Mão là năm thứ tư trong chu kỳ tính âm lịch theo mười hai địa chi. Việt Nam ta các cụ xưa đã đặt con Mèo làm con vật biểu tượng. Ở các nước khác họ lại cho con thỏ là vật cầm tinh năm mão, có lẽ Việt Nam là nước nông nghiệp, đại đa số dân chúng sống trên đồng bằng, mèo là con vật hữu dụng, phổ quát hơn. Con thỏ hiếm thấy, nên cha ông ta xưa đã chọn con mèo làm con vật cho chi Mão. Năm Mão lại đến, chúng tôi lại có dịp mở Kinh Thánh để tìm xem con mèo có được các sách Kinh Thánh nhắc đến không?
Gốc gác con Mèo
Trong chuyện cổ nước ta có nhiều chuyện nói đến lai lịch con Mèo. Nhưng chúng tôi muốn nhắc đến con mèo của bà E-và. Ai cũng biết Kinh Thánh ghi rằng Bà E-và là Mẹ chúng sinh (xem St 3, 20), nên nếu có con mèo của bà E-và, ắt hẳn nó phải là con mèo đầu tiên được người nuôi trên trái đất.
Chúng tôi nhớ mãi hồi còn nhỏ, chúng tôi đã đọc được chuyện con mèo của bà E-và trong một tờ báo với trí tưởng tượng như sau: Khi bà E-và thấy ông A-đam có con hổ làm hầu cận, bà E-và rất thích con hổ, nhưng nó quá uy dũng lại to lớn, bà không thể ôm ấp cưng chiều nó. Vì thế bà nũng nịu vòi ông A-đam xin Chúa cho bà một con vật hoàn toàn giống như con hổ, nhưng nhỏ nhắn, mềm mại hơn để bà có bạn. Chúa truyền cho A-đam lấy đất và bông gòn làm thành con vật như ý E-và, rồi đem trình trước Chúa. Chúa thổi hơi ban sự sống cho nó. Khi A-đam trao con vật cho E-và, con vật vui vẻ kêu lên những tiếng “meo meo”, dụi đầu vào người E-và, bà liền gọi nó là con Mèo. Từ đó bà E-và luôn đem theo con mèo bên mình. Những buổi trưa nóng bức, bà thường tìm đến ngồi mát dưới bóng râm của cây Cấm. Bà đang thiu thiu ngủ… bỗng bà nghe tiếng kêu chế diễu “eo…eo” và tiếng phun phì phì của con mèo. Bà nhìn lên thì thấy có con rắn to tướng quấn trên cành cây cấm… Con mèo không theo bà đến gốc cây cấm nữa.
Bà E-và dùng sợi dây thắt một cái nơ thật đẹp trên cổ mèo, sợi dây không cho mèo xa bà, nên mèo phải miễn cưỡng theo bà ra gốc cây cấm. Cho đến một hôm con mèo thấy bà hái trái cấm (xem St 3,6), nó liền khép chặt con ngươi trong đôi mắt lại, không dám nhìn bà.
Vì thế giống mèo cứ đến trưa thì tròng đen của mắt chúng khép chặt lại, và dáng bộ con mèo ủ rũ buồn chán, như nhớ lại giờ tội lỗi nhập vào thế gian. Cũng từ đó hễ con mèo gặp rắn là lại phun phì phì như phỉ nhổ vào biểu tượng của quân cám dỗ.
Kinh Thánh có nói đến Mèo không?
Chả mấy người nghĩ rằng trong Kinh Thánh có nhắc đến con mèo, vì khi nghe Sách Thánh, suốt 3 năm trong chu kỳ Phụng vụ, không nghe đến con mèo bao giờ. Các ông bà Dòng Ba Đaminh, hằng ngày nguyện các giờ Kinh Phụng vụ, cũng chẳng đọc được chữ mèo khi nào. Quý vị đã thấy chúng tôi trích từ Kinh Thánh những câu nói đến con chuột của năm Tý. Con trâu của năm Sửu, Con hùm của năm Dần. Còn trong năm Mão, không biết Thánh Kinh có nói đến con Mèo không?
Câu hỏi làm kẻ viết bài này phải gia công tìm kiếm mãi cho ra câu trả lời. Chắc chắn Kinh Thánh cũng có nhắc đến con mèo. Nếu không, chúng tôi đã không dám nêu chủ đề “12 con giáp trong Kinh Thánh”. Chỉ không rõ là KinhThánh nói đến mèo nhiều hay ít. Tổ tiên ta xưa đã đặt con trâu là biểu tượng cho năm Sửu, con mèo là biểu tượng cho năm Mão, chứ không theo Tầu đặt con bò, con thỏ cho hai năm đó (chứng tỏ Việt Nam chúng ta không lệ thuộc Tầu). Con Mèo là con vật cầm tinh cho năm Mão, nên Tết này chúng tôi phải nói chuyện về con mèo trong Kinh Thánh thì mới hợp với ý của tiền nhân xưa, đã coi người sinh năm Mão được gọi là người tuổi con Mèo.
Vì thế năm Mão này, mời quý vị theo dõi chuyện Mèo, chúng tôi trích từ Kinh Thánh. Mặc dầu trong Kinh Thánh hiếm có sách nói đến con mèo.
Mèo trong sách Tiên tri I-sai-a
Ngôn sứ I-sai-a được coi là anh hùng của đất nước Do Thái vì sự tham gia tích cực của ông vào những vấn đề của quốc gia. Ông còn là một thi sĩ có biệt tài, chiều hướng tôn giáo vẫn nổi bật nơi ông. Ông luôn tin tưởng Thiên Chúa là Đấng chí thánh, Đấng uy dũng, Đấng đầy quyền năng, Đấng cai trị muôn loài trên trời, dưới đất. Con người là một thực thể bị tội lỗi làm nhơ uế, và Thiên Chúa đòi hỏi họ phải sám hối đền tội, để được tình yêu của Thiên Chúa che chở.
Khi Ít-ra-en bị lưu đầy bên Ba-by-lon, I-sai-a đã tuyên sắm rằng Ba-by-lon sẽ trở thành đổ nát và ra hoang phế, biến ra nơi cho thú hoang, chim trời trú ngụ:
“Cho đến ngàn thu, nó sẽ không có người ở, không có một lều trú cho đến đời đời. Ở đó mèo hoang làm ổ và cú vọ ở đầy. Ổ đó đà điểu sẽ lưu trú, và dê rừng tha hồ quẩng dỡn. (Is 13, 20-21)
Không những Ba-by-lon, mà còn Ê-đom cũng bị nguyền rủa. Nhắc việc xưa, dân Ít-ra-en trên đường về Đất Hứa, gần đến Ê-đom đã cho sứ giả đến đề nghị Ê-đom cho mượn đường đi ngang qua, nhưng nhà cầm quyền Ê-đom không cho quá cảnh mà còn đe dọa sẽ cho binh đội kéo ra đón đánh nếu xâm phạm lãnh thổ họ. Ít-ra-en phải rẽ qua hướng khác.
Ê-đom ở sát biên giới Giu-đê-a về phía nam, luôn thù nghịch với Ít-ra-en, lúc Ít-ra-en mất quyền kiểm soát Giu-đê-a, Ê-đom lợi dụng cơ hội đã lấn đất của Giu-đê-a. Vì thế ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm cho Ê-đom sẽ ra hoang phế, trở thành nơi trú ẩn của muông thú, chim chóc hoang dã:
“Lâu đài của nó mọc gai tua tủa, đồn canh phòng thì cây dại tầm na, mắc cở mọc um tùm. Nó biến thành hang ổ của thú hoang, sân chim đà điểu. Ở đó mèo hoang sống với chó rừng, dê núi tìm nhau kéo đến ở.” ( Is 34, 14).
Như vậy, dưới cái nhìn của ngôn sứ I-sai-a, mèo hoang dã, bị liệt vào loại thú vật dơ bẩn, dữ dằn gớm tởm đối với con người.
Ngôn sứ Ba-rúc cũng nói đến mèo
Ba-rúc là thư ký của ngôn sứ Giê-ri-mi-a, sách Ba-rúc được viết tại Ba-by-lon sau cuộc phát lưu và được gửi về Giê-ru-sa-lem để người còn ở lại đọc trong các buổi nhóm hội phụng vụ. Sách được viết khoảng giữa thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Trong phần thư của ngôn sứ Giê-ri-mi-a được Ba-rúc trích lại, là một bình luận minh giáo, chống lại việc thờ ngẫu tượng.
Sách của ngôn sứ Ba-rúc thuyết phục dân Chúa không phải sợ các thần dân ngoại tại nơi bị lưu đày: Rồi đây tại Ba-by-lon, anh em sẽ thấy những tượng thần bằng vàng bạc hay bằng đá. Vì các thần ấy đều do tay con người làm ra. Tay thần cầm gươm cầm rìu nhưng không tự bảo vệ được mình. Người ta thắp cho thần nhiều đèn nến nhưng dù một đốm lửa thần cũng chẳng nhìn thấy… Còn nhiều những lý do ngôn sứ đưa ra chứng minh rằng những thần ấy không phải là linh thiêng, cho nên dân Chúa không phải sợ hãi mà tôn kính các thần ấy, như dân ngoại tôn kính.
Những thần ấy được đặt trong đền miếu, nhưng đúng là bị người ta nhốt như giam giữ kẻ phạm pháp, mặc cho chim chuột tung hoành, tranh nhau đồ cúng rơi rớt chung quanh, mà thần cũng không làm gì được: “Mặt thần đã bị khói từ đèn nến hun đen thui, trên thân mình chúng cũng như trên đầu chúng, người ta thấy bay lượn nào dơi, nào nhạn và các thứ chim khác, lại có cả mèo nữa. Cứ thế anh em đủ biết chúng không phải là thần: sợ chúng mà làm chi!” (Br 6, 20-22).
Có lẽ mèo xuất hiện tại đền miếu là để tìm săn chim chuột… những con vật lợi dụng lúc vắng người, bò ra kiếm ăn. Vì thế bàn thờ thần biến thành nơi cho các con vật dơ bẩn tìm đến tranh giành đồ ăn thức uống, từ những đồ cúng rơi rớt
Con mèo của Thánh Gia
Việt Nam ta là nước nông nghiệp, trước kia nhà nào cũng có nuôi ít là một con mèo để diệt chuột, giúp bảo vệ lương thực, mùa màng. Tuy nhiên, người Việt Nam không quý mèo như người Ai-cập. Tại Ai-cập các nhà khảo cổ đã khám phá ra nhiều bãi tha ma chôn hàng chục ngàn con mèo, với những ngôi mộ kiên cố, thật đẹp chứa xác ướp của mèo. Người Ai-cập coi mèo như là thần linh ban phúc, nếu không thì là phù thủy giáng họa, đàng nào cũng phải kính sợ mèo. Cho nên không những khi mèo chết người ta đã ướp xác lập mộ, mà khi mèo còn sống người Ai-cập rất cưng chiều cung phụng. Chính vì thế mà có chuyện “con mèo của Thánh Gia”.
“Khi Thánh Thiên thần báo tin cho Đức Mẹ rằng: Vua Erore đi tìm Đức Chúa Giêsu mà giết, thì Đức Mẹ đem Con sang nước Ichitô, mà Người thương Con còn non nớt mới sinh, và lo buồn đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy”. (Tây-ban-nha gọi Ai-cập là “iexiptô” nên các cố Yphanho chuyển âm qua tiếng Việt là Ichitô). Không những Đức Mẹ phải trốn đi vượt biên ban đêm, mà còn bị người Ai-cập xua đuổi không cho trú nhờ. Cho đến khi Thánh Giuse đeo theo gói hành trang đi gõ cửa thêm một căn nhà nhỏ, để năn nỉ lần nữa. Chủ nhà hé cửa thò đầu ra hỏi, anh ta thấy trong gói hành trang của Thánh Giuse có con mèo nhô đầu lên, anh chủ nhà vội vàng mở rộng cánh cửa, niềm nở tiếp đón Thánh Gia vào nhà. Khác với Việt Nam “mèo đến nhà thì khó” người Ai-cập được mèo đến nhà là một hạnh phúc như thần linh tới phù hộ. Từ đó chị chủ nhà cung phụng phục vụ Hài nhi Giêsu trước cả con nhỏ của mình. Truyền thuyết kể rằng, mỗi chiều chị đều sắp nước cho Hài nhi tắm xong, rồi chị dùng lại nước đó tắm cho con chị, con chị khỏi hết ghẻ lở và các bệnh khác. Người ta còn nói, người trộm lành cùng chịu án đóng đinh với Chúa Giêsu, chính là đứa trẻ được mẹ dùng lại nước tắm của Hài nhi thánh khi trước.
Con mèo của Thánh Gia đã đem hên đến cho gia đình người đón tiếp các ngài.
Hơi hướm Thánh Kinh
Con mèo của bà Evà, con mèo của Thánh Gia dĩ nhiên không có trong Sách Thánh, cùng lắm thì hai con mèo ấy cũng chỉ có hơi hướm một chút Kinh Thánh, nhưng vì trong Kinh Thánh Công giáo chỉ có hai sách nhắc đến mèo. (Chúng tôi nói Kinh Thánh Công giáo, vì bên anh em Tin Lành không có sách của Tiên tri Barúc) nên chúng tôi mới có dịp theo truyền thuyết nhắc lại cho thêm vui câu chuyện Tết con mèo.
Trong sách “Tìm Từ Kinh Thánh Tân Ước” của linh mục Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ, nhà xuất bản Tôn Giáo, không có chữ “Mèo”. Như vậy chứng tỏ trong Kinh Thánh Tân Ước không nói đến con mèo. Quả đúng như vậy, chúng tôi cũng đã để ý mỗi khi đọc Tân Ước cũng không gặp được chữ “Mèo”, kể cả trong một vài bản dịch ngoại ngữ.
Kính chúc quý độc giả một Năm Mới an khang, vạn sự may lành.
Hoàng Đức Trinh
Nguồn: gpbanmethuot.net