Đức Maria dưới chân thập giá (Thứ Hai sau lễ Hiện Xuống – Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Hội Thánh)

Thứ Hai sau lễ Hiện Xuống

Lễ nhớ: Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh

Ca nhập lễ : x. Cv 1, 14

Các môn đệ đồng tâm kiên trì cầu nguyện cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu.


Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là Cha hay thương xót, khi chịu treo trên thập giá,
Con Một Chúa đã trao ban Đức Trinh Nữ Maria, thân mẫu Người, làm Mẹ chúng con,
nhờ có Đức Mẹ yêu thương trợ giúp, xin cho Hội Thánh Chúa đang ngày càng thêm đông số,
được mừng vui vì sự thánh thiện của con cái, và dẫn đưa tất cả muôn dân nhập đoàn cùng Hội Thánh Chúa. – Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, Chúa chúng con, Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương chấp nhận và biến đổi của lễ chúng con dâng thành bí tích cứu độ,
xin cho lòng chúng con cũng cháy bừng lửa yêu mến như Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh,
và ước chi sức mạnh của bí tích này thúc đẩy chúng con cộng tác mật thiết hơn vào công trình cứu chuộc. – Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Kinh Tiền tụng: Đức Maria là khuôn mẫu và là Mẹ của Hội Thánh.

  1. Chúa ở cùng anh chị em. Đ. Và ở cùng cha.
  2. Hãy nâng tâm hồn lên. Đ. Chúng con đang hướng về Chúa.
  3. Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta. Đ. Thật là chính đáng.

Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Mỗi khi kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, chúng con dâng lời ngợi khen tung hô Chúa.

Khi đón nhận Lời Chúa với tâm hồn trong trắng, Mẹ đã cưu mang Ngôi Lời trong cung lòng khiết trinh,và khi hạ sinh Đấng thiết lập Hội Thánh, Mẹ đã cộng tác trong việc khai sinh Hội Thánh.

Khi đứng bên thập giá, Mẹ đón nhận lời trối đầy yêu thương của Con Chúa,và đã nhận tất cả mọi người làm con,những người được tái sinh vào đời sống siêu nhiên nhờ cái chết của Đức Kitô.

Khi cùng các Tông đồ trông đợi Đấng Chúa hứa ban, Mẹ đã hợp với các ngài tha thiết khẩn cầu,
và nên mẫu gương cho một Hội Thánh không ngừng cầu nguyện.

Khi được đưa lên cõi vinh quang thiên quốc, Mẹ vẫn lấy lòng từ mẫu dõi theo Hội Thánh đang còn lữ hành, và ân cần phù trợ Hội Thánh trên đường về quê trời, cho tới ngày Chúa Kitô ngự đến trong vinh quang.

Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các Thánh,chúng con hợp tiếng ca ngợi Chúa và tung hô rằng:

Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh,…

Ca hiệp lễ : x. Ga 2, 1. 11

Có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa, và có mẹ Chúa Giêsu ở đó; bấy giờ Chúa Giêsu đã làm dấu lạ

đầu tiên và đã tỏ vinh quang của Người, và các môn đệ đã tin Người.

Hoặc : x. Ga 19, 26-27

Lúc bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu nói với môn đệ Người yêu: Này là Mẹ con.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận bảo chứng ơn cứu chuộc và sự sống, xin cho Hội Thánh Chúa, nhờ sự trợ giúp của Thánh mẫu Maria, luôn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc và làm cho địa cầu được đầy tràn Chúa Thánh Thần. – Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Bài đọc I : St 3,9-15..20

“Mẹ của toàn thể chúng sinh”.

Bài trích sách Sáng thế

Sau khi Ađam ăn trái cấm, 9  Chúa là Thiên Chúa đã gọi ông và nói cùng ông rằng :“Ngươi ở đâu vậy?” 10 Ông thưa: “Con nghe tiếng Ngài trong vườn, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con ẩn núp”. 11 Chúa hỏi ông :“Ai đã cho ngươi biết ngươi đang trần truồng? Có phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi ăn không?” 12 Ađam thưa :“Người phụ nữ mà Ngài đã cho làm bạn với con, chính bà ấy đã cho con trái cây và con đã ăn”. 13 Chúa là Thiên Chúa nói cùng người phụ nữ rằng :“Tại sao ngươi làm điều đó?” Người phụ nữ thưa :“Con rắn đã lừa dối con, và con đã ăn”.14 Chúa là Thiên Chúa phán cùng con rắn rằng :“Bởi vì mi đã làm điều đó, mi là thứ bị chúc dữ giữa mọi súc vật và thú hoang! Mi sẽ bò bằng bụng và sẽ ăn bụi đất suốt đời mi. 15 Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ Bà, người miêu duệ này sẽ đạp đầu mi, còn mi sẽ cắn gót chân người”. 20 Rồi Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh.

Đó là Lời Chúa.

Hoặc: Cv 1,12-14

“Các Tông đồ đồng tâm kiên trì cầu nguyện cùng với Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu”.

Bài trích sách Công vụ Tông đồ

12 Sau khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông đồ rời núi Cây Dầu trở về Giêrusalem, núi này ở gần Giêrusalem, chỉ cách một quãng đường được đi trong ngày sabbat. 13 Sau khi trở về thành, các ông lên phòng trên lầu. Hiện diện tại đây có các ông Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philipphê, Tôma, Bartôlômêô, Matthêu, Giacôbê con ông Alphê, Simon nhiệt thành, và Giuđa con ông Giacôbê.

14 Mọi người đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria, mẹ của Chúa Giêsu, và các anh em Người.

Đó là Lời Chúa.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 86 (87) 1-2.3 và 5..6-7

Đáp: Hỡi thành đô của Thiên Chúa, mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành.

1 Nền móng Sion được đặt trên núi thánh,

2 Chúa yêu chuộng cửa thành

hơn mọi nơi cư ngụ của nhà Giacob.

3 Hỡi thành đô của Thiên Chúa.

Mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành. – Đ.

5 Nói đến Sion, thiên hạ bảo:

“Tại đó, người người đã sinh ra,

chính Đấng Tối Cao củng cố thành”. – Đ.

6 Thiên Chúa ghi vào sổ bộ các dân:

“Kẻ này người nọ đã sinh ra tại đó”,

7 và họ múa nhảy hát ca:

“Mọi nguồn mạch của tôi ở nơi thành”. – Đ.

Alleluia Alleluia. Kính chào Đức Trinh Nữ diễm phúc, Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu. Kính chào Mẹ Hội Thánh, Mẹ là Đấng giữ gìn trong chúng con Thần Khí của Thánh Tử Giêsu Kitô. Alleluia.

Tin Mừng: Ga 19,25-27

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an

25 Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” 27 Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Đó là Lời Chúa.

Giờ kinh Phụng vụ
Bài đọc II Giờ Kinh Sách

Trích diễn từ của Đức Giáo hoàng Phaolô VI

ngày bế mạc kỳ họp thứ ba của Công đồng Vatican II – 21.11.1964

Để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria và để chúng ta được hưởng nhờ ơn cứu giúp, sau khi cẩn thận luận xét các lý chứng liên hệ đến mối tương quan giữa Đức Maria và Hội Thánh, Chúng tôi tuyên nhận Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh, nghĩa là của toàn thể các Kitô hữu, giáo dân cũng như mục tử, những người vẫn gọi Đức Maria là Mẹ vô cùng nhân ái; và Chúng tôi xác lập rằng từ nay toàn thể đoàn dân Kitô giáo phải luôn gia tăng lòng tôn kính đối với Mẹ Thiên Chúa và kêu cầu Mẹ dưới tước hiệu vô cùng dịu ngọt ấy.

Thưa chư huynh đáng kính, tước hiệu này không hề xa lạ đối với lòng đạo đức của các Kitô hữu; trái lại các tín hữu và toàn thể Hội Thánh vẫn luôn gọi Đức Maria là Mẹ. Danh hiệu này quả thật đã gắn liền với ý nghĩa đích thực của lòng sùng kính dành cho Đức Maria, dựa trên chính phẩm giá Mẹ đã nhận được trong tư cách là Mẹ của Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Thiên chức Thánh Mẫu đã làm cho Mẹ có những mối liên hệ đặc biệt với Chúa Kitô và hiện diện trong công trình cứu rỗi nhân loại do Chúa Giêsu Kitô thực hiện, cũng chính thiên chức đó tạo nên mối tương quan giữa Đức Maria và Hội Thánh; vì Đức Maria là Mẹ của Chúa Kitô, Đấng đã nhận lấy bản tính nhân loại trong cung lòng khiết trinh của Mẹ, Đấng là Đầu của Nhiệm thể là Hội Thánh. Vì thế Đức Maria, Mẹ của Chúa Kitô, cũng là Mẹ của tất cả các tín hữu và mục tử, nghĩa là của Hội Thánh.

Đó là lý do tại sao chúng ta, dù bất xứng, dù yếu hèn, nhưng vẫn luôn ngước nhìn lên Mẹ với đôi mắt bừng sáng niềm tin tưởng và lòng yêu mến của những người con. Nếu xưa Mẹ đã trao cho chúng ta Đức Giêsu là nguồn mạch ân sủng bởi trời, thì nay Mẹ không thể không dành tấm lòng hiền mẫu của Mẹ cho Hội Thánh, đặc biệt trong thời điểm này, khi Hiền Thê của Chúa Kitô đang gia tăng nỗ lực để chu toàn sứ mạng thông ban ơn cứu độ.

Để tiếp tục nuôi dưỡng và củng cố niềm tin này, Chúng tôi muốn trình bày những tương quan mật thiết giữa người Mẹ trên trời của chúng ta và nhân loại. Dù được Thiên Chúa ban tràn đầy ân huệ cao trọng để xứng đáng là Mẹ của Ngôi Lời nhập thể, Đức Maria vẫn luôn thân cận với chúng ta. Như chúng ta, Mẹ là con cháu Evà, có chung bản tính nhân loại nên cũng là người Chị của chúng ta; được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ do hưởng trước công phúc cứu chuộc của Chúa Kitô, nhưng Mẹ đã lãnh nhận các ân huệ thần linh với đức tin trọn hảo, đến độ Mẹ đáng nhận được lời ngợi khen trong Tin Mừng :“Phúc cho bà là kẻ đã tin”.

Trong cuộc sống trần thế, Mẹ đã thể hiện hình ảnh hoàn hảo của người môn đệ Chúa Kitô, nên mẫu gương của mọi nhân đức,và nếp sống của Mẹ phản ánh trọn vẹn các mối phúc thật được Chúa Giêsu Kitô rao giảng. Bởi đó, trong đời sống đa dạng và sinh hoạt đầy năng động của mình, toàn thể Hội Thánh phải noi theo mẫu gương của Đức Trinh nữ Mẹ Thiên Chúa, người đã trọn vẹn sống theo gương mẫu Chúa Kitô.

Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích

 

Đức Mẹ là Mẹ Hội thánh

“Đây là con của Bà. Đây là mẹ của anh.”

Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 53 của Công Đồng Vaticanô II viết: Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Giêsu, đã dâng Con lên Chúa Cha trong đền thánh, và cũng đau khổ với Con mình trên hành trình thương khó, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng: Ngài thật là Mẹ chúng ta” (LG 61).

Khi diễn tả tâm tình con thảo của mình, Giáo Hội nhìn nhận Đức Maria là người Mẹ yêu quý nhất của mình, đồng thời tuyên bố Mẹ là Mẹ Hội Thánh. Vai trò làm mẹ này của Đức Maria được thiết lập trong đức tin, là hoa trái của tình yêu, một tình yêu thấm sâu vào Mẹ dưới chân thập giá, qua việc Mẹ chia sẻ tình yêu cứu độ của Đức Kitô.

Trong kinh cầu Đức Bà, tước hiệu “Đức Mẹ là Mẹ Hội Thánh” đã được thêm vào ngay sau câu “Đức Mẹ Chúa Kitô” để nói về vị thế và vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ. Vì Đức Maria là mẹ của Đức Kitô, và chúng ta – Giáo Hội – là chi thể của thân thể Đức Kitô nên chúng ta cũng là con của Đức Maria. Sự liên kết của Đức Maria với Con mình là không thể tách rời. Lễ nhớ này cũng thúc đẩy lòng sùng kính Đức Mẹ, bởi vì lễ này giúp chúng ta hướng về Đức Mẹ là mẫu gương cho cả nhân loại, đặc biệt là các tín hữu. Mẹ là chi thể ưu tú nhất và nguyên tuyền nhất của Giáo Hội”.

Đoạn Tin Mừng hôm nay đã chỉ cho chúng ta thấy tước hiệu Đức Maria là Mẹ Hội Thánh. Ở đây, Chúa Giêsu ủy thác thánh Gioan cho Đức Mẹ như người con được tái sinh vào đời sống thiêng liêng mà chỉ có Mẹ mới làm được. Như thế đây không phải đơn giản là lòng sùng kính Mẹ, cầu nguyện với Đức Trinh Nữ với tước hiệu này, nhưng là tuân theo ý muốn của Chúa Giêsu, vì điều này được truyền lại cho chúng ta từ Kinh Thánh: Chúa Giêsu, với những lời tuyên bố ngay lúc cận kề cái chết, xin Đức Maria chăm sóc mỗi người. Nhưng Chúa Giêsu cũng đòi hỏi mỗi người chúng ta phải cảm thấy mình được ở trong mối tương quan tình con thảo với Mẹ.

Thiên chức làm mẹ của Đức Maria được tìm thấy trong sự vâng lời, đức tin, đức cậy và đức ái của Mẹ. Những đặc điểm này là mảnh đất màu mỡ, ở đó Lời Chúa được gieo vào và trổ sinh sự sống dồi dào. Sự sống siêu nhiên đã đến với thế giới qua tiếng thưa “xin vâng” của Mẹ. Đó là tiếng thưa đem lại sự sống mới cho thế giới. Do đó, Đức Maria là Eva mới. Như sự chết đã đến thế giới qua Eva cũ thế nào, thì sự sống đã đến thế giới qua Eva mới như vậy.

Toàn bộ cuộc đời Đức Maria là một niềm ước mong của các tín hữu, nên Đức Mẹ lôi cuốn chúng ta đến với ơn cứu rỗi. Đồng thời, qua tấm gương và sự chuyển cầu từ thiên đàng, Đức Mẹ giúp chúng ta vượt qua tội lỗi và biết làm điều tốt. Mẹ không mong muốn gì khác hơn, ngoài ước mong dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ.

Nhờ sự vâng lời của Đức Maria, Giáo Hội có một gương mẫu để sống theo ý muốn của Chúa Cha. Nhờ đức tin của Mẹ, Giáo hội học được cách đưa Đức Kitô đến với thế giới. Nhờ đức cậy của Mẹ, Giáo hội học được cách trông cậy vào Chúa. Và nhờ đức ái của Mẹ, Giáo hội học được con đường cứu rỗi.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu cho chúng con và đã cộng tác với Người trong công cuộc cứu độ, bằng thái độ vâng phục và thi hành thánh ý. Xin Mẹ giúp chúng con sống theo gương Mẹ, luôn mau mắn vâng theo ý Chúa với lòng yêu mến và phó thác. Amen.

Đức Mẹ là Mẹ Hội Thánh – Cầu cho chúng con.

Joston

Cùng Mẹ học thầm lặng dưới chân thánh giá

Sự có mặt của Đức Maria trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu cho thấy vai trò quan trọng của Đức Maria trong nhiệm cục cứu độ, không chỉ cho Chúa Giêsu mà còn cho tất cả những ai tin.

Đứng gần Thập giá Chúa Giêsu có thân mẫu Người. Tin mừng (Ga 19, 25-27) cho biết Mẹ đứng đó – dưới chân thập giá, cùng với mấy người phụ nữ và người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến, nhưng không nói rõ, Mẹ đứng đó làm gì?

Trong tâm thức bình dân của người tín hữu mọi nơi, mọi thời, Mẹ đứng đó dưới chân thập giá, “chấp đôi tay nguyện cầu” cho con của Mẹ, cho nhân loại khổ đau thoát khỏi vòng tội lỗi, u mê, tối tăm. Dưới chân thập giá, Đức Maria đã hiệp công cùng với Con của Mẹ chia phần đau khổ để tham gia vào sứ mạng cứu độ.

Thánh Công đồng chung Vatican II, trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, số 58 khẳng định: “Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tâm tình của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế hy vật do lòng mình sinh ra”.

Dù hiểu thế nào thì đối với các tín hữu, hình ảnh Đức Maria dưới chân thập giá luôn là một hình ảnh đẹp và đầy ý nghĩa trong cuộc lữ hành của các tín hữu trên bước đường dương thế.

Trước tiên, đối với Chúa Giêsu, Đức Maria đã dự phần cách trọn hảo vào công trình cứu độ của Chúa Con. Mẹ đã hiện diện và đứng đó trong mọi biến cố cuộc đời Chúa Giêsu. Mẹ đã ở với con hay đúng hơn, Đức Giêsu đã ở với Mẹ trong giây phút nhập thể lạ lùng. Mẹ đã ở với Con và đem Con theo trong công việc phục vụ bà chị họ Elisabeth. Mẹ đã ở với Con trong đêm các thiên thần ca hát chào mừng Con Mẹ đã sinh ra. Mẹ đã ở với Con trong chuyến đi lưu đầy khắc nghiệt bên Aicập. Mẹ đã ở với Con trong suốt những năm tháng nhọc nhằn của cuộc đời mai ẩn. Mẹ đã ở với Con tại tiệc cướiCanalúc khởi đầu sứ vụ công khai, và sau hết từ giờ này, qua giờ khác, Mẹ đã ở với Con cho tới giây phút cuối cùng trên thập giá. Cả cuộc đời của Mẹ là thuộc về Con và dành cho Con. Cả cuộc đời Mẹ được dành cho sứ vụ cứu độ thế trần.

Như vậy, nhờ Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu, Đức Maria đã góp phần quan trọng làm cho công cuộc cứu độ của Thiên Chúa được nên thành sự. Chính Mẹ chứ không ai khác đã đưa và sinh Chúa Giêsu cho trần gian và làm cho trần gian được hưởng nhờ ơn cứu độ.

Thành ra, trong nhiệm cục cứu độ, Đức Trinh Nữ Maria có vai trò quan trọng thế nào đối với Chúa Giêsu, thì hôm nay, Mẹ cũng đóng vai trò quan trọng như vậy đối với đời sống thiêng liêng của các tín hữu. Nói cách khác, Đức Giêsu cần Mẹ trong cuộc sống và trong sứ mạng cứu độ thế nào, thì đối với những người tin hôm nay, Đức Maria cũng có một vai trò quan trọng như vậy.

Có lẽ, chính vì hiểu được điều ấy, mà năm xưa, dưới chân thập giá, Đức Giêsu đã chối thánh Gioan cho Đức Mẹ và chối Mẹ Ngài cho thánh Gioan. Tin mừng kể rằng, “kể từ giờ phút ấy” thánh Gioan rước Mẹ về nhà mình” và cũng kể từ giờ phút ấy, Đức Maria đã hiện diện một cách sống động, đầy hiệu năng trong cuộc đời của các Kitô hữu mọi thời, mọi nơi.

Thực tế lịch sử cho thấy rằng, kể từ giờ phút thánh Gioan đón Mẹ về nhà, Đức Maria đã cùng hiện diện và chia sẻ cuộc sống với con cái mình. Nơi đâu có con cái Mẹ, nơi ấy có sự hiện diện, ủi an của Mẹ. Nơi đâu, con cái Mẹ gặp thử thách, thì luôn có Mẹ cứu giúp chở che.

Thành ra, có thể nói rằng, năm xưa, “Mẹ đứng đó” trong suốt cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, thì hôm nay, giữa lòng cuộc đời, Đức Maria luôn hiện diện và đứng đó bên cạnh các con cái của mình, nơi mỗi gia đình để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, để san sẻ cùng các con gánh nặng của cuộc sống. Năm xưa, “dưới chân thập giá” Mẹ đứng đó nguyện cầu và chia sẻ mầu nhiệm thập giá trong đời Con, thì hôm nay, Mẹ cũng đang đứng đó bên cạnh các Kitô hữu để giúp họ vượt qua những thập giá của cuộc đời.

Hóa ra, đường thập giá đời Con năm xưa có Mẹ, thì đường thập giá đời con hôm nay cũng có Mẹ. Đôi tay Mẹ chấp lại nguyện cầu cho Con trên đỉnh đồi sọ, thì đôi tay ấy, hôm nay cũng đang chấp lại nguyện cầu cho các con cái vượt qua mọi sóng dữ của cuộc sống gian trần lắm gian nan, nhiều vất vả. Năm xưa, dưới chân thập giá, Mẹ chia sẻ thập giá với Con, thì hôm nay, mẹ vẫn đang đứng đó bên các con trong các biến cố đau thương của cuộc đời để cứu giúp, chở che.

Như vậy, có thể nói, cuộc hội ngộ Mẹ – Con dưới chân thập giá được coi như một hồi kết của một giai đoạn mà ở nơi ấy, Con Thiên Chúa làm người đã sống trọn vẹn kiếp người bên cạnh người Mẹ của mình và mở ra một giai đoạn mới, trong đó, dưới sự bao bọc, chở che của Đức Mẹ, tất cả nhân loại được mời gọi bước đi trong ơn gọi trở nên những người con đích thực của Thiên Chúa. Dưới chân thập giá, một cuộc sinh hạ mới đã được bắt đầu, một nhân loại mới được tái sinh trong Đức Giêsu để trở nên con Thiên Chúa và làm con của Mẹ.

Con đường thập giá mà Đức Giêsu đã đi cùng với Mẹ, nay đã là con đường của Hội thánh và của tất cả những ai tin. Lời Đức Giêsu năm xưa nói với các môn đệ: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34) đang là thách đố và đang chờ lời đáp trả của các con cái của Mẹ trong cuộc lữ hành đức tin của mình.

Vấn đề là, người tin có “đón Mẹ về nhà” như thánh Gioan không? Bởi vì, trên “con đường về quê mà vắng bóng Mẹ, con biết cậy vào ai, biết trông nhờ ai!”

 Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *