Đức Thánh Cha Phanxicô thăm viếng Mông Cổ: Ngày 02.09.2023

1. Nghi thức đón tiếp Đức Thánh Cha tại Quảng trường Sukhbaatar

Đức Thánh Cha Phanxicô thăm viếng Mông Cổ: Ngày 02.09.2023

Vào lúc 8 giờ 45 phút giờ địa phương, từ Toà Sứ thần, Đức Thánh Cha đến Quảng trường Sukhbaatar cách đó 2,1km. Tại đây, ngài được Tổng thống Mông Cổ chào đón và bắt đầu nghi đón tiếp chính thức, với tất cả các nghi thức ngoại giao.

Quảng trường Sukhbaatar

Sukhbaatar là quảng trường trung tâm của Ulaanbaatar và được xây dựng tại nơi Damdin Sukhbaatar, người anh hùng cách mạng Mông Cổ, tuyên bố độc lập của Mông Cổ khỏi Trung Quốc vào năm 1921. Năm 2013, chính quyền thành phố đã đổi tên nơi này thành Quảng trường Chinggis Khaan để vinh danh Thành Cát Tư Hãn, người cha lập quốc, nhưng đến năm 2016, con cháu của Sukhbaatar đã thắng trong cuộc chiến pháp lý để khôi phục lại tên ban đầu.

Kiến trúc của Quảng trường là một kiểu kiến trúc xã hội chủ nghĩa, gồm toà nhà chính phủ, bưu điện, trung tâm văn hóa, nhà hát Opera và Ballet Quốc gia và Tháp Blue Sky, một tòa nhà chọc trời cao 105 m, bằng thép và kính xanh, bao quanh một khách sạn sang trọng, các văn phòng và phòng hội nghị.

Ở trung tâm của quảng trường là bức tượng cưỡi ngựa của anh hùng cách mạng Damdin Sükhbaatar, trong khi ở phía bắc, đối diện với toà nhà chính phủ là một tượng đài khổng lồ dành riêng cho Thành Cát Tư Hãn, Ögedei Khan và Hốt Tất Liệt.

Trong thời xã hội chủ nghĩa, Quảng trường là nơi diễn ra các cuộc diễu hành dân sự và quân sự hàng năm cho đến năm 1989, và là địa điểm quan trọng của Cách mạng Dân chủ năm 1990. Ngày nay, nơi đây trở thành không gian được sử dụng cho các nghi lễ cấp nhà nước, ngày lễ quốc gia và các sự kiện văn hóa.

Nghi thức đón tiếp Đức Thánh cha

Đức Thánh Cha và Tổng thống tiến ra giữa sân trong tiếng kèn chào mừng của đoàn quân nhạc. Sau đó, đoàn quân nhạc lần lượt trỗi quốc thiều của Vatican và Mông Cổ.

Hiện diện trong nghi thức tiếp đón này có các đại diện của chính phủ Mông Cổ và phái đoàn của Tòa Thánh cũng như các lãnh đạo Giáo hội tại Mông Cổ.

Sau nghi thức chào cờ, hàng quân danh dự đi qua Đức Thánh Cha và Tổng thống Mông Cổ. Sau đó Tổng thống giới thiệu phái đoàn chính phủ Mông Cổ. Tiếp đó là phái đoàn của Vatican.

Sau lễ nghi đón tiếp chính thức, vào lúc 9 giờ 20 Đức Thánh Cha đến Điện Quốc gia để thăm hữu nghị Tổng thống Mông Cổ, gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

2. ĐTC gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Mông Cổ

Phát biểu trước các cấp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Mông Cổ vào sáng thứ Bảy 2/9/2023, Đức Thánh Cha đề cao vai trò của Mông Cổ đối với hòa bình thế giới, khen ngợi sự chung sống hòa hợp giữa các nền văn hóa và tôn giáo ở Mông Cổ. Đặc biệt, ngài nhấn mạnh rằng Giáo hội Công giáo muốn đóng góp cho công ích, giúp phát triển con người toàn diện qua các hoạt động giáo dục và bác ái và xây dựng một cuộc sống an ninh thịnh vượng cho đất nước Mông Cổ.

Trước hết, Đức Thánh Cha bày tỏ niềm vui được viếng thăm Mông Cổ, “vùng đất rộng lớn và hấp dẫn”, “đến với dân tộc hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của cuộc hành trình.” Ngài định nghĩa mình là “một người hành hương của tình bạn”.

Tình bạn lâu đời giữa Tòa Thánh và Mông Cổ

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng năm nay kỷ niệm 30 năm ngày ký kết Lá thư nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Mông Cổ và Tòa Thánh. Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao giữa hai bên đã bắt đầu đúng 777 năm trước. Vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm 1246, Tu sĩ Giovanni di Pian del Carpine, đặc phái viên của Giáo hoàng, đã đến thăm Guyug, hoàng đế thứ ba của Mông Cổ, và trình bày bức thư chính thức của Giáo hoàng Innôcentê IV cho Đại Hãn. Ngay sau đó, bức thư trả lời, mang dấu ấn của Đại Hãn, viết bằng chữ Mông Cổ truyền thống, đã được soạn thảo và dịch sang nhiều thứ tiếng. Lá thư đó được lưu giữ trong Thư viện Vatican. Đức Thánh Cha đã tặng Mông Cổ một bản sao được chứng thực của lá thư này, được thực hiện bằng những kỹ thuật tiên tiến nhất để đảm bảo chất lượng tốt nhất có thể. Ngài mong ước đây sẽ là dấu hiệu của một tình bạn lâu đời đang phát triển và được canh tân.

ĐTC trò chuyện riêng với Tổng thống Mông Cổ
ĐTC trò chuyện riêng với Tổng thống Mông Cổ

Ger, nơi cư ngụ truyền thống của người Mông Cổ

Bài diễn văn của Đức Thánh Cha tiếp tục với suy tư xoay quanh ger, nơi cư trú truyền thống của người Mông Cổ có hình dang như chiếc lều lớn.

Vượt qua cái nhìn hạn hẹp

Đầu tiên, đề cập đến việc các trẻ em Mông Cổ, mỗi sáng đứng ở cửa lều và đưa mắt ra xa để đếm gia súc và báo con số cho cha mẹ, Đức Thánh Cha nói rằng cũng là điều tốt khi chúng ta nhìn vào chân trời rộng lớn xung quanh, vượt qua những quan điểm hạn hẹp và mở ra cho mình một tầm nhìn toàn cầu rộng lớn hơn. Ngài nói: “Đó là bài học từ những cái ger: xuất phát từ cuộc sống du mục ở thảo nguyên, chúng lan rộng trên một lãnh thổ rộng lớn, trở thành một yếu tố nhận dạng của nhiều nền văn hóa lân cận.”

ĐTC gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Mông Cổ
ĐTC gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Mông Cổ

Lối sống ruyền thống bộ lạc của Mông Cổ là mẫu gương bảo vệ thiên nhiên

Tiếp đến, Đức Thánh Cha ca ngợi sự khôn ngoan được hình thành qua nhiều thế hệ bởi những người chăn nuôi và trồng trọt khôn ngoan, luôn tôn trọng sự cân bằng mong manh của hệ sinh thái. Ngài nói rằng sự khôn ngoan này “có nhiều điều để dạy cho những người ngày nay không muốn khép mình trong việc tìm kiếm một mối quan tâm cụ thể thiển cận, nhưng mong muốn trao tặng cho hậu thế một vùng đất vẫn hiếu khách và tươi tốt.”

Ngài nói tiếp: “Quý vị giúp chúng tôi tôn trọng và canh tác cách cẩn thận điều mà các Kitô hữu chúng tôi xem là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, nghĩa là kết quả của kế hoạch nhân từ của Người, và chống lại những tác động của sự tàn phá của con người bằng một nền văn hóa quan tâm và tầm nhìn xa, được phản ánh trong các chính sách sinh thái có trách nhiệm.”

Theo Đức Thánh Cha, “các ger là những nơi cư trú mà ngày nay có thể được định nghĩa là hiệu quả và hợp sinh thái vì chúng linh hoạt, đa chức năng và không có ảnh hưởng đến môi trường.” Bên cạnh đó, “tầm nhìn toàn diện về truyền thống Saman Giáo của Mông Cổ, được kết hợp với sự tôn trọng mọi sinh vật thừa hưởng từ triết lý Phật giáo, có thể đóng góp cách có giá trị cho nỗ lực cấp bách và không thể trì hoãn để bảo vệ hành tinh Trái đất.”

ĐTC gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Mông Cổ
ĐTC gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Mông Cổ

Ger – sự kết hợp quý giá giữa truyền thống và hiện đại

Ger, được xây dựng ở cả khu vực nông thôn và thành thị, còn là minh chứng cho “sự kết hợp quý giá giữa truyền thống và hiện đại, vì nó nối kết cuộc sống của người già và người trẻ, và do đó làm chứng cho sự tiếp nối của dân tộc Mông Cổ.” Đức Thánh Cha nhận định rằng từ xa xưa đến nay, dân tộc Mông Cổ đã bảo tồn cội nguồn của mình và trong những thập kỷ gần đây, sẵn sàng đón nhận những thách đố to lớn ở mức độ toàn cầu về phát triển và dân chủ. Ngài đề cao những nỗ lực của Mông Cổ trong việc thúc đẩy nhân quyền và hòa bình, quyết tâm của nước này trong việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, không còn áp dụng án tử hình. Ngài nói: “Mông Cổ là một quốc gia dân chủ theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình nhưng cũng đề xuất đóng một vai trò quan trọng vì hòa bình thế giới.”

Sự chung sống hài hòa

Một đặc điểm khác của ger là khả năng thích ứng với các điều kiện khí hậu khắc nghiệt, và do đó giúp cho con người có thể sống ở những môi trường rất đa dạng. Từ điểm này, Đức Thánh Cha lưu ý đến việc đế quốc Mông Cổ nhìn nhận những phẩm chất nổi bật của các dân tộc hiện diện trên lãnh thổ rộng lớn của nó và đưa những phẩm chất đó phục vụ cho sự phát triển chung. Ngài nói: “Mô hình này cần được đánh giá cao và được tái đề xuất trong thời đại của chúng ta. Xin Trời cao ban cho các điều kiện của nơi từng là pax mongolica, hòa bình Mông Cổ, nghĩa là không có xung đột, ngày nay cũng được tái tạo, trong sự tôn trọng luật pháp quốc tế, trên trái đất, nơi đã bị tàn phá bởi vô số xung đột này.”

ĐTC gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Mông Cổ
ĐTC gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Mông Cổ

Cởi mở với tôn giáo

Điểm trung tâm cao nhất của một lều cư trú của người Mông Cổ có một cửa sổ tròn để ánh sáng chiếu vào và bầu trời được chiêm ngưỡng. Từ yếu tố này Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng luôn hướng nhìn lên cao. Ngài nói: “Ngước mắt lên trời – bầu trời xanh vĩnh cửu mà quý vị luôn tôn kính – có nghĩa là kiên trì trong thái độ ngoan ngoãn cởi mở với giáo huấn tôn giáo. Sự nhạy cảm tinh thần sâu sắc thuộc về bản sắc văn hóa của quý vị, và thật đúng đắn khi Mông Cổ phải là một biểu tượng của tự do tôn giáo.”

Tôn giáo là chỗ dựa đáng tin để xây dựng xã hội lành mạnh và thịnh vượng

Đức Thánh Cha cũng đề cao lối sống đơn giản, thanh bạch, và lưu ý về mối đe dọa do chủ nghĩa tiêu thụ mang lại, điều mà ngày nay, ngoài việc tạo ra những bất công lớn, còn dẫn đến một não trạng cá nhân chủ nghĩa, ít quan tâm đến người khác và những truyền thống đúng đắn đã được thiết lập. Theo ngài, “khi các tôn giáo vẫn đặt nền tảng trên di sản tinh thần nguyên thủy của mình và không bị ô nhiễm bởi những lệch lạc giáo phái, thì cho thấy đó là những chỗ dựa đáng tin cậy trong việc xây dựng các xã hội lành mạnh và thịnh vượng, trong đó các tín đồ nỗ lực đảm bảo rằng sự chung sống hòa bình và tầm nhìn xa về chính trị ngày càng được đặt để phục vụ lợi ích chung. Đồng thời, các tôn giáo cũng là sự bảo vệ chống lại mối đe dọa tham nhũng ngấm ngầm, thực tế là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển của bất kỳ cộng đồng nhân loại nào; tham nhũng là kết quả của một não trạng thực dụng và vô đạo đức đã làm nghèo các nước.”

Tôn trọng và hòa giải với các tôn giáo

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng nhiều nhà lãnh đạo xa xưa đã dạy người Mông Cổ luôn hướng nhìn lên cao và vào khung cảnh rộng lớn. Điều này chứng tỏ họ có khả năng tích hợp những tiếng nói và kinh nghiệm khác nhau, kể cả từ quan điểm tôn giáo. Ngài nhận xét rằng Mông Cổ có một thái độ tôn trọng và hòa giải đối với sự đa dạng của các truyền thống thánh thiêng, như được làm chứng bởi các nơi thờ phượng khác nhau – bao gồm một địa điểm Kitô giáo – được bảo tồn ở cố đô Kharakhorum. Từ đó Mông Cổ đã đạt được sự tự do tư tưởng và tôn giáo hiện đã được ghi trong Hiến pháp. Ngài nhận định: “Sau khi bỏ lại đằng sau, không đổ máu, hệ tư tưởng vô thần vốn cho rằng nó có thể loại bỏ tôn giáo, coi đó là một trở ngại cho sự phát triển, qúy vị đã thừa nhận và tôn trọng tầm quan trọng cơ bản của sự hợp tác hài hòa giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau, mỗi người, từ quan điểm cụ thể của riêng mình, góp phần vào sự tiến bộ đạo đức và tinh thần của các dân tộc.”

ĐTC gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Mông Cổ
ĐTC gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Mông Cổ

Sự đóng góp của cộng đoàn Công giáo

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha khẳng định rằng cộng đồng Công giáo Mông Cổ vui mừng tiếp tục sự đóng góp của mình, mong muốn chia sẻ cuộc sống và công việc của mình, trên tinh thần phục vụ có trách nhiệm và huynh đệ, với người dân Mông Cổ, cũng là người dân của mình. Đức Thánh Cha hài lòng khi cộng đồng Công giáo, dù nhỏ bé và âm thầm, chia sẻ một cách nhiệt tình và dấn thân vào tiến trình phát triển của đất nước bằng cách truyền bá văn hóa liên đới, tôn trọng phổ quát và đối thoại liên tôn, cũng như bằng cách hoạt động vì công lý, hòa bình và hòa hợp xã hội.

Ngài hy vọng rằng, “nhờ luật pháp có tầm nhìn xa và chú ý đến những nhu cầu cụ thể, những người Công giáo địa phương, được sự giúp đỡ của các tu sĩ nam nữ, phần lớn, đến từ các quốc gia khác, sẽ có thể, luôn luôn và không gặp khó khăn gì, để đóng góp về mặt nhân bản và tinh thần cho Mông Cổ, vì lợi ích của dân tộc này.” Ngài cũng nói về các cuộc đàm phán đang diễn ra về một thỏa thuận song phương giữa Mông Cổ và Tòa Thánh, để Giáo hội có những điều kiện cần thiết tham gia vào các hoạt động, không chỉ về tôn giáo, nhưng còn bao gồm nhiều sáng kiến nhằm phục vụ sự phát triển con người toàn diện, được thực hiện nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, trợ giúp xã hội, nghiên cứu và thăng tiến văn hóa. Những sáng kiến này làm chứng rõ ràng cho tinh thần khiêm tốn, huynh đệ và liên đới của Tin Mừng Chúa Giêsu, con đường duy nhất mà người Công giáo được mời gọi đi theo trong cuộc hành trình mà họ chia sẻ với tất cả các dân tộc trên trái đất.

Đức Thánh Cha khẳng định: “Giáo hội Công giáo, với tư cách là một tổ chức lâu đời hiện diện ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, là hiện thân của một truyền thống tinh thần cao quý và hiệu quả đã góp phần vào sự phát triển của toàn thể các quốc gia trong nhiều lĩnh vực hoạt động của con người, từ khoa học đến văn học, từ nghệ thuật đến đời sống chính trị, xã hội. Tôi chắc chắn rằng người Công giáo Mông Cổ sẽ tiếp tục sẵn sàng cống hiến sự đóng góp của họ cho việc xây dựng một xã hội thịnh vượng và an ninh, trong đối thoại và hợp tác với tất cả những người khác đang sinh sống trên mảnh đất vĩ đại dưới bầu trời này.”

Cùng nhau

Cuối cùng, nhắc lại lời của một thi sĩ: “Hãy giống như bầu trời”, khuyến khích vượt lên trên sự phù du của các sự kiện trần thế, bằng cách noi theo sự vĩ đại được gợi hứng từ chính trời xanh bao la và trong vắt, Đức Thánh Cha nói rằng mọi người cũng muốn đón nhận lời mời đó và biến nó thành những dấu hiệu cụ thể của lòng trắc ẩn, đối thoại và tầm nhìn chung cho tương lai. Ngài mong ước các thành phần khác nhau của xã hội Mông Cổ tiếp tục cống hiến cho thế giới vẻ đẹp và sự cao quý của dân tộc độc đáo này bằng cách luôn “chính trực” trong nỗ lực giảm bớt nỗi đau khổ to lớn của con người xung quanh mình, nhắc nhở mọi người về phẩm giá của mỗi con người.

ĐTC gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Mông Cổ
ĐTC gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Mông Cổ
3. Đức Thánh Cha gặp gỡ các Giám mục, linh mục, tu sĩ, các nhân viên mục vụ

Trong buổi gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, và các nhân viên mục vụ tại Nhà thờ Chính toà hai Thánh Phêrô và Phaolô, trích lời Thánh vịnh 34 “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy”, Đức Thánh Cha khẳng định chính vì cảm nghiệm được tình yêu Chúa mà các nhà truyền giáo đã cống hiến cuộc đời loan báo Tin Mừng. Ngài mời gọi mọi người tiếp tục dấn thân, hiệp thông với giám mục và Giáo hội, và tin rằng Đức Mẹ luôn đồng hành.

Vào lúc 15 giờ 45 phút giờ địa phương, từ Toà Sứ Thần, Đức Thánh Cha đến Nhà thờ Chính Toà hai Thánh Phêrô và Phaolô để gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ và các nhân viên mục vụ.

Nhà thờ Chính toà

Nhà thờ Chính toà hai thánh Phêrô và Phaolô

Nhà thờ Chính toà hai thánh Phêrô và Phaolô nằm ở quận Bayanzurkh ở phía đông thành phố, được xây dựng vào năm 1996 bởi nhà truyền giáo người Philippines thuộc Dòng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Maria, Wenceslao Selga Padilla. Việc xây dựng ngôi thánh đường bắt đầu ngay sau khi thành lập Hạt Phủ doãn Tông toà Ulaanbaatar vào năm 2002, theo dự án của kiến trúc sư người Serbia Predak Stupar.

Nhà thờ được cung hiến vào ngày 30/8/2003 bởi Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, lúc đó là Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, với sự hiện diện của Sứ thần Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Giovanni Battista Morandini. Cấu trúc của tòa nhà gợi nhớ đến yurt hoặc ger truyền thống, nhà của các dân tộc du mục Mông Cổ, hình tròn, có tường bằng nỉ.

Năm 2005, 36 kính màu hình bán nguyệt đã được thêm vào mái vòm của tòa nhà, dựa trên dự án của Frère Mark, một thành viên của Cộng đoàn Taizé, và họa sĩ Hàn Quốc Cho đã vẽ trên bốn kính đó một con báo tuyết, một con đại bàng, một thiên thần và một con bò, biểu tượng bốn thánh sử Tin Mừng

Nhà thờ có thể chứa khoảng 500 người và có ba cánh, trong đó có các văn phòng hành chính của Phủ doãn Tông toà và một thư viện.

Đức Thánh Cha chào thăm các tín hữu

Chào đón Đức Thánh Cha

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được các tín hữu đã đứng đợi từ lâu chào đón nồng nhiệt. Một phụ nữ tiến đến trao cho Đức Thánh Cha một cốc sữa được quấn trong một chiếc khăn màu xanh da trời. Cùng với Đức Hồng Y Phủ doãn Tông toà, Đức Thánh Cha vào trong ger để gặp bà Tsetsege, người phụ nữ cách đây khoảng 10 năm đã nhặt được từ thùng rác một bức tượng Đức Mẹ bằng gỗ. Sau đó, tượng được đặt trong Nhà thờ Chính toà. Sau ít phút, Đức Thánh Cha đi ra ngoài và lên xe để chào thăm các tín hữu.

Đức Thánh Cha đến cửa chính của Nhà thờ, tại đây cha xứ và cha phó đưa cho ngài Thánh giá và bình nước thánh để rảy. Ngài tiến vào Nhà thờ, cùng lúc ca đoàn hát để bắt đầu buổi gặp gỡ.

Buổi gặp gỡ được bắt đầu bằng lời chào mừng của Chủ tịch Hội đồng Giám mục. Tiếp đến là lời chứng của một nữ tu truyền giáo, một linh mục Mông Cổ và một nhân viên mục vụ.

Mở đầu bài nói chuyện, Đức Thánh Cha cám ơn các giám mục, linh mục, tu sĩ và nhân viên mục vụ vì sự hiện diện và đức tin của tất cả, đồng thời bày tỏ niềm vì được gặp gỡ mọi người. Ngài khẳng định chính niềm vui Tin Mừng là lý do thôi thúc các linh mục và tu sĩ hiện diện nơi đây, và cùng với anh chị em giáo dân hiến mình cho Chúa và cho người khác. Đức Thánh Cha chúc tụng Chúa vì điều đó, và ngài dùng Thánh vịnh 34 để chia sẻ một số suy nghĩ với mọi người, bắt đầu bằng câu “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy” (c. 9).

Đức Thánh Cha chào thăm các tín hữu

Chứng tá của những người hiến thân cho Tin Mừng

Đức Thánh Cha nói niềm vui và sự tốt lành của Chúa không phải là điều gì chóng qua, nhưng ở lại bên trong, mang lại hương vị cho cuộc sống và làm cho chúng ta nhìn mọi thứ theo một cách mới. Các nhà truyền giáo đã cảm nghiệm được điều này nên đã dành cả cuộc đời cho Tin Mừng. Vị đầu tiên được Đức Thánh Cha nhắc đến đó là Đức cha Wenceslao Selga Padilla, Phủ doãn Tông tòa đầu tiên, người tiên phong trong lịch sử đương đại của Giáo hội ở Mông Cổ và là người đã xây dựng Nhà thờ Chính Tòa này. Nhưng theo Đức Thánh Cha ở vùng đất này, đức tin không chỉ có từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng đã có nguồn gốc rất xa xưa. Những kinh nghiệm của thiên niên kỷ thứ nhất, được đánh dấu bằng phong trào loan báo Tin Mừng theo truyền thống Syriac lan rộng dọc theo con đường tơ lụa, được theo sau bởi một sự dấn thân truyền giáo.

Đức Thánh Cha nói: “Làm sao chúng ta có thể quên được các sứ mạng ngoại giao của thế kỷ XIII, cũng như việc chăm sóc tông toà được thể hiện bởi việc bổ nhiệm Đức cha Giovanni da Montecorvino làm Giám mục đầu tiên của Khān Bālīq vào khoảng năm 1310, và do đó ngài chịu trách nhiệm coi sóc toàn bộ khu vực rộng lớn này trên thế giới dưới triều đại Nguyên Mông? Chính ngài là người đã cung cấp bản dịch tiếng Mông Cổ đầu tiên của sách Thánh Vịnh và Tân Ước”

Ngài nói tiếp về sự hồi sinh của Tin Mừng đặc biệt vào năm 1992 với sự xuất hiện của các nhà truyền giáo đầu tiên của Hội dòng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, cùng với sự tham gia của các hội dòng khác, các giáo sĩ và giáo dân tình nguyện. Trong số đó ngài nhắc đặc biệt đến cha Stephano Kim Seong-hyeon năng động và nhiệt thành.

Đức Thánh Cha gặp bà Tsetsege

Nếm cảm tình yêu Chúa là động lực dấn thân cho Tin Mừng

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi “Tại sao các nhà truyền giáo lại dành cuộc đời cho Tin Mừng?”, và ngài trả lời rằng chính vì, như Thánh Vịnh 34 nhắc nhở, chúng ta đã nếm cảm, trải nghiệm trong đời mình sự dịu dàng của tình yêu Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra, có thể chạm đến, gặp gỡ trong Chúa Giêsu. Vâng, Chúa Giêsu là Tin Mừng dành cho mọi dân tộc, lời loan báo mà Giáo hội không ngừng công bố, thể hiện trong cuộc sống và nói thỏ thẻ vào tâm hồn mọi người và mọi văn hóa. Trải nghiệm tình yêu Thiên Chúa nơi Chúa Kitô là ánh sáng thuần khiết biến đổi khuôn mặt và làm cho nó sáng ngời. Đời sống Kitô hữu nảy sinh từ việc chiêm ngưỡng dung nhan này, đó là vấn đề tình yêu, gặp gỡ hàng ngày với Chúa trong Lời và trong Bánh sự sống, và trong khuôn mặt người khác, nơi những người nghèo khổ, nơi họ Chúa Giêsu hiện diện.

Trong 31 năm hiện diện ở Mông Cổ, các linh mục, tu sĩ nam nữ và các nhân viên mục vụ đã thực hiện nhiều sáng kiến bác ái đa dạng, thu hút phần lớn năng lượng của mình và phản ánh khuôn mặt thương xót của Chúa Kitô, Người Samari nhân hậu. Theo một cách nào đó, đây là tấm danh thiếp của các nhà truyền giáo, làm họ được tôn trọng và quý mến vì những lợi ích đã mang lại cho nhiều người trong nhiều lĩnh vực khác nhau: từ hỗ trợ xã hội đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe và quảng bá văn hóa.

Đức Thánh Cha gặp bà Tsetsege

Luôn hưởng nếm và nhìn xem Thiên Chúa

Đức Thánh Cha tiếp tục nói bằng cách mời gọi mọi người nếm thử  nhìn xem Thiên Chúa, luôn quay trở lại với cái nhìn nguyên thủy mà từ đó mọi sự đã được sinh ra. Thực vậy, nếu không, sức mạnh của chúng ta sẽ thất bại và dấn thân mục vụ có nguy cơ trở thành việc cung cấp các dịch vụ vô ích, một danh sách các nhiệm vụ nhưng cuối cùng chỉ mang lại sự mệt mỏi và thất vọng. Bằng cách tiếp xúc với khuôn mặt Chúa Kitô, tìm hiểu Người trong Kinh Thánh và chiêm ngưỡng Người trong sự thinh lặng tôn thờ trước Nhà tạm, chúng ta sẽ nhận ra Người trên khuôn mặt của những người mình phục vụ và sẽ cảm thấy được đánh động bởi một niềm vui sâu sắc, niềm vui đó để lại bình an trong tâm hồn ngay cả trong lúc khó khăn. Điều chúng ta cần, không phải những người bận bịu và phân tâm để lo cho các dự án, đôi khi có nguy cơ tỏ ra chán nản bực bội vì một cuộc sống chắc chắn không hề dễ dàng; nhưng chúng ta cần trở về nguồn, về với dung nhan Chúa Giêsu, về với sự hiện diện của Người để được hưởng nếm: Người là kho báu của chúng ta (Mt 13, 44), viên ngọc quý đáng phải tiêu tốn mọi thứ để có được (Mt 13, 45).

Đức Thánh Cha chào thăm các tín hữu

Giáo hội không có chương trình nghị  sự chính trị để theo đuổi

Khi sai các môn đệ vào thế giới, Chúa Giêsu đã không sai họ đi truyền bá tư tưởng chính trị, nhưng làm chứng bằng cuộc sống của họ cho sự mới mẻ của mối tương quan với Chúa Cha, Đấng đã trở thành “Cha của chúng ta” (Ga 20,17), là nguồn của tình huynh đệ cụ thể với mọi người. Giáo hội ra đời từ lệnh truyền này là một Giáo hội nghèo, chỉ dựa vào đức tin đích thực, vào quyền năng loại trừ vũ khí của Đấng Phục Sinh, có khả năng xoa dịu nỗi đau khổ của nhân loại bị tổn thương. Đây là lý do vì sao các chính phủ và các tổ chức thế tục không có gì phải lo sợ trước hoạt động loan báo Tin Mừng của Giáo hội, bởi vì Giáo hội không có một chương trình nghị sự chính trị nào để theo đuổi, nhưng chỉ biết đến sức mạnh khiêm tốn của ân sủng Thiên Chúa và Lời của lòng thương xót và sự thật, có khả năng thúc đẩy điều tốt đẹp cho mọi người.

Giám mục, hình ảnh sống động của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành,

Để hoàn thành sứ vụ này, Chúa Kitô đã ban cho Giáo hội Người một cơ cấu gợi lại sự hòa hợp tồn tại giữa các chi thể khác nhau của thân thể con người: Người là Đầu, tức là Đấng tiếp tục hướng dẫn Giáo hội, tuôn đổ vào Thân thể, tức là trong chúng ta, cùng một Thánh Thần của Người, hoạt động trước hết trong những dấu hiệu của sự sống mới là các Bí tích. Để đảm bảo tính chân thực và hiệu quả của Giáo hội, Người đã thiết lập chức tư tế, được đánh dấu bằng sự kết hợp mật thiết với Người, vị Mục Tử nhân lành, Đấng đã hy sinh mạng sống vì đoàn chiên.

Và trong quan điểm này, Đức Thánh Cha mời gọi các linh mục và tu sĩ nhìn nơi vị Giám mục không phải là một người quản lý, nhưng là hình ảnh sống động của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành, Đấng quy tụ và hướng dẫn dân Người; một người môn đệ tràn đầy đặc sủng tông đồ để xây dựng tình huynh đệ của mọi người trong Chúa Kitô và luôn đâm rễ sâu hơn nữa vào quốc gia có bản sắc văn hóa cao quý này.

Đức Thánh Cha chúc lành cho một giáo dân

Mời gọi hiệp thông

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến cụm từ hiệp thông. Giáo hội không được hiểu dựa trên một tiêu chuẩn thuần túy chức năng, theo đó Giám mục không phải là người điều khiển các thành phần khác nhau, thậm chí có thể dựa trên nguyên tắc đa số, nhưng dựa trên một nguyên tắc thiêng liêng, qua đó chính Chúa Giêsu hiện diện nơi con người của Giám Mục, bảo đảm sự hiệp thông trong Nhiệm Thể của Người.

Ngài mời gọi các nhà truyền giáo tiếp tục vun trồng sự hiệp thông và thực hiện điều này trong sự đơn sơ của một cuộc sống thanh đạm, noi gương Chúa, Đấng đã vào Giêrusalem trên lưng lừa và thậm chí còn bị lột trần trên Thánh giá. Và luôn gần gũi với mọi người, quan tâm đến họ, học ngôn ngữ của họ, tôn trọng và yêu mến nền văn hóa của họ, không để mình bị cám dỗ bởi sự an toàn trần thế, nhưng kiên vững với Tin Mừng qua một gương mẫu chính trực về đời sống thiêng liêng và luân lý.

Đức Thánh Cha chào thăm các nữ tu

Đức Mẹ đồng hành với các nhà truyền giáo

Đức Thánh Cha nhắc mọi người nhớ rằng, trong hành trình truyền giáo các nhà truyền giáo luôn có Mẹ Thiên quốc đồng hành. Mẹ thực hiện điều này một cách kín đáo và ân cần, như đã để cho mình được tìm thấy ở một bãi rác. Trong đống rác, bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội xinh đẹp xuất hiện. Mẹ không tì vết, không tội lỗi muốn đến gần chúng ta đến mức đi xuống tận cặn bã của xã hội, để từ đống rác rưởi bẩn thỉu mà sự thanh khiết của Mẹ Thiên Chúa thánh thiện có thể tỏa sáng.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Khi ngước mắt nhìn lên Đức Maria, anh chị em có thể tìm được sự bình yên, khi thấy rằng sự nhỏ bé không phải là một vấn đề mà là một tài nguyên. Đúng vậy, Thiên Chúa yêu thích sự nhỏ bé và ưu thích thực hiện những điều vĩ đại qua sự nhỏ bé, như Đức Maria đã làm chứng (Lc 1,48-49). Anh chị em thân mến, đừng lo lắng về những con số nhỏ bé, những thành công muộn màng, những điều to lớn không xuất hiện. Đây không phải là đường lối của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhìn lên Đức Maria, Đấng cao cả hơn cả trời trong sự bé nhỏ của mình, vì Mẹ đã đón nhận nơi mình Đấng mà các tầng trời không thể chứa được (1 V 8, 27). Chúng ta hãy phó mình cho Mẹ, cầu xin Mẹ một lòng nhiệt thành mới, một tình yêu nồng nàn không bao giờ mệt mỏi làm chứng cho Tin Mừng với niềm vui. Hãy tiếp tục: Chúa yêu thương anh chị em, Người đã chọn anh chị em và tin tưởng anh chị em. Tôi ở bên anh chị em và tôi nói với anh chị em bằng cả con tim: cám ơn anh chị em. Cám ơn vì chứng tá của anh chị em, cám ơn vì cuộc đời anh chị em đã dành cho Tin Mừng. Hãy tiếp tục như thế, kiên trì cầu nguyện và sáng tạo trong bác ái, kiên trì hiệp thông, vui tươi và hiền lành trong mọi sự và với mọi người”.

Sau bài nói chuyện, tất cả cầu nguyện với Kinh Kính Mừng, phép lành của Đức Thánh Cha. Ngài cũng làm phép tượng Đức Mẹ Thiên quốc, chào thăm một số người và lên xe trở về Toà Sứ thần. Kết thúc ngày thứ hai trong chuyến tông du Mông Cổ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *