Nữ Tu Đa Minh Việt Nam 300 năm hiện diện (2/5)

NỮ TU ĐA MINH VIỆT NAM
300 NĂM HIỆN DIỆN
1715 – 2015

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

+ 01 : Lời ngỏ, tổng quát
+ 02 : Nhà mụ, nhà phước xưa
+  03 : Lề luật và sinh hoạt nhà phước
+ 04 : Nữ tu Đa Minh trước 1996
+ 05 : Nữ tu Đa Minh sau 1996
+ 06 : Địa chỉ Đan viện và các hội dòng nữ Đa Minh

II. Các Dì Phước Đa Minh trước 1951

Từ nhà phước Đa Minh đầu tiên năm 1715

Đa số các tài liệu giáo sử Việt Nam dựa vào tác giả Angelus Walz, OP, ghi nhận nhà phước Đa Minh xuất hiện dưới thời cha chính Bustamante Hy OP vào năm 1715 :

“Tại Bắc Kỳ từ năm 1715, các cha Chính, nhằm giúp cho việc dạy dỗ đạo lý và nghề nghiệp cho các phụ nữ và thiếu nữ công giáo, đã quy tụ các trinh nữ dòng Ba như là những kẻ trợ giúp các nhà truyền giáo, trong nhiều hạt của Bắc Kỳ, với sự chấp thuận của các Ðại diện Tông tòa. Mỗi nhà được tự lập với nhau, và sống theo kỷ luật riêng. Vào năm 1926, con số các chị dòng ba kỷ luật là 503 người. Tuy các nữ tu ấy chưa có lời khấn, chỉ có lời hứa thôi, nhưng về cách đào tạo cũng giống như hội dòng chính thức“. (5)

op_sat.JPG

Nhà Phước ở Kẻ Sặt

Nên biết cha Phêrô Bustamante (+1728) tới Việt Nam năm 1696. Năm 1703 cha may mắn thoát nạn, khi ẩn náu tại Kẻ Bùi. Năm 1707 cha Bustamante Hy trở thành cha chính dòng thay thế cha Juan Santa Thập. Vì khi đức cha Lezoli Cao OP qua đời, đức cha Bourges kiêm nhiệm giáo phận Đông Đàng Ngoài, đã đặt cha Juan Thập làm cha chính giáo phận.

Tuy nhiên cha Walz không nói rõ nhà mụ Đa Minh đầu tiên ở đâu. Theo cha Bùi Đức Sinh, đó là tại Trung Linh, vốn là trụ sở của các thừa sai Đa Minh bấy giờ. (6)

Niêu biểu 1715 là con số đáng tin cậy, vì :

+ Đáp ứng lại sự quảng đại hiến dâng của các tín nữ. Đức cha Lambert lập dòng Mến Thánh Giá năm 1670 khi cha chính Deydier cho biết có 30 chị em tại Đàng Ngoài đã ước nguyện dâng mình cho Chúa. Vào thời cha Đắc Lộ, năm 1640, đã ghi nhận ba cô Monica, Nympha và Vitta thuộc tỉnh Đông cùng năm sáu cô gái khác … “cùng tự nguyện trói buộc mình bằng những lời khấn ở trinh khiết trọn đời, tất cả đều đến họp với ba cô trong một nhà làm thành một tu viện trinh nữ sống đời sống các thiên thần”. (7)

+ Trong thư năm 1710, đức cha Bourges (+1714) có kể lại lời than phiền của chị em Mến Thánh Giá, bị xúi ăn thịt trái với luật Dòng. Có lẽ vì thế các cha dòng Đa Minh muốn lập tổ chức tu trì mới với lề luật ít ngặt nghèo hơn.

+ Đức cha Hilario Hy dòng Augustinô (1737-56), muốn kiểm soát tất cả các nhà phước, soạn sách thiêng liêng cho họ, bổ nhiệm các cha dòng Augustinô làm tuyên úy … Lúc này, cả Mến Thánh Giá lẫn Đa Minh đều là nạn nhân.

+ Sau chuyến kinh lý của Bộ Truyền Giáo, đức cha Giovanni Boucher OFM đề nghị và Bộ ra lệnh cấm : dù là linh mục triều hay dòng, không được trực tiếp hay gián tiếp cưỡng ép các chị Mến Thánh Giá phải đổi sang Dòng Ba Đa Minh. Ai trái lệnh sẽ bị treo chén tức khắc (nghị định ngày 12/6/1764).

+ Theo sách Sử ký Địa phận Trung : “… Tự bấy giờ đến rầy, hễ các thầy dòng thánh Duminhgô lập nhà mụ nào, thì lập nhà dòng thứ ba ông thánh Duminhgô mà thôi. (8)

Như thế, các nhà phước Đa Minh thường do cha chính dòng thành lập với sự đồng ý của giám mục, và được đặt dưới sự hướng dẫn của cha quản xứ do cha chính Dòng ủy nhiệm. (9)

Ngoài ra, Sử ký Địa phận Trung cũng nói “về gốc tích các nhà mụ” Đa Minh và Mến Thánh Giá như sau :

“Các nhà mụ trong nước Annam là những hội lành, công đồng thứ nhất (Kẻ Sặt) trong nước Annam cũng gọi nhà ấy là nhà Đức Chúa Lời nữa. Vậy các nhà Mụ là nơi có những người nữ đồng trinh, hay là thủ tiết, ở chung vuối nhau, tùy một bà Mụ làm bề trên trong nhà, mà giữ lề luật các đấng Bề trên đã lập ra, cùng làm tôi kính mến Đức Chúa Lời. Các người trong nhà mụ thì chẳng khấn đí gì, cũng chẳng buộc phải giữ phép ngặt như các nhà Mụ kín”. (10)

Trong lá thư gửi chung cho chị em Mến Thánh Giá và chị em Đa Minh năm 1791, đức cha Alonso Phê đã viết :

“Phaterê Chính Phê, Dòng ông Thánh Duminhgô… gửi lời thăm các Mụ cùng các chị em Dòng Hãm Mình Ông Thánh Duminhgô cùng các Mụ các Chị Em họ Mến Câu Rút ở bên đông này, xin cho được mọi sự lành cùng ra sức giữ lề luật riêng chị em cho giọn.

Trước hết, thày truyền cho chị em cứ lề luật mình mà ăn ở cho cẩn thận. Vậy lề luật chị em Hãm Mình và lề luật chị em Mến Câu Rút dù khác nhau mặc lòng, song cũng tóm lại sự hãm mình cả, vì kẻ mến Câu Rút thì phải hãm mình và kẻ hãm mình cho được phúc thì phải hãm mình vì mến Câu Rút. Ấy vậy cho nên hai lề luật cũng có nhiều điều phải giữ như nhau và cũng có một ý cho chị em làm những việc lành phúc đức cho đáng Đức Chúa Lời thương đời này và đời sau vô cùng…”

+ Sử ký Địa phận Trung cho biết : cha Ponsgrau Đăng OP, ở Việt Nam từ 1730 đến 1747, với 8 năm làm cha chính : “… đang khi người giữ việc chung, thì đã lấy của riêng dòng mà lập ra ba nhà mụ chị em dòng ba ông thánh Duminhgô” (11)

op_xua02.jpg

Sinh hoạt các Nhà Phước

Về nếp sống chị em nhà phước Đa Minh, xin mời đọc bản tường trình được viết vào năm 1804, do thánh giám mục Delgado Y, đại diện tông tòa địa phận Đông Đàng Ngoài :

“Trong miền truyền giáo này có 18 nhà phước, trong đó 15 thuộc về Dòng Ba Cha thánh Đa Minh, và 3 nhà Dòng Mến Thánh Giá. Các nhà phước Đa Minh được lập bởi các thừa sai Đa Minh với phép của các Đại diện Tông tòa; các nhà Mến Thánh Giá được thành lập bởi các Đại diện tông tòa tiên khởi của địa phận này. Việc coi sóc các nhà phước Đa Minh được giao cho các thừa sai Đa Minh, với sự thỏa thuận của Đại diện Tông tòa; còn các nhà phước Mến Thánh Giá thì do chính Đại diện Tông tòa phụ trách cùng với linh mục quản xứ tại nơi tọa lạc nhà phước.

Trong cả hai loại nhà phước, các bà lãnh áo dòng và tuyên khấn theo như luật của Dòng mình. Nhìn cách ăn mặc bên ngòai, thì không có gì khác biệt với các phụ nữ khác, chỉ trừ chỗ là đơn sơ hơn mà thôi, và các bà sống chung với nhau.

Bởi vì các nhà phước không có huê lợi, cho nên các bà phải làm việc. Đó là lý do họ không thể giữ luật nội cấm, xét rằng họ phải đi lại để mua bán; ngoài ra gặp thời cấm cách, đôi khi họ buộc phải trở về gia đình. Chính vì vậy mà các nhà phước không tuyên khấn khiết tịnh vĩnh viễn. Những ai khấn thì chỉ khấn riêng tư theo cách thức do cha giải tội chỉ định.

Họ phải học biết đọc vài sách thiêng liêng, để sau đó đọc ở nhà nguyện và nhà cơm khi sống cộng đòan. Mỗi ngày, ngoài những kinh do hiến pháp truyền buộc, họ còn đọc hết một tràng kinh Mân côi, và suy ngắm. Họ phải xưng tội ít là mỗi tháng một lần. Họ phải làm việc hãm mình vào các ngày thứ sáu quanh năm, và ba lần mỗi tuần trong mùa Chay và mùa Vọng.

Các nhà phước này giúp ích rất nhiều cho việc truyền giáo, một đàng bởi vì quy tụ nhiều linh hồn đạo đức mà Chúa vào con đường tu trì ; đàng khác, nhiều thiếu nữ bị cha mẹ nguội lạnh bắt ép lấy chồng ngọai đạo và những phụ nữ khác không thể giữ luật Chúa ở nhà được thì tìm nơi náu ẩn nơi nhà phước. Hơn nữa, các nhà phước còn họat động giúp việc truyền giáo bằng nhiều cách khác, đặc biệt là trông coi các ruộng lúa của Nhà chung hoặc những công tác không tiện giao cho người đời; và nhất là họ giúp đỡ rất nhiều trong thời kỳ bắt đạo.

Xin Chúa ban cho họ được phát triển và ban thưởng công lao của họ.” (12)

Thống kê các nhà phước Đa Minh

Dựa vào tường trình các giám mục gửi về Bộ Truyền Giáo, số nhà phước Đa Minh thế kỷ 18 và 19 tăng dần lên. Năm 1764 có 12 nhà, năm 1804 có 15 nhà, năm 1857 có 20 nhà với 593 dì, bên cạnh ba nhà Mến Thánh giá. (13)

Trong thế kỷ XIX, Tòa thánh tách từ giáo phận Hải Phòng để lập giáo phận Bùi Chu năm 1848 và Bắc Ninh năm 1883. Chúng ta có thống kê các nhà phước Đa Minh sau :

Năm       Hải Phòng           Bắc Ninh              Bùi Chu

1877    2 nhà, 50 nữ tu                                    19 nhà, 429 nữ tu

1885    1 nhà, 29 nữ tu     2 nhà 43 nữ tu       19 nhà, 429 nữ tu

1894    3 nhà, 65 nữ tu     2 nhà 41 nữ tu       19 nhà, 450 nữ tu

Năm 1916, địa phận Trung Đàng Ngoài có ba nhà Mến Thánh Giá đều ở Liên Thủy (không có ở Kiên Lao) và 17 nhà phước Đa Minh tại Bùi Chu, Phú Nhai, Trung Lao, Quần Cống, Liễu Đề, Trung Linh, Kiên Lao, Ninh Cường, ba nhà ở Liên Thủy (Liên Nội, Liên Thượng, Liên Ngoại), Sa Châu, Trung Lễ, Hạ Linh, Kẻ Hệ, Tiên Chu, Viên Tiêu, Ngọc Đồng, Cao Xá, Trung Đồng với tổng số 425 nữ tu Đa Minh. (14)

Cao điểm vào năm 1945, trong năm giáo phận Dòng có tất cả 50 nhà phước Đa Minh với 950 nữ tu.

Giáo phận Bùi Chu, sau khi giáo phận Thái Bình được tách năm 1936, có 373 nữ tu tại 14 nhà phước Đa Minh. Năm 1946, bảy nhà chuyển sang dòng Mân Côi (15). Đến năm 1951, bảy nhà Bùi Chu, Phú Nhai, Trung Lao, Quần Cống, Sa Châu, Trung Lễ, và Liễu Đề, sẽ được đức cha Phạm Ngọc Chi quy tụ và lập thành hội dòng Đa Minh Bùi Chu.

Giáo phận Thái Bình có 280 dì phước tại 12 nhà : Ninh Cù, Trung Đồng, Ngọc Đồng, Cao Mộc, Viên Tiêu, Tiên Chu, Phương Xá, Đông Thành, Bồ Ngọc, Cổ Việt, Thân Thượng. (16)

Giáo phận Bắc Ninh có 118 dì tại 10 nhà (17) : Xuân Hòa, Đình Tổ, Nhã Lộng, Đạo Ngạn, Hương La, Thái Đào, Yên Mỹ, Trung Lai, Vĩnh Yên, Tiên Nha. Năm 1950, Đức cha Đa Minh Hoàng văn Đoàn đã chuẩn bị từng bước việc thành lập Hội dòng Đa Minh Bắc Ninh. Ngài quy tụ hơn một trăm chị em về đào tạo chung ở Đạo Ngạn, sau gửi lên trường Vinh Sơn Liêm ở Bắc Ninh để học thêm. Do hoàn cảnh đất nước năm 1954, chỉ còn 12 chị ở lại với giáo phận.

Giáo phận Hải Phòng có 130 dì tại 5 nhà : Kẻ Sặt, Nam Am, Liễu Dinh, Yên Trì, Ba Đông (18). Năm 1953, Đức cha Giuse Trương Cao Đại đã quy tụ khoảng 30 chị em trẻ từ các nhà phước về Kẻ Sặt. Ngài nhờ các cha Hoàng Ngọc Thất, Nguyễn Văn Sâm và Phạm Quang Tự phụ trách việc huấn luyện.

Giáo phận Lạng Sơn có 50 dì tại 9 nhà : Cửa Nam, Mỹ Sơn, Bản Lìm, Đồng Mỏ, Cao Bằng, Thất Khê, Quảng Uyên, Đồng Đăng, và Lộc Bình. (19)

 

Ghi chú (nối tiếp với phần trước)

  1. Ang. Walz OP, Compendium Historiae Ordinis Praedicatorum, Roma 1930, tr. 547.
  2. Bùi Đức Sinh, Dòng Đaminh trên đất Việt, q II, Saigòn 1995 tr 219
  3. Rhodes, Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài. Tp HCM 1994, tr 198.
    Sử ký Địa phận Trung, Phú Nhai Đường 1916, trang 334.
  4. Sử ký Địa phận Trung, trang 335. Vào thời điểm 1916, địa phận Trung có 17 nhà mụ thánh Duminhgô và ba nhà mụ Mến câu rút.
  5. Khác với dòng Mến Thánh Giá vốn trực thuộc giám mục.
  6. Sử ký Địa phận Trung, trang 334.
  7. Sử ký Địa phận Trung, trang 40.
  8. Phan Tấn Thành, Tìm hiểu Dòng Đaminh, HVĐM 2013, p. 473t.
  9. Cuatro siglos de evangelización, Madrid 1987, p. 421. Theo cha Alonso Phê địa phận Đông năm 1780, có 12 nhà Đaminh với 175 dì và 5 nhà mến Thánh giá với 84 dì. (Xc. Gispert, Sđd, tr 287).
  10. Tổng hợp theo Sử ký Địa phận Trung, Sđd.
  11. Các nhà Trung Linh, Kiên Lao, Ninh Cường, Hạ Linh, Liên Nội, Liên Ngoại, Liên Thượng. Tổng số 154 chị chuyển sang Mân Côi.
  12. Thống kê năm 1939 của Les Missions Catholiques en Indochine
  13. Bùi Đức Sinh, Dòng Đaminh trên đất Việt, q II, trang 176.
  14. Bùi Đức Sinh, ĐMTĐV II, tr 189. Theo tác giả : nhà thứ năm tại Đồng Giới thay vì Ba Đông.
  15. Lược sử Hội dòng Đaminh Lạng Sơn 2013.