Phục sinh đông đảo ở Jerusalem

Ngày 3 tháng 4, 2021, New York Times cho đăng bài ký sự sau đây về Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay tại Jerusalem. Nguyên văn xin xem tại

https://dnyuz.com/2021/04/03/like-a-miracle-israels-vaccine-success-allows-easter-crowds-in-jerusalem

JERUSALEM – Vào sáng thứ Sáu, tại Cổ Thành Jerusalem, trong những con hẻm đá vôi của khu Kitô giáo, khung cảnh trông như thể đại dịch chưa từng xảy ra.

Những lối đi quanh co tạo thành Via Dolorosa (Đàng Thánh Giá), nơi những người theo Kitô giáo tin rằng Chúa Giêsu vác thập giá lên nơi bị đóng đinh, chật ních hơn 1,000 người thờ phượng. Tại khu chợ có mái che, không khí nồng mùi hương và vang vọng những bài thánh ca Kitô giáo. Cuộc rước Thứ Sáu Tuần Thánh, trong đó các tín hữu lần tìm lại con đường mà Chúa Giêsu được cho là đã đi qua, nay đã trở lại.

“Nó giống như một phép lạ”, Linh mục Amjad Sabbara, một linh mục Công Giáo Rôma, người đã giúp dẫn đầu đoàn rước, cho biết như thế. “Chúng ta không làm việc này trực tuyến nữa. Chúng ta đang nhìn thấy những người ở phía trước chúng ta”.

Những hạn chế do đại dịch buộc phải hủy bỏ buổi lễ năm ngoái và đòi các linh mục phải tổ chức các buổi lễ không có sự hiện diện của tín hữu. Nay, nhờ vào đợt triển khai vắc xin dẫn đầu thế giới của Israel, đời sống tôn giáo ở Jerusalem đang trở lại bình thường. Và vào thứ Sáu, điều đó đã đưa đám đông một lần nữa đến các đường phố của thành phố và làm nhẹ nhõm ngay cả một trong những lễ kỷ niệm long trọng nhất của Kitô giáo: cuộc rước Thứ Sáu Tuần Thánh.

May Bathish, một ca trưởng 40 tuổi tại nhà thờ của Cha Sabbara ở Cổ Thành, cho biết: “Chúng tôi thật may mắn khi được ở đây. Khi được bước những bước Chúa Giêsu đã bước, quả là đặc ân cao qúy nhất”.

Trong phần lớn thời gian của năm ngoái, đại dịch khiến Cổ Thành trống rỗng một cách kỳ lạ. Các cửa hàng, hội đường và nhà thờ của nó thường bị đóng cửa, các con hẻm vắng bóng khách du lịch và người hành hương. Nhưng với gần 60% cư dân Israel được chích ngừa đầy đủ, đường phố của thành phố lại một lần nữa nhộn nhịp, ngay cả khi khách du lịch nước ngoài vẫn vắng bóng.

Bà Bathish nói: “Khi trống không, nó giống như một thành phố ma”. Bây giờ, bà nói thêm, “đó là một thành phố sống”.

Tại điểm tập trung để rước kiệu vào thứ Sáu, rất hiếm có chỗ để đứng. Các nhân viên cảnh sát đã chặn không cho những người đến muộn vào từ các con phố bên cạnh. Các thành viên của một nhóm thanh niên Công Giáo đã tạo thành một vòng tròn xung quanh những người mang một cây thánh giá lớn, trọng tâm của đoàn rước, để bảo vệ họ khỏi sự chen lấn của một biển người thờ phượng.

Nhiều người trong số những người trong đoàn rước là người Palestine, những người đã trở thành cư dân Israel sau khi Israel chiếm được Cổ Thành vào năm 1967, cùng với phần còn lại của Đông Jerusalem. Khoảng 6,000 Kitô hữu sống trong Cổ Thành, cùng với người Hồi giáo và người Do Thái giáo.

“Đi sau thánh giá!” một viên chức nhà thờ hô to. “Phía sau thánh giá, mọi người!”

Át sự huyên náo ấy, Cha Amjad kêu gọi giáo đoàn của mình đi thành từng hai người. “Từng hai người một” ngài nói to qua loa phóng thanh. “Không phải từng người một!”

Sau đó, đám đông di chuyển từ từ, hát những bài thánh ca tang chế khi họ tiến bước theo điều các Kitô hữu coi là diễn lại những bước đi cuối cùng của Chúa Giêsu.

Họ bước đi không đều đặn và bắt đầu đi xuống Via Dolorosa, qua địa điểm mà truyền thống cho rằng Chúa Giêsu đã bị Pontius Pilate xét xử, băng qua nơi Người bị xỉ vả và chế giễu, băng qua các cửa hàng bán các ảnh tượng và thánh giá Kitô giáo, kem và áo thung.
Họ rẽ trái rồi rẽ phải, qua những nơi mà các Kitô hữu tin rằng Chúa Giêsu đã vấp ngã – một lần, hai lần, ba lần – dưới sức nặng của cây thánh giá.

Trong con hẻm bên ngoài nhà nguyện Thánh Simon thành Cyrene, những người tham dự đoàn rước lướt ngón tay trên một tảng đá vôi màu đất son trên tường nhà nguyện. Theo truyền thống, Chúa Giêsu đã đứng thẳng người lên tựa vào tảng đá sau một lần vấp ngã. Và rất nhiều khách hành hương, trong nhiều thế kỷ, đã rờ mó viên đá này đến nỗi bề mặt của nó bây giờ nhẵn bóng khi chạm vào.

Cuối cùng, họ đến được Nhà thờ Mộ Thánh, nơi mà các tín hữu nghĩ là nơi Chúa Kitô bị đóng đinh, chôn cất và cuối cùng phục sinh.

Đối với một số người, đám rước Thứ Sáu Tuần Thánh thậm chí gây được tiếng vang hơn bình thường – các chủ đề của nó về đau khổ, cứu chuộc và đổi mới dường như mang tính biểu tượng đặc biệt khi việc kết thúc đại dịch chết người cuối cùng đã xuất hiện trong tầm mắt.

George Halis, 24 tuổi, đang học để trở thành linh mục và sống ở Cổ Thành, cho biết: “Chúng ta lại có hy vọng một lần nữa. Năm ngoái giống như một bóng tối bao trùm khắp trái đất”.

Đối với những người khác, có một tầm quan trọng về thần học, cũng như về tình cảm, khi được tập hợp lại với nhau.

Đức Ông Vincenzo Peroni nói: “Mọi Kitô hữu đều là một phần trong nhiệm thể Chúa Kitô. Có thể ăn mừng cùng nhau làm cho điều đó hiển thị rõ ràng hơn”. Đức Ông là một linh mục Công Giáo có trụ sở tại Jerusalem, người thường xuyên dẫn đầu các cuộc hành hương tại Đất Thánh.

Nhưng vào lúc này, việc được tụ họp với nhau đó vẫn còn nhiều giới hạn. Vẫn có những hạn chế về số lượng người thờ phượng trong các buổi cử hành lễ Phục sinh. Mặt nạ vẫn là một đòi hỏi pháp lý. Và người nước ngoài vẫn cần được miễn trừ để vào Israel – khiến hàng nghìn người hành hương vắng mặt, gây thiệt hại cho các chủ cửa hàng địa phương, những người phụ thuộc vào việc giao dịch của họ.

Hagop Karakashian, chủ một cửa hàng gốm nổi tiếng ở Cổ Thành, mà gia đình vốn thiết kế các bảng hiệu đường phố của khu phố, cho biết: “Vẫn có cảm giác như không bình thường. Người dân địa phương có thể ăn mừng, đúng. Nhưng vẫn còn thiếu một điều gì đó”.

Tâm trạng nơi các Kitô hữu cách đó một vài dặm, ở các thành phố Bethlehem và Ramallah của Palestine, thậm chí còn ít hân hoan hơn. Các Kitô hữu ở các lãnh thổ bị chiếm đóng chỉ có thể đến thăm Jerusalem khi có giấy phép đặc biệt, phép này càng trở nên khó kiếm trong thời kỳ đại dịch. Mặc dù hầu hết người Israel hiện đã được chích ngừa, nhưng phần lớn người Palestine vẫn chưa được chích ngừa.
Israel đã cung cấp vắc-xin cho hơn 100,000 người Palestine sống ở Bờ Tây bị chiếm đóng, hầu hết họ đều làm việc tại Israel hoặc các khu định cư ở Bờ Tây. Các quan chức Palestine đã thu được khoảng 150,000 liều chích.

Nhưng Israel cho biết họ không có nghĩa vụ phải chích ngừa cho phần còn lại của người dân Palestine, viện dẫn một điều khoản của hiệp định hòa bình Oslo những năm 1990, trong đó chuyển giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các viên chức Palestine. Những người chỉ trích nói rằng Israel vẫn có trách nhiệm giúp đỡ, trích dẫn luật quốc tế đòi quyền lực chiếm đóng giám sát việc chăm sóc sức khỏe cho những người dân bị chiếm đóng, cũng như một điều khoản riêng của hiệp định Oslo nói rằng Israel phải làm việc với người Palestine trong thời gian có dịch bệnh.

Dù cách nào, tỷ lệ lây nhiễm vẫn cao ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và tỷ lệ chích ngừa thấp – và đã hạn chế số lượng người Kitô giáo Palestine được cấp phép vào Jerusalem trong dịp lễ Phục sinh năm nay. Người phát ngôn của chính phủ Israel từ chối tiết lộ con số cuối cùng.

“Nếu không có giấy phép, chúng tôi không thể đến,” Linh mục Jamal Khader, linh mục giáo xứ Công Giáo Rôma ở Ramallah cho biết. “Đó là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện liên tục của việc chiếm đóng và hạn chế di chuyển”.

Nhưng việc Chúa Kitô bị đóng đinh và phục sinh vẫn cung cấp nguồn dinh dưỡng tinh thần cho một dân số nản lòng, Cha Khader cho biết, người được phép vào Jerusalem thông qua việc làm của ngài với nhà thờ.

Ngài nói: “Chúng tôi đồng nhất với những đau khổ của Chúa Kitô vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngài nói thêm, “Sau đó, chúng tôi tìm được chút hy vọng vào Chúa nhật Phục sinh.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *