Nhà Cầu nguyện (17.11.2016 – Thứ Sáu sau Chúa Nhật XXXIII Thường Niên năm C)

Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ

Lời Chúa: Lc 19, 45-48

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca
45 Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán46 và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! “

47 Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy.48 Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.

 

Tại Châu Âu hiện nay nhà thờ, tu viện đang dần phải bán đi. Trong khi đó tại Việt Nam, đa số nhà thờ rất nhộn nhịp, chắc là nhất nhì thế giới! Chúng ta có lý do để mừng và tự hào. Nhưng một số mục tử nhìn tới tương lai và bắt đầu lo. Làm sao để điều tệ hại như bên Tây không xảy ra bên ta trong mười hay hai mươi năm nữa? Chắc hẳn chỉ có một cách thôi, đó là bảo đảm chất lượng cho sự nhộn nhịp hôm nay. Thật vậy, nhộn nhịp là chuyện số lượng; còn chất lượng có thể là chuyện khác. Đền thờ Giê-ru-sa-lem ngày xưa rất sầm uất, nhưng chính Đức Giêsu đã gọi đó là “hang trộm cướp,” bởi vì người ta biến nơi đó thành cái chợ, nơi họ buôn bán, trục lợi bằng đủ thứ mánh lới đặc trưng của một ‘chợ trời’: đầu cơ, độc quyền, ép giá, lừa đảo, móc nối chia chác…

Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nhận định về Giáo Hội trước thềm thiên niên kỷ thứ ba: “Còn nơi nào mà bầu khí tục hoá chưa xâm lấn tới?” (số 36) Ta tham dự phụng vụ linh đình, nghi thức rầm rộ, hoành tráng, nhưng ta có xác tín mạnh mẽ sự hiện diện của Chúa không? Hay ta đến đó như ‘xác không hồn’, và ra về như ‘nước đổ lá môn’, chẳng đọng lại mấy tâm tình?

Nhà thờ là nhà cầu nguyện, chúng ta phải có niềm tin vững mạnh là Chúa luôn luôn hiện diện ở đó, để ta hết lòng tôn trọng và cung kính mến yêu. Chúng ta bảo vệ Đức Tin Công Giáo có nền tảng kỷ cương, không dễ dàng buông lỏng ngay với chính bản thân mình, vì mỗi tâm hồn chúng ta cũng là một đền thờ cho Chúa ngự vào.

Chúng ta tham dự Thánh Lễ phải cố gắng có “chất lượng cao” : 1/ về thời gian: không đi trễ về sớm; 2/ về y phục: lịch sự, đoan trang; 3/ về tâm tình đạo đức: đến gặp gỡ Chúa và gặp gỡ anh chị em với tất cả  tâm hồn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đến với Chúa bằng tất cả tấm lòng chân thành mến yêu. Biết bảo vệ và giữ gìn Nhà Thờ được trang nghiêm sạch sẽ, cả về mặt hình thức lẫn nội dung, để xứng đáng là “ Nhà cầu nguyện” như lòng Chúa mong muốn. Amen.

 

BCT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *