Sống mùa Chay trong cầu nguyện và yêu thương liên đới trợ giúp

1. Sống mùa Chay trong cầu nguyện và yêu thương liên đới trợ giúp

Trưa thứ tư hôm qua tuy trời Roma mưa nhưng cũng đã có  hơn 15.000 tín hữu tham sự buổi gặp gỡ chung với ĐTC tại quảng trường thánh Phêrô. Mở đầu buổi tiếp kiến ĐTC chào mọi người và nói hôm nay trời hơi xấu. Nhưng nếu tâm  hồn vui luôn thì nó là một ngày tốt. Vì thế xin chào anh chị em. Hôm nay buổi tiếp kiến gồm hai nơi: có một nhóm nhỏ các bệnh nhân ở trong đại thính đường vì trời xấu, và chúng ta ở đây. Nhưng chúng ta trông thấy họ và họ trông thấy chúng ta trên màn hình khổng lồ. Chúng ta chào họ bằng một tràng pháo tay.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ và giải thích Kinh Tin Kính và lời nguyện giáo dân. Ngài nói: Việc lắng nghe các bài đọc kinh thánh được kéo dài trong bài giảng đáp ứng điều gì?: Nó đáp ứng một quyền: quyền thiêng liêng của dân Chúa nhận được dồi dào kho tàng Lời Chúa (Dẫn nhập… 45). Mỗi người trong chúng ta khi đi dự Thánh Lễ có quyền được nhận một cách dồi dào Lời Chúa được đọc tốt, nói tốt và rồi được giải thích trong bài giảng. Đó là một quyền. Và khi Lời Chúa không được đọc tốt, không được giảng giải với lòng sốt mến bởi phó tế, linh mục hay giám mục, thì thiếu sót đối với quyền của tín hữu. Chúng ta có quyền lắng nghe Lời Chúa. Chúa nói với tất cả mọi người, các chủ chăn và tín hữu. Ngài gõ cửa trái tim của những người tham dự Thánh Lễ, mỗi người trong điều kiện sống, tuổi tác, hoàn cảnh của mình. Ngài an ủi, mời gọi, dấy lên các mầm của cuộc sống mới và được hoà giải. Và điều này qua Lời Ngài. Lời Ngài gõ cửa con tim và thay đổi các con tim.

Vì thế sau bài giảng là một lúc thinh lặng cho phép vùi trong tâm hồn hạt giống đã nhận lãnh, để nảy sinh ra các quyết tâm gắn bó với những gì Thần Khí đã gợi lên cho từng người. Sự thinh lặng sau bài giảng. Một sự thinh lặng đẹp cần phải giữ ở đó, và mỗi người phải suy nghĩ điều đã lắng nghe.

Sau lúc thinh lặng này Thánh Lễ tiếp tục ra sao? Câu trả lời cá nhân của đức tin được lồng khung vào trong việc tuyên xưng niềm tin của Giáo Hội, được diễn tả ra trong Kinh Tin Kính. Chúng ta tất cả đều đọc Kinh Tin Kính trong Thánh Lễ. ĐTC giải thích như sau:

** Được toàn cộng đoàn đọc chung Kinh Tin Kính biểu lộ câu trả lời chung cho những gì đã cùng được lắng nghe từ lời Chúa (GLGHCG, 185-197). Có một mối dây sống động giữa việc lắng nghe và  tin. Chúng hiệp nhất. Thật ra đức tin không nảy sinh từ sự tưởng tượng của trí óc con người, nhưng như thánh Phaolô nhắc nhớ, “nó đến từ việc lắng nghe và việc lắng nghe liên quan tới lời của Chúa Kitô” (Rm 10,17). Như vậy, Đức tin được dưỡng nuôi với việc lắng nghe và dẫn đưa tới Bí Tích. Vì thế việc đọc Kinh Tin Kính khiến cho cộng đoàn phụng vụ “suy gẫm trở lại và tuyên xưng các mầu nhiệm lớn của đức tin, trước khi cử hành trong Thánh Thể” (Trật tự.. 67).

Kinh Tin Kính nối Thánh Thể với bí tích Rửa Tội đã được lãnh nhận nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, và nhắc cho chúng ta nhớ rằng các Bí Tích chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng đức tin của Giáo Hội.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC đã trình bầy Lời nguyện giáo dân như sau:

Thế rồi việc đáp lại Lời Chúa đã được tiếp nhận với lòng tin đuợc diễn tả ra trong lời khẩn nài chung, được gọi là Lời cầu đại đồng, bởi vì nó ôm trọn các nhu cầu của Giáo Hội và thế giới (Trật tự, 69-71; Dẫn nhập vào Sách Bài Đọc, 30-31). Nó cũng được gọi là Lời nguyện giáo dân.

Các Nghị Phụ Công Đồng Chung Vaticăng II đã muốn lấy lại lời nguyện này sau Phúc Âm và bài giảng, đặc biệt là trong ngày Chúa Nhật và các ngày lễ, để “với việc tham dự của dân, cầu nguyện cho Hội Thánh, cho giới cầm quyền, cho những người đang có các nhu cầu khác nhau, cho tất cả mọi người và cho ơn cứu độ của toàn thế giới” (CS, 53; 1 Tm 2,1-2). Vì vậy dưới sự hướng dẫn của linh mục mở đầu và kết thúc, “dân thực thi chức linh mục rửa tội của mình dâng lên Thiên Chúa các lời cầu nguyện cho ơn cứu độ của tất cả mọi người” (Trật tự, 69). Sau các ý chỉ đặc biệt được phó tế hay một người đọc xướng lên cộng đoàn hiệp tiếng khẩn nài của mình: “Lậy Chúa, xin nghe lời chúng con”.

** Thật ra, chúng ta hãy nhớ tới điều Chúa Giêsu đã nói: “Nếu các con ở lại trong lời Thầy và lời Thầy ở lại trong các con, thì hãy xin những gì các con muốn và sẽ được ban cho các con” (Ga 15,7). Nhưng chúng ta không tin điều này, vì chúng ta ít đức tin. Nhưng nếu chúng ta có lòng tin – Chúa Giêsu nói – chỉ như hạt cải thôi, thì chúng ta sẽ nhận được tất cả. “Các con hãy xin điều các con muốn và sẽ được ban cho các con”. Và trong lời cầu nguyện đại đồng sau Kinh Tin Kính là lúc xin Chúa những điều mạnh mẽ nhất trong Thánh Lễ, những điều chúng ta cần, những điều chúng ta muốn. “Sẽ được làm cho các con”; trong một cách này hay cách khác nhưng “Sẽ được làm cho các con”.

Tất cả đều có thể đối với người tin”, Chúa đã nói thế. Người mà Chúa đã nói câu này với ông mọi sự đều có thể đới với kẻ tin đã trả lời ra sao? Ông đã nói: “Lậy Chúa, con tin Xin trợ giúp lòng tin  ít ỏi của con”. Cả chúng ta cũng có thể nói: “Lậy Chúa, con tin. Nhưng xin nâng đỡ lòng tin ít ỏi của con”. Và đó là lời cầu mà chúng ta phải làm với tinh thần đức  tin: “Lậy Chúa con tin, xin trợ giúp lòng tin ít ỏi của con”.

Các yêu sách của luận lý trần gian trái lại không nâng cao lên Trời, cũng như các lời xin tự quy chiếu về mình không được lắng nghe (x. Gc 4,2-3). Các ý chỉ, qua đó dân được mời cầu xin, phải trao ban tiếng nói cho các nhu cầu cụ thể của cộng đoàn giáo hội, bằng cách tránh dùng các công thức quy ước và cận thị. Lời nguyện phổ quát  kết thúc phụng vụ Lời Chúa, khích lệ chúng ta lấy làm của mình cái nhìn của Thiên Chúa là Đấng săn sóc mọi con cái của Ngài.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện đến từ Anh quốc, Ai len, Trung Quốc, Hoa Kỳ, cũng như từ Pháp, Bỉ, đặc biệt các bạn trẻ Paris, Saint Cloud, Aix và Perigueux, cũng như từ Đức. ĐTC nói thứ tư lễ Tro hôm nay bắt đầu Mùa Chay chuẩn bị tinh thần cho chúng ta mừng lễ Phục  Sinh. Tôi xin mời gọi anh chị em bước vào thời gian hoán cải này bằng cách dành nhiều chỗ hơn cho lời cầu nguyện và chia sẻ với người nghèo trong cuộc sống của anh chị em.

Với các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ĐTC đặc biệt chào các tín hữu đến từ Caravaca de la Cruz với ĐGM Jose Manuel Lorca, các tín hữu giáo xứ Đức Bà de Resgate, các thành viên hiệp hội Cuộc sống gia đình cũng như các giáo sư sinh viên học sinh trường Thánh Teotonio.

Với các nhóm Ba Lan và Ý ĐTC đặc biệt chào các tham dự viên khoá hội học do Bộ Giáo Sĩ tổ chức cho các vị hữu trách việc đào tạo thường huấn bên châu Mỹ Latinh, các thừa sai dòng Claret, nhóm 55 nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres trong đó có một số chị Việt Nam, các nữ tử Chúa Giêsu, cũng như các bạn trẻ tới từ nhiều giáo xứ khác nhau, đặc biệt các bạn trẻ mới chịu phép Thêm Sức vùng Valbona, Lozzo Atestino, Monselice và Arqua Petrarca, các hiệp hội và học viện Arca di Legnano và De Filippo Roma.

Ngài cũng chào đông đảo giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn. ĐTC cầu chúc mọi người sống mùa Chay trong tinh thần cầu nguyện, thực thi tình bác ái yêu thương, và liên đới trợ giúp người nghèo. Người trẻ trở về với Thiên Chúa là cha giang tay chờ đón; người đau yếu biết dâng mọi khổ đau cho Chúa; và các cặp vợ chồng mới cưới biết xây dựng cuộc sống gia đình trên tình yêu thương.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

2. Sứ Điệp Đức Thánh Cha gửi Chiến dịch Huynh Đệ mùa chay ở Brazil

VATICAN. Trong sứ điệp gửi các tín hữu Công Giáo Brazil nhân dịp khai mạc chiến dịch huynh đệ mùa chay, ĐTC mời gọi thực hành tha thứ và xây dựng hòa bình, kể cả qua những cử chỉ bé nhỏ.

Chiến dịch Huynh đệ mùa chay năm nay ở Brazil, bắt đầu từ ngày 14-2-2018, có chủ đề là câu nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Mathêu: ”Tất cả các con là anh em với nhau” (Mt 23,8). Qua chiến dịch này, các tín hữu được mời gọi nhận ra bạo lực trong bao nhiêu môi trường và những hình thức khác nhau, đồng thời, với niềm tín thác, tin tưởng và hy vọng, khắc phục bạo lực trên con đường tình thương, chúng ta thấy rõ trong Chúa Giêsu Chịu Đóng Đanh.

ĐTC nhắc nhở rằng mùa chay là ”thời điểm thuận tiện, là ngày cứu độ” (1 Cr 6,2) mang lại cho chúng ta ơn tha thứ được lãnh nhận và trao ban. Tha thứ những xúc phạm đã chịu là biểu hiện hùng hồn nhất tình yêu thương xót, và đối với các tín hữu Kitô chúng ta, đó là một một mệnh lệnh mà chúng ta không thể tránh né. Tuy nhiều khi khó khăn, nhưng tha thứ là phương thế được đặt trong đôi tay mong manh của chúng ta để đạt được sự thanh thản trong tâm hồn và an bình. Gạt bỏ tâm tình oán hận, giận dữ, bạo lực và trả thù, đó chính là điều kiện để sống như anh chị em với nhau và khắc phục bạo lực”.

Sau cùng, ĐTC mời gọi các tín hữu trở thành ”những sứ giả và là những người xây dựng hòa bình”. Một nền hòa bình thành quả của sự phát triển toàn diện của mọi người, một nền hòa bình nảy sinh từ tương quan mới với tất cả các thụ tạo. Hòa bình được dệt ngày qua ngày trong kiên nhẫn và từ bi thương xót, giữa lòng gia đình, trong sinh hoạt cộng đồng, nơi làm việc và trong tương quan với thiên nhiên. Chính những cử chỉ bé nhỏ tôn trọng, lắng nghe, đối thoại, thinh lặng, yêu mến, đón tiếp, hội nhập, tạo nên những không gian trong đó chúng ta hít thở được tình huynh đệ” (Rei 14-2-2018).

 G. Trần Đức Anh OP 

3. Đức Thánh Cha Phanxicô tham gia các công trình từ thiện của người Công giáo Trung Quốc

 ĐTC Phanxicô cùng với Giáo hội Công giáo Trung Quốc, tham gia giúp đỡ người nghèo ở những khu vực khó khăn nhất, qua việc gửi một đóng góp không mang tính biểu tượng để hỗ trợ các sáng kiến bác ái của tổ chức “Jinde Charities”, một mạng lưới các công trình bác ái liên kết với Giáo hội Công giáo địa phương. Việc này đã được thực hiện trước Giáng sinh, với 100 ngàn đô la được gửi để tài trợ cho các dự án nhằm ủng hộ cho các khu vực miền núi hẻo lánh.

 Vào năm 2017, các dân tộc miền núi là trung tâm của các sáng kiến của tổ chức “Jinde Charities”. Mối quan tâm đã nhận được sự chấp thuận của các tổ chức dân sự. Trong suốt năm qua, các hoạt động của “Jinde Charities” cũng đã cổ vũ các sáng kiến tương tự phát triển trong các giáo phận và cộng đồng Công giáo khắp Trung Quốc. Vào ngày 3 tháng 6 năm 2017, tại Bắc Kinh một buổi hòa nhạc gây quỹ được tổ chức bởi “Jinde Charities”. Đại diện các cơ quan chính trị Trung Quốc cũng tham gia sự kiện này.

Sự đóng góp mới của ĐTC và Tòa Thánh cho tổ chức “Jinde Charities”cho thấy trong Công giáo Trung Quốc, sự hiệp thông với Đức Giám mục Rôma và với Giáo hội phổ quát đã được sống ở mức độ chia sẻ bác ái cụ thể. Điều này cho thấy động lực bác ái có thể vượt qua được những rào cản của các phe đối lập về chính trị. Trong những ngày này, tổ chức “Jinde Charities” đang gây quỹ cho người dân Đài Loan bị ảnh hưởng bởi trận động đất gần đây qua việc phối hợp với giáo phận Công giáo Đài Loan trong khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi trận động đất.

Sự giúp đỡ của người Công giáo Trung Quốc đối với những người gặp khó khăn cũng đáp ứng những lời kêu gọi của lãnh đạo Trung Quốc để giảm bớt đói nghèo vẫn còn đang chiếm một phần dân số Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, trong những năm 1990-2005, khoảng 470 triệu người thoát ra khỏi tình trạng nghèo đói cùng cực, và bây giờ chính phủ tập trung vào các vùng núi hẻo lánh cho các chính sách để nâng cao mức sống vật chất của 70 triệu người nghèo còn lại (Sismografo 14-02-2018)

Ngọc Yến

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *