1. Tai ương của Giáo Hội Công Giáo tại Chí Lợi vừa mới từ trần, thọ 90 tuổi

Fernando Karadima, một cựu linh mục có ảnh hưởng rất lớn ở Chí Lợi, hay còn gọi là Chilê, là người mà các hành vi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên đã khiến tất cả các Giám Mục Chí Lợi phải làm đơn từ chức, đã qua đời ở tuổi 90.

Truyền thông địa phương đưa tin rằng mặc dù nguyên nhân cái chết của Karadima vẫn chưa được biết rõ, nhưng trước đó ông ta đã được điều trị các vấn đề về tim mạch. Cái chết của Karadima đã được tường thuật rất khác nhau. Thông tấn xã Reuters nói rằng Karadima qua đời hôm thứ Hai. Đáp lại CNN Chí Lợi đã đưa ra một giấy chứng tử chứng minh rằng ông đã qua đời vào đêm Chúa Nhật, ngày 25 tháng 7 trong một viện dưỡng lão ở Chí Lợi.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Ba 27 tháng 7, Đức Hồng Y Celestino Aós Braco, Tổng Giám Mục Santiago de Chile cho biết:

“Chúng tôi đồng hành chặt chẽ với các nạn nhân còn sống và gia đình của họ, cầu xin Chúa nhân từ chữa lành nỗi đau đã gây ra cho tất cả những người đã phải chịu đựng. Đồng thời, với tư cách là Tổng giám mục, chúng tôi tái khẳng định cam kết tiếp tục làm việc để thúc đẩy môi trường lành mạnh và an toàn trong Giáo hội”.

Karadima là một linh mục tại tổng giáo phận Santiago có ảnh hưởng rất lớn. Ông là người đã lãnh đạo một phong trào giáo dân từ giáo xứ của mình ở El Bosque trong nhiều thập kỷ. Ông được biết đến với thành tích đáng ca ngợi là nuôi dưỡng khoảng 40 ơn gọi linh mục, và một số vị đã trở thành giám mục.

Bản thân Karadima đã phủ nhận các cáo buộc lạm dụng tình dục. Các cuộc điều tra của Bộ Giáo Lý Đức Tin đã dẫn đến xác nhận các cáo buộc chống lại Karadima là đúng. Tuy nhiên, ông ta chưa bao giờ phải đối mặt với các phiên tòa xét xử theo luật của Chí Lợi vì các tội danh của mình. Lý do là vì đã qua thời hiệu tố cáo.

Karadima bị kết tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong một tiến trình điều tra theo giáo luật do Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican tiến hành vào năm 2011. Vì tuổi cao và sức khỏe kém, ông được lệnh “lui về sống cầu nguyện và đền tội, và đền bù vì các tội ác của mình cho các nạn nhân của sự lạm dụng”.

Khi các chi tiết liên quan đến hành vi lạm dụng của ông ta được công khai hoá, một số giám mục nổi tiếng của Chí Lợi đã bị buộc tội che đậy hành vi lạm dụng của ông.

Ngày 10 tháng Giêng năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức Cha Juan Barros Madrid, lúc ấy đang là Giám Mục giáo phận Quân đội Chí Lợi về làm Giám Mục giáo phận Osorno. Quyết định này của Đức Thánh Cha bị chống đối vì có các cáo buộc cho rằng Đức Cha Juan Barros là học trò cũ của Karadima, và đã che chở cho ông ấy.

Trong chuyến tông du Chí Lợi vào năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công khai tranh luận rằng cáo buộc cho rằng Đức Cha Juan Barros đã che chở cho Karadima là “vu cáo”. Diễn biến này đã dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình và đốt phá các nhà thờ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải triệu tập các Giám Mục Chí Lợi sang Rôma trong một cuộc họp kéo dài từ 15 đến 18 tháng 5, 2018. Sau cuộc họp đó, 32 Giám Mục đương nhiệm của Chí Lợi đã nộp đơn từ chức.

Tháng 9 năm 2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên án Karadima, trục xuất anh ta khỏi hàng giáo sĩ trong một động thái mà Vatican mô tả là một “biện pháp đặc biệt” được thực hiện để đáp lại “ thiệt hại đặc biệt “ do tội ác của linh mục gây ra.

Ba nạn nhân của Karadima là Juan Carlos Cruz, James Hamilton và José Andrés Murillo đã đệ đơn kiện tổng giáo phận vào năm 2013 vì “thiệt hại về mặt đạo đức” và đòi bồi thường 600,000 Mỹ Kim. Lời khai của Juan Carlos Cruz, một cựu chủng sinh, và là một người đồng tính, rất bất lợi cho Giáo Hội và khiến cuộc khủng hoảng lạm dụng ở Chí Lợi thu hút sự chú ý của quốc tế. Juan Carlos Cruz cáo buộc rằng Karadima đã lạm dụng rất nhiều người trẻ trong giáo xứ El Bosque. Tuy nhiên, chính thức mà nói ngành tư pháp Chí Lợi chỉ ghi nhận có 3 người trong nhóm Juan Carlos Cruz là những người đã tố cáo.

Tháng 3 năm 2019, Tòa phúc thẩm Santiago đã ra lệnh cho tổng giáo phận Santiago phải trả 300 triệu peso – khoảng 439,000 Mỹ Kim – cho ba nạn nhân của Karadima, là những người nói rằng cựu linh mục đã lạm dụng họ trong khoảng thời gian nhiều năm khi họ còn là trẻ vị thành niên.

Tổng giáo phận Santiago đã chấp nhận phán quyết của tòa án và lên tiếng hy vọng hành động này có thể giúp khôi phục lòng tin và ngăn chặn hành vi lạm dụng sai trái tiếp theo. Tổng giáo phận cho biết phán quyết cho thấy sự cần thiết của việc thực hiện “cải cách sâu sắc” để ngăn chặn những thất bại khác.

Sau hàng loạt các vụ tấn công vào các nhà thờ, và nhiều vụ phóng hỏa, báo chí gọi Karadima là “Flagelo de la Iglesia Católica en Chile”, nghĩa là “Tai ương của Giáo Hội Công Giáo tại Chí Lợi”. Tuy nhiên, công bằng mà nói Karadima không thể chịu hoàn toàn trách nhiệm về tất cả các thiệt hại liên quan đến các tội lỗi do ông gây ra. Các thế lực chống báng Giáo Hội cũng góp một phần đáng kể trong các tai họa này.


Source:Catholic News Agency

2. Chúc mừng Cha Giuse Vũ Hải Đăng vừa được thăng cấp Thiếu tá Không quân Hoa Kỳ

VietCatholic xin chúc mừng Cha Giuse Vũ Hải Đăng vừa được thăng cấp thiếu tá không quân Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng 7 vừa qua.

Quý vị khán thính giả có lẽ không xa lạ với ngài vì ngài phụ trách thuyết giảng trong chương trình Suy Niệm Tin Mừng Hàng Ngày của VietCatholic.

Cha Giuse Vũ Hải Đăng sinh ngày 15 tháng 05, 1964 tại Qui Nhơn.

Ngài đến Hoa Kỳ năm 1990. Năm sau đó, ngài gia nhập Chủng Viện.

Cha Giuse Vũ Hải Đăng đã theo học tại Đại học Seton Hall, đạt được bằng Cử Nhân Âm Nhạc và Triết Lý vào năm 1996.

Ngài cũng có Cao Học Thần Học vào năm 2002 tại Đại Chủng Viện Notre Dame.

Năm 2002, ngài tuyên khấn trong Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ và được truyền chức linh mục

Cha Giuse Vũ Hải Đăng cũng từng theo học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Thomas Acquinas, hay còn gọi là trường Angelicum ở Rôma và lấy bằng Thạc Sĩ Thần Học tại đây vào năm 2015.

Ngài cũng có thời gian học Kinh Thánh ở Thánh Địa Giêrusalem.

Ngài cũng là một Nghệ sĩ Dương Cầm và sáng tác nhạc

Cha Giuse Vũ Hải Đăng đã hoạt động mục vụ tại Giáo Xứ Nữ Vương Việt Nam ở New Orleans, Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang và Trung Tâm Mục Vụ Đông Nam Á ở Portland, Oregon, Giáo Xứ St. Rose ở Longview, St. Catherine ở Cathlamet, Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Kelso, và St. Mary ở Castle Rock.

Ngài cũng từng đảm trách các chức vụ quan trọng như Giám Đốc Ơn Gọi Tu Đoàn Nhà Chúa, Bề Trên phụ trách Miền Tây Bắc của Tu Đoàn Nhà Chúa; Giám Đốc Tu Viện Thánh Giá ở Washougal, và Giám Đốc Hội Bảo Trợ Ơn Gọi Tu Đoàn Nhà Chúa.

VietCatholic xin chúc mừng Cha và xin Chúa ban cho Cha nhiều hồng ân để chu toàn tốt đẹp sứ vụ Người đã ủy thác cho Cha.

3. Lịch sử đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức.

Ngày 11 tháng 2 năm 1858, cô Bernadette Soubirous, lúc đó mới 14 tuổi. Bernadette nói với mẹ rằng cô đã gặp một “bà đẹp” ở hang đá Massabielle trong khi đang đi nhặt củi với em gái và 1 người bạn. Các cuộc xuất hiện tương tự với hình dạng “người nữ mặc áo choàng xanh” trên 17 lần trong cùng năm đó. Bernadette từ đó đã sống cuộc sống hy sinh nhiệm nhặt để hy sinh, hãm mình cầu nguyện theo lời Mẹ dậy và sau khi chết cô đã được phong thánh. Việc tin rằng Đức Mẹ hiện ra với Bernadette được xác nhận bởi nhiều phép lạ Đức Mẹ đã thệ cách “kỳ lạ” tại suối nước Lộ Đức. Tước hiệu “Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội” đã được chính Đức Mẹ xác quyết là tên của Mẹ, sau khi Giáo hội công bố tín điều “Mẹ Vô Nhiễm” (vào năm 1854) nghĩa là Mẹ cưu mang sinh ra Chúa Giêsu mà Mẹ không hề bị đặt để dưới ách thống trị tội lỗi của Adam và Eva và Mẹ luôn trinh khiết.

Tổng cộng Đức Mẹ hiện ra là 18 lần tại hang đá Massabielle từ tháng 2 cho tới tháng 7 năm 1858. Chín lần đầu là vào các ngày 11, 14, 18, 19, 20, 21, 23, 24, 25 tháng 2.

– Lần thứ nhất, vào buổi trưa ngày 11 tháng 2 năm 1858. Cùng đi với Bernadette có em gái là Marie-Antoinette và bạn gái là Jeanne Abadie. Khi đến trước hang đá Massabielle trước dòng sông Gave, Marie và Jeanne lội qua trước để nhặt củi trong hang. Bernadette đang cúi xuống cởi vớ để lội qua con sông. Bernadette thuật lại như sau: “Thình lình tôi nghe thấy một cái gì đó như tiếng gió vi vu. Tôi ngoảnh đầu lại hướng về phía bụi cỏ gần bờ sông, song cây cối vẫn im lặng, rõ là tiếng động, nhưng không xuất phát từ đó… Đoạn tôi nhìn lên và thấy trong hang động, một người nữ mặc áo trắng dễ thương với chiếc dây thắt lưng óng ánh. Trên chân của bà mỗi bên đều có một bông hồng màu vàng nhạt, Bà đeo trong tay một chuỗi mân côi”. Bernadette giơ tay dụi mắt, rồi nhắm và mở ra, nhưng cô thấy Bà lạ vẫn đức đó, tiếp tục mỉm cười và ra dấu biết cô. Bernadette thò tay vào túi lấy tràng hạt và quỳ xuống. Khi Bernadette lần hạt xong Bà ra hiệu cho cô lại gần, nhưng Bernadette không dám. Khi đó Bà lui vào và biến mất trong đám mây sáng. Bernadette muốn giữ kín mọi sự, nhưng trên đường về nhà, cô em gái cứ vặn hỏi, khiến cho cô kể lại chuyện xảy ra với điều kiện là không được nói với ai. Nhưng Marie Antoinette mách lại cho mẹ. Bà Soubirous cho là chuyện bịa đặt nên đánh cho hai cô con gái một trận đòn chí tử! Ba ngày sau đó Bernadette quay trở lại hang đá cùng với em gái và cô bạn. Bernadette đem theo một chai nước phép với ý nghĩ: sẽ rẩy nước phép… “Nếu bà ấy đến từ Thiên Chúa, bà ấy sẽ ở lại, còn nếu bà ấy là quỷ, bà ấy sẽ phải biến mất”. Lát sau Bernadette kêu lên: “Bà ở đó! Bà ở đó!”. Cô đứng dậy vội vã rảy nước thánh về phía bụi hồng và nói: “Nếu Bà đến nhân danh Thiên Chúa, thì xin hãy lại gần”.

– Và vào Ngày 18 tháng 2, lần đầu tiên Bà nói chuyện với Bernadette và xin cô hãy trở lại hằng ngày trong vòng 15 ngày kế tiếp. Đồng thời cũng yêu cầu Bernadette nói với cha xứ hãy xây một thánh đường ở đó. Bà còn nói với cô: “Ta không hứa cho con được hạnh phúc ở đời này nhưng đời sau”. Ngày 24 tháng 2, Bà yêu cầu Bernadette hãy cầu nguyện và sám hối thay cho các tội nhân. Ngày hôm sau bà bảo cô hãy uống nước ở mạch nước từ hang đá. Điều này khiến cho Bernadette bối rối vì chỉ có dòng sông Gave là dòng nước duy nhất ở đó. Nhưng bà ra dấu không phải nước ở dòng sông mà là một mạch nước nhỏ cạnh chỗ cô đang đứng: “Tôi chỉ thấy có một vài giọt nước, còn toàn là bùn. Tôi chụm tay lại để hớt lấy một chút nhưng cũng không được, tôi liền cào đất lên. Tôi cố tìm lấy một ít nước, nhưng mãi sau, tôi mới có đủ ít nước để uống”. Những người chứng kiến đã thất vọng khi thấy Bernadette bới đất, và uống nước bùn… nhưng rồi 1 dòng nước sạch từ đó chảy ra và nó đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của những cuộc hành hương. Thông tin loan truyền từ vùng này qua vùng khác và người ta mang đến đây đủ thứ bệnh nhân. Đã có nhiều bệnh nhân được ghi nhận là được chữa khỏi một cách lạ kỳ. Bảy trong số trường hợp đầu tiên được xác nhận là không cắt nghĩa y khoa được do giáo sư Verges ghi nhận vào năm 1860. Người đầu tiên được chứng nhận một “phép lạ” là một phụ nữ có cánh tay bị tật nguyền bởi một tai nạn.

– Những điều này đã khiến Giáo hội và chính quyền hết sức quan tâm. Từ tháng 4 tới tháng 10 năm 1858, chính quyền cấm dân chúng đến hang đá, cấm bất cứ người nào lấy nước từ mạch nước từ hang đá Massabielle. Một hàng rào bằng gỗ chặn trước cửa hang để ngăn chặn không cho người ta lui tới hang. Những ai vi phạm sẽ phải bị phạt. Muốn đến hang đá phải có giấy phép của hoàng đế Napoléon III.

Trong các cuộc hiện ra, Bernadette Soubirous đã nhiều lần hỏi về tên của bà, song bà chỉ mỉm cười. Sau cùng ngày 25 tháng 3 với cánh tay giang rộng và đôi mắt ngước lên trời, bà phán rằng bà là “Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Bernadette Soubirous không hiểu ý nghĩa “vô nhiễm nguyên tội” là gì. Vì thế cô đến gặp cha xứ và cho cha biết tên của bà là “Vô Nhiễm Nguyên Tội” và cha xứ hiểu đó là Đức Mẹ Maria.

– Ngày 7 tháng 4, những người có mặt chứng kiến sự xuất thần của Bernadette. Chính ngày đó bác sĩ Dozous đã quan sát thấy “phép lạ cây nến”. Ngọn lửa của cây nến cháy trên tay của Bernadette 15 phút mà không gây ra vết cháy nào trên da thịt Bernadette trong lúc cô xuất thần.

Lần cuối cùng vào ngày 16 tháng 7 năm 1858. Vì hang đá đã bị rào bởi lệnh của chính quyền, Bernadette cùng với dì Lucile và vài bạn gái đi đến bờ bên phải của sông Gave trong cánh đồng Ribère đối diện với hang đá. Tất cả quỳ gối và cầu nguyện. Sau một lúc Bernadette kêu lên: “Vâng, vâng, Mẹ đó! Mẹ mỉm cười với chúng ta và chào chúng ta bên trên hàng rào. Chưa bao giờ tôi thấy Mẹ đẹp như vậy”. Đó lần cuối cùng được ghi nhận về việc Đức Mẹ hiện ra với Bernadette.

Lộ Đức trở thành địa điểm hành hương.

– Ngày 19 tháng 11 năm 1858, Ủy ban điều tra của Tòa giám mục đến hang đá lần đầu tiên, sau khi xem xét tỉ mỉ các biến cố, tìm hiểu về Bernadette cũng như các phép lạ chữa lành đã xảy ra mà các tín hữu nhận được tại hang đá Đức Mẹ, vị giám mục thừa nhận tính cách đích thực của các lần hiện ra và tuyên bố: “Đức Mẹ Maria đã thực sự hiện ra với Bernadette Soubirous”. Điều này đã được tôn kính dưới tước hiệu là Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày nay Lộ Đức cùng với Fatima là hai linh địa được nhiều người hành hương nhất. Hàng năm có từ 4-6 triệu du khách hành hương về đây từ khắp mọi miền trên thế giới. Cuộc hành hương chính thức đầu tiên được tổ chức ngày mùng 4 tháng 4 năm 1864 nhân dịp khánh thành và đặt bức tượng Đức Mẹ vào hang đá trong sự hiện diện của 20.000 khách hành hương. Tượng bằng đá cẩm thạch Carrara do ông Joseph-Hugues Fabish người Lyon tạc. Tháng 5 năm 1866, hang Massabielle được làm phép. Từ 1-3 tháng 7 năm 1876 là lễ thánh hiến Vương cung thánh đường và đội triều thiên cho tượng Đức Mẹ do Giáo hoàng Piô IX. Ngày 16 tháng 7 năm 1883 kỷ niệm 25 năm Đức Mẹ hiện ra và lễ đặt viên đá đầu tiên xây Vương cung thánh đường Mân Côi. Trong năm đó đã có 230 cuộc hành hương. Năm 1908 kỷ niệm 50 năm Đức Mẹ hiện ra có 157 cuộc hành hương, trong đó 76 cuộc hành hương là của các tín hữu đến từ nước ngoài nước Pháp, tổng cộng có hơn 1 triệu người.

Suối nước Lộ Đức.

Nước suối Lộ Đức được phân tích lần đầu tiên ngày 7 tháng 8 năm 1858, cho thấy nó là nước bình thường. Nhà hóa học Filhon, giáo sư Đại học Toulouse liệt kê các thành phần hóa chất của nước, bao gồm đầy đủ cả: Carbonat, clorat, silicat, calcium, sắt, mangesium, phốt pho, amomiac, pồ-tạt và các muối khoáng khác. “Từ những phân tích trên, chúng tôi kết luận: Mẫu nước từ mạch suối Lộ Đức không có gì đặc biệt, chỉ là nước uống bình thường, nó không chứa đựng chất nào chữa bệnh cả. Hiệu quả của các cuộc chữa lành là do quyền năng chuyển cầu của Đức Mẹ. Năm 1882, một ủy ban khoa học với mục đích nghiên cứu và xác nhận các phép lạ tại Lộ Đức được thành lập. Tiếp đó, văn phòng khảo sát y khoa do Đức Giáo Hoàng Piô X thành lập năm 1905. Nó hoàn toàn theo các tiêu chuẩn chuyên môn y khoa chứ không bị kiểm soát của Giáo hội. Làm việc trong văn phòng này có các bác sĩ chuyên môn không phân biệt tôn giáo. Họ quan sát ghi nhận các vụ khỏi bệnh lạ lùng và trình lên Ủy ban y khoa quốc tế xác nhận. Nếu thấy đó là các vụ khỏi bệnh không thể nào giải thích được trên bình diện y khoa. Tiếp đến sau khi có các thẩm định khác, Giáo hội có thể khẳng định việc lành bệnh là một phép lạ. Cho tới nay trên tổng số 7.000 vụ khỏi bệnh không thể giải thích được trên bình diện y khoa, tuy nhiên chỉ có 70 trường hợp được Giáo hội chính thức thừa nhận là phép lạ.

Các cuộc Hành hương:

Trong cuộc hành hương, khách hành hương thường đi tắm suối Lộ Đức để xin ơn chữa lành hoặc tham dự các thánh lễ, đi đàng Thánh giá hoặc cầu nguyện riêng tư… Nhưng mỗi ngày tại Lộ Đức vào mùa hè có hai cuộc rước kiệu: Cuộc rước Thánh Thể lúc 3 giờ chiều từ Hang đá về nhà thờ hầm, một thánh đường vĩ đại dưới hầm, có sức chứa 30 ngàn người. Cuộc rước Thánh thể và chầu Thánh thể cùng ban phép lành các bệnh nhân. Và cuộc rước nến vĩ đại mỗi tối lúc 7.30 với hàng ngàn bệnh nhân nằm trên giường bệnh hoạc ngồi trên xe lăn và cả 50 hay 60 ngàn người hành hương, vừa đi vừa lần chuỗi. Cuộc rước từ hang đá Đức Mẹ đi quanh quảng trường rộng lớn… mà đoàn rước đi zíc zắc mãi mới tập trung về trước Vương cung Thánh đường Nữ Vương Mân côi trong lúc đó khác hành hương đứng đầy trên các lối đi và trên các bậc của Vương cung thánh đường lần chuỗi tung hô Thánh tượng Đức Mẹ.