Ngày 17.10: Thánh Phanxicô Isidore Gagelin Kính, Linh mục tử đạo giáo phận Qui Nhơn (1799-1833)

Ngày 17.10:

I. THỜI THƠ ẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH TẠI QUÊ NHÀThánh Phanxicô Isidore Gagelin Kính sinh ngày 10 tháng 5 năm 1799 tại Montperreux, giáo phận Besançon, nước Pháp. Cha là ông Charles François Gagelin (1747-1803), mẹ là bà Marie Claudine Monnier de Chaudron (+18.6.1827). Thời điểm thánh Phanxicô Isidore Gagelin chào đời cũng chính là thời điểm Giáo hội Pháp đang bị xáo trộn do cuộc Cách Mạng Pháp đang diễn ra (1789-1799). Chính lý do này nên gần một năm sau, tức ngày 14 tháng 7 năm 1800, cậu Phanxicô Isidore Gagelin mới được lãnh nhận bí tích Rửa tội.

Khi lên bốn tuổi, cha cậu qua đời, để lại người vợ hiền và bốn người con, hai trai hai gái. Gagelin, con út của gia đình được mẹ và hai chị cưng chiều nên sinh ngỗ nghịch và bướng bỉnh. Người góa phụ hiền lành, đạo đức kiên tâm cầu nguyện và nhẫn nại dạy dỗ đứa con trai duy nhất của mình. Nhờ sự chăm sóc của mẹ, năm 11 tuổi, Phanxicô Isidore Gagelin được xưng tội rước lễ lần đầu.

Năm 1812, chính phủ nước Pháp ký hoà ước với Giáo Hội, đạo Công giáo được phép trở lại hoạt động bình thường, cha chánh xứ Montperreux chính thức mở trường tại xứ đạo. Cậu Phanxicô Isidore Gagelin may mắn có trường ngay tại nhà xứ để tiếp tục đi học.

Từ khi được xưng tội rước lễ lần đầu, nhờ ơn Chúa, cậu Phanxicô Isidore Gagelin thay đổi tính tình một cách lạ lùng. Cậu trở nên một học sinh hiền hoà, điềm đạm và lễ độ. Mẹ và hai chị vô cùng sung sướng khi thấy cậu được Chúa biến đổi cách lạ thường như vậy.

Tại nhà trường cậu Phanxicô Isidore Gagelin là một học sinh chăm học và gương mẫu. Các thầy cô rất thương và cha chánh xứ cũng rất quí mến. Về nhà cậu biết lo lắng chăm sóc mẹ, sẵn sàng giúp đỡ các chị thu dọn các việc trong nhà. Cậu thích được nghe mẹ kể chuyện về người cha của cậu, một người cha là thầy giáo mẫn tiệp, tận tụy, đầy tinh thần trách nhiệm, một gia trưởng gánh vác cuộc sống gia đình.

Marie Thérèse, chị lớn của Gagelin, kể lại “câu chuyện tiên tri” về cậu rằng: “Một hôm trời mưa bão rất lớn, mưa đổ xuống như thác lũ, cậu Gagelin từ chuồng thỏ ở ngoài vườn chạy về áo quần ướt sũng. Chị vội lấy quần áo khô cho cậu thay thì cậu em vui cười nói với chị: Chị để em thử xem em có chịu được lạnh không, vì biết đâu sau này em phải đi giảng đạo ở nơi xa thì sao”. Cô chị sững sờ trước câu nói của cậu em. Bà mẹ nghe cậu nói thì cười. Nhưng ý Chúa thật nhiệm mầu, có ai biết được ân sủng của Chúa đã hoạt động trong tâm hồn cậu bé Gagelin thật sớm như thế.

Ơn Chúa cứ tiếp tục đổ vào tâm hồn cậu bé Gagelin. Năm 18 tuổi, ngày 5 tháng 11 năm 1817, Gagelin nhận ra tiếng Chúa gọi và chập chững bước vào Đại Chủng viện Besançon. Sau hai năm theo học tại Đại Chủng viện Besançon, thầy Phanxicô Isidore Gagelin chính thức xin gia nhập Hội Thừa Sai Paris với ước nguyện sẽ được đi truyền giáo tại Viễn Đông.

Ngày 24 tháng 5 năm 1820, thầy Phanxcô Isidore Gagelin được Bề trên Hội Thừa Sai cho chịu chức Năm (phụ phó tế) và được chỉ định làm việc truyền giáo tại giáo phận Đàng Ngoài.

II. THI HÀNH SỨ MẠNG

Theo lệnh Bề trên, thầy Phanxcô Isidore Gagelin đáp tàu từ Bordeaux đi Macao rồi từ Macao đáp tàu đến Việt Nam. Ngày 17 tháng 5 năm 1821, thầy Phanxcô Isidore Gagelin chính thức hiện diện trên đất Việt tại cửa Thuận An, Huế. Lúc bấy giờ lệnh Vua Minh Mạng kiểm soát gắt gao không cho các thừa sai lên bờ. Thầy được giáo dân lén đón và đưa đến trình diện Đức Cha Labartette đang ở Cổ Vưu, Quảng Trị.

Đức Cha Labartette chỉ định thầy Gagelin đến Chủng viện An Ninh để học tiếng Việt trước khi đến Đàng Ngoài, cánh đồng truyền giáo thầy được Bề trên chỉ định. Ở Chủng viện thầy vừa học tiếng Việt vừa giúp dạy tiếng La tinh cho các chủng sinh. Ở đây, thầy Gagelin nhận thêm một tên mới “đặt sệt” tính Việt: Thầy Kính. Tính toán của con người không qua khỏi sự quan phòng của Thiên Chúa: Thừa sai Gagelin không làm việc ở Đàng Ngoài mà phải làm việc ở Đàng Trong.

Số là, vừa hơn hai tháng thầy Gagelin ở Chủng viện An Ninh, ngày 08/8/1821, Đức cha Audemar, Giám mục phó giáo phận Đàng Trong và là Giám đốc Chủng Viện An Ninh qua đời. Thầy Gagelin phải đảm nhiệm tất cả công việc huấn luyện ở Chủng viện trong khi chờ đợi có cha Giám đốc mới. Cuối năm, cha Jarot được bổ nhiệm làm Giám đốc Chủng viện với sự cộng tác của thầy Gagelin.

Ngày 28/9/1822, Đức cha Labartette truyền chức linh mục cho thầy Gagelin Kính và hai thầy Việt Nam là thầy Xuân và  thầy Văn tại họ Nhứt Đông, Cổ Vưu, Quảng Trị. Sau khi thụ phong linh mục, cha Gagelin Kính tiếp tục làm giáo sư Chủng viện An Ninh và làm mục vụ tại các xứ lân cận.

Họa vô đơn chí cho cánh đồng truyền giáo Đàng Trong. Trong vòng chưa đầy ba tháng, Giáo phận đón nhận liên tiếp hai đại tang, ngày 22/5/1823, cha Jarot, Giám đốc Chủng viện An Ninh qua đời. Hơn hai tháng sau, ngày 06/8/1823, Đức cha Labartette, Giám mục giáo phận Đàng Trong qua đời. Lúc bấy giờ tại giáo phận chỉ có 03 thừa sai: Cha Thomassin, cha Taberd và cha Gagelin. Cha Gagelin một mình cáng đáng công việc huấn luyện tại Chủng viện. Ngày 24/5/1824, Cha Thomassin, Bề trên giáo phận cũng sớm sum họp với anh em thừa sai dưới lòng đất. Như vậy, lúc bấy giờ chỉ còn 2 thừa sai trong giáo phận, cha Taberd và cha Gagelin.

Vì tình trạng cấm cách, từ năm 1823, Cha Thomassin đã lệnh cho cha Gagelin đưa các chủng sinh ở Chủng viện An Ninh vào Lái Thiêu. Thời bấy giờ tuy miền Nam cũng trong thời kỳ cấm đạo nhưng nhờ ảnh hưởng của Tả Quân Lê Văn Duyệt, Giáo hội ở miền Nam tạm được yên ổn, bằng an hơn ở miền Trung. Cha Gagelin làm giáo sư tại Chủng viện Lái Thiêu được một thời gian không lâu thì lệnh bắt đạo trở nên sôi động, Chủng viện phải đóng cửa.

Tạm nghỉ làm việc ở Chủng viện, cha Gagelin đi mục vụ ở Hà Tiên, một vùng truyền giáo cách xa với Lái Thiêu. Từ lâu, đoàn tín hữu ở Hà Tiên “mồ côi cha” nên sự hiện diện của cha Gagelin đã đem lại cho họ nhiều an ủi. Năm 1826, cha trở về Đồng Nai, một vùng truyền giáo đã chịu sự tàn phá khủng khiếp của trận dịch hạch, nhiều người chết mà không có bóng dáng của một linh mục để giúp đỡ họ trong giờ sau hết. Vượt qua sự mệt mỏi sau chặng hành trình, cha Gagelin lao vào giúp đỡ những con người đang gặp khốn khổ.

Để hạn chế việc truyền giáo, viện cớ cần người thông ngôn và dịch sách cho triều đình, ngày 16/ 6 /1827, vua Minh Mạng ra lệnh tập trung về Huế ba vị thừa sai : Taberd Từ, Gagelin Kính và Odorico Phương (Dòng Phanxicô). Ba tháng đầu, các cha bị giam lỏng tại Cung Quán, thỉnh thoảng có thể làm việc mục vụ cho giáo hữu ở các vùng lân cận, tuy nhiên lúc nào cũng có lính gác, đi đâu cũng lính đi kèm. Trong một chuyến công du về kinh hồi tháng 8 năm 1827, Tả Quân Lê Văn Duyệt đã can thiệp với Vua, ba vị thừa sai được trả tự do. Ngày 18/9/1827, cha Taberd được Tòa thánh bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Đàng Trong.

Ngày 1 tháng 6 năm 1828, cha Gagelin Kính lên đường trở về miền Nam. Cha đi mục vụ trong khắp vùng từ Đồng Nai đến Vũng Tàu, Bà Rịa, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Hà Tiên, Châu Đốc. Đến năm 1829 cha trở lại Chủng viện Lái Thiêu. Sau khi Đức cha Taberd Từ được tấn phong Giám mục tại Thái Lan (10/5/1830), Đức cha trở về Lái Thiêu và bổ nhiệm cha Gagelin làm Bề trên địa phận và giao địa bàn mục vụ cho cha gồm các tỉnh ở miền Trung: Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi (giáo phận Qui Nhơn ngày nay).

Trong khi cha Gagelin thi hành sứ vụ tại Bình Định, một hôm được một giáo dân mật báo cho cha biết biết nguồn tin được tiết lộ từ một vị quan, là sắp có cuộc truy bắt các linh mục Tây phương trong miền này theo lệnh Vua ban hành ngày 06/1/1833. Được mật báo, cha Gagelin khăn gói lên miền núi Bắc Bình Định, lãnh địa của các bộ tộc thiểu số, vừa để tạm lánh cuộc truy lùng của triều đình Minh Mạng, vừa để tiếp cận với các bộ tộc thiểu số vùng Trường Sơn Tây Nguyên mà ngài đã dự định từ trước.

Trong lúc cha ẩn trú trên miền Thượng, nhiều giáo hữu ở Bồng Sơn bị bắt và bị tra tấn để khai thác danh sách và nơi ẩn trú của các linh mục. Biết đoàn chiên bị lâm nạn. Cha viết thư thỉnh ý Đức Giám mục cho cha ra nộp mình nếu điều đó tốt hơn là để đoàn chiên bị tan tác. Cuối tháng 5/1833, cha nhận được thư của Đức cha Taberd. Sau đó không lâu, cha đến trình diện tại pháp đình Long Quan, huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định.[1]

Thế là cha bị giữ tại Long Quan 15 ngày  (?), sau đó cha được chuyển giao cho quan huyện Bồng Sơn, và theo lệnh Vua Minh Mạng, cha được áp giải về kinh đô nộp cho triều đình. Đội lính áp giải cha tới Huế vào ngày 23 tháng 8 năm 1833. Cha được đưa ngay vào nhà giam ở Trấn Phủ. Nơi đây cha gặp được cha Jaccard Phan thuộc Hội Thừa Sai Paris, cha Odôricô Phương dòng Phanxicô bị bắt tại Cái Nhum. Ba anh em linh mục thừa sai sum họp với nhau trong chốn lao tù được một thời gian ngắn. Cha Jaccard Phan và cha Odôricô Phương bị lưu đày ở Lao Bảo, giáp ranh với nước Lào. Cha bề trên Phanxicô Isidore Gagelin Kính bị giam lại ở Trấn Phủ, chịu án xử giảo vào ngày 17/10/1833 tại Bãi Dâu, Huế với bản án được tuyên: “Dương nhân Hoài Hóa mang tội truyền giảng đạo Gia Tô tại nhiều tỉnh nước ta, nên phải xử giảo”. Như vậy, cha Gagelin Kính có được tên “cúng cơm” Hoài Hóa do các quan dịch từ tên gọi Gagelin. Sau cuộc tử đạo của cha Bề trên Kính, hai anh em linh mục cùng chịu tù ngục vì Chúa cũng lần lượt hy sinh vì đức tin. Cha Odôricô Phương chết rũ tù tại Lao Bảo ngày 25/5/1834. Cha Jaccard Phan chịu án xử giảo vào ngày 21/9/1838 tại Nhan Biều, Quảng Trị.

Thi hài của cha Gagelin được một người học trò cũ của cha Odoricô và một thầy Giảng của cha Phan cùng với giáo dân rước về an táng trong một ngôi nhà tư của một linh mục Việt Nam thuộc xứ Phú Cam. Trong tiến trình lập hồ sơ các Chứng nhân tử đạo, năm 1846, Đức cha Cuênot Thể cho cải táng thi hài cha Gagelin và chuyển về Chủng Viện Hội Thừa Sai Paris. Văn bản xác nhận thi hài cha Gagelin chịu tử đạo được lập ngày 09/9/1847.

Ngày 27 tháng 5 năm 1900 Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước Tử Đạo và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

III. ĐƯỜNG ĐẾN CHỨNG NHÂN TỬ ĐẠO

Trong tiến trình điều tra chứng minh cha Gagelin là một chứng nhân tử đạo, tất cả những người đã một lần gặp cha đều nói rằng: “Cha rất hiền từ, đạo đức, khó nghèo, khổ hạnh và chính trực, không ai có thể trách cha được điều gì”.

1. Say mê Chúa Giêsu

Những ngày tháng dùi mài kinh sử ở Chủng viện, tiếng Chúa thôi thúc thầy quyết định đi truyền giáo. Lúc bấy giờ nói đến truyền giáo là chấp nhận khổ ải, chấp nhận bỏ mình ở miền đất xa lạ. Thầy về nhà thủ thỉ bày tỏ cho mẹ biết ý định của mình. Trước tình cảnh mẹ con, nhất là người con trai út, mồ côi cha từ khi mới lên bốn, bao nhiêu tình cảm được mẹ dành cho con, bà cảm thấy hụt hẩng, khóc lóc khuyên con từ bỏ ý định đi xa, đừng để mẹ ở nhà một mình. Nhưng Thầy Gagelin can đảm thưa mẹ: “Con rất kính trọng, yêu quý mẹ, nhưng nay Chúa gọi con đi giảng đạo, lẽ nào mẹ dám can ngăn thánh ý Chúa ?”. Đức tin của mẹ và con đã chiến thắng tình mẫu tử thiêng liêng cao quý.

Trong tù ngục, cha Jaccard Phan biết tin và báo cho cha Gagelin biết ngày cha Gagelin lãnh triều thiên tử đạo đã gần kề. Cha bộc bạch tâm tình của mình trong thư viết cho cha Phan:

“Kính thưa cha  và các bạn đồng nghiệp rất thân mến,

Tin mà cha cho tôi biết là tôi không thể thoát án tử đã đem đến cho tôi niềm vui tận đáy lòng. Không, tôi không ngại nói lên điều nầy là chưa bao giờ tôi có được niềm vui như thế. Các quan chức sẽ không bao giờ hiểu được điều nầy. Ân huệ mà tôi không xứng đáng là điều mà tôi ước ao từ thời thơ ấu của tôi, đặc biệt mỗi lần tôi nâng cao Máu châu báu khi cử hành Thánh Lễ. Không bao lâu nữa, tôi sẽ ra đứng trước vị thẩm phán của tôi, để phơi bày mọi tội lỗi của tôi. Tôi run sợ trước sự phán xét  công minh của Ngài. Niềm hy vọng phục sinh vinh quang và hạnh phúc đời đời mà tôi được hưởng nhờ từ lòng thương xót tràn đầy của Ngài đã an ủi tôi. Tôi xin mọi người tha thứ cho tôi vì những điều xúc phạm tôi đã gây ra. Xin cha vui lòng trình lại cho Đức Ðại Diện Tông Tòa, người mà tôi hằng tôn trọng và chân thành yêu mến,  cùng các anh em đồng nghiệp khác của chúng ta, những người mà tôi luôn mang theo trong trái tim tôi. Tôi nhờ lời cầu nguyện của họ, cũng như của các linh mục bản xứ, các tu sĩ và những tâm hồn thánh thiện. Xin cha vui lòng trình với quý cha Giám đốc Chủng viện Truyền giáo Hải ngoại, với cha Lombard, thừa sai ở Besançon, người cha thân yêu của tôi trong Chúa Giêsu Kitô, và đôi lời đến thân quyến của tôi. Tôi sẽ không quên họ ở trên trời, nơi tất cả chúng ta sẽ được sum họp với nhau.

Tôi có một số đồ dùng để ở Phú Yên, ở Qui Nhơn và ở Quảng Ngãi, tùy nghi quý cha phụ trách miền truyền giáo sử dụng. Ngước nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh, đủ an ủi tôi về mọi điều đau khổ và cả cái chết nữa. Uớc vọng của tôi là sớm được thoát khỏi thân xác tội lỗi này, để kết hợp cùng Chúa Giêsu trên nơi vĩnh phúc. Tôi muốn thành tro bụi để kết hợp với Chúa Giêsu.

Lần cuối cùng, những điều tôi đã nói với cha cũng như với cha Odorico, không còn gì hơn nữa.”
Từ nền tảng say mê Chúa Giêsu, cha Gagelin yêu mến những gì thuộc về Chúa Giêsu:

2. Yêu chuộng sự nghèo khó

Đối diện với nỗi khổ cực tại xứ truyền giáo, ngài viết như sau:
 “Mỗi ngày chúng tôi chỉ có cơm và nước, như thế quí cha hiểu được rằng làm thừa sai rất khổ cực. Có lẽ các cha khuyên tôi phải hãm mình, đúng vậy, nhưng thừa sai còn cần sức khỏe để làm việc nữa”.
– “Những thiếu thốn, những cực nhọc đủ thứ đến với chúng tôi, nhưng tôi dám khẳng định rằng: tôi được hạnh phúc trong túp lều tranh của tôi hơn vua nước Pháp ở trong hoàng cung của ngài”. (Thư gởi về quê nhà năm 1823)

3. Gách vác trách nhiệm

Ngày 6 tháng 01 năm 1833 vua Minh Mạng ban hành thêm một chiếu chỉ cấm đạo gay gắt hơn. Công cuộc truyền giáo mỗi ngày bị siết chặt, thêm khó khăn, nhất là mạng sống các thừa sai ngoại quốc bị đe dọa. Đứng trước thời thế quá ngặt nghèo như thế, có người đưa ra ý kiến khuyên cha nên trở về quê hương ngài một thời gian, đợi tới khi tình thế thay đổi thì cha hãy trở lại. Nhưng cha không đồng tình với ý kiến đó, cha nói: “Một công dân có nhiệm vụ thi hành nghĩa vụ quân sự, huống chi tôi được trao chức vụ lãnh đạo đoàn chiên, làm sao tôi có thể thoái thác nhiệm vụ của tôi được? ”. Bất chấp những khó khăn trước mắt, thậm chí đe dọa đến tính mạng, cha vẫn tiếp tục hoạt động mục vụ trong vùng Bình Định và Phú Yên. Vì sự sống đoàn chiên, cha sẳn sàng nộp mình và chịu chết.

4. Chỉ vì Tin Mừng

Trong thời gian bị tập trung tại Huế, Vua Minh Mạng muốn cảm hóa các cha, Vua hứa ban chức quan cho các cha cùng nhiều bổng lộc khác. Nhưng tất cả các cha đều cúi đầu cảm tạ và từ chối mọi bổng lộc, chức quyền. Việc nầy, được cha Gagelin bộc bạch trong một thư gửi về cho bạn hữu ở Pháp: “Tôi đã nói dứt khoát với quan lớn do vua sai đến ban ân huệ cho chúng tôi. Tôi cho ông biết rõ mục đích chúng tôi tới đây làm gì và chức linh mục cao trọng hơn chức quan như thế nào. Tôi cũng nói rõ chúng tôi đã từ bỏ gia đình, quê hương và tất cả những lợi lộc trần gian để chỉ truyền giảng Tin Mừng, thì không dễ gì chúng tôi lại từ bỏ nhiệm vụ này. Tuy nhiên những công việc nào có thể dung hoà với nhiệm vụ của chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ nhà vua”.

IV. THÁNH GAGELIN TRONG LÒNG GIÁO PHẬN QUI NHƠN

Trong những ngày tháng quyết liệt nhất của cuộc đời thừa sai, cha Gagelin đã sống chết với đoàn chiên được ký thác cho mình tại Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi, thuộc giáo phận Qui Nhơn. Cũng vì sự sống còn của đoàn chiên, cha đã hy sinh mạng sống của mình. Cha được Đức Giáo hoàng Lêô XIII tôn phong Chân phước tử đạo ngày 27 tháng 5 năm 1900. Cảm mến gương đức tin, tinh thần trách nhiệm, sự thánh thiện và sự thông thái của Chân phước Gagelin, đặc biệt là “cái duyên” đào tạo nhân sự của Chân phước Gagelin, Đức cha Grangeon Mẫn đã quyết định chọn tên cho ngôi trường có tính quy mô đầu tiên trong giáo phận là trường Gagelin.

Trường Gagelin được chính thức thành lập ngày 08/9/1920, được giao cho các Sư huynh dòng Lasan. Trường Gagelin đầu tiên được khởi công xây dựng vào ngày 28/01/1921 tại thôn Kim Châu, thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn (nay là phường Bình Định, thị xã An Nhơn). Vừa xây dựng, vừa chiêu sinh, ngày 03/10/1921 trường được khai giảng với  khoảng 50 học sinh; những tháng sau đó số học sinh có gia tăng chút ít. Đến cuối niên khóa 1921-1922, sĩ số đạt đến 85 em. Năm 1923, việc xây dựng trường mới hoàn thành, Đức cha Grangeon, Giám mục giáo phận đã chủ tọa buổi lễ làm phép nhà.

Năm 1932, Trường Gagelin  tại Kim Châu được các Sư huynh Lasan bán lại cho dòng Thánh Giuse. Trường Gagelin Kim Châu được chuyển về Qui Nhơn, tọa lạc tại khu đất ngày nay thuộc Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn (phần đất nhà nước trưng dụng làm trường Cao đẳng Y tế) 132 Trần Hưng Đạo, thành phố Qui Nhơn. Năm đầu tiên ở Qui Nhơn, trường Gagelin Qui Nhơn có 200 học sinh. Trường hoạt động cho đến năm 1946, do hoàn cảnh chiến tranh, ngày 16/12/1946 Hội Đồng Cố Vấn Trung Ương của dòng Lasan quyết định ‘tạm thời’ đóng cửa. Không lâu sau, trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến, ngôi trường nầy đã bị san bằng. Không phải tạm thời đóng cửa mà là mãi cho đến hôm nay.

Tài liệu thảm khảo chính:

1. Bulletin des missions étrangères, Le bienheureux Gagelin

  • Année : 1933
  • Code : 1933/811-822
  • Page : 811-822

 2. Fiche biographique, Numéro : 342,  François Isidore Gagelin

 3. Thiên Hùng Sử 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam, USA 1990, trang 314-318.

[1] Long Quan tọa lạc trên đường DT 629 từ Bồng Sơn đi An Lão, ngày nay thuộc xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân. Theo địa bàn tôn giáo, Long Quan là một giáo họ nay thuộc giáo xứ Gia Chiểu, hạt Bồng Sơn.

Gia phả Thánh Phanxicô Isidore Gagelin Kính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *