Làm quen với những văn kiện quan trọng của Giáo hội

20090707T0900 CHARITY ENCYCLICAL 1191859 820x394
Giáo hội Công giáo sở hữu một kho tàng quý giá nhưng có lẽ nó lại xa lạ với một số người hay đối với một số khác thì họ lại hiếm khi mở ra. Bên trong kho tàng đó là nhiều văn kiện giáo huấn của Huấn quyền vốn là nhiệm vụ giáo huấn chính thức của Giáo hội bao gồm Đức Giáo hoàng và/hoặc giám mục đoàn hiệp nhất với ngài. Những văn kiện này giải thích và làm rõ mặc khải thần linh được ban cho con người thông qua cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu, Thánh kinh và Thánh truyền. Là người Công giáo, chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã thiết lập nhiệm vụ giáo huấn này như là một cách để thông truyền Lời của Thiên Chúa cho thế giới mãi đến tận thế.

Các văn kiện giáo huấn này là hoa trái suy tư của Huấn quyền về mặc khải thần linh, nhưng đôi khi tối nghĩa khi công bố lần đầu. Để tạo điều kiện cho việc tái khám phá những kho tàng này, báo Our Sunday Visitor sẽ cung cấp mỗi tháng một bài viết về ý nghĩa của một văn kiện trọng yếu. Mỗi bài viết sẽ đề cập đến bốn thành phần quan trọng của một văn kiện cụ thể đang được giải thích: 1. Thể loại văn kiện 2. Bối cảnh 3. Nội dung 4. Lời kêu gọi – hay nói cách khác, văn kiện muốn nói gì hay mong đợi gì nơi những thành viên của Giáo hội.

Thể loại văn kiện
Một số văn kiện được Huấn quyền ban hành có thể chia thành hai nhóm cơ bản: lập pháp và giải thích. Các văn kiện lập pháp chứa đựng các yếu tố giáo thuyết hoặc tín điều buộc toàn thể Giáo Hội phải tuân theo. Giáo thuyết nói đến giáo huấn của Giáo hội trong các vấn đề về đức tin và phong hoá. Tín điều bao gồm những giáo lý mà Huấn quyền chính thức xác định như là được Thiên Chúa mặc khải. Các hiến chế và sắc lệnh của Đức Giáo hoàng (đối lại với những sắc lệnh thông thường), cũng như Giáo lý của Hội thánh Công giáo và Bộ Giáo Luật đều là những văn kiện lập pháp. Hiến chế có thẩm quyền cao nhất vì chúng xác định các luật cụ thể hoặc phổ quát liên quan đến những vấn đề giáo lý và kỷ luật.

Các văn kiện giải thích giúp những thành viên trong Giáo hội hiểu và áp dụng những giáo thuyết và luật lệ hiện hành, và loại văn kiện này thường được giáo hoàng hoặc một giám mục địa phương ban hành. Những văn kiện được giáo hoàng ban hành áp dụng phổ quát cho Giáo hội và có thẩm quyền cao hơn những văn kiện được một giám mục ban hành cho một giáo phận địa phương. Bốn trong số những văn kiện giải thích phổ biến nhất do giáo hoàng ban hành được liệt kê ở đây theo thẩm quyền từ cao xuống thấp (mặc dù phải cẩn thận chú ý vì xuất phát từ chức vụ giáo hoàng).

Thông điệp: là thư chính thức của giáo hoàng để giải thích hoặc làm rõ giáo thuyết hiện hành.

Tự sắc: là thư của giáo hoàng để hướng dẫn về một vấn đề cụ thể hoặc một luật mới được ban hành tại một thời điểm nào đó trong lịch sử Giáo hội.

Tông thư: là thư của giáo hoàng, mang tính mục vụ (không có tính lập pháp hay giáo thuyết), nhằm đưa ra lời khuyên về một nhu cầu hay vấn đề nhất định cho những trường hợp cụ thể.

Tông huấn: là suy tư của giáo hoàng về một chủ đề cụ thể.

Giáo hoàng tự mình hoặc với Huấn quyền cũng ban hành những văn kiện khác như: các bài diễn văn về những chủ đề không liên quan đến giáo huấn Giáo hội hoặc những bài tóm tắt đơn giản giải quyết những vấn đề nhỏ. Biết thể loại của văn kiện đang đọc giúp hiểu rõ nó hơn. (Loạt bài viết này sẽ khảo sát 5 hiến chế, 7 thông điệp, và 2 tông huấn). Xin xem danh sách tất cả 14 văn kiện sẽ được trình bày trong loạt bài này:

  • Pastor Aeternus (18/7/1870), Hiến chế về Quyền tối thượng và Ơn bất khả ngộ của giáo hoàng.
  • Rerum Novarum (15/5/1891), Thông điệp về mối tương quan giữa chủ và thợ.
  • Pacem in Terris (11/4/1963), Thông điệp về quyền và nghĩa vụ của cá nhân và nhà nước.
  • Sacrosanctum Concilium (04/12/1963), Hiến chế về Phụng vụ thánh.
  • Lumen Gentium (21/11/1964), Hiến chế về Giáo hội.
  • Dei Verbum (18/11/1965), Hiến chế về Mặc khải của Thiên Chúa và tính không sai lầm của Kinh thánh.
  • Gaudium et Spes (07/12/1965), Hiến chế về Giáo hội trong thế giới ngày nay.
  • Humanae Vitae (25/7/1968), Thông điệp về cuộc sống gia đình và hôn nhân.
  • Evangelii Nuntiandi (08/12/1975), Tông huấn về Loan báo Tin mừng trong thế giới ngày nay.
  • Christifideles Laici (30/12/1988), Tông huấn về ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân.
  • Veritatis Splendor (06/8/1993), Thông điệp về thần học luân lý.
  • Evangelium Vitae (25/3/1995), Thông điệp liên quan đến giáo huấn Giáo hội về vấn đề sự sống và cái chết.
  • Deus Caritas Est (25/12/2005), Thông điệp về ý nghĩa tình yêu từ quan điểm Kitô giáo.
  • Laudato Si’ (24/5/2015), Thông điệp về môi trường.
Bối cảnh
Bởi vì Giáo hội đã ban hành các văn kiện trong hơn 2000 năm hiện diện, nên việc biết một văn kiện cụ thể ra đời vào lúc nào rất quan trọng. Các sự kiện chính yếu nào, các phong trào quần chúng nào, những vấn đề quan trọng nào đang được xem xét tại thời điểm đó? Và những yếu tố lịch sử này tác động như thế nào đến văn kiện?

Ví dụ, trong vòng 150 năm qua, huấn quyền đã ban hành 2 hiến chế về Giáo Hội: Pastor Aeternus (Mục tử đời đời – 1870) và Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân – 1964). Cả hai hiến chế này sẽ là chủ đề của hai bài viết phía sau trong loạt bài này, nhưng người đọc cũng nên biết rằng vào năm 1870 Giáo hội giữ một lập trường phòng thủ vì bị tấn công (ví dụ, Ý tiếp quản các lãnh thổ thuộc giáo hoàng) so với năm 1964 thì cách tiếp cận của Giáo hội đã hoà hoãn hơn khi Giáo hội cảm thấy cần phải mở ra hơn với thế giới, đặc biệt với những Kitô hữu [thuộc các giáo hội] khác (đã có những thay đổi lớn xảy ra mà Giáo hội cần đề cập.

Việc biết các chi tiết lịch sử giúp nắm bắt những gì mà Giáo hội đang cố gắng giảng dạy thông qua một văn kiện cụ thể.

Một khía cạnh khác trong bối cảnh văn viện tuy rất quan trọng nhưng thường bị bỏ qua là văn kiện đó liên hệ như thế nào đến toàn bộ lịch sử Giáo hội.

Hãy xem lại một lần nữa Pastor Aeternus và Lumen Gentium: hai văn kiện cách nhau 96 năm. Chẳng có gì bất ngờ khi thế giới đã thay đổi trong khoảng thời gian này, và vì vậy chúng trình bày những viễn tượng khác nhau mà độc giả nên cân nhắc cẩn thận. Tuy nhiên, cả hai văn kiện cũng phải có nền tảng nơi mặc khải. Huấn quyền không có trách nhiệm soạn thảo những giáo thuyết mới nhưng có nhiệm vụ thông truyền đức tin đã được lãnh nhận lần đầu nơi các tông đồ. Vì vậy, bối cảnh của mỗi văn kiện Giáo hội bao gồm không chỉ thời điểm đúng lúc của nó mà còn mối liên hệ với những văn kiện và những giai đoạn lịch sử khác xuyên suốt đời sống [lịch sử] Giáo hội.

Nội dung
Cũng giống với việc bối cảnh của các văn kiện Giáo hội luôn liên hệ đến mặc khải thần linh thì nội dung của chúng cũng vậy. Tất nhiên, mỗi văn kiện riêng biệt thì bao gồm những chủ đề đặc thù nhưng chúng luôn liên hệ tới những lời của Đức Giêsu, Thánh kinh và Thánh truyền. Mặc khải thần linh không thay đổi; và đã hoàn toàn được vén mở cho chúng ta trong con người Đức Kitô. Tuy nhiên, vì con người cũng như thời đại và văn hoá thì thay đổi, nên thường cần đến giáo huấn Giáo hội để minh giải trong những hoàn cảnh mới.

Huấn quyền có trách nhiệm phân định mặc khải thích ứng như thế nào trong những hoàn cảnh mới – một thời điểm cụ thể trong lịch sử hoặc một bước tiến trong nhận thức khoa học. Ví dụ, lãnh vực y tế đã thay đổi một cách nhanh chóng và đáng kể trong những năm qua. Với những gì mà mặc khải cho chúng ta biết về phẩm giá vốn có của con người – mỗi người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa – vậy chúng ta phải tiếp cận những vấn đề về sự sống và cái chết như thế nào với tư cách những môn đệ Đức Kitô? Thông điệp Evangelium Vitae (Tin mừng về sự sống – 1995) nghiên cứu những vấn đề như phá thai, điều hòa sinh sản và an tử dưới ánh sáng của mặc khải thần linh và hướng dẫn độc giả cách tôn trọng và bảo vệ món quà sự sống từ Thiên Chúa. Tất cả các văn kiện giáo huấn đều làm như vậy khi xem xét bất kỳ chủ đề nào. Chúng cố gắng đem chân lý được Thiên Chúa mặc khải đến gần cuộc sống và thời đại của cộng đồng nhân loại.

Lời mời gọi
Huấn quyền ban hành những văn kiện để dân chúng hiểu biết và ra quyết định. Giống như tất cả mọi người, những thành viên trong Giáo hội cũng phải phán đoán về cách hành động trong những hoàn cảnh riêng biệt. Các văn kiện của Giáo hội giúp cho mỗi cá nhân đưa ra những quyết định với sự cầu nguyện và thận trọng vốn được chìm sâu trong sự khôn ngoan của Giáo hội qua 2000 năm suy tư về mặc khải. Những người biết tận dụng các văn kiện này sẽ được hưởng lợi từ sự phân định của Huấn quyền: những hành động nào là tốt hay xấu? Bằng cách nào để một người đi đến quyết định đó? Các văn kiện của Giáo hội cũng giúp người ta tránh được những sai sót và hiểu được lý lẽ của  một giáo huấn cụ thể.

Lời mời gọi căn bản của mọi văn kiện trong Giáo hội là hãy bước theo sát Đức Giêsu hơn. Khi ban hành một văn kiện, huấn quyền dựa vào lời hứa của Đức Giêsu là sẽ ở cùng Giáo hội luôn mãi, “cho đến tận thế” (Mt 28,20), và sẽ ban cho Giáo hội sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Đức Giêsu cho biết, “Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy – Đấng ấy sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).

Lý do chúng ta có thể tin tưởng vào giáo huấn chính thức của Giáo hội là dựa trên những lời hứa này của Đức Giêsu. Chính ánh sáng của Đức Kitô chiếu soi các văn kiện của Giáo hội, biến chúng trở thành một kho tàng bất tận và đáng để chúng ta cẩn thận chú ý.

David Werning
Chuyển ngữ: Nhóm Sao Biển
Nguồn: Our Sunday Visitor (10/01/2022)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *