường như ngày càng xa cách, khép kín trong các lễ nghi. Đối với người trẻ, những áp đặt từ trên cao là điều không đủ nữa, chúng con cần những bằng chứng và một chứng tá chân thành của Giáo Hội đòng hành với chúng con và lắng nghe chúng con về những nghi ngờ mà thế hệ chúng con đặt ra hằng ngày. Những hào nhoáng vô ích và những xì căng đan thường xảy ra làm cho Giáo Hội ít được tín nhiệm dưới mắt chúng con. Vậy thưa ĐTC, chúng con phải đọc tất cả những điều đó với con mắt nào?
Trả lời của ĐTC
Trong câu trả lời, ĐTC nhắc nhở rằng khuôn mặt của một Giáo Hội chân chính là điều tùy thuộc mỗi người chúng ta, mỗi tín hữu đã chịu phép rửa. Chứng tá đức tin và đức bác ái giữa anh chị em với nhau phải có tính chất hỗ tương, không thể có tình trạng người này làm chứng tá, còn những người khác đứng đó mà nhìn, chẳng vậy chúng ta phán xét Giáo Hội đi từ những tin tức thời sự được báo chí đăng tải mà quên đi bao nhiêu những công việc lành bé nhỏ và âm thầm, mà các tín hữu Kitô thực hiện nhân danh Chúa.
Giáo Hội không phải chỉ là Giáo Hoàng, các Giám Mục, các LM, nhưng là tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa, và mỗi người được mời gọi làm cho Giáo Hội phong phú hơn về tình yêu, có khả năng hiệp thông hơn, ít bám víu vào những sự trần thế. Nếu những người trẻ các bạn không tham gia vào đời sống Giáo Hội, nếu các bạn không biến sứ điệp Phúc Âm thành của mình, thì Giáo Hội trở nên nghèo nàn hơn, mất sức sinh động! Vẻ đẹp và sự chân thực của Giáo Hội cũng tùy thuộc các bạn. Các bạn không thiếu các dụng cụ để nghe và hiểu lời tốt lánh của Tin Mừng.
ĐTC khuyến khích các bạn trẻ thực hành bí quyết để làm chứng tá là cầu nguyện, là đối thoại với Chúa Cha Đấng ban sinh lực cho tâm trí. ”Chính trong kinh nguyện mà những lời cầu xin của các bạn tìm được những lời đúng đắn để lên tới trời cao. Như thế, khi đứng trước sự ác, đau khổ và cái chết, các bạn sẽ được sức mạnh của Thánh Linh để đón nhận mầu nhiệm sự sống và không đánh mất niềm hy vọng”.
Sau phần trả lời của ĐTC, một phụ nữ trẻ Nicoletta Tinti, bị liệt hai chân, với sự giúp đỡ của Silvia Bertoluzza, trình diễn một điệu vũ ngắn tạo cho người xem cảm tưởng đang ngồi. Sau đó cô được giúp đứng dậy và ngồi trên xe lăn của cô. Cô bày tỏ một sứ điệp ngắn nói lên niềm hy vọng.
Sau khi chào cô, ĐTC đã bắt đầu buổi canh thức cầu nguyện cho đến lúc 8 giờ rưỡi tối.
Bài suy niệm của ĐTC
Trong bài suy niệm nhân dịp này, ĐTC đã nhắc đến bài Tin Mừng theo thánh Gioan (20, 1-8), thuật lại sự tích bà Maria Magdala đến viếng mộ Chúa và về báo tin cho các môn đệ về sự kiện mộ trống. Thánh Gioan và Phêrô vội chạy tới mộ, Gioan chạy tới trước nhưng đợi Phêrô. Từ đó, ĐTC nói:
”Tôi vui mừng thấy các bạn chạy nhanh hơn những người trong Giáo Hội hơi chậm chạp và sợ hãi, các bạn được Tôn Nhan đáng yêu thu hút, Đấng mà chúng ta thờ lạy trong Thánh Thể và nhận ra Ngài nơi thân mình của người anh em đau khổ. Xin Chúa Thánh Linh thúc đẩy các bạn trong hành trình tiến về đằng trước này. Giáo Hội đang cần đà tiến của các bạn, cần những trực giác và đức tin của các bạn. Và khi các bạn đến nơi mà chúng tôi chưa tới, các bạn hãy kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi, như Gioan đã đợi Phêrô trước ngôi mộ trống. Khi cùng nhau bước đi trong những ngày này, các bạn đã cảm nghiệm thế nào là sự vất vả khi đón nhận người anh em, chị em bên cạnh, và cũng thấy bao nhiêu niềm vui mà sự hiện diện của họ có thể mang lại cho bạn, nếu bạn chấp nhận sự hiện diện ấy trong cuộc sống của mình mà không theo thành kiến hoặc khép kín”.
Ngôi mộ trống dạy chúng ta đừng sợ hãi
ĐTC cũng nhấn mạnh sự kiện ngôi mộ trống của Chúa Kitô đã trở thành dấu chỉ trong đó chiến thắng chung kết của Chúa trên sự sống được chiếu tỏa rạng ngời và ngài nói: ”Vậy chúng ta đừng sợ hãi! Chúng ta không tránh khỏi những nơi đau khổ, thất bại và sự chết. Nhưng Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh lớn hơn tất cả những bất công và những yếu đuối của lịch sử: Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, và ban sự sống của Ngài cho chúng ta. Và Chúa sai chúng ta đi loan báo cho các anh chị em chúng ta rằng Ngài đã sống lại, Ngài là Chúa, và Ngài ban cho chúng ta Thánh Linh để cùng Ngài gieo vãi Nước Thiên Chúa trong thế giới”.
Và ĐTC kết luận rằng ”Ngày nay bao nhiêu ngôi mộ đang chờ đợi chúng ta viếng thăm! Bao nhiêu người bị thương, cả những người trẻ, đang cần được khép kín đau khổ của họ. Với sức mạnh của Thánh Linh và Lời Chúa Giêsu chúng ta có thể đẩy tảng đá lớn sang một bên và để những tia sáng chiếu vào trong những khe tối tăm ấy”.
Sau buổi cầu nguyện, các bạn trẻ còn tham dự chương trình ”Thức trắng đêm”: họ đi tới một số thánh đường ở trung tâm Roma, dự các buổi chầu Thánh Thể, chia sẻ chứng từ, và lãnh nhận bí tích Hòa giải.
G. Trần Đức Anh OP – Vatican