Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh bác bỏ khả năng chúc lành cho tội lỗi do Tiến Trình Công Nghị Đức đưa ra

1. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh bác bỏ khả năng chúc lành cho tội lỗi do Tiến Trình Công Nghị Đức đưa ra

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh bác bỏ khả năng chúc lành cho tội lỗi do Tiến Trình Công Nghị Đức đưa ra

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cho biết cần phải đối thoại với các giám mục Đức sau một cuộc bỏ phiếu gần đây ủng hộ việc chúc lành cho các cặp đồng giới, nhấn mạnh rằng động thái này không phù hợp với giáo lý chính thức của Công Giáo.

“Một giáo hội địa phương, cụ thể không thể đưa ra quyết định như thế liên quan đến kỷ luật của Giáo hội hoàn vũ,” ngài nói.

“Chắc chắn phải có một cuộc thảo luận với Rôma và phần còn lại của các Giáo hội trên thế giới… để làm rõ những quyết định cần đưa ra là gì”.

Cuối tuần qua, Giáo hội Đức giàu có và có ảnh hưởng mạnh trên thế giới đã kết thúc Tiến Trình Công Nghị gây tranh cãi của mình. Đó là một cuộc tham vấn kéo dài nhiều năm được khởi động vào năm 2019 dưới chiêu bài mang lại cho giáo dân tiếng nói mạnh mẽ hơn sau cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục tàn khốc của giáo sĩ khiến các hàng ghế nhà thờ càng trống rỗng.

Cuộc họp cuối cùng trong quá trình quy tụ hơn 200 đại diện của đời sống Công Giáo ở Đức, những người đã bỏ phiếu áp đảo ủng hộ việc chúc lành cho người đồng giới, nhưng đã trì hoãn ngày bắt đầu việc chúc lành này cho đến tháng 3 năm 2026.

Mặc dù những phép lành này đã xảy ra thường xuyên tại nhiều giáo đoàn bởi các linh mục, nhưng chúng đã bị Giáo Hội Công Giáo chính thức cấm, một quan điểm mà Vatican đã nhắc lại vào năm 2021 khi Bộ Giáo lý Đức tin đưa ra tuyên bố phản đối những chúc lành như thế với lý do rằng Chúa “không thể chúc lành cho tội lỗi” và rằng sẽ là “bất hợp pháp” nếu một linh mục ban cấp bất kỳ tính hợp pháp nào đối với các cuộc kết hợp đồng giới.

Tuy nhiên, bất chấp lập trường của Vatican, 176 người tham gia Tiến Trình Công Nghị của Đức đã bỏ phiếu ủng hộ việc chúc lành. Chỉ có 14 người tham gia đã bỏ phiếu chống và 12 người bỏ phiếu trắng, nhưng đa số hai phần ba cần thiết vẫn đạt được.

Những người tham gia cũng đã bỏ phiếu ủng hộ việc cho các cặp ly dị và tái hôn được rước lễ, và họ kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô xem xét lại yêu cầu về sự độc thân của linh mục.

Phát biểu với các nhà báo hôm thứ Hai, Đức Hồng Y Parolin nhắc lại quan điểm của Rôma về việc chúc lành cho các cặp đồng tính bằng cách đề cập đến tuyên bố năm 2021 của Vatican, nói rằng “quan điểm của Rôma là như vậy,” và lá phiếu của các giám mục Đức phải được đưa vào phạm vi rộng hơn. Thượng Hội đồng Giám mục về tính đồng nghị, đề cập đến các chủ đề tương tự và sẽ kết thúc vào năm 2024.

“Quyết định này phải phù hợp với con đường đồng nghị của giáo hội hoàn vũ. Ở đó sẽ quyết định những phát triển sẽ xảy ra,” Đức Hồng Y Parolin nói, gọi đó là một dấu hiệu tốt cho thấy Giáo hội Đức đã chọn trì hoãn việc ban phép lành cho các cặp đồng giới cho đến năm 2026.

Các quan chức Vatican và các giám mục Đức đã tranh cãi qua lại về Tiến Trình Công Nghị trong nhiều năm. Đức Thánh Cha viết một lá thư cho Giáo hội Đức vào mùa hè năm ngoái cảnh báo chống lại việc khơi dậy sự chia rẽ về các vấn đề như độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc lành đồng giới, và hàng loạt các vấn đề khác.

Vào tháng 11, Vatican đã cố gắng chấm dứt hoàn toàn Tiến Trình Công Nghị này trong cuộc họp với một số người đứng đầu các bộ trong khuôn khổ chuyến thăm ad limina của các giám mục Đức tới Rome, nhưng Tiến Trình Công Nghị vẫn diễn ra bất chấp các chống đối của Tòa Thánh.

Vào Tháng Giêng, một số quan chức hàng đầu của Vatican, bao gồm cả Đức Hồng Y Parolin, đã gửi một lá thư với sự chấp thuận rõ ràng của Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng họ sẽ không chấp nhận một cơ quan quản lý mới của Giáo hội được đề xuất ở Đức bao gồm các giám mục và giáo dân, tuy nhiên các kế hoạch đang được tiến hành để thành lập cơ quan đó, bất kể ý kiến của Tòa Thánh.


Source:Crux

2. Một giáo hoàng khác có thể xem xét vấn đề độc thân linh mục, Đức Phanxicô nói

Trong một cuộc phỏng vấn rất dài được phát sóng vào ngày 12 tháng 3 bởi hãng tin Argentina Perfil nhân dịp kỷ niệm 10 năm được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về luật độc thân của các linh mục trong Giáo hội Latinh, một kỷ luật mà ngài không có ý định xét lại.

“Tôi cảm thấy chưa sẵn sàng để xem xét lại, nhưng rõ ràng đó là vấn đề kỷ luật, không liên quan gì đến tín lý. Hôm nay là như vậy và ngày mai có thể không còn như vậy nữa,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Chúng ta sẽ thấy rằng sẽ đến lúc một giáo hoàng, có lẽ, sẽ xét lại điều đó” ngài nói.

Trong một cuộc phỏng vấn được trang web Infobae của Argentina công bố hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha nói rằng ngài không tin rằng khả năng kết hôn sẽ khuyến khích ơn gọi làm linh mục. Ngài cũng nhắc lại rằng luật độc thân linh mục chỉ là “một kỷ luật”.

Luật độc thân linh mục được áp dụng trong Giáo hội Latinh. Đó không phải là trường hợp của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, nơi đàn ông có khả năng kết hôn trước khi được thụ phong linh mục.

“Sự độc thân là một món quà mà Giáo hội Latinh gìn giữ,” Đức Phanxicô nói vào năm ngoái.

Vào tháng 2 năm 2022, tại một hội nghị chuyên đề về chức linh mục được tổ chức tại Vatican, Đức Giáo Hoàng người Á Căn Đình đã nhận xét: “Độc thân là một hồng ân mà Giáo hội Latinh gìn giữ, nhưng đó là một hồng ân mà để được sống thánh hóa, cần có những mối quan hệ lành mạnh, những mối quan hệ quý trọng thực sự bắt nguồn từ Chúa Kitô. Không có bạn bè và không có lời cầu nguyện, đời sống độc thân có thể trở thành một gánh nặng không thể chịu nổi và là một phản chứng cho vẻ đẹp của chính chức linh mục.”


Source:Aleteia

3. Nhà ngoại giao hàng đầu của Tòa Thánh nói: Thỏa thuận Vatican-Trung Quốc ‘không phải là thỏa thuận tốt nhất có thể’

Ngoại trưởng Vatican đã nói rằng thỏa thuận Vatican-Trung Quốc “không phải là thỏa thuận tốt nhất có thể” và các cuộc đàm phán đang được tiến hành để làm cho thỏa thuận “hoạt động tốt hơn”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Colm Flynn của EWTN News, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, nói rằng các nhà ngoại giao Tòa thánh đang “đàm phán để cải thiện” thỏa thuận tạm thời của Tòa thánh với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục, lần đầu tiên được ký vào năm 2018.

“Rõ ràng, mục tiêu là đạt được thỏa thuận tốt nhất có thể, mà chắc chắn thỏa thuận này không phải là thỏa thuận tốt nhất có thể vì bên kia: Họ chỉ sẵn sàng đi xa và đồng ý với một số điều nhất định. Nhưng đó là điều có thể xảy ra vào thời điểm đó,” Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói.

“Đây thực sự không phải là thời điểm tuyệt vời để ký kết thỏa thuận, vì nhiều lý do. Nó luôn luôn khó khăn; nó sẽ luôn được Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng để gây áp lực lớn hơn đối với cộng đồng Công Giáo, đặc biệt là đối với Giáo hội hầm trú. Vì vậy, chúng ta đành phải chấp nhận.

Tập Cận Bình của Trung Quốc đã đảm nhận nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có với tư cách là chủ tịch vào tuần trước tại một phiên họp nghị viện của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, nơi đã nhất trí bỏ phiếu cho Tập trong một cuộc bầu cử mà không có ứng cử viên nào khác.

Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc trước đó đã xác nhận một sự thay đổi hiến pháp loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho phép ông Tập có khả năng cai trị suốt đời vào năm 2018, sáu tháng trước khi Tòa thánh lần đầu tiên ký thỏa thuận với Bắc Kinh.

Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, sự tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo đã xuống cấp. Tập đã bị quốc tế lên án ngày càng tăng vì cuộc đàn áp tàn bạo của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc, và các quan chức nhà nước ở các khu vực khác nhau của Trung Quốc đã dỡ bỏ thánh giá và phá hủy các tòa nhà thờ.

Vào tháng 11 năm 2022, Vatican nói rằng chính quyền Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản được quy định trong thỏa thuận cung cấp về việc bổ nhiệm giám mục.

Đức Cha Gioan Bành Vệ Chiếu (Peng Weizhao, 彭卫照), được Đức Thánh Cha Phanxicô bí mật bổ nhiệm làm giám mục Giáo phận Dư Giang (Yujiang, 余江) vào năm 2014, bốn năm trước khi Vatican ký thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc. Là một giám mục “hầm trú”, Đức Cha Gioan Bành Vệ Chiếu đã bị bắt và giam giữ bởi chính quyền Trung Quốc trong sáu tháng. Cuối cùng ngài được thả, nhưng chức vụ của ngài bị chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ.

Tuy nhiên, vào ngày 24 tháng 11, ngài đã tham gia các tổ chức Công Giáo Trung Quốc được nhà nước công nhận trong một buổi lễ đánh dấu việc ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Giáo phận Giang Tây, một giáo phận ma được chính quyền Trung Quốc dựng nên nhưng không được Rôma công nhận.

Theo AsiaNews, khoảng 200 người đã tham dự buổi lễ, được tổ chức tại Nam Xương và được chủ trì bởi giám mục địa phương, Gioan Baotixita Lý Tô Quang (Li Suguang, 李稣光). Ông Quang là phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Trung Quốc, là tổ chức không được Tòa Thánh công nhận.

Trong một tuyên bố ngày 26 tháng 11, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Tòa Thánh “ngạc nhiên và lấy làm tiếc” khi biết về việc Đức Cha Gioan Bành Vệ Chiếu được bổ nhiệm về giáo phận Giang tây, và nói rằng giáo phận Giang Tây của Trung Quốc “không được Tòa thánh công nhận”.

“Sự kiện này đã không diễn ra theo tinh thần đối thoại hiện có giữa phía Vatican và phía Trung Quốc và với những gì đã được quy định trong Thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục, ngày 22 tháng 9 năm 2018,” tuyên bố cho biết.

Vatican cho biết họ cũng đã nhận được thông tin nói rằng việc bổ nhiệm về phía dân sự của Đức Cha Bành đã xảy ra trước “áp lực nặng nề và lâu dài từ chính quyền địa phương”.

“Tòa thánh hy vọng rằng các tình tiết tương tự sẽ không lặp lại, và đang chờ các thông tin liên lạc thích hợp về vấn đề này từ các cơ quan chức năng và tái khẳng định hoàn toàn sẵn sàng tiếp tục đối thoại trong tinh thần tôn trọng liên quan đến tất cả các vấn đề cùng quan tâm”

Đức Cha Bành, 56 tuổi, học tại Chủng viện Quốc gia ở Bắc Kinh và được thụ phong linh mục năm 1989, kế vị Đức Cha Tôma Tăng Cảnh Mục (Zeng Jingmu, 曾景牧) làm giám mục Dư Giang sau khi được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào năm 2014.

Đức Cha Tôma Tăng Cảnh Mục, cũng là một giám mục “hầm trú”, đã bị bắt và ở tù 23 năm. Ngài mất năm 2016 ở tuổi 93.

Sau các cuộc đàm phán vào năm 2018, thỏa thuận tạm thời giữa Trung Quốc và Tòa thánh chưa bao giờ được công khai, tuy nhiên, như một phần của thỏa thuận, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng ý dỡ bỏ vạ tuyệt thông đối với bảy giám mục được tấn phong mà không có sự cho phép của Vatican và người ta tin rằng Đức Thánh Cha có thể đưa ra quyết định cuối cùng từ một danh sách các ứng viên Giám Mục do nhà cầm quyền Trung Quốc đề xuất.

Trong bốn năm qua, thỏa thuận, được gia hạn lần thứ hai vào tháng 10 vừa qua, đã bị tranh cãi và chỉ trích nặng nề bởi các giáo sĩ nổi tiếng như Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, là người hôm thứ Sáu đã bị tòa án Hương Cảng kết án theo một pháp lệnh an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt vì ngài ủng hộ phong trào ủng hộ dân chủ của thành phố.

Vatican vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về bản án Trung Quốc dành cho Đức Hồng Y Quân.

Báo cáo của tờ Crux tới đây là hết. Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm rằng đây không phải là những vi phạm thỏa thuận đầu tiên về phía Trung Quốc.

Năm 2020 và 2021, Giám mục Tôma Trần Thiên Hạo (Chen Tianhao, 陈天皓) và Giám mục Phanxicô Thôi Khánh Kỳ (Cui Qingqi, 崔庆琪) đã nhậm chức trong các giáo phận tương ứng của họ, với sự sắp xếp và công bố của chính quyền Trung Quốc, mà không có bất cứ thông báo nào rằng họ đã được lựa chọn và phê duyệt bởi Tòa thánh, và các cuộc bổ nhiệm họ không xuất hiện trong bản tin hàng ngày về các cuộc bổ nhiệm do văn phòng báo chí Vatican phát hành.

Thay vào đó, trong cả hai trường hợp, Vatican đã chỉ xác nhận các cuộc bổ nhiệm vài ngày sau đó, sau khi giới truyền thông lên tiếng hỏi, đồng thời nhấn mạnh rằng cả hai trường hợp đều đã có thông báo và sự chấp thuận trước.

Vào thời điểm đó, các viên chức cao cấp của Vatican gần gũi với diễn trình đã nói khác với trình thuật chính thức về vụ việc.

Một người nói với The Pillar rằng “Rôma không thông báo các cuộc bổ nhiệm vì không ai biết” chúng sắp diễn ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *