Những điều cần biết về Mùa Chay

“Mùa Chay là sự chuẩn bị cho việc cử hành Lễ Phục Sinh. Phụng vụ Mùa Chay giúp các dự tòng và các tín hữu cử hành mầu nhiệm Phục Sinh: các dự tòng được chuẩn bị qua những giai đoạn khác nhau của việc nhập đạo; còn các tín hữu thì qua việc tưởng niệm Bí tích Thanh Tẩy và việc Sám hối.”

Những điều cần biết về Mùa Chay
Mùa Chay là gì?
Theo Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch, “Mùa Chay là sự chuẩn bị cho việc cử hành Lễ Phục Sinh. Phụng vụ Mùa Chay giúp các dự tòng và các tín hữu cử hành mầu nhiệm Phục Sinh: các dự tòng được chuẩn bị qua những giai đoạn khác nhau của việc nhập đạo; còn các tín hữu thì qua việc tưởng niệm Bí tích Thanh Tẩy và việc Sám hối.” (27).Mùa Chay có thực sự dài bốn mươi ngày không?
Về mặt kỹ thuật, không. Theo Những Quy Luật Tổng Quát, “Mùa Chay bắt đầu từ thứ Tư lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc ly” (28). Điều này có nghĩa là Mùa Chay kết thúc vào đầu Thánh lễ Tiệc ly của Chúa vào Thứ Năm Tuần Thánh. Bạn có thể tính được nếu muốn — đó là hơn bốn mươi ngày. Do đó, con số bốn mươi trong các bài thánh ca truyền thống như “Lạy Chúa, Đấng thấu suốt Bốn Mươi Ngày” chỉ là một con số gần đúng.

Các Chúa Nhật có bị loại trừ khỏi Mùa Chay không?

Không. Định nghĩa về những ngày nào được bao gồm trong Mùa Chay được đưa ra ở trên, trong Những Quy Luật Tổng Quát số 28. Không có ngoại lệ nào được đưa ra cho các ngày Chúa Nhật. Thật vậy, Những Quy Luật Tổng Quát tiếp tục đặt tên cụ thể các Chúa Nhật thuộc Mùa này: “Các Chúa Nhật mùa này gọi là Chúa Nhật I, II, III, IV, V Mùa Chay. Chúa nhật thứ sáu, bắt đầu Tuần Thánh, gọi là Chúa Nhật Lễ Lá tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa.” (30).

Một số người theo thói quen cho phép bản thân họ vào Chúa Nhật được nhận những thứ mà họ đã tự nguyện từ bỏ trong Mùa Chay, nhưng vì những hình thức tự phủ nhận này cũng được giả định cách tự nguyện, nên một người không có nghĩa vụ phải thực hành chúng vào Chúa Nhật (hoặc bất kỳ ngày nào khác trong tuần).

Tại sao gọi là Mùa Chay (Lent)?
Lent là từ tiếng Anh cổ để chỉ mùa xuân. Trong hầu hết các ngôn ngữ khác, tên Mùa Chay là một từ bắt nguồn từ thuật ngữ tiếng Latinh quadragesima hoặc “bốn mươi ngày”.

Tại sao Mùa Chay dài khoảng bốn mươi ngày?
Trong Kinh Thánh, bốn mươi ngày là một con số truyền thống của kỉ luật, lòng mộ đạo và sự chuẩn bị. Môsê đã ở trên núi của ĐỨC CHÚA bốn mươi ngày (Xh 24, 18; 34, 28). Đội do thám của Ítraen đã ở trong xứ Canaan bốn mươi ngày (Ds 13, 25). Êlia đã đi bốn mươi ngày trước khi đến hang động nơi ông nhận được mặc khải (1 V 19, 8). Ninivê được cho bốn mươi ngày để ăn năn (Gn 3, 4). Và, quan trọng nhất đối với việc giữ luật Mùa Chay của chúng ta, Chúa Giêsu đã dành bốn mươi ngày trong hoang địa để cầu nguyện và ăn chay trước khi thực thi sứ vụ của mình (Mt 4, 2). Vì vậy, thật phù hợp để các Kitô hữu noi gương Ngài với thời gian bốn mươi ngày cầu nguyện và ăn chay để chuẩn bị kỷ niệm cho chóp đỉnh sứ mạng của Đức Kitô, là Thứ Sáu Tuần Thánh (ngày bị đóng đinh) và Chúa Nhật Phục Sinh (ngày Phục sinh).

Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo dạy rằng, “Bởi vì thượng tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thông những nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Hằng năm, bằng bốn mươi ngày Mùa Chay, Hội Thánh kết hiệp với mầu nhiệm Đức Giêsu trong hoang địa.” (GLHTCG số 540).

Ăn chay là gì và kiêng thịt là gì?
Theo Giáo luật hiện hành trong nghi thức Tây phương của Giáo hội, một ngày ăn chay là một ngày mà những người Công giáo từ mười tám đến sáu mươi tuổi phải ăn chay có giới hạn. Ở đất nước này (Hoa Kỳ), bạn có thể ăn một bữa thông thường và có hai bữa ăn nhẹ miễn là những bữa ăn nhẹ này không cộng lại thành bữa ăn thứ hai. Trẻ em không bắt buộc phải nhịn ăn, nhưng cha mẹ chúng phải đảm bảo chúng được giáo dục đúng cách về thực hành tinh thần ăn chay.

Một ngày kiêng thịt là một ngày mà người Công giáo từ mười bốn tuổi trở lên bị buộc không ăn thịt. (Mặc dù theo kỷ luật hiện hành trong nghi thức Tây phương của Giáo hội, cá, trứng, sản phẩm từ sữa và thực phẩm làm từ mỡ động vật được cho phép, nhưng chúng không có trong nghi thức Đông phương.) Các mục tử có thể tùy ý miễn chuẩn ăn chay và kiêng thịt với những trường hợp có nguyên nhân y khoa.

Có cơ sở nào trong Kinh Thánh về việc kiêng thịt như một dấu hiệu của sự ăn năn không?
Có. Sách Đanien viết, “Năm thứ ba đời vua Kyrô nước Ba Tư. . . tôi là Đanien, đã ăn chay đền tội suốt ba tuần như thể chịu tang: tôi không ăn đồ cao lương mỹ vị; thịt và rượu, tôi không hề nếm chút nào; tôi cũng chẳng xức dầu thơm trong suốt ba tuần đó” (Đn 10, 1-3).

Phải chăng kiêng thịt là một trong những “giáo huấn của ma quỷ” mà Phaolô đã cảnh báo trong Thư thứ nhất gửi Timôthê 4, 1-5?
Khi Phaolô cảnh báo những người “cấm không được kết hôn và bắt phải kiêng một số thức ăn”, thì ông đã nghĩ đến những người theo đạo Mani rằng quan hệ tình dục là sai trái và một số thức ăn như thịt là vô luân. (Vì vậy, lý tưởng tâm linh đối với nhiều người Tân thời hiện nay là ăn chay theo kiểu độc thân, như trong các tôn giáo Đông phương.)

Chúng ta biết rằng Phaolô đã nghĩ đến những người dạy rằng tình dục và một số loại thực phẩm về bản chất là vô đạo đức vì ông nói với chúng ta rằng đây là “những thức ăn này là những thứ Thiên Chúa đã tạo dựng để các tín hữu, những kẻ đã nhận biết chân lý, được dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ. Thật vậy, tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt, và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ, vì lời Thiên Chúa và lời cầu nguyện thánh hóa những thứ đó. ”(1 Tm 4, 3b-5).

Tình dục và tất cả các loại thức ăn là những thứ tốt – đó là lý do tại sao Giáo hội Công giáo cử hành hôn lễ như một Bí tích và chân thành khuyến khích con cái của mình thực hành việc ăn uống. Đó là lí do tại sao nên từ bỏ những thứ này như một phần của rèn luyện tâm linh. Vì vậy, Đanien đã kiêng thịt (cũng như rượu, một biểu tượng khác của sự mừng vui), và Phaolô tán thành việc thực hành đời sống độc thân tạm thời để tham gia vào kỷ luật thiêng liêng đặc biệt là tăng cường cầu nguyện (1 Cr 7, 5). Bằng cách hãm mình từ bỏ những điều tốt đẹp này, chúng ta khuyến khích một thái độ khiêm tốn, giải phóng bản thân khỏi sự lệ thuộc vào chúng, trau dồi kỉ luật thiêng liêng về sự hy sinh, và nhắc nhở chính mình về tầm quan trọng của của cải thiêng liêng hơn của cải trần gian.

Trên thực tế, nếu có một mục đích đủ quan trọng, Phaolô khuyên rằng nên từ bỏ hôn nhân và xác thịt vĩnh viễn. Vì vậy, chính ông đã sống độc thân (1 Cr 7, 8). Ông cũng khuyến nghị điều tương tự đối với các thừa tác viên (2 Tm 2, 3-4) và những người chưa kết hôn để dâng mình trọn vẹn hơn cho Chúa (1 Cr 7, 32-34), trừ khi làm như vậy sẽ khiến họ bị cám dỗ lớn. (1 Cr 7, 9). Tương tự, ông khuyên nên từ bỏ thịt vĩnh viễn nếu điều đó có thể ngăn người khác phạm tội (1 Cr 8, 13).

Vì Giáo hội Công giáo chỉ yêu cầu kiêng thịt tạm thời, nên rõ ràng Giáo hội không coi thịt là trái đạo đức. Thay vì thế, Giáo hội coi đó là việc từ bỏ một điều tốt để đạt được một mục tiêu thiêng liêng.

Giáo hội có thẩm quyền nào để thiết lập những ngày ăn chay và kiêng thịt?
Quyền bính của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu nói với những người lãnh đạo Hội Thánh của Ngài rằng: “dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.” (Mt 16, 19; 18, 18). Ngôn ngữ của sự cầm buộc và tháo cởi là một cách gọi (một phần) của giáo sĩ Do Thái để chỉ khả năng thiết lập halakah ràng buộc hoặc các quy tắc ứng xử cho cộng đồng tín hữu. (Xem Bách khoa toàn thư Do Thái: “Cầm buộc và tháo cởi (tiếng Do Thái, asar ve-hittir)…Thuật ngữ giáo sĩ Do Thái có nghĩa là ‘cấm và cho phép.'”) Điều đặc biệt thích hợp là các tham chiếu đến sự cầm buộc và tháo cởi xuất hiện trong sách Mátthêu, “Phúc Âm của Do Thái.”

Từ điển Bách khoa toàn thư Do Thái tiếp tục:
Thẩm quyền cầm buộc và tháo cởi luôn được những người Pharisêu tuyên bố. Dưới thời Nữ hoàng Alexandra, nhóm Pharisêu, Josephus nói (Những cuộc chiến tranh của người Do Thái 1: 5: 2), “trở thành người quản lý mọi công việc chung để được trao quyền trục xuất và truy bắt người mà họ muốn, cũng như tháo cởi và cầm buộc.”…Các trường học khác nhau có quyền lực “ràng buộc và nới lỏng”; nghĩa là cấm và cho phép (Talmud: Chagigah 3b); và họ cũng có thể ràng buộc bất kỳ ngày nào bằng cách tuyên bố đó là một ngày ăn chay (Talmud: Ta’anit 12a)…Quyền lực và thẩm quyền này, được trao cho cơ cấu giáo sĩ trong mỗi thời kì của Thượng hội đồng Do Thái, đã nhận được sự phê chuẩn và chấp thuận cuối cùng từ tòa án công lý trên trời (Sifra, Emor, 9; Talmud: Makkot 23b).
Theo nghĩa này, Chúa Giêsu, khi chỉ định các tông đồ làm người kế vị Ngài, đã sử dụng một công thức tương tự (Mt 16, 19; 8, 18). Bằng những lời này, Ngài hầu như đã ủy thác cho họ quyền tương tự như quyền hành mà Ngài nhận thấy ở các kinh sư và người Pharisêu, những kẻ “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào”; đó là sự “tháo cởi”, như họ có quyền làm vậy (Mt 23, 2-4). Theo cùng một ý nghĩa, [trong] Thư thứ hai của Clement gửi James II (Clementine Homilies, Dẫn nhập [năm 221]) Phêrô được giới thiệu là đã chỉ định Clement làm người kế vị, nói: “Ta truyền cho hiền đệ năng quyền của sự cầm buộc và tháo cởi để đối với mọi thứ mà hiền đệ phong chức ở dưới thế, thì sẽ được rao truyền ở trên trời; vì hiền đệ sẽ cầm buộc những gì cần phải cầm buộc và tháo cởi những gì nên được tháo cởi bởi biết đến lề luật của Hội thánh ”(3: 215).

Do đó, Chúa Giêsu đã ủy thác cho các nhà lãnh đạo của Giáo hội này năng quyền tạo ra halakah cho cộng đồng Kitô hữu. Điều này bao gồm việc thiết lập các ngày ăn chay (như Thứ Tư Lễ Tro).

Để tiếp cận vấn đề từ một góc độ khác, mỗi gia đình đều có thẩm quyền thiết lập những việc đạo đức cụ thể đối với các thành viên trong gia đình. Nếu cha mẹ quyết định rằng gia đình sẽ cùng tham gia một việc sùng kính vào thời điểm cụ thể (ví dụ, đọc Kinh Thánh sau bữa ăn tối), thì việc con cái không vâng lời và bỏ qua việc sùng kính mà không có lý do chính đáng là một tội lỗi. Cũng vậy, Hội Thánh với tư cách là gia đình của Thiên Chúa, có thẩm quyền thiết lập việc sùng kính riêng của mình, và việc các thành viên của Hội Thánh không vâng lời và bỏ qua việc sùng kính mà không có lý do chính đáng là một tội lỗi. Tất nhiên, nếu người đó có lý do chính đáng, Giáo hội sẽ miễn tội cho người đó.

Ngoài Thứ Tư Lễ Tro, có những ngày nào khác trong Mùa Chay cần ăn chay hoặc kiêng thịt không?
Có. Tất cả các ngày Thứ Sáu trong Mùa Chay đều là những ngày kiêng thịt. Ngoài ra, Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày Chúa Kitô bị đóng đinh, là ngày ăn chay và kiêng thịt.

Tất cả các ngày trong Mùa Chay đều thích hợp để ăn chay hoặc kiêng thịt, nhưng Giáo luật không bắt buộc điều đó. Việc ăn chay hay kiêng thịt khi ấy là tự nguyện.

Tại sao các ngày Thứ Sáu trong Mùa Chay lại kiêng thịt?
Bởi vì Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi của chúng ta vào ngày Thứ Sáu, khiến nó trở nên một ngày đặc biệt thích hợp để khóc than tội lỗi của chúng ta bằng cách từ bỏ thứ gì đó làm bản thân chúng ta thích thú. (Cũng giống như vậy, Chúa Nhật— ngày mà Ngài đã sống lại để cứu rỗi chúng ta — là một ngày đặc biệt thích hợp để vui mừng.)

Những hành động ăn năn có thích hợp vào những ngày khác trong Mùa Chay không?
Có. Bộ Giáo luật quy định, “Tất cả các ngày thứ Sáu trong năm và thời gian của Mùa Chay là những ngày và thời gian đền tội trong toàn thể Giáo hội hoàn vũ” (GL số 1250).

Tại sao các hành vi ăn năn lại thích hợp vào thời điểm này trong năm?
Bởi vì đây là thời gian dẫn đến cuộc tưởng niệm sự chết của Chúa chúng ta vì tội lỗi chúng ta và kỉ niệm sự phục sinh của Ngài để cứu độ chúng ta. Do đó, đặc biệt thích hợp để khóc than những tội lỗi đã khiến Ngài phải chết. Con người có nhu cầu tâm lý bẩm sinh để thương tiếc những bi kịch, và tội lỗi của chúng ta là những bi kịch thuộc loại lớn nhất.

Những hoạt động thích hợp cho những ngày bình thường trong Mùa Chay là gì?
Từ bỏ điều mà chúng ta thích, tham gia vào các hoạt động thể chất hoặc tinh thần của lòng thương xót đối với tha nhân, cầu nguyện, ăn chay, kiêng thịt, đi xưng tội và các hành vi khác thể hiện sự ăn năn nói chung.

Phong tục cho đi một thứ gì đó trong Mùa Chay có bắt buộc không?
Không. Tuy nhiên, đó là một phong tục mang tính cứu độ, và cha mẹ hoặc người giám hộ có thể chọn để yêu cầu làm điều này, vì việc huấn luyện tinh thần cho con cái là trách nhiệm chính của họ.

Tại sao cho đi một thứ gì đó vào Mùa Chay lại là một phong tục mang tính cứu độ?
Bằng cách từ bỏ một thứ mà bản thân chúng ta thích thú, chúng ta chấn chỉnh ý chí của mình để không trở thành nô lệ cho những thú vui của chính chúng ta. Cũng giống như việc quá say mê với thú vui ăn uống dẫn đến sự bủn rủn về thể chất, sự quá đà về thú vui nói chung sẽ dẫn đến sự bủn rủn về tinh thần. Khi những đòi hỏi của đạo đức yêu cầu chúng ta phải từ bỏ một điều gì đó thú vị (chẳng hạn như quan hệ tình dục ngoài hôn nhân) hoặc chịu đựng gian khó (chẳng hạn như bị khinh miệt vì đức tin), sự bủn rủn về tâm linh có thể khiến chúng ta thất bại.

Có phải bản thân việc từ chối niềm vui đã là dấu chấm hết?
Không, nó chỉ là một phương tiện để kết thúc. Bằng cách rèn luyện bản thân để chống lại những cám dỗ khi chúng chưa phải là tội lỗi, chúng ta tự rèn luyện mình để từ chối những cám dỗ khi chúng là tội lỗi. Chúng ta cũng bày tỏ nỗi buồn của mình vì đã không thể chống lại những cám dỗ tội lỗi trong quá khứ. Có vài cách hiệu quả hơn để giữ cho những ưu tiên của chúng ta có trật tự là từ chối những thứ mà bản thân mình ít ưu tiên hơn để thấy rằng chúng không cần thiết và tập trung sự chú ý của chúng ta vào những gì cần thiết.

Liệu chúng ta có từ chối quá nhiều thú vui cho bản thân không?
Chắc chắn. Thiên Chúa đã tạo ra sự sống của con người phụ thuộc vào một số của cải, chẳng hạn như thực phẩm, và việc từ chối tận hưởng đủ chúng sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại. Ví dụ, nếu chúng ta không ăn đủ thức ăn, chúng ta có thể gây tổn hại cho cơ thể của mình (và, trong trường hợp cực đoan, có thể chết). Cũng giống như sự cân bằng giữa việc ăn quá nhiều và ăn không đủ, có sự cân bằng liên quan đến các của cải khác.

Nếu chúng ta phủ nhận bản thân quá nhiều, điều đó có thể tước đi của cải mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta có thể khen ngợi Ngài hoặc làm giảm hiệu quả của chúng ta trong việc phụng sự tha nhân. Nó cũng có thể cấu thành tội vô ơn khi từ chối tận hưởng những điều Thiên Chúa muốn chúng ta có vì Ngài yêu thương chúng ta. Nếu một đứa trẻ từ chối mọi món quà mà cha mẹ đã cho, điều đó sẽ khiến cha mẹ không hài lòng; nếu chúng ta từ chối những món quà mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, thì điều đó khiến Thiên Chúa không hài lòng vì Ngài yêu thương chúng ta và muốn chúng ta có được chúng.

Ngoài Thứ Tư Lễ Tro, những sự kiện chính của Mùa Chay là gì?
Có nhiều ngày của các vị Thánh rơi vào Mùa Chay, và một số trong đó thay đổi theo từng năm, vì bản thân các ngày của Mùa Chay thay đổi dựa trên thời điểm Lễ Phục sinh rơi vào. Tuy nhiên, các Chúa Nhật trong Mùa Chay kỷ niệm các sự kiện đặc biệt trong cuộc đời của Chúa chúng ta, chẳng hạn như sự Biến hình trên núi và việc Ngài khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem vào Chúa Nhật Lễ Lá, bắt đầu Tuần Thánh. Tuần Thánh lên đến cao trào với Thứ Năm Tuần Thánh, tại đó Chúa Kitô đã cử hành Thánh lễ đầu tiên; Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày Ngài bị đóng đinh; và Thứ Bảy Tuần Thánh — ngày cuối cùng của Mùa Chay — trong đó Chúa chúng ta nằm trong nấm mồ trước khi trỗi dậy vào Chúa Nhật Phục Sinh.

Tác giả: Jimmy Akin
Bản dịch: Giuse Bùi Xuân Trường,
Nguồn: 
https://www.catholic.com/magazine/online-edition/lent-is-old-english-for-spring)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *