Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Ca nhập lễ
Các môn đệ đều đồng tâm nhất trí,
siêng năng cầu nguyện cùng với bà Ma-ri-a,
Thân Mẫu Đức Giê-su.
Bài đọc 1: St 3,9-15.20
Ta sẽ gây mối thù giữa dòng giống mi và dòng giống người đàn bà.
Bài trích sách Sáng thế.
Sau khi con người ăn trái cây, Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi : “Ngươi ở đâu ?” Con người thưa : “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.” Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi : “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng ? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không ?” Con người thưa : “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà : “Ngươi đã làm gì thế ?” Người đàn bà thưa : “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.” Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn :
“Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất
trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.
Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.
Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy ;
dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”
Con người đặt tên cho vợ là E-và, vì bà là mẹ của chúng sinh.
Đáp ca
Đ. Thành của Thiên Chúa hỡi,
thiên hạ nói bao điều hiển hách về thành !
Thành Xi-on được lập trên núi thánh.Chúa yêu chuộng cửa thành
hơn mọi nhà của dòng họ Gia-cóp.
Đ. Thành của Thiên Chúa hỡi,
thiên hạ nói bao điều hiển hách về thành !
Thành của Thiên Chúa hỡi,
thiên hạ nói bao điều hiển hách về thành !Nhưng nói về Xi-on, thiên hạ bảo :
“Người người sinh tại đó.”
Chính Đấng Tối Cao đã củng cố thành.
Đ. Thành của Thiên Chúa hỡi,
thiên hạ nói bao điều hiển hách về thành !
Chúa ghi vào sổ bộ các dân :
“Kẻ này người nọ đều sinh ra tại đó.”Và ai nấy múa nhảy hát ca :
“Xi-on hỡi, mọi nguồn gốc của tôi ở nơi thành.”
Đ. Thành của Thiên Chúa hỡi,
thiên hạ nói bao điều hiển hách về thành !
Tung hô Tin Mừng
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Lạy Đức Nữ Trinh diễm phúc,
Đấng đã sinh hạ Chúa Trời.
Lạy Thân Mẫu hồng phúc của Giáo Hội,
Đấng giữ nơi chúng con lửa Thần Khí của Đức Giê-su Ki-tô, Con lòng Mẹ. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng: Ga 19,25-27
Đây là con của Bà. Đây là mẹ của anh.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Ca hiệp lễ
Thân Mẫu Đức Giê-su cũng đến dự tiệc cưới
tại Ca-na, miền Ga-li-lê ;
bấy giờ Đức Giê-su làm dấu lạ đầu tiên
để bày tỏ vinh quang của Người
và các môn đệ đã tin Người.
Mẹ Hội Thánh (20.05.2024)
Ghi nhớ:
Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh”. Kể từ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19, 27).
Suy niệm:
Có hai bộ lạc là kẻ thù truyền kiếp của nhau. Một sống ở đồng bằng và một ở trên núi cao. Một hôm, những người ở trên núi cao bất ngờ đổ xuống tấn công bộ lạc ở đồng bằng. Họ không chỉ cướp bóc của cải, lương thực mà còn bắt một em bé ba tuổi mang đi. Những người sống ở đồng bằng không biết cách vựơt qua những ngọn núi cao để tìm ra nơi kẻ thù giam giữ em bé . Họ không thể lần theo dấu vết của đối phương . Tuy nhiên, bộ lạc cũng cử một nhóm người, họ là những chiến binh xuất sắc nhất đi cứu em bé mang về. Những người đàn ông này đã cố gắng hết sức nhưng họ cũng chỉ leo lên được lưng chừng ngọn núi hiểm trở sau khi đã tìm đủ mọi cách. Cảm thấy mỏi mết và tuyệt vọng, họ đành quyết định bỏ cuộc và quay đầu trở về. Khi đang loay hoay thu dọn hành lý, họ kinh ngạc nhìn thấy người mẹ mất con đang từ trên đỉnh núi cao đi xuống. Và họ như không tin vào mắt mình khi thấy đứa bé bị bắt cóc đang được người mẹ cõng trên lưng! Làm sao điều đó có thể xảy ra?Những chiến binh đón chào người mẹ và hỏi:
Làm cách nào mà bà thực hiện được điều đó, trong khi chúng tôi, những người khoẻ mạnh gan dạ nhất của bộ lạc đã không thể làm được?.
Người mẹ ôn tồn trả lời:
Bởi vì đứa trẻ này không phải là con của các anh!
Bên Tây phương, người ta chọn ngày Chúa nhật thứ hai trong tháng Năm để làm ngày Của Mẹ. Trong ngày ấy những đứa con tặng mẹ những món quà, mời mẹ đi dự tiệc… Nói chung ngày của Mẹ là để những người con tôn vinh, báo hiếu các bà mẹ vì những công lao vất vả, sinh thành dưỡng dục con cái, và cũng trong ngày này người ta cài cho những ai còn cha mẹ một bông hoa hồng để chúc mừng những người may mắn còn có song thân trong cuộc đời.
Trong Hội Thánh Công Việt Nam, có hai tháng, phụng vụ dành ra để dặc biệt kính Đức Mẹ Maria; Đó là thánh Năm, còn gọi là tháng Hoa, trong tháng này những người con bày tỏ lòng thảo kính và biết ơn Mẹ bằng cách dâng lên Mẹ những bó hoa tươi thắm đủ màu sắc, tượng chưng cho nhưng bông hoa lòng là những hy sinh những việc lành, bác ái… dâng tiến Mẹ. Tháng Mười còn gọi là tháng Mân Côi, trong tháng này các tin hữu siêng năng đọc kinh lần hạt để dâng lên Mẹ theo lệnh truyền của Mẹ là : Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi.
Tin Mùng hôm nay, theo thánh sử Gio-an ghi lại là lúc sắp sinh thì trên cây Thánh Giá, trong lúc đau đớn tột cùng của nhưng đòn roi và chịu đóng đanh trên cây Thập Giá. Đức Giê-su vẫn nhớ đến nhân loại mà vị đại diên là ông Thánh Gio-an và nói lời trăn chối là: “ Đây là Mẹ con”. Và Phúc Âm ghi lại: “ Kể từ giờ đó môn đệ đưa Bà về nhà mình”. Đưa Bà về nhà mình ở đây có nghĩa là: Ngay tức khắc Thánh Gioan đã đón nhận Mẹ vào trong tâm hồn của mình để Đức Mẹ có một chỗ ngự trong trái tim của Ngài, và đối đãi Mẹ bằng tâm tình của người con chí hiếu.
Ngày nay, Đức Mẹ vẫn luôn bênh cạnh mỗi người chúng ta để săn sóc, che chở và bầu chữa cũng như chuyển cầu cho chúng ta để chúng ta được những điều tốt đẹp. Theo dòng lịch sử thì từ xưa đến nay Đức Mẹ vẫn âm thầm hoạt động che chở bảo vệ cho con cái loài người. Đức Mẹ đã hiện ra nhiều nơi. Điển hình là vào ngày 13/05/1917, tại nước Bồ Đào Nha Đức Mẹ đã hiện ra cùng ba trẻ là Lucia, Phan -Xi-cô và Gacinta. Như ở Việt Nam thì có Đức Mẹ La vang, Đức Mẹ Tà pao…
Có Mẹ là điều hạnh phúc thật lớn lao cho chúng ta, điều quan trọng là chúng ta có biết “ Rước Mẹ về nhà mình không?” có biết thảo kính với Mẹ không? Có biết luôn chạy đến cùng Mẹ để Mẹ bảo vệ chở che hay không? Đó là những câu hỏi mà mỗi người phải tự vấn lương tâm để trả lời.
“Xưa nay chưa từng ai chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ chẳng nhận lời”. Sống bên Mẹ là hạnh phúc của đời chúng ta và những ai biết vâng nghe lời Mẹ là: Cải thiện đời sống, Tôn sùng Trái Tim Mẹ và siêng năng lần hạt Mân Côi, thì chắc chẵn sẽ được cùng Mẹ hưởng hạnh phúc thiên đàng.
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria, xin ban cho chúng con lòng kính mến Mẹ nhiều hơn, xin cho chúng con luôn thảo hiếu và vâng lời Mẹ, để từ Mẹ chúng con đến được với Đức Giê-su con Mẹ. Xin Mẹ chuyển cầu cho chúng con và những người con yêu mến những ơn lành hồn xác để chúng con luôn sống trong bình an và hạnh phúc bên Mẹ Amen.
Sống lời Chúa:
Mỗi tối trước khi đi ngủ nhớ đọc kinh dâng mình cho Đức Mẹ.
Đaminh. Trần Văn Chính.
Nhờ Mẹ đến với Chúa (29.05.2023)
“Đây là con của Bà. Đây là mẹ của anh.”
Ngay sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo Hội mừng lễ Mẹ Hội Thánh. Việc phụng vụ mừng lễ này liền kề với lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cho thấy Hội Thánh nhận thức được vai trò của Đức Maria trong Giáo Hội.
Trong diễn từ ngày bế mạc kỳ họp thứ ba của Công đồng Vatican II (21/11/1964), Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã xác định: “Để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria và để chúng ta được hưởng nhờ ơn cứu giúp, sau khi cẩn thận luận xét các lý chứng liên hệ đến mối tương quan giữa Đức Maria và Hội Thánh, chúng tôi tuyên nhận Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh, nghĩa là của toàn thể các Kitô hữu, giáo dân cũng như mục tử, những người vẫn gọi Đức Maria là Mẹ vô cùng nhân ái; và chúng tôi xác lập rằng từ nay toàn thể đoàn dân Kitô giáo phải luôn gia tăng lòng tôn kính đối với Mẹ Thiên Chúa và kêu cầu Mẹ dưới tước hiệu vô cùng dịu ngọt ấy…”
Danh hiệu này quả thật đã gắn liền với ý nghĩa đích thực của lòng sùng kính dành cho Đức Maria, dựa trên chính phẩm giá Mẹ đã nhận được trong tư cách là Mẹ của Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Thiên chức Thánh Mẫu đã làm cho Mẹ có những mối liên hệ đặc biệt với Chúa Kitô và hiện diện trong công trình cứu rỗi nhân loại do Chúa Giêsu Kitô thực hiện, cũng chính thiên chức đó tạo nên mối tương quan giữa Đức Maria và Hội Thánh… Nếu xưa Mẹ đã trao cho chúng ta chính Chúa Giêsu là nguồn mạch ân sủng bởi trời, thì nay Mẹ không thể không dành tấm lòng hiền mẫu của Mẹ cho Hội Thánh, đặc biệt trong thời điểm này, khi Hiền Thê của Chúa Kitô đang gia tăng nỗ lực để chu toàn sứ mạng thông ban ơn cứu độ.
Trong bài Tin Mừng, trong những giây phút cuối cùng, Chúa Giêsu vẫn không hoàn toàn cô đơn. “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” Chính tình yêu đã làm cho những con người này bất chấp mọi sợ hãi để cùng đồng hành với Chúa Giêsu đến giây phút cuối cùng của cuộc khổ nạn. Cũng vậy, chính tình yêu mà Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người, gánh hết tội lỗi của nhân loại. Và bây giờ, đến giây phút cuối cùng, lúc treo trên thập giá, Chúa Giêsu vẫn nghĩ đến sự cô đơn, đau khổ của người khác hơn là nỗi đau khủng khiếp của chính mình.
Sự liên kết của Đức Maria với Con mình là không thể tách rời. Ngày lễ này cũng thúc đẩy lòng sùng kính Đức Mẹ, bởi vì lễ này giúp chúng ta hướng về Đức Mẹ là mẫu gương cho cả nhân loại, đặc biệt là các tín hữu. Mẹ là chi thể “ưu tú nhất… và nguyên tuyền nhất của Giáo Hội”.
Khi chúng ta cử hành Lễ nhớ này cùng với Giáo hội, hãy suy ngẫm về mối tương quan của mình với Thánh Giá, với Bí tích Thánh Thể và với Mẹ Trên trời. Nếu chúng ta sẵn sàng đứng bên Thánh giá, hãy nhìn vào Đức Maria, và chứng kiến Chúa Giêsu đã tuôn đổ những giọt máu quý giá của Người để cứu rỗi nhân loại, thì chúng ta sẽ được vinh dự nghe Người nói với mình: “Đây là con của Bà.” Hãy đến gần Đức Maria. Hãy tìm kiếm sự chăm sóc và bảo vệ của Mẹ, và để những lời chuyển cầu hàng ngày của Mẹ lôi kéo ta đến gần Con của Mẹ hơn.
Lạy Mẹ kính yêu, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của chúng con và Mẹ của Giáo Hội, xin cầu bầu cho chúng con là những kẻ đang rất cần lòng thương xót của Con Mẹ đã được tuôn đổ từ Thập giá để cứu chuộc thế giới. Xin cho tất cả con cái của Mẹ đến gần Mẹ và với Con Mẹ nhiều hơn nữa, khi chúng con nhìn vào vinh quang của Thập giá, và khi chúng con đón nhận Bí tích Thánh Thể. Amen.
Đức Mẹ là Mẹ Hội Thánh – Cầu cho chúng con.
Joston
Đức Mẹ là Mẹ Hội thánh
“Đây là con của Bà. Đây là mẹ của anh.”
Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 53 của Công Đồng Vaticanô II viết: Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Giêsu, đã dâng Con lên Chúa Cha trong đền thánh, và cũng đau khổ với Con mình trên hành trình thương khó, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng: Ngài thật là Mẹ chúng ta” (LG 61).
Khi diễn tả tâm tình con thảo của mình, Giáo Hội nhìn nhận Đức Maria là người Mẹ yêu quý nhất của mình, đồng thời tuyên bố Mẹ là Mẹ Hội Thánh. Vai trò làm mẹ này của Đức Maria được thiết lập trong đức tin, là hoa trái của tình yêu, một tình yêu thấm sâu vào Mẹ dưới chân thập giá, qua việc Mẹ chia sẻ tình yêu cứu độ của Đức Kitô.
Trong kinh cầu Đức Bà, tước hiệu “Đức Mẹ là Mẹ Hội Thánh” đã được thêm vào ngay sau câu “Đức Mẹ Chúa Kitô” để nói về vị thế và vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ. Vì Đức Maria là mẹ của Đức Kitô, và chúng ta – Giáo Hội – là chi thể của thân thể Đức Kitô nên chúng ta cũng là con của Đức Maria. Sự liên kết của Đức Maria với Con mình là không thể tách rời. Lễ nhớ này cũng thúc đẩy lòng sùng kính Đức Mẹ, bởi vì lễ này giúp chúng ta hướng về Đức Mẹ là mẫu gương cho cả nhân loại, đặc biệt là các tín hữu. Mẹ là chi thể ưu tú nhất và nguyên tuyền nhất của Giáo Hội”.
Đoạn Tin Mừng hôm nay đã chỉ cho chúng ta thấy tước hiệu Đức Maria là Mẹ Hội Thánh. Ở đây, Chúa Giêsu ủy thác thánh Gioan cho Đức Mẹ như người con được tái sinh vào đời sống thiêng liêng mà chỉ có Mẹ mới làm được. Như thế đây không phải đơn giản là lòng sùng kính Mẹ, cầu nguyện với Đức Trinh Nữ với tước hiệu này, nhưng là tuân theo ý muốn của Chúa Giêsu, vì điều này được truyền lại cho chúng ta từ Kinh Thánh: Chúa Giêsu, với những lời tuyên bố ngay lúc cận kề cái chết, xin Đức Maria chăm sóc mỗi người. Nhưng Chúa Giêsu cũng đòi hỏi mỗi người chúng ta phải cảm thấy mình được ở trong mối tương quan tình con thảo với Mẹ.
Thiên chức làm mẹ của Đức Maria được tìm thấy trong sự vâng lời, đức tin, đức cậy và đức ái của Mẹ. Những đặc điểm này là mảnh đất màu mỡ, ở đó Lời Chúa được gieo vào và trổ sinh sự sống dồi dào. Sự sống siêu nhiên đã đến với thế giới qua tiếng thưa “xin vâng” của Mẹ. Đó là tiếng thưa đem lại sự sống mới cho thế giới. Do đó, Đức Maria là Eva mới. Như sự chết đã đến thế giới qua Eva cũ thế nào, thì sự sống đã đến thế giới qua Eva mới như vậy.
Toàn bộ cuộc đời Đức Maria là một niềm ước mong của các tín hữu, nên Đức Mẹ lôi cuốn chúng ta đến với ơn cứu rỗi. Đồng thời, qua tấm gương và sự chuyển cầu từ thiên đàng, Đức Mẹ giúp chúng ta vượt qua tội lỗi và biết làm điều tốt. Mẹ không mong muốn gì khác hơn, ngoài ước mong dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ.
Nhờ sự vâng lời của Đức Maria, Giáo Hội có một gương mẫu để sống theo ý muốn của Chúa Cha. Nhờ đức tin của Mẹ, Giáo hội học được cách đưa Đức Kitô đến với thế giới. Nhờ đức cậy của Mẹ, Giáo hội học được cách trông cậy vào Chúa. Và nhờ đức ái của Mẹ, Giáo hội học được con đường cứu rỗi.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu cho chúng con và đã cộng tác với Người trong công cuộc cứu độ, bằng thái độ vâng phục và thi hành thánh ý. Xin Mẹ giúp chúng con sống theo gương Mẹ, luôn mau mắn vâng theo ý Chúa với lòng yêu mến và phó thác. Amen.
Đức Mẹ là Mẹ Hội Thánh – Cầu cho chúng con.
Joston
Mẹ Giáo Hội
“Người nói gì các anh cứ làm theo.”
Mẹ thiên nhiên thì sinh ra muôn ngàn vạn cây trái thảo mộc, cùng muôn thú vạn vật. Tất cả đều được nuôi dưỡng chăm sóc từng ngày trong cuộc sống. Có khi giông bão cuồng phong, có khi có khi sấm chớp mưa sa, có khi nóng lạnh điên cuồng thì mẹ thiên nhiên vẫn che chắn sinh sôi khắp cả hang cùng ngõ hẻm của đất trời. Một người mẹ không hình hài thể xác, không xác định nơi đâu, sau những biến cố đầy đau thương lại sinh sôi nảy nở một sức sống mới và còn che chở bảo vệ dưỡng nuôi con mình, thì một người mẹ hiện hữu sẽ còn dành cho con mình gấp bội phần mẹ thiên nhiên.
Người Mẹ, không chỉ nói về người phụ đẹp và dịu hiền, mà nói về một người mẹ có tấm lòng bao la biển cả, chấp nhận chịu đựng hy bản thân cả cuộc đời cho các con của mình. Không có một đức hy sinh cao cả nào bằng sự hy sinh của người mẹ, đó là một đức cao đẹp mà Thiên Chúa ban cho người phụ nữ.
Như người mẹ thiên nhiên, đau xé lòng như khi bị nứt toác ra thành một cái hang cho ngọn núi lửa phun trào những nham thạch, đốt cháy tất cả, để rồi sau đó chỉ còn lại là những tro bụi. Nhưng không sao, chỉ một thời gian thôi thì trong lòng đất mẹ lại trổ sinh sự sống, sự sống dồi dào hơn trước. Hoa thơm trái ngọt, xanh ngát hơn xưa.
Thời khai thiên lập địa thì Thiên Chúa đã dựng lên một Eva là Mẹ của chúng sinh, và tồn tại loài người cho đến ngày nay. Người Mẹ chúng sinh đã phải trải qua một cuộc thách thức cam go đầy mưu mô xảo quyệt của con quỷ với hình ảnh con rắn, đã làm cho Bà sa ngã. Dù sa ngã, dù bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, thì Bà vẫn luôn làm tròn sứ mệnh của Người Mẹ.
Sau khi Adong và Eva phạm tội, thì Thiên Chúa đã chuẩn bị cho loài người một Người Mẹ sẽ cưu mang, chở che nhân loại thoát khỏi vòng xiềng xích tội lỗi đó. Thiên Chúa đã thấy một người phụ nữ thánh thiện, tốt lành xứng đáng để Thiên Chúa gởi vào cung lòng đó một người phụ nữ tinh tuyền, thánh thiện để sau này cho Con Một Thiên Chúa ngự vào. Đó chính là cung lòng của Thánh Nữ Anna, đã sinh hạ ra Đức Trinh Nữ Maria, đồng trinh từ trong lòng mẹ, để Con Một Thiên Chúa ngự vào.
Mẹ Maria là Mẹ của Thiên Chúa, cho nên Mẹ tinh tuyền, thánh thiện và đầy quyền năng bởi Thiên Chúa ban cho Mẹ. Vì Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa nên lời cầu bầu của Mẹ trước mặt Thiên Chúa là rất hữu hiệu vì luôn được Chúa nhận lời. Mẹ đã trải qua một cuộc đời đầy đau khổ cùng với Chúa Giêsu để làm nảy sinh ơn Cứu Chuộc.
Chính Mẹ sinh ra Chúa Giêsu thì Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa. Dưới chân cây Thập Giá, Chúa Giêsu đã trao thánh Gioan cho Mẹ, cũng chính là Chúa Giêsu trao con Chúa là những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa thì cũng chính là con của Mẹ Maria.
Từ đó, Mẹ đã về chung sống cùng với các tông đồ, cùng cầu nguyện với các tông đồ. Chắc chắn rằng Đức Mẹ sẽ chăm sóc các tông đồ như chăm sóc Chúa Giêsu, vì Đức Mẹ là người luôn biết quan tâm, hy sinh và chăm sóc cho người khác.
Bắt đầu bằng việc sau khi nhận lời sứ thần Xin Vâng, Đức Mẹ đã vội vã lên đường đem Chúa đến cho Bà Isave, và còn ở lại đó chăm sóc cho chị độ ba tháng. Trong cuộc hành trình rao giảng của Chúa Giêsu thì lần đầu tiên tại tiệc cưới Cana, Đức Mẹ cũng vội vàng xin Chúa làm phép hoá nước thành rượu cho họ.
Đó là khi còn sống ở trần gian mà Đức Mẹ ngỏ lời đã được Chúa Giêsu chấp nhận và làm theo. Bây giờ, Mẹ đã về trời cả hồn cả xác bên cạnh Chúa, thì lời cầu bầu của Mẹ sẽ quyền năng vô cùng bởi Chúa Giêsu đã về cùng Chúa Cha. Cho nên, Đức Mẹ đã hứa: “Nếu chúng con lần chuỗi Mân Côi, mà cầu xin với Mẹ bất cứ điều gì, thì Mẹ sẽ ban cho chúng con được như ý”.
Chuỗi Mân Côi chính là kinh Kính Mừng mà Đức Mẹ đã hiện ra dạy cho thánh Đaminh để loan báo sự bầu cử mạnh mẽ của Đức Mẹ đối với những ai cầu nguyện cùng kinh Mân Côi. Và thánh Đaminh đã rao kinh Mân Côi trong lúc những tai hoạ do bè rối Albigense phá hoại, nhất là tại miền nam nước Pháp.
Nhờ vào kinh Mân Côi tức là cậy nhờ đến Đức Mẹ cầu bầu cùng Chúa Giêsu, từ đó bè rối Albigense tan rã. Giáo Hội lại được thanh bình.
Khi thế giới loạn lạc chiến tranh, thế lực ma quỷ là vô thần đã hình thành khắp thế giới, đặc biệt là nước Nga. Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên và cũng gởi đến cho nhân loại một thông điệp: Siêng năng lần hạt Mân Côi, ăn năm xám hối và cải thiện đời sống.
Có rất nhiều truyền thuyết kể về những người đọc kinh Mân Côi cùng Đức Mẹ, đến khi lâm chung được Đức Mẹ soi lòng mở trí để ăn năm chừa và được chết lành, được Đức Mẹ đón vào Vương Quốc Chúa Trời.
Cầu nguyện
Lạy Đức Mẹ Maria, hôm nay là ngày kính nhớ Mẹ là Mẹ của Giáo Hội Công Giáo, cũng là Mẹ của con. Xin Mẹ lấy áo choàng che chở cho Giáo Hội của Chúa Giêsu, xin che chở cho Đức Giáo Hoàng, các Đức giám mục, các linh mục, các tu sĩ và con chiên của Chúa, được bình an và hạnh phúc, nhất là được thoát ách dịch Covid hôm nay. Xin cho tất cả chúng con biết yêu mến Phép Mân Côi của Mẹ. Amen./.
Hư Vô
Người Mẹ từ ái của Hội Thánh
Trong ngày lễ Mẹ là Mẹ Giáo Hội hôm nay, Hội Thánh dâng lời ngợi khen tung hô Chúa, đồng thời tôn vinh Mẹ, vì Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn làm Mẹ Con Chúa. Mẹ còn được gìn giữ khỏi mắc tội nguyên tổ. Nét đẹp cao cả của Mẹ phản chiếu nét đẹp của Chúa Kitô, là bằng chứng cho tất cả mọi tín hữu về chiến thắng của tình thương Thiên Chúa trên tội lỗi và sự chết.
Hôm nay Giáo Hội hân hoan
Mừng Mẹ Giáo Hội đầy tràn phúc vinh
Mẹ của Con Chúa Chí tình
Mẹ của nhân loại sinh linh cõi đời
*
Năm xưa Chúa đã nói lời
Trải lòng cùng Mẹ, với người Ngài yêu
Bên chân thánh giá một chiều
Lời nói của Chúa là điều trối trăn
Năm xưa, dưới chân thập giá, Mẹ đã đón nhận lời trăn trối đầy yêu thương của Chúa Giêsu Con Mẹ, đó là nhận người môn đệ được Chúa yêu thương là con của Mẹ, cũng là tiếp nhận mọi người như những người con thân thiết của Mẹ. Như thế, Mẹ đã trở nên người mẹ từ ái của Hội Thánh. Trong khi đó, cũng nơi người môn đệ yêu dấu, Chúa Kitô muốn tất cả các môn đệ hãy thể hiện tình yêu thương đối với Mẹ, Người trao gửi Mẹ cho họ, để họ đón nhận Mẹ trong tâm tình của những người con luôn biết thảo hiếu và kính yêu Mẹ.
Gần Mẹ còn có Gioan
Đã từng theo Chúa vô vàn thân thương
Nghĩa tình sâu đậm vấn vương
Chúa liền thổ lộ tỏ tường thiết tha
*
“Này đây đích thực con Bà
Gioan hãy nhận đây là Mẹ con”
Lời trăn trối mãi trường tồn
Để cho nhân loại chịu ơn Chúa Trời
Vì là Mẹ của Hội Thánh, nên suốt cuộc đời của Mẹ luôn là máng thông ơn của Thiên Chúa xuống cho Hội Thánh. Để sống tốt hành trình dương thế, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ, cầu xin cùng Mẹ, vì Mẹ luôn sẵn sàng nhận lời cầu xin của chúng ta. Mẹ luôn minh chứng rằng tình yêu của Con Mẹ và Mẹ là vô cùng vô tận, được ban phát cho tất cả mọi người chúng ta, nếu chúng ta thành tâm đến với Chúa và Mẹ.
Mẹ của Giáo Hội, Mẹ ơi!
Tin Mừng loan báo khắp nơi mọi miền
Có Mẹ cuộc sống êm đềm
Đức tin sống động, lại thêm vững bền
*
Giáo Hội thăng tiến vươn lên
Yêu thương hiệp nhất làm nên nghĩa tình
Nước Chúa mở rộng, thái bình
Danh Chúa cả sáng quang minh rạng ngời
*
Ngày mai hưởng phúc Quê Trời
Đoàn tụ bên Mẹ vang lời hân hoan
Chúng con cùng Thánh Gioan
Tạ ơn Thiên Chúa, ca vang Mẹ hiền
Lạy Chúa là Đấng giàu thương xót! khi chịu treo trên thập giá, Chúa đã trao ban Đức Trinh Nữ Maria, Thân Mẫu của Chúa, làm Mẹ Thánh Gioan, cũng là Mẹ chúng con. Nhờ có Mẹ yêu thương trợ giúp, Giáo Hội ngày thêm phát triển và vững mạnh. Xin Chúa cho chúng con luôn biết tín thác vào Chúa và cậy trông vào Mẹ, để cuộc sống của chúng con được an lành và hạnh phúc trong tình yêu thương của Chúa và Mẹ. Amen.
HOÀI THANH
Mẹ khả ái của Giáo Hội.
Đức Maria luôn là Mẹ khả ái của Giáo Hội, là Mẹ đích thực của mỗi người chúng ta:
Dù ta đi suốt cuộc đời,
Cũng không đi hết những lời mẹ ru.
Dù ta đi trọn kiếp người,
Cũng không đi hết những lời mẹ khuyên.
Mẹ hằng cầu xin tuôn đổ tràn đầy ân sủng Chúa Thánh Thần và hướng dẫn nhắn nhủ các môn đệ và dân Chúa tới gần Chúa Giêsu hơn.
Công Đồng Vaticanô II trong hiến Chế Lumen Gentium sau khi tuyên bố Đức Maria là “thành viên trổi vượt” là “kiểu mẫu” và ‘gương sáng” của Giáo Hội, Công Đồng dạy tiếp: “Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Người tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu (LG 53).
Khi mô tả những tình cảm con thảo của mình, Giáo Hội nhìn nhận Đức Maria là người Mẹ yêu quý nhất của mình, gián tiếp tuyên bố người là Mẹ Giáo Hội, vì những lý do sau:
– Mẹ làm Mẹ Giáo Hội khi nhận làm Mẹ Chúa Giêsu: “Đức Maria, với tư cách là Mẹ Đức Kitô cũng là Mẹ của tất cả mọi tín hữu và các chủ chăn, nghĩa là Mẹ Giáo Hội” (Đức Phaolô VI).
– Mẹ làm Mẹ Giáo Hội khi đứng dưới chân Thánh Giá Chúa Kitô: “Đây là con Bà… Đây là mẹ con” (Ga 19,26-27).
– Mẹ là Mẹ Giáo Hội khi ở nhà Tiệc Ly, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Một ngày kia, thánh Gioan Bosco rao giảng về vinh quang của Mẹ Maria tại nhà thờ chính toà Torino. Giữa lúc đang thao thao bất tuyệt, ngài bỗng dừng lại thinh lặng một hồi lâu rồi đặt câu hỏi với cử toạ như sau: “Ai trong anh chị em có thể nói cho tôi biết Đức Mẹ là ai?” Thánh nhân phải lập lại câu hỏi đó đến ba lần mới nghe được một tiếng trả lời yếu ớt từ phía cuối nhà thờ như sau: “Thưa Cha, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”.
Thánh Gioan Bosco gật đầu nói tiếp: “Đúng thế, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn anh chị em kể hết những tước hiệu của Mẹ Maria”. Liền sau đó, cử toạ liền kể ra tất cả những tước hiệu của Mẹ: Mẹ là cửa Thiên Đàng, Mẹ là Đấng an ủi những kẻ có tội, Mẹ là Đấng phù trợ các tín hữu, Mẹ là Đấng cứu chữa kẻ bệnh tật v.v…
Sau khi nghe kể hết những tước hiệu mà người ta gán cho Đức Maria, thánh Gioan Bosco mỉm cười nối tiếp: “Đức Maria là tất cả những gì anh chị em vừa kể ra, nhưng vẫn chưa hết. Tôi muốn nói thêm về Đức Maria…”. Chờ mãi vẫn không thấy có câu trả lời nào, thánh nhân mới nói: “Tôi xin được nói với anh chị em Đức Maria là ai: Ngài là Mẹ chúng ta. Phải, Mẹ chúng ta. Đó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thiết thân với chúng ta cho bằng Mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn Mẹ chúng ta. Cũng thế trên Thiên Đàng không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Mẹ Maria…”.
Tước hiệu nói lên tương quan mẫu tử của Đức Maria với Giáo Hội.
Tước hiệu này ít được sử dụng trong quá khứ, nhưng mới đây trở nên phổ biến hơn trong những công bố của huấn quyền Giáo Hội và trong sự sùng kính của dân Kitô hữu. Đầu tiên, người tín hữu kêu cầu Đức Maria với tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, “Mẹ tín hữu” hay là “Mẹ chúng con” để nhấn mạnh tới tương quan với từng đứa con của mình.
Về sau, do sự chú ý nhiều hơn tới mầu nhiệm Giáo Hội và mối tương quan của Đức Maria với Giáo Hội, nên Đức Trinh Nữ Rất Thánh bắt đầu được kêu cầu thường hơn là “Mẹ Giáo Hội”.
Trước Công Đồng Vat. II, kiểu nói này được huấn quyền Đức Lêo XIII sử dụng, quả quyết rằng Đức Maria “đúng thật là Mẹ Giáo Hội” (Acta Leonis XIII, 15, 302). Tước hiệu này về sau được sử dụng nhiều lần trong các bài giảng của Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI.
Cho dù tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” được gán cho Đức Maria mới đây thôi, nhưng tước hiệu ấy lại diễn tả tương quan mẫu tử giữa Đức Trinh Nữ Rất Thánh và Giáo Hội như nhiều bản văn Tân ước đã chứng minh.
Khởi từ ngày Truyền Tin, Đức Maria đã được kêu mời thuận ý khai mở Vương quốc cứu thế mà sau này sẽ xuất hiện với sự hình thành của Giáo Hội (Lc 2, 26-35).
Tại Cana (Jn 2, 2-11), khi xin Con mình thi hành quyền năng cứu thế của Người, Đức Maria đã góp phần cơ bản vào việc ghi dấu đức tin trong cộng đoàn các môn đệ đầu tiên và hợp tác trong việc khai mở Nước Chúa, một nước đặt “mầm giống” và “khởi điểm” nơi Giáo Hội (LG 5).
Trên Núi Sọ (Jn19, 27-27), Đức Maria kết hợp với hy lễ của Con và đã góp phần hợp tác mẫu tính của mình vào công trình cứu chuộc dưới hình thức của cơn đau đẻ, sinh ra nhân loại mới.
Khi nói lời: “Thưa Bà, nầy là con Bà” Đấng chịu đóng đinh tuyên bố Người là Mẹ không những đối với tông đồ Gioan mà còn với tất cả các môn đệ. Chính tác giả Tin mừng, khi nói Chúa Giêsu chết “để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11, 52), đã chỉ rõ sự sinh ra Giáo Hội như là hoa quả của hy lễ cứu chuộc mà Đức Maria đã kết hợp với mẫu tính.
Về điểm này chúng ta cùng nhau chiêm ngắm sâu hơn về mẫu tính của Mẹ dưới chân Thập giá.
Chính lúc Đức Maria đứng câm lặng dưới chân thập giá, mà Chúa Giêsu đã long trọng trối phó Ngài cho thánh Gioan và đồng thời cũng trao phó thánh Gioan cho Mẹ. Sự sinh nở nào cũng diễn ra trong đớn đau. Chính trong niềm đau tột cùng của những giây phút đứng kề bên thập giá Chúa Giêsu mà Đức Maria mới sinh hạ chúng ta, đã trở thành Mẹ của chúng ta. Thánh Gioan cũng tiếp nhận Mẹ trong niềm hiệp thông sâu xa vào thập giá của Chúa Giêsu.
Thập giá là nguồn ơn cứu rỗi, nhưng mãi mãi vẫn là biểu trưng của tội ác. Sự độc ác tột cùng mà người Do Thái và La Mã ngày xưa đã trút xuống trên Chúa Giêsu qua thập hình, ngày nay vẫn còn được con người tiếp diễn dưới muôn hình thức khác. Tựu trung khi con người chối bỏ chính mình, khi con người chà đạp người khác, thì đó là lúc con người dựng thêm những thập giá mới.
Thập giá vẫn luôn có mặt trong cuộc sống con người như một nhắc nhở về tội ác của mình. Kết hiệp với Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn của Ngài chính là cố gắng chiến đấu chống lại tội lỗi.
Sứ điệp của Đức Maria trong tất cả những lần hiện ra đều có chung một nội dung: đó là kêu gọi loài người ăn năn sám hối, cải thiện cuộc sống. Cũng như ngày xưa, đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Mẹ đã câm lặng nuốt từng nỗi đớn đau, ngày nay khi nhìn thảm cảnh của những người con cái đang chối bỏ lẫn nhau, đang chém giết nhau, đang đóng đinh nhau, Mẹ cũng bày tỏ một niềm đau.
Thánh sử Luca nhắc tới sự hiện diện của Mẹ Chúa Giêsu trong cộng đoàn đầu tiên ở Giêrusalem (Cv 1, 14; 2, 3-4). Như vậy Thánh sử nhấn mạnh vai trò người mẹ của Đức Maria trong Giáo Hội mới sinh; bằng cách so sánh vai trò đó với vai trò của Người khi sinh ra Đấng Cứu Thế. Chiều kích Mẹ như thế trờ thành một yếu tố cơ bản trong tương quan của Đức Maria với Dân mới được cứu chuộc.
Căn cứ theo Kinh Thánh, giáo huấn của các giáo phụ nhìn nhận chức làm Mẹ của Đức Maria trong công trình Chúa Kitô và do đó, trong công trình của Giáo Hội.
Theo thánh Irênê, Đức Maria “trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho toàn dòng giống loài người” (PG 7, 959), và lòng thanh sạch của Đức Trinh Nữ “tái sinh người ta trong Thiên Chúa” (PG 7, 1080). Điều đó được thánh Ambrôsiô lặp lại: “Một Trinh Nữ đã sinh ra Đấng cứu rỗi cho thế gian, một Trinh Nữ đã mang đến sự sống cho mọi sự” (PL 16,1198), và nhiều giáo phụ khác cũng lập lại khi gọi Đức Maria “Mẹ của sự cứu rỗi”.
Thời trung cổ, thánh Anselmô thưa với Đức Maria thế này: “Mẹ là Mẹ của sự công chính hoá và cả những kẻ được công chính hoá, là Mẹ sự hoà giải và cả những kẻ được hoà giải, là Mẹ sự cứu rỗi và cả những kẻ được cứu rỗi” (PL 158, 957), còn nhiều tác giả khác lại gán cho Người tước hiệu “Mẹ ân sủng” và “Mẹ sự sống”.
Đức Maria là “Mẹ Giáo Hội”
Như thế tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” phản chiếu niềm xác tín sâu xa của người tín hữu Kitô, họ nhìn thấy nơi Đức Maria không những là người Mẹ của con người Chúa Kitô, mà còn của người tín hữu. Người được nhìn nhận là Mẹ sự cứu thế, Mẹ sự sống và Mẹ ân sủng, Mẹ những người được cứu chuộc và Mẹ kẻ sống, thì thật chính đáng khi tuyên bố Người là Mẹ Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã muốn Công Đồng Vaticanô II tuyên bố “Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, nghĩa là của toàn thể Dân Chúa, của người tín hữu và các mục tử của họ”. Chính Đức Giáo Hoàng thực hiện điều đó khi đọc bài diễn văn bế mạc khoá thứ 3 Công Đồng (21.11.1964), Người cũng bảo: “từ nay toàn thể dân Kitô hữu hãy tôn kính và kêu cầu Đức Trinh Nữ Rất Thánh với tước hiệu này”.
Tâm tình con thảo
Trong cuốn sách tựa đề “Đồng Hành” có thuật lại câu chuyện về cuộc đời của một nhà thừa sai Canada, Giám mục Emile Crôa, Ngài thú nhận: Ngay từ thuở nhỏ, tôi là một đứa trẻ nghịch ngợm, phá phách và cứng đầu, lười biếng. Có một lần thầy giáo đã phải giận dữ thốt lên rằng: “Chưa bao giờ tao thấy một học sinh nào quá quắt như mày”. Ngày nọ, thay vì đến trường, tôi lại trốn học ra đồng. Cha tôi biết được, ông giận dữ và thay vì đưa tôi về nhà, ông lại dẫn tôi vào một nhà nguyện. Ông xô tôi đến trước bàn thờ Đức Mẹ đang mỉm cười và quát: “Thằng khốn nạn, qùy xuống”. Và rồi ông ngước nhìn lên tượng Đức Mẹ và nói: “Xin Mẹ nhận lại thằng nhỏ này, vì quả thực con không còn biết phải làm gì với nó nữa. Xin Mẹ lo lắng cho nó để một ngày kia, nó khỏi trở thành một tướng cướp, bị treo cổ trên dây”.
Nhưng lời nói của cha tôi như một làn roi quất mạnh vào tôi. Tôi cảm thấy đau hơn tất cả các trận đòn từng bị đánh trước đây. Và nhìn lên Đức Mẹ đang mỉm cười tôi tự nhủ: “Nếu cha tôi đã phó thác tôi cho Đức Mẹ thì tôi phải minh chứng được Đức Mẹ đã làm điều gì đó tốt đẹp cho tôi’. Với sự trợ giúp của Đức Mẹ, Emile đã thay đổi, đi tu, thụ phong Linh mục, Giám mục và truyền giáo ở vùng thổ dân ngoại giáo ở Canada.
Kể lại câu chuyện này, đức cha không chỉ muốn dạy cho chúng ta cách thức hay nhất để chúng ta có thể dạy dỗ, uốn nắn sửa sai con cái, nhất là những đứa ngỗ nghịch, khó dạy hay bướng bỉnh quậy phá như Emile. Điều mà Chúa muốn xác tín với chúng ta cũng như với tất cả các gia đình Công giáo: “Mẹ Maria rất gần gũi, gắn bó và quan tâm đến những nhu cầu, khó khăn và cay cực của các gia đình”.
KẾT LUẬN
Đức Maria là “Mẹ Giáo Hội” phản chiếu niềm xác tín sâu xa của cộng đoàn Dân Chúa, họ nhìn thấy nơi Đức Maria không những là người Mẹ của con người Chúa Kitô, mà còn của người tín hữu. Người được nhìn nhận là Mẹ sự cứu thế, Mẹ sự sống và Mẹ ân sủng, Mẹ những người được cứu chuộc và Mẹ kẻ sống… và là Mẹ đích thực của mỗi người chúng ta.
P.K.M,CMC
Này là con Bà! Này là Mẹ con!
Tại sao Con Thiên Chúa cần phải sinh ra bởi một người mẹ trinh nữ – chỉ để chịu chống đối, phản bội, và chết thê thảm trên thập giá? Tình yêu Thiên Chúa không có giới hạn. Người đã dựng nên con người trong tình yêu và vì tình yêu – để được hiệp nhất với Người và với nhau trong mối dây yêu thương, bình an, và thân hữu không thể chia cắt. Tình yêu thật sự mạo hiểm tất cả và cho đi tất cả vì người mình yêu. Với hồng ân yêu thương và trách nhiệm – sự tự do để chọn điều tốt hay điều xấu, cho cộng đồng hay chia rẽ, cho bình an hay xung đột, cho sự sống hay sự chết.
Hồng ân yêu thương của Thiên Chúa – bị đỗ vỡ bởi tội lỗi và sự chống đối
Adam và Eva, người nam và nữ mà Thiên Chúa đã dựng nên để khởi đầu cho một dân tộc được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, đã nhận được mọi sự cần thiết để sống, hạnh phúc và tình bằng hữu với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã cho họ một nơi ở đặc biệt – vườn Địa Đàng và muôn hoa trái trong đó. Thiên Chúa rất vui sướng với con cái mình là Adam và Eva, vợ ông – Người đi dạo với họ mỗi ngày trong vườn để họ có thể lớn lên trong sự hiểu biết tình yêu và khôn ngoan của Người.
Thiên Chúa đã cho phép tên cám dỗ, kẻ mà Kinh thánh gọi là ma quỷ và Satan, là cha của kẻ dối trá, thử thách họ để họ có thể tự do chọn lựa ai là người mà họ phụng sự và vâng phục. Satan đã lừa dối họ tin rằng họ sẽ có sức mạnh và khôn ngoan như Thiên Chúa, không có bất cứ giới hạn nào, tùy theo những ước muốn và sở thích riêng của họ. Giống như Satan và các thần dữ, kẻ đã chống lại Thiên Chúa, Adam và Eva nghĩ họ có thể ngang bằng với Thiên Chúa và đưa ra cách thức riêng để được hạnh phúc và sự sống với nhau. Họ chọn tin vào lời của Satan hơn lời của Thiên Chúa – sự lựa chọn đã mở ra cánh cửa cho tội lỗi, chống đối, và chia rẽ với Thiên Chúa.
Sự sa ngã của họ đã gây ra vết thương trầm trọng mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể chữa lành và phục hồi toàn vẹn. Thiên Chúa với tình yêu thương xót và sự xét xử khôn ngoan, đã kỷ luật vì lợi ích của họ, để dẫn họ tới sự sám hối, thanh tẩy, và phục hồi tình bằng hữu với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã không để mặc họ trong tội lỗi và bóng tối – Người đã hứa gởi đến họ Đấng cứu chuộc, Đấng sẽ phục hồi họ và con cháu họ tới sự sống trọn vẹn với Thiên Chúa.
Đấng Cứu Chuộc theo lời hứa đến để phục hồi loài người sa ngã
Thiên Chúa đã hoàn thành lời hứa phục hồi của mình cho loài người đỗ vỡ và sa ngã như thế nào? Ngôn sứ Isaia đã tiên báo rằng chính Thiên Chúa sẽ gởi Đấng Cứu Chuộc tới dân Người, được sinh ra bởi người mẹ đồng trinh từ dòng dõi Đavít (Is 7,14), Đấng sẽ sẵn sàng chịu đau khổ và trừng phạt để độ đỗ máu ra để làm lễ đền tội thay cho họ (Is 53,1-12 và Is 50,4-8; 52,13-15).
Trong thập giá kỳ diệu của Đức Kitô, Đấng đã đỗ máu mình ra vì tội lỗi chúng ta, chúng ta thấy kế hoạch phục hồi bộc lộ của Thiên Chúa cho loài người. Qua sự vâng phục ý Cha và sự tự nguyện hy sinh mạng sống của Người vì chúng ta, Người đảo ngược lời nguyền tội lỗi của tổ tiên chúng ta và đem lại cho chúng ta ơn tha thứ và sự sống sung mãn. Gioan nói với chúng ta trong Tin mừng rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Chúa Con, Chúa Giêsu Kitô, đã hạ mình qua ngang qua việc mặc lấy xác phàm trong lòng trinh nữ Maria, để Người có thể nên một với chúng ta trong tính loài người và hiến mình làm lễ hy sinh hoàn hảo vì tội chúng ta và của thế giới.
Đức Kitô là Adam mới – tạo ra một nhân loại mới qua thập giá và sự phục sinh của Người
Thánh Phaolô tông đồ nói với chúng ta rằng Đức Giêsu Kitô là Adam mới, Đấng sinh ra một nhân loại mới và sự tạo dựng mới (Rm 5,12-18; 2Cr 15,7) ngang qua chiến thắng trên thập giá và sự phục sinh của Người. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu giải thích cho Nicodemo rằng chúng ta phải được tái sinh (Ga 3,3) bởi nước và Thần Khí (Ga 3,5.8).
Này là con Bà! Này là Mẹ con!
Khi Đức Giêsu bị treo trên thập giá ở Canvê, Người nhìn xuống và thấy Mẹ Người và Gioan, người môn đệ yêu dấu đang đứng dưới thập giá. Đức Giêsu nói “Hỡi Bà, này là con Bà!” và nói với Gioan “Này là Mẹ con” (Ga 19,26-27). Gioan đón nhận Maria là Mẹ thiêng liêng và Maria đón nhận Gioan là con thiêng liêng của mình.
Tại sao Đức Giêsu nói với Maria là “Bà” thay vì “Mẹ” (cũng như Đức Giêsu nói với Maria là “Bà” trong Gioan 2,4). Đức Giêsu muốn ám chỉ tới sự khởi đầu tạo dựng trong sách Sáng Thế khi Adam nói với Eva là người Phụ Nữ đầu tiên “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra” (St 2,23). Adam sau đó gọi bà là “Eva” vì bà là “Mẹ của chúng sinh” (St 3,20).
Sứ mạng của Maria được gắn kết chặt chẽ với sứ mạng của Con mình là Chúa Giêsu
Sứ mạng của Maria là người cưu mang Con Thiên Chúa (theo-tokos nghĩa là người cưu mang Thiên Chúa theo tiếng Hylạp) được gắn kết chặt chẻ với sứ mạng của Con mình là Chúa Giêsu Kitô. Ngang qua ơn sủng và hồng ân của Chúa Thánh Thần, Maria trở nên người môn đệ đầu tiên và là mẹ thiêng liêng của nhân loại mới, những người một lần nữa được sinh ra ngang qua Con của Mẹ, là Chúa Giêsu.
Để trở nên Mẹ Đấng Cứu Thế, Maria đã được Thiên Chúa ban cho những hồng ân của Chúa Thánh Thần để giúp Mẹ thực hiện vai trò cao cả này. Một số giáo phụ thời sơ khai đã xem Maria là Eva mới, đấng cộng tác với sứ mạng của Con mình ngang qua đức tin và lòng sùng kính với Lời Chúa và lời xin “Vâng” trước ý định của Thiên Chúa.
Irênê, một Giám mục ở thế kỷ thứ hai thành Lyons (130-200 AD) đã mô tả vai trò của Đức Maria trong sự phụng sự sứ mạng của Con mình như sau:
“Đức Chúa, đến với loài thụ tạo của chính mình trong hình thức hữu hình, đã được chấp nhận bởi thụ tạo của mình mà chính Người chấp nhận làm người. Sự vâng phục của Người trên cây thập giá đảo ngược sự bất tuân ở cây trong vườn Địa Đàng. Tin mừng chân lý được sứ thần loan báo cho Maria, một trinh nữ lệ thuộc vào chồng, tháo gỡ lời dối trá đã cám dỗ Eva, một trinh nữ đã có chồng…
Trong khi Eva bị cám dỗ bởi lời của một thiên sứ và chạy trốn Thiên Chúa sau khi bất tuân lời Người, thì Maria được một thiên sứ loan báo Tin mừng cưu mang Thiên Chúa trong sự vâng phục lời Người. Trong khi Eva bị cám dỗ bất tuân Thiên Chúa thì Maria được thúc giục vâng phục Thiên Chúa. Vì thế Trinh nữ Maria đã trở nên đấng bào chữa cho trinh nữ Eva…
Nút thắt của sự bất tuân của Eva đã được tháo cởi bởi sự vâng phục của Maria: những gì trinh nữ Eva bị trói buộc qua sự bất tín thì Maria đã tháo cởi qua đức tin của mình” (Trích từ khảo luận chống lạc giáo (Lib. 5,19,1; 20,2; 21,1: SC 153, 248-250. 260-264).
Qua đời mình, Maria đã bền đỗ và trung tín trước lời mời gọi và sứ mạng Thiên Chúa trao phó, làm mẹ Con Thiên Chúa, Đấng mặc lấy xác phàm trong lòng mẹ. Mẹ là tín hữu đầu tiên bởi vì mẹ đã chấp nhận Tin mừng và xin “Vâng” trước kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Mẹ đã theo con đến thập giá và cầu nguyện cho Chúa Thánh Thần đến với các môn đệ vào ngày lễ Ngũ Tuần. Mẹ là mẫu gương cho chúng ta về đức tin và sự vâng phục, hy vọng và kiên vững, tình yêu và thành tín. Bạn có sẵn sàng mang lấy thánh giá và đi theo Chúa Giêsu trên con đường tình yêu và hy sinh của Người không?
Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn sủng để xin “Vâng” trước ý Người và trước hoạt động biến đổi của Người trong cuộc đời chúng ta
Đâu là mấu chốt để mở được sức mạnh vương quốc của Thiên Chúa và sự sống sung mãn của Người trong đời sống riêng của chúng ta? Đức tin là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa cho tất cả những ai đón nhận Con của Người là Chúa và là Đấng cứu độ. Đức tin và lòng trông cậy của chúng ta nơi Chúa Giêsu mở ra cánh cửa của tất cả lời hứa của Thiên Chúa, được hoàn thành nơi Đức Kitô. Thiên Chúa ban cho chúng ta tất cả ơn sủng và sức mạnh cần thiết và mong đợi chúng ta đáp trả với sự sẵn sàng vâng phục và trông cậy như Maria đã làm. Khi Thiên Chúa ra lệnh Người cũng ban sức mạnh và phương tiện để đáp trả. Chúng ta có thể đón nhận hay chống lại ơn sủng của Người và đi theo con đường riêng của mình. Bạn có tin vào các lời hứa của Thiên Chúa và bạn có đón nhận ơn sủng của Người không?
Lạy Cha trên trời, Cha ban cho chúng con ơn sủng dồi dào, lòng thương xót, ơn tha thứ ngang qua Con của Cha là Chúa Giêsu Kitô. Xin giúp con sống cuộc đời tràn đầy ơn sủng như Mẹ Maria đã sống qua việc tin vào các lời hứa của Cha và qua việc dâng cho Cha lời xin “Vâng” trước ý Cha và kế hoạch của Cha dành cho đời con.