Luật độc thân linh mục, Amazon, Giáo Hội tại Đức. Đức Hồng Y Sarah quay trở lại chiến trường

Hôm 12 tháng Giêng, tờ Le Figaro đã công bố một trích đoạn của cuốn “Des Profondeurs de nos cœurs”, nghĩa là “Từ sâu thẳm tâm hồn chúng tôi”, do Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah viết chung với nhau, nhằm bảo vệ luật độc thân linh mục.

Hai vị đã bị tấn công dữ dội với cáo buộc cho rằng Đức Giáo Hoàng Danh dự đang lũng đoạn Đức Thánh Cha Phanxicô về luật độc thân linh mục trong khi ngài chuẩn bị cho ra mắt Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Amazon.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần minh định ngài không có ý thay đổi luật độc thân linh mục. Trên chuyến bay trở về từ Panama vào tháng Giêng năm 2019 và khi kết thúc Thượng Hội Đồng Amazon vào tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mượn câu nói nổi tiếng của Thánh Phaolô Đệ Lục, rằng ngài “thà mất mạng” hơn là thay đổi đòi buộc độc thân linh mục.

Với Tông huấn “Querida Amazonia”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho thấy rõ ý kiến của ngài.

Sau một thời gian chờ đợi cho tình hình lắng đọng, ngài đã dành cho tạp chí Pháp “Valeurs actuelles” một cuộc phỏng vấn, trong đó ngài mời gọi mọi người đọc và thảo luận cuốn sách này trong tinh thần thanh thản vì cuốn sách không chỉ đề cập đến luật độc thân linh mục mà còn nhiều vấn đề cấp bách khác của Giáo Hội.

Sandro Magister của tờ L’Espresso có bài tường thuật nhan đề “Celibato, Amazzonia, Germania. Torna in campo il cardinale Sarah” – Luật độc thân linh mục, Amazon, Đức. Đức Hồng Y Sarah quay trở lại chiến trường.

Nguyên bản tiếng Ý và bản dịch sang tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Sáng Chúa Nhật Phục Sinh và Thứ Hai, tạp chí Pháp “Valeurs actuelles” – “Những giá trị hiện tại” – đã đăng tải một cuộc phỏng vấn gồm hai phần với Đức Hồng Y Robert Sarah, được tiến hành bởi Charlotte d’Ornellas.

Phần một có tựa đề “Là où règne la confusion, Dieu ne peut habiter!: le cardinal Sarah appelle à l’unité de l’Eglise” – “Thiên Chúa không hiện diện nơi lầm lạc thống trị. Lời kêu gọi hiệp nhất của Đức Hồng Y Sarah”.

Phần hai có tựa đề “Cardinal Sarah: ‘Cette épidémie disperse la fumée de l’illusion’” – “Đức Hồng Y Sarah: ‘Trận đại dịch này xua tan làn khói ảo tưởng’”.

Trong phần thứ nhất, Đức Hồng Y Sarah đã tái duyệt cuốn sách mà ngài đã viết và xuất bản cùng với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI với tiêu đề “ Từ sâu thẳm trong tâm hồn chúng tôi” để quyết liệt bảo vệ luật độc thân linh mục.

Đức Hồng Y đã tố cáo vai trò của chủ nghĩa cơ hội trong số những người chống lại cuốn sách và hai tác giả của nó. Ngài nhắc lại rằng ấn phẩm của mình, xuất bản vào cuối tháng Giêng, đã được thực hiện “trong tinh thần vâng phục hiếu thảo sâu sắc với Đức Thánh Cha”. Đức Hồng Y cũng bày tỏ hy vọng rằng cuối cùng người ta sẽ bình tâm thảo luận về những gì cuốn sách thực sự đưa ra và những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho thấy ngài chia sẻ với những ý tưởng trong cuốn sách, khi ngài lặp lại lời Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục – rằng “Tôi thà mất mạng hơn là thay đổi luật độc thân linh mục.”

Trong cuộc phỏng vấn thứ hai, Đức Hồng Y Sarah đã đề cập đến những chuyện khác: Thượng Hội Đồng vùng Amazon, tiến trình công nghị tại Đức, những xung đột trong Giáo hội, lạm dụng tình dục, cũng như “khủng hoảng của nền văn minh” được phơi bày trong đại dịch coronavirus.

Dưới đây là một vài đoạn, được trích từ các cuộc phỏng vấn trên, về những điểm quan trọng nhất đối với đời sống của Giáo hội.

Cuốn sách về luật độc thân linh mục

Đức Bênêđíctô XVI và tôi muốn mở ra một cuộc tranh luận cơ bản, một suy tư thanh thản, khách quan và thần học về chức tư tế và luật độc thân linh mục, dựa trên mặc khải và các sự kiện lịch sử. […] Tôi đã đọc rất nhiều lời chỉ trích và lăng mạ nhưng quá ít suy tư thần học và mục vụ, và trên hết là quá ít cách hành xử có tính Kitô giáo.

Chưa hết, Đức Bênêđíctô XVI và tôi đã đưa ra những đề xuất táo bạo để cải cách lối sống của các linh mục. Không ai chỉ ra hay bình luận về những gì tôi tin là những trang quan trọng nhất trong suy tư của chúng tôi, những trang liên quan đến việc các linh mục cần phải từ bỏ của cải vật chất, những lời kêu gọi cải cách dựa trên việc tìm kiếm sự thánh thiện và đời sống cầu nguyện, những lời mời gọi “để đứng trước mặt Chúa và phục sự Chúa” […] Thêm vào tất cả những điều này là sự cần thiết phải phục vụ Chúa và con người. Cuốn sách của chúng tôi được dự định là một cuốn sách về đàng thiêng liêng, thần học và mục vụ, trong khi các phương tiện truyền thông và một số người tự xưng là các chuyên gia đã làm cho nó thành ra một bản văn chính trị và biện chứng. Bây giờ những tranh cãi vô ích ấy đã tan biến, có lẽ cuối cùng cầu xin cho nó có thể được đọc một cách nghiêm túc. Cầu xin cho người ta có thể thảo luận cuốn sách này một cách hòa bình.

Thượng Hội Đồng Amazon

Sau khi Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng “Querida Amazonia” được Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố, một số giám mục bày tỏ sự vỡ mộng và thất vọng. Họ không có liên quan gì đến những dân tộc trong vùng Amazon, nhưng thất vọng vì Giáo hội, theo quan điểm của họ, lẽ ra nên tận dụng cơ hội đó để hòa nhập với thế giới hiện đại. Rõ ràng là tại thời điểm này, vấn đề của người dân vùng Amazon đã bị khai thác. Sự khốn khổ của người nghèo đã được sử dụng để thúc đẩy các dự án ý thức hệ.

Tôi phải thú nhận rằng thái độ cay đắng như thế làm tôi rất buồn. Thay vì hoạt động để truyền đạt đến các dân tộc vùng Amazon chiều sâu độc đáo và phong phú của con người Chúa Giêsu Kitô và sứ điệp cứu độ của Ngài, đã có mong muốn là “Amazon hóa” Chúa Giêsu Kitô và ép buộc chúng ta phải tán thành niềm tin và thực hành của người bản địa Amazon, và đề nghị một chức tư tế chỉ có tầm cỡ trần tục, trong đó người ta có thể thích nghi với từng hoàn cảnh nhất định của họ. Các dân tộc vùng Amazon, giống như những người ở Châu Phi, cần Chúa Kitô bị đóng đinh, là tai tiếng đối với người Do Thái, là sự điên rồ đối với những người ngoại giáo; nhưng Ngài là Thiên Chúa thực và con người thực, đã đến để cứu con người bị ghi dấu bởi tội lỗi, để hiến mạng sống cho họ và hòa giải với họ nhau và với Chúa Cha, kiến tạo hòa bình bằng máu mình trên thập giá.

Những xung đột bên trong Hội Thánh

Sự hiệp nhất của người Công Giáo không phải là một tình cảm đơn giản. Nó dựa trên những gì chúng ta có chung với nhau: là mặc khải mà Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta. Nếu mọi người chiến đấu bảo vệ ý kiến của riêng mình, khăng khăng áp đặt yêu sách đổi mới của riêng mình, thì sự chia rẽ sẽ lan rộng khắp nơi. Nguồn mạch của sự hiệp nhất của chúng ta đi trước chúng ta. Đức tin là duy nhất, chính đức tin là yếu tố hợp nhất chúng ta. Dị giáo là kẻ thù thực sự của sự hiệp nhất. Tôi bị kinh hoàng trước mức độ mà chủ nghĩa chủ quan làm cho các cuộc thảo luận trở nên cuồng loạn. Nếu có niềm tin vào sự thật, thì sự thật có thể được tìm kiếm cùng nhau, thậm chí có thể có những cuộc đối đầu thẳng thắn giữa các nhà thần học, nhưng trái tim vẫn bình yên. Người ta biết rằng cuối cùng sự thật sẽ xuất hiện. Trái lại, khi tính khách quan không thể động đến của đức tin bị đặt thành vấn đề, thì mọi thứ biến thành sự ganh đua giữa những người đấu tranh giành quyền lực. Chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối ngăn chặn một bầu không khí bác ái thanh thản giữa con người với nhau, vì nó phá hủy niềm tin bình an vào sự thật được mặc khải. […]

Sự hiệp nhất của đức tin tạo tiền đề cho sự hiệp nhất của huấn quyền trong không gian và thời gian. Khi một giáo lý mới được trao cho chúng ta, nó phải luôn được diễn giải phù hợp với giáo huấn đi trước. Nếu chúng ta giới thiệu những học thuyết đoạn tuyệt với truyền thống và các cuộc cách mạng, chúng ta sẽ phá vỡ sự hiệp nhất chi phối Giáo hội thánh thiện qua nhiều thế kỷ. Điều này không có nghĩa là chúng ta bị buộc phải đình trệ. Nhưng mọi sự tiến hóa phải là một sự hiểu biết và một sự khám phá tốt hơn về quá khứ. Tính nhất quán với Kinh Thánh và tính liên tục trong cải tổ là điều Đức Bênêđíctô XVI đã dạy rất rõ ràng, và là một điều kiện không thể thiếu được cho sự hiệp nhất.

Tiến trình công nghị tại Đức

Những gì đang xảy ra ở Đức thật khủng khiếp. Người ta có ấn tượng rằng những sự thật về đức tin và các huấn lệnh của Tin Mừng đang được đưa ra để bỏ phiếu. Chúng ta lấy quyền gì để có thể quyết định từ bỏ một phần trong những giáo huấn của Chúa Kitô? Tôi biết rằng nhiều người Công Giáo Đức đang phải chịu đựng tình trạng này. Như Đức Bênêđíctô XVI thường nói, Giáo hội Đức quá giàu có. Lắm tiền như thế, người ta bị cám dỗ để làm mọi thứ: thay đổi mặc khải, tạo ra một giáo quyền khác, một Giáo hội không còn là duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền, mà là Đức. Rủi ro đối với một Giáo hội như thế là nghĩ mình chỉ là một trong những tổ chức của thế giới. Nhưng khi đó, làm sao cuối cùng nó có thể tránh không nghĩ về chính mình theo đường lối của thế gian?

Lạm dụng tình dục

Cuộc khủng hoảng hiện nay trên hết là một cuộc khủng hoảng đức tin và là một cuộc khủng hoảng sâu sắc về chức tư tế. Việc phơi bày các tội lỗi ghê tởm của các linh mục là triệu chứng đáng sợ nhất. Khi Thiên Chúa không còn ở vị thế trung tâm, khi đức tin không còn là yếu tố quyết định hành động của con người, khi nó không còn định hướng và làm phong phú cuộc sống của con người, thì ngay cả những tội ác như vậy cũng trở nên có thể. Chúng ta phải bắt đầu lại, như Đức Bênêđíctô XVI đã nói, để sống dựa trên nền tảng của Thiên Chúa và theo quan điểm của Thiên Chúa. Trước tất cả, các linh mục phải học cách nhận ra Chúa là nền tảng của cuộc đời mình và không gạt Ngài qua một bên như thể đây chỉ là vấn đề của một công thức không có nội dung thực sự. Khi một cuộc sống linh mục không tập trung vào Thiên Chúa, nó có nguy cơ được thực thi dưới một hình thức say sưa quyền lực. Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI lại nói: “Tại sao ấu dâm có thể đạt đến một tỷ lệ cao như vậy? Cuối cùng, lý do là sự vắng mặt của Thiên Chúa.”


Source:L’Espresso

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *