Gập ghềnh đời trai

Đang lúi húi tưới tắm, nhặt cỏ, dọn dẹp khu vườn nhỏ, bỗng có tiếng nói vang lên nồng nặc mùi… “nước nói”:

Em chào chị!

Ngẩng đầu lên, tôi thấy chàng trai đang khật khưỡng, liêu siêu dựa vào tường rào, nhìn tôi với đôi mắt đang ríu lại vì say. Ngừng tay nhặt cỏ, tôi hỏi:

Em đi đâu về mà ra nông nỗi này?

Em đi giải sầu chị ơi! Lâu lâu cũng phải có chút men cho đời nó tươi một chút!

Dù biết không phải là lâu lâu mới có men như em nói, mà là chuyện hàng ngày của em đã mấy năm nay. Nhưng tôi vẫn nhẹ nhàng bảo em:

Ừ! Một chút cho đời bớt héo, giờ em về nhà nghỉ ngơi cho khỏe, mai còn lấy sức mà đi làm em nhé!

Vâng! Em về đây ạ!

Nói rồi, em lặng lẽ ra về, dù đi bộ nhưng hai chân em cứ đánh võng trên con đường làng cũng quanh co như bước chân em. Nhìn dáng em gày còm, khuân mặt hốc hác, lòng tôi chợt chùng xuống, thương em mà chẳng biết làm sao.

… Em sinh ra trong một gia đình thuần nông ở một giáo xứ nép bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa. Vì một lý do nào đấy bố em không nhận em là con và bắt mẹ em phải đem đi cho. Giáo xứ tôi có một cặp vợ chồng lấy nhau đã hơn chục năm mà không có con, vậy là theo sự giói thiệu của người nọ người kia, hai vợ chồng đã xin em về nuôi, thế là em có bố có mẹ. Theo năm tháng, em lớn lên trong sự yêu thương của bố mẹ nuôi, của cô dì chú bác, cũng như mọi người trong giáo xứ tôi. Nhưng ngày vui ngắn chẳng đầy gang, khi em mới được 6 tuổi thì mẹ nuôi qua đời, bố nuôi dù rất thương yêu em, nhưng cảnh gà trống nuôi con đôi khi vẫn thấy lẻ loi, hiu quạnh. Mấy năm sau bố em tái hôn với một chị đã… quá thì, lỡ bước, cùng trong giáo xứ, một lần nữa em lại có mẹ, nhưng là mẹ… ghẻ nuôi, mẹ ghẻ trong mấy năm đã sòn sòn cho ra lò một đàn con, em thường nói vui với bạn bè: “Chúng mày chỉ có một mẹ, còn tao có tới ba người mẹ”. Nhưng ngay sau đó em lại ỉu sìu nét mặt xuống và nhỏ giọng: “Nhiều là vậy mà cũng như không”. Thật vậy, mẹ đẻ thì chẳng dám thăm nom vì sợ chồng, mẹ nuôi thì dứt áo ra đi về thế giới bên kia khi em còn nhỏ, còn mẹ ghẻ nuôi thì còn phải bận chăm đàn con của bà.

Năm tháng vùn vụt thoi đưa, em đã trổ mã thành một chàng trai có trông rất lãng tử với dáng người cao ráo. Thời gian này em thường tìm về cội nguồn mẹ đẻ, trong những lần về quê đó, em quen và kết hôn với một cô gái nơi quê mẹ chôn rau cắt rốn, vậy là em lại có thêm một người mẹ thứ tư, đứng về một khía cạnh nào đó thì đúng là: “nhất em”. Cuộc đời em từ đó sang trang, ai cũng mừng cho em, vậy nhưng thời gian cứ lơ đãng trôi đi mà vợ em mãi chẳng có tin vui, thuốc thang chạy chữa nơi này nơi kia mãi, đến khi hy vọng gần tắt thì vợ em có bầu. Nhưng, họa vô đơn chí, nụ cười chưa nở trên môi em đã vội tắt, vợ em mang bầu nhưng là mang bầu trứng, phải bỏ để cứu mẹ. Hết lần này đến lần khác, lần nào cũng vậy, rồi một ngày bác sĩ thông báo vợ em phải phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, để bảo toàn sinh mạng, thế là hy vọng mong manh có con, dù chỉ là một đứa, cũng đã chấm dứt. Sau phẫu thuật, hai vợ chồng em cứ héo hon dần, sống với nhau cứ như một nghĩa vụ, lần lượt hết vợ đến chồng cứ thay nhau vào Sài Gòn làm ăn. Cách đây mấy năm, bố nuôi em lại ra đi về với tiên tổ, thế là nơi bấu víu cuối cùng của em cũng đã không còn. Em bơ vơ, lạc lõng giữa đời, dù bên cạnh đó vẫn có mẹ ghẻ nuôi và đàn em, nhưng lại chẳng có chung một chút máu mủ ruột già. Cuộc đời em thật lắm thác nhiều ghềnh, cái điều tưởng như bình thường, hiển nhiên đối với mọi người đó là có bố mẹ và được làm bố mẹ, thì đối với em sao nó nhọc nhằn, sa sỉ đến thế. Giờ đây, vợ chồng em ly thân, vợ em vào Sài Gòn, còn em vẫn ở lại quê, làm một bóng, ăn một thân, ngủ một mình. Chắc em không thoát ra khỏi cái mặc cảm, tự ti, mình là con rơi, con rụng, con nuôi, lại thêm không có con khác nào như cây khô không lộc. Nên em lấy rượu bia tìm quên đi phiền muộn, sức khỏe, phong độ từ đó cứ sa sút dần dần, nhiều lúc sỉn quá ra nát bét, trônng em thật bệ rạc, bê tha, ai thấy cũng xót xa. Nhiều lúc tôi đặt câu hỏi: tại sao hai vợ chồng em không chọn giải pháp xin con nuôi, để tình cảm gia đình được hàn gắn. Còn cứ chồng Bắc vợ Nam mãi thế này, thì đã là rạn nứt rồi, tan vỡ chỉ là thời gian mà thôi. Có lúc tôi lại nghĩ, hay là em dị ứng với cái từ con nuôi, sợ nó cứ đeo bám từ em đến con cháu mình, nhưng dù sao như vậy vẫn còn hơn hoàn cảnh hiện tại của em.

Lan man nghĩ về em, tôi lại so sánh em với những hoàn cảnh khác. Em chỉ mong có một mụn con, để chăm bẵm, để yêu thương, để dạy dỗ con biết điều hay lẽ phải. Trong khi đó, nhiều người lại phũ phàng giết đi chính những đứa con máu mủ, ruột thịt của mình. Em chỉ mong sinh ra trên đời có bố có mẹ, để được xum vầy trong tình cảm ấm áp của gia đình, để được báo hiếu công lao sinh thành dưỡng dục. Trong khi đó, nhiều người lại đang tâm bỏ rơi, bạo hành, đối xử thậm tệ với chính đấng đã mang nặng đẻ đau, nhọc nhằn cày cuốc sớm hôm, một sương hai nắng nuôi mình lớn khôn.

Đời người thường nói không ai chọn được bố mẹ hay quê hương, vì vậy, dù bố mẹ là người đã sinh thành ra em, hay là người đã dưỡng nuôi em khôn lớn. Dù quê hương là nơi em cất tiếng khóc chào đời, nơi chôn rau cắt rốn, hay nơi đã nhận, đã đón, đã cho em với tất cả tình người. Thì em ơi! Tất tất cả đều nhọc nhằn lắm lắm. Mạnh mẽ lên em, chỗi dậy đi em, chặng đường dài vẫn còn ở phía trước, trên chằng đường ấy có biết bao điều kỳ diệu đang chờ đón em.

Mờ – inh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *