Sứ điệp Giáng sinh của Cha Bề trên Tổng quyền Gerard Francisco Timoner III, O.P.

Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe,

điều chúng tôi đã thấy tận mắt… và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống… đã được tỏ bày;

Chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa…

để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn.”

1 Ga 1,1.3-4

Anh Chị Em thân mến,

Lễ Giáng sinh, dù trong thời đại dịch hay đang thời thịnh vượng, cũng đều là một cử hành sự gần gũi khôn dò khôn thấu của Thiên Chúa, Đấng cư ngụ trong giữa chúng ta; là một lời tạ ơn Thiên Chúa quảng đại, Đấng đã trao ban chính mình như một quà tặng.

Năm 2020 này thực sự là một năm không ngờ, chưa từng có và không thể quên. Phần lớn chúng ta đã phải cử hành Tam nhật Phục sinh cách hạn chế bên trong những cánh cửa khóa kín; tâm hồn chúng ta đầy lo âu về một tương lai không chắc chắn. Nhưng rồi sau đó chúng ta đã hướng tâm trí và ánh nhìn đức tin của mình lên Chúa Phục sinh, Đấng đi qua những cánh cửa khóa, vào chào thăm chúng ta với bình an của Người và khích lệ chúng ta đừng sợ hãi.

Giờ đây cử hành lễ Giáng sinh, chúng ta vẫn phải chống lại chủng virút này, bảo vệ chính mình và những người thân yêu bằng việc giữ khoảng cách với nhau vì đức bác ái. Bài thánh ca Chúng ta hãy đến thờ lạy – Venite adoremus không còn rõ tiếng vì chiếc khẩu trang và tấm chắn. Thánh Phaolô từng khuyên chúng ta hãy để “mặt không màn che” (2 Cr 3,18) mà chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa. Vậy mà năm nay, chúng ta phải che mặt để đến thờ lạy vẻ đẹp của vị Vua mới sinh. Mặc dù các cử hành của chúng ta có thể sẽ phải đơn giản và ít người, nhưng chúng ta vẫn có được niềm hy vọng và an ủi khi kỷ niệm sự chào đời của Đấng Emmanuel, vì Thiên Chúa “gần gũi chúng ta hơn chúng ta gần gũi chính mình” (Thánh Augustinô, Tự thuật III, 6, 11).

Những kỷ niệm sâu đậm nhất về Giáng sinh của chúng ta đến từ thời thơ ấu, khi mà những cây thông Giáng sinh như thể ngọn tháp vút cao trên chúng ta, khi mà chỉ một vài viên kẹo đã là cả một kho tàng ngọt ngào trong đôi tay bé nhỏ của chúng ta. Khi lớn lên, chúng ta nhận ra rằng Giáng sinh không phải là tiệc tùng thịnh soạn, mà là chia sẻ lương thực để đáp ứng cơn đói thể lý và làm thỏa mãn những tâm hồn khao khát tình huynh đệ và tình bằng hữu; chúng ta nhận ra rằng Giáng sinh không phải là trao đổi những món quà vật chất, mà là món quà của sự hiện diện, dành thời giờ cho nhau, chuyện trò, và đơn giản là ở bên nhau như những người anh chị em, với gia đình và bạn bè.

Tuy nhiên, vẫn còn đó một câu hỏi: Làm sao có được Niềm vui Giáng sinh trong thời gian đại dịch? Trong nhiều gia đình và cộng đoàn, kể cả một vài tu viện của chúng ta, nhiều chỗ ngồi và phòng ngủ nay trống vắng, nhắc nhớ chúng ta về những người thân yêu đã mất trong năm nay. Có thể không có tiệc Giáng sinh bởi thiếu thốn tài chính vì mất việc và suy giảm kinh tế. Do hạn chế di chuyển và đi lại, mà những người lớn tuổi sẽ rất nhớ các cuộc viếng thăm và một cái ôm của người thân. Những chiếc khẩu trang sẽ che đi nụ cười rạng rỡ của những ca viên hát mừng Giáng sinh, giống như “ngọn đèn để dưới cái thùng” (Mt 5,15) không thể chiếu sáng hết màn đêm của tháng Mười hai đen tối này. Làm sao mà có được Niềm vui Giáng sinh trong thời gian đại dịch?

Niềm vui của chúng ta sẽ được trọn vẹn, như người môn đệ Đức Giêsu yêu mến đã đảm bảo, nếu chúng ta rao giảng điều chúng ta đã nghe, điều chúng ta đã thấy tận mắt… và tay chúng ta đã chạm đến, đó là Lời sự sống… đã được tỏ bày (1 Ga 1,1.3-4)

Nữ tu Orsola Maddalena Caccia có một bức họa tuyệt đẹp diễn tả hùng hồn niềm vui này. Đó là bức họa mô tả Đức Mẹ cho Thánh Đa Minh được thấy và chạm vào hài nhi Giêsu, giống như một người mẹ hãnh diện để cho người bạn thân bồng ẵm đứa con yêu dấu của mình. Đây là ơn phúc của Thánh Đa Minh, niềm vui rao giảng về Đấng mà cha thánh đã nghe, đã thấy và đã chạm đến, là Ngôi Lời Nhập thể.

Mùa Giáng sinh này, khi bắt đầu cử hành kỷ niệm 800 năm sinh nhật trên trời của Thánh Đa Minh, chúng ta tự hỏi: Chúng tôi đã nghe, đã thấy và đã chạm đến Lời trong năm nay như thế nào? Ở nhiều nơi, tiếng còi hú không ngớt đã trở thành tiếng âm vang thường hằng về đại dịch. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là các nhân viên y tế vẫn tiếp tục cứu giúp các bệnh nhân.

Tôi đã học được từ một người anh em tại Santa Sabina này một từ tiếng Đức rất đẹp về người y tá: krankenschwester, nghĩa đen là “người chị em của bệnh nhân”. Người đau bệnh không chỉ là bệnh nhân, mà còn là người nhà, một người thuộc về chúng ta. Trong thảm họa, chúng ta luôn thấy được những người dấn thân giúp đỡ và chăm sóc cho người khác. Khi có chuyện chẳng lành, chúng ta phải luôn tìm kiếm “những người giúp đỡ”, là những người khiến chúng ta cảm thấy rằng tất cả sẽ tốt đẹp ngay cả khi đối mặt với nghịch cảnh; họ đem lại cho chúng ta niềm hy vọng. Nếu chúng ta nhìn thấy một trong số họ lúc soi gương thì quả thật là tốt đẹp!

Thời gian gần đây, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, thì sự gần gũi và đụng chạm đã bị đặt nghi ngờ. Chúng có thể là dấu hiệu của sự lạm dụng. Trong bối cảnh dịch COVID19 hoành hành, chúng trở thành những hành vi làm lây lan và nguy hiểm. Sự dữ đã làm hoen ố những đụng chạm và khiến cho sự gần gũi thành rủi ro và liều lĩnh, việc từ thiện có tiếp xúc đụng chạm trở thành điều cấm kỵ và hết sức chướng tai gai mắt. Nghịch lý thay việc duy trì khoảng cách an toàn để phòng chống lây lan virút lại biến thành một dấu hiệu chân thành về “sự gần gũi” và quan tâm đích thực đến sức khỏe và an toàn của người khác.

Tôi vui mừng khi trong thời buổi khó khăn này, chúng ta đã nghe và đã thấy hoạt động giảng thuyết cũng như bác ái đa dạng của anh chị em mình, điều này đã chạm đến trái tim của rất nhiều người.

Niềm vui Giáng sinh là quà tặng dành sẵn cho chúng ta khi chúng ta rao giảng về Đấng mà chúng ta đã nghe, đã thấy và đã chạm đến. Không có gì lạ khi ngay từ thời kỳ đầu của Dòng, chúng ta đã cầu nguyện:

Xin Chúa Cha ban phúc lành cho chúng ta, Xin Chúa Con chữa lành chúng ta,

Xin Chúa Thánh Linh soi sáng và ban cho chúng ta

đôi mắt để thấy,

đôi tai để nghe,

đôi tay để làm công việc của Chúa,

đôi chân để bước đi,

và môi miệng để rao giảng lời cứu độ…

Có lần tình cờ tôi đọc được câu chuyện về một vị thầy hỏi các học trò của mình như sau: Các con hãy cho thầy biết lúc nào thì đêm chấm dứt và ngày bắt đầu? Một học trò trả lời: Thưa thầy, đó là lúc con có thể nhìn thấy một cái cây từ một khoảng cách mà con có thể nói đó là cây táo hay cây cam, phải không ạ? Vị thầy đáp, chưa đúng. Một học trò khác xung phong trả lời: Thưa thầy, đó là lúc con có thể nhìn thấy một con vật từ một khoảng cách mà con có thể nói đó là con bò hay con ngựa, phải không ạ? Vị thầy đáp, cũng chưa đúng. Các học trò đồng thanh, xin thầy cho chúng con biết đó là lúc nào. Vị thầy nói, đó là lúc các con có thể nhìn thấy một người từ một khoảng cách mà chúng con có thể nhìn thấy nơi người ấy khuôn mặt của một người anh em hay một người chị em mình. Chắc chắn khi điều đó xảy ra, bóng đêm chấm dứt và ánh sáng ban ngày đã bắt đầu.

Đối với Kitô hữu chúng ta, bóng tối chấm dứt khi chúng ta nhìn thấy nơi người anh chị em của mình, nơi mọi người, nhất là người nghèo, sự hiện diện của chính Đức Giêsu. Việc cử hành Giáng sinh đích thực là: công bố đức tin của chúng ta vào Đấng Emmanuel, Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta, Thiên Chúa-ở-trong-mỗi-và-tất cả mọi người chúng ta. Câu hỏi trong mùa Giáng sinh này không phải chỉ là “Đức Giêsu là ai đối với chúng ta?” nhưng là “Đức Giêsu ở đâu nơi những người bạn hữu của chúng ta?” Người là Đấng Emmanuel!

Xin ánh sáng của Đức Kitô chiếu rọi qua chúng ta, xua tan bóng tối bao phủ chúng ta, bên trong chúng ta.

Mến chúc anh chị em và những người thân yêu một mùa Giáng sinh an lành!

Người anh em của anh chị em,

Tu sĩ Gerard Francisco Timoner III, O.P. Bề trên Tổng quyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *