Lời Chúa: Ga 5,1-3a.5-16
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an
1 Nhân một dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. 2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang. 3a Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt. 5 Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. 6 Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói : “Anh có muốn khỏi bệnh không ?” 7 Bệnh nhân đáp : “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi !” 8 Đức Giê-su bảo : “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi !” 9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.
Hôm đó lại là ngày sa-bát. 10 Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh : “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng !” 11 Nhưng anh đáp : “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi : ‘Anh hãy vác chõng mà đi !’” 12 Họ hỏi anh : “Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng mà đi’ ?” 13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. 14 Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói : “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước !” 15 Anh ta đi nói với người Do-thái : Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh. 16 Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.
Lòng ham muốn. Trong tiếng Hán, đó là chữ Dục (欲). Mà khi chiết tự, chúng ta thấy:
Ở phía bên phải là bộ khiếm (欠) nghĩa là còn thiếu, chưa được, chưa đủ.
Phía bên trái: trên đầu là chữ bát (八) nghĩa là tám, chỉ số lượng.
Chính giữa là chữ nhân (人) nghĩa là người.
Và dưới cùng bên trái là chữ khẩu (口) nghĩa là miệng. Miệng để ăn uống, đồng thời cũng là cơ quan phát ra tư tưởng, lời nói; là tượng trưng tinh thần, cho tư tưởng.
Vậy chữ “Dục” có nghĩa là tượng trưng cho người có những ý nghĩ, những suy tính trong đầu, những ước vọng, những mong muốn nhưng chưa nói ra được… Đó là lòng ham muốn, ưa thích, là nguyện ước, và những hy vọng mà mình muốn đạt được ở một điều gì đó.
Là con người, ai trong chúng ta cũng có lòng ham muốn và những ước vọng. Đó là sự mong mỏi đạt được hạnh phúc. Về phương diện này, quả thực mọi người đều như nhau, vì tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc, mặc dù có thể mỗi người có thể hiểu về hạnh phúc một cách khác nhau.
Không ai trong chúng ta lại mong muốn khổ đau hay thất vọng, dù chỉ là một chút xíu. Nếu xét kỹ, ta có thể thấy rằng mọi hành vi của ta đều được khởi động bởi lòng ham muốn có được những cảm xúc thoải mái dễ chịu, để tránh phải gặp sự bất ưng, sự phiền toái; hoặc là muốn được an nhàn thư thái; muốn được khỏe mạnh không bệnh tật…
Ham muốn hoặc khao khát, tự mình nó không sai trái. Vì Thiên Chúa dựng nên chúng ta với thuộc tính biết ham muốn những điều thiện hảo theo ý Chúa (x. Tv 119).
Nếu chúng ta không có lòng ham muốn sự thiện thì chúng ta sẽ không biết Thiên Chúa, vốn là Đấng trọn lành, thiện hảo. Nếu không có sự ham muốn thì chúng ta cũng chẳng nghe, chẳng chịu học hỏi Lời Chúa, và cũng chẳng hiểu được Lời Chúa. Và cũng không có ước vọng những sự công chính và thánh thiện, không biết ham muốn nếp sống phước hạnh và đẹp lòng Chúa…
Từ thuở ban đầu, con người đã lạm dụng sự tự do ham muốn. Thay vì ham muốn những sự chính đáng, ham muốn sự thiện, và ham muốn làm đẹp lòng Chúa thì con người lại ham muốn những sai lạc, và điều bất chính. Thật vậy, sự ham muốn mà thiếu lòng kính sợ Thiên Chúa sẽ biến thành lòng tham, và khiến cho chúng ta vi phạm các điều răn khác của Chúa. Thánh Kinh gọi những sự ham muốn sai trái là tham lam, và tham lam cũng là thờ ngẫu tượng (x. Ep 5,5; Cl 3,5). Từ những ham muốn sai lạc, làm cho con người mất ơn nghĩa đối với Thiên Chúa, tội lỗi bắt đầu xuất hiện, và sự chết đã nắm quyền thống trị cuộc sống con người.
Thế nhưng, Thiên Chúa là Đấng giải phóng con người. Từ ngàn xưa, từ khi con người rơi vào những ham múốn bất chính; thì Thiên Chúa đã không ngừng tìm cách đưa con người vượt thoát tình trạng nô lệ tội lỗi và sự chết, để bước vào đời sống tự do.
… Gần cửa Chiên, giữa các hành lang xung quanh hồ nứớc Bết-da-ta, Chúa Giêsu đã gặp, đã động lòng thương xót, bèn hỏi người bại liệt ăn nằm tại đây đã 38 năm rằng: “Anh có muốn được lành bệnh không ?”. Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương, đã chạm tới lòng ham muốn chính đáng tự nhiên của người bệnh – Ham muốn được lành bệnh – Vì Người muốn anh ta đón nhận được lòng thương xót muôn đời của Thiên Chúa. Người luôn thấy và luôn thấu hiểu điều anh ta mong muốn – Mong muốn được chữa lành bệnh tật. Một ham muốn tự nhiên chính đáng, được khơi gợi đúng lúc bĩ cực !
Người bại liệt nương nhờ đồng loại của mình giúp nhưng ngày càng tuyệt vọng, nhưng khi anh đặt đức tin nơi Chúa Giêsu, thì Ngài giúp anh giải phóng được sự tuyệt vọng và được chữa lành.
Việc chữa lành về mặt thực thể nhân trần, chính là hình bóng báo trước cuộc giải phóng tâm linh đưa con người vượt qua ách nô lệ tội lỗi, nô lệ sự chết; tiến tới miền đất tự do là đời sống vĩnh cửu, đời sống tình thương của chính Thiên Chúa. Cuộc giải phóng này sẽ được thực hiện trong cuộc xuất hành của Chúa Kitô, khi Người vượt qua và chiến thắng sự chết; rồi phục sinh vinh hiển, toàn thắng.
Lòng ham muốn được chữa lành của người bại liệt đã giúp tôi rút ra bài học luân lý cho bản thân mình:
Khi ham muốn sai trái, sẽ khiến cho tôi không thỏa lòng trong cuộc sống. Nó làm cho tôi không biết đón nhận những gì Chúa đã ban cho tôi, mà cứ miệt mài theo đuổi những gì không thuộc về mình.
Lòng ham muốn sai trái khiến cho tôi không thỏa lòng về người khác, nó khiến cho tôi đầy lòng ganh tỵ với anh chị em mình. Nhất là khi thấy họ sở hữu những điều tôi ham muốn, mà tôi không có.
Sau hết, lòng ham muốn sai trái khiến cho tôi không thỏa lòng với Chúa, nó khiến cho tôi không biết cảm tạ những điều Chúa đã ban cho tôi, và oán trách Chúa những gì tôi ham muốn mà không có được; thay vì tôi sẽ làm theo ý Chúa muốn, nhưng tôi lại muốn Chúa làm theo ý tôi muốn.
Nguyên tắc để tôi thắng được lòng ham muốn sai trái là sự vững tin vào Lời Chúa, hoàn toàn nương cậy nơi Ngài, và thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ của đời sống mà Chúa cho phép xảy ra cho cuộc đời tôi.
Lạy Chúa Giêsu, trước cảnh thế giới đầy những ham muốn bất chính. Đã gây ra chiến tranh, thù hận giữa các dân tộc với nhau, làm cho các gia đình chia rẽ, con người càng xa nhau, càng mất đi cảm thức bén nhạy của lương tâm. Để rồi người ta không cần biết đến Thiên Chúa, cũng như cũng không cần yêu thương anh em mình. Xin cho chúng con biết ham muốn điều Chúa muốn; cho chúng con được Lời Chúa soi chiếu, biết sống theo Lời Chúa dạy (x, Mt 6,33), để Vương Quốc Tình Thương của Chúa được hiển trị. Amen.
CÁT BIỂN