Đức Thánh cha chủ sự lễ phong hiển thánh cho Mẹ Antula

Lúc gần 9 giờ 30, sáng Chúa nhật, ngày 11 tháng Hai năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự lễ phong hiển thánh đầu tiên trong năm 2024 và cho thánh nữ đầu tiên người Argentina: Maria Antonia thánh Giuse de Paz y Figueroa, quen gọi là Mama Antula (1730-1799), người sáng lập các nhà tĩnh tâm tại Buenos Aires hồi cuối thế kỷ XVIII.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

 

Trong số 5.500 tín hữu tại Đền thờ thánh Phêrô, đặc biệt có tân Tổng thống Argentina, ông Javier Milei, cùng với đông đảo tín hữu đến từ nước này.

Đồng tế với Đức Thánh cha, có hơn 20 hồng y, giám mục Argentina và các nước khác, cha Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, và hàng trăm linh mục khác.

Nghi thức tôn phong

Lễ nghi phong thánh diễn ra vào đầu thánh lễ. Sau khi cộng đoàn hát kinh Chúa Thánh Thần, Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã tiến lên xin Đức Thánh cha ghi tên chân phước Maria Antonia thánh Giuse de Paz y Figueroa vào sổ bộ các thánh để mọi tín hữu Kitô có thể khẩn cầu người như vị thánh.

Tiểu sử

Rồi Đức Hồng y Tổng trưởng trình bày vắn tắt tiểu sử chân phước:

Maria Antonia thánh Giuse de Paz y Figueroa, quen gọi là Mama Antula, sinh năm 1730 tại tỉnh Tucumán bên Argentina. Người ta ít biết về thời thơ ấu và niên thiếu của thánh nữ. Năm 15 tuổi, Maria Antonia thuộc một nhóm các thiếu nữ và phụ nữ, được gọi là “Beate”, những người có phúc. Họ hiểu thiện ích lớn về tinh thần mà tên họ nói lên, nên giúp đỡ các cha Dòng Tên trong việc tổ chức các cuộc tĩnh tâm hay linh thao; họ mặc áo của Dòng Tên và khấn các lời khấn tư. Chân phước Maria Antonia đặc biệt tích cực hoạt động bác ái và phục vụ những người túng thiếu nhất.

Năm 1767, khi chị được 37 tuổi, thì Dòng Tên bị bãi bỏ, các cha phải rời các nhiệm sở truyền giáo, trường học và cả các nhà tĩnh tâm. Chân phước Maria Antonia được ơn soi sáng tiếp tục công việc tông đồ với các cuộc linh thao ấy và sống theo ơn soi sáng ấy như một ơn gọi tích cực, và như sứ mạng của một giáo dân thánh hiến. Sau khi được phép của chính cha giải tội, của Đức giám mục và chính quyền thành phố, từ năm 1768 chị cổ võ và tổ chức các cuộc tĩnh tâm tại Santiago del Estero ở miền bắc Argentina và nhiều nơi khác trong thành phố Tucumán.

Chị xuất hiện trước công chúng với tất cả sự đơn sơ, mời gọi họ bằng mọi phương thế có thể bấy giờ, xin vài cha dòng trình bày những bài suy niệm, tìm một nơi có thể đón tiếp tất cả mọi người. Chị chu cấp mọi nhu cầu với những tiền làm phúc chị nhận được. Chị không giấu giếm ước mơ suốt đời, đó là thấy Dòng Tên được tái lập: mỗi tháng, chị xin lễ theo ý nguyện đó, phó thác sự chuyển cầu cho thánh Giuse mà chị có lòng sùng mộ đặc biệt và vì thế, chị đã chọn mang tên thánh nhân, cùng với tên đã nhận lãnh khi chịu phép rửa.

Đến Buenos Aires

Khi ở thành Cordova, chị được mời nhiều lần đến thủ đô Buenos Aires và chị coi đây là một dấu hiệu của thánh ý Chúa. Chị đến Buenos Aires vào cuối năm 1779, khi đã được 49 tuổi. Chị đi chân không và vác một thánh giá. Chị tìm chỗ trú trong nhà thờ Đức Mẹ Sầu Bi, và sau này nơi đây trở thành nơi cư ngụ cuối cùng của chị. Chị phó thác việc tông đồ của mình cho Đức Mẹ Sầu Bi được tôn kính tại thánh đường ấy.

Sau thời kỳ đầu bị nghi kỵ từ phía Đức giám mục và chính quyền địa phương, chính sự tốt lành công việc của chị đã thuyết phục về sự ngay chính của chị. Chị bắt đầu cổ võ các cuộc tĩnh tâm trong một nhà không xa nhà thờ thánh Micae. Chị hoạt động không biết mệt mỏi tuần này sang tuần khác. Chúa ban cho những cố gắng của chị ngày càng đạt được những thành quả dồi dào. Tham dự các khóa tĩnh tâm do chị tổ chức, có những người thuộc mọi giai tầng xã hội, không kể những nhân vật quan trọng và thành phần của hàng giáo sĩ.

Linh đạo

Tháng Giêng năm 1783, chị dọn đến một nhà lớn hơn, ở khu vực Nhà Thương, gần nhà thờ Montserrat. Trung thành với tinh thần Dòng Tên, chân phước Maria Antonia làm mọi sự vì vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn. 5 năm trôi qua từ khi chị đến hoạt động tại Buenos Aires mà không cảm thấy gánh nặng của thời gian và của công việc. Chị xin Chúa ơn được tiếp tục công việc, chứng tỏ cùng một nhiệt huyết. Chị rất yêu mến Chúa Kitô chịu đóng đinh, sống động và hiện diện trong Thánh Thể, nuôi dưỡng lòng sùng kính Chúa Hài đồng Giêsu, mà chị âu yếu gọi là “Manuelito”, “Thiên Chúa nhỏ bé ở cùng chúng ta”.

Trong suốt thời gian hoạt động tông đồ, chị được nhiều ơn đặc biệt. Một số phụ nữ chia sẻ hoạt động và lý tưởng của chị, và họ khởi sự một “đoàn Beaterio”, những người có phúc, đảm bảo các hoạt động tổ chức các cuộc tĩnh tâm. Năm 1785, chân phước Maria Antonia xin và được Tòa Thánh ban ân xá đặc biệt cho những người tham dự các cuộc tĩnh tâm do chị tổ chức.

Từ năm 1790 đến 1792, chị đến Uruguay để cổ võ các cuộc tĩnh tâm ở Colonia del Sacramento và Montevideo. Khi trở về Buenos chị có ý định xây một nhà tĩnh tâm để công việc này có thể tiếp tục với thời gian. Với sự giúp đỡ của các ân nhân, chị hoàn tất được công trình này. Người ta tính trong tám năm hoạt động, chị đã tổ chức được các cuộc tĩnh tâm cho hơn 70.000 người.

Chị lâm bệnh nhưng hạnh phúc vì đã thực hiện điều chị mơ ước, nghĩa là lập nhà tĩnh tâm ở Buenos Aires. Ngày 06 tháng Bảy năm 1799 chị viết chúc thư và hôm sau, chị từ trần. Chị được an táng trong cảnh nghèo tại nghĩa trang Đức Mẹ Sầu Bi ở Buenos Aires, ngày 12 tháng Bảy, lễ an táng chị được cử hành trọng thể tại nhà thờ thánh Đa Minh. Tiếng tăm thánh thiện của Mama Antula bắt đầu và kéo dài với thời gian. Di hài chị an nghỉ tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Sầu Bi ở Buenos Aires. Chị được phong chân phước ngày 27 tháng Tám năm 2016.

Nghi thức tuyên thánh

Sau phần tiểu sử trên đây, Đức Thánh cha mời gọi cộng đoàn khẩn cầu ơn phù trợ của các thánh, rồi ngài long trọng đọc công thức phong thánh, quyết định và truyền ghi tên chân phước Maria Antonia thánh Giuse de Paz y Figueroa vào danh bộ các thánh của Giáo hội. Rồi một thầy phó tế xông hương hài cốt vị tân hiển thánh. Đức Hồng y Semeraro cám ơn Đức Thánh cha trước khi cộng đoàn hát Kinh Vinh Danh.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng, Đức Thánh cha đã đi từ bài đọc thứ I và bài Tin mừng theo thánh Marco (1,40-45) nói về bệnh phong cùi: người mắc bệnh này phải sống biệt lập, ngoài lề xã hội: “yếu đuối vì bệnh, thay vì được những người đồng hương giúp đỡ thì người phong lại bị bỏ mặc cho chính mình, bị thương tổn thêm vì sự xua đuổi và phủ nhận? Tại sao? Trước tiên vì sợ hãi, người ta sợ bị lây và sẽ phải chịu cùng số phận như vậy”. Tiếp đến là vì thành kiến: dư luận cho rằng “nếu người ấy mắc một bệnh kinh khủng như vậy chắc chắn là vì Thiên Chúa trừng phạt người ấy vì tội nào đó mà họ đã phạm: đó thật là điều người ấy đáng phải chịu! Sau cùng là do một quan niệm đạo đức sai trái: thực vậy, thời ấy người ta cho rằng động chạm đến một người chết thì bị ô uế, và những người phong cùi là người có xác thịt bị chết rồi. Vì vậy, họ nghĩ rằng đụng chạm đến người cùi thì trở nên ô uế như họ: có là một quan niệm sai trái về đạo đức, dựng lên những hàng rào, bóp nghẹt lòng thương xót”.

“Sợ hãi, thành kiến, và đạo đức sai trái: đó là ba nguyên nhân gây ra sự bất công lớn lao, ba thứ bệnh cùi của tâm hồn, làm cho một người yếu đuối đau khổ vì gạt bỏ họ như một đồ phế phải. Anh chị em thân mến, chúng ta đừng nghĩ đó là những chuyện quá khứ. Bao nhiêu người đau khổ chúng ta gặp trên những vỉa hè thành thị chúng ta! Bao nhiêu sợ hãi, thành kiến và bất nhất, cả nơi những tín hữu và tuyên xưng mình là Kitô hữu, càng góp phần làm thương tổn họ hơn nữa! Cả thời nay cũng có bao nhiêu tình trạng bị gạt ra ngoài lề, có những hàng rào cần phá đổ, những bệnh phong cùi cần chữa trị? Nhưng bằng cách nào?

Cách Chúa chữa trị

Chúng ta hãy xem Chúa Giêsu. Ngài thi hành hai cử chỉ: chạm đến và chữa lành.

Chúa có thể chữa lành từ xa, nhưng Ngài không làm như vậy, con đường của Chúa là con đường tình thương, đến gần người đau khổ, động chạm đến vết thương của họ. Anh chị em thân mến, Thiên Chúa chúng ta không ở xa cách trên trời, nhưng trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã làm người để động chạm đến sự nghèo hèn của chúng ta. Đứng trước bệnh cùi nặng nhất là tội lỗi, Chúa không do dự chết trên thập giá, chết ngoài thành, bị loại bỏ như một người tội lỗi để động chạm tột cùng thực tại con người của chúng ta.

Về phần chúng ta, chúng ta có biết thực hành sự chạm đến như Chúa hay không? Đó không phải là điều dễ, và chúng ta phải cảnh giác khi trong tâm hồn nảy sinh những bản năng trái ngược với thái độ trở nên gần gũi, hiến mình: ví dụ khi chúng ta giữ khoảng cách đối với người khác để nghĩ đến mình, khi chúng ta thu hẹp thế giới vào những bức tường an sinh của chúng ta, khi chúng ta tin rằng vấn đề vẫn luôn như thế và chỉ những người khác.

Cử chỉ thứ hai của Chúa Giêsu là chữa lành (v.42). Sự động chạm của Chúa Giêsu không những nói lên sự gần gũi nhưng còn bắt đầu chữa lành. Đó là để Chúa Giêsu chạm đến và chữa lành chúng ta từ bên trong, trong tâm hồn. Nếu chúng ta để Chúa chạm đến trong kinh nguyện, thờ lạy, để Chúa chữa chúng ta qua Lời Ngài và các bí tích, thì sự tiếp xúc với Ngài thực sự thay đổi, chữa lành chúng ta…

Áp dụng thực hành

Từ những điều trên đây, Đức Thánh cha nói: “Anh chị em thân mến, Thiên Chúa yêu thương chúng ta dường ấy và nếu chúng ta để Chúa động chạm đến, thì cả chúng ta, nhờ sức mạnh Thánh Linh của Ngài, chúng ta cũng có thể trở thành những chứng nhân về tình thương cứu độ!”

Gương thánh nữ

Thánh nữ Maria Antonia de Paz y Figueroa, quen gọi là Mama Antula, cũng dạy như vậy. “Được Chúa Giêsu đánh động” nhờ những cuộc tĩnh tâm, trong mỗi bối cảnh lầm than về vật chất và tinh thần, thánh nữ xả thân, giữa hàng ngàn khó khăn, để bao nhiêu người khác có thể sống cùng kinh nghiệm như vậy. Nhờ đó, thánh nữ làm cho hàng ngàn người được tham dự, và đã thành lập những công trình sinh động, cho thời đại chúng ta ngày nay. Với tâm hồn an bình, thánh nữ đi các nơi, được võ trang bằng cây thánh giá lớn bằng gỗ, với một ảnh Đức Mẹ Sầu Bi, và một cây thánh giá nhỏ đeo ở cổ, có gắn một tượng nhỏ Chúa Hài Đồng Giêsu. Thánh nữ gọi đó là “Manuelito”, ‘Thiên Chúa nhỏ bé ở cùng chúng ta”, và loan báo Thiên Chúa không biết mệt mỏi vì thánh nữ xác tín rằng “Sự kiên nhẫn là tốt, nhưng sự kiên trì càng tốt hơn”. Ước gì tấm gương và lời chuyển cầu của thánh nữ giúp chúng ta tăng trưởng trong tình bác ái theo tâm hồn của Thiên Chúa”.

Trong phần những lời nguyện phổ quát, cộng đoàn đã lần lượt cầu cho Dân Chúa, cho Đức Thánh cha Phanxicô và các mục tử của Giáo hội, cho các nhà lãnh đạo các quốc gia, cho những người làm điều tốt lành cho tha nhân và sau cùng cho các tín hữu đang tham dự các mầu nhiệm thánh này.

Thánh lễ tuyên phong hiển thánh cho thánh nữ đầu tiên người Argentina đã kết thúc lúc quá 11 giờ cùng ngày.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *