Nguyên Văn Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Querida Amazonia

TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG QUERIDA AMAZONIA
CỦA Đức Thánh Cha PHANXICÔ
GỬI DÂN THIÊN CHÚA VÀ MỌI NGƯỜI THIỆN CHÍ

Tải tập tin về máy

1.Khu vực Amazon thân yêu đang đứng trước thế giới với mọi nét huy hoàng, kịch tính và mầu nhiệm của nó. Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng tập chú vào khu vực này trong Thượng hội đồng được tổ chức tại Rôma từ ngày 6 đến ngày 27 tháng 10 vừa qua, kết thúc bằng việc công bố Tài liệu Sau cùng, Amazon: Các Nẻo Đường mới cho Giáo hội và cho Hệ sinh thái Toàn diện.

Ý nghĩa của Tông Huấn này

2. Tại Thượng Hội Đồng, tôi đã lắng nghe các bài thuyết trình và đọc chăm chú các báo cáo của các nhóm thảo luận. Trong Tông Huấn này, tôi muốn đưa ra đáp ứng của riêng tôi đối với diễn trình đối thoại và biện phân này. Tôi sẽ không đi vào mọi vấn đề từng được xử lý rộng dài trong Tài liệu Sau cùng. Tôi cũng không yêu sách thay thế văn bản đó hoặc sao chép nó. Tôi chỉ muốn đề xuất một khuôn khổ ngắn gọn để suy tư, một khuôn khổ có thể áp dụng, một cách cụ thể vào cuộc sống của khu vực Amazon, một tổng hợp về một số mối quan tâm lớn hơn mà tôi đã bày tỏ trong các tài liệu trước đây và có thể giúp hướng dẫn chúng ta tiến tới một cách tiếp nhận toàn bộ diễn trình đồng nghị một cách hài hòa, sáng tạo và sinh hoa trái.

3. Đồng thời, tôi muốn chính thức giới thiệu Tài liệu Sau cùng, trình bầy các kết luận của Thượng hội đồng, vốn được hưởng ơn ích từ việc tham gia của nhiều người hiểu rõ hơn bản thân tôi hoặc Giáo Triều Rôma trong các nan đề và vấn đề của khu vực Amazon, vì họ sống ở đó, họ trải nghiệm sự đau khổ của nó và họ yêu nó say đắm. Tôi không muốn trích dẫn Tài liệu Sau cùng trong Tông Huấn này vì tôi muốn khuyến khích mọi người đọc nó cách trọn vẹn.

4. Xin Thiên Chúa ban ơn để toàn thể Giáo hội được phong phú và được thách thức bởi công trình của phiên họp thượng hội đồng. Xin cho các mục tử, những người đàn ông và đàn bà thánh hiến và các tín hữu giáo dân của khu vực Amazon cố gắng áp dụng nó, và xin cho nó truyền cảm hứng cách nào đó cho mọi người có thiện chí.

Các giấc mơ cho khu vực Amazon

5. Khu vực Amazon là một tổng thể đa quốc gia và liên kết với nhau, một sinh quần tuyệt vời được chia sẻ bởi chín quốc gia: Brazil, Bolivia, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Surinam, Venezuela và lãnh thổ Guiana thuộc Pháp. Tuy nhiên, tôi đang ngỏ Tông Huấn này với toàn thế giới. Tôi đang làm như vậy để giúp đánh thức tình cảm và sự quan tâm của họ đối với vùng đất đó, một vùng đất cũng là vùng đất của chúng ta, và mời gọi họ trân qúi nó và thừa nhận nó như một mầu nhiệm thánh thiêng. Nhưng quan tâm của Giáo hội về các vấn đề của khu vực này cũng buộc chúng ta phải thảo luận, dù ngắn ngủi, một số vấn đề quan trọng khác có thể hỗ trợ các khu vực khác trên thế giới của chúng ta đối đầu với những thách đố của chính họ.

6. Mọi điều Giáo hội có nhiệm vụ cung cấp phải được nhập thể một cách khác biệt vào mỗi nơi trên thế giới, để Nàng dâu của Chúa Kitô có thể mang nhiều khuôn mặt nhằm biểu lộ tốt hơn các kho tàng bất tận của ơn thánh Chúa. Việc rao giảng phải trở nên nhập thể, nền linh đạo phải trở nên nhập thể, các cơ cấu giáo hội phải trở nên nhập thể. Vì lý do này, trong Tông Huấn ngắn gọn này, tôi khiêm tốn đề nghị nói tới bốn giấc mơ vĩ đại mà vùng Amazon đã gây hứng cho tôi.

7. Tôi mơ về một khu vực Amazon dám đấu tranh cho quyền lợi của người nghèo, các dân tộc nguyên thủy và những người nhỏ bé nhất trong các anh chị em của chúng ta, nơi tiếng nói của họ có thể được nghe và phẩm giá của họ được thăng tiến.

Tôi mơ về một khu vực Amazon có thể bảo tồn sự phong phú văn hóa khác biệt của nó, nơi vẻ đẹp của nhân loại chúng ta tỏa sáng nhiều cách khác nhau.

Tôi mơ về một khu vực Amazon có thể giữ gìn một cách không khoan nhượng vẻ đẹp tự nhiên của nó và cuộc sống siêu mãn tràn đầy các dòng sông và khu rừng.

Tôi mơ về các cộng đồng Kitô giáo có khả năng cam kết một cách quảng đại, nhập thể vào khu vực Amazon và mang đến cho Giáo hội những gương mặt mới mẻ với những nét đặc điểm của vùng Amazon.

CHƯƠNG MỘT: GIẤC MƠ XÃ HỘI

8. Giấc mơ của chúng ta là một khu vực Amazon có thể hòa nhập và thúc đẩy mọi cư dân của nó, cho phép họ tận hưởng “lối sống tốt”. Nhưng điều này đòi một yêu cầu có tính tiên tri và một nỗ lực gian khổ nhân danh người nghèo. Vì, mặc dù đúng là khu vực Amazon đang đối đầu với một thảm họa sinh thái, nhưng cũng phải nói rõ rằng, “một phương thức sinh thái đích thực luôn trở thành một phương thức xã hội; nó phải hòa nhập các vấn đề công lý trong các cuộc tranh luận về môi trường, để có thể nghe được cả tiếng than của trái đất lẫn tiếng khóc của người nghèo” [1]. Chúng ta không cần một chủ nghĩa duy môi trường, “chỉ quan tâm đến sinh quần nhưng làm ngơ các dân tộc vùng Amazon” [2].

Bất công và tội ác

9. Các quyền lợi thực dân từng tiếp tục mở rộng – một cách hợp pháp và bất hợp pháp – các ngành kỹ nghệ khai thác gỗ và hầm mỏ, và từng trục xuất hoặc đẩy qua bên lề các dân tộc bản địa, người dân sông ngòi và những người gốc Phi châu, đang kích động tiếng kêu than thấu trời:

“Nhiều cây cối
ngụ cư nơi tra tấn,
và bao la là những khu rừng
được mua bằng hàng ngàn cái chết [3].
Các lái buôn gỗ có thành viên quốc hội,
trong khi Amazon của chúng tôi không người bảo vệ…
Họ đày ải những con vẹt và những con khỉ
Các vụ thu hoạch hạt dẻ sẽ không bao giờ như cũ” [4].

10. Điều này kích thích nhiều cuộc di cư gần đây của người dân bản địa đến những vùng ngoại ô của các thành phố. Ở đó, họ không tìm được sự giải thoát thực sự khỏi những rắc rối của họ, mà đúng hơn là các hình thức nô lệ, khuất phục và nghèo đói tồi tệ nhất. Các thành phố này, được đánh dấu bằng sự bất bình đẳng lớn lao, nơi phần lớn dân số của khu vực Amazon hiện đang sống, đang chứng kiến sự gia tăng của óc bài ngoại, khai thác tình dục và buôn bán người. Tiếng kêu của khu vực Amazon không chỉ nổi lên từ thẳm sâu rừng già mà còn từ những phố phường thành phố.

11. Tôi không cần phải lặp lại ở đây các chẩn đoán đầy ắp được trình bày trước và trong Thượng Hội Đồng. Tuy nhiên, ít nhất, chúng ta hãy lắng nghe một trong những tiếng nói đã được gióng lên: “Chúng tôi đang bị ảnh hưởng bởi các lái buôn gỗ, chủ trang trại và các bên thứ ba khác. Bị đe dọa bởi các tác nhân kinh tế chuyên nhập khẩu kiểu mẫu xa lạ vào lãnh thổ của chúng tôi. Các ngành kỹ nghệ gỗ xâm nhập lãnh thổ để khai thác rừng, trong khi chúng tôi bảo vệ rừng vì lợi ích của con cái chúng tôi, vì ở đó, chúng tôi có thịt, cá, cây dược liệu, cây ăn trái… Việc xây dựng các nhà máy thủy điện và dự án đường thủy gây một tác động trên sông ngòi và trên đất liền… Chúng tôi là một vùng lãnh thổ bị đánh cắp” [5].

12. Vị tiền nhiệm của tôi, Đức Bênêđíctô XVI, từng lên án “sự tàn phá môi trường và lưu vực sông Amazon, và các đe dọa chống lại nhân phẩm của các dân tộc sống trong khu vực đó [6]. Tôi muốn nói thêm rằng nhiều tình huống bi đát trong số này có liên quan đến một ‘huyền nhiệm giả mạo về Amazon’. Người ta biết rất rõ rằng, kể từ những thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, khu vực Amazon đã được trình bày như một không gian trống rỗng khổng lồ cần được lấp đầy, một nguồn tài nguyên thô để được phát triển, một vùng đất hoang dã cần được thuần hóa. Không điều gì trong số này công nhận quyền của các dân tộc nguyên thủy; người ta đơn giản phớt lờ họ như thể họ không hiện hữu, hoặc hành động như thể những vùng đất mà họ sống không thuộc về họ. Ngay cả trong ngành giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên, người bản địa bị coi là kẻ xâm nhập hoặc chiếm đoạt. Cuộc sống của họ, mối quan tâm của họ, cách đấu tranh để sinh tồn của họ không được quan tâm. Họ được coi như một trở ngại cần phải được loại bỏ hơn là các hữu thể nhân bản có cùng phẩm giá như những người khác và sở hữu các quyền lợi riêng họ đã thủ đắc được.

13. Một số khẩu hiệu đã góp phần vào khái niệm sai lầm này, bao gồm cả khẩu hiệu, “đừng cho không điều đó!” [7], như thể loại tiếp quản này chỉ có thể phát xuất từ các quốc gia khác, trong khi thực ra là các thế lực địa phương, lấy cớ phát triển, cũng là thành viên của các thỏa hiệp nhằm mục đích san bằng rừng già – cùng với các hình thức sự sống được nó che chở – một cách không bị trừng phạt và bừa bãi. Các dân tộc nguyên thủy thường chứng kiến một cách bất lực sự hủy diệt môi trường tự nhiên vốn cho phép họ được nuôi dưỡng và giữ gìn sức khỏe, sống còn và duy trì lối sống trong một nền văn hóa mang lại cho họ bản sắc và ý nghĩa. Sự mất cân bằng quyền lực thật lớn lao; kẻ yếu không có cách nào để tự bảo vệ mình, trong khi kẻ chiến thắng chiếm được tất cả, và “các quốc gia nghèo khó ngày càng nghèo khổ hơn, trong khi các quốc gia giàu có thậm chí còn trở nên giàu có hơn” [8].

14. Các doanh nghiệp, quốc gia hoặc quốc tế, gây hại cho Amazon và không tôn trọng quyền lợi của các dân tộc nguyên thủy đối với đất đai và các ranh giới của nó, và quyền tự quyết định và đồng ý trước, phải được gọi bằng chính tên là bất công và tội ác. Khi một số doanh nghiệp, vì lợi nhuận nhanh chóng, đã chiếm hữu đất đai và kết cục đã tư hữu hóa ngay cả nguồn nước uống được, hoặc khi chính quyền địa phương cấp quyền tự do truy cập cho các công ty gỗ, khai thác mỏ hoặc dầu khí và các doanh nghiệp khác phá rừng và gây ô nhiễm môi trường, các mối tương quan kinh tế đã bị thay đổi một cách không chính đáng và trở thành một công cụ của tử thần. Họ thường sử dụng các biện pháp phi đạo đức như trừng phạt các cuộc biểu tình và thậm chí cướp mạng sống của người dân bản địa, những người chống lại các dự án, cố tình đốt cháy rừng, và hối lộ các chính trị gia và chính người dân bản địa. Tất cả những điều này đi song song với các vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền và các hình thức nô lệ mới ảnh hưởng đến phụ nữ nói riêng, tai họa buôn bán ma túy được sử dụng như một cách khuất phục người dân bản địa, hoặc việc buôn người chuyên bóc lột những người bị trục xuất khỏi bối cảnh văn hóa của họ. Chúng ta không thể để cho việc hoàn cầu hóa trở thành “phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân” [9].

Cảm thấy phẫn nộ và cầu xin tha thứ

15. Chúng ta cần cảm thấy phẫn nộ (10) như Môsê từng nói (xem Xh 11:8), như Chúa Giêsu từng nói (xem Mc 3:5), như Thiên Chúa nói trước bất công (xem Am 2:4-8; 5: 7-12; Tv 106: 40). Quả không tốt khi chúng ta trở nên quen thuộc với cái ác; quả không tốt khi ý thức xã hội của chúng ta bị mờ nhạt trước “một cuộc bóc lột đang để lại sự hủy hoại và thậm chí chết chóc trên khắp khu vực của chúng ta… gây nguy hiểm cho cuộc sống của hàng triệu con người và đặc biệt là môi trường sống của nông dân và người dân bản địa” [11]. Các biến cố bất công và tàn ác xảy ra ở khu vực Amazon ngay trong thế kỷ trước phải gây ghê tởm sâu xa, nhưng chúng cũng khiến chúng ta nhạy cảm hơn đối với việc cần phải thừa nhận các hình thức bóc lột, lạm dụng và sát hại con người hiện nay. Liên quan đến quá khứ đáng xấu hổ, chúng ta hãy lắng nghe, thí dụ, trình thuật nói về các đau khổ của người bản địa trong “thời đại cao su” của họ ở khu vực Amazon của Venezuela: “Họ không đưa tiền cho người bản địa, mà chỉ là hàng hóa, các hàng hóa họ phải trả giá đắt và họ không bao giờ chấm dứt việc trả tiền như thế… Họ sẽ trả nhưng người ta nói với họ rằng, “Bạn đang nợ như chúa chổm”, và người bản địa sẽ phải quay lại làm việc… Hơn hai mươi thị trấn của người ye’kuana đã hoàn toàn bị san bằng. Phụ nữ ye’kuana bị hãm hiếp và ngực bị cắt cụt, phụ nữ mang thai bị lấy mất con từ bụng mẹ, đàn ông bị chặt ngón tay hoặc bàn tay để không thể chèo thuyền… cùng với những cảnh tàn ác khác phi lý nhất nữa [12].

16. Một lịch sử đau khổ và bị khinh miệt như thế không dễ dàng được hàn gắn. Mà chế độ thực dân cũng không chấm dứt; ở nhiều nơi, nó đã được thay đổi, ngụy trang và che giấu [13], trong khi không mất đi sự khinh miệt nào đối với cuộc sống của người nghèo và sự mong manh của môi trường. Như các giám mục của vùng Amazon thuộc Brazil đã lưu ý, “lịch sử của khu vực Amazon cho thấy một thiểu số luôn được hưởng lợi từ sự nghèo đói của đa số và từ sự cướp bóc vô lương tâm các tài nguyên thiên nhiên của khu vực, vốn là các hồng ân Chúa ban cho các dân tộc từng sống ở đó trong nhiều thiên niên kỷ và cho những người nhập cư đến từ nhiều thế kỷ trước” [14].

17. Thế nhưng, ngay cả khi chúng ta cảm thức được sự phẫn nộ lành mạnh này, chúng ta được nhắc nhở rằng ta có thể vượt thắng các não trạng thuộc địa khác nhau và xây dựng các mạng lưới liên đới và phát triển. “Nói tóm lại, thách đố là phải bảo đảm một chính sách hoàn cầu hóa trong tình liên đới, hoàn cầu hóa mà không có việc hắt hủi đẩy người ta ra bên lề” [15]. Có thể tìm ra các phương thức thay thế để việc nuôi gia súc và nông nghiệp được bền vững, để có được các nguồn năng lượng không gây ô nhiễm, các phương thế nhân dụng xứng đáng không kéo theo sự hủy hoại môi trường tự nhiên và các nền văn hóa. Đồng thời, người dân bản địa và người nghèo cần được cung cấp một nền giáo dục phù hợp để phát triển khả năng của họ và trao quyền cho họ. Đây là những mục tiêu mà tài năng và sự khôn khéo chân chính của các nhà lãnh đạo chính trị nên được điều hướng tới. Không phải như một cách phục hồi cho người chết sự sống họ đã bị lấy mất, hoặc thậm chí bồi thường cho những người sống sót cuộc tàn sát đó, nhưng ít nhất, để, ngày nay, trở thành con người chân chính.

18. Thật đáng khích lệ khi nhớ lại rằng giữa những quá lạm nghiêm trọng của việc thực dân hóa khu vực Amazon, đầy “mâu thuẫn và đau khổ” [16], nhiều nhà truyền giáo đã đem Tin Mừng đến; họ rời bỏ gia đình và sống một cuộc sống khắc khổ đầy đòi hỏi bên cạnh những người không một ai bảo vệ. Chúng ta biết rằng không phải ai trong số họ đều là mẫu mực, nhưng việc làm của những người luôn trung thành với Tin Mừng cũng gây cảm hứng “cho một số đạo luật như các Đạo Luật Thổ Dân, nhằm bảo vệ phẩm giá của các dân tộc bản địa khỏi bạo lực chống lại người dân và lãnh thổ của họ” [17]. Vì thường là các linh mục bảo vệ người bản địa khỏi những kẻ cướp bóc và lạm dụng họ, nên các nhà truyền giáo kể lại rằng “họ đã năn nỉ chúng tôi đừng bỏ rơi họ và họ đã moi được từ chúng tôi lời hứa rằng chúng tôi sẽ trở lại”[18].

19. Ngày nay, Giáo hội có thể cam kết không kém. Giáo Hội được kêu gọi nghe lời kêu van của các dân tộc Amazon và “thực hiện sứ mệnh tiên tri của mình một cách minh bạch” [19]. Đồng thời, vì chúng ta không thể phủ nhận được sự kiện lúa mì được trộn lẫn với cỏ lùng, và các nhà truyền giáo không phải lúc nào cũng đứng về phía kẻ bị áp bức, tôi bày tỏ sự xấu hổ và một lần nữa, “tôi khiêm tốn xin tha thứ, không những chỉ vì tội lỗi của chính Giáo hội, nhưng còn vì các tội ác đã phạm đối với các dân tộc bản địa trong điều gọi là chinh phục Mỹ Châu” [20] cũng như vì các tội ác khủng khiếp tiếp theo trong suốt lịch sử khu vực Amazon. Tôi cảm ơn các thành viên của các dân tộc nguyên thủy và tôi xin nhắc lại: “cuộc sống của các bạn đã kêu lớn…Các bạn là ký ức sống động của sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó cho tất cả chúng ta: bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta” [21].

Cảm thức cộng đồng

20. Các nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng đòi hỏi khả năng huynh đệ, tinh thần hiệp thông nhân bản. Do đó, tuy không làm giảm tầm quan trọng của tự do cá nhân, điều rõ ràng là các dân tộc nguyên thủy của khu vực Amazon có cảm thức cộng đồng mạnh mẽ. Nó thấm nhiễm vào “việc làm của họ, việc nghỉ ngơi của họ, các mối liên hệ của họ, các nghi lễ và cử hành của họ. Mọi sự đều được chia sẻ; các phạm vi riêng tư – vốn là điển hình của thời hiện đại – hết sức ít ỏi. Cuộc sống là một hành trình cộng đoàn, trong đó, các nhiệm vụ và trách nhiệm được phân bổ và chia sẻ trên cơ sở thiện ích chung. Không có chỗ cho khái niệm một cá nhân tách rời khỏi cộng đồng hoặc khỏi lãnh thổ” [22]. Các mối liên hệ của họ chìm đắm trong thiên nhiên bao quanh, mà họ cảm nhận và nghĩ về như một thực tại hòa nhập xã hội và văn hóa, và là một kéo dài thân thể của họ, đầy tính bản thân, gia đình và cộng đồng:

“Sao mai đến gần,
Đôi cánh chim vù vù (hummingbirds) phất phới;
trái tim anh đập rõ hơn thác nước:
với đôi môi em, anh sẽ tưới đất
khi làn gió nhẹ mơn man chúng ta”[23]

21. Tất cả những điều này càng làm bất ổn cảm thức hoang mang và bứng gốc nơi những người bản địa cảm thấy buộc phải di cư đến các thành phố, khi họ cố gắng giữ gìn phẩm giá của mình giữa môi trường sống đô thị cá nhân chủ nghĩa và thù địch hơn. Làm thế nào chúng ta chữa lành được tất cả những tổn thương này, làm thế nào chúng ta mang lại sự thanh thản và ý nghĩa cho những cuộc sống bị bứng gốc này? Trước những tình huống như vậy, chúng ta nên đánh giá cao và đồng hành với những nỗ lực của nhiều người trong các nhóm này để bảo tồn giá trị và lối sống của họ, và hòa nhập vào những tình huống mới mà không đánh mất chúng, nhưng thay vào đó cung ứng chúng như chính đóng góp của họ vào thiện ích chung.

22. Chúa Kitô đã cứu chuộc toàn bộ con người, và Người muốn khôi phục trong mỗi chúng ta khả năng bước vào liên hệ với những người khác. Tin Mừng đề xuất việc tình yêu Thiên Chúa tràn đầy trong trái tim của Chúa Kitô ra sao và phát sinh ra việc theo đuổi công lý, một việc vừa là một bài hát ca ngợi tình huynh đệ và liên đới vừa là một thúc đẩy tiến tới nền văn hóa gặp gỡ. Sự khôn ngoan trong lối sống của các dân tộc nguyên thủy – bất chấp các hạn chế của nó – khuyến khích chúng ta thâm hậu hóa mong ước này. Vì điều này, các giám mục của Ecuador đã kêu gọi phải có “một hệ thống xã hội và văn hóa mới, biết dành đặc quyền cho các mối liên hệ huynh đệ trong khuôn khổ thừa nhận và quý trọng các nền văn hóa và hệ sinh thái khác nhau, một khuôn khổ có khả năng chống lại mọi hình thức kỳ thị và áp bức giữa những con người nhân bản” [24].

Các định chế bị đổ vỡ

23. Trong thông điệp Laudato Si’, tôi đã ghi nhận rằng “nếu mọi sự đều liên hệ với nhau, thì sự lành mạnh của các định chế xã hội hẳn có nhiều hậu quả đối với môi trường và phẩm chất sự sống nhân bản… Trong mỗi giai tầng xã hội, và giữa chúng với nhau, các định chế đều phát triển trong việc qui định các mối liên hệ nhân bản. Bất cứ điều gì làm suy yếu các định chế này đều có những hậu quả tiêu cực, như bất công, bạo lực và mất tự do. Một số quốc gia có cấp độ hiệu năng định chế tương đối thấp gây nhiều nan đề lớn lao hơn cho nhân dân của họ” [25]

24. Tư thế của các định chế xã hội dân sự ở khu vực Amazon hiện ra sao? Tài liệu Làm việc của Thượng Hội Đồng, một tài liệu vốn tổng hợp các đóng góp của nhiều cá nhân và nhóm từ khu vực Amazon, đã nói tới “nền văn hóa từng chuốc độc Nhà nước và các định chế của nó, thấm nhiễm mọi tầng lớp xã hội, kể cả các cộng đồng bản địa. Chúng tôi đang nói về một tai họa luân lý thực sự; kết quả là, việc mất niềm tin vào các định chế và các đại diện của chúng, một điều hoàn toàn làm mất uy tín của chính trị và các tổ chức xã hội. Các dân tộc Amazon không tránh khỏi tham nhũng, và kết cục, họ trở thành nạn nhân chính của nó” [26].

25. Chúng ta cũng không thể loại trừ khả thể này: các thành viên của Giáo hội từng là một phần của mạng lưới tham nhũng, đôi khi đến mức thoả hiệp giữ im lặng để đổi lấy hỗ trợ kinh tế cho các công trình của giáo hội. Chính vì lý do này, các đề xuất đã được đưa ra tại Thượng hội đồng nhằm khẳng định rằng “phải đặc biệt chú ý đến nguồn gốc của các quyên tặng hoặc các loại trợ cấp khác, cũng như các khoản đầu tư được thực hiện bởi các định chế giáo hội hoặc các cá nhân Kitô hữu” [27].

Đối thoại xã hội

26. Khu vực Amazon phải là nơi đối thoại xã hội, đặc biệt giữa các dân tộc nguyên thủy khác nhau, vì mục đích phát triển các hình thức hiệp thông và đấu tranh chung. Những người khác trong chúng ta được mời gọi tham gia với tư cách “khách” và hết sức trân trọng tìm kiếm các nẻo đường gặp gỡ để làm phong phú khu vực Amazon. Nếu muốn đối thoại, chúng ta nên đối thoại trước nhất với người nghèo. Họ không những chỉ là một bên khác để thuyết phục, hoặc chỉ đơn thuần là một cá nhân khác ngồi chung bàn với những người ngnag hàng. Họ là đối tác đối thoại chính của chúng ta, những người mà chúng ta có nhiều điều để học hỏi nhất, những người mà chúng ta cần lắng nghe vì nghĩa vụ công lý, và từ họ, chúng ta phải xin phép trước khi trình bày các đề xuất của chúng ta. Những lời nói, hy vọng và nỗi sợ hãi của họ nên là tiếng nói có thẩm quyền nhất tại bất cứ bàn đối thoại nào trong khu vực Amazon. Và câu hỏi lớn là: “Ý nghĩ của họ về ‘sống tốt’ nghĩa là gì cho bản thân họ và cho những người sẽ đến sau họ?”

27. Đối thoại không những chỉ ủng hộ việc ưu tiên chọn người nghèo, người bị hắt hủi và bị loại trừ, mà còn tôn trọng họ là người có vai trò hàng đầu. Những người khác phải được thừa nhận và quý trọng chính vì là những người khác, mỗi người có cảm xúc, lựa chọn và cách sống và làm việc của riêng họ. Nếu không, kết quả, một lần nữa, sẽ là “một kế hoạch được lập ra bởi một vài người cho một vài người” [28], nếu không phải “là sự đồng thuận trên giấy tờ hay một nền hòa bình thoáng qua cho một nhóm thiểu số hài lòng” [29]. Nếu là thế, thì “một giọng nói tiên tri phải được cất lên” [30], và Kitô hữu chúng ta được kêu gọi phải làm cho nó được người ta nghe thấy.

Điều này dẫn ta đến giấc mơ tiếp theo đây.

 

CHƯƠNG HAI: GIẤC MƠ VĂN HÓA

28. Điều quan trọng là cổ vũ khu vực Amazon, nhưng điều này không ngụ ý thực dân hóa nó về văn hóa mà thay vào đó giúp nó sản sinh ra những điều tốt nhất từ chính nó. Thực thế, đây là điều giáo dục có nghĩa vụ phải làm: vun sới chứ không bức gốc, phát huy tăng trưởng chứ không làm suy yếu bản sắc, hỗ trợ chứ không xâm lấn. Có những tiềm năng trong tự nhiên có thể bị mất đi mãi mãi thế nào, thì một điều tương tự có thể xảy ra với các nền văn hóa chưa có thông điệp nào được nghe thấy, nhưng hiện nay đang bị đe dọa hơn bao giờ hết như vậy.

Khối đa diện Amazon

29. Khu vực Amazon có nhiều dân tộc và quốc tịch, và hơn 110 dân tộc bản địa trong vùng cô lập tự nguyện (IPVI) [31]. Tình thế của họ rất mong manh và nhiều người cảm thấy họ là những người cầm cờ cuối cùng của một kho báu thế nào rồi cũng biến mất, chỉ được phép sống sót nếu không gây rắc rối, trong khi chính sách thực dân hậu hiện đại cứ thế tiến bước. Không nên xem họ như những kẻ man rợ “thiếu văn minh”. Họ chỉ đơn giản là những người thừa kế các nền văn hóa khác nhau và các hình thức văn minh khác mà thời kỳ trước đã phát triển khá cao [32].

30. Trước thời kỳ thực dân, dân cư tập trung ở bờ sông và bờ hồ, nhưng bước tiến thực dân đã đẩy những cư dân lớn tuổi vào sâu trong rừng. Ngày nay, việc càng ngày càng bị sa mạc hóa một lần nữa lại đẩy nhiều người trong số họ đến các vùng ngoại ô và vỉa hè của các thành phố, đôi khi trong tình trạng nghèo đói khủng khiếp nhưng cũng bị phân mảnh nội tâm do việc đánh mất các giá trị trước đây vốn nâng đỡ họ. Ở đó, họ thường thiếu các điểm qui chiếu và gốc rễ văn hóa từng cung cấp cho họ một bản sắc và một cảm thức về phẩm giá, và họ đã làm tăng hàng ngũ của những người bị ruồng bỏ. Điều này làm gián đoạn việc truyền tải bằng văn hóa sự khôn ngoan vốn được lưu truyền hàng thế kỷ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các thành phố, nơi nên là chỗ gặp gỡ, làm phong phú lẫn nhau và trao đổi giữa các nền văn hóa khác nhau, đã trở thành một khung cảnh bi thảm cho những cuộc đời bị vứt bỏ.

31. Mỗi dân tộc sống sót trong khu vực Amazon đều có bản sắc văn hóa riêng và sự phong phú độc đáo trong vũ trụ đa văn hóa của chúng ta, nhờ vào mối liên hệ chặt chẽ được các cư dân thiết lập với môi trường xung quanh trong một cộng sinh không có tính định mệnh thuyết, một cộng sinh khó có thể hình dung nếu sử dụng các pham trù tâm thần du nhập từ bên ngoài:

“Một khi đã có vùng quê, với sông ngòi, thú vật những đám mây và cây cối của nó.
Nhưng đôi lúc, khi nông thôn, với sông ngòi và cây cối,
không là đâu để nhìn thấy,
những điều này phải nảy sinh trong tâm trí của một đứa trẻ” [33].

“Biến dòng sông thành máu của bạn…
Sau đó trồng chính bạn,
đâm hoa và phát triển:
để rễ của bạn đâm xuống đất
mãi mãi,
và cuối cùng
trở thành một chiếc ca nô
một ván trượt, một cái bè,
đất, một cái bình,
một trang trại và một người đàn ông” [34].

32. Các nhóm người, lối sống và thế giới quan của họ, cũng đa dạng như chính vùng đất này, vì họ phải tự thích nghi với địa lý và các khả thể của nó. Người đánh cá không giống như người thợ săn, và người gặt hái nội địa không giống như những người canh tác vùng đất lũ lụt. Ngay cả hiện nay, chúng ta thấy ở khu vực Amazon, hàng ngàn cộng đồng bản địa, người gốc Phi Châu, người sông ngòi và cư dân thành phố, họ khác nhau và bao gồm một sự đa dạng nhân bản lớn lao. Ở mỗi vùng đất và đặc điểm của nó, Thiên Chúa tự tỏ mình Người ra và phản ảnh một điều gì đó trong vẻ đẹp bất tận của Người. Do đó, mỗi nhóm riêng biệt, trong một tổng hợp sinh tử với môi trường xung quanh, khai triển hình thức khôn ngoan của riêng họ. Những người trong chúng ta quan sát điều này từ bên ngoài nên tránh việc tổng quát hóa không hợp tình hợp lý, những lập luận và kết luận đơn giản chỉ dựa trên cơ sở các khung suy nghĩ và kinh nghiệm riêng của chính chúng ta.

Chăm sóc các gốc rễ

33. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, “một viễn kiến duy tiêu thụ về các hữu thể nhân bản, được khuyến khích bởi các cơ chế của nền kinh tế hoàn cầu hóa ngày nay, có tác dụng san bằng các nền văn hóa, làm giảm đi tính đa dạng vốn là di sản của toàn thể nhân loại” [35]. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi, vì nó có xu hướng “làm mờ nhạt những gì khác biệt về nguồn gốc và bối cảnh của họ, và biến họ thành một dòng hàng hóa mới dễ uốn nắn” [36]. Để ngăn chặn quá trình bần cùng hóa con người này, cần phải quan tâm một cách yêu thương đến các gốc rễ của chúng ta, vì chúng là “điểm cố định để từ đó, chúng ta có thể phát triển và đương đầu với các thách đố mới” [37]. Tôi kêu gọi những người trẻ tuổi ở khu vực Amazon, đặc biệt các dân tộc bản địa, “hãy chịu trách nhiệm đối với gốc rễ của các bạn, bởi vì từ những gốc rễ này, sẽ phát sinh sức mạnh giúp các bạn lớn lên, đơm hoa và kết trái” [38]. Đối với những người trong số họ đã được rửa tội, những gốc rễ này bao gồm lịch sử của dân tộc Israel và của Giáo hội cho đến ngày nay. Kiến thức về chúng có thể mang lại niềm vui và, trên hết, niềm hy vọng có khả năng gợi hứng cho những hành động cao thượng và can đảm.

34. Trong nhiều thế kỷ, các dân tộc Amazon truyền lại sự khôn ngoan văn hóa của họ bằng lời nói, với những huyền thoại, truyền thuyết và những câu chuyện, như trong trường hợp “những người kể chuyện ban sơ vượt qua rừng rậm mang theo những câu chuyện từ thị trấn này đến thị trấn nọ, giữ cho một cộng đồng sống động mà, nếu không có cuống rốn của những câu chuyện đó, khoảng cách và việc thiếu truyền thông sẽ phân mảnh và và làm họ tan biến” [39]. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là “để người già kể lại những câu chuyện dài của họ” [40] và để người trẻ dành thì giờ uống thật sâu từ nguồn nước đó.

35. Mặc dù ngày càng có nguy cơ này: sự giàu có về văn hóa này sẽ biến mất; cảm ơn Thiên Chúa, trong những năm gần đây, một số dân tộc đã viết ra những câu chuyện của họ và mô tả ý nghĩa trong các phong tục của họ. Nhờ cách này, chính bản thân họ có thể minh nhiên thừa nhận rằng họ sở hữu một điều gì đó hơn cả bản sắc dân tộc và họ là những người mang những ký ức qúy giá cá nhân, gia đình và tập thể. Tôi rất vui khi thấy những người đã mất tiếp xúc với các gốc rễ của họ nay đang cố gắng phục hồi ký ức bị hư hại của họ. Rồi cả các lĩnh vực chuyên nghiệp cũng đã được thấy một cảm thức ngày càng gia tăng về bản sắc Amazon; ngay đối với những người là hậu duệ của người nhập cư, khu vực Amazon cũng đã trở thành một nguồn cho cảm hứng nghệ thuật, văn chương, âm nhạc và văn hóa. Các nghệ thuật khác nhau, và đặc biệt thi ca, đã tìm thấy nguồn cảm hứng trong nước, rừng, sự sống sôi động, cũng như sự đa dạng văn hóa và các thách đố sinh thái và xã hội của nó.

Cuộc gặp gỡ liên văn hóa

36. Giống như mọi thực tại văn hóa, các nền văn hóa của khu vực nội địa Amazon có giới hạn của chúng. Văn hóa đô thị phương Tây cũng có những giới hạn của chúng. Các nhân tố như duy tiêu thụ, duy cá nhân, kỳ thị, bất bình đẳng và bất cứ số lượng nhân tố khác đều nói lên mặt yếu hơn của các nền văn hóa được cho là phát triển hơn. Các nhóm sắc tộc, khi tương tác với thiên nhiên, đã phát triển một kho tàng văn hóa được đánh dấu bởi cảm thức cộng đồng mạnh mẽ, sẵn sàng nhận thấy các khía cạnh đen tối hơn của chúng ta, mà chúng ta không nhận ra giữa diễn trình cho là tiến bộ của chúng ta. Do đó, điều rõ ràng có lợi là lắng nghe kinh nghiệm sống của họ.

37. Bắt đầu từ gốc rễ của chúng ta, chúng ta hãy ngồi quanh chiếc bàn chung, nơi đàm đạo và hy vọng chung. Nhờ cách này, các khác biệt của chúng ta, các khác biệt bề ngoài giống như một biểu ngữ hoặc một bức tường, có thể trở thành một cây cầu. Bản sắc và đối thoại không phải là các kẻ thù. Bản sắc văn hóa của chúng ta được củng cố và làm phong phú như kết quả của cuộc đối thoại với những người không giống như chúng ta. Bản sắc chân chính của chúng ta cũng không được bảo tồn bởi một sự cô lập nghèo nàn. Tôi không hề đề xuất một “chủ nghĩa duy bản địa” hoàn toàn khép kín, phi lịch sử, tĩnh tụ, vốn bác bỏ bất cứ loại pha trộn nào (mestizaje). Một nền văn hóa có thể trở nên cằn cỗi khi nó “trở nên hướng nội và cố gắng duy trì mãi mãi các cách sống lỗi thời bằng cách bác bỏ mọi trao đổi hoặc tranh luận liên quan đến sự thật về con người” [41]. Điều đó sẽ không thực tiễn, vì không dễ gì bảo vệ bản thân khỏi sự xâm lăng văn hóa. Vì lý do này, việc lưu ý và quan tâm đối với các giá trị văn hóa của các nhóm bản địa nên được mọi người chia sẻ, vì sự phong phú của họ cũng là sự phong phú của chúng ta. Nếu bản thân chúng ta không gia tăng cảm thức đồng trách nhiệm đối với tính đa dạng vốn làm đẹp nhân tính của chúng ta, chúng ta khó có thể yêu cầu các nhóm trong rừng sâu cởi mở một cách không phê phán đối với “nền văn minh”.

38. Ở khu vực Amazon, ngay giữa các dân tộc nguyên thủy khác nhau, vẫn có thể phát triển “các mối tương quan liên văn hóa, trong đó, sự đa dạng không có nghĩa là đe dọa, và không biện minh cho các phẩm trật quyền lực của một số người trên những người khác, mà là cuộc đối thoại giữa các viễn kiến văn hóa, cử hành khác nhau, các mối liên hệ qua lại và sự hồi sinh hy vọng” [42].

Các nền văn hóa lâm nguy, các dân tộc gặp nguy cơ

39. Nền kinh tế hoàn cầu hóa đang trân tráo phá hoại sự phong phú nhân bản, xã hội và văn hóa. Sự tan rã của các gia đình đang diễn ra như hậu quả của các cuộc di cư bắt buộc ảnh hưởng đến việc truyền tải các giá trị, vì “gia đình là và luôn luôn là định chế xã hội đóng góp nhiều nhất vào việc giữ cho nền văn hóa của chúng ta sinh động” [43]. Hơn nữa, “đối diện với sự xâm chiếm thực dân hóa của các phương tiện truyền thông đại chúng”, điều cần là phải cổ vũ nơi các dân tộc nguyên thủy “các hình thức truyền thông thay thế dựa trên ngôn ngữ và văn hóa của chính họ” và để “chính các chủ thể bản địa hiện diện trong các phương tiện truyền thông đã có sẵn” [44].

40. Trong bất cứ dự án nào cho khu vực Amazon, “điều cần là phải tôn trọng các quyền của các dân tộc và các nền văn hóa và đánh giá cao điều này: việc phát triển của một nhóm xã hội giả thiết một diễn trình lịch sử diễn ra trong bối cảnh văn hóa và đòi một sự tham gia liên tục và tích cực của người dân địa phương ngay từ trong nền văn hóa riêng của họ. Khái niệm phẩm chất cuộc sống cũng không thể được áp đặt từ bên ngoài, vì phẩm chất cuộc sống phải được hiểu bên trong thế giới các biểu tượng và phong tục riêng của từng nhóm người” [45]. Nếu các nền văn hóa tổ tiên của các dân tộc nguyên thủy phát sinh và phát triển trong việc tiếp xúc mật thiết với môi trường tự nhiên, thì rất khó cho họ không bị ảnh hưởng một khi môi trường đó bị hủy hoại.

Điều này dẫn chúng ta đến giấc mơ tiếp theo.

 

CHƯƠNG BA: GIẤC MƠ SINH THÁI

41. Trong một thực tại văn hóa như khu vực Amazon, nơi có mối liên hệ hết sức chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên, sự sinh tồn hàng ngày luôn có tính vũ trụ. Giải thoát người khác khỏi hình thức nô lệ của họ chắc chắn bao gồm việc chăm sóc môi trường và bảo vệ nó [46], nhưng, quan trọng hơn, còn là giúp trái tim con người cởi mở đối với niềm tín thác vào Thiên Chúa, Đấng không những chỉ tạo ra mọi sự đang hiện hữu, mà còn tự hiến cho chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô. Chúa, Đấng là người đầu tiên chăm sóc chúng ta, dạy chúng ta chăm sóc anh chị em chúng ta và môi trường mà Người ban cho chúng ta hàng ngày. Đây là hệ sinh thái đầu tiên mà chúng ta cần.

Trong khu vực Amazon, người ta hiểu rõ hơn lời lẽ của Đức Bênêđíctô XVI khi ngài nói rằng, “bên cạnh hệ sinh thái tự nhiên, hiện có điều có thể gọi là hệ sinh thái ‘nhân bản’, một hệ sinh thái, ngược lại, đòi phải có một hệ sinh thái ‘xã hội’. Tất cả điều này có nghĩa nhân loại… phải ngày càng ý thức được các mối liên kết giữa sinh thái tự nhiên, hay việc tôn trọng đối với thiên nhiên và sinh thái nhân bản” [47]. Điều nhấn mạnh cho rằng “mọi sự được nối kết qua lại với nhau” [48] đặc biệt đúng đối với một lãnh thổ như khu vực Amazon.

42. Nếu việc chăm sóc người ta và sự chăm sóc các hệ sinh thái là điều không thể tách biệt nhau, thì điều này trở nên đặc biệt quan trọng ở những nơi “rừng không phải là tài nguyên để khai thác; nó là một hữu thể, hoặc nhiều hữu thể khác nhau, mà chúng ta phải liên hệ với” [49]. Sự khôn ngoan của các dân tộc nguyên thủy trong khu vực Amazon đã “gợi hứng việc chăm sóc và tôn trọng đối với sáng thế, trong khi ý thức rõ các giới hạn của nó và ngăn cấm việc lạm dụng nó. Lạm dụng thiên nhiên là lạm dụng các tổ tiên, anh chị em của chúng ta, là lạm dụng sáng thế và Đấng Tạo hóa, và thế chấp tương lai” [50]. Khi các dân tộc bản địa “ở lại trên đất đai của họ, họ chăm sóc nó tốt nhất” [51], miễn là họ không để mình bị phỉnh lừa bởi các bài ca mỹ nhân ngư và những đề xuất tự phục vụ của các nhóm quyền lực. Tác hại đối với thiên nhiên ảnh hưởng đến các dân tộc đó một cách rất trực tiếp và có thể kiểm chứng được, vì, theo lời họ, “chúng tôi là nước, không khí, trái đất và sự sống của môi trường do Thiên Chúa tạo dựng. Vì lý do này, chúng tôi yêu cầu chấm dứt việc ngược đãi và hủy diệt Mẹ Đất. Đất có máu, và bà đang chảy máu; các công ty đa quốc đã cắt đứt mạch máu của Mẹ Đất chúng tôi” [52].

Giấc mơ này làm bằng nước

43. Ở vùng Amazon, nước là nữ hoàng; sông và suối giống như các tĩnh mạch và nước quyết định mọi hình thức sống:

“Ở đó, giữa mùa hè, khi những cơn gió cuối cùng từ phương Đông dịu dần trong không khí tĩnh lặng, thuỷ kế thay thế cho nhiệt kế trong việc xác định thời tiết. Các sự sống phụ thuộc vào sự thay đổi đau đớn của mức lên và mức xuống nơi những con sông lớn. Những con sông này luôn luôn dâng lên một cách đầy ấn tượng. Sông Amazon ứa tràn đáy của nó và chỉ trong vài ngày đã làm mực nước của nó dâng cao… Lũ lụt khiến mọi sự dừng lại. Mắc kẹt trong tán lá rậm rạp của các igarapies, con người đành phải hết sức bình thản ngồi chờ cái mùa đông nghịch lý làm nhiệt độ lên cao đó kết thúc. Mùa nước rút là mùa hè. Lúc đó là lúc hồi sinh các hoạt động nguyên thủy của những người tiếp tục hoạt động với hình thức sống duy nhất tương ứng với các thái cực bất bình đẳng của thiên nhiên khiến cho việc tiếp tục bất cứ nỗ lực nào cũng là điều bất khả” [53].

44. Luồng nước lung linh của dòng sông Amazon vĩ đại thu thập và làm sinh động mọi môi trường xung quanh:

“Dòng Amazon,
vốn liếng các âm tiết nước,
cha già và tổ phụ, ngươi là
sự vĩnh cửu ẩn giấu
của mọi diễn trình thụ tinh;
mọi dòng suối suôi về ngươi như chim chóc” [54].

45. Sông Amazon cũng là cột sống tạo ra sự hài hòa và thống nhất: “sông không chia rẽ chúng tôi. Nó đoàn kết chúng tôi và giúp chúng tôi sống với nhau giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau” [55]. Mặc dù đúng là ở những vùng đất này có nhiều “vùng Amazon”, nhưng trục chính vẫn là dòng sông vĩ đại, con đẻ của nhiều dòng sông:

“Từ dãy núi cao, nơi có tuyết muôn đời, nước chảy xuống và vạch ra một đường lung linh dọc theo lớp da xưa của tảng đá: Amazon được sinh hạ. Nó được sinh hạ từng giây. Nó từ từ chẩy xuống, như một tia sáng ngoằn ngoèo, rồi phình ra ở phía bình nguyên. Chẩy mạnh trên những khoảng xanh um, nó phát minh ra đường đi riêng của mình và rồi tìm cách mở rộng. Nước dưới đất dâng lên ôm lấy dòng nước chẩy xuống từ dãy Andes. Từ lòng những đám mây trắng tinh khiết, bị gió cuốn đi, nước từ trời rơi xuống. Nó thu thập và tiến bước, nhân thừa trên những con đường vô tận, tắm những đồng bằng vo tận… Đây là Dòng Amazon Vĩ Đại, bao trùm vùng nhiệt đới oi bức với những khu rừng rậm một cách đáng kinh ngạc, những khúc bao la chưa có tay người đụng tới, sinh động với sự sống xuyên suốt dòng nước sâu thẳm của nó… Từ lúc con người sống ở đó, đã phát sinh từ thẳm sâu vùng nước của nó, và xuyên qua trái tim khu rừng của nó, một nỗi sợ hãi khủng khiếp: cuộc sống của nó từ từ nhưng chắc chắn sẽ đến hồi kết thúc” [56].

46. Các nhà thơ bình dân, say mê vẻ đẹp mênh mông của nó, đã cố gắng bày tỏ cảm xúc mà dòng sông này gợi lên và sự sống được nó ban tặng khi nó băng qua giữa một điệu múa của cá heo, con trăn, cây và ca nô. Tuy nhiên, họ cũng than vãn về các nguy hiểm đang đe dọa nó. Những nhà thơ, vốn là những nhà chiêm niệm và tiên tri, giúp giải thoát chúng ta khỏi mô hình kỹ trị và duy tiêu thụ vốn phá hủy thiên nhiên và cướp đi của chúng ta một cuộc sống đáng sống:

“Thế giới đang đau khổ vì bàn chân nó bị biến thành cao su, chân nó biến thành da, cơ thể thành vải và đầu thành thép…Thế giới đang đau khổ vì cây cối bị biến thành súng trường, lưỡi cày thành xe tăng, như hình ảnh người gieo đang gieo hạt phải nhường chỗ cho xe tăng với súng phun lửa, chỉ những gieo sa mạc. Chỉ có thi ca, với giọng nói khiêm nhường, mới có thể cứu thế giới này” [57].

Tiếng khóc của vùng Amazon

47. Thi ca giúp cảm giác đau đớn được nhiều người trong chúng ta ngày nay chia sẻ có tiếng nói. Sự thật không thể chối cãi là, như sự việc vốn như thế, cách đối xử với lãnh thổ Amazon nói lên sự kết liễu cho rất nhiều sự sống, rất nhiều vẻ đẹp, mặc dù người ta muốn tiếp tục nghĩ rằng không có gì xảy ra cả:

“Những người nghĩ rằng sông ngòi chỉ là một sợi dây thừng,
một thứ đồ chơi, đã lầm lẫn.
Sông ngòi là một mạch máu mỏng trên mặt trái đất… Sông ngòi là cột sống bao gồm động vật và cây cối.

Nếu kéo quá chặt, sông ngòi sẽ vỡ.
Khi vỡ nó sẽ toé lên mặt mũi ta nước và máu” [58].

48. Trạng thái quân bằng của hành tinh ta cũng phụ thuộc vào sự lành mạnh của khu vực Amazon. Cùng với sinh quần của Congo và Borneo, nó chứa đựng sự đa dạng rực rỡ của vùng rừng, mà chu kỳ mưa, sự cân bằng khí hậu và sự đa dạng lớn lao của nhiều sinh vật phải phụ thuộc vào. Nó như một bộ lọc vĩ đại chất carbon dioxide, giúp tránh việc trái đất nóng lên. Phần lớn, bề mặt của nó rất kém lớp đất cay (topsoil), kết quả là “rừng thực sự phát triển trên đất chứ không phải từ đất” [59]. Khi rừng bị loại bỏ, nó không được thay thế, vì tất cả những gì còn lại chỉ là một địa hình có ít chất dinh dưỡng sau đó biến thành một vùng đất khô hoặc nghèo nàn về thảm thực vật. Điều này khá nghiêm trọng, vì bên trong rừng Amazon chứa bất tận tài nguyên có thể chứng minh là cần để chữa bệnh. Cá, trái cây và những hồng phúc phong phú khác cung cấp dinh dưỡng dư dật cho nhân loại. Hơn nữa, trong một hệ sinh thái như hệ sinh thái của khu vực Amazon, mỗi phần đều cần thiết cho việc bảo tồn toàn bộ. Các vùng bình nguyên và thảm thực vật biển cũng cần được làm cho mầu mỡ nhờ phù sa của Amazon. Tiếng kêu của khu vực Amazon thấu đến tai mọi người vì, “cuộc chinh phục và khai thác các tài nguyên… ngày nay đã đạt đến mức đe dọa khía cạnh hiếu khách của môi trường: môi trường hiểu như ‘tài nguyên’ có nguy cơ đe dọa môi trường hiểu như ‘ngôi nhà’” [60]. Quyền lợi của một vài ngành công nghiệp quyền thế không nên được coi là quan trọng hơn quyền lợi của khu vực Amazon và toàn thể nhân loại.

49. Sẽ không đủ nếu chỉ quan tâm đến việc bảo tồn các loài dễ thấy nhất có nguy cơ tuyệt chủng. Việc hết sức quan trọng là nhận ra rằng, “sự vận hành tốt của các hệ sinh thái cũng cần có nấm, tảo, giun, côn trùng, loài bò sát và vô số vi sinh vật. Một số ít loài hơn, mặc dù nói chung không được nhìn thấy, vẫn đóng một vai trò chủ chốt trong việc duy trì trạng thái quân bằng của một nơi chốn đặc thù” (61). Điều này dễ dàng bị làm ngơ khi đánh giá tác động môi sinh của các dự án kinh tế về khai khoáng, năng lượng, gỗ và các kỹ nghệ khác đang phá hủy và gây ô nhiễm. Ngoài ra, nước, có rất nhiều trong khu vực Amazon, cũng là một lợi ích cho sự sống còn của con người, nhưng các nguồn gây ô nhiễm (cho nó) cũng đang gia tăng [62].

50. Thật vậy, ngoài các quyền lợi kinh tế của các doanh nhân và chính trị gia địa phương, còn có “các quyền lợi kinh tế hoàn cầu rất lớn nữa” [63]. Do đó, không được tìm giải pháp trong việc “quốc tế hóa” khu vực Amazon [64], mà đúng hơn phải có cảm thức trách nhiệm lớn hơn về phía các chính phủ quốc gia. Về phương diện này, “chúng ta không thể không ca ngợi sự cam kết của các cơ quan quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự đang thu hút sự chú ý của công chúng đối với các vấn đề này và đề nghị một sự hợp tác quan yếu, sử dụng các biện pháp gây áp lực hợp pháp, để đảm bảo điều này: mỗi chính phủ thực thi trách nhiệm đúng đắn và bất khả nhượng của mình trong việc bảo tồn môi trường và tài nguyên thiên nhiên của đất nước mình, mà không đầu hàng các quyền lợi giả mạo địa phương hoặc quốc tế” [65].

51. Để bảo vệ khu vực Amazon, điều tốt là kết hợp túi khôn của tổ tiên với kiến thức kỹ thuật đương thời, luôn cố gắng có được việc quản lý đất đai bền vững trong khi duy trì được lối sống và hệ giá trị của những người sống ở đó [66]. Họ, nhất là các dân tộc nguyên thủy, có quyền nhận – ngoài nền giáo dục căn bản – các thông tri thấu đáo và thẳng thắn về các dự án, mức độ và hậu quả cùng rủi ro của chúng, để có thể liên kết thông tin đó vào quyền lợi của chính họ và vào kiến thức của họ về nơi này, và do đó cung cấp hoặc từ chối sự đồng ý của họ, hoặc đề xuất các phương thức thay thế [67].

52. Kẻ có quyền không bao giờ hài lòng với những lợi nhuận họ kiếm được, và các tài nguyên của quyền lực kinh tế tăng lên rất nhiều nhờ những tiến bộ khoa học và kỹ thuật. Vì lý do này, tất cả chúng ta nên nhấn mạnh tới nhu cầu cấp thiết phải thiết lập “một khung pháp lý có thể định ranh giới rõ ràng và bảo đảm việc bảo vệ hệ sinh thái… nếu không, các cơ cấu quyền lực mới dựa trên mô hình kinh tế kỹ thuật có thể trấn áp không những nền chính trị của chúng ta, mà cả tự do và công lý nữa” [68]. Nếu Thiên Chúa kêu gọi chúng ta lắng nghe cả tiếng khóc của người nghèo lẫn tiếng khóc của trái đất [69], thì đối với chúng ta, “tiếng khóc của vùng Amazon với Đấng Tạo Hóa giống như tiếng khóc của dân Chúa ở Ai Cập (x. Xh 3: 7). Đó là tiếng khóc của cảnh nô lệ và bị bỏ rơi nài nỉ xin được tự do” [70].

Lời tiên tri chiêm niệm

53. Chúng ta thường để lương tâm mình ra u mê, vì “các xao lãng liên tục làm mờ đi nhận thức của chúng ta về việc thế giới của chúng ta thực sự giới hạn và hữu hạn ra sao” [71]. Từ một quan điểm hời hợt, chúng ta có thể nghĩ rằng “các sự vật trông không nghiêm trọng như thế đâu và hành tinh ta có thể tiếp tục như vậy trong một thời gian dài. Sự lảng tránh như vậy đóng vai trò như một giấy phép để tiếp tục lối sống và mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại của chúng ta. Đây là cách con người cố gắng nuôi dưỡng những tật xấu tự hủy hoại chính mình: cố gắng không nhìn thấy chúng, cố gắng không thừa nhận chúng, trì hoãn các quyết định quan trọng và giả vờ cho rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra” [72].

54. Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy rằng mỗi loài khác biệt đều có một giá trị ngay trong nó, nhưng “mỗi năm, người ta đều thấy sự biến dạng của hàng ngàn loài thực vật và động vật mà chúng ta sẽ không bao giờ biết, mà con cháu chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy, vì chúng đã bị mất vĩnh viễn. Đại đa số trở nên tuyệt chủng vì những lý do liên quan đến hoạt động của con người. Vì chúng ta, hàng ngàn loài sẽ không còn dành vinh quang cho Thiên Chúa bằng chính sự hiện hữu của chúng, cũng như không truyền đạt thông điệp của chúng cho chúng ta. Chúng ta không có quyền như vậy” [73].

55. Từ các dân tộc nguyên thủy, chúng ta có thể học cách chiêm ngưỡng khu vực Amazon chứ không phải chỉ phân tích nó, và do đó đánh giá cao mầu nhiệm quý giá vốn vượt quá chúng ta này. Chúng ta có thể yêu thương nó, chứ không phải chỉ sử dụng nó, với kết quả là tình yêu có thể đánh thức một sự quan tâm sâu sắc và chân thành. Thậm chí hơn nữa, chúng ta có thể cảm thấy một cách thân thiết là một phần của nó chứ không phải chỉ bảo vệ nó; như thế, khu vực Amazon sẽ một lần nữa trở thành một người mẹ đối với chúng ta. Vì “chúng ta không nhìn vào thế giới từ bên ngoài mà từ bên trong, ý thức được mối liên kết mà Chúa Cha đã liên kết chúng ta với mọi hữu thể” [74].

56. Chúng ta hãy đánh thức cảm thức thẩm mỹ và chiêm niệm Thiên Chúa ban cho chúng ta, cảm thức mà chúng ta thường để phai nhạt. Chúng ta hãy nhớ rằng, “nếu ai đó không học cách dừng lại và chiêm ngưỡng một điều gì đó đẹp đẽ, chúng ta không nên ngạc nhiên nếu người đó coi mọi sự như một đồ vật để sử dụng và lạm dụng vô tư” [75]. Mặt khác, nếu chúng ta bước vào hiệp thông với rừng, tiếng nói của chúng ta sẽ dễ dàng hòa quyện với tiếng nói của nó và trở thành một lời cầu nguyện: “khi chúng ta nghỉ ngơi dưới bóng cây bạch đàn cổ xưa, lời cầu xin ánh sáng của chúng ta hòa vào lời ca của tán lá muôn thuở” [76]. Việc hoán cải bên trong này sẽ cho phép chúng ta khóc cho khu vực Amazon và tham gia tiếng khóc của nó thấu tới Chúa.

57. Chúa Giêsu nói: “Há năm con chim sẻ không bán với giá hai đồng xu ư? Tuy nhiên, không ai trong số chúng bị lãng quên dưới ánh mắt Thiên Chúa” (Lc 12: 6). Thiên Chúa Cha của chúng ta, Đấng đã tạo ra mỗi hữu thể trong vũ trụ bằng tình yêu vô hạn, mời gọi chúng ta trở thành phương thế của Người để nghe tiếng khóc của khu vực Amazon. Nếu chúng ta đáp lại lời cầu xin xé lòng này, điều trở nên rõ ràng là các tạo vật của khu vực Amazon không bị Cha Thiên đàng của chúng ta lãng quên. Đối với các Kitô hữu, chính Chúa Giêsu đã lớn tiếng nói với chúng ta từ giữa chúng rằng, “vì Đấng sống lại đang mầu nhiệm ôm chúng vào chính Người và hướng chúng tới sự viên mãn như cùng đích của chúng. Những bông hoa ngoài đồng và chim chóc mà đôi mắt nhân bản của Người chiêm ngưỡng và khen ngợi giờ đây đã thấm đẫm sự hiện diện rạng rỡ của Người” [77]. Vì tất cả những lý do này, các tín hữu chúng ta gặp được ở vùng Amazon một nguồn cứ liệu thần học, một không gian nơi chính Thiên Chúa tự mặc khai Người và triệu tập các con trai và con gái của Người.

Giáo dục và các thói quen sinh thái

58. Về phương diện này, chúng ta có thể tiến thêm một bước và ghi nhận rằng một hệ sinh thái toàn diện không thể chỉ hài lòng với các vấn đề kỹ thuật tinh chỉnh hoặc các quyết định chính trị, pháp lý và xã hội. Hệ sinh thái tốt nhất luôn có chiều kích giáo dục có khả năng khuyến khích việc phát triển các thói quen mới nơi các cá nhân và các nhóm. Đáng buồn thay, nhiều cá nhân và nhóm sống ở khu vực Amazon đã thủ đắc nhiều thói quen điển hình của các thành phố lớn, nơi chủ nghĩa tiêu thụ và văn hóa lãng phí đã ăn sâu. Một hệ sinh thái lành mạnh và bền vững, tức hệ sinh thái có khả năng tạo ra sự thay đổi, sẽ không phát triển trừ khi người ta chịu thay đổi, trừ khi họ được khuyến khích chọn một phong cách sống khác, một một cách sống ít tham lam và thanh thản hơn, biết tôn trọng và ít lo lắng hơn, huynh đệ hơn.

59. Thật vậy, “trái tim một người càng trống rỗng, họ càng cần nhiều thứ để mua, để sở hữu và tiêu thụ. Gần như không thể chấp nhận được các giới hạn do thực tại áp đặt… Mối quan tâm của chúng ta không thể chỉ giới hạn vào mối đe dọa của các biến cố thời tiết khắc nghiệt, nhưng còn phải mở rộng đến cả các hậu quả thảm khốc của bất ổn xã hội. Nỗi ám ảnh về lối sống tiêu thụ, nhất là khi số ít người có khả năng duy trì nó, chỉ có thể dẫn đến bạo lực và hủy diệt lẫn nhau” [78].

60. Giáo hội, với kinh nghiệm tâm linh rộng lớn, việc đánh giá mới của Giáo Hội về giá trị của Sáng thế, mối quan tâm của Giáo Hội đối với công lý, lựa chọn người nghèo, truyền thống giáo dục và lịch sử của Giáo Hội đã nhập thân vào nhiều nền văn hóa khác nhau trên khắp thế giới, cả mong muốn đóng góp vào việc bảo vệ và tăng trưởng của khu vực Amazon nữa.

Điều này dẫn đến giấc mơ tiếp theo, mà tôi muốn chia sẻ trực tiếp hơn với các mục tử và tín hữu Công Giáo.

CHƯƠNG BỐN: GIẤC MƠ GIÁO HỘI

61. Giáo hội được kêu gọi nhập vào cuộc hành trình bên cạnh người dân khu vực Amazon. Ở châu Mỹ Latinh, hành trình này đã tìm thấy biểu hiện ưu tuyển tại Hội đồng Giám mục ở Medellin (1968) và áp dụng của nó vào khu vực Amazon tại Santarem (1972), [79], tiếp theo là Puebla (1979), Santo Domingo (1992) và Aparecida ( 2007). Cuộc hành trình này vẫn tiếp diễn, và các nỗ lực truyền giáo, nếu muốn phát triển một Giáo hội với khuôn mặt Amazon, cần phải phát triển trong nền văn hóa gặp gỡ hướng tới một sự hòa hợp đa diện” [80]. Nhưng để sự nhập thân của Giáo hội và Tin mừng khả hữu, việc công bố truyền giáo vĩ đại phải tiếp tục vang lên.

Thông điệp cần được nghe tại khu vực Amazon

62. Nhận ra nhiều vấn đề và nhu cầu xuất phát từ trái tim khu vực Amazon, chúng ta có thể trả lời bắt đầu bằng các tổ chức, các tài nguyên kỹ thuật, các cơ hội để thảo luận và các chương trình chính trị: tất cả những điều này có thể là một phần của giải pháp. Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta không thể để qua một bên lời kêu gọi đức tin mà chúng ta vốn nhận được từ Tin Mừng. Trong mong muốn của chúng ta đấu tranh bên cạnh mọi người, chúng ta không xấu hổ về Chúa Giêsu Kitô. Những người đã từng gặp gỡ Người, những người đang sống như bạn bè của Người và đồng cảm với thông điệp của Người, chắc chắn phải nói về Người và mang đến cho người khác lời đề nghị ban sự sống mới của Người: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9:16).

63. Một lựa chọn chân chính đối với người nghèo và người bị bỏ rơi, đồng thời thúc đẩy chúng ta giải phóng họ khỏi nghèo đói vật chất và bảo vệ quyền lợi của họ, cũng bao gồm việc mời gọi họ tiến tới một tình bằng hữu với Chúa, một tình bằng hữu có thể nâng cao và làm họ có phẩm giá. Thật đáng buồn nếu họ nhận được từ chúng ta một bộ giáo huấn hoặc quy tắc luân lý, nhưng không phải là thông điệp cứu rỗi vĩ đại, lời kêu gọi truyền giáo nhằm nói với trái tim và mang lại ý nghĩa cho mọi sự khác ở trong đời. Chúng ta cũng không thể hài lòng với một thông điệp xã hội. Nếu chúng ta cống hiến cả đời mình để phục vụ họ, để làm việc cho công lý và phẩm giá mà họ đáng có, chúng ta không thể che giấu sự thật này: chúng ta làm thế vì chúng ta thấy Chúa Kitô trong họ và vì chúng ta thừa nhận phẩm giá vĩ đại mà họ đã nhận được từ Thiên Chúa, vốn là Cha yêu thương họ bằng tình yêu vô biên.

64. Họ có quyền nghe Tin Mừng, và trên hết là giáo lý sơ truyền, tức kerygma, vốn là “lời công bố chính, lời công bố mà chúng ta phải nghe đi nghe lại theo những cách khác nhau, lời công bố chúng ta phải công bố một cách này hay cách khác” [81]. Nó công bố một Thiên Chúa vô cùng yêu thương mọi con người nam nữ và đã mặc khải tình yêu này một cách trọn vẹn trong Chúa Giêsu Kitô, bị đóng đinh vì chúng ta và sống lại trong cuộc sống của chúng ta. Tôi sẽ yêu cầu anh chị em đọc lại bản tóm tắt ngắn gọn “thông điệp vĩ đại” này, tìm thấy trong Chương Bốn của Tông Huấn Christus Vivit. Thông điệp đó, được phát biểu nhiều cách khác nhau, phải liên tục vang lên trong khu vực Amazon. Nếu không có lời tuyên bố hăng say đó, mọi cơ cấu giáo hội sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ khác và chúng ta sẽ không tuân theo mệnh lệnh do Chúa Kitô ban cho chúng ta: “Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho toàn bộ sáng thế” (Mc 16:15).

65. Bất cứ dự án phát triển nào trong đời sống Kitô hữu cần phải liên tục tập trung vào thông điệp này, vì “mọi cuộc đào tạo Kitô giáo nào cũng bao gồm việc vào sâu kerygma hơn nữa” [82]. Đáp ứng căn bản đối với thông điệp này, khi nó dẫn đến một cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa, là lòng bác ái huynh đệ, “điều răn mới, điều răn đầu tiên và lớn nhất trong các điều răn, và là điều xác định rõ nhất chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô” [83 ]. Thật vậy, giáo lý sơ truyền (kerygma) và tình bác ái huynh đệ tạo thành tổng hợp vĩ đại của toàn bộ nội dung Tin Mừng, phải được công bố không ngừng trong khu vực Amazon. Đó là điều lên khuôn cho cuộc sống của các nhà truyền giảng Tin Mừng vĩ đại của Châu Mỹ Latinh, như Thánh Turibiô thành Mogrovejo hoặc Thánh Giuse thành Anchieta.

Hội nhập văn hóa

66. Khi kiên trì thuyết giảng giáo lý sơ truyền (kerygma), Giáo hội cũng cần lớn lên trong khu vực Amazon. Khi làm như vậy, Giáo Hội liên tục lên khuôn lại bản sắc của mình qua việc lắng nghe và đối thoại với người ta, với các thực tại và lịch sử của những vùng đất nơi Giáo Hội thấy mình hiện diện. Nhờ cách này, Giáo Hội có thể ngày càng can dự nhiều hơn vào một diễn trình hội nhập văn hóa cần thiết, một diễn trình vốn không bác bỏ bất cứ điều gì tốt đẹp vốn tồn tại trong các nền văn hóa Amazon, nhưng đem nó đến sự thành toàn dưới ánh sáng Tin Mừng [84]. Giáo Hội cũng không khinh miệt sự phong phú của túi khôn Kitô giáo được lưu truyền qua nhiều thế kỷ, như thể người ta muốn làm ngơ lịch sử, trong đó, Thiên Chúa vốn hành động nhiều cách. Vì Giáo hội có một khuôn mặt đa dạng, “không những về mặt không gian… mà còn cả về mặt thời gian nữa” [85]. Ở đây, chúng ta thấy Truyền thống chân chính của Giáo hội, vốn không phải là một kho tĩnh tụ hay một món đồ ở viện bảo tàng, mà là gốc rễ của một thân cây không ngừng lớn lên [86]. Truyền thống hàng ngàn năm này làm chứng cho công việc của Thiên Chúa, ở giữa dân Người và “được kêu gọi giữ cho ngọn lửa sống động hơn là để bảo vệ đống tro tàn của nó” [87].

67. Thánh Gioan Phaolô II đã dạy rằng khi đề xuất sứ điệp Tin Mừng, “Giáo hội không có ý bác bỏ quyền tự chủ của văn hóa. Ngược lại, Giáo Hội có sự tôn trọng lớn lao nhất đối với nó”, vì văn hóa, “không những là một đối tượng để cứu chuộc và nâng cao mà còn có thể đóng vai trò trung gian và hợp tác” [88]. Ngỏ lời với các dân tộc bản địa Mỹ, ngài nhắc nhở họ rằng, “một đức tin không trở thành văn hóa là một đức tin không được chấp nhận hoàn toàn, không được suy tư đầy đủ, không được sống một cách trung thành” [89]. Các thách đố văn hóa mời gọi Giáo hội duy trì “thái độ cảnh giác và phê phán”, trong khi cùng một lúc thể hiện “sự chú ý đầy tin tưởng” [90].

68. Ở đây tôi xin nhắc lại những gì tôi đã nói về việc hội nhập văn hóa trong Tông huấn Evangelii Gaudium, dựa trên niềm xác tín rằng “ơn thánh giả thiết văn hóa, và hồng phúc của Thiên Chúa lên xương thịt trong văn hóa của những người tiếp nhận nó” [91]. Chúng ta có thể thấy rằng nó bao gồm một chuyển động kép. Một mặt, một diễn trình sinh hoa trái diễn ra khi Tin Mừng bén rễ vào một nơi nhất định, vì “mỗi khi một cộng đồng nhận được sứ điệp cứu rỗi, Chúa Thánh Thần đều làm phong phú nền văn hóa của nó bằng sức mạnh biến đổi của Tin Mừng” [92]. Mặt khác, chính Giáo hội đã trải qua một diễn trình tiếp nhận làm phong phú cho Giáo Hội bằng các hoa trái mà Chúa Thánh Thần đã gieo một cách huyền nhiệm trong nền văn hóa đó. Nhờ cách này, “Chúa Thánh Thần tô điểm cho Giáo hội, cho Giáo Hội thấy những khía cạnh mới của sự mặc khải và ban cho Giáo Hội một khuôn mặt mới” [93]. Cuối cùng, điều này có nghĩa cho phép và khuyến khích các kho tàng bất tận của Tin Mừng được rao giảng “bằng các phạm trù riêng của từng nền văn hóa, tạo ra một tổng hợp mới từ nền văn hóa đặc thù đó” [94].

69. “Lịch sử Giáo hội cho thấy Kitô giáo không những chỉ có một cách phát biểu văn hóa duy nhất” [95] và “chúng ta sẽ không công bằng với luận lý học nhập thể nếu chúng ta nghĩ tới Kitô giáo như khối văn hóa đơn nhất và đơn điệu” [96]. Có nguy cơ này là các nhà truyền giảng Tin Mừng khi đến một khu vực đặc thù nào đó có thể nghĩ rằng họ không những phải truyền đạt Tin Mừng mà cả nền văn hóa nơi họ lớn lên, mà không nhận ra rằng điều chủ yếu không phải là “áp đặt một hình thức văn hóa chuyên biệt, bất kể nó đẹp hay cổ kính thế nào” [97]. Điều cần thiết là việc can đảm cởi mở đối với sự mới mẻ của Thần Khí, Đấng luôn có tkhả năng tạo ra một điều gì đó mới mẻ bằng sự phong phú bất tận của Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, “hội nhập văn hóa làm Giáo hội dấn thân vào một hành trình khó khăn nhưng cần thiết” [98]. Đúng vậy, “đây luôn là một diễn trình chậm chạp và chúng ta có thể sợ hãi quá mức”, kết cục sẽ “chỉ là khách bàng quan giữa lúc Giáo hội từ từ trì trệ” [99]. Nhưng chúng ta đừng sợ hãi; chúng ta đừng cắt đôi cánh của Chúa Thánh Thần.

Các nẻo đường hội nhập văn hóa ở khu vực Amazon

70. Để thực hiện được một cuộc hội nhập văn hóa đổi mới Tin Mừng trong khu vực Amazon, Giáo Hội cần lắng nghe sự khôn ngoan của tổ tiên họ, một lần nữa lắng nghe tiếng nói của những bậc trưởng thượng, nhìn nhận các giá trị hiện diện trong lối sống của các cộng đồng nguyên thủy và phục hồi các câu chuyện phong phú của các dân tộc của họ. Trong khu vực Amazon, chúng ta được thừa hưởng nhiều kho tàng vĩ đại từ các nền văn hóa tiền Columb us. Chúng bao gồm “sự cởi mở đối với hành động của Thiên Chúa, cảm thức biết ơn trước các hoa trái của trái đất, đặc tính thánh thiêng của sự sống con người và lòng quí trọng gia đình, cảm thức liên đới và chia sẻ trách nhiệm trong công việc chung, tầm quan trọng của thờ phượng, niềm tin có sự cuộc sống bên kia đời này, và nhiều giá trị khác” [100].

71. Về phương diện này, các dân tộc bản địa Vùng Amazon phát biểu phẩm chất cuộc sống chân chính như một việc “sống tốt”. Điều này bao hàm sự hòa điệu bản thân, gia đình, cộng đồng và vũ trụ và tìm được biểu thức trong cách tiếp cận cuộc sống theo lối cộng đồng, khả năng tìm thấy niềm vui và sự thỏa mãn trong một cuộc sống khắc khổ và đơn giản, và sự chăm sóc tự nhiên có trách nhiệm nhằm bảo tồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai. Các dân tộc thổ dân làm gương cho chúng ta về một sự điều độ đầy hân vui tươi và theo ý hướng này, “họ có nhiều điều để dạy chúng ta” [101]. Họ biết làm thế nào để bằng lòng với cái ít; họ thưởng thức các phúc ơn nho nhỏ của Thiên Chúa mà không tích lũy những tài sản lớn lao; họ không phá hủy sự vật một cách không cần thiết; họ quan tâm đến các hệ sinh thái và họ nhìn nhận rằng trái đất, trong khi phục vụ như một nguồn hỗ trợ hào phóng cho cuộc sống của họ, cũng có một chiều kích mẫu thân khiến ta tôn trọng và yêu thương trìu mến. Tất cả những điều này nên được coi trọng và lãnh nhận trong diễn trình truyền giảng Tin Mừng [102].

72. Trong khi làm việc cho họ và với họ, chúng ta được mời gọi “trở thành những người bạn của họ, lắng nghe họ, nói chuyện với họ và lãnh nhận sự khôn ngoan đầy mầu nhiệm mà Thiên Chúa muốn chia sẻ với chúng ta qua họ [103]. Những người sống ở các thành phố cần đánh giá cao sự khôn ngoan này và để bản thân họ được “cải tạo” khi đối diện với chủ nghĩa tiêu thụ điên cuồng và cảnh cô lập đô thị. Giáo hội có thể là một phương tiện hỗ trợ sự phục hồi văn hóa này qua một tổng hợp quý giá bằng việc rao giảng Tin Mừng. Giáo Hội cũng có thể trở thành một dấu chỉ và phương tiện bác ái, vì các cộng đồng đô thị phải truyền giáo không những cho những người ở giữa họ mà còn cho những người nghèo, những người, do nhu cầu vô cùng khốn đốn, phải rời nội địa mà đến và được chào đón. Theo cùng một cách, các cộng đồng này nên gần gũi với các di dân trẻ tuổi và giúp họ hòa nhập vào thành phố mà không sa vào tình trạng đồi bại của nó. Tất cả những hình thức nối vòng tay lớn của giáo hội này, được phát sinh từ tình yêu, đều là những đóng góp có giá trị cho diễn trình hội nhập văn hóa.

73. Hội nhập văn hóa nâng cao và hoàn thành. Chắc chắn, chúng ta nên quí trọng nền huyền nhiệm bản địa, một nền huyền nhiệm nhìn thấy sự nối kết qua lại và liên lập của toàn bộ sáng thế, nền huyền nhiệm nhưng không yêu cuộc sống như một quà phúc, nền huyền nhiệm của ngạc nhiên thánh thiêng trước thiên nhiên và mọi hình thức sự sống của nó.

Tuy nhiên, cùng một lúc, chúng ta được kêu gọi biến mối tương quan này với Thiên Chúa đang hiện diện trong vũ trụ thành mối tương quan ngày càng có tính bản thân hơn với một “Ngài”, Đấng hằng duy trì cuộc sống của chúng ta và muốn ban cho nó một ý nghĩa, một “Ngài”, Đấng biết chúng ta và yêu thương chúng ta:

“Bóng tối trôi khỏi con,

thân gỗ chết.

Nhưng ngôi sao sinh ra không trách móc bàn tay điêu luyện của đứa trẻ này,

bàn tay chinh phục nước và đêm.

Biết rằng ngài biết con

hoàn toàn, từ trước ngày con ra đời

đã đủ cho con” [104].

74. Tương tự như vậy, mối tương quan với Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, Đấng giải phóng và cứu chuộc, không chống đối thế giới quan rõ ràng có tính vũ trụ vốn lên đặc điểm cho các dân tộc bản địa, vì Người cũng là Chúa Phục sinh thấm nhiễm mọi loài [105]. Theo kinh nghiệm Kitô giáo, “mọi tạo vật của vũ trụ vật chất đều tìm thấy ý nghĩa thực sự của chúng trong Ngôi Lời nhập thể, vì Con Thiên Chúa đã nhập thân vào trong con người của Người một phần của thế giới vật chất, gieo ở đó một hạt giống biến đổi dứt khoát” [106]. Người hiện diện một cách vinh quang và huyền nhiệm trong sông ngòi, cây cối, cá và gió, như Chúa Tể ngự trị trong sáng thế mà không bao giờ đánh mất vết thương đã biến hình của Người, trong khi trong Bí tích Thánh Thể, Người mang lấy các yếu tố của thế giới này và ban cho mọi sự ý nghĩa của ơn phục sinh.

Hội nhập văn hóa về xã hội và tâm linh

75. Vì tình trạng nghèo đói và bị bỏ rơi của rất nhiều cư dân thuộc khu vực Amazon, việc hội nhập văn hóa nhất thiết phải có cái khuôn xã hội rõ rệt, kèm với việc kiên quyết bảo vệ nhân quyền; nhờ cách này, nó sẽ mặc khải khuôn mặt Chúa Kitô, Đấng hằng “đặc biệt âu yếm muốn được đồng nhất hóa với những người yếu đuối và nghèo khổ” [107]. Thật vậy, “từ tâm điểm Tin Mừng, chúng ta thấy mối nối kết sâu sắc giữa việc truyền giảng Tin Mừng và việc thăng tiến con người” [108]. Đối với các cộng đồng Kitô giáo, điều này bao hàm một cam kết rõ ràng đối với công lý của vương quốc Thiên Chúa, qua công việc thăng tiến những người từng “bị vứt bỏ”. Thành thử có hệ luận: việc đào tạo thích đáng các nhân viên mục vụ về học thuyết xã hội của Giáo hội là điều quan trọng nhất.

76. Đồng thời, việc hội nhập văn hóa Tin Mừng vào vùng Amazon phải hòa nhập tốt hơn việc hội nhập xã hội và tâm linh, để người nghèo không phải tìm ở bên ngoài Giáo hội một nền linh đạo có thể đáp ứng các hoài mong sâu sắc nhất của họ. Điều này không có nghĩa một lòng đạo tha hóa và cá nhân chủ nghĩa sẽ làm câm lặng các đòi hỏi xã hội về một cuộc sống xứng đáng hơn, nhưng cũng không có nghĩa bỏ qua chiều kích siêu việt và tâm linh, như thể một mình việc phát triển vật chất đã đủ cho con người. Do đó, chúng ta được kêu gọi không những chỉ nối kết hai điều đó, mà là nối kết chúng ở một bình diện sâu sắc hơn. Nhờ cách này, chúng ta sẽ biểu lộ được vẻ đẹp thực sự của Tin Mừng, một vẻ đẹp nhân bản hóa hoàn toàn, làm cho con người và các dân tộc có phẩm giá toàn diện, và mang lại sự thỏa mãn cho mọi tâm hồn và toàn bộ cuộc sống.

Các khởi điểm của sự thánh thiện Amazon

77. Điều này sẽ phát sinh ra các nhân chứng của sự thánh thiện với khuôn mặt Amazon, chứ không phải mô phỏng các mô hình du nhập từ những nơi khác. Một sự thánh thiện phát sinh từ gặp gỡ và tham gia, chiêm niệm và phục vụ, cô tịch biết tiếp nhận và cuộc sống trong cộng đồng, sự điều độ tươi vui và đấu tranh cho công lý. Một sự thánh thiện đạt được bởi “mỗi cá nhân theo cách riêng của họ” [109], nhưng cũng bởi các dân tộc, nơi ân sủng được nhập thân và tỏa sáng với những đặc điểm khác biệt. Chúng ta hãy tưởng tượng một sự thánh thiện với các đặc điểm Amazon, được mời gọi thách thức Giáo hội hoàn vũ.

78. Một diễn trình hội nhập văn hóa liên quan không những các cá nhân mà cả các dân tộc đòi phải có một tình yêu biết tôn trọng và thấu hiểu đối với các dân tộc đó. Diễn trình này đã bắt đầu ở phần lớn khu vực Amazon. Hơn bốn mươi năm trước đây, các giám mục của Amazon thuộc Peru đã nhấn mạnh rằng trong nhiều nhóm có mặt ở khu vực này, những người được truyền giảng Tin Mừng, được lên khuôn bởi một nền văn hóa đa dạng và đang thay đổi, đã “được truyền giảng Tin Mừng thuở ban đầu”. Kết quả là, họ sở hữu được một số đặc điểm nào đó của Đạo Công Giáo bình dân mà, khởi đầu, có lẽ được dẫn nhập nhờ những người làm công tác mục vụ, giờ đây là điều mà người ta đã biến thành của riêng, thậm chí còn thay đổi cả ý nghĩa của chúng và truyền chúng lại từ thế hệ này sang thế hệ nọ [110]. Chúng ta đừng vội mô tả là mê tín hay tà giáo một số thực hành tôn giáo nào đó từng phát sinh một cách tự phát từ cuộc sống của các dân tộc. Thay vào đó, chúng ta nên biết cách phân biệt lúa mì đang lớn lên song song với cỏ lùng, vì “lòng đạo bình dân có thể giúp chúng ta nhìn thấy đức tin, khi đã được tiếp nhận, bèn nhập thân vào một nền văn hóa và liên tục được lưu truyền” [111].

79. Có thể tiếp nhận một biểu tượng bản địa cách nào đó, mà không nhất thiết coi việc này như việc thờ ngẫu thần. Một huyền thoại nặng ý nghĩa tâm linh có thể được sử dụng một cách có lợi và không phải lúc nào cũng bị coi là một lầm lỗi ngoại giáo. Một số lễ hội tôn giáo có ý nghĩa thánh thiêng và là dịp để tụ họp và kết nghĩa huynh đệ, dù cần một diễn trình thanh lọc hoặc trưởng thành từ từ. Một nhà truyền giáo của các linh hồn sẽ cố gắng khám phá ra các nhu cầu và quan tâm chính đáng đang tìm kiếm lối thoát trong những biểu thức tôn giáo đôi lúc bất toàn, phiến diện hoặc sai lầm, và sẽ cố gắng đáp ứng chúng bằng một nền linh đạo hội nhập văn hóa.

80. Một nền linh đạo như thế chắc chắn sẽ tập trung vào một Thiên Chúa và là Chúa duy nhất, đồng thời vào việc tiếp xúc với nhu cầu hàng ngày của những người đang phấn đấu cho một cuộc sống xứng đáng, những người muốn tận hưởng các ơn phúc của cuộc sống, tìm đựơc bình an và hòa hợp, giải quyết được các vấn đề gia đình, chăm sóc bệnh tật của họ và thấy con cái họ lớn lên hạnh phúc. Nguy hiểm lớn nhất là ngăn cản không cho họ gặp gỡ Chúa Kitô bằng cách trình bầy Người như kẻ thù của niềm vui hoặc như một con người thờ ơ với các vấn đề và khó khăn của con người [112]. Ngày nay, điều chủ yếu là phải chứng minh rằng sự thánh thiện không lấy mất điều gì khỏi “năng lực, sức sống hay niềm vui” của chúng ta [113].

Sự hội nhập văn hóa về phụng vụ

81. Sự hội nhập văn hóa của nền linh đạo Kitô giáo trong các nền văn hóa của các dân tộc nguyên thủy có thể được hưởng ơn ích một cách đặc biệt từ các bí tích, vì các bí tích hợp nhất thể thần linh và thể vũ trụ, ơn thánh và sáng thế. Trong khu vực Amazon, không nên xem xét các bí tích trong tính bất liên tục với sáng thế. Chúng “là một cách ưu tuyển, trong đó thiên nhiên được Thiên Chúa tiếp nhận để trở thành một phương tiện trung gian cho đời sống siêu nhiên” [114]. Chúng là sự hoàn thành của sáng thế, trong đó thiên nhiên được nâng lên để trở thành một căn cứ (locus) và công cụ của ơn thánh, giúp chúng ta “ôm lấy thế giới trên một bình diện khác” [115].

82. Trong Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa, “ở đỉnh cao của mầu nhiệm Nhập thể, đã quyết định xuống tận những tầng sâu thân thiết nhất của chúng ta qua một mảnh vật chất”. Bí tích Thánh Thể “kết hợp trời với đất; nó bao trùm và thâm nhập trọn bộ sáng thế” [116]. Vì lý do này, nó có thể là một “động lực thúc đẩy các mối quan tâm của chúng ta đối với môi trường, điều hướng chúng ta trở thành những người quản lý trọn bộ sáng thế” [117]. Theo nghĩa này, “việc gặp gỡ Thiên Chúa không có nghĩa là trốn chạy thế giới này hoặc quay lưng lại với thiên nhiên” [118]. Nó có nghĩa: chúng ta có thể nhận đưa vào phụng vụ nhiều yếu tố của riêng kinh nghiệm các dân tộc bản địa trong cuộc tiếp xúc của họ với thiên nhiên, và tôn trọng các hình thức phát biểu bản địa trong bài ca, điệu múa, nghi lễ, cử chỉ và biểu tượng. Công đồng Vatican II kêu gọi nỗ lực này nhằm hội nhập văn hóa phụng vụ nơi các dân tộc bản địa [119]; hơn năm mươi năm đã trôi qua và chúng ta vẫn còn nhiều bước phải đi xa hơn nữa dọc theo những đường hướng này [120].

83. Vào Chúa Nhật, “nền linh đạo Kitô giáo kết hợp giá trị thư giãn với giá trị lễ hội. [Ngày nay] chúng ta có xu hướng hạ thấp việc nghỉ ngơi có tính chiêm niệm, coi nó như một điều gì đó không có hiệu năng và không cần thiết, nhưng điều này đã lấy mất chính điều quan trọng hơn cả liên quan đến việc làm: đó là ý nghĩa của nó. Chúng ta được kêu gọi bao hàm vào việc làm của chúng ta chiều kích tiếp nhận và nhưng không (receptivity and gratuity) [121]. Thổ dân rất quen thuộc với tính nhưng không này và với việc giải trí chiêm niệm lành mạnh này. Các cử hành của chúng ta sẽ giúp họ cảm nghiệm điều này trong phụng vụ Chúa Nhật và gặp gỡ ánh sáng lời Chúa và Bí tích Thánh Thể, những điều soi sáng cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

84. Các bí tích mặc khải và thông truyền Thiên Chúa, Đấng gần gũi và xót thương đến để chữa lành và tăng sức cho con cái của Người. Do đó, chúng phải trở nên dễ dàng tiếp cận, nhất là đối với người nghèo và không bao giờ bị từ chối vì lý do tài chính. Trước cảnh nghèo và bị lãng quên của khu vực Amazon, cũng không có chỗ cho một kỷ luật chuyên loại trừ và xua đuổi người ta, vì cứ cách đó, cuối cùng họ sẽ bị vứt bỏ bởi một Giáo hội nay đã trở thành nhà thu lệ phí. Thay vào đó, “trong các tình huống túng thiếu khó khăn như thế, Giáo hội phải đặc biệt quan tâm đến việc cung ứng sự hiểu biết, an ủi và chấp nhận, hơn là áp đặt ngay tức khắc một bộ quy tắc chỉ dẫn người ta đến chỗ cảm thấy bị phán xét và bỏ rơi bởi chính Bà Mẹ được kêu gọi biểu lộ với họ lòng thương xót của Thiên Chúa” [122]. Đối với Giáo hội, lòng thương xót có thể trở thành một khẩu hiệu tình cảm đơn thuần trừ khi nó tìm thấy biểu hiện cụ thể trong phạm vi nối vòng tay lớn mục vụ của mình [123].

Hội nhập văn hóa các hình thức thừa tác vụ

85. Hội nhập văn hóa cũng nên được phản ảnh ngày càng gia tăng trong hình thức nhập thể của tổ chức và thừa tác vụ trong giáo hội. Nếu chúng ta muốn hội nhập văn hóa nền linh đạo, sự thánh thiện và chính Tin Mừng, làm thế nào chúng ta không thể xem xét việc hội nhập văn hóa trong các cách chúng ta đặt cơ cấu và thi hành các thừa tác vụ giáo hội? Sự hiện diện mục vụ của Giáo hội trong khu vực Amazon không đồng đều, một phần là do lãnh thổ quá rộng lớn, nhiều nơi xa xôi hẻo lánh, sự đa dạng văn hóa rộng lớn, các vấn đề xã hội nghiêm trọng và sự ưa thích của một số dân tộc muốn sống cô lập. Chúng ta không thể không quan tâm; một đáp ứng chuyên biệt và can đảm là diều được đòi hỏi nơi Giáo hội.

86. Cần nỗ lực để cấu hình thừa tác vụ cách nào đó để nó phục vụ cho việc cử hành Bí tích Thánh Thể thường xuyên hơn, ngay tại các cộng đồng xa xôi và cô lập nhất. Tại Aparecida, mọi người đều được yêu cầu lưu ý đến lời than vãn của nhiều cộng đồng Amazon, “bị tước mất việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật trong một thời gian dài” [124]. Cũng cần có các thừa tác viên có thể hiểu được các nhạy cảm và văn hóa Amazon từ bên trong.

87. Cách lên khuôn đời sống và thừa tác vụ giáo sĩ không có tính độc khối; nó phát triển những đặc điểm khác biệt ở những nơi khác nhau trên thế giới. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải xác định điều gì chuyên biệt nhất thuộc về một linh mục, điều gì không thể được ủy quyền. Câu trả lời nằm trong bí tích Truyền chức Thánh, vốn làm linh mục trở thành đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô linh mục. Do đó, kết luận đầu tiên là đặc tính độc quyền nhận được trong Bí Tích Truyền Chức thánh làm một mình linh mục đủ điều kiện để chủ trì Bí tích Thánh Thể [125]. Đó là chức năng đặc thù, chính và không thể ủy nhiệm của ngài. Có những người nghĩ rằng điều phân biệt linh mục là quyền lực, sự kiện ngài là thẩm quyền cao nhất trong cộng đồng. Tuy nhiên, Thánh Gioan Phaolô II đã giải thích rằng, mặc dù chức linh mục được coi là “có tính phẩm trật”, nhưng chức năng này không có nghĩa là vượt trội so với những chức năng khác, mà “hoàn toàn được sắp xếp cho sự thánh thiện của các chi thể Chúa Kitô” [126]. Khi người ta nói linh mục là dấu chỉ của “Chúa Kitô đứng đầu”, thì điều này chủ yếu nói đến việc Chúa Kitô là nguồn gốc của mọi ơn thánh: Người là người đứng đầu Giáo hội bởi vì “Người có quyền năng tuôn đổ ơn thánh xuống các chi thể của Giáo hội” [127].

88. Linh mục là dấu chỉ của người đứng đầu trên và là nguồn ơn thánh trước hết khi cử hành Bí tích Thánh Thể, vốn là nguồn và đỉnh cao của toàn bộ đời sống Kitô hữu [128]. Đó là quyền lực to lớn của ngài, một quyền lực chỉ có thể nhận được tiếp nhận trong bí tích Truyền chức thánh. Vì lý do này, chỉ có linh mục mới có thể nói: “Này là mình Ta”. Cũng có những hạn từ khác, chỉ có ngài mới có thể nói: “Cha tha tội cho con”. Vì ơn tha thứ bí tích là để phục vụ việc cử hành xứng đáng Bí tích Thánh Thể. Hai bí tích này nằm ở trung tâm của bản sắc độc hữu của linh mục [129].

89. Trong các hoàn cảnh chuyên biệt của khu vực Amazon, nhất là trong các khu rừng và những nơi xa xôi hơn của nó, phải tìm ra một cách để bảo đảm thừa tác vụ linh mục này. Giáo dân có thể công bố Lời Chúa, dạy dỗ, tổ chức các cộng đồng, cử hành một vài bí tích, tìm những cách khác nhau để phát biểu lòng sùng kính bình dân và phát triển nhiều ơn phúc Chúa Thánh Thần tuôn đổ nơi họ. Nhưng họ cần việc cử hành Bí tích Thánh Thể vì nó “làm thành Giáo hội” [130]. Chúng ta thậm chí có thể nói rằng “không cộng đồng Kitô hữu nào được xây dựng mà lại không lớn lên và xoay quanh việc cử hành Bí tích Thánh Thể thánh thiện nhất” [131]. Nếu chúng ta thực sự xác tín rằng đúng như thế, thì mọi nỗ lực nên được thực hiện để bảo đảm rằng các dân tộc Amazon không thiếu thức ăn tạo ra sự sống mới này và bí tích tha tội.

90. Nhu cầu khẩn thiết này khiến tôi thúc giục mọi giám mục, đặc biệt những vị ở Châu Mỹ Latinh, không những cổ vũ việc cầu nguyện cho các ơn gọi linh mục, mà còn quảng đại hơn trong việc khuyến khích những người tỏ rõ có ơn gọi truyền giáo quyết định chọn vùng Amazon [132 ]. Đồng thời, điều thích hợp là cơ cấu và nội dung của cả việc đào tạo linh mục lúc ban đầu lẫn tiếp diễn sau đó phải được sửa đổi thấu đáo, để các linh mục có thể thủ đắc các thái độ và khả năng cần có để đối thoại với các nền văn hóa Amazon. Việc đào tạo này phải ưu tiên có tính mục vụ và tạo thuận lợi cho việc phát triển lòng thương xót của linh mục [133].

91. Bí tích Thánh Thể cũng là bí tích vĩ đại biểu thị và thể hiện sự hợp nhất của Giáo hội [134]. Nó được cử hành “để từ những người xa lạ, phân tán và thờ ơ lẫn nhau, chúng ta có thể trở nên đoàn kết, bình đẳng và bằng hữu [135]. Người chủ sự Thánh Thể phải cổ vũ sự hiệp thông, vốn không phải chỉ là bất cứ sự hợp nhất nào, mà là sự hợp nhất biết chào đón tính đa dạng dư dật của ơn phúc và đặc sủng mà Chúa Thánh Thần hằng tuôn đổ trên cộng đồng.

92. Như thế, Bí tích Thánh Thể, như là nguồn và đỉnh cao, đòi ta phát triển tính đa dạng phong phú đó. Các linh mục rất cần thiết, nhưng điều này không có nghĩa các phó tế vĩnh viễn (nên có nhiều hơn nữa trong khu vực Amazon), các nữ tu và giáo dân không thể thường xuyên đảm nhận trách nhiệm quan trọng đối với sự phát triển của các cộng đồng và thực hiện các chức năng đó mỗi ngày một hữu hiệu với sự trợ giúp của một việc đồng hành thích đáng.

93. Do đó, không chỉ là vấn đề tạo điều kiện cho một sự hiện diện lớn hơn của các thừa tác viên thụ phong có thể cử hành Bí tích Thánh Thể. Đó chỉ là một mục tiêu rất hạn hẹp, nếu chúng ta đồng thời không cố gắng đánh thức sự sống mới trong các cộng đồng. Chúng ta cần thúc đẩy một cuộc gặp gỡ với lời Chúa và sự lớn lên trong thánh thiện qua các loại phục vụ khác nhau của giáo dân, những loại phục vụ đòi một diễn trình giáo dục – về Kinh thánh, giáo lý, linh đạo và thực tiễn – và một loạt các chương trình tu nghiệp đa dạng.

94. Một Giáo hội với các đặc điểm Amazon đòi phải có sự hiện diện ổn định của các nhà lãnh đạo trưởng thành và là giáo dân có thẩm quyền [136] và quen thuộc với ngôn ngữ, văn hóa, kinh nghiệm thiêng liêng và lối sống cộng đồng ở những nơi khác nhau, nhưng cũng cởi mở đối với tính đa dạng của các ơn phúc mà Chúa Thánh Thần vốn ban cho mọi người. Vì, bất cứ nơi nào có nhu cầu đặc thù, Người đều tuôn đổ những đặc sủng để có thể đáp ứng nó. Điều này đòi Giáo hội phải cởi mở đối với sự táo bạo của Chúa Thánh Thần, tin tưởng vào, và cụ thể cho phép, sự lớn mạnh của một nền văn hóa giáo hội chuyên biệt có đặc tính giáo dân rõ rệt. Các thách đố trong khu vực Amazon đòi nơi Giáo hội một nỗ lực đặc biệt để hiện diện ở mọi bình diện, và điều này chỉ có thể thực hiện được qua việc tham gia mạnh mẽ, rộng rãi và tích cực của giáo dân.

95. Nhiều người thánh hiến đã cống hiến năng lực và một phần lớn đời họ để phục vụ Nước Thiên Chúa ở Amazon. Đời sống thánh hiến, nhờ có khả năng đối thoại, tổng hợp, nhập thân và tiên tri, có một vị trí đặc biệt trong cấu hình đa dạng và hài hòa này của Giáo hội trong khu vực Amazon. Nhưng nó cần một động lực mới để hội nhập văn hóa, một động lực biết kết hợp tính sáng tạo, tính táo bạo truyền giáo, tính mẫn cảm và sức mạnh đặc trưng của đời sống cộng đồng.

96. Các cộng đồng căn bản, khi có khả năng kết hợp việc bảo vệ các quyền lợi xã hội với việc công bố truyền giáo và nền linh đạo, đã là những kinh nghiệm chân chính của tính đồng nghị trong hành trình truyền giảng Tin Mừng của Giáo hội trong khu vực Amazon. Trong nhiều trường hợp, chúng “từng giúp đào tạo nhiều Kitô hữu biết cam kết với đức tin, nhiều môn đệ và nhà truyền giáo của Chúa, như được chứng thực bởi sự cam kết quảng đại của rất nhiều thành viên của họ, thậm chí đến mức đổ máu họ ra” [137].

97. Tôi khuyến khích sự tăng trưởng của những nỗ lực hợp tác đang được thực hiện qua Mạng lưới Giáo hội Toàn vùng Amazon và các hiệp hội khác để thực hiện đề xuất của hội nghị Aparecida là “thiết lập một thừa tác vụ hợp tác giữa các Giáo Hội địa phương của các quốc gia Nam Mỹ khác nhau trong lưu vực sông Amazon, với các ưu tiên đã được dị biệt hóa [138]. Điều này đặc biệt áp dụng cho các mối tương quan giữa các Giáo hội nằm ở biên giới giữa các quốc gia.

98. Cuối cùng, tôi xin lưu ý điều này: chúng ta đừng lúc nào cũng nghĩ đến việc dự hoạch các dự án với các cộng đồng ổn định, vì ở khu vực Amazon, ta thấy có rất nhiều tính di chuyển nội bộ, do việc di dân liên tục và thường có tính đi đi về về như quả lắc (pendular); “khu vực này thực tế đã trở thành một hành lang di dân” [139]. “Việc chuyển dân [transhumance] ở Amazon chưa được hiểu rõ hoặc khảo sát đầy đủ theo quan điểm mục vụ” [140]. Do đó, nên suy nghĩ tới các nhóm truyền giáo lưu động và “cung cấp sự hỗ trợ cho việc hiện diện và tính di động của các người thánh hiến nam nữ gần gũi nhất với những người nghèo khổ và bị loại trừ nhất” [141]. Đây cũng là một thách đố đối với các cộng đồng đô thị của chúng ta, một thách đố phải tìm ra các cách thế sáng tạo và quảng đại, đặc biệt ở các vùng ngoại ô, để gần gũi và chào đón các gia đình và những người trẻ đến từ rừng sâu.


KẾT LUẬN: MẸ CỦA KHU VỰC AMAZON

Sức mạnh và thiên phú của phụ nữ

99. Trong khu vực Amazon, có những cộng đồng đã từ lâu được bảo tồn và truyền lại đức tin dù không có linh mục nào đến với họ, thậm chí trong nhiều thập niên. Điều này có thể xảy ra vì sự hiện diện của những người đàn bà mạnh mẽ và quảng đại, chắc chắn nhờ được Chúa Thánh Thần kêu gọi và thúc đẩy, đã rửa tội, dạy giáo lý, cầu nguyện và hành động như những nhà truyền giáo. Trong nhiều thế kỷ, các phụ nữ đã giữ cho Giáo hội sống động ở những nơi đó qua sự tận tâm đáng lưu ý và đức tin sâu sắc của họ. Một số người trong số họ, phát biểu tại Thượng hội đồng, đã khiến chúng ta xúc động sâu sắc bởi các chứng từ của họ.

100. Điều này mời gọi chúng ta mở rộng viễn kiến của mình, kẻo chúng ta hạn chế sự hiểu biết của chúng ta về Giáo hội, coi Giáo Hội chỉ có các cơ cấu chức năng mà thôi. Một chủ nghĩa giản lược như vậy sẽ dẫn chúng ta tới chỗ tin rằng phụ nữ sẽ được ban cấp một địa vị và tham gia vào Giáo hội nhiều hơn, chỉ khi nào họ được gia nhập các chức thánh. Nhưng phương thức đó trong thực tế chỉ thu hẹp viễn kiến của chúng ta mà thôi; nó sẽ dẫn chúng ta đến việc giáo sĩ hóa phụ nữ, làm giảm giá trị to lớn của những gì họ đã hoàn thành và làm cho sự đóng góp không thể thiếu của họ trở nên kém hữu hiệu.

101. Chúa Giêsu Kitô xuất hiện như Chàng Rể của cộng đồng cử hành Thánh Thể qua hình bóng người đàn ông chủ trì như dấu chỉ Linh mục duy nhất. Cuộc đối thoại giữa Chàng Rể và Nàng dâu của Người, phát sinh trong việc thờ lạy và thánh hóa cộng đồng, không nên lừa chúng ta đi vào những quan niệm phiến diện về quyền lực trong Giáo hội. Chúa đã quyết định mặc khải quyền lực và tình yêu của Người qua hai khuôn mặt nhân bản: khuôn mặt của Con Thiên Chúa đã làm người của Người và khuôn mặt của một tạo vật, một người đàn bà, đó là Đức Maria. Phụ nữ đóng góp cho Giáo hội theo cách riêng của họ, bằng cách làm cho sức mạnh dịu dàng của Đức Maria, người Mẹ, trở nên hiên diện. Nhờ thế, chúng ta không còn tự giới hạn mình vào cách tiếp cận có tính chức năng nữa, nhưng thay vào đó, đi vào cơ cấu nội thẳm nhất của Giáo hội. Nhờ cách này, chúng ta sẽ hiểu ra tại sao, nếu không có phụ nữ, Giáo hội sẽ tan vỡ và biết bao cộng đồng ở Amazon sẽ sụp đổ, nếu phụ nữ không ở đó để nâng đỡ chúng, giữ chúng ở lại với nhau và chăm sóc chúng. Điều này cho thấy loại sức mạnh vốn là điển hình của họ.

102. Chúng ta phải tiếp tục khuyến khích những ơn phúc đơn sơ và không rắc rối đó, những ơn phúc cho phép các phụ nữ ở khu vực Amazon đóng một vai trò rất tích cực trong xã hội, mặc dù các cộng đồng này hiện phải đối diện với nhiều mối đe dọa mới và chưa từng có. Tình thế hiện nay đòi chúng ta phải khuyến khích sự xuất hiện các hình thức phục vụ và đặc sủng khác phù hợp với phụ nữ và đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của các dân tộc trong khu vực Amazon tại thời điểm này của lịch sử.

103. Trong một Giáo hội đồng nghị, những người phụ nữ trên thực tế vốn đóng vai trò trung tâm trong các cộng đồng Amazon nên có quyền có các chức vụ, kể cả các chức vụ phục vụ giáo hội, không đòi các Chức Thánh và điều đó có thể biểu thị rõ hơn vai trò của họ. Ở đây, cần lưu ý điều này: các việc phục vụ này đòi phải có sự ổn định, phải được công khai công nhận và được giám mục ủy nhiệm. Điều này cũng cho phép phụ nữ gây được tác động thực sự và hữu hiệu đối với tổ chức, các quyết định quan trọng nhất và định hướng của các cộng đồng, trong khi tiếp tục làm như vậy theo cách có thể phản ảnh được phụ nữ tính của họ.

Mở rộng chân trời quá bên kia các xung đột

104. Điều thường xảy ra là ở những nơi đặc thù, những người làm công tác mục vụ tưởng nghĩ ra những giải pháp rất khác nhau cho những vấn đề họ gặp phải, và do đó đề xuất những hình thức rõ ràng đối lập nhau về việc tổ chức giáo hội. Khi điều này xảy ra, đáp ứng đích thực đối với các thách đố của việc truyền giảng Tin Mừng rất có thể nằm ở việc vượt qua hai phương thức và tìm ra phương thức khác, tốt hơn, có lẽ chưa ai tưởng nghĩ ra. Xung đột được khắc phục ở bình diện cao hơn, trong đó mỗi nhóm có thể tham gia với nhóm khác trong một thực tại mới, trong khi vẫn trung thành với chính mình. Mọi sự đều được giải quyết “trên một bình diện cao hơn và duy trì được những gì có giá trị và hữu ích cho cả hai phía” [142]. Nếu không, xung đột sẽ cạm bẫy chúng ta; “chúng ta đánh mất viễn ảnh của mình, các chân trời của chúng ta co cụm lại và chính thực tại cũng sẽ bắt đầu tan tác” [143].

105. Điều này không có nghĩa là tương đối hóa các vấn đề, chạy trốn chúng hoặc để sự việc ở nguyên như cũ. Các giải pháp chân chính không bao giờ được tìm thấy bằng cách làm giảm độ táo bạo, né tránh các yêu cầu cụ thể hoặc đổ lỗi cho người khác. Trái lại, các giải pháp được tìm thấy bởi “dòng quá tải” (overflow), nghĩa là, bằng cách vượt qua lập trường mâu thuẫn vốn hạn chế viễn kiến của chúng ta, và nhận ra ơn phúc lớn hơn mà Thiên Chúa đang đề nghị ban tặng. Từ ơn phúc mới này, nếu được chấp nhận một cách táo bạo và quảng đại, từ ơn phúc bất ngờ này, một ơn phúc đánh thức tính sáng tạo mới và lớn lao hơn, sẽ tuôn chẩy, như từ một suối nước đầy tràn, nhiều câu trả lời mà lập trường mâu thuẫn không cho phép chúng ta nhìn thấy. Trong những ngày tiên khởi, đức tin Kitô giáo đã lan truyền đáng kể bằng lối suy nghĩ này, lối suy nghĩ cho phép nó, vốn bắt nguồn từ Do Thái giáo, thành hình trong các nền văn hóa La Hy, và với thời gian, có được các hình thức khác biệt. Tương tự như vậy, trong thời điểm lịch sử này, khu vực Amazon thách thức chúng ta vượt qua các viễn ảnh hạn chế và các giải pháp “thực dụng” vốn bị hoen ố trong các cách tiếp cận phiến diện, ngõ hầu tìm ra những nẻo đường hội nhập văn hóa rộng lớn hơn và táo bạo hơn.

Sống chung đại kết và liên tôn

106. Ở một vùng Amazon có đặc điểm đa tôn giáo, các tín hữu chúng ta cần tìm nhiều dịp để nói chuyện với nhau và cùng nhau hành động vì thiện ích chung và cổ vũ người nghèo. Điều này không liên quan gì đến việc làm giảm hoặc che giấu các xác tín sâu sắc nhất của chúng ta khi chúng ta gặp gỡ những người khác có suy nghĩ khác với chúng ta. Nếu chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần có thể hoạt động giữa những khác biệt, thì chúng ta sẽ cố gắng để bản thân được làm giàu bởi cái hiểu sáng suốt đó, trong khi nắm lấy nó do cốt lõi các xác tín riêng và bản sắc của riêng chúng ta. Vì bản sắc càng sâu sắc, mạnh và phong phú, chúng ta càng có khả năng làm phong phú các người khác bằng sự đóng góp riêng của chính chúng ta.

107. Trong Kinh thánh, người Công Giáo chúng ta sở hữu một kho báu không được các tôn giáo khác chấp nhận, mặc dù đôi khi họ có thể đọc nó một cách thích thú và thậm chí quý trọng một số giáo huấn của nó. Chúng ta cố gắng làm một điều tương tự với các bản văn thánh thiêng của các tôn giáo và cộng đồng tôn giáo khác, những bản văn chứa đựng “các giới luật và giáo lý… thường phản ảnh một tia sáng sự thật vốn soi sáng mọi người nam nữ” [144]. Chúng ta cũng sở hữu kho tàng vĩ đại trong bảy bí tích, mà một số cộng đồng Kitô giáo không chấp nhận toàn bộ hoặc theo cùng một ý nghĩa. Đồng thời với việc chúng ta tin chắc vào Chúa Giêsu như Đấng Cứu chuộc duy nhất của thế giới, chúng ta cũng nuôi dưỡng lòng sùng kính sâu sắc đối với Mẹ của Người. Mặc dù chúng ta biết rằng không phải hệ phái Kitô giáo nào cũng tin như thế, chúng ta vẫn cảm thấy có nghĩa vụ chia sẻ với khu vực Amazon kho báu của tình yêu mẫu tử ấm áp ấy, một kho báu mà chúng ta đã tiếp nhận được. Thực thế, tôi sẽ kết thúc Tông Huấn này với một vài lời ngỏ cùng Đức Maria.

108. Không điều nào trong số này cần tạo sự thù hằn giữa chúng ta. Trong một tinh thần đối thoại đích thực, chúng ta lớn lên trong khả năng nắm bắt được ý nghĩa của những gì người khác nói và làm, ngay cả khi chúng ta không thể chấp nhận nó làm xác tín của chính mình. Nhờ cách này, ta có thể thẳng thắn và cởi mở đối với các niềm tin của chúng ta, trong khi vẫn tiếp tục thảo luận, tìm các điểm tiếp xúc, và trên hết, làm việc và đấu tranh với nhau vì thiện ích của khu vực Amazon. Sức mạnh của những gì hợp nhất tất cả Kitô hữu chúng ta là điều vô cùng quan trọng. Chúng ta có thể rất lưu ý đến những gì chia rẽ chúng ta đến mức đôi khi chúng ta không còn đánh giá cao hoặc coi trọng những gì hợp nhất chúng ta. Và những gì hợp nhất chúng ta là những gì cho phép chúng ta ở lại thế giới này mà không bị nuốt chửng bởi nội tại tính (immanence), sự trống rỗng thiêng liêng, tính ích kỷ tự mãn, chủ nghĩa cá nhân duy tiêu dùng và tự hủy hoại của nó.

109. Tất cả chúng ta, trong tư cách Kitô hữu, được hợp nhất bởi đức tin vào Thiên Chúa, Người Cha vốn ban cho chúng ta sự sống và yêu thương chúng ta rất nhiều. Chúng ta được hợp nhất bởi đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Rỗi duy nhất, Đấng đã giải thoát chúng ta bằng dòng máu quý giá và sự phục sinh vinh hiển của Người. Chúng ta được hợp nhất bởi mong ước được nghe lời Người, lời hằng hướng dẫn các bước chân chúng ta đi. Chúng ta được hợp nhất bởi ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, Đấng sai chúng ta đi truyền giáo. Chúng ta được hợp nhất bởi điều răn mới mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta, bởi việc theo đuổi nền văn minh của tình yêu và bởi niềm đam mê đối với vương quốc mà Chúa vốn kêu gọi chúng ta xây dựng với Người. Chúng ta được hợp nhất bởi cuộc đấu tranh cho hòa bình và công lý. Chúng ta được hợp nhất bởi niềm xác tín rằng không phải mọi điều đều kết thúc với đời sống này, nhưng chúng ta được mời dự bữa tiệc trên trời, nơi Thiên Chúa sẽ lau khô nước mắt và mang lấy hết những gì chúng ta đã làm cho những người đang chịu đau khổ.

110. Tất cả những điều này hợp nhất chúng ta. Làm thế nào chúng ta lại không thể cùng nhau tranh đấu? Làm thế nào chúng ta lại không thể cùng nhau cầu nguyện và làm việc, bên cạnh nhau, để bảo vệ người nghèo của khu vực Amazon, để biểu lộ vẻ mặt thánh thiêng của Chúa và quan tâm đến công trình sáng tạo của Người?

111. Sau khi chia sẻ một vài giấc mơ của mình, tôi khuyến khích mọi người tiến bước dọc những nẻo đường cụ thể có thể cho phép thực tại của khu vực Amazon được biến đổi và thoát khỏi những tệ nạn bao vây nó. Giờ đây, chúng ta hãy nhìn lên Đức Maria. Người Mẹ mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta cũng là bà Mẹ duy nhất của mọi người, đấng đã tỏ mình ra ở vùng Amazon theo những cách riêng biệt. Chúng ta biết rằng, “các dân tộc bản địa có một cuộc gặp gỡ quan yếu với Chúa Giêsu Kitô theo nhiều cách; nhưng nẻo đường của Đức Maria đã góp phần rất lớn vào cuộc gặp gỡ này [145]. Đối diện với sự kỳ diệu của khu vực Amazon, nơi chúng ta đã khám phá ngày càng đầy đủ hơn trong diễn trình chuẩn bị và cử hành Thượng hội đồng, tôi cho rằng điều tốt nhất nên kết thúc Tông huấn này là hướng về ngài:

Lạy Mẹ sự sống,

trong dạ mẫu thân của Mẹ, Chúa Giêsu đã tiếp nhận xác thân,

Chúa tể của mọi loài hiện hữu.

Phục sinh, Người đã biến đổi Mẹ bằng ánh sáng của Người

và làm cho Mẹ trở thành Nữ vương toàn bộ sáng thế.

Vì lý do đó, hỡi Mẹ Maria, chúng con xin Mẹ trị vì

trong trái tim thổn thức của Amazon.

Xin Mẹ tỏ mình là Mẹ của mọi tạo vật,

trong vẻ đẹp của những bông hoa, những dòng sông,

dòng sông vĩ đại chảy

qua nó

và tất cả sự sống sinh động trong rừng của nó.

Xin Mẹ âu yếm chăm sóc sự bừng nở đẹp tươi này.

Xin Mẹ cầu cùng Chúa Giêsu tuôn đổ tất cả tình yêu của Người

trên mọi người nam nữ sống ở đó,

để họ có thể biết đánh giá cao và quan tâm đến nó.

Xin Mẹ hạ sinh Con Mẹ trong trái tim họ,

để Người tỏa sáng khắp Amazon,

các dân tộc và các nền văn hóa của nó,

bằng ánh sáng của lời Người,

bằng tình yêu an ủi của Người,

bằng sứ điệp huynh đệ và công lý của Người.

Và tại mỗi cử hành Thánh Thể,

xin cho mọi kinh ngạc và kỳ diệu này được nâng lên

tới vinh quang Chúa Cha.

Lạy Mẹ, xin Mẹ đoái nhìn người nghèo của Amazon,

vì nhà cửa họ đang bị phá hủy bởi những quyền lợi nhỏ nhen.

Có biết bao đau đớn và khốn khổ,

có biết bao bỏ bê và lạm dụng

ở vùng đất được chúc phúc

dư đầy sự sống này!

Xin Mẹ đánh động trái tim những người quyền thế,

vì, mặc dù chúng con cảm thấy giờ đã muộn,

Mẹ vẫn kêu gọi chúng con cứu

những gì còn sống động.

Mẹ, đấng có trái tim bị đâm thâu,

đấng chịu đau khổ trong những đứa con trai và con gái bị ngược đãi của Mẹ,

và trong những vết thương gây cho thiên nhiên,

Xin Mẹ trị vì Amazon,

cùng với Con của Mẹ.

Xin Mẹ cai trị để không ai khác có thể đòi quyền thống lãnh

trên công trình của bàn tay Thiên Chúa.

Chúng con tín thác nơi Mẹ, lạy Mẹ sự sống.

Xin Mẹ đừng bỏ rơi chúng con

trong giờ phút đen tối này.

Amen.

Ban hành tại Rôma, tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Gioan Lateranô, ngày 2 tháng 2, Lễ Dâng Chúa vào Đền thờ, năm 2020, năm thứ bảy triều Giáo hoàng của tôi.

FRANCISCUS

CHÚ THÍCH (Bản dịch của Nguyễn Trọng Đa)

[1] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 49: AAS 107 (2015), 866.

[2] Tài Liệu Làm Việc, 45.

[3] ANA VARELA TAFUR, “Timareo”, trong Lo que no veo en visiones, Lima, 1992.

[4] JORGE VEGA MÁRQUEZ, “Amazonia solitária”, trong Poesía obrera, Cobija-Pando-Bolivia, 2009, 39.

[5] RED ECLESIAL PANAMAZÓNICA (REPAM), Brazil, Síntesis del aporte al Sínodo, 120; Xem Tài Liệu Làm Việc, 45.

[6] Diễn từ với giới trẻ, São Paulo, Brazil (10 May 2007), 2.

[7] Xem ALBERTO C. ARAÚJO, “Imaginario amazónico”, trong Amazonia real: amazoniareal.com.br (29-1-2014).

[8] THÁNH GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI, Thông điệp Populorum Progressio (26-3-1967), 57: AAS 59 (1967), 285.

[9] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Diễn từ với Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học xã hội (27-4-2001), 4: AAS 93 (2001), 600.

[10] Xem Tài Liệu Làm Việc, 41.

[11] KHÓA HỌP KHOÁNG ĐẠI LẦN 5 CỦA CÁC Hội Đồng Giám Mục NAM MỸ VÀ VÙNG CARIBÊ, Aparecida Document (29-6-2007), 473.

[12] RAMÓN IRIBERTEGUI, Amazonas: El hombre y el caucho, ed. Vicariato Apostólico de Puerto Ayacucho-Venezuela, Monografía số 4, Caracas, 1987, 307ff.

[13] Xem “AMARÍLIS TUPIASSÚ, “Amazônia, das travessias lusitanas à literatura de até agora”, trong Estudos Avançados tập 19, số 53, São Paulo (tháng 1 đến tháng 4.2005): “Trên thực tế, sau khi kết thúc thời kỳ thuộc địa đầu tiên, khu vực Amazon tiếp tục trở thành một khu vực chịu sự tham lam lâu đời, ẩn núp dưới các luận điệu mới…, một phần của các tác nhân ‘văn minh hóa’, họ thậm chí không cần phải được nhân cách hóa để tạo ra và nhân lên các mặt mới của sự suy tàn cũ, bây giờ thông qua một cái chết chậm.”

[14] CÁC GIÁM MỤC VÙNG AMAZON BRAXIN, Carta al Pueblo de Dios, Santarem-Brazil (6-7-2012).

[15] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế giới năm 1998, 3: AAS 90 (1998), 150.

[16] KHÓA HỌP KHOÁNG ĐẠI LẦN 3 CỦA CÁC Hội Đồng Giám Mục NAM MỸ VÀ VÙNG CARIBÊ, Puebla Document (23-3-1979), 6.

[17] Tài Liệu Làm Việc, 6. Đức Giáo Hoàng PHAOLÔ III Đoàn sắc Veritas Ipsa (2-6-1537), lên án luận đề phân biệt chủng tộc và công nhận rằng các dân tộc bản địa, dù theo đạo Công Giáo hay không, sở hữu phẩm giá của con người, được hưởng quyền sở hữu của họ và không được giảm xuống làm nô lệ. Giáo hoàng tuyên bố: “ vì các người thực sự không phải là người bị tước đoạt quyền tự do hay quyền sở hữu tài sản của họ, mặc dù họ không tin Chúa Giêsu Kitô. Giáo lý huấn quyền này đã được tái khẳng định bởi các. Đức Giáo Hoàng GRÊGÔRIÔ XIV, Sắc chỉ Cum Sicuti (28 4-1591);. Đức Giáo Hoàng URBANÔ VIII, Sắc chỉ Commissum Nobis (22-4-1639);. Đức Giáo Hoàng BIỂN ĐỨC XIV, Sắc chỉ Immensa Pastorum Principis gửi các Giám mục Braxin (20-12-1741); Đức Giáo Hoàng GRÊGÔRIÔ XVI, Đoản sắc In Supremo (3-12-1839);. Đức Giáo Hoàng LÊÔ XIII, Thư gửi các Giám mục Brasil về sự nô lệ (15-5-1888); và THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Sứ điệp gửi các dân tộc bản địa ở châu Mỷ, Santo Domingo (12-10-1992), 2: Insegnamenti 15/2 (1982), 346.

[18] FREDERICO BENÍCIO DE SOUSA COSTA, Thư mục vụ (1909). Ed. Imprenta del gobierno del estado de Amazonas, Manaus, 1994, 83.

[19] Tài Liệu Làm Việc, 7.

[20] Diễn từ với Hội nghi Thế giới lần 2 của các phong trào dân chúng, Santa Cruz de la Sierra-Bolivia (9-7-2015).

[21] Diễn từ với Hội nghi các dân tộc bản địa ở Amazonia, Puerto Maldonado-Peru (19-1- 2018): AAS 110 (2018), 300.

[22] Tài Liệu Làm Việc, 24.

[23] YANA LUCILA LEMA, Tamyahuan Shamakupani (Con la lluvia estoy viviendo), 1, at http://siwarmayu.com/es/yana-lucila-lema-6-poemas-de-tamyawan-shamukupani-con-la-lluvia-estoy-viviendo.

[24] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ECUADOR, Cuidemos nuestro planeta (20-4-2012), 3.

[25] Số 142: AAS 107 (2015), 904-905.

[26] Số 82.

[27] Như trên, 83.

[28] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 239: AAS 105 (2013), 1116.

[29] Như trên., 218: AAS 105 (2013), 1110.

[30] Như trên.

[31] Xem Tài Liệu Làm Việc, 57.

[32] Xem EVARISTO EDUARDO DE MIRANDA, Quando o Amazonas corria para o Pacifico, Petrópolis, 2007, 83-93.

[33] JUAN CARLOS GALEANO, “Paisajes”, trong Amazonia y otros poemas, ed. Universidad Externado de Colombia, Bogotá, 2011, 31.

[34] JAVIER YGLESIAS, “Llamado”, trong Revista peruana de literatura, số 6 (thánh 6-2007), 31.

[35] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 144: AAS 107 (2015) 905.

[36] Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Christus Vivit (25-03-2019), 186.

[37] Như trên., 200.

[38] Sứ điệp video cho hội nghị Thanh niên bản địa thế giới, Soloy-Panama (18-1-2019).

[39] MARIO VARGAS LLOSA, Giới thiệu cho El Hablador, Madrid (8-10-2007).

[40] Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Christus Vivit (25-3-2019), 195.

[41] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Centesimus Annus (1-5-1991), 50: AAS 83 (1991), 856.

[42] KHÓA HỌP KHOÁNG ĐẠI LẦN 5 CỦA CÁC Hội Đồng Giám Mục NAM MỸ VÀ VÙNG CARIBÊ, Aparecida Document (29-6-2007), 97.

[43] Diễn từ với Hội nghi các dân tộc bản địa ở Amazonia, Puerto Maldonado-Peru (19-1-2018): AAS 110 (2018), 301.

[44] Tài Liệu Làm Việc, 123, e.

[45] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 144: AAS 107 (2015), 906.

[46] Xem Đức Giáo Hoàng BIỂN ĐỨC XVI, Thông điệp Caritas in veritate (29-6-2009), 51: AAS 101 (2009), 687: “Đặc biệt trong thời đại chúng ta, thiên nhiên đã hội nhập vào sự năng động xã hội và văn hóa sâu xa đến độ không còn là dữ kiện độc lập nữa. Việc sa mạc hóa nhanh chóng và lâm vào cảnh khổ của nhiều vùng nông nghiệp là hậu quả của nghèo đói và chậm tiến của dân chúng sống nơi đó”.

[47] Sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế giới năm 2007, 8: Insegnamenti, II/2 (2006), 776.

[48] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 16, 91, 117, 138, 240: AAS 107 (2015), 854, 884, 894, 903, 941.

[49] Tài liệu Bolivia: informe país. Consulta pre sinodal, 2019, trg. 36; Xem Tài Liệu Làm Việc, 23.

[50] Tài Liệu Làm Việc, 26.

[51] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 146: AAS 107 (2015), 906.

[52] Documento con aportes al Sínodo de la Diócesis de San José del Guaviare y de la Arquidiócesis de Villavicencio y Granada (Colombia); Xem Tài Liệu Làm Việc, 17.

[53] EUCLIDES DA CUNHA, Los Sertones (Os Sertões), Buenos Aires (1946), 65-66.

[54] PABLO NERUDA, “Amazonas” trong Canto General (1938), I, IV.

[55] REPAM, Tài liệu Eje de Fronteras. Preparación para el Sínodo de la Amazonia, Tabatinga-Brasil (3-2-2019), p. 3; Xem Tài Liệu Làm Việc, 8.

[56] AMADEU THIAGO DE LELLO, Amazonas, patria da agua. Bản dịch tiếng Tây Ban Nha của Jorge Timossi, in http://letras-uruguay.espaciolatino.com/aaa/mello_thiago/amazonas_patria_da_agua.htm.

[57] VINICIUS DE MORAES, Para vivir un gran amor, Buenos Aires, 2013, 166.

[58] JUAN CARLOS GALEANO, “Los que creyeron”, trong Amazonia y otros poemas, ed. Universidad externado de Colombia, Bogotá, 2011, 44.

[59] HARALD SIOLI, A Amazônia, Petropolis (1985), 60.

[60] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Diễn từ cho Hội nghị quốc tế về “Môi trường và sức khỏe” (24-3-1997), 2.

[61] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 34: AAS 107 (2015), 860.

[62] Xem Như trên., 28-31: AAS 107 (2015), 858-859.

[63] Như trên., 38: AAS 107 (2015), 862.

[64] Xem KHÓA HỌP KHOÁNG ĐẠI LẦN 5 CỦA CÁC Hội Đồng Giám Mục NAM MỸ VÀ VÙNG CARIBÊ, Aparecida Document (29-6-2007), 86.

[65] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 38: AAS 107 (2015), 862.

[66] Xem Như trên, 144, 187: AAS 107 (2015), 905-906, 921.

[67] Xem Như trên., 183: AAS 107 (2015), 920.

[68] Như trên HYPERLINK “http://www.vatican.va/content/francesco/en/encyclicals/documents/papa-francesco_20150524_enciclica-laudato-si.html#53”., 53: AAS 107 (2015), 868.

[69] Xem Như trên., 49: AAS 107 (2015), 866.

[70] Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng về Vùng Amazon, 8.

[71] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 56: AAS 107 (2015), 869.

[72] Như trên., 59: AAS 107 (2015), 870.

[73] Như trên., 33: AAS 107 (2015), 860.

[74] Như trên, 220: AAS 107 (2015), 934.

[75] Như trên., 215: AAS 107 (2015), 932.

[76] SUI YUN, Cantos para el mendigo y el rey, Wiesbaden, 2000.

[77] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 100: AAS 107 (2015), 887.

[78] Như trên., 204: AAS 107 (2015), 928.

[79] Xem Văn kiện Santarem (1972) và Manaos (1997) trong HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BRAXIN, Desafío missionário. Documentos da Igreja na Amazônia, Brasilia, 2014, trg. 9-28 và 67-84.

[80] Xem Tông Huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 220: AAS 105 (2013), 1110.

[81] Như trên., 164: AAS 105 (2013), 1088-1089.

[82] Như trên., 165: AAS 105 (2013), 1089.

[83] Như trên., 161: AAS 105 (2013), 1087.

[84] Như Công đồng chung Vatican nói trong số 14 của Hiến chế Gaudium et Spes: “Hội Thánh đã học hỏi sớm trong lịch sử của mình để diễn tả sứ điệp Kitô giáo trong các khái niệm và ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau, và cố gắng làm sáng tỏ nó dưới ánh sáng của sự khôn ngoan của các triết gia: đó là một nỗ lực để thích ứng Tin Mừng theo sự hiểu biết của mọi người, và yêu cầu của người trí thức, trong chừng mực điều này có thể được thực hiện. Thật vậy, loại thích nghi và rao giảng lời được mặc khải này phải là luật của tất cả việc truyền giáo. Theo cách này, có thể tạo ra ở mọi quốc gia khả năng diễn đạt sứ điệp của Chúa Kitô bằng các thuật ngữ phù hợp, và thúc đẩy sự tiếp xúc và trao đổi quan trọng giữa Giáo hội và các nền văn hóa khác nhau”.

[85] Thư gửi dân Chúa ở Đức, 29-6-2019, 9: L’Osservatore Romano, 1-2 tháng 2-2019, trg. 9.

[86] Xem THÁNH Vinh Sơn thành Lerins, Commonitorium primum, cap. 23: PL 50, 668: “Ut annis scilicet consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate”.

[87] Thư gửi dân Chúa ở Đức, 29-6-2019, 9. Xem từ ngữ được gán cho Gustav Mahler: “Tradition ist nicht die Anbetung der Asche, sondern die Weitergabe des Feuers”: “Truyền thống không là thờ tro tàn, nhưng là bước đi trên lửa”.

[88] Diễn từ với các Giáo sư đại học và lãnh đạo Văn hóa, Coimbra (15-5-1982): Insegnamenti 5/2 (1982), 1702-1703.

[89] Sứ điệp gửi dân bản địa của Lục địa châu Mỹ, Santo Domingo (12 October 1992), 6: Insegnamenti 15/2 (1992), 346; Xem Diễn từ với các tham dự viên của Hội nghị toàn quốc của Phong trào Hội Thánh vể cam kết văn hóa (16-1-1982), 2: Insegnamenti 5/1 (1982), 131.

[90] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Vita Consecrata (15-3-1996), 98: AAS 88 (1996), 474-475.

[91] Số 115: AAS 105 (2013),1068.

[92] Như trên., 116: AAS 105 (2013),1068.

[93] Như trên.

[94] Như trên., 129: AAS 105 (2013), 1074.

[95] Như trên., 116: AAS 105 (2013), 1068.

[96] Như trên., 117: AAS 105 (2013), 1069.

[97] Như trên.

[98] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Diễn từ với Phiên họp toàn thể của Hội Đồng Văn hóa Tóa Thánh (17-1-1987): Insegnamenti 10/1 (1987), 125.

[99] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 129: AAS 105 (2013), 1074.

[100] KHÓA HỌP KHOÁNG ĐẠI LẦN 4 CỦA CÁC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC NAM MỸ VÀ VÙNG CARIBÊ, Santo Domingo Document (12-28 tháng 10-1992), 17.

[101] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 198: AAS 105 (2013), 1103.

[102] Xem VITTORIO MESSORI-JOSEPH RATZINGER, Rapporto sulla fede, Cinisello Balsamo, 1985, 211-212.

[103] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 198: AAS 105 (2013), 1103.

[104] PEDRO CASALDÁLIGA, “Carta de navegar (Por el Tocantins amazónico)” trong El tiempo y la espera, Santander, 1986.

[105] Thánh Tôma Aquinas giải thích điều này như sau: “Cách thức ba mặt về việc Chúa ở trong mọi sự: một là theo thông thường, bởi yếu tính, sự hiện diện và quyền uy; hai là bởi ân sủng trong các thánh; và ba là trong Chúa Kitô, bởi sự kết hiệp” (Ad Colossenses, II, 2).

[106] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 235: AAS 107 (2015), 939.

[107] KHÓA HỌP KHOÁNG ĐẠI LẦN 3 CỦA CÁC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC NAM MỸ VÀ VÙNG CARIBÊ, Puebla Document (23-3-1979), 196.

[108] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 178: AAS 105 (2013), 1094.

[109] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh Lumen Gentium, 11; Xem Tông Huấn Gaudete et Exsultate (19-3-2018), 10-11.

[110] CÁC HẠT ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA CỦA VÙNG AMAZON PERU, “Segunda asamblea episcopal regional de la selva”, San Ramón-Perú (5-10-1973), trong Éxodo de la Iglesia en la Amazonia. Documentos pastorales de la Iglesia en la Amazonia peruana, Iquitos, 1976, 121.

[111] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 123: AAS 105 (2013), 1071.

[112] Xem Tông Huấn Gaudete et Exsultate (19-3-2018), 126-127.

[113] Như trên., 32.

[114] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 235: AAS 107 (2015), 939.

[115] Như trên.

[116] Như trên., 236: AAS 107 (2015), 940.

[117] Như trên.

[118] Như trên., 235: AAS 107 (2015), 939.

[119] Xem hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 37-40, 65, 77, 81.

[120] Trong Thượng Hội Đồng, đã có đề nghị phát triển một “Nghi lễ Amazon”.

[121] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 237: AAS 107 (2015), 940.

[122] Tông Huấn Amoris Laetitia (19-3-2016), 49: AAS 108 (2016), 331; Xem Như trên. 305: AAS 108 (2016), 436-437.

[123] Xem Như trên., 296, 308: AAS 108 (2016), 430-431, 438.

[124] KHÓA HỌP KHOÁNG ĐẠI LẦN 5 CỦA CÁC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC NAM MỸ VÀ VÙNG CARIBÊ, Aparecida Document, 29-6-2007, 100 e.

[125] Xem THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Thư Sacerdotium Ministeriale gửi các GM của Hội Thánh Công Giáo về thừa tác viên Thánh Thể (6-8-1983): AAS 75 (1983), 1001-1009.

[126] Tông thư Mulieris Dignitatem (15-8-1988), 27: AAS 80 (1988), 1718.

[127] THÁNH TÔMA AQUINAS, Summa Theologiae III, q. 8, a.1, resp.

[128] Xem CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Sắc lệnh về sứ vụ và đời sống của linh mục Presbyterorum Ordinis, 5; THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17-4-2003), 26: AAS 95 (2003), 448.

[129] Chính thừa tác của linh mục cũng là ban bí tích xức dầu bệnh nhân, bởi vì nó liên kết chặt chẽ với việc tha tội: “Và nếu người ấy phạm tội, người ấy sẽ được tha tội” (Jas 5:15).

[130] Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, 1396; THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17-4-2003), 26: AAS 95 (2003), 451; Xem HENRI DE LUBAC, Meditation sur l’Église, Paris (1968), 101.

[131] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Sắc lệnh về sứ vụ và đời sống của linh mục Presbyterorum Ordinis, 6.

[132] Xin lưu ý rằng, trong một số quốc gia vùng hạ Amazon, nhiều thừa sai thích đi đến châu Âu hoặc Mỹ, hơn là ở lại giúp cho các hạt Đại Diện Tông Tòa của họ ở vùng Amazon.

[133] Ở Thượng Hội Đồng, cũng nhiều vị nhắc đến việc thiếu các chủng viên để đào tạo linh mục cho người bản địa.

[134] Xem CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh Lumen Gentium, 3.

[135] THÁNH GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI, Bài giảng lễ Minh Thánh Chúa, 17-6-1965: Insegnamenti 3 (1965), 358.

[136] Có thể rằng, do việc thiếu linh mục, một Giám mục có thể “ủy thác sự tham gia thi hành công tác mục vụ của một giáo xứ…cho một phó tế hoặc cho một người nào khác không có chức linh mục, hoặc cho một cộng đoàn” (Bộ Giáo luật, 517 §2).

[137] KHÓA HỌP KHOÁNG ĐẠI LẦN 5 CỦA CÁC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC NAM MỸ VÀ VÙNG CARIBÊ, Aparecida Document, 29-6-2007, 178.

[138] Như trên, 475.

[139] Tài Liệu Làm Việc, 65.

[140] Như trên., 63.

[141] Như trên., 129, d, 2.

[142] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 228: AAS 105 (2013), 1113.

[143] Như trên., 226: AAS 105 (2013), 1112.

[144] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Tuyên ngôn về mối liên hệ của Hội Thánh với các tôn giáo ngoài Kitô giáo Nostra Aetate, 2.

[145] CELAM, III Simposio latinoamericano sobre Teología India, Ciudad de Guatemala (23-27 tháng 10-2006).

Vũ Văn An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *