Lịch sử Giáo Dân Đa Minh (thế giới)

Lịch sử Giáo Dân Đa Minh (thế giới)

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Danh xưng chính thức đọc thấy ở tựa đề bản luật năm 1285 là “Dòng hãm mình Thánh Đa Minh”. Mãi đến cuối thế kỷ XV, tức 200 năm sau, mới thấy xuất hiện danh xưng Dòng Ba hãm mình, có lẽ do ảnh hưởng Dòng Phanxicô. Sách Sử ký Địa phận Trung, in tại Phú Nhai Đường đã gọi là : “Họ Dòng Ba ông thánh Dumingô”.

Ở Italia, vào các thế kỷ đầu tiên, các hội viên mang nhiều tên khác nhau: anh em hối nhân ; còn các phụ nữ thì được gọi là các bà mang áo choàng Thánh Đa Minh.

I. Lịch sử

Về nguồn gốc của Dòng Ba, các thuyết cổ truyền đã bị sửa đổi hoàn toàn. Xưa nay các sách đều viết rằng thánh Ða Minh và thánh Phanxicô đã lập cả ba ngành: Dòng Nhất, Dòng Nhì, Dòng Ba. Nhưng ngày nay, tên của hai vị tổ phụ đã bị gạch ra khỏi sổ khai sinh của các Dòng Ba, bởi vì chúng chào đời sau khi các vị đã về bên kia thế giới. Chung quanh nguồn gốc của Dòng Ba đã có ít là 3 giả thuyết:

1/ Thánh Ða Minh đã lập ra Dòng Ba (sau dòng Nhì và Dòng nhất), mang tên là “Ðạo binh của Chúa Giêsu”, rồi sau đó đổi danh hiệu thành “Dòng Ba hãm mình”.

2/ Dòng Ba Ða Minh do BTTQ Munio Zamora lập và soạn bản luật năm 1285.

3/ Dòng Ba Ða Minh bắt nguồn từ phong trào hối nhân, và sau đó được sát nhập vào Dòng Ða Minh. Ðây là lối giải thích phù hợp với các tài liệu lịch sử hiện còn lưu lại.

Dòng Hối nhân (= Ordo Paenitentiae) nguyên là toàn thể các hối nhân đã hiện hữu từ thế kỷ 12. Họ là những giáo dân nam nữ muốn trở nên trọn lành tuy vẫn sống ở giữa đời. Có người khấn giữ độc thân và mặc tu phục. Họ ở dưới quyền của giám mục địa phương. Họ đã có một bản luật ít là từ những năm 1221 đến 1228.

Năm 1247, đức Innocentê IV trao cho Dòng Phanxicô trách nhiệm thanh tra các nhóm hối nhân bên Italia. Công tác này đã hoàn tất trong vài năm. Các nhóm này nhờ các cha Phanxicô và Ða Minh giúp đỡ về tinh thần. Những ai sống gần nhà thờ Dòng nào thì nhờ Dòng đó giúp đỡ. Năng qua lại với các cha dòng nào, giáo dân chịu “ảnh hưởng” tinh thần của Dòng đó ? Vì thế, không lạ gì các nhóm hối nhân đã bị phân hóa thành hai khối, dựa theo màu áo choàng: hối nhân xám (Phansinh) và hối nhân đen (Ða Minh).

Những năm 1284-85 đánh dấu một khúc quặt trong lịch sử các nhóm hối nhân. Năm 1284, cha Caro OFM, bề trên Firenze, duyệt lại bản luật của các hối nhân. Năm 1285, BTTQ Munio Zamora OP (+1291), cũng thực hiện công tác tương tự đối với những nhóm được Dòng Ða Minh coi sóc. Khác một điều là Ðức Nicôla IV lập tức châu phê bản luật của cha Caro; còn bản luật của cha Munio thì mãi đến năm 1405 mới được đức Innocentê IV phê chuẩn. Nói khác đi, từ 1285 đến 1405, bản luật chỉ có giá trị “lưu hành nội bộ”.

Một người đã vận động đắc lực để Tòa thánh châu phê bản luật là cha Tôma Caffarini OP, môn đệ của thánh Catarina Siena (+1380) và cha Raymonđô Capua (+1399). Cha Caffarini là tác giả của lưu truyền cho rằng Dòng Ba do thánh Ða Minh lập ra, dựa theo phong trào Ðạo binh Chúa Giêsu (Militia Jesu Christi, thiết tưởng dịch là “Nhân dân tự vệ” hay “Dân quân” cũng không sai). Nhưng các nhà phê bình sử học cận đại không thấy mối liên hệ gì giữa Ðạo binh Chúa Giêsu với Dòng Ba hết. Trên thực tế, có tới ba phong trào mang danh Ðạo binh Chúa Giêsu.

– Phong trào thứ nhất được lập tại Toulouse năm 1221 do cha Conrad Urach dòng Xitô, đặc sứ Giáo hoàng, cùng với ông Phêrô Savary. Phong trào này được tổ chức như một Dòng hiệp sĩ, với mục tiêu là tiễu trừ lạc giáo Albigeois (tương tự như Dòng Đền Thờ chiến đấu với Hồi quân bên Trung Đông). Tuy nhiên, phong trào này đã tan rã năm 1229 khi ông Amaury de Montfort qua đời và chiến tranh với phe Albigeois chấm dứt.

– Phong trào thứ hai ra đời tại Parma nước Ý, năm 1233 do cha Bartôlômeô Vicenza OP lập ra, quy tụ hàng quý tộc để chiến đấu chống các lạc giáo trong vùng Lombardie và Toscana, cũng như để cứu trợ những kẻ cô thân cô thế. Tuy là một Dòng binh lính, nhưng họ không sống thành cộng đoàn; họ chỉ khấn vâng lời và có thể lập gia đình. Tuy do một cha dòng Ða Minh thành lập nhưng Dòng không có quyền hành gì trên các phần tử của phong trào. Tổ chức này không tồn tại lâu. Các phần tử chuyển sang Dòng Ðạo binh Ðức Mẹ (Militia B.M.V) do LM Rufinus Gorgone OFM lập, được châu phê năm 1261.

– Năm 1603, vua Tây Ban Nha lập một Dòng binh lính mang tên là Ðạo binh Chúa Giêsu, với mục tiêu là giúp đỡ cho tòa Ðiều Tra (Inquisitio). Họ tự nhận là hậu duệ của Ðạo binh Chúa Giêsu đã được thánh Ða Minh thành lập.

Dòng Ba Ða Minh phát triển mạnh bên Italia, nhất là từ thế kỷ 14 nhờ ảnh hưởng của thánh Catarina Siena. Các hội viên Dòng Ba được phong thánh và chân phước không phải là ít. Trong hàng ngũ thánh nhân, ngoài Catarina còn có Zedislava, và Rosa Lima. Danh sách này còn dài nếu kể thêm các thánh tử đạo ở Việt Nam và Nhật Bản.

Ngoài ra, bên cạnh các chân phúc “giáo dân”, cần phải thêm các thánh linh mục nữa, như thánh Louis Maria Grignion Montfort tại Pháp, thánh Schoeffler Đông, thánh Ngô Túc Khuông và thánh Đỗ Đình Cẩm tại Việt Nam.

II. Pháp chế

1. Như đã nói trên đây, bản luật chính thức đầu tiên của các giáo dân Ða Minh là (Luật của Anh em và Chị em Thống Hối thánh Đa Minh, Đấng sáng lập và Tổ phụ Dòng Anh em Giảng thuyết), do cha Munio de Zamora ban hành năm 1285, gồm 22 chương.

Bản luật này đặt các huynh đoàn dưới quyền của Dòng Giảng thuyết. Mục tiêu của họ : hợp tác với người thiện chí, nhiệt tâm cổ võ đức tin công giáo chân thật, công bình. Tuy nhiên sự gắn bó với Dòng xem ra đặt nặng trên khía cạnh tu đức và kinh nguyện (Dòng Thống hối), hơn là trên khía cạnh hoạt động tông đồ. Các huynh đoàn được tổ chức như là các tu viện, với các chức vụ hội trưởng và giám sư.

Các hội viên nam mặc áo chùng trắng, dây lưng đen, áo choàng và mũ mầu đen. Các hội viên nữ thì đội lúp trắng. Họ cũng phải qua thời tập viện, khấn tạm, khấn trọn.

Về kinh nguyện, các hội viên đọc một số kinh Lạy Cha, được phân phối theo các Giờ kinh phụng vụ. Vào một số ngày, họ phải thức dậy đọc kinh đêm, tương đương với giờ Kinh Sách hiện nay.

Hàng tháng, các hội viên tụ họp tại các nhà thờ của Dòng để dự Thánh lễ và nghe giảng, giải thích luật, và sửa lỗi.

Các hội viên không tham dự các buổi lễ hội giải trí công cộng.

Các hội viên phải ăn chay vào các ngày thứ sáu quanh năm, và suốt mùa Chay và Mùa Vọng. Họ buộc phải kiêng thịt bốn ngày trong tuần : thứ hai, thứ tư, thứ sáu và thứ bảy.

Các hội trưởng, do các hội viên bầu lên có quyền phạt khi có vi phạm luật. Hình phạt nặng nhất là trục xuất. Tuy nhiên, luật cẫn không buộc thành tội.

2. Bản luật của Cha Munio lưu hành cho đến năm 1923, khi tổng quyền Louis Theissling với sự ban hành bản luật mới, nhắm thích ứng với những quy định của bộ giáo luật 1917. Tựa đề là : Luật Dòng Ba Thánh Đa Minh hay Dòng Hãm mình Thánh Đa Minh, hay Đạo binh Chúa Giêsu Kitô.

Bản luật này không còn buộc các hội viên mặc áo Dòng nữa (trừ áo choàng vai), đặc biệt là cho phép tổ chức các huynh đoàn hỗn hợp (nam nữ), cũng như cho phép thâu nhận các hội viên biệt lập (không thuộc huynh đoàn nào hết).

3. Các đề nghị cải tổ luật Dòng Ba đã được gợi lên từ tổng hội Rôma (1955), và Caleruega (1958) nhằm thích ứng với những biến chuyển của thần học về giáo dân. Phải chờ đến khi công đồng Vaticanô II bế mạc, công tác mới thực hiện, với sự thúc đẩy của tổng hội River Forest (1968). Bản văn mới mang tựa đề là Luật Huynh đoàn Giáo dân Thánh Đa Minh được Bộ Tu sĩ phê chuẩn thử nghiệm năm 1972. Người ta đã ghi nhận nhiều thay đổi quan trọng :

– Các danh xưng Dòng Ba, Dòng Thống hối đã biến mất

– Nội dung phản ánh một khuôn mặt mới của “người giáo dân Ða Minh” với sứ mạng riêng (thay vì mô hình “tu cạn” trước đây). Vì thế bản văn nhấn mạnh hơn đến sự tham gia vào sứ mạng của Dòng, hơn là chia sẻ các kinh nguyện và khổ chế của các tu sĩ. Các danh từ “hội trưởng” và “giám sư tập sinh” được thay thế bằng các từ “chủ tịch” “đoàn trưởng”. Không còn đả động gì đến áo dòng hay áo choàng vai.

– Ngoài bản luật chung cho toàn thế giới còn có các bản quy chế dành cho các Tỉnh dòng hay quốc gia. Như vậy, các huynh đoàn cũng được liên kết với nhau không những ở cấp giáo phận mà còn ở cấp quốc gia nữa.

4. Năm 1985, nhân kỷ niệm 700 năm bản luật của cha Munio, một Hội nghị Quốc tế huynh đoàn Ða Minh được tổ chức tại Montréal (Canada) từ ngày 24 đến 29 tháng 6, để thảo luận về sứ mạng của người giáo dân Ða Minh. Nhân dịp này bản luật 1972 được đem ra thảo luận và hoàn chỉnh, cũng là để phù hợp với bộ giáo luật 1983. Bản văn được đệ trình Tòa thánh và được Bộ Tu sĩ châu phê ngày 15/1/1987.

So với bản văn năm 1972, bản luật hiện hành đã có những thay đổi không nhỏ, chẳng hạn như khi nói đến người giáo dân chia sẻ vào sứ vụ giảng thuyết của Dòng (chứ không phải chỉ chia sẻ vào việc đọc kinh cầu nguyện). Bản luật cũng đặt nặng vấn đề đào tạo (về linh đạo, cũng như về thần học và biết đọc ra dấu chỉ thời đại). Ngoài ra, cũng như bản luật 1972, ban lãnh đạo giáo dân của huynh đoàn cũng được nhiều quyền tự trị hơn (số 18: Huynh đoàn giáo dân thuộc quyền lãnh đạo của Dòng ; nhưng được điều hành riêng).

Cấu trúc của bản luật hiện tại dựa theo mô hình của hiến pháp Dòng Anh em Giảng thuyết.

– Mở đầu là hiến pháp nền tảng, xác định vai trò người giáo dân trong Giáo hội, và căn tính Ða Minh của họ (số 1-8).

– Phần thứ hai bàn về sinh họat của các huynh đoàn, với hai đề tài chính : đời sống cộng đoàn (bao gồm cả các phương tiện thánh hóa và tông đồ), và sự huấn luyện.

– Phần thứ ba bàn về sự điều hành các huynh đoàn. Cũng như trước đây, bản luật 1987 dành nhiều chỗ cho các Quy chế của Tỉnh dòng (hay quốc gia), do các huynh đoàn soạn thảo và được Tổng quyền phê chuẩn.

Tóm lại, Từ công đồng Vaticanô II đến nay, đã có một sự thay đổi khá lớn về căn tính của “Dòng Ba”: trước đây, người ta nhấn mạnh đến sự tham dự vào đời sống tu trì (kinh nguyện, khổ chế) của Dòng nhất; ngày nay người ta muốn nói đến sứ mạng tông đồ ở giữa trần thế. Họ là giáo dân, chứ không phải là bán-tu-sĩ. Tuy nhiên, họ muốn chia sẻ vào lý tưởng của Dòng là truyền giảng Tin mừng, cũng như những phương tiện cố hữu của Dòng để đạt đến mục tiêu đó (chiêm niệm Lời Chúa, cử hành phụng vụ, tinh thần thống hối, và tình huynh đệ).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *