Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Trong nhiều dịp, tôi đã tham dự Thánh lễ Chúa Nhật tại một giáo xứ ở Mỹ, bên ngoài giáo phận của tôi. Ở mỗi thánh lễ này, linh mục giảng quá ngắn, chỉ khoảng một phút mà thôi. Trong thực tế, các thông báo của giáo xứ còn dài hơn bài giảng nữa. Thưa cha, liệu có luật nào qui định rằng bài giảng lễ Chúa Nhật phải lâu khoảng bao nhiêu phút không? – M.E., Rochester, New York, Mỹ.
Đáp: Tôi cảm nghiệm một sự vui thích hiếm hoi, khi một giáo dân than phiền về bài giảng là quá ngắn. Đó là một dấu hiệu của sự đói khát thật sự cho một việc giải thích đáng kể lời Chúa.
Thật không may, có rất ít điều liên quan đến các qui định chính thức về độ dài của bài giảng. Đây là sự không thể tránh khỏi, một phần bởi vì các mong đợi thay đổi từ nền văn hóa này đến nền văn hóa khác, và thậm chí từ môi trường xã hội này đến môi trường xã hội khác. Có một số nền văn hóa mong muốn các bài giảng dài trong Thánh Lễ, và có người trong nền văn hóa khác sốt ruột lo lắng khi bài giảng dài quá 6 phút.
Số 24 của tài liệu “Giới thiệu tổng quát Sách Bài Đọc” (của Thánh bộ Phụng tự và kỷ luật Bí tích, ngày 21-1-1981) nói như sau về bài giảng:
“Theo suốt năm phụng vụ, bài giảng đặt ra các mầu nhiệm đức tin và các tiêu chuẩn của đời sống Kitô hữu trên nền tảng cơ sở sách thánh. Khởi đầu với Hiến Chế về Phụng vụ của Công đồng chung Vatican II, bài giảng như một phần của phụng vụ lời Chúa đã được khuyến khích thực hiện, với nhiều lần Tòa Thánh nhắc nhở cách mạnh mẽ, và trong một số trường hợp bài giảng là bắt buộc. Như một quy luật, bài giảng được thực hiện bởi vị chủ tọa buổi lễ. Mục đích của bài giảng trong Thánh Lễ là rằng lời nói của Thiên Chúa và phụng vụ của bí tích Thánh Thể có thể cùng nhau trở thành “một rao truyền các kỳ công của Chúa trong lịch sử cứu độ, mầu nhiệm Chúa Kitô”. Thông qua các bài đọc và bài giảng, mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô được công bố; thông qua hy tế Thánh Lễ, mầu nhiệm trở nên hiện thực. Hơn nữa, chính Chúa Kitô cũng luôn luôn hiện diện và hoạt động trong việc rao giảng của Giáo Hội của Ngài.
Cho dù bài giảng giải thích lời Kinh Thánh của Chúa được công bố trong các bài đọc hoặc bản văn khác của phụng vụ, nó phải luôn luôn dẫn đưa cộng đồng tín hữu cử hành bí tích Thánh Thể hết lòng hết sức, “để họ có thể giữ vững trong cuộc sống của họ những gì họ đã nắm bắt nhờ đức tin của họ”. Từ lời giải thích sống động này, lời Chúa được công bố trong các bài đọc và việc Giáo Hội cử hành phụng vụ ngày thánh sẽ có tác động lớn hơn. Nhưng điều này đòi hỏi rằng bài giảng là thực sự hoa trái của việc suy niệm, được chuẩn bị kỹ càng, không quá dài hay quá ngắn, và phù hợp với tất cả các người hiện diện, kể cả trẻ em và người ít học”.
Tông huấn Verbum Domini của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI có một đoạn văn đẹp về tầm quan trọng của bài giảng:
”59. Mỗi người “đều có bổn phận và nhiệm vụ liên quan tới Lời Thiên Chúa: các tín hữu phải lắng nghe và suy niệm Lời; còn chỉ những ai đã nhận được nhiệm vụ Giáo huấn do bí tích Truyền chức thánh hoặc những ai đã được giao phó cho thi hành thừa tác vụ này”, tức là các Giám mục, các linh mục và các phó tế, thì mới trình bày Lời Chúa. Từ đó, ta hiểu được vì sao Thượng Hội Đồng rất chú ý tới bài giảng lễ. Trong Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Sacramentum caritatis, tôi đã nhấn mạnh rằng “liên hệ đến tầm quan trọng của Lời Thiên Chúa, cần phải cải thiện phẩm chất của bài giảng.
Bài giảng lễ ‘là một phần của hành động phụng vụ’; bài giảng lễ có chức năng giúp hiểu biết Lời Thiên Chúa rộng rãi hơn và hữu hiệu hơn trong đời sống các tín hữu”. Quả thế, bài giảng lễ là một việc hiện tại hóa sứ điệp Kinh Thánh, sao cho các tín hữu được đưa đến chỗ khám phá ra sự hiện diện và tính hiệu năng của Lời Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của họ. Bài giảng phải giúp hiểu Mầu nhiệm đang được cử hành, mời người ta dấn thân cho sứ mạng, khi chuẩn bị cho cộng đoàn tuyên xưng đức tin, cầu nguyện phổ quát và cử hành phụng vụ Thánh Thể.
Vì thế, do thừa tác vụ chuyên biệt, những ai được đề cử lo việc giảng dạy, phải rất quan tâm đến bổn phận này. Phải tránh những bài giảng mơ hồ và trừu tượng, che giấu mất tính đơn giản của Lời Thiên Chúa, cũng như phải tránh những kiểu nói lan man lạc đề vô bổ rất có thể lôi kéo chú ý đến người giảng hơn là chú ý đến trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng. Các tín hữu phải thấy rõ ràng rằng điều mà vị giảng thuyết đang bận tâm, đó là cho thấy Chúa Kitô, trung tâm của mọi bài giảng.
Vì thế, các vị giảng thuyết cần phải quen biết và tiếp xúc chuyên cần với bản văn thánh; họ phải chuẩn bị bài giảng bằng suy niệm và cầu nguyện, để có thể giảng với xác tín và say mê. Thượng Hội Đồng Giám Mục đã khuyến khích lưu ý đến các câu hỏi sau đây: “Các bài đọc được công bố muốn nói gì? Các bài đọc ấy nói gì riêng với tôi? Tôi phải nói gì với cộng đoàn, trong khi quan tâm tới hoàn cảnh cụ thể của họ?”.
Vị giảng thuyết “phải là người đầu tiên được thúc bách bởi Lời Thiên Chúa mà ngài loan báo”, bởi vì như thánh Augustinô đã nói: “Người giảng dạy Lời Thiên Chúa ở bên ngoài mà không nghe Lời ấy ở bên trong thì không thể mang lại hoa trái”. Cần đặc biệt chăm sóc bài giảng Chúa Nhật và các lễ trọng; nhưng trong các lễ cum populo trong tuần, nếu có thể, xin cũng đừng bỏ cung cấp những suy tư vắn tắt hợp thời giúp các tín hữu đón nhận và làm sinh hoa kết quả Lời họ vừa lắng nghe”. (Bản dịch của Ủy Ban Kinh Thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
Nếu đây là một thách thức mà Giáo Hội đặt ra cho các linh mục và phó tế về việc giảng lễ của họ, thì hầu như việc này không thể hoàn tất trong một bài giảng ngắn chỉ dài một phút.
Giáo Hội khuyên làm bài giảng ngắn, trước hết bởi vì bài giảng cần có tỉ lệ cân đối với toàn bộ buổi lễ. Người ta bớt đi cảm giác khi nghe bài giảng tới 20 phút hoặc lâu hơn nữa, rồi sau đó vội vàng qua phần Kinh Nguyện Thánh Thể.
Do Giáo Hội quan tâm đến các yếu tố văn hóa nữa, nên gần như không thể đưa ra qui định chặt chẽ về thời gian bài giảng. Người ta có thể nói rằng vào ngày Chúa Nhật, một bài giảng nên tối thiểu là sáu phút, nhưng tối đa thì thật khó xác định. Tôi tin rằng tiêu chuẩn về tỉ lệ với phần còn lại của buổi lễ là một hướng dẫn tốt, cùng với sự mong đợi của các tín hữu trong bối cảnh tình hình mục vụ cụ thể. (Zenit.org 20-8-2013)
Nguyễn Trọng Đa