Giáo xứ Trù Mật – Giáo phận Hưng Hóa : Rước kiệu và dâng hoa kính Đức Mẹ

Hòa chung niềm vui với toàn thể Giáo hội mừng tháng hoa kính Đức Mẹ, tối thứ Ba ngày 5/5/2018, giáo xứ Trù Mật hân hoan rước kiệu và đồng diễn dâng hoa kính Đức Mẹ.

Khi hoàng hôn màu lam tím còn vương vấn chưa chịu nhường chỗ cho màn đêm bao phủ, trên đường làng đã nô nức dòng người tiến về điểm tập chung, nơi tiếp giáp giữa giáo họ Tân An và giáo họ Đông Dần. 19g00 cuộc rước bắt đầu, tiếng kèn vang vang, tiếng trống rộn rã, cờ sao lấp lánh, kiệu sáng lung linh, hương hoa thơm ngát, rực rỡ sắc màu trên suốt  đoạn đường gần hai cây số tiến về nhà xứ Trù Mật.

Buổi rước tối nay, Huynh đoàn Đa Minh giáo xứ được Ban Hành giáo phân công đảm nhiệm kiệu hoa, cũng như một số chị em trẻ tham gia vào đội đồng diễn dâng hoa kính Đức Mẹ. Huynh đoàn hồ hởi cùng nhau bàn bạc và phân công ai vào việc nấy ngay trong buổi nguyệt hội trước đó, vì vậy buổi rước diễn ra thật hoàn hảo.

Kết thúc cuộc rước, Cha Gioan Ngô Văn Khuê thành kính đọc lời nguyện trước kiệu Đức Mẹ, trong bầu khí linh thiêng và trang trọng. Sau đó, 80 thành viên đội hoa của cả ba gới: thiếu nhi, giới trẻ và hiền mẫu, cùng đồng diễn dâng hoa tôn kính Mẹ trong niềm tin yêu và phó thác. Vãn hoa kết thúc trong tiếng vỗ tay ròn rã của cộng đoàn và nhiều quý khách tôn giáo bạn.

 

Sau vãn hoa là Thánh lễ vọng Chúa nhật VI Phục Sinh, do Cha Gioan Ngô Văn Khuê chủ tế, đồng tế trong Thánh lễ có Cha Piô Ngô Phúc Hậu cùng với sự hiệp dâng của đông đảo bà con trong giáo xứ.

Mở đầu Thánh lễ, Cha Gioan hướng mọi người lên Mẹ và tin rằng Mẹ rất vui khi thấy đoàn con giáo xứ trù Mật tỏ lòng yêu mến Mẹ, qua những lời ca, điệu vũ, cùng với những bó hoa ngũ sắc dâng lên Mẹ.

Giảng trong Thánh lễ, Cha Piô dẫn dắt mọi người hiểu thấu nỗi đau khổ, sự chịu đựng, lòng khiêm nhường của Mẹ Maria và trên hết là tình yêu mà Mẹ dành cho con cái trần thế.

Thánh lễ kết thúc tốt đẹp vào lúc 21g30, trong niềm cảm mến tri ân Thiên Chúa và Đức Mẹ.

Lạy Mẹ là Nữ Vương Ban Sự Bình an, xin Mẹ phù giúp, chở che và ủi an chúng con suốt mọi ngày trong đời sống. Để chúng con mau mắn thưa lên hai tiếng “Xin vâng” noi gương Mẹ, trong moị hoàn cảnh của cuộc đời.

 Mờ – inh

 

Giáo xứ Trù Mật – quê tôi

Giáo xứ tôi mang tên Trù Mật, cái tên mà mới nghe, mới đọc, đã thấy sự đông vui, trù phú. Đông vui: tạ ơn Chúa! đúng như vậy, còn trù phú thì… Quê tôi trước đây vốn là đồng chiêm chũng, mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa, gặt xong, rơm phơi chưa khô, lúa chưa kịp bò vào bồ, thì nước lũ đã tràn về. Có năm chưa kịp gặt, chiều tối, cánh đồng vẫn là một tấm thảm lúa vàng rực rỡ, nhưng chỉ sau một đêm mưa lũ, tất cả bao công lao thức khuya dậy sớm, còng lưng cấy lúa, làm cỏ bỏ phân, nay chìm dưới nước lũ đục ngầu và rác rưởi. Từ xóm này qua xóm khác, thậm chí từ nhà nọ tới nhà kia, nhất nhất đều phải dùng thuyền, thuyền là phương tiện giao thông không thể thiếu của mọi gia đình quê tôi thời đó.
   Có phải vì hàng năm có mùa nước nổi như vậy, mà quê tôi được coi là trù phú chăng? Thay vì lúa bị ngập, thì mỗi khi nước lũ tràn về, cũng là khi biết bao nhiêu loại cá theo về sinh sôi nảy nở. Cá quê tôi… “ăn lúa” thay người, nên béo và ngon nổi tiếng với tên gọi “cá thiến Trù Mật”. Cũng bởi vậy mà người dân quê tôi cũng nổi tiếng là những ngư phủ siêu như… “Phêrô”. Vì thế, đâu phải ngẫu nhiên mà cách đây hơn một trăm năm, các “cố Tây” đã nhận thánh Phêrô làm bổn mạng giáo xứ. Khi các ngài ra đi truyền giáo nơi khác, thì có Cha xứ về coi sóc, đến năm 1962 ngài về với Chúa. Thế là từ đó, một nửa thế kỷ trôi qua trong thời kỳ khó khăn nhất của Giáo hội Việt Nam, giáo xứ tôi… “mồ côi”, thỉnh thoảng mới có các Cha ở nơi khác đến dâng lễ, rồi lại vội vã ra đi. Nhưng không vì thế mà… “Phêrô” nản chí, trong khó khăn, gian nan, thiếu thốn như vậy, giáo xứ tôi vẫn cùng Phêrô trung trinh như vàng thử lửa. Vì vậy, giáo xứ tôi càng “lớn”, càng khôn ngoan. Thật tự hào khi giáo xứ tôi là một trong những giáo xứ… sản sinh rất nhiều các Linh mục, các Thầy, các Sơ.
Ngày nay đời sống giáo dân được nâng cao hơn, quê tôi cũng không còn cảnh lụt lội nữa, đường làng ngõ xóm đâu đâu cũng đổ bê tông thật khang trang. Đồng lúa và những cánh cò trắng thơ mộng cũng biến mất, thay vào đó là đường cao tốc và khu dân cư mọc lên san sát. Giáo xứ tôi càng sốt sáng hơn, khi từ năm 2006 đến giữa năm 2013 có Cha xứ thường trực, vì vậy, cả phần tâm linh cũng như cơ sở hạ tầng của giáo xứ được thay da đổi thịt. Nhưng! Chúa lại thử thách, khi Cha xứ nhận được bài sai đi mục vụ nơi khác. Thế là một lần nữa, từ giữa năm 2013 cho đến nay, giáo xứ tôi lại… côi cút, nhưng toàn giáo xứ vẫn ngồi vững tin: “Vâng lời Thầy, con thả lưới”. Vì thế,  Chúa vẫn luôn thương yêu, quan phòng, sắp đặt, để hàng tuần vẫn có thánh lễ Chúa nhật đều đặn, do Cha ở giáo xứ khác cách xa 5km đến làm mục vụ và quản luôn giáo xứ tôi. Hàng năm vào hai dịp lễ Phục Sinh và lễ Các Thánh Nam Nữ, khi màn đêm buông phủ, khắp giáo xứ lại vang lên tiếng các nhóm học Thánh Kinh, giáo lý, ngày thi cả giáo xứ nhộn nhịp như mở hội. Nhất là vào mùa Giáng Sinh, giáo xứ tôi được rất nhiều du khách tôn giáo bạn, cũng như các giáo xứ khác đến tham quan và không ngớt lời trầm trồ, thán phục cách trang trí cờ, hoa, đèn điện, cũng như kiểu cách đa dạng của các hang đá và tinh thần đón Chúa Hài Đồng của giáo dân xứ tôi.Một vài hình ảnh của giáo xứ Trù Mật hiện nay.

Nhà thờ Trù Mật

Núi đá Đức Mẹ

Thánh lễ dành cho thiếu nhi Thánh Thể sáng Chúa nhật hàng tuần.

Nhà thờ Trù Mật nhìn từ trên cao

Nhà xứ Trù Mật

Linh mục, tu sĩ, chủng sinh, tu sinh của giáo xứ Trù Mật.

Hồng Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *