Làm cho chính Chúa

Làm cho chính Chúa

Mẹ chị Sáu năm nay đã 70 tuổi, mắc nhiều chứng bệnh mãn tính khác nhau. Một hôm đi công chuyện về, thấy mẹ người nóng ran rồi lịm dần đi, chị Sáu vội đưa đi cấp cứu. Bác sĩ chuẩn đoán bà bị nhiễm trùng đường huyết kèm theo nhồi máu cơ tim, yêu cầu phải nhập viện để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Những ngày sau đó, bà bị sốt li bì, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên chiếc giường của bệnh viện. Chị Sáu ngày đêm túc trực, thay tã, quần áo, vệ sinh cơ thể…Trong phòng có rất nhiều bệnh nhân cùng cảnh ngộ thuộc mọi tôn giáo khác nhau, nhưng họ vẫn may mắn vì có người thân ở bên chăm sóc, an ủi, riêng có bà cụ người gốc Hoa nằm giường bên cạnh, con cái bỏ bê chẳng đoái hoài, khiến bà rớt nước mắt vì buồn tủi. Thấy vậy chị Sáu tình nguyện chăm sóc bà như mẹ của mình vậy, từ ăn uống, thuốc thang cho đến thay tã, tắm rửa không hề từ nan. Nhìn chị vất vả, nhiều lần bà xin bác sĩ cho mình xuất viện vì không muốn chất thêm gánh nặng lên vai người khác, nhưng chị Sáu lại gần an ủi: “con còn trẻ nên vẫn có thể lo được cho bà và mẹ con, nên bà cứ yên tâm ở lại chữa trị cho đến khi khỏi hẳn bà nhé”. Gạt nỗi sợ sang một bên, chị cố gắng động viên để bệnh nhân biết rằng, mình luôn sẵn sàng lắng nghe, giúp đỡ bất cứ lúc nào họ cần, để bà yên tâm mà chiến đấu với bệnh tật. Khi nghe những lời ấy, chị thấy những tia sáng hy vọng ánh lên trong đôi mắt của bà, kèm theo một cái nắm tay thật chặt thay cho lời cảm ơn.

Để làm được điều này không phải dễ dàng vì từ xưa đến nay, chị Sáu chưa từng làm qua những công việc này, bây giờ  phải động vào chất thải của người lạ khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nên nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Những lúc như thế chị phải cầu nguyện, xin Chúa cho mình sức khoẻ và mọi sự bằng an để làm tông đồ cho Người, đồng thời dâng những hy sinh nhỏ bé ấy để xin ơn chữa lành cho các bệnh nhân đang đau bệnh về tâm hồn và thể xác. Khi thấy mệt mỏi, chị lại nhớ lời Chúa dạy để tiếp tục cố gắng: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt25,40). Lời Chúa chính là động lực để chị vượt lên những sợ hãi đời thường mà phục vụ người khác bằng tất cả sự tận tâm và lòng yêu mến, hầu qua những nghĩa cử bác ái, yêu thương ấy, sẽ giới thiệu cho các bệnh nhân khác tôn giáo về khuôn mặt hiền từ của Chúa Kitô đang sống giữa họ và vì họ.

Ngoài Lời Chúa, chị còn được tiếp thêm sức mạnh qua việc rước Mình Thánh mỗi ngày và đọc kinh Mân Côi. Những lúc tỉnh táo, hai mẹ con cùng đọc kinh với nhau để nhờ Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria xin ơn chữa lành cho các bệnh nhân. Dần dần, chị trở thành “người trợ giúp” của nhiều người khác cùng phòng bệnh khi phụ mua thức ăn, đồ dùng cá nhân, pha thuốc..ai có việc ra ngoài cũng gửi gắm người thân nhờ chị trông dùm. Đặc biệt có cụ An, 95 tuổi, đầu óc không còn minh mẫn nữa nên tâm hồn giống “trẻ thơ”, hay giận dỗi, bất hợp tác với bác sĩ. Những lúc như thế, người nhà ông cụ lại nhờ chị Sáu sang dỗ dành cho ông uống sữa, chích thuốc…Khi còn ở nhà, vì tuổi cao sức yếu nên mỗi tuần các Sơ đến cho cụ rước lễ một lần, nhưng khi đến chữa trị tại bệnh viện ngay cạnh Dòng Gioan Thiên Chúa, ngày nào thầy phó tế cũng mang Mình Thánh đến từng phòng, khi đến giường cụ bảo: “Hôm nay không phải thứ hai, nên tôi không rước lễ”. Thấy vậy chị Sáu lại thủ thỉ: “cụ ơi, cụ rước Chúa hằng ngày nhé để Chúa thêm sức, chữa lành cụ mau khỏi bệnh, sớm về nhà với con cháu”. Nghe vậy cụ đồng ý ngay, mỗi ngày đều mong ngóng đến giờ được rước lễ. Nhờ nguồn trợ lực siêu nhiên, cụ tươi tỉnh hẳn, ngân nga hát suốt ngày.

Cứ thế hằng ngày, chị Sáu âm thầm chia sẻ tình thương của Chúa đến tất cả bệnh nhân không phân biệt tôn giáo, hoàn cảnh sống để họ tin rằng: luôn có người yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ mình, nhờ đó có thêm sức mạnh, niềm hy vọng mà chiến đấu với bệnh tật. Trước kia chị Sáu cứ nghĩ rằng, phải có tiền thì mới làm bác ái được, nhưng qua biến cố này, chị nhận ra mỗi người có thể làm bác ái bằng một nụ cười, sự quan tâm, cảm thông khi đi thăm viếng ai đó và dâng lên Chúa những lời cầu nguyện, hy sinh nhỏ bé cho họ bằng tất cả tình yêu thương. Khi biết phục vụ quên mình như vậy, là ta đang làm cho chính Chúa.

Những ngày chăm sóc mẹ trong bệnh viện, nhìn những người hơi thở thoi thóp trên giường bệnh, sự sống được tính từng giờ, chị Sáu nhận ra điều gì là quan trọng trong cuộc sống, từ đó cố gắng rèn luyện sức khoẻ, quan tâm hơn đến những người thân, nhận ra những hồng ân Chúa ban như không để đền đáp. Nhờ biến cố này, mẹ chị cũng thay đổi đời sống, bớt xem phim mà dành thời gian cho Chúa nhiều hơn. Quả thật qua những ngày tưởng chừng như tồi tệ nhất của cuộc đời, nhưng Thiên Chúa sử dụng nó để cảm hoá, đồng thời biến bạn trở thành khí cụ để ban phúc lành cho cuộc đời của ai đó.

Hôm nay, khi rước Thánh Thể vào lòng, chị Sáu khẽ dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa xin cho con luôn nhớ rằng, Chúa đang ngự trong con, và con có bổn phận đem Chúa đến mọi nơi, ở nhà cũng như ngoài xã hội, để tất cả những người mà con gặp gỡ nhận biết Chúa, sống vui vẻ và yêu thương nhau”. Bên ngoài tiếng chuông nhà thờ bỗng ngân vang như loan báo Tin Vui đến cho mọi người, từng hồi, từng hồi, vang xa, vang mãi…”

KimMary

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *