ĐTC viếng thăm Mông Cổ vì Giáo hội không đếm số lượng

1. ĐTC xin cầu nguyện cho chuyến tông du của ngài tại Mông Cổ

2023.08.27 Angelus
Trước chuyến viếng thăm Mông Cổ từ ngày 31/8 đến 04/9, Đức Thánh Cha xin mọi người cùng đồng hành với ngài bằng lời cầu nguyện.
Sau Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 27/8, Đức Thánh Cha đã xin mọi người cầu nguyện cho chuyến tông du  của ngài vào thứ Năm sắp tới tại Mông Cổ, ngài nói: “Đây là một chuyến viếng thăm được nhiều người mong đợi, sẽ là một cơ hội để đón nhận một Giáo hội tuy nhỏ về số lượng nhưng sống động trong đức tin và lớn lao trong đức ái; và cũng được gặp gỡ gần gũi một dân tộc cao quý, khôn ngoan với truyền thống tôn giáo vĩ đại mà tôi có vinh dự được biết, đặc biệt trong bối cảnh một sự kiện liên tôn giáo.”

Sau đó, Đức Thánh Cha nhắn gởi đến người dân Mông Cổ: “tôi rất vui được đến ở giữa quý vị như người anh em của tất cả mọi người. Tôi xin cảm ơn Chính quyền của quý vị vì lời mời hữu nghị và tất cả những người đang chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của tôi bằng sự dấn thân lớn lao.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha xin mọi người đồng hành với ngài bằng lời cầu nguyện trong chuyến viếng thăm Mông Cổ này.

Mông Cổ là một quốc gia Đông Á với số tín hữu Công giáo chỉ khoảng 1.500 người trong tổng dân số khoảng 3 triệu người. Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Mông Cổ từ ngày 31/8 đến 04/9.

Văn Yên, SJ – Vatican News

2. ĐTC viếng thăm Mông Cổ vì Giáo hội không đếm số lượng

Nhà thờ Chính toà Thánh Phêrô và Phaolô ở Ulaanbaatar

Nhà thờ Chính toà Thánh Phêrô và Phaolô ở Ulaanbaatar 
Nhận định về chuyến tông du sắp tới của Đức Thánh Cha tại Mông Cổ, ông Andrea Tornielli, Tổng biên tập Vatican News nói rằng Đức Thánh Cha đến Mông Cổ để chứng tỏ rằng Giáo hội dành cho mọi người. Điều Giáo hội quan tâm là con người chứ không phải là những con số.

Andrea Tornielli

Theo Tổng biên tập Vatican News, chuyến tông du đến Mông Cổ của Đức Thánh Cha là cuộc viếng thăm mà ngài “rất mong muốn”, vốn đã nằm trong các chương trình chưa thực hiện được của Thánh Gioan Phaolô II, sau sự hiện diện của các nhà truyền giáo vào đầu những năm 1990 đã làm sống lại một cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Cộng đoàn sẽ được chào đón Người Kế Vị Thánh Phêrô giữa lòng châu Á là một Giáo hội “nhỏ về số lượng, nhưng sống động trong đức tin và lớn lao trong đức ái”. Đức Thánh Cha sẽ gặp không chỉ 1.500 người Công giáo của đất nước, nhưng tất cả dân tộc “cao quý” và “khôn ngoan” với truyền thống Phật giáo vĩ đại.

Ông Tornielli đưa ra những câu hỏi mà gần đây có nhiều người đặt ra về chuyến tông du này: Tại sao Đức Thánh Cha đến Mông Cổ? Tại sao ngài lại dành 5 ngày để thăm một nhóm nhỏ người Công giáo? Liệu “địa chính trị” có liên quan đến chuyến tông du, vì quốc gia này giáp Nga và Trung Quốc?

Tổng biên tập Vatican News trả lời: “Thực tế lý do thúc đẩy cuộc hành hương đến vùng ngoại vi châu Á không liên quan gì đến ‘địa chính trị’, và chắc chắn không phải là điều ưu tiên trong triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô”. Theo ông Tornielli, không chỉ Đức Thánh Cha Phanxicô mà trước ngài Thánh Giáo hoàng Phaolô VI cũng đã chứng tỏ điều này: Vào ngày 30/11/1970, Thánh Phaolô VI tông du đến quần đảo Samoa ở Thái Bình Dương. Trong Thánh lễ tại làng Leulumoega Tuai, trên bờ biển phía tây bắc của đảo Upolu, Đức Giáo Hoàng khẳng định không phải vì thích du hành, nhưng chính vì sự quan tâm mà ngài đến đây với mọi người. Ngài nói: “Tôi đến đây vì tất cả chúng ta đều là anh chị em, hay đúng hơn vì anh chị em là những người con của tôi, và tôi như là một người cha gia đình, gia đình này là Giáo hội Công giáo”. Và Thánh Giáo hoàng nhấn mạnh thêm rằng ngài đến để tỏ cho mọi người thấy tất cả đều được yêu thương. Ngài đặt câu hỏi: “Anh chị em có biết ‘Giáo hội Công giáo’ có nghĩa là gì không? Có nghĩa là Giáo hội được lập nên cho toàn thể vũ trụ, cho tất cả mọi người. Mọi người thuộc mọi quốc gia, chủng tộc, tuổi tác hay trình độ học vấn, đều có chỗ trong Giáo hội”.

Tổng biên tập Vatican News kết luận: “Giáo hội là nơi dành cho mọi người. Giáo hội, nơi ưu tiên không phải là con số và nơi không có ai là người xa lạ, bất kể họ thuộc ngôn ngữ, văn hóa, dân tộc hay quốc gia nào. Đó là Giáo hội dành cho mọi người mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến ở Lisbon. Chưa đầy một tháng sau Đại hội Giới trẻ Thế giới, Giám mục Roma lại lên đường, để nói với ‘anh chị em Mông Cổ’ rằng ngài ‘rất vui được đến giữa anh chị em như người anh em của tất cả mọi người’”.

3. Cuộc viếng của ĐTC tới Mông Cổ làm cho các tín hữu cảm thấy mình là trung tâm của GH

Đức Hồng Y Giorgio Marengo, Phủ doãn Tông tòa thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ nói với Vatican News: “Sự hiện hiện của Đức Thánh Cha tại Mông Cổ làm cho chúng tôi cảm thấy mình là trung tâm của Giáo hội”, và “cuộc viếng thăm này sẽ giúp tăng cường mối quan hệ vốn đã tốt đẹp giữa Toà Thánh và Nhà nước Mông Cổ”.
ĐTC viếng thăm Mông Cổ vì Giáo hội không đếm số lượng

Những mong đợi

Đi từ khẩu hiệu của chuyến tông du “Cùng nhau hy vọng”, cuộc phỏng vấn được bắt đầu với câu hỏi về những mong đợi của cuộc viếng thăm. Đức Hồng Y tin rằng cuộc viếng thăm sẽ giúp các tín hữu Công giáo Mông Cổ cảm thấy mình là trung tâm của Giáo hội. Ngài nói: “Đối với chúng tôi, về mặt địa lý là những người sống ở một khu vực ngoại vi rất xa của thế giới, sự hiện diện của Đức Thánh Cha sẽ làm cho chúng tôi cảm thấy không xa cách nhưng gần gũi, ở trung tâm của Giáo hội”. Và mong đợi thứ hai, theo Đức Hồng Y, đó là cuộc viếng thăm tăng cường mối quan hệ vốn đã tốt đẹp giữa Toà Thánh và nhà nước Mông Cổ.

Chuẩn bị cuộc viếng thăm

Về những việc chuẩn bị cho cuộc viếng thăm, Đức Hồng Y nhấn mạnh đến chiều kích thiêng liêng. Ngài nói: “Đối với chúng tôi, cuộc viếng thăm này rất quan trọng và vì thế chúng tôi muốn bắt đầu bằng cuộc hành hương với tượng Đức Trinh Nữ Maria mới được tìm thấy cách đây không lâu trong một bãi rác ở phía bắc đất nước. Đức Mẹ đã thánh du viếng thăm các cộng đoàn Công giáo. Trong cuộc rước này, các tín hữu đọc kinh Mân Côi xin phúc lành cho chuyến tông du này”.

Những hoạt động chính của Giáo hội

Đi vào thực tế đời sống Giáo hội, Đức Hồng Y cho biết 70% hoạt động dấn thân của Giáo hội có liên quan đến các dự án thăng tiến con người toàn diện: từ giáo dục đến chăm sóc sức khỏe, cụ thể là chăm sóc những người yếu đuối nhất. Tất nhiên Giáo hội quan tâm đến đời sống đức tin với những hình thức cụ thể cho các dự tòng, tân tòng, đời sống phụng vụ và dạy giáo lý. Đây là những hình thức chăm sóc mục vụ tìm cách tập trung trước hết vào phẩm chất của việc lựa chọn đức tin của dân chúng.

Những thách đố Giáo hội phải đối diện

Mỗi Giáo hội địa phương đều có những thách đố phải đối diện, Giáo hội Mông Cổ cũng vậy. Đức Hồng Y cho biết thách đố đầu tiên quan trọng nhất đó là sống theo Tin Mừng, làm sao để mỗi cộng đoàn trở thành những môn đệ và nhà truyền giáo. Thách đố tiếp theo đó là vấn đề hội nhập văn hoá, điều này cần thời gian, bởi vì nó phải đi cùng với sự trưởng thành đức tin. Và việc đào tạo các giáo lý viên, nhân viên mục vụ, các giáo sĩ địa phương và quốc tế là thách đố thứ ba của Giáo hội tại đây.

Đối thoại liên tôn

** Về đối thoại liên tôn trong một đất nước đa số theo Phật giáo, Đức Hồng Y giải thích rằng đối thoại liên tôn đánh dấu kinh nghiệm của Giáo hội ở Mông Cổ. Giáo hội ý thức cần phải có các tương quan với các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác. Trong những năm gần đây, đó là một chiều kích nền tảng luôn đồng hành với các vị mục tử. Chiều kích này đã được tăng cường, trước đây cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo tôn giáo diễn ra một năm một lần, nhưng giờ đây đã được tổ chức hai tháng một lần. Mục đích của các lần gặp gỡ là để hiểu nhau hơn và để chia sẻ hành trình sống của Giáo hội.

Tình hình xã hội đất nước

Trong cuộc phỏng vấn, liên quan đến tình hình đất nước Đức Hồng Y cho biết, xã hội Mông Cổ đang trong một giai đoạn biến đổi lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế buộc đất nước phải thay đổi lối sống ngày càng cởi mở hơn với sự toàn cầu hoá. Sự phát triển nhanh chóng này mang lại những cơ hội nhưng cũng có những rủi ro, chẳng hạn như bỏ lại phía sau những người không thể theo kịp hoặc làm suy yếu một số truyền thống địa phương vốn ủng hộ sự gắn kết xã hội nhiều hơn. Nói tóm lại, đây là một quốc gia muốn chứng tỏ tiềm năng của mình với phần còn lại của thế giới.

Tương quan giữa Giáo hội và xã hội dân sự

Với câu hỏi cuối cùng đề cập đến tương quan giữa Giáo hội và xã hội dân sự, Đức Hồng Y nhận định: “Có một cuộc đối thoại chân thành. Có một mối quan hệ làm phong phú lẫn nhau, đặc biệt là trong những năm gần đây. Bằng sự nhỏ bé của mình, chúng tôi cố gắng đảm bảo rằng trải nghiệm đức tin của chúng tôi có thể làm phong phú thêm xã hội trong sự hài hòa với các thực tại tôn giáo khác. Theo nghĩa này, tôi muốn nhắc lại rằng có rất nhiều sáng kiến hợp tác trong lĩnh vực này đang tỏ ra rất hiệu quả”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *