Với mục đích giúp các Giới trẻ Huynh Đoàn biết nghĩ đến người khác, biết trân trọng cuộc sống và cảm tạ Chúa về những ân huệ Người đã ban cho. Ban phục vụ Huynh Đoàn Giáo xứ Kẻ Sặt đã tổ chức những chuyến đi bác ái đến những vùng sâu vùng xa, mái ấm, thăm bệnh nhân nghèo… để các bạn có cơ hội trải nghiệm thực tế qua những gì mắt thấy tai nghe.
Một trong những điểm đến là mái ấm Phan Sinh thuộc huyện Trảng Bom tỉnh Đồng nai do thầy Châu thành lập. Tại đây hiện đang săn sóc và nuôi dưỡng 113 người gồm người già neo đơn không nơi nương tựa và những người thiểu năng trí tuệ, trẻ mồ côi trong đó 60% không có khả năng tự chăm sóc mình. Được anh phụ trách giới trẻ cảnh báo trước, đây không phải là một cuộc đi chơi mà là đi để phục vụ, đến để tắm giặt, chăm sóc các em bị thiểu năng, vệ sinh phòng ốc. Cứ tưởng nói thế nhiều bạn trẻ e ngại không đi nhưng trái lại, các bạn đi rất đông.
Khi vừa đến nơi mọi người mau mắn bước vào để chuẩn bị “lao động” nhưng phải thất vọng vì các hội đoàn đến trước đã làm hết. Không để chuyến công tác “ra về tay không” các bạn chia nhau ra, tốp thì đến chỗ các em mồ côi và thiểu năng, bế trên tay, ôm vào lòng thủ thỉ chuyện trò mặc dù đôi khi đó chỉ là những câu “độc thoại” vì có những người không có khả năng để nói, chúng tôi giao tiếp với nhau bằng thứ ngôn ngữ gọi là “tình yêu”. Những ánh mắt, nụ cười làm mọi người xích lại gần nhau hơn.Ở gường bên cạnh, một bạn đang tỉ mỉ cắt móng chân cho các bạn nhỏ ,tiếng í ới,tiếng cười đùa làm bầu khí ấm áp lan tỏa khắp căn phòng. Sau một hồi làm quen, nhóm giới trẻ Huynh Đoàn giúp thầy đút cơm cho các em, những cử chỉ ân cần, dịu dàng được làm bằng tình yêu thương giúp xoa dịu những vết thương mà các em phải chịu do bệnh tật gây ra.
Nếu như các bạn trẻ hăng say với việc phục vụ các em nhỏ thì những anh chị lớn hơn tỏa đi các phòng thăm hỏi những cụ già neo đơn. Có người xa thì quê tận Nghệ An, gần thì ở Bắc Hòa (Đồng Nai) bắc, trung, nam đều có cả. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng tựu chung lại ai cũng mang trong mình một nỗi buồn vì có nhà mà không thể về,có con có cháu mà không thể gặp mặt…người già vốn hay sống hoài niệm nên khi có người lắng nghe những câu chuyện của mình, các cụ rất vui, cảm giác như đang nói chuyện với người thân trong gia đình mình vậy.
Qua trao đổi với thầy Phụ trách, được biết để duy trì hoạt động cho mái ấm mỗi tháng kinh phí khoảng 100 triệu, trong đó 60 triệu chi cho việc mua tã và băng vệ sinh, phụ giúp thầy Châu chăm sóc mọi người có 8 nhân viên gồm 6 nam và 02 nữ. Điều đáng khen là tinh thần của những con người này, phục vụ không hưởng lương. Khi ngồi gấp quần áo với một trong những bạn nam đang phục vụ nơi đây tôi tranh thủ làm một cuộc phỏng vấn nhanh,bạn cho biết ngoài thầy phụ trách và bác quản lý thì các bạn nam ở đây độ tuổi từ 21 đến 32, tuy là nam nhưng việc gì cũng làm hết kẻ cả việc thay băng vệ sinh cho các bệnh nhân nữ khi đến tháng. Tôi thầm khâm phục và hỏi “động lực nào khiến bạn sau khi tốt nghiệp đại học lại quyết định vào đây phục vụ ?” bạn khẽ mỉm cười khiêm tốn trả lời: “có lẽ là duyên”.
Bạn trả lời thế thôi nhưng trực tiếp nhìn những gì bạn làm với tất cả nhiệt huyết tôi thầm nghĩ có lẽ không chỉ là cái duyên thôi đâu mà chính họ đang sống lời Chúa dạy : “…mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây,là các ngươi đã làm cho chính ta vậy ” (Mt 25,40). Đây cũng là câu lời Chúa được mái ấm Phan Sinh chọn làm phương châm sống cho các hoạt động của mình, vì họ nhìn thấy Chúa Ki-tô nơi những người khổ đau, bất hạnh này, Tình yêu Đức Ki-tô thúc đẩy họ phải ra đi, bỏ lại sau lưng những vui, lạc, thú mà những người thanh niên khác tìm kiếm để dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để hy sinh và phục vụ Đức Ki-tô.
Ra về trong lòng tôi vẫn man mác một nỗi buồn, đâu đó trên đất nước mình vẫn còn rất nhiều những người đau bệnh cả về tâm hồn lẫn thể xác .Cần lắm những bàn tay biết chìa ra với họ để xã hội bớt đi những cảnh đau lòng. Bên cạnh những người trẻ sẵn sàng dấn thân vì tha nhân thì còn một bộ phận không nhỏ những người lao vào những cuộc vui chơi với bạn bè thâu đêm suốt sáng, bỏ bê cha mẹ ở nhà một mình hưu quạnh. Họ có thể ngồi hàng giờ nói chuyện phiếm với bạn bè không biết chán trong khi nói chuyện với cha mẹ đôi ba câu vội đứng lên với lý do các cụ cổ hủ, phong kiến. Chính những người này đã biến gia đình thành “viện dưỡng lão” hoặc tệ hơn coi nhau như người dưng,chẳng ai nói với ai câu nào, mặc ai nấy sống, thân ai nấy lo. Một bạn trẻ khi tham dự một bữa tiệc sinh nhật về đã cảm thán nói rằng “anh A có thể chi nhiều tiền cho bữa tiệc này, nhưng bỏ tiền mua đồ ăn sáng cho cha mẹ thì lại tiếc xót” chúng ta nghĩ sao về những trường hợp này ?.
Khi nhìn những người phải gắn đời mình trên gường bệnh, xin hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta một thân thể khỏe mạnh vì có những người rất muốn bước đi mà phải nằm bất động, những người muốn nói mà không thể thốt lên lời… Xin đừng hoài phí cuộc đời vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng vì điều đó làm tổn hại đến thân xác là đền thờ Chúa Thánh Thần, nhưng biết sử dụng sức khỏe và trí tuệ của mình một cách hữu ích. Hãy dùng bàn tay của mình nắm lấy tay một ai đó. Hãy dùng môi miệng để xoa dịu những vết thương lòng. Hãy sử dụng trái tim để đập những nhịp đập yêu thương. Hãy mở rộng tấm lòng để biết trao ban và chia sẻ vì lời Chúa Giê-su dạy :“Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Hãy biết trân quý những gì mình đang có để mai này mất đi không phải hối tiếc xót xa.
Lạy Chúa, xin Chúa dạy chúng con có tấm lòng xót thương như Chúa để chúng con can đảm “ra đi”,ra khỏi tính ích kỷ, hẹp hòi của mình để đến với tha nhân. Xin cho mỗi ngày sống trong suốt cuộc đời chúng con đều là hành trình gặp gỡ Đức Ki-tô. Amen.
Một thành viên GT/HĐ GX Kẻ sặt