Những ai thuộc về gia đình Đức Kitô? (21.11.2018 – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ )

Ngày 21.11: Lễ Nhớ Đức Mẹ Dâng Mình Vào Đền Thánh

Tin Mừng: Mt 12,46-50

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

46 Khi ấy, Đức Giê-su còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47 Có kẻ thưa Người rằng : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” 48 Người bảo kẻ ấy rằng : “Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?” 49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”

Tin mừng hôm nay, người Do Thái quan tâm đến những người trong gia đình của Chúa: “Mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia”. Nhưng Chúa Giêsu đã dạy cho mọi người hướng về gia đình Thiên quốc rộng lớn và hạnh phúc vĩnh cửu. Mỗi chúng ta phải cố gắng trở thành thành viên trong gia đình ấy: “Ai thi hành ý muốn của cha tôi,Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.

Nói về gia đình huyết nhục nơi trần thế, một tổ ấm Thiên Chúa đã tạo dựng ban đầu là ông bà Nguyên tổ. Là một xã hội đầu tiên được gắn bó ràng buộc, yêu thương. Nó bền vững đến nỗi tội nguyên tổ và lụt đại hồng thủy cũng không phá hủy nó được. Ở đó một bản năng tự nhiên cha mẹ yêu thương ấp ủ con cái vì là máu mủ ruột thịt của mình. Con cái yêu thương nhau vì cùng giống cha giống mẹ, cùng được yêu thương. Tình yêu cao quý ấy của gia đình, Hội thánh đã ví với hình ảnh của Thiên Chúa ba ngôi. Mà Chúa Giêsu đến trần gian cứu độ nhân lọai đã chọn sống trong gia đình ấy.

Thế mà hôm nay Chúa như phũ phàng với cha mẹ Ngài chăng? Không phải thế!Ngài không hề phủ nhận cái gia đình yêu thương mà Ngài đã và đang được sống với cha mẹ Ngài là Đức Mẹ và thánh Giuse. Nhưng Ngài lợi dụng tình yêu huyết nhục ấy để hướng mọi người đến một gia đình Thiên quốc rộng lớn hạnh phúc vĩnh cửu hơn. Chính sau này Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ kinh “Lạy cha” càng sáng tỏ điều ấy: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Ta có thể đọc sát nghĩa hơn: “Lạy Thiên Chúa là bố mẹ của chúng con ở trên trời”. Mỗi lần cất lên kinh “Lạy Cha”là ta đã cảm thấy được nếm tình yêu gia đình thiên quốc đang ngay từ trần gian này. Đồng thời cũng nhận ra Thiên Chúa, người Cha quyền phép yêu thương mà không cha mẹ trần gian nào sánh được. Để rồi mọi người biết yêu thương nhau hơn.

Đọc lời Chúa hôm nay, mỗi chúng ta hãy nhìn lại gia đình mình xem có còn giữ được tình yêu ban đầu mà Chúa tạo dựng mong muốn không? Vì nếu có “thực thi ý Chúa Cha”, mình mới hy vọng được gia nhập gia đình Thiên Chúa. Ở đó sẽ hết mọi khổ đau: “chẳng còn phải cưới vợ gả chồng… ,người người nên như các Thiên Thần trên trời”(Mt 23,30). Ở đó cũng chẳng có kẻ ít người nhiều, kẻ sau người trước đều vui mừng lãnh một “quan tiền”(Mt 20,13) mà ông chủ rộng lượng ban cho. Tất cả như những ly nước, dù to nhỏ nhưng đều tràn trề niềm vui hạnh phúc bên Chúa, chẳng có cái gì làm cho ta vui sướng hơn được nữa.

Lạy Chúa! xin cho mỗi chúng con khi đang được hưởng tình yêu gia đình nơi cha mẹ, anh chị em ruột thịt trần thế, thì cũng nhận ra một đại gia đình mà Thiên Chúa, người Cha chờ đón chúng con trên trời. Nơi ấy mỗi chúng con phải phấn đấu bước tới.

 Ngọc Năng (BC)

Thứ Tư Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 

Tin Mừng: Lc 19,11-28

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

11 Khi ấy, dân chúng đang nghe Đức Giê-su, thì Người kể thêm cho họ một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giê-ru-sa-lem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi. 12 Vậy Người nói : “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. 13 Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ : ‘Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.’ 14 Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng : ‘Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.’

15 “Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. 16 Người thứ nhất đến trình : ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.’ 17 Ông bảo người ấy : ‘Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi ! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.’ 18 Người thứ hai đến trình : ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.’ 19 Ông cũng bảo người ấy : ‘Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành.’

20 “Rồi người thứ ba đến trình : ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. 21 Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.’ 22 Ông nói : ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. 23 Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng ? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ !’ 24 Rồi ông bảo những người đứng đó : ‘Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén.’ 25 Họ thưa ông : ‘Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi !’ 26 Ông đáp lại : ‘Tôi nói cho các anh hay : phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm ; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.

27 ‘Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi.’”

28 Đức Giê-su nói những lời ấy xong, thì dẫn đầu các môn đệ, tiến lên Giê-ru-sa-lem.

1. Nén bạc sinh lời

Vậy Người nói: “Có một người quí tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười yến bạc và nói với họ: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.” (Lc. 19, 12-13)

Trước khi long trọng vào thành Giêrusalem, Đức Giêsu lưu ý các môn đệ về thời kỳ đăng quang cuối cùng. Tiếp đến thời kỳ Giáo Hội được trao phó cho các ông để chịu thử thách.

Một lần nữa, Đức Giêsu kể một sự kiện nổi tiếng được mọi người đã biết, nó xảy ra hai năm sau ngày Người sinh ra: Đó là hành trình của quận vương Akêlau tới thăm Rôma để được chuẩn y thăng chức làm vua xứ Giuđa. Một phái đoàn năm mươi người Do Thái phản đối sự phong vương này. Và khi Akêlau trở về đã trả thù những người Do Thái chống đối. Lần này, chính Đức Giêsu đến đương đầu với sự chống đối của người Do Thái, họ không muốn nhận vương quyền của Người.

Trong khi vắng mặt, Đức Giêsu đã trao sự nghiệp của Người cho các đầy tớ, cho Giáo Hội của Người. Sản nghiệp Người trao cho các ông, chỉ là một vật rất nhỏ. Các ông phải làm cho sinh lời. Các đầy tớ của Đức Giêsu đều phải được thử thách như thế để chứng tỏ lòng trung thành và sự kiên trì trong suốt thời gian bấp bênh. Các ông có là những quản lý trung tín và khôn ngoan rao giảng Lời Thiên Chúa không?

Khi Đức Giêsu trở về, Người kêu tính sổ, những đầy tớ không nói tới việc họ đã làm, nhưng nói về sản nghiệp được trao cho họ làm sinh lời, vì lời Người đã được rao giảng và vẫn sống động. Lời Người đã sinh hoa kết quả tùy theo sự cảm nhận và khôn khéo của các đầy tớ. Lòng trung tín trong các việc nhỏ được ghi công và được lãnh phần Nước Trời.

Kẻ lười biếng mất hết quyền lợi: kẻ chỉ tìm yên thân, không làm gì. Nó chê trách chủ thu nơi không phát nên nó đem đi chôn, những người Biệt phái cũng thế, họ canh giữ lề luật bắt người ta kính trọng lề luật để bảo vệ luật lệ được nguyên vẹn, làm cho lề luật khô héo ứ đọng, chết cứng, nên họ bị tước mất cả cái họ có. Sự mong đợi ngày quang lâm của Chúa kêu gọi hành động, chứ không phải bất động chờ đợi, ngập lòng sợ hãi.

Hình phạt của vua chống lại kẻ thù cho thấy sự khủng khiếp trong ngày phán xét chống lại sự nổi loạn của Ítraen và chắc hẳn nhắm tới cảnh thiêu hủy của thành Giêrusalem mà Đức Giêsu đã loan báo nhiều lần trước khi Người chết. Nhưng hình phạt cũng áp dụng cho những người từ chối đón nhận nước Chúa. Họ tự kết án mình phải hư mất.

2. Tỉnh thức chờ Chúa

Cộng đoàn tín hữu Thessalonica sống trong niềm thao thức việc Chúa sắp trở lại đến độ một số người trong họ không còn muốn dấn thân làm việc nữa. Thái độ lệch lạc này không phù hợp với lời dạy của Chúa Giêsu là sống tỉnh thức chờ đợi ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Cần phải có thái độ tỉnh thức được thể hiện bằng những việc làm tốt, chứ không phải một thái độ canh chừng thụ động. Thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Thessalonica: “Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa cho anh em được sống xứng đáng với ơn gọi, xin Ngài dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin… Còn về ngày Chúa Giêsu Kitô quang lâm và tập hợp chúng ta về với Ngài, tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mạc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần giao động, cũng đừng hoảng sợ. Ðừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào” (2Tx 1,11; 2,1-2)

Ðó là những lời khuyên cụ thể của thánh Phaolô cho tín hữu Thessalonica đang mong chờ lần trở lại của Chúa Giêsu, và những lời đó diễn đạt những lời Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay: “Hãy làm lợi thêm những nén bạc được giao phó, chứ đừng đem chôn dấu nó.”

Dụ ngôn nén bạc mời gọi mỗi người chúng ta ý thức trách nhiệm với tư cách là người có niềm tin. Ðức tin không là nén bạc để được cất giữ, nhưng phải được đầu tư để phát triển, sinh lợi. “Một đức tin không có việc làm là đức tin chết.” Nếu chúng ta chỉ đóng khung cuộc sống đạo trong bốn bức tường nhà thờ, nếu chúng ta chỉ giản lược đức tin vào những biểu dương bên ngoài, nếu đức tin chỉ là một mớ những giáo điều phải tin, những điều răn phải giữ, thì quả thực chúng ta đang chôn chặt đức tin như gia nhân đã chôn nén bạc mà chủ đã trao: chúng ta có giữ đạo, nhưng chưa thực sự sống đạo.

Cuộc đầu tư nào cũng bao hàm những bất tất, rủi ro; một đức tin sống động cũng hàm chứa nhiều hy sinh, mất mát. Nhưng chúng ta tin rằng chính lúc chúng ta mất mát là lúc chúng ta được lợi lộc, chính lúc chúng ta quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi được vui sống. Ðó phải là bài trường ca trong cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa vì hồng ân đức tin chúng ta đã lãnh nhận. Xin Chúa ban thêm can đảm, để đức tin của chúng ta thực sự được đầu tư trong từng giây phút của cuộc sống, để đáng được phần thưởng Chúa ban trong ngày Ngài trở lại vinh quang.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con muôn vàn ơn lành hồn xác. Chúng con được nuôi dưỡng trong tình thương quan phòng của Chúa. Chúng con có thể nói: tất cả là hồng ân. Sự sống, sức khỏe, thời giờ đều là ân ban mà Chúa ban tặng cho chúng con. Xin cho chúng con biết đón nhận với lòng cảm mến tri ân, và biết sử dụng ân huệ Chúa ban theo thánh ý Chúa.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa luôn tin tưởng chúng con. Chúa còn trao cho chúng con rất nhiều nén bạc là những tài năng, hoàn cảnh, thời giờ. Chúa muốn chúng con sinh lời cho Chúa. Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ cho những thiếu sót của chúng con. Đã bao lần chúng con phung phí tài trí cho những đam mê tội lỗi. Đã bao lần chúng con hoang phí thời gian cho những thú vui mau qua. Đã bao lần chúng con bỏ lỡ cơ hội làm sáng danh Chúa trong địa vị của mình. Xin giúp chúng con biết tự hối bản thân, biết chỉnh đốn lại cách sống, biết dùng cuộc đời cho đúng mục đích là làm sáng danh Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sinh lời nén bạc Chúa trao để chúng con đáng đươc Chúa thưởng công trong Nước Chúa. Xin giúp chúng con đừng vì lười biếng mà xao nhãng việc Chúa, nhưng luôn biết chu toàn bổn phận làm con Chúa với niềm trung tín sắt son. Amen

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *