Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi Ucraina hãy có can đảm thương thuyết để đạt tới một giải pháp hòa bình cho chiến tranh từ hơn hai năm nay.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Lorenzo Buccella của đài truyền hình tiếng Ý, RSI, của Liên bang Thụy Sĩ, sẽ phát vào ngày 20 tháng Ba tới đây, nhưng một số đoạn được phổ biến vào chiều ngày 09 tháng Ba vừa qua, ký giả đặt câu hỏi: “Tại Ucraina, có người yêu cầu hãy có can đảm đầu hàng, trương cờ trắng. Nhưng những người khác nói rằng làm như vậy là hợp thức hóa kẻ mạnh hơn. Đức Thánh cha nghĩ gì?”
Đức Thánh cha Phanxicô trả lời: “Đó là một sự giải thích. Nhưng tôi tin rằng người mạnh hơn là người nhìn tình thế, nghĩ đến dân, người có can đảm giương cờ trắng, thương thuyết. Và ngày nay, người ta có thể thương thuyết với sự giúp đỡ của các cường quốc. Lời thương thuyết là một lời can đảm. Khi bạn thấy rằng bạn bị thất bại, sự việc không ổn, thì cần có can đảm thương thuyết. Bạn xấu hổ, nhưng rốt cuộc sẽ có bao nhiêu người chết? Thương thuyết kịp thời, tìm vài nước làm trung gian. Ngày nay, ví dụ chiến tranh tại Ucraina, có bao nhiêu nước muốn làm trung gian. Thổ Nhĩ Kỳ đã tình nguyện làm công việc này. Và những nước khác. Các bạn đừng xấu hổ thương thuyết trước khi tình thế tệ hơn… Cuộc thương thuyết không bao giờ là một cuộc đầu hàng”.
Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, ông Matteo Bruni, minh xác rằng lời của Đức Giáo hoàng “trương cờ trắng” là nhắc lại hình ảnh mà người phỏng vấn đề ra để tái khẳng định điều mà Đức Giáo hoàng đã nói trong những lời kêu gọi liên tục từ hai năm qua và tuyên bố công khai, tức là tầm quan trọng của đối thoại, đứng trước sự “điên rồ” của chiến tranh và ưu tiên quan tâm đến số phận của các thường dân.
Ông Bruni nói thêm rằng: “Mong ước của Đức Giáo hoàng đang và vẫn là điều ngài vẫn luôn lập lại trong những năm qua và mới đây, ngài nhắc lại trong dịp kỷ niệm hai năm chiến tranh, đó là điều ngài nói rằng: ‘Trong khi tôi tái bày tỏ lòng quý mến rất sinh động đối với nhân dân Ucraina đau thương và cầu nguyện cho tất cả, đặc biệt cho đông đảo các nạn nhân vô tội. Tôi tha thiết xin hãy tìm lại một chút tình người giúp kiến tạo những điều kiện để có một giải pháp ngoại giao cho việc tìm kiếm một nền hòa bình công chính và lâu bền”.
Phản ứng
Mặc dù có lời giải thích của Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh về thành ngữ Đức Thánh cha nhắc lại câu hỏi của ký giả về việc “trương cờ trắng”, nhưng nhiều quan chức của Ucraina vẫn mạnh mẽ phê bình lời Đức Thánh cha và tái khẳng định ý chí của Ucraina chiến tranh cuộc xâm lăng của Nga. Còn Đức Tổng giám mục Trưởng Shevchuk, Giáo chủ Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương, thì nhắc lại rằng: “Ucraina bị thương, bị kiệt quệ nhưng vẫn không bị thua, vẫn đứng vững. Tại Ucraina, không ai có thể đầu hàng! Và tất cả những ai nghi ngờ khả năng đứng vững của chúng tôi, chúng tôi nói với họ rằng: Quý vị hãy đến Ucraina và sẽ thấy!”
Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, thì nói rằng: “Trong lời kêu gọi hãy thương thuyết, Đức Giáo hoàng Phanxicô không nói với Kiev, nhưng là với Tây Phương, đang lợi dụng Ucraina như một khí cụ để thỏa mãn những tham vọng của mình”.
Chiến tranh tại Gaza
Về chiến tranh tại Gaza, trong cuộc phỏng vấn nói trên, Đức Thánh cha cho biết: “Mỗi ngày, lúc 6 giờ chiều tôi vẫn gọi điện cho giáo xứ ở Gaza. 600 người sống tại đó và họ kể nhưng gì họ thấy: đó là một chiến tranh. Và chiến tranh thì có hai bên, chứ không phải một bên. Thật là những kẻ vô trách nhiệm hai bên đánh nhau. Tiếp đến, đó không phải chỉ là một chiến tranh quân sự, nhưng còn có “chiến tranh và chiến tranh du kích”, của Hamas, một phong trào chứ không phải là một quân đội. Thực là một điều xấu”.
Và đáp câu hỏi: làm sao để khỏi mất hy vọng khi thương thuyết, Đức Thánh cha nói: “Chúng ta hãy nhìn lịch sử, các cuộc chiến chúng ta đã thấy, tất cả đều kết thúc bằng một thỏa thuận”.
(Vatican News 9-3-2024; Ansa 9-3-2024; 10-3-2024)