Hành Trang 42 : Thánh Đa Minh chỉ nói với Chúa và về Chúa

dm46.jpgCuộc đời thánh Ða Minh thường được tóm kết lại trong câu : thánh Ða Minh chỉ nói với Chúa và về Chúa. Thật là kỳ lạ ! Lời tóm kết đó làm cho tất cả cuộc đời của ngài được gạn lọc, để tỏ lộ thật rõ ràng, thật trong sáng; tất cả mọi sự đều mờ đi để chỉ một mình Thiên Chúa xuất hiện như một điều chính yếu nhất của cả cuộc đời. 15 năm sống trong sự chăm sóc của gia đình, của ông cậu, 10 năm đèn sách ở Palencia, những năm ở Kinh sĩ Hội Osma, rồi sứ vụ rao giảng, rồi trách nhiệm tổ phụ một dòng tu … tất cả chỉ còn như cách biểu hiện của một hoạt động duy nhất quy hướng về Thiên Chúa và lan tỏa từ Thiên Chúa. Chúa là trung tâm, là cùng đích của cả cuộc đời và Chúa cũng là nguồn mạch, là sức mạnh để làm phát sinh những gì tốt đẹp nhất, phong phú nhất của cuộc sống cha thánh.

Với Chúa, thánh Ða Minh đã nói về con người. Các nhân chứng về việc cầu nguyện của thánh Ða Minh đều xác nhận như vậy Jourdain de Saxe thuật lại :”Ngài thường cầu nguyện suốt đêm … Chúa cho cha ơn đặc biệt cầu nguyện cho các tội nhân, cho người nghèo và người sầu khổ. Cha cảm thông với nỗi sầu khổ của họ tận đáy lòng và biểu lộ ra bên ngoài bằng những giọt nước mắt”. Lòng yêu mến Chúa của thánh Ða Minh cũng là lòng yêu mến con người. Tất cả mọi nỗi của con người đời đều được nhìn trong Chúa, tất cả đều được dâng phó cho Chúa.

Thực sự, nếu như Thiên Chúa đã yêu mến con người, chịu chết vì con người, thì những tâm tình cầu nguyện đầy tình yêu mến con người như vậy chắc hẳn cũng là những lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa biết bao. Thánh Ða Minh đã nói cùng Chúa về tất cả những nỗi sầu khổ của con người; đó không còn phải là lời thân thưa riêng của ngài nữa, nhưng như lời cầu xin của tất cả những người khốn khổ, tất cả những người tội lỗi mà thánh Ða Minh đã gặp trên đời. Lời cầu nguyện như vậy vừa nâng tâm hồn lên kết hợp với Chúa, lại vừa thể nhập con người Ða Minh sâu xa hơn vào trong cuộc sống của nhân loại. Lời cầu nguyện của thánh Ða Minh cũng là lời cầu nguyện cũng như người khốn khổ. Như thế, chúng ta hiểu được phần nào những lời kêu xin thống thiết của ngài trong đêm tối như các nhân chứng thuật lại. Thực sự, trong ánh sáng lung linh của Chúa, Ða Minh cũng nhìn thấy muôn vẻ của cuộc sống con người.

Về Chúa, thánh Ða Minh cũng hăng hái nói với tất cả những người ngài được gặp. Khi ở với anh em, ngài giảng giải; khi đi đường ngài cũng đọc Lời Chúa và chia sẻ về Chúa. Ngài hăng say rao giảng về Chúa cho mọi người, nhất là những người lầm lạc và tội lỗi, những người nghèo và đau khổ. Cha Ventura de Vérona đã làm chứng :”Cha Ða Minh luôn muốn trao gởi Lời Chúa cho những người cùng đi trên đường”. Nếu như Ða Minh đã đến với Chúa bằng tấm lòng yêu thương con người, thì tình yêu mến nồng nàn đó cũng giúp ngài hiểu được rằng chẳng có điều gì tốt lành cho con người ngoài Thiên Chúa. Trong mỗi số phận của con người, thánh Ða Minh đã nhìn ra Thiên Chúa ở đó. Thiên Chúa ở đó để yêu thương, cứu độ. Ða Minh đã chỉ nói về Chúa cho con người vì ngài hiểu rằng con người mà xa cách Thiên Chúa thì khốn khổ biết bao. Thiên Chúa là tất cả niềm hy vọng của con người, tất cả ơn cứu độ đối với con người.

Quả thật đây là một cách diễn tả đầy tính cách thần học sâu sắc, trong một lối văn song đối thật đơn giản, thật trong sáng. Chỉ có một điểm qui chiếu, chỉ có một Thiên Chúa tuyệt đối và duy nhất. Nhưng đó không phải là một Thiên Chúa tư tại, cao xa; mà là một Thiên Chúa yêu thương thế gian tội lụy. Trung thành với mầu nhiệp Nhập Thể, hay đúng hơn thấm mầu nhiệm đó, cha Ða Minh đã cảm nhận sâu xa một vị Thiên Chúa ở với loài người, săn sóc yêu thương con người như người cha tận tụy với con cái. Thiên Chúa luôn là Thiên Chúa cho con người và con người luôn phải là người thuộc về Thiên Chúa.