Hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Chúa! (02.03.2024 – Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Mk 7,14-15.18-20, Lc 15,1-3.11-32

Tin Mừng Chúa Giê- su Ki- tô theo thánh Lu-ca (Lc 15,1-3.11-32)

1 Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau : “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này :

11 “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng : ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng ; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giờ người con nói rằng : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa …’ 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.

25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời : ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha : ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !’

31 “Nhưng người cha nói với anh ta : ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.’”

Hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Chúa! (02.03.2024)

 Các bài đọc trong phụng vụ hôm nay trình bày Thiên Chúa Tình Yêu là Đấng từ bi nhân hậu, Ngài luôn tha thứ cho những người lầm lỗi biết thống hối trở về với Ngài.

Bài đọc 1 trích trong sách Mikha, là đoạn nói về Israel thời đã bị lưu đày tản mác khắp nơi. Israel nhớ lại lòng nhân từ và sự trung tín của Thiên Chúa nên đã cầu xin Ngài tập họp dân lại và thương tình thứ tha về những lỗi lầm dân đã phạm.

Thiên Chúa là Đấng trung tín với mọi điều Ngài đã hứa và lượng từ bi của Ngài bao la, luôn tha thứ cho những kẻ biết ăn năn quay về với Ngài, dù họ đã bất trung và xúc phạm nghiêm trọng đến thế nào với Ngài : Chúa còn thương xót chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển. Dù tội lỗi của họ có lớn lao, nặng nề đến thế nào thì cũng không hơn được Tình yêu và sự quảng đại tha thứ của Thiên Chúa : Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết ; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.(Is 1,18)

Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu và rất đỗi yêu thương loài người, nhất là dân riêng của Chúa, nên Ngài đã cho Đức Giêsu xuống thế chịu khổ hình Thập giá để chuộc tội loài người. Vì vậy khi đến trần gian này, Chúa Giêsu luôn ưu tiên tìm đến với những kẻ bé mọn và tôi lỗi để nâng đỡ, chữa lành phần hồn và phần xác cho họ.

Những người Phaerisêu và kinh sư phiền trách Chúa Giêsu giao thiệp, ăn uống với những người thu thuế, phường tội lỗi. Chúa Giêsu đã nói với họ nhiều điều để cho họ thấy sự mệnh của Người : “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi (Mt 9, 12-13).

Chúa Giêsu dùng ba dụ ngôn để giúp họ hiểu rõ hơn về sứ vụ tìm lại những con người đã lầm lạc và đưa họ trở về với Thiên Chúa : dụ ngôn con chiên lạc, đồng tiền đánh mất và dụ ngôn Người Cha nhân hậu.

Dụ ngôn Người Cha nhân hậu (trước đây người ta thường gọi là dụ ngôn Đứa con hoang đàng) diễn tả Tình Yêu bao la luôn tha thứ của Thiên Chúa với tội nhân, được thể hiện qua hình ảnh người cha đã tha thứ cho đứa con hư hỏng ngay khi nó phạm lỗi và khi nó bỏ nhà đi thì ông luôn thương nhớ, ngóng chờ nó trở về.

Nhưng tại sao Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, Ngài biết người con thứ sau khi được chia gia tài sẽ ra đi và đâm hư hỏng, thì tại sao vẫn cứ chia gia tài cho nó, để rồi phải mòn mỏi khổ sở trông ngóng nó trở về ? Đáng lẽ Ngài phải ngăn chặn ngay từ đầu, vì “Ngài biết rõ các con cần gì trước khi các con xin” (Mt 6,7) mà. Hơn nữa khi người cha còn sống thì không cần chia gia tài cho con cái, chính trong sách dạy bảo sự khôn ngoan cũng khuyên như thế : Đến ngày kết thúc cuộc đời, lúc con phải chết, khi ấy hãy phân chia gia tài.” (Hc 33,24)

Khi tạo ra con người giống hình ảnh của mình, Thiên Chúa đã ban tặng họ một món quà vô giá, đó là sự tự do. Thiên Chúa tôn trộng sự tự do lựa chọn của con người, dù Ngài biết trước kết quả của sự lựa chọn đó. Con người phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Adam Eva quyết định nghe lời dụ dỗ của con rắn nên phải chết, phải bị đuổi ra khỏi Địa đàng.

Người cha đã tôn trọng ý kiến của người con thứ, dù biết rằng nó sẽ hư hỏng, sẽ phải khốn khổ, nhưng ông vẫn làm theo để rồi phải thương nhớ nó. Nhưng đó sẽ là bài học nhớ đời cho nó.

Người con thứ là mỗi chúng ta : ích kỷ, ham vui, dễ sa ngã, cứ tưởng mình bản lĩnh, khôn ngoan … nhưng sẽ chỉ là số không trước cám dỗ của ma quỷ. Chỉ khi sa vào hoàn cảnh tồi tệ nhất, lúc không còn phẩm giá con người như người con thứ khi phải đi chăn heo, bị đói đến cầu xin được chút thức ăn của heo, con vật người Do thái coi là ô uế, mà cũng không được, thì mới nhớ đến Chúa.

Thực ra lúc nào Chúa cũng đã ở trong tâm hồn kẻ tội lỗi và luôn nhắc nhở, kêu gọi họ thức tỉnh. Nếu kẻ có tội thành tâm biết tội và ăn năn hối lỗi, dứt khoát muốn quay về với Chúa, thì đã nhận ngay được sức mạnh của Chúa giúp, vì chỉ có cậy nhờ sức mạnh của Chúa thì mới có thể trỗi dậy, như nhận định của người con thứ về cha mình : “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi …”

Đứa con tội lỗi biết thống hối đã chuẩn bị những câu nói để tỏ bày sự ăn năn và xin lỗi người cha. Nhưng người cha đã tha thứ cho nó và ngày ngày thương nhớ mong chờ nó. Khi thấy nó quay về là ông đã như sống lại với nó, ông đâu có cần nghe nó nói gì, nhưng đã trả lại nó phẩm giá của người con. Đối với ông, việc nó quay về với ông là đủ rồi, vì nó đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Dân Do Thái và mỗi Kitô hữu như người con cả có được hạnh phúc lớn lao là biết Chúa trước những người khác, được ở cùng Chúa trong nhà Chúa, nhưng lại sống như người làm công chứ chẳng có tâm tình của người con để hiều và đồng cảm tấm lòng yêu thương con cái của người cha, nên cũng không biết yêu thương những người cùng là con của một cha, là anh em mình : “… còn thằng con của cha kia”, dù rằng người cha đã xác nhận mọi sự của cha đều là của con”, trong đó kể cả người em, vì người cha lúc nào cũng coi anh là con mình, nên đứa con hư hỏng cũng là em của người anh.

Dân Do Thái xưa đã từ chối không nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ, đã nhục mạ, phỉ báng và đóng đinh Người lên Thập giá. Người Kitô hữu ngày nay vẫn tiếp tục là người con hư hỏng khi phạm tội, là người con cả khi không tuân giữ những điều Chúa dạy, không làm việc bác ái với những người chung quanh, nhất là không đem Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô đến với họ.

Lạy Chúa Giêsu, con đã nhận ra những tội lỗi con đã phạm do tính tự phụ, kiêu căng, ích kỷ của con. Con đã cậy mình đủ tài để tự giải quyết mọi chuyện của đời con. Nhưng con chỉ nhận được những thất bại ê chế. Thật may mắn cho con vì Chúa đã không bỏ mặc con, vì trong những khi bị thua thiệt thế gian, con luôn được Chúa gửi đến những Lời chỉ bảo khi tham dự Thánh lễ hoặc trong giờ kinh gia đình mỗi ngày. Nhờ đó con dần dần nhận ra giá trị đích thực của cuộc đời này là tìm Chúa bằng học hỏi Thánh Kinh, để có Chúa bằng sống Lời Chúa mỗi ngày.

Mỗi lần con nhận Bí tích Thánh thể, khi Bánh Thánh tan dần trong con, con như được tan trong Chúa, được ở trong Chúa và cảm nhận được Tình yêu của Chúa quá đỗi ngọt ngào. Quả thật có Chúa là có hạnh phúc viên mãn.

Xin Chúa giúp con bền đỗ theo Chúa đến cùng. Amen.

Jos. NM Tưởng

Lòng nhân từ của Chúa lớn hơn tội lỗi con người (11.03.2023)

Nơi dụ ngôn về lòng nhân từ của người cha được diễn tả trong Tin Mừng, đó là Thiên Chúa luôn vui mừng hân hoan khi thực hiện được hành vi tha thứ đã được biểu lộ một cách mãnh liêt, vô điều kiện, thậm chí mù quáng, phi lý. Sám hối là trở về với tình cha. Cả hai người con đều cần trở về và vào nhà cha. Sám hối là trở lại với tình yêu, niềm vui, sự sống. Nhưng trở về chẳng phải là chuyện dễ dàng. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải cảm nghiệm được sự vĩ đại, siêu việt của tình yêu Thiên Chúa đang dành cho ta, bởi lẽ, có lúc chúng ta là hiện thân hoang đàng của người con thứ, có lúc chúng ta lại là người vô cảm, tự phụ vì sự tự ngộ nhận về vị trí của mình như người con cả trong dụ ngôn. Nhưng Chúa đã không hề bỏ mặc ta. Người là Đấng mau quên lỗi lầm của ta mà lại luôn khắc ghi tình yêu của ta dành cho Ngài và cho tha nhân. Ngài luôn quên hết mọi lỗi lầm của ta và chỉ mong một điều, đó là ơn tha thứ được đến với ta mãi mãi. Chúa không ngừng âu yếm vỗ về, ân cần dạy dỗ, quảng đại nuôi dưỡng bằng ân sủng và bằng Mình Máu của chính Chúa, bởi lẽ như lời cuả Thánh Tôma Aquino: “ thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài” (Tôma Aquino, Summa Theologiae.II-II,q.30,a,4).

Mùa Chay là mùa hoán cải, là mùa hòa giải với Thiên Chúa, là mùa đoạn tuyệt với tội lỗi. Thiên Chúa luôn ở đó trông mong, ngòng đợi từng người mỗi giây, mỗi phút. Người đón nhận chúng ta vô điều kiện, đón nhận như chúng ta chưa hề rời xa, chưa hề phản bội Người. Mùa Chay cũng là mùa thực thi lòng thương xót như lời giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông sắc về lòng thương xót của Ngưới: “Lòng thương xót là bản chất của Thiên Chúa. Chính lòng thương xót này đã nuôi dưỡng, chống đỡ và trở thành mục đich của Người.(vì vậy) Trụ cột nâng đỡ đời sống Giáo Hội chính là lòng thương xót. Tất cả hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải được thấm đẫm sự dịu dàng, không một sứ điệp và chứng từ nào của Giáo Hội trước thế giới lại có thể vắng bóng lòng thương xót. Tình yêu, thương xót và thông cảm chính là phương thế để củng cố tính cách đáng tin của Giáo Hội…” (Tông sắc LTX số 10 ).

Chúa ơi, con được sinh ra với tư cách là con Chúa, con đã đành lòng từ bỏ danh phận cao quý đó, nhưng chúa đã không bỏ mặc con, xin Chúa chỉ cho con đường quay về và đón nhận con như con chưa từng rời xa Chúa. Amen.

Phaolô Võ Công Nam

Lòng Chúa… (06.03.2021)

Tin Mừng hôm nay diễn tả tấm lòng Thiên Chúa yêu thương vô bờ, luôn luôn tha thứ và vẫn hằng mong chờ đón nhận tội nhân trở về với Ngài.

Trái ngược với cái nhìn loại trừ của người Pha-ri-sêu và các kinh sư, khi họ xầm xì bàn tán với nhau về việc Chúa Giê-su đã đón tiếp những người thu thuế và các người tội lỗi đến nghe Chúa giảng và ăn uống với họ, Chúa Giê-su mới kể cho họ nghe dụ ngôn “người cha nhân hậu” để dạy họ hiểu về lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Lc. 15,1-3.11-32).

Qua đó cho thấy:

Yếu tố căn bản để đổi mới con người chính là sự hồi tâm, hối lỗi, biết nhìn lại quá khứ để kiểm điểm lương tâm. Có như thế ta mới can đảm xưng thú những lỗi lầm của mình, và thành tâm ăn năn thống hối xin Chúa thứ tha tất cả những yếu đuối, lỗi phạm cho mình.

Ta chỉ có thể trở về với Chúa khi chính ta biết khiêm tốn  nhận ra thân phận tội lỗi của mình.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con nhận ra con người thật của mình với biết bao lầm lỗi khuyết điểm. xin Chúa thương ban ơn trợ giúp con biết can đảm đứng dậy trở về với tình thương của Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Quay đầu… (14.03.2020)

Thiền sư và Phật tử trò chuyện:

–  Bạch thầy, dạo này người ta hay nói đến cụm từ “Quay đầu là bờ”. Thưa thầy, vậy ý nghĩa sâu xa câu nói là gì ?”.

Thầy nhã nhặn:

– Khi đang chơi vơi giữa sông sâu vực thẳm, nếu ta thật sự mong muốn quay lại thì sẽ nhìn thấy bờ. Đó là lời khuyên chân thành giúp con người tự thức tỉnh mình nếu không muốn lún sâu vào con đường lầm lạc, tội lỗi.

“Quay đầu là bờ” mang hàm ý cảnh tỉnh con người hãy biết dừng ngay những điều sai trái lại trước khi quá muộn. Ở chiều sâu hơn, câu thành ngữ như muôn nhắc nhớ chúng ta khi đã sai lầm thì thành tâm hối cải, thực lòng sửa chữa khuyết điểm bằng những suy nghĩ hướng thiện, việc làm tích cực để trở về bản tính tốt đẹp của con người. Dám đối mặt với nỗi đau quá khứ, buông bỏ những ham hố tầm thường, không chùn bước trước chông gai phía trước, đó cũng là thông điệp mà thành ngữ “Quay đầu là bờ” muốn gửi tới muôn kiếp người”.

Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy “Quay đầu là bờ” nghĩa là thành tâm hoán cải, quyết tâm từ bỏ tội lỗi, can đảm quay về đường ngay, nẻo chính. Thế  nhưng có bao nhiêu người đủ can đảm, đủ mạnh mẽ để “quay đầu” hoán cải đời sống của mình ?

Hoán cải bao giờ cũng khó. Nhưng hoán cải chưa hề được xem là hành động muộn màng, hoặc một việc làm trễ nải bao giờ cả.

Khi lầm đường lạc lối, bất cứ ai cũng có thể quay đầu lại, để làm mới lại chính mình nhờ sẵn sàng cậy dựa vào ơn Chúa trợ giúp, nhờ lòng tin kiên vững vào tình yêu vô vàn của Chúa; được cụ thể hóa bằng ý nghĩ tốt, bằng những lời ngay thật, bằng các hành động dấn thân phục vụ tha nhân…

Lạy Chúa, xin cho con khát khao ý nghĩa và phẩm giá đời mình để con biết quay trở về với Chúa những khi con lầm lỗi, ngõ hầu được hưởng hạnh phúc trọn toàn bên tình Cha. Amen.

CÁT BIỂN

Trở về (23.03.2019)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi những người biệt phái và luật sĩ lên án Người qua lại với những phường tội lỗi (trong mắt họ), Người đã kể cho các ông nghe dụ ngôn kinh điển về sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho người tội lỗi. Dụ ngôn này cùng dụ ngôn con chiên lạc và dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất là bộ ba dụ ngôn diễn ta vô cùng rõ nét tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa khi người phạm tội biết ăn năn trở về cùng Người. Chúng ta cũng có thể là người anh, là người em hoặc là cả hai anh em trong dụ ngôn ấy.

Đôi lúc chúng ta là người em, người được cha luôn thương yêu, chiều chuộng, đòi hỏi gì Người cũng đáp ứng, kể cả việc chia gia sản (chỉ diễn ra khi người cha ấy qua đời), thế mà ông cũng đồng ý. Từ ngày anh cất bước ra đi ăn chơi đàn đúm, người cha vẫn ngày ngày đợi trông con về. Đến khi anh về thật, ông vui mừng khôn xiết, xem như chưa từng có cuộc chia ly. Đôi khi chúng ta được Thiên Chúa thương yêu, chiều chuộng nên đâm ra ỷ lại vào tình yêu ấy. Chúng ta đam mê, chạy theo tội lỗi để rồi phải chịu đau đớn, tủi nhục trong bùn nhơ.

Điều quan trọng là, chúng ta có dám can đản từ bỏ những thú vui, đam mê tội lỗi để trở về cùng Chúa chưa? Hay lại đợi đến khi không còn gì trong tay, bị người đời khinh thường, không chốn dung thân mới đánh liều trở về trong tủi hỗ như người em? Dẫu ta biết rằng Thiên Chúa tràn đầy lòng thương xót sẽ thứ tha, nhưng nếu ta cứ ỷ lại vào tình thương ấy mà phạm tội “thả ga”, ta sẽ chẳng thể lường trước hậu quả. Thế nên, hãy trở về ngay khi có thể!

Đôi khi chúng ta là người anh, luôn ở bên cha, những gì của ông cũng là của anh. Thế nhưng anh vẫn ganh ghét, bực tức khi thấy người em được cha mình tha thứ. Điển hình là những người biệt phái và luật sĩ trong bài Tin Mừng hôm nay. Chưa chắc các ông là người thanh sạch, nhưng trong mắt người Do Thái, các ông vẫn hơn những người tội lỗi kia. Đôi khi chúng ta cũng là kẻ tội lỗi, dù sống đúng luật Chúa, sống theo lời Người nhưng có gì đảm bảo ta sẽ không phạm tội. Thế nên, trước hết, chúng ta hãy cố gắng phát huy lối sống lành mạnh, tuân giữ các giới răn Chúa truyền. Sau đó, chúng ta hãy mời gọi anh em mình trở về cùng Chúa. Đừng ngăn cản người khác trở về!

Chúng ta có thể là người anh, có thể là người em, cũng có thể đã từng là người em và giờ là người anh… Nhưng dù là ai đi chăng nữa, chúng ta cũng nên nhớ rằng: hãy trở về khi có thể và đừng bao giờ ngăn cản anh em mình trở về! Chúng ta hãy biết ăn năn thống hối, nhất là trong mùa Chay Thánh này.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng mình là kẻ tội lỗi nhưng nhờ có Chúa, chúng con biết rằng vẫn có người tin tưởng chờ đợi chúng con trở về nẻo chính đường ngay. Khó! Rất khó! Từ bỏ đam mê, từ bỏ vui thú quả thật chẳng dễ dàng. Nhưng chúng con tin rằng Ngài sẽ hoán cải tâm hồn con. Amen.

Ghen ghét (03.03.2018)

Tuy Kitô giáo là tôn giáo lớn nhất thế giới, thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người chưa nhận biết hay chưa tin vào Thiên Chúa. Trong xã hội hiện đại, người ta càng thích mượn cớ khoa học để rời xa Người, khiến cho tội lỗi đã nhiều lại càng nhiều hơn. Thế nhưng, Thiên Chúa là Cha nhân hậu luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Ấy vậy mà, đôi khi chúng ta lại tự cho rằng mình thanh sạch mà chối bỏ những mảnh đời đau khổ đang bị giày vò trong tội lỗi. Những lúc như thế, chúng ta lại trách Chúa. Khi đó, chúng ta đã vô tình trở thành người anh trong dụ ngôn Người cha nhân hậu trong Tin Mừng hôm nay.

Thiên Chúa là Cha luôn hiền từ, nhẫn nại chờ những đứa con hoang đàng trở về với mình. Trong khi đó, người anh lại không chấp nhận chuyện đó, anh ta ghen tức với người em vì sự bao dung của người cha khiến anh không khỏi ghen tức với em mình. Liệu chúng ta có thấy bản thân mình trong đó hay không.

Nên nhớ rằng, người giữ gia tài là người cha, quyền quyết định tha tội hay không vẫn là của Thiên Chúa. Chúng ta ghen ghét những người tội lỗi vì cho rằng mình công chính nhưng lại chẳng đặt mình vào vị trí của họ. Có thể hôm nay chúng ta là người anh trong sạch, nhưng biết đâu chừng, ngày mai chúng ta lại trở thành người em tội lỗi. Lúc đó, chúng ta mới có thể cảm nghiệm được nỗi đau bị tội lỗi giày vò cũng chưa lớn bằng nỗi đau bị ruồng rẫy, miệt thị. Chính sự ghen ghét đã làm chúng ta mờ mắt, quên mất rằng chúng ta là con cùng một Cha, là anh em một nhà, phải thương yêu, chấo nhận và sửa đổi nhau.

Trong xã hội ngày nay, sự ghen ghét rất dễ bắt gặp giữa người với người. Chỉ cần thấy người khác đẹp hơn mình, giỏi giang hơn mình, giàu sang hơn mình hay chỉ đơn giản là may mắn hơn mình, chúng ta đã đem lòng đó kị mà ghen ghét họ. Điều đó trái ngược hoàn toàn với những gì Chúa Giêsu đã dạy. Do đó, chúng ta cần phải biết yêu thương, tha thứ những lỗi lầm thiếu sót của nhau, có như vậy, ta mới xứng đáng là con cái Thiên Chúa.

Mỗi người chúng ta cần nhìn lại bản thân, nhất là trong mùa Chay thánh này. Để từ đó, chúng ta không chỉ biết ăn năn thống hối tội lỗi mà còn phải mở lòng đón nhận những mảnh đời cũng đang bị tội lỗi kìm hãm. Yêu thương và tha thứ lầ những đức tính cần thiết để chống lại thói ghen ghét. Chúng ta hãy biết yêu thương và tha thứ cho nhau, để chúng ta cũng sẽ được Cha nhân lành yêu thương và tha thứ như vậy.

Lạy Chúa, chúng con là những kẻ tội lỗi nhưng đôi khi, chúng con lại phán xét, ghen ghét anh chị em mình. Xin cho chúng con biết yêu thương nhau hơn, cùng nhau nâng đỡ, chia sẻ và cùng nhau ăn năn, sám hối vì tội lỗi mình, hầu có thể xứng đáng mang danh Kitô hữu trong xã hội ngày nay. Amen.

Petrus Sơn

Tựa cửa trông chờ con (27.02.2016)

SUY NIỆM

Tin Mừng theo thánh Lu-ca hôm nay làm nổi bật tâm tình của những người lầm đường, lạc lối, có lối sống khác với tinh thần lề luật Thiên Chúa; họ được nghe Đức Giêsu giảng dạy nên có lòng hâm mộ, yêu mến và năng lui tới với Người; sự kiện này khiến những người Pha-ri-sêu phải ghen tị và xúc phạm đến Người. Đặc biệt, trình thuật còn nhấn mạnh về lòng nhân hậu của một người cha đối với con cái mình qua dụ ngôn “Người cha nhân hậu”.

Theo trình thuật Tin Mừng, sau khi người con trai thứ đòi chia gia tài rồi bỏ nhà ra đi, người cha không ngớt nhớ thương nó.

Thời gian dần trôi qua, đứa con trai thứ đã ra đi mang theo toàn bộ tài sản của nó; thực ra là của cha nó và nó muốn tự do tiêu xài phung phí. Nó ra đi, đến với đám bạn xấu và đĩ điếm, bỏ ngoài tai lời khuyên răn chất chứa đầy yêu thương của cha nó, khiến ông buồn phiền tột độ. Ngày ngày, ông tựa cửa ngóng trông hình bóng đứa con trai thứ trở về. Thế rồi đến một hôm, bỗng dưng người con xuất hiện; ngay từ ở đằng xa, người cha đã thấy nó trở về; ông vội vàng chạy ra ôm nó vào lòng và hôn nó. Niềm vui dâng trào và tình thương tha thứ của người cha làm cho ông quên hết quá khứ của nó, ông gọi gia nhân mang áo mới mặc cho nó, trao nhẫn và xỏ dép cho nó để biểu lộ lòng nhân hậu vô biên của người cha đã tha thứ mọi tội lỗi của nó và phục hồi chức phận làm con cho nó trong gia đình.

Khước từ tình thương của cha mình, người con thứ ra đi khỏi nhà và tưởng rằng mình sẽ được hạnh phúc lâu dài với lối sống tự do phóng khoáng; nhưng khi tài sản cạn kiệt, bạn bè xa lánh, lâm cảnh túng thiếu anh ta mới nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống và tình thương của cha đã dành cho mình. Anh ta hối lỗi ăn năn vì đã khước từ tình thương của cha rồi quyết tâm trở về với cha. Anh ta tự nhủ phải trở về với cha và thú nhận tội : “ con thật đắc tội với Trời và với cha”;  anh còn khiêm tốn để biết rằng: vì  phạm tội nặng nề như vậy nên chẳng còn xứng đáng là con của cha nữa, đồng thời hạ  thấp mình như một người làm công trong nhà của cha mình.

Nhất định trở về với cha mình là một lựa chọn sáng suốt và khôn ngoan; người con thứ đứng lên đi về với cha; anh cắt đứt quá khứ lầm lỗi, vất bỏ sau lưng những cám dỗ của tiền bạc, lạc thú và đam mê thấp hèn để quyết tâm đổi mới cách sống, đổi mới suy nghĩ; và anh đã can đảm thực hiện điều đó.

Bên cạnh hình ảnh của người con thứ đi hoang đã ăn năn sám hối; trình thuật Tin Mừng còn đề cập đến thái độ của người con cả: Anh ta tự hào đã sống ngoan hiền với cha; nhưng trước lòng nhân hậu bao dung của cha dành cho đứa em ngỗ nghịch nay đã sám hối trở về, thay vì chung chia niềm vui với cha mình đồng thời đón nhận em, thì ngược lại, anh đã ghen tị và khinh bỉ nó. Cuộc đối thoại giữa người cha và người con cả cho thấy tình cảm đặc biệt dành ông dành cho đứa em tội lỗi đã biết sám hối trở về; đồng thời nhắc nhở người con cả cần duy trì mối tương quan với em mình dù nó đã có lúc làm sai, phải cảm thông tha thứ và mừng vui.

Hình ảnh người cha nhân hậu trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, chỉ diễn tả được phần nào lòng khoan dung, độ lượng và tha thứ của Thiên Chúa mà thôi; nhưng bấy nhiêu cũng đủ cho chúng ta cảm nhận được tình thương tha thứ vô điều kiện và vô hạn lượng của Ngài dành cho mọi người, những con người đầy khiếm khuyết và tội lỗi. Ngài luôn trông mong chờ đợi, mời gọi chúng ta ăn năn sám hối và trở về.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi: Tin tưởng vào sự độ lượng, khoan dung của Thiên Chúa là Đấng chậm bất bình và giàu lòng nhân từ, mà trở về với Ngài trong tâm tình sám hối ăn năn về những hành vi đã xúc phạm đến Ngài và khước từ tình thương của Ngài.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin ban cho con ơn ăn năn sám hối để con nhận biết những tội lỗi mình đã phạm, và ban thêm sức mạnh thiêng liêng để mỗi khi phạm tội mất lòng Chúa, con biết can đảm đứng dậy trở về với Chúa qua bí tích hòa giải; đăc biệt trong mùa chay thánh này.

SỐNG TIN MỪNG

Siêng năng lãnh nhận bí tích hòa giải để được ơn giao hòa với Chúa, với Hội Thánh.

Đốm lửa

Yêu thương tha thứ

Còn những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi…” (Lc 15,2)

Suy niệm: “Có công thì thưởng, có tội thì phạt.” Điều đó thật hợp lý và cần thiết cho trật tự và công bằng xã hội. Tuy nhiên, ngay cả các thẩm phán khi nghị án luận tội, cũng xét đến tình tiết giảm khinh và tính chất giáo dục của hình phạt. Những người Pharisêu và kinh sư tập chú vào việc đóng khung người khác thành hai hạng: người tốt, người xấu. Mà đã bị liệt vào “phường tội lỗi” thì chỉ có một hình phạt là bị khai trừ không có chuyện khoan thứ. Vì thế họ không thể hiểu trái tim rộng mở của Chúa Giêsu. Họ lẩm bẩm khi Chúa ngồi ăn uống với những người bị coi là tội lỗi. Thế nhưng những người này lại thuộc “diện ưu tiên” đối với Ngài vì nơi Ngài chỉ có Yêu Thương và Tha Thứ.

Mời Bạn: Với Chúa Giêsu, không phải không có việc thưởng công luận tội; nhưng đó là việc của Thiên Chúa trong ngày cánh chung, chứ không phải của con người ở tại thế này. Chúa nhìn và xử với chúng ta bằng tình Yêu Thương và Tha Thứ. Bạn hãy nhìn từ góc nhìn rộng mở của Chúa, để bạn gặp Ngài, nhận ra Ngài có lý bởi vì phải chăng chính bạn chẳng phải là người có tội đã được Ngài tha thứ đấy sao?

Chia sẻ: Có khi nào bạn thành kiến với người bị mang tiếng xấu và tẩy chay họ không?

Sống Lời Chúa: Nhẫn nại và hoà nhã với người làm điều xúc phạm đến bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cái nhìn và ứng xử của Chúa nhiều khi làm chúng con ngạc nhiên, khó hiểu, lẩm bẩm với Chúa. Xin cho chúng con hiểu được lòng Chúa bao dung, để chúng con nhìn cuộc sống trong yêu thương và tha thứ như Chúa vậy. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *