Hai ký giả John Allen và San Martín đã qua Vienna phỏng vấn Đức Hồng Y Christoph Schonborn, Tổng Giám Mục thành phố, người được coi là trí thức bậc nhất trong số các giáo phẩm Âu Châu. Hai ký giả đã hầu chuyện với Đức Hồng Y về nhiều vấn đề có tính thời sự hiện nay trong Giáo Hội.
Trong các vấn đề được đề cập tới có Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương. Theo Đức Hồng Y, dù nhiều nhà phê bình tỏ ra lo ngại trước động thái thận trọng của Đức Phanxicô đối với việc có thể cho phép người Công Giáo ly dị tái hôn được chịu các bí tích, dù không chính thức được tòa án Giáo Hội tuyên bố cuộc hôn nhân trước của họ bất thành (vô hiệu), nhưng nếu đọc Tông Huấn này một cách nghiêm túc, thì, ít nhất tại Tây Phương, lời kêu gọi biện phân của nó thực sự đi ngược lại khuynh hướng quá “buông thả”.
Ngài nói: “Ở Tây Phương, nói chung, chúng ta đúng hơn bị cơn cám dỗ buông thả. Ở những khu vực khác, một số người bị cơn cám dỗ nghiêm khắc. Còn Đức Giáo Hoàng Phanxicô thì nói một điều rất quan trọng: cả người nghiêm khắc lẫn người buông thả đều không làm việc biện phân. Người nghiêm khắc biết trước mọi điều, còn người buông thả thì thả lỏng mọi sự”.
Đức Hồng Y cho rằng Niềm Vui Yêu Thương kêu gọi ta thực hành một cuộc duyệt xét luân lý lâu dài và nghiêm túc về việc thất bại của hôn nhân, dựa theo mẫu Linh Thao của Thánh Inhã thành Loyola, đấng sáng lập Dòng Tên. Nếu duyệt xét này được thực hiện một cách nghiêm túc, chắc chắn đây sẽ là một tiến trình kiểm tra (screening) nghiêm ngặt trước khi cho phép người ly dị tái hôn rước lễ hơn là thực hành hiện nay ở một số nền văn hóa Tây Phương.
Đức Hồng Y Schönborn cũng cho biết ngài không thực sự bối rối trước sự kiện các giám mục hay các nhóm giám mục khác nhau đưa ra nhiều lối giải thích khác nhau về Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương, vì “tiếp thu là một diễn trình lâu dài”.
Trọng điểm ở đây, theo Đức Hồng Y Schönborn, là: Giáo Hội không nên vội vã rút ra các câu kết luận thực tế ngay tức khắc, mà nên chú tâm vào việc thẩm thấu tinh thần của văn kiện nhất là lời kêu gọi biện phân của nó.
Ngài bảo: “Cần phải thảo luận, và tôi không sợ việc tiếng nói của các giám mục và của hàng ngũ giáo dân chưa hoàn toàn ăn ý với nhau”.
Trong cuộc đàm đạo này, Đức Hồng Y Schönborn cũng còn đề cập đến nhiều vấn đề khác:
• Ngài cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô tạo nên “một bộ ba” (triptych) với các vị tiền nhiệm của ngài là Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI. Hai vị sau “phải bảo toàn những điều căn bản của giáo huấn Công Giáo vốn đang bị đe dọa nghiêm trọng” trong khi Đức Phanxicô lưu ý tới việc “người ta đang đứng ở đâu, họ đang ở đâu, cuộc sống của họ ra sao, và ta phải dẫn họ tới đâu”.
• Ngài nhìn nhận rằng các vị Hồng Y bầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực sự không biết các ngài nhận được những gì, dù, ngài cười, ngài vốn mong có sự bất ngờ, theo nghĩa Đức Phanxicô, rốt cuộc, sẽ trở thành điều ngài mong đợi.
• Ngài nhấn mạnh rằng các phạm trù như tả hữu nên được “quên đi” khi cố gắng hiểu Giáo Hội. Thánh Tôma Aquinô đâu có tả hữu chi, mà “chỉ sáng suốt và Công Giáo” thôi.
• Ngài cho rằng ta không thể coi là đương nhiên việc đức tin không chết đi ở Tây Phương ngày nay như cách nó đã chết thực trong lịch sử ở Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Phi. Nhưng ngài vẫn thấy nhiều dấu chỉ hy vọng, nhất là nơi di dân, họ mang tới một đức tin sống động cho Lục Địa Xưa và nơi khá nhiều nhóm nhỏ các tín hữu trẻ.
Niềm Vui Yêu Thương
Phần một của cuộc đàm đạo tập chú vào Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương.
Hỏi: Các giám mục và các nhóm giám mục đang đưa ra các câu trả lời khác nhau cho câu hỏi: Niềm Vui Yêu Thương muốn nói gì về việc rước lễ của người Công Giáo ly dị và tái hôn. Tính đa dạng mà một số người cho là lộn xộn này, có làm Đức Hồng Y bối rối chăng?
Trả lời: Thực sự không. Tiếp thu là một diễn trình lâu dài, nếu là điều quan trọng. Việc tiếp thu Công Đồng Trent cần tới 200 năm. Việc tiếp thu Công Đồng Nixêa đầu tiên cần tới 300 hay 400 năm. Tiếp thu là một diễn trình quan trọng, vì chính qua cuộc tranh luận quanh một giáo huấn mà giáo huấn này mới thấm sâu vào cơ thể Giáo Hội và mới trở nên thịt xương cho Giáo Hội. Việc tiếp thu Vatican II còn lâu mới kết thúc, nó vẫn chưa chấm dứt…
Hỏi: Đức Hồng Y có lẽ cho rằng sự náo động quanh Niềm Vui Yêu Thương minh họa điều trên, có phải không ạ? Nó minh họa rằng cuộc tranh luận về việc áp dụng mục vụ các viễn kiến của Công Đồng nay vẫn còn đang tiếp diễn?
Trả lời: Chính xác như thế. Tôi nghĩ việc Niềm Vui Yêu Thương chú tâm vào điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là các gia đình “như họ đang thực sự là” là một trong các chú tâm lớn của Vatican II. Dĩ nhiên, luôn có một căng thẳng nào đó giữa việc phát biểu tín lý, sự rõ ràng về tín lý, và việc tích nhập giáo huấn của Giáo Hội vào cuộc sống người ta và vào chính cuộc sống của chúng ta.
Diễn trình tiếp thu trên phải là một thời gian để thảo luận. Tôi không sợ có cuộc thảo luận. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với chúng ta khi kết thúc Thượng Hội Đồng đầu tiên năm 2014 rằng ngài có lẽ sẽ lo lắng nếu điều gì cũng thanh thản, không cần phải thảo luận. Như Thánh Inhã, ngài gọi điều này là việc làm của Thần Khí. Đây là sự thúc đẩy của Thần Khí. Giống như mang thai vậy, anh chị biết đó? Đây là một việc đang diễn biến. Nó cần thảo luận, và tôi không sợ việc tiếng nói của các giám mục và của giáo dân chưa hoàn toàn ăn ý với nhau.
Điều tôi khẩn khoản là kiên nhẫn. Ở Hội Đồng Giám Mục Áo, chúng tôi nói chúng tôi không thích đưa ra các tập hướng dẫn vào ngay lúc này vì chúng ta vẫn còn đang ở trong thời kỳ tiếp thu văn kiện. Sau Vatican II, phần lớn các Hội Đồng Giám Mục quá lớn để có thể vội vàng tổ chức các hội đồng địa phương nhằm tạo ra các chất liệu riêng của mình.
Ngoại lệ duy nhất… có thể còn các ngoại lệ khác, nhưng ngoại lệ chính bản thân tôi biết… là vị Tổng Giám Mục Krakow. Cuối Vatican II, Đức Hồng Y [Karol] Wojtyla đã làm gì? Ngài xuất bản một cuốn sách nhỏ chứa các bản văn chủ chốt của Công Đồng và các bình luận ngắn. Cuốn sách này được in ra nhiều ngàn bản, và toàn thể tổng giáo phận Krakow tham gia một diễn trình hội đồng kéo dài 10 năm.
Mục đích không phải là đưa ra các văn kiện, mà chỉ nghiên cứu Vatican II và nội tâm hóa giáo huấn của nó về phụng vụ, về Giáo Hội, về mạc khải Thiên Chúa, về tự do tôn giáo, v.v… Đến khi đã là giáo hoàng rồi, ngài mới chính thức bế mạc hội đồng này khi trở về thăm quê hương Ba Lan lần đầu tiên. Tôi nghĩ đó là cách làm đúng đắn.
Điều tôi ráng làm ở giáo phận chúng tôi là đọc bản văn Niềm Vui Yêu Thương với các linh mục và giáo dân, nói với họ ‘Hãy nhìn bản văn, hãy đọc nó, nó được viết một cách đẹp đẽ’, đừng vội rút ra các kết luận thực tiễn ngay tức khắc, một thứ áp dụng Niềm Vui Yêu Thương đầy tính giải nghi học (casuistic). Hãy để anh chị em thấm nhuần văn kiện vĩ đại này, và rồi, từ từ, nó sẽ được soi sáng.
Một số Hội Đồng Giám Mục đã cho công bố các bản chỉ dẫn, như Malta, Đức, Giáo phận Rôma, v.v… Điều đó tốt, nhưng các chỉ dẫn này cần được thảo luận thêm, tôi nghĩ vậy, vì vẫn còn quá sớm. Các vị giám mục của giáo tỉnh Buenos Aires cũng đã công bố các bản chỉ dẫn, và Đức Giáo Hoàng đã cho biết lập trường là các bản chỉ dẫn này phù hợp với Niềm Vui Yêu Thương. Nhưng, nói chung, tôi nghĩ chúng ta cần có thời gian. Chúng ta phải tiếp cận với tinh thần của Niềm Vui Yêu Thương trước khi rút ra bất cứ kết luận thực tiễn nào.
Hỏi: Đức Hồng Y khuyên nên kiên nhẫn, nhưng trong khi ấy nhiều người bối rối vì các giám mục Buenos Aires hình như đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi liệu các người Công Giáo ly dị và tái hôn phần đời có được lãnh nhận Thánh Thể hay không còn các giám mục của Alberta và của Lãnh Thổ Tây Bắc (Gia Nã Đại) lại đưa ra một câu trả lời khác hẳn. Vậy đâu là câu trả lời đúng?
Trả lời: Câu trả lời đúng là biện phân. Hãy đọc Familiaris Consortio số 84 … để qua một bên vấn đề rước lễ, vốn là một cái ‘bẫy’ như Đức Giáo Hoàng Phanxicô có lần nói. Ai cũng trước nhất nhìn vào câu hỏi ‘họ có được phép hay không?’ Nhưng cách biện phân làm việc khác hẳn, và tiêu chuẩn hàng đầu đã được chính Thánh Gioan Phaolô đưa ra. Trong Familiaris Consortio, ngài nói ‘các mục tử biết điều này: vì sự thật, họ buộc phải thi hành việc biện phân thận trọng đối với các hoàn cảnh’.
Điều ấy có nghĩa gì? Nó có nghĩa: mỗi hoàn cảnh khác nhau đều có một sự khác nhau về luân lý, và ngài đưa ra ba trường hợp: trường hợp bị người phối ngẫu bỏ rơi một cách thẳng thừng; trường hợp hôn nhân ‘đổ vỡ không thể cứu chữa’; và trường hợp những người xác tín trong lương tâm rằng cuộc hôn nhân thứ nhất của họ chưa bao giờ thành sự. Ba thí dụ này đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô quảng diễn ở chương 8 của Niềm Vui Yêu Thương, kêu gọi họ và cả chúng ta biện phân và phân biệt.
Điều đó cần phải làm, trước nhất, bởi chính các đương sự. Câu hỏi đầu tiên không phải là liệu họ có được lãnh các bí tích hay không, mà là họ đã xử lý ra sao sự thất bại trong cuộc hôn nhân của họ.
Ở tổng giáo phận Vienna, chúng tôi có một chương trình dành cho các người ly dị và tái hôn trong nhiều năm qua tên là ‘Năm Điều Lưu Ý’. Tôi cảm thấy được tăng cường mạnh mẽ bởi Niềm VuiYêu Thương trong phương pháp biện phân của nó. Một trong những điều đầu tiên chúng tôi hỏi là ‘Anh chị đối xử với con cái ra sao?’ Trong Niềm Vui Yêu Thương, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng không bao giờ được buộc con cái phải vác lên vai gánh nặng do cuộc tranh chấp của cha mẹ tạo nên. Có một tiết rất cảm động trong đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết rằng ‘Tôi đưa ra lời kêu gọi này với các cha mẹ đã ly thân: đừng bao giờ bắt con cái mình làm con tin!” (Niềm Vui Yêu Thương 245). Đây là một tội nặng, rất nặng.
Ngài đưa ra rất nhiều trợ giúp để biện phân. Chẳng hạn, ngài nói tới hoàn cảnh người phối ngẫu bị bỏ rơi. Trong cuộc hôn nhân của anh/chị, anh/chị có xem xét hoàn cảnh của người phối ngẫu bị bỏ rơi không? Đâu là hậu quả của việc anh/chị ly dị đối với bạn bè, các gia đình khác, cộng đoàn? Anh/chị có xét tới vấn đề hận thù giữa anh/chị và người kia không? Đó là các phương thế để biện phân, và câu hỏi hàng đầu là phải xử lý ra sao hoàn cảnh trong đó lời thề hứa đã không thành.
Hỏi: Trọng tâm của Niềm Vui Yêu Thương, xét về nhiều phương diện, là lời kêu gọi biện phân này. Điều một số người hiểu chữ ‘biện phân’ là làm loãng các chuẩn mức luân lý. Thành thử, trên quan điểm mục vụ, Đức Hồng Y làm sao chắc chắn được rằng biện phân không có nghĩa là điều này?
Trả lời: anh chị hãy đọc chương 7 của Niềm Vui Yêu Thương nói về giáo dục. Ở đấy, anh chị thấy chính xác khuôn khổ của điều là biện phân đích thực. Cha mẹ phải làm gì cho con cái họ và với con cái họ? Điều gì tốt, điều gì xấu đối với chúng? Chỗ nào họ phải nghiêm khắc, chỗ nào họ phải kiên nhẫn? Đấy là công việc chuẩn mực của các nhà giáo dục, và phải là công việc của mọi hoạt động mục vụ, đó là biện phân.
Do đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng “Chúng ta cần một nền đào tạo tốt hơn về biện phân”. Có nhiều qui luật về biện phân. Trong Linh Thao, Thánh Inhã đưa ra nhiều qui luật về biện phân. Và cuối cùng, trong chiều kích tối hậu, biện phân là lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa trong đời anh chị. Đó là vấn đề lương tâm.
Hỏi: Há Đức Hồng Y không quan tâm sao trước việc điều trên có thể làm yếu đi lòng kính trọng đối với Bí Tích Hôn Phối, hay tháo gỡ cam kết của chúng ta đối với ý niệm vĩnh viễn của hôn nhân?
Trả lời: Theo nghĩa của Niềm Vui Yêu Thương, tôi nghĩ biện phân, tại một số khu vực trong Giáo Hội, có thể dẫn đến một thái độ nhgiêm ngặt hơn. Ở Tây Phương, nói chung, chúng ta đúng hơn bị cơn cám dỗ buông thả. Ở những khu vực khác, một số người bị cơn cám dỗ nghiêm khắc. Còn Đức Giáo Hoàng Phanxicô thì nói một điều rất quan trọng: cả người nghiêm khắc lẫn người buông thả đều không làm việc biện phân. Người nghiêm khắc biết trước mọi điều, còn người buông thả thì thả lỏng mọi sự.
Hỏi: Tất cả đều khởi đi từ tiên thiên…
Trả lời: Đúng vậy. Và nền giáo dục buông thả cũng tệ như nền giáo dục nghiêm khắc.
Hỏi: Đức Hồng Y có cho rằng xét theo thực tại mục vụ, nếu, ở Tây Phương, chúng ta xem trọng Niềm Vui Yêu Thương, thì thực sự chúng ta sẽ nghiêm ngặt hơn đối với việc ly dị và tái hôn dân sự không?
Trả lời: Tôi phải nói chúng ta sẽ lưu tâm hơn, vâng. Cẩn thận hơn.
Có lẽ cẩn trọng hơn?
Trả lời: Cẩn trọng hơn theo nghĩa huấn luyện lương tâm. Vâng. Nhưng tôi phải nói thêm một yếu tố rất quan trọng. Trong Niềm Vui Yêu Thương, có một đoạn duy nhất trong đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói đến việc rước lễ. Nhưng không trong bối cảnh ly dị. Mà trong bối cảnh thực tại xã hội (Niềm Vui Yêu Thương 186). Ngài trích dẫn thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, khi nói tới việc biện phân thân xác và Thánh Phaolô quở mắng người Côrintô điều gì? Quở rằng người giầu ăn uống đến no say, còn người nghèo thì đói meo. Và đó không phải là biện phân thân xác.
Tôi nghĩ lời mời gọi biện phân là một điều chạm đến mọi người. Không phải chỉ người ly dị mà thôi. Nó đụng đến mọi người: tôi phải biện phân ra sao khi tôi đối xử với người của tôi, với nhân viên của tôi một cách tàn nhẫn, vô nhân đạo, rồi đi rước lễ vào Chúa Nhật? Đấy có phải là biện phân thân xác không?
Thành thử, tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta mở rộng vấn đề. Và cuối cùng, theo lời của Thánh Phaolô, mọi người phải biện phân xem mình ăn vì án phạt hay vì ơn ích.
Hãy quên tả hữu đi
Ai cũng biết, khởi đầu trong sự nghiệp của ngài, Đức Hồng Y Christoph Schönborn vốn được coi là người bảo thủ, được Đức Hồng Y Joseph Ratzinger bảo trợ. Nhưng nay, phần đông người ta coi ngài như một đồng minh cấp tiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Theo ngài, đây không hẳn là một thay đổi cho bằng sự thiếu thỏa đáng của các phạm trù ‘tả hữu’. Như Thánh Tôma Aquinô chẳng hạn, đâu có tả hữu gì, mà chỉ là “sáng suốt và Công Giáo”.
Sau đây là phần hai cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Schönborn của Crux:
Hỏi: Hai mươi năm trước đây, Đức Hồng Y được coi là người bảo thủ, được Đức Hồng Y Joseph Ratzinger bảo trợ. Ngày nay, nhiều người coi Đức Hồng Y là một đồng minh cấp tiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Hồng Y thay đổi, Giáo Hội thay đổi hay tất cả đơn giản chỉ minh hoạ lý do tại sao các phạm trù tả hữu không thoả đáng?
Trả lời: Phần lớn là câu sau cùng. Dĩ nhiên, có một sự phát triển trong đời mỗi con người. Lúc còn là một nhà thần học trẻ, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được coi là người rất cấp tiến, nhưng sau Vatican II, càng ngày ngài càng bảo thủ hơn. Lúc là Hồng Y, ngài bị coi là Panzerkardinal (Hồng Y áo giáp). Lúc ngài làm giáo hoàng, chúng tôi, các học trò cũ của ngài, rất đỗi ngạc nhiên thấy ngài mở rộng vòng tay, vì chúng tôi chưa bao giờ được thấy cử chỉ ấy của ngài. Dĩ nhiên, ngôi vị giáo hoàng đã tác động lên ngài không ít.
Tôi cũng đã phát triển trong cuộc sống của mình. Là một tu sĩ Đa Minh trẻ tuổi trong thời kỳ khoảng năm 1968, tôi là người cánh tả…, cấp tiến, dấn thân về xã hội, chưa bao giờ theo Mác, nhưng trái tim tôi nghiêng nhiều về phía tả. Về một vài phương diện nào đó, nó vẫn tiếp tục còn ở đó. Rồi tôi thấy các hậu quả thảm hại của năm 1968 trong Dòng Đa Minh, ở Đức và ở Pháp. Tôi khám phá ra nền thần học Đông Phương, truyền thống Chính Thống, và các giáo phụ. Tôi có may mắn được hướng dẫn sâu xa vào Thánh Tôma Aquinô bởi một tu sĩ Đa Minh cao tuổi, người trở thành cha thiêng liêng và thầy dạy của tôi. Tôi trở nên điều tôi hy vọng mình vẫn cỏn là một thần học gia, có khuynh hướng thiên rất nhiều về các giáo phụ, về truyền thống Đông Phương, và về Thánh Tôma Aquinô. Tôi chưa bao giờ nghĩ Thánh Tôma Aquinô là bảo thủ hay cấp tiến, ngài chỉ đơn giản sáng suốt và Công Giáo mà thôi.
Các thày dạy của tôi, các bậc thầy chính của tôi, là Hans Urs von Balthasar và Joseph Ratzinger. Anh chị có bảo các ngài là bảo thủ không? Anh chị có bảo các ngài là cấp tiến không? Các phạm trù này đều sai. Các ngài vĩ đại, các ngài là những tâm trí vĩ đại. Tôi chưa hề thấy Joseph Ratzinger là người hẹp hòi, mà là một thày dạy Công Giáo hết sức vững vàng.
Khi được kêu gọi làm thư ký cho ủy ban soạn thảo Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, một công việc có lẽ quan trọng nhất tôi từng làm xưa nay trong đời, nhiệm vụ của tôi là phát biểu một cách dễ hiểu, tổng hợp và có tổ chức toàn bộ giáo huấn Công Giáo. Đây quả là một cuộc mạo hiểm kỳ diệu, dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng Y Ratzinger, là cùng chau chuốt công trình này với một nhóm lớn, những con người lớn, làm việc mật thiết với nhau.
Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô được bầu, tôi không bao giờ coi việc này như một đứt đoạn. Tôi cho rằng đây là một thứ bộ ba (triptych): Đức Gioan Phaolô và Đức Bênêđíctô, trong các triều giáo hoàng của các ngài, phải bảo toàn các điều nền tảng của giáo huấn Công Giáo đang bị đe dọa trầm trọng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một tu sĩ Dòng Tên có gốc rễ sâu xa, mang đến ý thức này là người ta đang đứng ở đâu, họ đang ở đâu, đời sống của họ ra sao, và ta phải dẫn họ tới đâu, một cách kiên nhẫn và đầy lưu tâm. Ngài làm với Giáo Hội và vươn cả ra ngoài Giáo Hội, điều mà Thánh Inhã từng muốn làm trong Linh Thao: gặp gỡ người ta ngay trong đời sống của họ, ngay trong tình thế của họ và dẫn họ từng bước bằng biện phân tới chỗ hoàn toàn dấn thân cho Chúa Kitô. Tôi thấy một sự bổ túc vĩ đại và tôi cũng thấy nó trong giáo huấn giáo hoàng. Với tôi Familiaris Consortio và Amoris Laetitia bổ túc cho nhau rất nhiều.
Anh chị hãy quên đi các phạm trù [tả hữu].
Hỏi: Đức Hồng Y còn tin rằng Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo là công trình quan trọng nhất trong đời Đức Hồng Y không?
Trả lời: Còn, còn. Đó là một kinh nghiệm tuyệt vời, tập chú không phải vào các suy tư của các thần học gia, mà vào giáo huấn của Giáo Hội, và phát biểu nó một cách không như những viên gạch trong một túi lưng mà ta phải đeo mà chẳng hiểu gì, nhưng tìm thấy nexus mysteriorum, tức sự nối kết giữa các mầu nhiệm, như Giáo Hội vốn dạy. Mục đích của Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo không cận kề có tính mục vụ, nhưng là nền tảng cho công trình mục vụ tốt đẹp. Lấy Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo làm dụng cụ, ta có thể thực hiện được điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi Giáo Hội thực hiện, đó là trở thành các nhà truyền giáo.
Hỏi: Đức Hồng Y ở trong Mật Nghị Hội bầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Hồng Y phần nào biết Đức Hồng Y Bergoglio trước khi ngài được bầu, và Đức Hồng Y đã làm việc gần gũi với ngài kể từ ngày ngài được bầu. Ngài có làm Đức Hồng Y ngạc nhiên không, hay đây ít nhiều có phải là điều Đức Hồng Y nghĩ mình đang nhận được?
Trả lời: Không, ngài làm tôi ngạc nhiên. Ngài làm tôi ngạc nhiên từ ngày đầu, khi ngài đứng ở ban-công và cúi đầu thinh lặng yêu cầu người ta cầu nguyện cho ngài. Và từ đó, ngài tiếp tục làm chúng ta ngạc nhiên.
[Phát ngôn viên: nhưng Đức Hồng Y mong được ngạc nhiên mà. Điều đầu tiên Đức Hồng Y nói với con sau cơ mật viện là “chúng ta sẽ thấy nhiều điều ngạc nhiên theo cung cách Đức Gioan XXIII”]Vâng đúng thế. Tôi mong chờ các điều ngạc nhiên.
Hỏi: Nếu thế thì ngài đã đáp ứng. Ngài tiếp tục kéo các con thỏ ra khỏi chiếc mũ…
Trả lời: À, tôi không biết liệu có phải là các con thỏ hay không, nhưng hết lần này qua lần nọ, là sự tự do của Tin Mừng. Chúa Giêsu luôn làm người ta ngạc nhiên. Trước hết là chính các môn đệ của Người. Họ khó mà hiểu được Người, nhưng tuy thế, Người vẫn yêu thương họ.Tôi nghĩ điều hết sức tốt đẹp là nét tươi mát của Tin Mừng. Nhưng theo tôi, không hề có sự đứt đoạn. Khi Đức Gioan Phaolô được bầu, một người xuất thân từ Đông Âu, từ một nước Cộng Sản… Anh chị đã xem cuốn phim Nine days that changed the world (chín ngày thay đổi thế giới) chưa? Sống ở Áo này, gần biên giới Cộng Sản, thật là kỳ diệu. Chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài ở đây, ở Vienna. Dĩ nhiên, cũng có những giớ phút khó khăn, nhưng điều chắc chắn đây là thời kỳ vĩ đại.
Và rồi, có triều giáo hoàng ngắn hơn của Đức Bênêđíctô. Và điều ngạc nhiên đối với chúng tôi, các học trò của ngài, là thấy ngài giữa đám đông, và hành xử rất khéo. Còn các buổi yết kiến chung thì đông hơn của Đức Gioan Phaolô. Còn ơn phúc giảng dạy vĩ đại nữa mà chúng tôi biết qua các khóa giảng, sách vở và bài giảng lễ của ngài. Tôi phải nói rằng trải nghiệm hiện nay của tôi đối với 3 triều giáo hoàng mà tôi biết cách gần gũi chính là phép lạ của ngôi vị giáo hoàng. Nó hết sức hấp dẫn và tiếp tục hấp dẫn.
Hỏi: Có phải Đức Hồng Y muốn nói rằng ngôi vị giáo hoàng có thể mang nhiều cái lạ ra khỏi người ta mà Đức Hồng Y không ngờ tới không?
Trả lời: Đúng, đúng. Và tôi cho rằng Chúa, Đấng luôn hướng dẫn Giáo Hội, dẫn dắt Giáo Hội bằng Thần Trí của Người, luôn ban cho Giáo Hội vị mục tử mà Giáo Hội cần vào lúc thích hợp.Vị tiền nhiệm của tôi là người chủ chốt trong việc bầu Đức Gioan Phaolô, đó là Đức Hồng Y [Franz] König và cả Ratzinger nữa. Tôi nghĩ chúng ta được diễm phúc rất lớn bởi triều giáo hoàng hiện nay. Và các triều giáo hoàng kế tiếp, mỗi thời một triều giáo hoàng thích đáng.
Hỏi: Chúng con đang ngồi kế cận một bức tranh tại dinh Tổng Giám Mục có ý nghĩa sâu xa với tổng giáo phận Vienna và Giáo Hội Áo. Đức Hồng Y có thể cho chúng con biết lịch sử này không?
Trả lời: Đây là một câu truyện rất cảm động. Vào ngày 8 tháng Mười năm 1938, Hitler xâm lăng Nước Áo. Hôm trước ngày xâm lăng, ngày Lễ Rất Thánh Mân Côi, Đức Hồng Y lúc đó là [Theodor] Innitzer triệu tập giới trẻ Công Giáo của Vienna, một cách không chính thức, họp nhau tại nhà thờ chính tòa. Trong khoảng từ 7 đến 9 giờ sáng, hàng ngàn người trẻ đã tụ tập ở đó. Đức Hồng Y giảng cho họ một bài giảng rất mạnh mẽ; ngài nói rằng “Chúa Giêsu Kitô là Führer của chúng ta!”. Hết sức phấn khích, giới trẻ tụ tập quanh dinh Tổng Giám Mục hô lớn: “chúng tôi muốn gặp Đức Giám Mục của chúng tôi!”, cố ý nhại lại cung cách Đoàn Thanh Niên Hitler có thói quen hô “Chúng tôi muốn gặp Führer của chúng tôi!” Nghe thấy thế, Đức Hồng Y đã tới cửa sổ, ban phép lành rồi nói: “Các con hãy về nhà, về nhà trong im lặng”.
Cuộc ruồng bố đầu tiên của cảnh sát diễn ra vào buồi tối hôm đó, ngày 7 tháng Mười. Và hôm sau, diễn ra cuộc trả thù. Đoàn Thánh Niên Hitler xâm chiếm dinh Tổng Giám Mục, họ giật sập cổng, phá nát cả tòa nhà…
Hỏi: Đối với những người không biết Vienna, đây không phải là một dinh xây dựng trên một ngọn đồi nào đó, mà là giữa trung tâm thành phố, nên các cuộc biểu tỉnh dễ dàng diễn ra…
Trả lời: Và ngày nay cũng vẫn như thế, chung quan nhà, vẫn thế. Nên, Đức Hồng Y phải trốn trên gác xép (attic). Cha thư ký bị ném qua cửa sổ, bị thương nặng. Và cuối cùng, cảnh sát tới, lúc mọi sự đã hết đường cứu chữa. [Và Đức Hồng Y chỉ lên bức tranh mà nói] Biến cố này còn lại như một ký ức. Anh chị thấy chỗ Đoàn Thanh Niên Hitler rạch xác Chúa Giêsu… Nó diễn ra đúng một tháng sau ngày các hội đường Do Thái bị thiêu rụi trên toàn nước Đức.
Hỏi: Dĩ nhiên, Đức Hồng Y không phải sống điều đó, nhưng chắc chắn Đức Hồng Y biết câu truyện…
Trả lời: Mẹ tôi lúc đó 18 tuổi, nay bà còn sống, đã 97, và bà nhớ rất rõ giây phút ấy.
Hỏi: Dù sao, đây cũng là một phần của câu truyện gia đình, một phần của câu truyện tổng giáo phận. Nó có mang lại cho Đức Hồng Y sự tin tưởng nào không khi nhìn vào các vấn đề bên trong Giáo Hội hiện nay, hay các vấn đề văn hóa? Lịch sử có đem lại cho Đức Hồng Y tin tưởng chắc chắn nào rằng nếu chúng ta đã qua được điều kia, thì cũng sẽ qua được điều này không?
Trả lời: Được, chúng ta không có lời hứa hẹn Âu Châu sẽ không có một số phận như Thổ Nhĩ Kỳ, trước đây vốn hoàn toàn theo Kitô Giáo, [hay] Bắc Phi, trước đây cũng hoàn toàn theo Kitô Giáo. Nhưng ta vẫn có hy vọng. Đang có những dấu chỉ hy vọng. Nhưng trong trạng huống nghèo nàn hơn nhiều. Giáo Hội đang kinh qua một sự co rút, một co rút lớn lao, nhưng tôi tin tưởng nơi Chúa. Người vốn là thiện ích của Giáo Hội. Tại sao lại không thể có sự đổi mới thực sự cho Giáo Hội? Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần.
Hỏi: Đức Hồng Y vừa nói có nhiều dấu chỉ hy vọng. Vậy ở Vienna này, đâu là những dấu chỉ ấy?
Trả lời: Di dân Kitô Giáo là một. Chúng tôi có nhiều cộng đồng di dân đa dạng đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, từ Trung Quốc tới Châu Mỹ La Tinh. Họ đang mang đến những hương vị mới, những men bột mới, sinh khí mới cho đời sống Giáo Hội địa phương. Và rồi còn có nhiều dấu chỉ tốt đẹp nơi thế hệ trẻ. Dĩ nhiên, thế hệ trẻ hiện nay nhỏ bé hơn, vì ít trẻ em, đây là một sự kiện. Nhưng nếu anh chị tham dự Lễ Ngũ Tuần ở Salzburg nơi tuổi trẻ Công Giáo tụ tập, anh chị sẽ thấy một Giáo Hội sống động.