1. Lễ Phục sinh được tổ chức như thế nào ở Ukraine?
Lễ Phục sinh được tổ chức vào hai ngày khác nhau ở Ukraine, một ngày dành cho Công Giáo Rôma và một ngày khác dành cho Chính thống giáo phương Đông.
Theo Hiệp hội lưu trữ dữ liệu tôn giáo, 69.27% người Ukraine theo Chính thống giáo, 11.32% theo Công Giáo và 3.68% theo đạo Tin lành.
Điều này chia việc cử hành lễ Phục sinh thành hai ngày khác nhau.
Theo các quy tắc được thiết lập bởi Công Đồng Nicê vào năm 325 và sau đó được thông qua cho Kitô giáo phương Tây tại Thượng hội đồng Whitby, Chúa Nhật Phục sinh hàng năm rơi vào Chúa Nhật đầu tiên sau trăng tròn đầu tiên sau tiết xuân phân. Vào năm 2022, điều này dẫn đến Lễ Phục sinh được tổ chức cho người Công Giáo và Tin lành vào ngày 17 tháng 4.
Theo giải thích của Cha Jon Magoulias tại Greek Reporter, lý do chính khiến cách tính Lễ Phục sinh của Chính thống giáo khác với phần còn lại của Kitô giáo là vì “Giáo Hội Chính thống tiếp tục theo lịch Julian khi tính ngày Lễ Phục sinh. Phần còn lại của Kitô giáo sử dụng lịch Grêgôrian. Có sự khác biệt mười ba ngày giữa hai lịch, lịch Julian chậm hơn lịch Grêgôrian mười ba ngày “.
Năm 2022, Lễ Phục sinh Chính thống giáo rơi vào ngày 24 tháng 4.
Do đó, hầu hết các tín hữu Kitô ở Ukraine sẽ tổ chức lễ Phục sinh vào ngày 24 tháng 4, trong khi một thiểu số Kitô Hữu ở Ukraine sẽ cử hành vào ngày 17 tháng 4.
Source:Aleteia
2. Truyền thống về những bông hoa Hà Lan trong Thánh lễ Phục sinh của Đức Giáo Hoàng đã được cứu như thế nào?
Đầu năm nay, một số người Công Giáo Hà Lan đã rất thất vọng khi biết rằng truyền thống tặng hoa cho Tòa Thánh để trang điểm quảng trường Thánh Phêrô trong ngày Lễ Phục sinh, được kéo dài trong suốt 37 năm qua, sẽ không được tiếp tục vào năm 2022.
Hà Lan, nổi tiếng với những cánh đồng hoa, trong hơn ba thập kỷ đã tặng hoa tulip, hoa thủy tiên vàng và dạ lan hương đầy màu sắc để trang trí quảng trường Thánh Phêrô cho Thánh lễ Chúa Nhật Phục sinh của Đức Giáo Hoàng tại Vatican.
Phong tục này đã bị trì hoãn trong hai năm vì những hạn chế của coronavirus, và vào năm 2022, người bán hoa Hà Lan, người đã tổ chức sáng kiến này từ năm 2015 cho biết anh ta không còn có các nhà tài trợ để tiếp tục dự án.
Truyền thống dường như đã kết thúc. Nhưng những người Công Giáo Hà Lan ở Rôma và Hà Lan không dễ dàng nản lòng, và họ đã vào cuộc để bảo đảm rằng những bông hoa sẽ một lần nữa tô điểm cho quảng trường Thánh Phêrô cho lễ kỷ niệm sự Phục sinh của Chúa Kitô.
“Chúng tôi thất vọng và nghĩ rằng: Đây là một truyền thống đẹp. Nếu ông Paul Deckers không tìm được nhà tài trợ nữa, tại sao không thử tìm một nghệ nhân cắm hoa khác làm công việc tương tự?” Cha Antoine Bodar nói với CNA qua email.
Ông nói với SIR, hãng thông tấn của các giám mục Ý, vào tháng Giêng: “Món quà hoa từ Hà Lan và của Giáo hội Hà Lan dành cho Đức Giáo Hoàng ở Rôma là quá đặc biệt đến mức không thể bị gián đoạn như thế.”
Cha Bodar là Cha Sở của nhà thờ Công Giáo Hà Lan ở Rôma, Nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Thánh Magnus, nằm trên một con phố nhỏ chỉ cách Vatican vài bước chân.
Ngài đã tập hợp những người đồng hương của mình và đầu tháng này, ngài thông báo rằng truyền thống “vẫn tiếp diễn” với giám đốc bán hoa Piet van der Burg, người sẽ sắp xếp các loại cây cảnh và hoa trước Thánh lễ Phục sinh.
“Vào lễ Phục sinh, vẻ đẹp lộng lẫy của hoa Hà Lan có thể được nhìn thấy một lần nữa tại quảng trường Thánh Phêrô,” Cha Bodar viết trên trang web của nhà thờ vào ngày 5 tháng 4.
“Bị choáng ngợp bởi những phản ứng tích cực từ những người trồng hoa, các nhà tài trợ và nhiều người khác, và sau khi tham vấn chuyên sâu với các bên liên quan khác nhau ở Hà Lan và Vatican, những nỗ lực của nhiều người đã cho thấy rằng năm nay, sau hai năm đại dịch, hoa Hà Lan sẽ một lần nữa có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma.”
Những bông hoa và cây cảnh đã đến Vatican bằng xe tải vào tuần này, sau một chuyến hành trình dài một ngày từ Hà Lan. Trước khi bắt đầu chuyến đi dài ngày 12 tháng 4, những bông hoa đã được Đức Cha Hans van den Hende của Rotterdam, chủ tịch hội đồng giám mục Hà Lan, chúc phúc.
“Những bông hoa và cây cỏ này đã được trồng với sự khéo léo,” vị giám mục cho biết tại Công viên Hoa Keukenhof ở Lisse, thủ đô hoa của Hà Lan.
Ngài nói, những bông hoa này, “hãy đến Rôma để dự đại lễ Phục sinh, khi chúng ta cử hành sự Phục sinh của Chúa Kitô. Những bông hoa sẽ tăng phần duyên dáng cho quảng trường Thánh Phêrô khi Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố ‘Urbi et Orbi’, lời chúc phúc của ngài đối với thành phố Rôma và toàn thế giới. Vào ngày lễ Chúa Phục Sinh, sự lộng lẫy của loài hoa này sẽ được thể hiện trọn vẹn”.
Ngài nói thêm: “Chúa ban cho sức mạnh nở rộ và tăng trưởng, và là con người, chúng ta được phép hợp tác với tạo vật thông qua các tài năng mà chúng ta đã được ban cho.”
Vào năm 2018, truyền thông Hà Lan đưa tin rằng 50,000 bông hoa, nặng khoảng 30 tấn, đã được mang đến Vatican, nơi chúng được sắp xếp bởi 25 người.
Vatican cho biết vào Lễ Phục sinh năm 2022, những người bán hoa chuyên nghiệp từ Hà Lan và Slovenia, phối hợp với những người làm vườn ở Vatican, sẽ làm việc “cả ngày Thứ Sáu Tuần Thánh để chuẩn bị và hoàn thành việc trang trí vào ngày hôm sau”.
Sau phép lành “Urbi et Orbi” trong Lễ Phục sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô luôn nói lời cảm ơn đến Hà Lan về món quà hoa này.
“Tại quảng trường này, niềm vui của sự Phục sinh được tượng trưng bằng hoa, năm nay cũng đến từ Hà Lan, trong khi những bông hoa ở Đền Thờ Thánh Phêrô đến từ Slovenia,” Đức Thánh Cha nói vào năm 2019. “Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến các nhà tài trợ của những món quà hoa lộng lẫy này.”
Source:Catholic News Agency
3. Vatican sửa lại Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh sau khi bị phản đối kịch liệt ở Ukraine
Vatican đã biên tập lại phần suy niệm của chặng thứ 13 trong Đàng Thánh Giá do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự vào Thứ Sáu Tuần Thánh sau những phản đối kịch liệt ở Ukraine.
Bài suy niệm cho Chặng thứ 13, “Chúa Giêsu chết trên Thập giá,” được viết bởi các thành viên của một gia đình người Ukraine và người Nga. Trong trường hợp này, bài suy niệm đã không được đọc trong buổi đi Đàng Thánh Giá tại Đấu trường La Mã vào ngày 15 tháng 4.
Thay vào đó, một vị nói: “Đối mặt với cái chết, im lặng còn hùng hồn hơn lời nói. Vì vậy, chúng ta hãy dừng lại trong im lặng suy tư và mỗi người trong trái tim của mình cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới.”
Trong lúc im lặng, cây thánh giá được giữ chặt bởi hai người bạn là Irina đến từ Ukraine và Albina đến từ Nga. Những người phụ nữ này làm việc cùng nhau tại Bệnh viện Đại học Campus Bio-Medico ở Rome, nhìn nhau khi họ cầm cây thánh giá với đôi mắt ngấn lệ.
Kế hoạch ban đầu cho Đàng Thánh Giá đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương. Đức Tổng Giám Mục đã mô tả kế hoạch ban đầu là “không đúng lúc”.
“Đối với những người Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, các văn bản và cử chỉ của chặng thứ 13 trong Đàng Thánh Giá này là không mạch lạc và thậm chí gây khó chịu, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc tấn công thứ hai, thậm chí đẫm máu hơn của quân đội Nga vào các thành phố và làng mạc của chúng tôi. Tôi biết rằng những người anh em Công Giáo Rôma của chúng tôi chia sẻ những suy nghĩ và mối quan tâm này”.
Sự can thiệp của Đức Tổng Giám Mục Shevchuk xảy ra sau phản kháng của Andrii Yurash, tân đại sứ Ukraine cạnh Tòa thánh. Vị tân Đại Sứ bày tỏ lo ngại về Đàng Thánh Giá này trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm thứ Ba. Ông Andrii viết rằng “chúng tôi đang giải quyết vấn đề này, cố gắng giải thích những khó khăn trong việc tiếp nhận nó và những hậu quả có thể xảy ra.”
Đức Cha Vitaliy Kryvytskyi, giám mục Nghi lễ Latinh của Kyiv-Zhytomyr, mô tả văn bản này là “không thể hiểu được.”
Nhưng Cha Antonio Spadaro, linh mục dòng Tên, tổng biên tập của tạp chí La Civiltà Cattolica, nghĩa là Văn Minh Kitô đã bảo vệ mạnh mẽ kế hoạch ban đầu trên các phương tiện truyền thông Ý.
“Hai phụ nữ, Albina và Irina, sẽ vác thánh giá vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Họ sẽ không nói một lời nào. Cả một yêu cầu tha thứ hay bất cứ điều gì tương tự cũng không. Không. Họ ở dưới Thánh giá khi mang nó,” ngài viết trên tờ báo Ý Il Manifesto.
“Đó sẽ là một dấu chỉ tiên tri trong bóng tối dày đặc. Việc họ ở bên nhau, những người con gái của Chúa và chị em trong một cuộc chiến mà từ là bạn bè đã trở thành kẻ thù của nhau, là một lời cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng hòa giải”.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội sau Đàng Thánh Giá hôm Thứ Sáu Tuần Thánh, Cha Spadaro nói rằng Chặng thứ 13 được đánh dấu bằng một sự im lặng “phi thường”, tập trung mọi sự chú ý vào cây thánh giá do Irina và Albina vác.
Truyền thống đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colôssêô đã được người Công Giáo Rôma thực hành trong nhiều thế kỷ bắt đầu từ thế kỷ 18 dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 14, và được hồi sinh vào năm 1964 bởi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.
Từ thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo cũng trở thành một sự kiện được truyền hình trên toàn thế giới.
Ban đầu, chính Đức Giáo Hoàng tự mình vác thập tự giá từ chặng này sang chặng khác, nhưng trong những năm cuối đời ngài, khi tuổi tác và bệnh tật hạn chế sức khoẻ của ngài, Đức Gioan Phaolô II đã chủ sự buổi lễ từ một khán đài trên đồi Palatine. Chỉ vài ngày trước khi qua đời vào năm 2005, Đức Gioan Phaolô II đã theo dõi buổi đi đàng Thánh Giá từ nhà nguyện riêng của ngài trong khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin chủ sự toàn bộ buổi lễ.
Truyền thống viết các bài Suy Niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá tại Colôssêô khác với những bài nguyện ngắm như trong các kinh bổn thường đọc đã được bắt đầu với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào năm 1991. Văn bản các chặng Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Colôssêô phản ảnh cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo trước thực trạng văn hóa, xã hội và luân lý trong xã hội đương đại. Nó cũng nêu bật tình trạng bị bách hại của các Kitô hữu trên toàn thế giới, tình trạng bất công, những khổ đau của người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Nhiều bài suy niệm đã đi vào lịch sử như những áng văn chương tuyệt tác như bài Suy Niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá tại Colôssêô vào năm 2007 của Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Di Sản Văn Hoá của Giáo Hội.
Source:Catholic News Agency