1. Hàng chục cộng đồng Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa bỏ sang Chính Thống Giáo Ukraine
Các cộng đồng chính thống ở Ukraine nằm dưới quyền của giáo chủ Mạc Tư Khoa đang lũ lượt bỏ sang Giáo Hội Chính thống Ukraine tự trị, vì thái độ của Thượng Phụ Kirill đối với cuộc xâm lược của Nga.
Cho đến gần đây, các tín hữu Chính thống giáo của Ukraine được chia thành Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, và Giáo Hội Chính thống Ukraine với Tòa thượng phụ đặt ở Kiev.
Đức Tổng Giám Mục Epiphanius I của Kiev và Toàn Ukraine đã đưa ra thông báo vào ngày 26 tháng 3 rằng 28 cộng đồng bao gồm các giáo xứ và tu viện trong chín giáo phận trước đây trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã chính thức chuyển sang Giáo Hội Chính thống Ukraine độc lập kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.
Tưởng cũng nên nhắc lại, với hơn 500 chữ ký của đông đảo trí thức và nhà thần học, bao gồm cả một số Kitô hữu Chính thống giáo nổi tiếng của Nga, một tuyên bố được xuất bản bởi Trung tâm Nghiên cứu Kitô Chính thống tại Đại học Fordham ở New York đã tấn công quan điểm của Thượng Phụ Kirill kể từ đầu cuộc chiến.
Theo tuần báo La Vie của Pháp, Kirill bị cáo buộc “biện minh” cho cuộc xâm lược và những điều khủng khiếp đã gây ra ở Ukraine dưới danh nghĩa “dị giáo”, và khái niệm về một “thế giới Nga”. Điều này đang hợp nhất một tinh thần “dân tộc Nga” với chính trị của nước Nga, mang lại cho Tổng thống Putin những vũ khí để biện minh cho cuộc thập tự chinh của ông ta ở Ukraine.
“Cũng giống như Nga đã xâm lược Ukraine, Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa của Thượng phụ Kirill đã xâm lược các Giáo Hội Chính thống”, các trí thức trách móc, phẫn nộ trước việc tạo ra sự chia rẽ và những nguy cơ to lớn đe dọa phần rỗi của các tín hữu.
Một trong những người ký tên, Sergei Chapnin, cựu phó tổng biên tập Tạp chí của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, cho rằng Thượng phụ Kirill đã “mất thẩm quyền” và gây ra sự chia rẽ trong Chính thống giáo Nga giữa một Giáo hội chính thức “sẵn sàng quên đi Phúc âm. và biện minh cho tội ác chiến tranh và một Giáo hội tìm cách sống theo các điều răn của Chúa Kitô, trước khi ông kết luận rằng “Hai Giáo hội này không thể tiếp tục tồn tại dưới cùng một mái nhà”.
Hơn thế nữa, trong một diễn biến hết sức kinh khủng đối với nhiều người, tại nhà thờ chính tòa Chúa Cứu Thế tại Mạc Tư Khoa, Thượng phụ Kirill đã trao cho lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga là tướng Viktor Zolotov một bức ảnh Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa trong một buổi lễ hôm Chúa Nhật 13 tháng Ba để xin Đức Mẹ phù hộ cho quân Nga mau thắng trận. Cử chỉ này của Thượng Phụ Kirill là một cử chỉ quá sức báng bổ. Làm sao Đức Mẹ lại có thể phù hộ cho những kẻ xâm lược giết hại thường dân vô tội như thế.
Đáp lại, tướng Viktor Zolotov nói:
“Chúng tôi tin rằng hình ảnh này sẽ bảo vệ quân đội Nga và mang lại chiến thắng nhanh hơn cho chúng tôi”
Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos của Cyprus lắc đầu chán nản nói: “người Nga đầu tiên làm dấu thánh giá và sau đó họ giết người”, tiếp tục khơi dậy đức tin nơi Chúa cho một mục tiêu cuối cùng, được Chính Thống Giáo Nga “chúc lành”.
Source:Kyiv Independent
2. ‘Hôm nay là sự khởi đầu của điều gì đó’: Nhà lãnh đạo Metis nhận xét sau cuộc gặp với Đức Thánh Cha Phanxicô
Các sự thật khó khăn và lời cầu nguyện sâu sắc đã đánh dấu cuộc gặp gỡ của phái đoàn Metis với Đức Giáo Hoàng Phanxicô hôm thứ Hai. Các giám mục Canada và 9 trưởng lão Metis, cũng như các học sinh cũ trong các các trường nội trú dành cho người bản địa đã nói chuyện với Đức Giáo Hoàng.
Đức Tổng Giám Mục Don Bolen của Regina đã cho biết như trên trong cuộc họp báo với hàng chục nhà báo đang tụ tập tại một khách sạn ở Rôma.
Bằng tiếng Pháp, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada, Đức cha Raymond Poisson cho biết ngài đã chứng kiến một cuộc trao đổi “từ trái tim đến trái tim” giữa các đại biểu Metis và Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Cuộc trao đổi tràn ngập “tình cảm lẫn nhau,” Đức cha nói.
“Tôi sẽ mang theo những suy tư này trong lời cầu nguyện và cả trong lúc suy gẫm,” Đức Tổng Giám Mục Poisson nói.
Nhớ lại những câu chuyện mà những Metis đã kể cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong lần đầu tiên trong ba cuộc gặp gỡ đã được lên kế hoạch giữa Đức Giáo Hoàng và các phái đoàn bản địa ở Rome đã khiến nhà sử học và nhà giáo dục Mitchell Case của Metis rơi nước mắt.
“Hôm nay là sự khởi đầu của một điều gì đó,” Case nói, sau đó nói thêm “Chúng tôi sẽ làm việc để làm cho thế giới tốt đẹp hơn.”
Sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau là kết quả tỏ tường của cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và người Metis.
Tưởng cũng nên nhắc lại, từ các tài liệu của CCCB, đây là những điều người Công Giáo nên biết:
Thứ nhất: Chính sách buộc các trẻ em thổ dân da đỏ theo học tại các trường nội trú nhằm mục đích hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách của chính phủ Canada, không phải của Giáo Hội Công Giáo. Tất cả 130 trường nội trú đều là do chính phủ Canada dựng lên. Các phái bộ truyền giáo tham gia điều hành các trường nội trú này là vì thấy ở đây cơ hội truyền giáo.
Thứ hai: Ngày nay, người ta nói rằng chính sách hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách diệt chủng văn hóa. Cho mãi đến thập niên 1990, nhà cầm quyền Canada và xã hội nói chung không nghĩ như thế, mà đơn thuần chỉ nghĩ rằng chính sách này mang lại ánh sáng văn minh, và một cuộc sống khả quan hơn người bản địa.
Thứ ba: Sau khi giao phó các trường nội trú cho các tôn giáo điều hành, chính phủ đã cung cấp một kinh phí hạn hẹp. Điều này cộng hưởng với nỗi buồn phải xa nhà, tình trạng y tế khó khăn ở các vùng xa xôi đã khiến một số trẻ em thiệt mạng vì bệnh tật. Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng tỷ lệ tử vong của các em sống trong các bộ lạc còn cao hơn rất nhiều so với các trường nội trú.
Thứ tư: Những ngôi mộ vô danh này là những ngôi mộ cá nhân, không phải các mồ chôn tập thể như báo chí cố ý xuyên tạc; và các học sinh này qua đời trong nhiều thập niên, chứ không phải cùng một lúc.
Giọng điệu của nhiều phương tiện truyền thông trong những ngày qua thể hiện tâm tình bài Công Giáo mà họ đã ấp ủ từ lâu.
Source:bccatholic.ca
3. Người Ukraine tìm thấy hy vọng trong sự thánh hiến Ukraine và Nga cho Mẹ Maria
“Cùng với toàn thế giới, chúng tôi đang cầu nguyện với hy vọng lớn lao, và chúng tôi đang cầu nguyện. Chúng tôi tin tưởng vào sự trợ giúp của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa “.
Bốn tuần sau khi bắt đầu chiến tranh, nhiều tín hữu ở Ukraine đang đặt hy vọng lớn vào sáng kiến mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô, đó là việc thánh hiến Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria. Phát biểu với tổ chức quốc tế Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, Đức Cha Stanislav Szyrokoradiuk của Odessa cho biết: “Cùng với toàn thế giới, chúng tôi đang cầu nguyện với hy vọng lớn lao và chúng tôi đang nhiệt thành cầu nguyện. Chúng tôi tin tưởng vào sự trợ giúp của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa “.
Đức Cha Szyrokoradiuk báo cáo rằng mặc dù Odessa đã được tránh khỏi những trận giao tranh tồi tệ nhất trong bốn tuần đầu tiên của cuộc chiến, ngài lo lắng rằng thành phố hiện đang bị bắn phá và rằng có cảnh báo về các cuộc không kích thường xuyên. Ngài nói: “Chúng tôi thường xuyên lo sợ về một cuộc tấn công từ phía biển”.
Odessa nằm trên Biển Đen không xa Crimea, nơi đóng quân của nhiều tàu chiến Nga. Vị giám mục than thở rằng những suy nghĩ về các giáo xứ của mình và người dân trong vùng khiến ông thường xuyên “sợ hãi và đau đớn. Chúa ơi, rất nhiều người đang chết mỗi ngày. “
Bất chấp chiến sự gia tăng, các cộng đồng Công Giáo ở Odessa và các vùng khác của đất nước đã chuẩn bị cho lễ thánh hiến với các tuần cửu nhật và các việc đạo đức bình dân.
Tại Kharkov, miền đông Ukraine, trong một thông điệp video từ đó, Đức Cha Pavlo Honcharuk cho biết: “Tôi muốn chia sẻ với các bạn niềm vui của tôi về sáng kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô dâng hiến Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria.”
Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Kharkov là một trong những khu vực tranh chấp ác liệt nhất của đất nước. Đức Cha Honcharuk gần đây đã ghi lại tài liệu cho ACN về việc phá hủy các nhà cửa của dân chúng. Một quả hỏa tiễn cũng bắn trúng nóc tòa giám mục.
Thánh hiến là “dấu hiệu của sự chiến thắng của Thiên Chúa”
Đức Cha Honcharuk nói tiếp rằng ở giữa đau khổ và tàn phá, việc thánh hiến là “dấu hiệu của sự chiến thắng của Thiên Chúa, của tình yêu, của sự tốt lành và của sự sống”.
“Giống như các giáo phận khác ở Ukraine, giáo phận của chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị các tuần lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria, và chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho một sự kiện tuyệt đẹp như thế này”. Trong thông điệp gửi ACN, Đức Giám Mục Honcharuk đã yêu cầu mọi người lần chuỗi Mân Côi để Mẹ Maria cầu bầu cho Ukraine.
Source:Aleteia