Lời Chúa: Mt 11,20-24
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
20 Khi ấy, Đức Giê-su bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối. Người nói :
21 “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din ! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối từ lâu rồi. 22 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay : đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. 23 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư ? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. 24 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay : đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 26 tháng 02 năm 2012, Đức Giáo Hoàng Danh Dự Biển Đức XVI cảnh giác các Kitô hữu chống lại sự loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người. Ngài nói: “Sự trống rỗng trong lòng người dân đô thị cũng là dấu chỉ sự vắng bóng Thiên Chúa. Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở con người biết rằng: Chỉ trong Thiên Chúa, con người mới có thể tạo được tương quan đích thực giữa người với người. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, con người không những rơi vào sa đọa, mà còn cắt đứt mọi tương quan với tha nhân”.
Thật vậy, hiểm họa vừa nói trên đã được các tiên tri trong Cựu Ước thấy và cảnh báo dân chúng qua việc chúc dữ các thành phố, đô thị lúc bấy giờ. Xơ-đôm, Gômôra, Ba-by-lon, Tia, Xi-đôn là đối tượng chính của những lời rủa sả nặng nề nhất của các tiên tri. Những đô thị này không những là nơi phát sinh những sa đọa luân lý, mà còn là biểu tượng của óc tự mãn, sự tôn thờ ngẫu tượng của con người…
Đến thời Tân Ước, Chúa Giêsu cũng tiếp tục truyền thống tiên tri ấy khi Ngài lên tiếng chúc dữ thành phố Kho-ra-din và Bết-xai-đa. Cuộc sống vật chất sung túc làm cho con người sa đọa, thích hưởng thụ, đồng thời chối bỏ tương quan với Thiên Chúa. Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình; chính trong tương quan với tha nhân mà con người nên thành toàn hơn, do đó gia đình và xã hội là nhân tố thiết yếu cho sự phát triển toàn diện con người
Thiên Chúa tạo dựng con người để được sống hạnh phúc và hạnh phúc ngay từ cõi đời này. Do đó, hạnh phúc không chỉ đến trong cuộc sống mai hậu, hạnh phúc không hẳn nằm ở ngoài tầm tay với con người. Kitô giáo không chỉ hướng chúng ta đến hạnh phúc đời sau, nhưng còn mời gọi chúng ta hưởng niềm hạnh phúc ấy trong cõi đời này.
Thế nhưng, để hưởng được hạnh phúc mà Thiên Chúa mời gọi; con người phải chiến thắng những cám dỗ: Cám dỗ vật chất, cám dỗ sở thích hưởng thụ, cám dỗ ham muốn xác thịt, cám dỗ tự tôn tự mãn bản thân… Hay nói cách khác là phải chiến thắng con người mình, phải chịu chết đi “cái tôi” của mình. Chết theo lời mời gọi của Chúa Giêsu không phải ai cũng làm đuợc; nhưng nếu tôi và bạn vững niềm tin vào Ngài thì mọi sự đều có thể. Vì Chúa Giêsu không bao giờ loan báo cái chết một cách riêng rẽ, Ngài luôn gắn liền nó với sự Phục Sinh!
Lời cảnh báo, và lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho con người từ xa xưa vẫn đang vang vọng cho đến ngày hôm nay. Lời cảnh báo đó đã và đang dành cho chúng ta là những Kitô hữu – đã được nhận biết Ngài – Thế nhưng lại sống xa Ngài, vẫn thờ ơ, chìm ngập trong tội để rồi dẫn đến cái chết đời đời. Nói được là, tội lớn nhất của con người ngày hôm nay chính là tội không tin có Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa có thật, thì người ta cũng muốn loại bỏ Ngài ra khỏi cuộc sống.
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết lắng nghe và luôn sẵn sàng đáp trả tiếng Ngài qua những người mà Chúa gửi đến cho con, để rồi từ đó con biết hoán cải đời sống mà quay trở về với Ngài và lấy Ngài làm trọng tâm của đời sống của mình. Amen.
CÁT BIỂN