Gia đình và ơn gọi Thánh hiến

Chúa nhật IV mùa Phục Sinh, Giáo Hội mời gọi cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Nhân dịp năm đồng hành với các gia đình trẻ, thiết tưởng cần suy tư ít nhiều về gia đình và ơn gọi thánh hiến.

Gia đình là tế bào của xã hội và cả Giáo Hội, nên ảnh hưởng rất lớn từ trong gia đình, nếu mẹ cha không đủ thiện chí, không gương mẫu, không tha thiết thì thật khó có những đứa con muốn đi theo con đường ơn gọi thánh hiến. Bởi vậy, chính các gia đình sẽ là chiếc nôi, là vườn ươm những mầm ơn gọi, để đóng góp cho tương lai của cả Giáo Hội sau này những người con, sẽ được thánh hiến cho Thiên Chúa và cho Giáo Hội. Trong hoàn cảnh hiện nay, thật không dễ dàng để một người trẻ quyết tâm theo Chúa, lội ngược dòng đời, kiên trì tu học cho đến khi trở thành tu sĩ khấn trọn, hay được lãnh chức thánh, để trở thành Linh mục của Chúa, mà nhờ sự cộng tác, vun đắp từng ngày của mẹ cha.

Một gia đình công giáo có cha mẹ sống đạo hạnh, mến Chúa yêu người, sống đức tin sống động, sẽ nuôi dạy nên những con ngoan trò giỏi. Cha mẹ giúp con định hướng đúng và vun đắp, chắp cánh cho lý tưởng tốt đẹp của con cái, hy vọng sẽ cống hiến cho tương lai của Giáo Hội những người con yêu quý hiến thân cho Chúa cách triệt để. Linh mục Giuse Nguyễn Thái Hà là người con trai duy nhất trong gia đình. Ông bà Cố gửi cục cưng vào tiểu chủng viện cho ngoan ngoãn. Thế là cậu con say mê ơn gọi đến… quên đường về trần thế! Một bà Cố viết thư gửi con gái đang tu học xa với những dòng chữ quê mùa còn sai chính tả: “Con phải nhớ đêm ngày đọc kinh, cầu nguyện xin ông “thán” Giuse cho được tu học cho nên…”

Sơ đã ép plastic rồi cất giữ để nhớ công ơn người mẹ một đời hy sinh, cầu nguyện để con gái tu trọn đạo. Lần kia tôi tham dự thánh lễ truyền chức Linh mục, cảm động làm sao khi các ông bà Cố mang áo lễ lên bàn thánh trao dâng, có bà Cố lưng đã còng được dìu lên cách khó khăn. Dù không phải là người thân, mắt tôi cũng ứa lệ khi nhìn những hình ảnh đó. Những tấm áo lễ được dệt từ lòng khao khát đợi trông, trong cầu nguyện, những hy sinh từng ngày, theo suốt những năm tháng tu học của con. Mỗi gia đình một hoàn cảnh khác nhau, tấm áo ấy cũng được dệt bằng những hy sinh, khó khăn khác nhau, nhưng tất cả đều có sự “đồng công” của cha mẹ.

Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn,Tổng Giáo phận Sài Gòn, từng kể rằng: bà Cố một thân nuôi con, từ ngày con tu học, mỗi ngày bà dâng hy sinh và đọc thêm một chuỗi kinh Mân côi để cầu nguyện cho người con trai duy nhất cho đến hôm nay, nghĩa mẹ thật là cao dày xúc động lòng người. Theo lời kể dí dỏm của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh: Một cậu bé lớn lên với 13 năm chăn vịt, suốt ngày đội nón lá rách, tay cầm cây tre dài lùa đàn vịt rất đông. Chăn nuôi giỏi như vậy nhưng trứng lành gom bán, hằng ngày chỉ ăn những quả trứng ung (nghĩa là trứng đã bị hư hỏng), đến độ quen cả cái mùi trứng thum thủm… Lớn lên từ trong cảnh nghèo nàn khó khăn, người thanh niên còm nhom thuở ấy nay đã trở thành Đức Giám mục Phêrô Huỳnh Văn Hai – Giám mục Giáo phận Vĩnh Long.

Ngày xưa mỗi gia đình có nhiều con nên việc dâng cho Chúa một người con xem ra dễ dàng hơn thời nay, mỗi gia đình chỉ có hai đến ba con là cùng. Cha mẹ sợ sau này lấy ai người chăm sóc mình khi tuổi già sức yếu. Nếu gia đình nào cũng nghĩ như vậy thì làm sao có được những Linh mục, tu sĩ phục vụ trong Giáo Hội? Nhưng thực tế không phải các ông bà Cố bị bỏ cô đơn trong tuổi già. Ông bà Cố của Sơ Maria Phan Thị Mai, nguyên Tổng Phụ trách Hội dòng Mến Thánh giá Phát Diệm sinh được 6 người con đều là gái. Ba cô con gái lập gia đình, ba người con trở thành nữ tu. Đến cuối đời ông bà Cố được đưa về nhà Dòng để các con lo phụng dưỡng.

Ước mong sao các gia đình cùng lắng nghe, suy tư và thực thi giáo huấn của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “cần phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gia đình như là môi trường đời sống Kitô giáo, trong đó ơn gọi có thể phát triển và lớn lên. Một lần nữa tôi cũng mời gọi các cha mẹ Kitô hữu hãy cầu nguyện để có người trong số con cái của họ được Đức Kitô kêu gọi bước vào đời thánh hiến. Nhiệm vụ của các cha mẹ Kitô hữu là hình thành một gia đình, trong đó các giá trị Tin Mừng được tôn trọng, vun xới và được sống, và là nơi mà đời sống Kitô hữu chân chính có thể nâng cao những khao khát vọng của người trẻ. Chính nhờ những gia đình như vậy mà Giáo Hội sẽ tiếp tục sinh ra ơn gọi. Vì thế Giáo Hội yêu cầu các gia đình cộng tác vào việc đáp trả lời mời gọi của “Chủ ruộng”, Người đòi hỏi tất cả chúng ta hãy dấn thân để cho Người sai những “người thợ mới vào ruộng lúa của Người”.

                                                                               Én Nhỏ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *