ĐTC Phanxicô: Làm Giáo hoàng không phải là một việc dễ dàng

1. ĐTC Phanxicô: Làm Giáo hoàng không phải là một việc dễ dàng

Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi nhật báo Il Fatto Quotidiano của Ý nhân dịp 10 năm giáo hoàng, Đức Thánh Cha nói rằng làm Giáo hoàng không phải là một việc dễ dàng. Không ai đã học hỏi trước khi làm việc này. Ngài xin mọi người cầu nguyện khi nói về tương lai của Giáo hội và triều đại Giáo hoàng của ngài cho đến nay.
Đức Thánh Cha nhắc lại Thánh Phêrô đã “vấp ngã” thế nào khi chối bỏ Chúa Kitô. Nhưng sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã chọn Phêrô một lần nữa. Đức Thánh Cha giải thích: “Đó là lòng thương xót của Chúa đối với chúng ta. Cũng với Giáo hoàng. ‘Servus inutilis sum – Tôi là một đầy tớ vô dụng’, như Thánh Phaolô VI đã viết trong tác phẩm ‘Những suy nghĩ về sự chết.’”

Chúa phán xét dự trên việc thực hành lòng thương xót

Về những hy vọng đối với tương lai của Giáo hội, thế giới và cuộc sống của chính ngài, Đức Thánh Cha cho biết “chương trình điều hành” trong triều đại giáo hoàng của ngài là thực hiện các yêu cầu của Hồng y đoàn, các cuộc họp diễn ra trước mật nghị bầu chọn ngài. Ngài cũng nói rằng vào năm 2013, ngài thường suy tư về một đoạn trích từ bài giảng Thánh lễ đầu tiên của Đức Biển Đức XVI. Ngài từ chối đánh giá triều đại Giáo hoàng của ngài cho đến nay. Ngài nói rằng, một ngày nào đó, Chúa sẽ phán xét cuộc đời của ngài dựa trên việc ngài có thực hành các công việc Thương xót Thể lý như Chúa Giêsu đã dạy hay không.

Hoà bình cho thế giới; Giáo hội không có chủ nghĩa giáo sĩ

Đối với thế giới, ngài cầu chúc hoà bình. Ngài cũng chỉ trích điều mà ngài gọi là “sự toàn cầu hóa của thái độ dửng dưng” trước những thảm kịch như chiến tranh.

Đức Thánh Cha mơ về tương lai của Giáo hội là một Giáo hội dấn thân đi ra thế giới và ở giữa mọi người, một Giáo hội không có chủ nghĩa giáo sĩ. Ngài trích lời Đức Hồng y Henrie de Lubac, đối với một linh mục, chủ nghĩa giáo sĩ “sẽ vô cùng tai hại hơn bất kỳ tính thế tục đạo đức.”

Xin cầu nguyện

Nói với độc giả của tờ báo, Đức Thánh Cha xin những lời cầu nguyện từ những người cầu nguyện và “những tình cảm tốt” từ những người không cầu nguyện. Ngài nói: “Giáo hoàng yêu quý các bạn và đang cầu nguyện cho các bạn.” Ngài nói thêm: “Ngay cả khi những điều tồi tệ xảy ra, ngay cả khi các bạn có kinh nghiệm tồi tệ về một người nào đó của Giáo hội, đừng để điều đó ảnh hưởng đến các bạn. Chúa luôn mở rộng vòng tay chờ đợi các bạn.” (CNA 12/03/2023)

2. Lãnh đạo các Giáo hội chúc mừng và chia sẻ về ĐTC nhân kỷ niệm 10 năm Giáo hoàng

Bên cạnh những lời chúc mừng của các Hồng y, Giám mục cũng như của nhiều tổ chức Công giáo gửi đến Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 10 năm ngài kế vị Thánh Phêrô, cũng có lời chúc mừng và chia sẻ của các vị lãnh đạo các Giáo hội Chính Thống, Anh Giáo và Do Thái giáo ở Rôma, cũng như của Đại Giáo trưởng Hồi giáo.

Chính Thống giáo Constantinople

Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ Bartolômêô của Chính Thống giáo Constantinople

Trong lời chúc mừng, Đức Thượng phụ Bartolômêô của Chính Thống giáo Constantinople, viết: “Trong mười năm qua, tình bạn và sự hợp tác của chúng ta, đặc biệt là trong sứ vụ mang lại sự an ủi và bình an cho toàn thể dân Chúa, và trong nhiệm vụ cổ võ chăm sóc và chữa lành cho toàn thể công trình Sáng tạo của Chúa, đã đưa chúng ta đến với nhau trong niềm tin và sự dấn thân chung để nhìn thấy khuôn mặt và chào đón sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô nơi những anh chị em đau khổ bé nhỏ nhất của chúng ta.”

Đức Thượng phụ viết tiếp: “Cá nhân tôi mong muốn được chia sẻ những bước tiếp theo trong hành trình diễm phúc của ngài khi chúng ta tiến gần đến lễ kỷ niệm lịch sử và lễ kỷ niệm đặc biệt của Công đồng Đại kết đầu tiên Nixêa”. Và ngài cầu chúc Đức Thánh Cha với lời chúc “Ad multos annos – trường thọ!

Anh giáo

ĐTC và Đức Tổng Giám mục Anh giáo Justin Welby
ĐTC và Đức Tổng Giám mục Anh giáo Justin Welby

Về phần mình, Đức Tổng Giám mục Anh giáo của Canterbury, Justin Welby, đã nhắc lại lần đầu gặp gỡ Đức Thánh Cha. Ngài lo lắng vì vừa bắt đầu làm Giám mục Canterbury và chưa bao giờ gặp một Giáo hoàng, nên không biết Giáo hoàng là người thế nào. Bắt đầu cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha nói: “Tôi lớn hơn ngài…”, khi đó Đức Tổng Giám mục đã nghĩ: “Chết rồi! Ông ta sẽ là một trong những người…”. Nhưng Đức Thánh Cha đã nói thêm: “3 ngày!”. Bởi vì ngài bắt đầu sứ vụ trước Tổng Giám mục Welby 3 ngày. Sự khởi đầu câu chuyện này đã định hình những suy nghĩ của vị lãnh đạo Anh giáo về Đức Thánh Cha.

Đức Tổng Giám mục của Canterbury nhận định: “Ba điều này: khả năng phi thường về trí tuệ và tính cách, chiều sâu của trái tim và sự đơn sơ của ngài cho ngài tiếp cận với những người bên ngoài Giáo hội một cách phi thường, như Thánh Gioan Phaolô II đã làm. Nơi ngài có một sự sâu sắc, điều là phúc lành cho cả Giáo Hội chứ không riêng Giáo hội Công Giáo.”

Cộng đoàn Do Thái ở Rôma

ĐTC và ông Riccardo di Segni, lãnh đạo cộng đoàn Do Thái ở Rôma
ĐTC và ông Riccardo di Segni, lãnh đạo cộng đoàn Do Thái ở Rôma

Ông Riccardo di Segni, lãnh đạo cộng đoàn Do Thái ở Rôma, nói rằng “điều ước của tôi dành cho Đức Thánh Cha Phanxicô là ngài tiếp tục có nhiều sức khỏe, nhiều sức mạnh và trên hết là ngài có sự khôn ngoan và tiếp tục lãnh đạo cộng đồng của ngài bằng sức mạnh và sự khôn ngoan mà ngài đã có cho đến nay. Ngoài ra, mong ước ngài duy trì tình bạn đặc biệt mà ngài đã muốn có với người Do Thái.”

Hồi giáo

ĐTC và Đại Giáo trưởng Hồi giáo Ahmad Al-Tayyeb của Đại học al-Azhar
ĐTC và Đại Giáo trưởng Hồi giáo Ahmad Al-Tayyeb của Đại học al-Azhar

Đại Giáo trưởng Hồi giáo Ahmad Al-Tayyeb của Đại học al-Azhar, một người bạn của Đức Thánh Cha, đề cao nỗ lực của Đức Thánh Cha trong 10 năm qua, trong việc xây dựng những nhịp cầu yêu thương và tình huynh đệ giữa tất cả mọi người và những nỗ lực thúc đẩy các giá trị của tình huynh đệ nhân loại.

Ông viết tiếp: “Thưa Đức Thánh Cha Phanxicô, thế giới của chúng ta ngày nay đầy rẫy những thách thức, xung đột và khó khăn trên mọi bình diện đạo đức, kinh tế và xã hội, làm gia tăng sự đau khổ của nhiều người; vì vậy, trách nhiệm của những người lãnh đạo và của một nhân vật tiêu biểu nhất quán như ngài trong việc xoa dịu nỗi đau khổ của người dân và những người bị áp bức trở nên lớn lao. Tôi cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho những nỗ lực của ngài trong việc theo đuổi hòa bình và giúp chúng tôi cùng với quý vị và tất cả những ai yêu mến điều thiện và những người có thiện chí chu toàn bổn phận tôn giáo và luân lý của chúng ta nhằm thúc đẩy hòa bình và củng cố sự hiểu biết và liên đới lẫn nhau.”

Hồng Thủy – Vatican News

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *