Một chuyến về bên Đức Mẹ Sông Xoài

Một Chuyến Về Bên Đức Mẹ Sông Xoài

 

ÁNH TRĂNG

BÊN DÒNG VÀM CỎ TÂY

 

Câu Chuyện Về Ngôi Nhà Thờ Nhìn Ra Bến Sông

Giáo xứ Sông Xoài thuộc Giáo Hạt Tân An – Giáo Phận Mỹ Tho, tọa lạc tại Ấp Vàm Lớn, Xã Thuận Nghĩa Hòa, Huyện Thạnh Hóa, Tỉnh Long An.

Đó là một xứ đạo nhỏ bé, số giáo dân chưa đến con số nghìn. Sông Xoài thường được gọi là “Xứ của những tay chèo”, vì trước đây không có đường bộ,  giáo dân lại dựng nhà dọc theo các tuyến kênh rạch, việc di chuyển hoàn toàn bằng ghe thuyền.

Thế nên hình ảnh chèo ghe, cắm xuồng cặp mé bờ sông để tham dự thánh lễ là hình ảnh đặc trưng của xứ đạo vùng sông nước này. Vị trí ngôi nhà thờ nằm sát và hướng mặt ra phía bờ sông cũng vì lẽ trên.

Do nắm rõ tình hình đi lại có nhiều trở ngại nên giờ lễ chiều luôn kết thúc sớm trước khi những tia nắng cuối cùng tắt trên sông, để giáo dân ra về trong an toàn, tránh xảy ra tình trạng đụng ghe, lật thuyền

Vị trí ngôi nhà thờ vì nằm tại vùng trũng, nên vào mùa nước nổi giáo dân Sông Xoài cũng không ít phen chứng kiến nhà thờ ngập sâu trong nước và cũng không ít lần dự lễ trong cảnh ngồi trên xuồng, tay làm dấu, tay chống chèo. Nhà thờ hiện tại vì vậy mà mau xuống cấp, ẩm thấp và nhiều năm qua phải đối diện với nguy cơ bị lở, sụt đất phía mặt giáp sông.

Cũng vì cuộc sống chủ yếu gắn bó với sông nước, ruộng đồng bằng nghề nông nên đời sống lương và giáo ở xứ Sông Xoài đều còn rất khó khăn. Đói nghèo, thất học vẫn luôn bủa vây bao thế hệ sinh ra và lớn lên nơi vùng đất này…

Với địa thế nằm sát bờ sông, xung quanh sông nước, ruộng thưa, đường vắng nên mỗi tối tiếng chuông nhắc giờ đọc kinh tối rất dễ vang xa, nhắc nhở nhau cùng toàn tâm cho giờ kinh chung. Đây chính là một nét đẹp của lòng đạo giáo dân Sông Xoài đã được gìn giữ nhiều năm nay. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, ngày bán sức với ruộng nương, vất vả với đói nghèo – nhưng vang vọng dưới những hồi chuông đều đặn mỗi tối, trong cảnh bình yên đâu đó quanh xóm làng trên miệt sông nước này tiếng kinh hạt vẫn vọng vào nhau thật êm đềm.

 Ánh Trăng Bên Dòng Vàm Cỏ Tây

Cách nhà thờ Sông Xoài vài phút đi xuồng máy, nằm ở giữa ngã ba sông có một cù lao nhỏ, xanh mướt bóng cây tràm. Ngày xưa, xưa lắm, nơi cù lao hoang vắng đó, người ta dành để chôn những thi thể chết trôi trên sông vô thừa nhận. Rồi một linh đài Đức Mẹ Mân Côi được dựng nên ngay giữa những ngôi mộ ấy, như để yên ủi những tâm hồn bơ vơ…

Trong chiến tranh, những người lính trong đồn trú và dân trong vùng đêm đêm nhìn thấy một ánh sáng dịu dàng phát ra từ phía cù lao nhỏ ngoài xa xa ấy… Ánh sáng màu trăng trên dòng Vàm Cỏ Tây khiến lương hay giáo, tay cầm súng hay cầm cày đều tin tưởng vào sự linh thiêng của Đức Trinh Nữ Maria.

Nên vào một đêm bom rơi đạn lạc, máy bay oanh kích dữ dội, một nhóm người lương chạy qua sông, núp dưới linh đài Đức Mẹ giữa cù lao, cầu xin Đức Maria chở che. Đêm ấy đạn rải như mưa, người ta thấy một Bà xinh đẹp, đứng trên linh đài, dùng áo choàng của mình như gà mẹ che đoàn con nhỏ. Đạn từ máy bay rải xuống đều bị dạt ra hai bên…

Trời sáng, những người lương tin tưởng chạy đến nhờ Mẹ chở che mới hay mình còn sống. Ghi tạc ơn Đức Maria cứu họ khỏi mũi tên hòn đạn, những người không có đạo nhưng vì tin mà cậy nơi Mẹ – họ lấy một tấm tôn thật to, ghi lên đó dòng chữ “Tạ Ơn Đức Mẹ Hòa Bình” hàm ý rằng : Tình yêu của Đức Mẹ đem lại hòa bình cho quê hương, cho gia đình và chính bản thân họ, những người giờ đây đã thấy được quyền năng Thiên Chúa.

Sau này, người ta dựng thêm một bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình – tay ôm địa cầu, phía trên linh đài Đức Mẹ Mân Côi, mô phỏng lại câu chuyện linh thiêng thuở xưa họ đã được tận mắt chứng kiến…

Chiến tranh đã qua, bình yên trở về bên dòng sông Vàm Cỏ. Mẹ vẫn đứng đó, như bóng trăng dịu dàng lặng lẽ giữa rừng tràm u tịch. Lắng nghe tiếng sóng vỗ mạn thuyền, tiếng lá reo mùa gió, tiếng thì thầm cầu nguyện của đoàn con – chạy đến bên Mẹ dâng lên bao tâm sự nhọc nhằn nhờ Mẹ ủi an… Đoàn con của Mẹ, dù lương hay giáo Mẹ đều thương, đều lắng nghe và chở che qua cơn khốn khó.Vào ngày 13 hàng tháng, bến cù lao dưới linh đài Đức Mẹ đậu kín ghe xuồng, những thế hệ dân Chúa nơi vùng sông nước này – già trẻ gái trai đều tụ về bên chân Mẹ, đọc kinh cầu nguyện sớm hôm, quên đi hết những vất vả mưu sinh. Mẹ yêu con trong bình yên lặng lẽ – con yêu Mẹ từ trong nôi đến khi mái tóc con bạc phơ, rồi yêu mãi đến khi con về miền miên viễn…

 Chân Dung Vị Mục Tử Miền Sông Nước

Vị linh mục trẻ ấy đơn sơ hiền hòa như dòng sông Vàm Cỏ.

Nhiều năm trước, cha về nhận xứ Sông Xoài, một xứ đạo trăm năm rồi mới có linh mục quản xứ. Xứ đạo nghèo quá, giáo dân chưa đến hai trăm nóc gia, lương giáo lẫn lộn. Cha Phêrô Ký Ngọc Tuấn hiểu rằng con đường phía trước của mình thật lắm chông gai.

Bằng trái tim trẻ tuổi đầy quả cảm, cha gồng gánh xứ đạo nghèo. Cũng là đứa con sinh ra từ đất Long An. Cha muốn làm nhiều lắm cho mảnh đất này, mảnh đất bị băm nát bởi đạn bom chiến tranh, giờ nát tươm vì chữ nghèo… Cha đi khắp nơi tìm sự giúp đỡ, cho trẻ em được đến trường, cho người nghèo có được lối thoát khỏi đói ăn. Cha mở lớp giáo lý, khuyên bảo kẻ rối, giúp đỡ cả lương và giáo, giữ cho xứ đạo bình yên…

Ấn tượng của nhóm Mân Côi khi gặp Cha Phêrô : Một anh Hai Lúa thứ thiệt! Mộc mạc, giản dị và chân chất. Cha cười hiền lành giữa ngổn ngang gạch đá, xi măng cốt thép của ngôi thánh đường xây dở dang, giữa đoàn giáo dân đen sạm vì nắng gió cơ cực, giữa nhà thờ nhỏ bé cũ kỹ tường vôi thỉnh thoảng bị bà thủy nuốt mất gần hơn phân nửa.

Giữa muôn vàn khó khăn, nhưng khi khoác lên mình tấm áo lễ, đứng trước bàn thờ thánh thiêng, trong bài giảng ngày Giáo Hội mừng kính lễ Đức Mẹ Mân Côi, khai mạc tháng Hoa kính Đức Mẹ, cha Phêrô luôn khuyên giáo dân siêng năng lần chuỗi, suy niệm kinh Mân Côi:

_ “… Tràng  Mân Côi là chuỗi nhiệm màu Mẹ Maria đã trao lại cho chúng ta để tôn sùng và truyền bá việc lần chuỗi Mân Côi.

Qua chuỗi kinh Mân Côi, Mẹ đã che chở và gìn giữ Hội Thánh nói chung và mỗi gia đình nhỏ bé của chúng ta nói riêng.

Kinh Mân Côi, lời kinh rất đơn sơ nhưng có sức mạnh nhiệm màu vô biên, vì đó là những gìn giữ, những chuyển cầu của Đức Mẹ, đưa chúng ta đến gần bên Chúa…”

Bằng chất giọng miền Tây giản đơn, người con của xứ Lương Hòa tiếp tục bài giảng với giáo dân của mình bằng câu chuyện về sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, cứu giúp đoàn con đang trong cơn khốn khổ vì bị bách hại. Rồi cha Phêrô tiếp lời, những lời ủi an cho người – và cũng là cho chính mình:

_ “…Hôm nay, trong tháng Hoa kính Đức Mẹ, nhắc nhở mỗi người chúng ta lần chuỗi Mân Côi thêm sốt mến. Chắc chắn sẽ tạo ra một nội lực vững vàng để tiếp tục cuộc hành trình vượt qua những gian nan khốn khó, về đến Quê Trời xa xăm…”

Sau bữa cơm tối thân mật, cha Phêrô tiễn những thành viên nhóm Mân Côi ra xe về lại Sài Gòn khi cơn mưa đêm bắt đầu nặng hạt. Trong tấm áo dòng đen – cha vẫy tay tạm biệt mọi người, vẫn nụ cười hiền lành lặng lẽ. Xung quanh vị linh mục ấy bóng tối phủ vây, bóng tối của màn đêm sông nước – bóng tối của đói ăn nghèo chữ – bóng tối của xấu xa vây bắt đức tin người rối đạo… Tất cả đang chờ bàn tay thánh hiến ấy xua đi, đem ánh sáng Chúa Kitô đến rải khắp cánh đồng truyền giáo phía Tây, mênh mông nhưng hiu hắt này.

Chuyến Xe Chở Những Tình Thương Mến

Sắp đến giờ ngọ, vòng xe lăn bánh, bỏ lại sau lưng tiếng nói cười ríu rích của thiếu nhi Thánh Thể ùa ra sau giờ học giáo lý Chúa Nhật, bỏ lại sau lưng nắng vàng rực rỡ nhuộm sân giáo đường Đa Minh Ba Chuông, bỏ lại sau lưng Sài Gòn hối hả ồn ào…

Chuyến xe ấy chở đầy ắp những bao gạo, những thùng mì, những chai dầu ăn và biết bao những gói quà Trung Thu cho các em thiếu nhi vùng sông nước xa xôi… Những gói quà đong đầy tình yêu thương, sẻ chia – gửi gắm qua những ngày ròng rã chuẩn bị – rồi gói gói, chia chia của các thành viên trong đoàn.

Thành viên trong đoàn gồm những ai? Có những Bà Mẹ Công Giáo, có Legio Mariae, có Phụ Huynh Thiếu Nhi Thánh Thể, có Huynh Đoàn v.v… Tất cả đều khoác lên mình thêm chiếc áo Mân Côi, những người con tôn sùng và yêu mến Đức Maria qua chuỗi dây huyền nhiệm của Mẹ. Giờ đây, chúng ta không phân biệt hội đoàn nào, không phân biệt già trẻ gái trai – quen hay lạ… Chúng ta đều chung một lòng, một chí hướng – Hướng về linh địa Đức Mẹ Sông Xoài, hướng về nơi vùng đất xa xôi nghèo khó ấy, hướng về những đôi tay chai sần lam lũ – những ánh mắt trong veo trẻ thơ giấu sau chiếc áo cũ nhàu…

Khi Cổ Tích Được Kể Thêm Lần Nữa…

Nếu cổ tích được kể lại, thì sẽ được kể rằng: Ngày hôm ấy, Chúa Nhật đầu tháng Mười – tháng Hoa kính Đức Mẹ, tháng tôn sùng và suy niệm Mân Côi, nơi xứ đạo nhỏ bé miền Tây sông nước ấy, đã xuất hiện những 3 chị Hằng, 3 thỏ ngọc và vài chú Cuội… Các anh chị thật xinh đẹp, thật vui tươi và yêu thương trẻ nhỏ, cùng nhảy múa hát ca và tặng quà cho các em.

Sau giờ lễ Chúa Nhật, trời cũng đã không còn nắng, gió từ bến sông thổi lên như muốn góp vui vào tiếng hát – tiếng nói cười rộn rã. Ghe thuyền neo đậu trễ tràng vì chưa ai muốn ra về, chưa ai muốn cuộc vui của con trẻ dừng lại…

Và bóng chiều nhanh chóng nhường lối cho màn đêm, cha chánh xứ Phêrô vội khuyên bà con đưa trẻ nhỏ ra về, đường sông không đèn quá hiểm nguy cho người đi ghe thuyền…

Niềm vui chưa dứt, những chị Hằng – thỏ ngọc và các anh chị quản trò ngẩn ngơ… Họ còn muốn cống hiến cho các em nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Họ muốn hát thêm, múa thêm – muốn thêm nữa đem lại niềm vui tiếng cười cho những trẻ nhỏ ấy. Trung Thu là Tết trẻ em, chiếc bánh nướng rồi em sẽ ăn hết. Nhưng cổ tích được viết hôm nay sẽ theo em đi vào giấc mơ – khắc ghi vào tuổi thơ nghèo khó của em một dấu son, một vầng trăng cổ tích thơ ngây…

Ra Về – Xin Để Lại Nơi Đây Tình Yêu Người Và Người…

Chuyến xe lăn bánh trở về, trả những tấm lòng nhiệt thành – những trái tim quả cảm ấy về ngôi nhà yên ấm thân yêu của họ.

Chuyến xe quay về không còn chở bánh quà, nhưng đong đầy bao tâm tư trĩu nặng. Xe chở theo về bao nghĩa tình, bao ánh mắt mừng vui, bao cái siết tay thân thương. Chở theo về bao tiếc nuối chưa tròn, bao điều chưa kịp làm – dù nhỏ thôi cho đôi môi bé xinh nở nụ cười mùa Trung Thu, cho khuôn mặt sạm đen nắng gió thôi nhọc nhằn dù trong phút giây…

Những hạt mưa bay ngoài cửa xe như nói hộ lòng người:

Lạy Chúa, trong tháng Mười đẹp tươi mùa Hoa Mân Côi. Con xin dâng lên Chúa những tình cảm chân thành con dành cho anh chị em – những người đã đồng hành cùng con trên chuyến xe yêu thương đó. Xin Chúa nâng đỡ và ban muôn ơn phúc cho xứ đạo nghèo bên dòng sông Vàm Cỏ. Và xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Maria, như khi xưa Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ, Chúa sai con đi, đến với những anh chị em còn khó khăn để con nâng đỡ ủi an, và cũng chính là nâng đỡ ủi an chính tâm hồn của con…

 

Elizabeth Định Nguyên

Xem thêm hình ảnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *