Bài 05 – Sách Sáng Thế (phần I)

Phần I: St 1-11

I. DẪN NHẬP

Trong bài học tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu Tổng quan các sách Cựu Ước. Bài học hôm nay cũng như bài học tiếp theo, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nội dung chính của sách Sáng thế, cuốn sách đầu tiên của bộ Thánh Kinh. Truyền thống gán cho Mô-sê là tác giả của 5 cuốn sách đầu tiên của bộ Thánh Kinh. Chúng ta quen gọi là Ngũ thư. Người Do Thái gọi là To-rah, nghĩa là “Lề Luật”, hay còn gọi là “Luật Mô-sê”.

Giờ đây, chúng ta cùng tìm hiểu bố cục và nội dung chính của 11 chương đầu tiên của sách Sáng thế.

II. NỘI DUNG

1. Sách Sáng thế có bao nhiêu chương và phân bố như thế nào?

  • Sách Sáng thế bao trùm một khoảng thời gian rộng lớn, trải dài từ lúc khai sinh thế giới cho đến năm 1500 tCn.
  • Sách Sáng thế có tất cả 50 chương, và được chia thành 2 phần chính:
    – Phần I: Chương 1-11, diễn tả công trình Tạo Dựng với nguồn ngốc vũ trụ và loài người, sa ngã, tội lỗi và lòng thương xót.
    – Phần II: Chương 12-50, các Tổ phụ của dân Ít-ra-en là Ab-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp và Giu-se.

2. Phần I, chương 1-11: Diễn tả công trình Tạo Dựng

Chương 1-11 của sách Sáng thế được kể vào phần tiền lịch sử. Nó được xem như Lời tựa cho những gì xảy ra tiếp theo. Bằng những hình thức diễn tả lệ thuộc vào văn hóa của khu vực và thời đại, trong đó bản văn được chép ra, sách Sáng Thế giúp chúng ta trả lời những câu hỏi ngàn đời của con người về những điểm rất căn bản như: Vũ trụ và con người bởi đâu mà có? Đỉnh cao của công trình sáng tạo là gì? Tại sao có đau khổ? Loài người có hy vọng gì không?

a. Vũ trụ và con người bởi đâu mà có?

Với hai trình thuật về tạo dựng mở đầu sách Sáng thế (St 1,1-3,3), tác giả trình bày cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng sáng tạo. Thiên Chúa là căn nguyên và là cội nguồn của tất cả mọi loài mọi vật. Mọi thứ Thiên Chúa tạo dựng đều rất tốt đẹp (xem St 1,31).

b. Đỉnh cao của công trình sáng tạo là gì?

Con người là đỉnh cao của công trình sáng tạo (x. St 1,26-29; St 2,4b-25). Thiên Chúa tạo dựng con người có xác và hồn, có lý trí, ý chí và tự do. Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ. Quả thật, con người là một phản ánh của vẻ đẹp nguyên thủy đó là Thiên Chúa. Trong số những tạo vật tốt đẹp được tạo dựng, con người được tô điểm bằng một vẻ đẹp vượt trội hơn nhiều so với tất cả những điều tốt đẹp. Con người là rất tốt với dấu chỉ rạng rỡ của sự sống trên khuôn mặt con người. Con người được Thiên Chúa tôn vinh và đặt trên mọi tạo vật khác. Bầu trời không được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, không phải mặt trăng, không phải mặt trời, không phải vẻ đẹp của các vì sao, không có những thứ khác xuất hiện trong tạo vật. Chỉ có con người được tạo ra để trở thành hình ảnh của Thiên Chúa và như thế không có gì tồn tại có thể đo lường được sự vĩ đại của con người.

c. Tại sao có đau khổ?

Trình thuật về sự sa ngã của nguyên tổ cho chúng ta thấy căn nguyên của tội lỗi và đau khổ. Lịch sử tội lỗi không ngừng gia tăng. Ông bà nguyên tổ nổi loạn nơi vườn Địa đàng (x. St 3). Tội ác giết người trong gia đình đầu tiên (x. St 4), sự trả thù, ghen tỵ. Xã hội loài người ngày càng đồi bại. Tội lỗi lan tràn mặt đất (St 6,1-7). Thiên Chúa giáng phạt nghiêm khắc toàn thể nhân loại bằng trận lụt hồng thủy.

d. Loài người có hy vọng gì không?

Khi con người đã mất tình nghĩa với Chúa, Chúa không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết. Chúa làm mới lại các thụ tạo và chúc phúc cho Nô-ê (x. St 6,8-10,32). Tuy vậy, con người vẫn tiếp tục ngoan cố và phản loạn, biểu hiện qua việc xây tháp Ba-ben (x. St 11,1-9). Thiên Chúa chọn Ab-ra-ham để đem phúc lành trở lại cho tất cả nhân loại (x. St 12).

III. KẾT LUẬN

Khi đọc những chương đầu của sách Sáng thế, chúng ta chứng kiến con người đã bị suy thoái bởi tội lỗi. Đồng thời cũng nhận thấy rằng, sự tốt lành của Thiên Chúa luôn lớn hơn tất cả tội lỗi của chúng ta. Vậy, chúng ta hãy cố gắng trở về với sự vĩ đại nguyên thủy. Chỉ khi Thiên Chúa hiện diện, con người mới đạt được sự vĩ đại thực sự của mình.

Do đó, con người nhận ra nơi mình sự phản chiếu ánh sáng của Thiên Chúa. Bằng cách thanh tẩy tâm hồn mình, một lần nữa, như lúc ban đầu, con người là một hình ảnh rõ ràng của Thiên Chúa, Đấng là Vẻ đẹp Nguyễn mẫu. Cũng như tâm hồn trong sạch, con người có thể nhìn thấy Thiên Chúa (x. Mt 5,8).

Mục tiêu của con người là chiêm ngắm Chúa. Chỉ có trong Chúa, con người mới có thể tìm thấy sự thỏa mãn của mình. Làm thế nào để đạt được mục tiêu này trong cuộc sống hiện tại? Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Đấng Cứu Thế là Đức Giê-su Ki-tô. Nhờ Người mà chúng ta được tái tạo, được đổi mới, được trở nên trong sạch. Người là Mẫu gương và là Thầy. Người cho chúng ta thấy hình ảnh đẹp đẽ của Thiên Chúa. Chúng ta phải làm việc không ngừng để hướng tới một đời sống thiêng liêng, một cuộc sống đối thoại với Chúa.

Sự hoàn thiện trọn vẹn của con người chúng ta bao gồm sự thánh thiện trong một cuộc sống được đong đầy với những giây phút gặp gỡ cá vị với Chúa. Như thế, chúng ta cũng trở nên ánh sáng chiếu tỏa cho người khác và cho thế giới.

Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *