Đừng sợ – sự thật – giải thoát (15.07.2017– Thứ Bảy tuần XIV Mùa Thường Niên năm A)

Lời Chúa: Mt 10,24-33

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu  

24 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng : “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. 25 Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là đủ rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà.

26 “Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. 27 Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày ; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

28 “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. 29 Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không ? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. 30 Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. 31 Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

32 “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. 33 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

 

Khi hỏi một ai đó, bạn có được hết mọi người yêu mến không, câu trả lời chắc chắn là không. Vì một sự thật hiển nhiên là không ai có thể làm hết mọi người yêu mến mình, sẽ có người thương, người ghét, nhưng điều quan trọng mình đã sống đúng chưa, sống công chính chưa. Nếu thật sự đã sống đúng và công chính, tôi tin chắc một ngày nào đó bạn sẽ thu phục được người không thích bạn, với vũ khí sự công chính của bạn.

Thật vậy Tin mừng ngày hôm nay, Chúa Giêsu kêu mời tất cả mọi người chúng ta hãy sống đúng sự thật, dù bị người đời bắt bớ và vu khống. Chúa Giêsu cũng không tránh khỏi những lời thị phi này: Chúa mang tình thương của Thiên Chúa đến cho loài người, thế mà vẫn bị một số người do thái bảo: ông dựa thế quỹ Bê-en-dê-bun mà trừ quỹ (Mt 12,24). “Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bu [1], huống chi là người nhà.” (c,25b) Nếu Chúa là chủ nhà mà còn bị nói như vậy, huống hồ là những người con của Chúa, chắc chắn sẽ bị như thế, vì “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ” (C,24).

Nhưng sự thật vẫn là sự thật, không thể thay đổi được điều gì, vì: “không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết” (c,26b). Bởi thế những người theo Chúa, không có lí do gì mà sợ sự thật, vì “sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,32). Hãy sống trong sự thật và bảo vệ sự thật, dù bị người đời thù ghét hay ngay cả lấy cả mạng sống của mình. Nhưng “đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (C,28).

Từ đó chúng ta có thể khẳng định được rằng Chúa là sự thật, ai không sống trong sự thật là không sống trong Chúa. Nếu không sống trong Chúa là chối Chúa, mà chối Chúa thì Chúa cũng chối chúng ta trước mặt Thiên Chúa Cha, “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. (C,32-33).

Nhìn vào lịch sử phát triển của Giáo hội Công Giáo tại Việt Nam, chúng ta cũng đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của thế sự. Biết bao nhiêu sinh mạng đã nằm xuống để minh chứng cho đức tin trung kiên của mình, dám chết cho sự thật.

Thánh Phêrô Nguyễn Bá Tuần (1766-1838), ngài là vị Linh mục thời vua Minh Mạng, khi vua ra chiếu chỉ cấm đạo vào năm 1838, vì thời bấy giờ đối với các vua chúa thời Nguyễn xem đạo công giáo là tà đạo. Để minh chứng cho sự thật, minh chứng cho vua biết rằng đây không phải tà đạo, Cha Phêrô Nguyễn Bá Tuần đã bị tống giam vào ngục. Với độ tuổi 72 của ngài, thế mà bị gông cùm xiềng xích với biết bao đòn vọt. Nhiều khi viên quan nói với cha: “Lão già quá rồi, không chịu nỗi các hình khổ đâu”. Cha Tuần trả lời : “Quả thực tôi ốm yếu già nua, nhưng Thiên Chúa sẽ cho tôi sức mạnh để đón nhận mọi cực hình và cả cái chết vì Ngài”. Luật pháp bấy giờ không cho chém đầu người già trên 60 tuổi. Thế nhưng ngày 18.07.1838, vua Minh Mạng vẫn phê án xử trảm cha Tuần. Bản án “vi hiến” đó đã không bao giờ thi hành được, vì ngài đã chết trong tù. Từ đó chúng ta thấy được rằng, chính những người có quyền lập pháp lại hành pháp sai trái, dựa vào quyền lực để cai trị. Sự thật đã giải phóng cha Tuần, vào ngày 27.05.1900 Đức Lêo XIII suy tôn chân phước cho ngài, đến ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

Sự thật đối với Việt Nam ngày hôm nay cũng thế, dường như sự thật nó nằm trong đường lối chính sách của Đảng và nhà nước và những ai đi ngược lại đường lối chính sách này, đều được xem là chống đối hay bị ghép vào cái tội tuyên truyền chống phá. Chứ thật sự chưa nằm trong phương diện đối thoại, từ đó dẫn tới một hiện trạng đó là độc tài. Đều này đã được Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh trả lời phỏng vấn báo Église d’Asie: “Chế độ Cộng Sản luôn là một chế độ độc tài, nên các nhà cầm quyền có khuynh hướng đàn áp các tiếng nói đối lập…”.

Hiện trạng đất nước ngày hôm nay cũng đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nói lên qua thư chung năm 2016 (số 2): “Nhìn vào tình hình đất nước hiện nay, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta không thể không có những băn khoăn, lo lắng. Làm sao không âu lo trước tình hình đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, tội ác gia tăng không những về số lượng mà cả về mức độ dã man, phá thai và nghiện ngập tràn lan, nhất là nơi giới trẻ! Làm sao vui được trước sự hoành hành của tệ nạn tham nhũng, vốn từ lâu đã được coi là quốc nạn nhưng đến nay vẫn không hề suy giảm! Làm sao không lo lắng trước tình trạng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán tại các tỉnh Tây nguyên, thảm hoạ môi trường biển tại miền Trung! Đó là chưa kể đến mối đe doạ hằng ngày từ các thực phẩm bẩn và độc hại, có thể ngay trong các quầy hàng và trên bàn ăn của mỗi gia đình!

Có những nguyên nhân khách quan và ở tầm vĩ mô đã dẫn đến tình trạng đáng buồn trên, chẳng hạn nền giáo dục quá chú trọng đến bằng cấp, nặng hình thức mà không quan tâm đủ đến giáo dục nhân cách và tâm hồn; chính sách kinh tế quá đề cao lợi nhuận và hiệu năng sản xuất mà không lưu ý đến môi trường sống của người dân; tình trạng thiếu minh bạch và yếu năng lực trong việc quản lý kinh tế và điều hành xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng và nhiều tệ nạn khác; khuynh hướng sử dụng bạo lực dưới nhiều hình thức để giải quyết vấn đề hơn là lắng nghe và đối thoại… Cách riêng trong những ngày này, chúng tôi nghĩ đến những đau khổ mà đồng bào bốn tỉnh miền Trung đang phải gánh chịu vì thảm hoạ môi trường biển. Ước mong nhà cầm quyền lắng nghe những nguyện vọng chính đáng của người dân cũng như những góp ý chân thành của các nhân sĩ, trí thức, để thực sự xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh mà mọi người mong ước”.

Hay bản nhận định về luật tín ngưỡng 2016: “Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho. Bộ Luật này không dùng từ “xin phép” và “cho phép”, thay vào đó là các từ “đăng ký, thông báo, đề nghị” (số 3). Chính quyền nhìn các tôn giáo thuần tuý trên bình diện chính trị, xem các tổ chức tôn giáo như những lực lượng đối kháng…. Do cách nhìn như thế, trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, có những điệp khúc được lặp đi lặp lại nhiều lần, như “theo quy định của Pháp luật”; “chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo”, hoặc những khái niệm mơ hồ trừu tượng như “xâm phạm quốc phòng, an ninh”; “xâm phạm chủ quyền quốc gia”; “xâm phạm trật tự an toàn xã hội, môi trường”. Những điệp khúc và những từ ngữ mơ hồ trên rất dễ bị lạm dụng để quy kết trách nhiệm và lên án các tổ chức tôn giáo khi chính quyền không hài lòng. (số 4). Chính quyền kêu gọi các tôn giáo đồng hành với dân tộc, chúng tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng thiết tưởng nên phân biệt rõ dân tộc và chế độ. Lịch sử dân tộc Việt Nam nói riêng và lịch sử thế giới nói chung cho thấy rằng các chế độ chính trị thay đổi theo thời gian, còn dân tộc thì trường tồn. Do đó, phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Chúng tôi nghĩ rằng, đồng hành với dân tộc là đồng hành với những con người cụ thể đã và đang làm nên dân tộc này, nhất là những người cùng khổ và bị quên lãng. Đồng hành với dân tộc là đồng hành với những giá trị làm nên di sản tinh thần và văn hoá của dân tộc Việt Nam: chống ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi, chống cường quyền, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách…(số 5).

Nhìn chung qua các thư chung hay các bản góp ý của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thời gian gần đây, có thể đã có tiếng nói mạnh mẽ hơn, nói lên sự thật hơn, không còn úp mở như trước nữa. Nếu thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980 kêu gọi đồng hành cùng dân tộc, thì Thư chung năm 2016 nói rõ hơn, thế nào là đồng hành cùng dân tộc.

Nếu thời Minh Mạng có Thánh Phêrô Nguyễn Bá Tuần, thì ngày hôm nay lại có những con người dám đứng lên nói lên sự thật, dù bị kết án là phản quốc bội ơn. Biến cố Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, Ngài đã nói lên tiếng nói của mình:  “Tôn giáo là một quyền căn bản của con người, chứ không phải là một ân huệ xin cho”, chính câu nói này mà ngày nay Hội đồng Giám Mục Việt nam đã tái khẳng định trong bản góp ý sửa đổi hiến pháp, như đã được phân tích ở trên.

Một hình ảnh cũng khá trung kiên, không chỉ làm chứng cho sự thật mà còn đòi sự thật, dù bị báo đài Nghệ An hay chính đài VTV đã kích tư bề, Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, vị Giám mục Giáo phận Vinh, cũng là chủ tịch Công lý và Hòa Bình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Ngài đã sang Châu âu vào tháng 05 vừa qua để thỉnh nguyện thư kêu gọi và gửi đến một số cơ quan của Liên Hiệp Quốc, của Liên Hiệp Châu Âu, cũng như một số chính phủ và tổ chức dân sự kí tên ủng hộ về vụ việc Formosa đang gặp phải tại giáo phận của Ngài.

Một hình ảnh cứ theo suốt tôi mấy ngày nay là việc tranh chấp đất đai giữa đan viện Thiên An (Thừa Thiên Huế) với chính quyền Thừa Thiên Huế. Các đan sĩ đã đứng lên để giữ thánh giá, giữ mãnh đất mà các cố đan sĩ đi trước để lại. Dù bị đánh đập bởi các côn đồ, hay bị xuyên tạc một cách trắng trợn của báo đài Thừa Thiên Huế, nhưng các đan sĩ vẫn bình tâm cầu nguyện, và sẵn sàng đứng lên bảo vệ sự thật, bảo vệ mãnh đất linh thiêng của đan viện. Vào ngày 12/07/2017 một hình ảnh rất đẹp, các đan sĩ đứng trước giới cầm quyền đã thực hiện nghi thức tôn giáo của mình trong một cuộc họp được mời trước đó. Sự thật nằm ở chổ nào khi các đan sĩ quay phim lại cuộc họp, nhưng giới cầm quyền lại cấm không cho phép. Nếu không sai thì làm gì lại phải cấm, các đan sĩ đã không chấp nhận sự đề nghị đó và đã quay lại diễn tiến của cuộc họp. Kết quả không đi đến đâu khi hai bên vẫn giữ lập trường riêng của mình.

Thiết nghĩ mỗi ngày sống của mỗi người chúng ta, giữa sự thật và giả dối luôn tồn tại. Buộc con người phải chọn một. Đối với mỗi người Kitô hữu không thể nào sống trong sự giả dối được, vì Thiên Chúa không thuộc về sự giả dối. Ngài là sự thật, ai sống trong sự thật mới thuộc về ngài. Ước mong chúng ta không chỉ sống cho sự thật mà còn đòi sự thật cho những người thấp cổ bé họng, vì chỉ sự thật mới giải phóng chúng ta.

 

CAO DƯƠNG CẢNH (GIÁO PHẬN CẦN THƠ)

 

[1] Bê-ên-xê-bun\ Baal-Zebub, Beelzebub, Beelzebul. Béelzebul.

Tên của Chúa quỉ (Mt 10:25; 12:24, 26:1- Mc 3:22, 23; Lc 11:15, 18, 19). Tên nầy là do Ba-anh-xê-bụt mà ra. Nguyên Ba-anh-Xê-bụt là thần Ruồi của thành Éc-rôn. Vì thành nầy có nhiều ruồi và muỗi, nên người ta lập thần đó để mong thoát khỏi (IICác 1:2, 3, 16). Người Do-thái muốn chê cười, khinh dễ hình tượng thần Éc-rôn và những người thờ lạy nó, nên đổi gọi Ba-anh-Xê-bụt là Bê-ên-xê-bun. Ngày xưa vua A-cha-xia nhờ tà thần Éc-rôn chữa bịnh, cũng vậy, người Do-thái cho rằng Chúa Giê-su đuổi các quỉ đi là nhờ quyền của chính tà thần Bê-ên-xê-bun đó, vả lại các quỉ và các thần tượng có liên hiệp với nhau (1Cr 10, 20 – 21). Họ lầm tưởng Bê-ên-xê-bun là chúa của cả hai hạng đó.

Bê-ên-xê-bun có khi cũng chỉ về thần phân. Vì người Do-thái nói Sa-tan là cội gốc của sự thờ lạy hình tượng và hết thảy sự dơ dáy.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *