Linh mục bụi đời

Hình minh họa

Thời trước thế chiến và đặc biệt là các năm sau thế chiến thứ hai, Napôli ở miền nam Italia nổi tiếng là một thành phố có đông dân nghèo nhất nước. Trong số lớp người nghèo đó có đám trẻ bụi đời chúng thường là những đứa trẻ mồ côi phải sống lang thang vất vưởng đầu đường xó chợ, ăn mặc thì bẩn thỉu, áo quần thì rách rưới, đầu tóc bờm xờm. Chúng nhận làm đủ thứ việc vặt vãnh. Có đứa sống nhờ nghề ăn xin, cũng có đứa sống nhờ nghề ăn trộm. Ban đêm chúng ngủ bờ ngủ bụi hay trong một căn nhà đổ nát nào đó ở vùng ngoại ô thành phố. Chúng thường tụ họp nhau lại thành các băng đảng nhỏ, chia phiên làm ăn nuôi sống nhau.

Trong thời thế chiến thứ hai, các băng đảng bụi đời này đã móc nối làm ăn rất nhiều với các binh sĩ đồng minh thay nhau đổ bộ và cập bến cảng Nopôli. Chính trong thời gian này, một linh mục trẻ nảy ra sáng kiến làm mục vụ cho giới trẻ bụi đời. Đó là linh mục Mario Borini, 27 tuổi. Nhưng một linh mục trẻ, trắng trẻo, chững chạc bảnh bao như cha Borini làm sao có thể len lỏi giữa những đứa trẻ bụi đời tóc tai bù xù, quần áo nhố nhăng và chuyên ăn tục nói phét như thế được?

Cha Borini quyết định cải trang thành một tay anh chị bụi đời để có thể xông xáo giữa người trẻ bụi đời và tìm cách đưa họ đến với Chúa. Cha liền trình bày ước muốn này với Đức Tổng giám mục giáo phận Napôli và xin phép ban đêm được cải trang thành một tay anh chị bụi đời để đi làm việc tông đồ mục vụ. Đức Tổng giám mục thấy ý định của cha hơi liều lĩnh nhưng rất hữu lý nên đã cho phép cha sống kinh nghiệm linh mục bụi đời. Thế là từ hôm đó, cha Mario Borino cải trang thành một tay anh chị.

Là người sinh trưởng tại Napôli, cha biết thổ ngữ và cũng thuộc lòng các tiếng lóng và ngôn ngữ đúng dân bụi đời. Cha để tóc dài và râu ria xồm xoàm, rồi cha kiếm một chiếc quần đã sờn đứt chỉ và một cái áo rách tả tơi như chiếc cờ của quân đoàn bại trận. Trên đầu cha đội thêm một cái mũ lưỡi trai. Trông cha cũng ra dáng một tay anh chị lắm. Nhưng cái khó nhất đối với cha là lễ nghi ra mắt theo thói quen của các băng đảng bụi đời. Bất cứ tay anh chị nào muốn gia nhập băng đảng bụi đời cũng đều phải trổ tài đấm đá và cũng là để tranh điểm thứ hạng, và đối thủ bao giờ cũng là tên đảng trưởng. Cha Borini to con và khoẻ nhưng chẳng lẽ là một linh mục muốn làm việc mục vụ cho giới trẻ bụi đời, rao giảng tình thương của Chúa cho họ mà lại đi đấm đá với họ sao? Nhưng cha đành phải chấp nhận, nếu không sẽ bị bại lộ. Vả lại, luật bụi đời không miễn trừ cho ai.

Hồi đó, ngày nào các băng đảng bụi đời cũng vẫn tới xin ăn tại trụ sở bác ái của “Đạo binh cứu độ” thuộc giáo hội Tin lành. Chiều hôm ấy, cha Borini cũng tới sắp hàng xin ăn như các tay bụi đời khác. Vừa trông thấy gương mặt lạ, thằng Tư Mập đầu trọc đảng trưởng liền hất hàm hỏi với giọng trịch thượng: “Ê! Tên kia, mày là con cái thằng chó chết nào mà dám dắt xác tới đây. Mày không phải là dân bụi đời, mày là thằng đại bịp.”

Lễ nghi khai mạc cuộc cà khịa rất là tự do, tùy theo sự hứng khởi của tay anh chị, chứ không theo một nguyên tắc nào cả. Cha Borini giơ tay trái kéo cái mũ lưỡi  trai trên đầu xuống chút nữa, tay kia vẫn thủ trong túi. Cha đĩnh đạc bước tới trước mặt thằng Tư Mập đầu trọc nhổ một bãi nước miếng thẳng vào mặt nó đánh bẹt một cái, rồi dằn từng tiếng: “Đó, tao là thằng này đó.” Màn ra mắt của một tay bụi đời không thể lả lướt hơn.

Thằng Tư Mập đầu trọc không thể ngờ là có đứa dám nhổ nước miếng vào mặt mình. Nó còn đang hoang mang chưa kịp phản ứng thì cha Borini đã dằn từng tiếng: “Mày có muốn nói gì thì chiều nay cứ gặp riêng tao.” Miệng nói, tay kia cha vẫn không rời khỏi túi như muốn nhắn cho thằng Tư Mập đầu trọc hiểu rằng lưỡi dao sắc và nhọn đang nằm trong túi sẵn sàng rạch mặt hay đâm thẳng vào bụng nó nếu nó tiếp tục phách lối.

Nhận ra tay bụi đời mới này cũng rất cương quyết chứ không phải hạng tép riu, liều lĩnh tới đấu với nó không khéo mà thiệt mạng chứ chẳng chơi nên thằng Tư Mập đầu trọc rút con dao trong túi ra, vừa gấp lại vừa thoái thác: “Chiều nay tao không muốn đánh nhau.” Đó là dấu hiệu nó chùn bước.

Thế là từ chiều hôm ấy, cha Mario Borini bắt đầu chiếm thế thượng phong trong làng giang hồ Napôli. Ban ngày cha đi dạy giáo lý, và khi màn đêm buông xuống cha lại khoác quần áo bụi đời, lang thang trong các đường phố Napôli. Bốn tháng sau, thằng Tư Mập đầu trọc mất chức đảng trưởng. Từ đó, cha Borini không rời đám trẻ bụi đời nữa, và hiểu cách đối xử của tân đảng trưởng, cha được chúng nó rất thương mến.

Nhưng rồi cũng đến lúc cha Mario phải tỏ lộ cho đám em út biết tung tích của mình và lý do tại sao cha lại làm như thế, cha mời lũ trẻ theo cha. Thoạt đầu, đám trẻ bụi đời từ chối, nhưng hạt giống tốt cha đã gieo trong lòng chúng bắt đầu đâm rễ. Chẳng bao lâu sau, cả băng bụi đời tìm đến với cha.

Cũng từ đó cha được phép Đức Tổng giám mục Napôli, dành trọn thời giờ để lo cho giới trẻ bụi đời, yêu thương săn sóc và giáo dục chúng nên người hữu ích cho xã hội. Kiểu cách giải quyết các vấn đề một cách cương nghị và quyết liệt khiến đám trẻ bụi đời đặt cho cha biệt hiệu là “Ông cha Núi lửa.”

trích xuanha.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *