Tại sao bạn nên đi xưng tội trong mùa Chay này?

Mùa Chay là thời gian trong năm khi Thiên Chúa thúc bách chúng ta phải chuẩn bị tâm can và thanh tẩy linh hồn để sẵn sàng đón nhận Chúa chúng ta khi Ngài đến trong vinh quang vào lễ Phục Sinh. Không có thời gian để trì hoãn. Kinh Thánh nói, “Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.” (2 Cr 6,2).

Trong suốt mùa này, mỗi ngày chúng ta nên cố gắng tự vấn lương tâm ngay lành của mình bằng cách tự chất vấn mình với những câu hỏi sau:

  • Có điều gì tôi có thể làm để đến gần Chúa hơn không?
  • Có điều gì tôi có thể làm để biết Chúa nhiều hơn và yêu mến Ngài hơn không?
  • Có cách nào tôi có thể tăng lòng hăng say cầu nguyện không?
  • Có cách nào để tôi có thể thắp lại ngọn lửa tình yêu thiêng liêng có thể đã tắt trong cuộc đời tôi không?
  • Có cách nào để tôi có thể tự thoát khỏi sự nguội lạnh thiêng liêng, sự thờ ơ thiêng liêng mà tôi thường thấy trong thời gian qua không?
  • Có điều gì tôi có thể từ bỏ không?
  • Có điều gì trong cuộc sống của tôi lúc này không đẹp lòng Thiên Chúa toàn năng không?
  • Có tội nào mà tôi đang vẫn tiếp tục phạm không?
  • Có tội thường xuyên nào đang ngăn cách trái tim tôi với ân sủng yêu thương của Thiên Chúa không?
  • Có điều gì tôi cần xưng thú không?
  • Tôi có đang đóng đinh Chúa chúng ta một lần nữa bằng đời sống tội lỗi của mình không?

Hơn nữa, chúng ta nên cầu nguyện mỗi ngày:

Lạy Chúa, hãy dành cho con ít hơn và nhiều hơn cho Ngài. Hãy để con nói không với ý muốn của con và xin vâng với ý Chúa. Chúa ơi, xin Chúa ban ơn để con yêu Ngài hôm nay hơn hôm qua và ngày mai hơn hôm nay.

Jacinta, thị chứng nhân ở Fatima đã nói lên sự thật đầy thách thức này: “Nếu con người biết thế nào là vĩnh cửu, thì họ sẽ nỗ lực hết mình để sửa đổi cuộc sống của họ.” Với tư tưởng này, chúng ta hãy khám phá đặc ân mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Bí tích Giải tội, để giúp chúng ta trên hành trình nên thánh đó.

Hãy tỉnh thức

Trong suốt Tin Mừng, Chúa chúng ta đã cảnh báo chúng ta là hãy tỉnh thức. Chúng ta phải canh chừng, và điều đó có nghĩa là giữ linh hồn mình trong tình trạng ân sủng, bởi vì chúng ta không bao giờ có thể biết được ngày hay giờ Ngài sẽ đến.

Để giúp chúng ta làm được điều đó, Thiên Chúa toàn năng đã ban cho chúng ta món quà tuyệt vời là Lòng Thương Xót của Ngài trong Bí tích Thống hối. Đối với tôi, điều này đã trở nên rõ ràng một cách đau xót, cả từ kinh nghiệm mục vụ cá nhân và từ dữ liệu khảo sát, là phần lớn người Công giáo ở nước ta đã từ bỏ thực hành việc Xưng tội từ lâu. Đây thực sự là một bi kịch. Trên hết, bí tích Sám Hối là phương tiện thông thường để tha những tội trọng đã phạm sau khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Nhưng nó cũng là một kho tàng ân sủng đích thực và là sức mạnh tinh thần cho chúng ta trong cuộc chiến hàng ngày chống lại tội lỗi và cám dỗ.

Đức Thánh Cha Piô XII đã nói nhiều lần rằng tội lỗi lớn của thời đại chúng ta thực ra là việc chối tội. “Tội lỗi” đã trở thành một từ bẩn thỉu mà chúng ta không muốn nhắc đến nữa, ngay cả trên bục giảng. Bạn có thấy kỳ quặc không? Khi trên thế giới càng có nhiều tội lỗi, thì dường như càng ít người Công giáo – hàng giáo sĩ, các nhà thần học và giáo dân – nói về nó? Đây là sự điên loạn theo nghĩa thần học. Tệ hơn nữa, đó là sự tự sát về mặt tinh thần. Chỉ có một thứ duy nhất có thể tách chúng ta khỏi Thiên Chúa, đó là tội trọng. Che giấu thực tại của tội lỗi, khá đơn giản, là chơi trò chơi của ma quỷ. Đó là rơi vào cạm bẫy của nó.

Tôi nhớ lại lời của thánh Phaolô: “Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe.” (2 Tm 4,3). Giờ đây, ngày đó giờ đã đến. Hầu hết con người ngày nay đều coi việc tận hưởng cuộc sống này quan trọng hơn sự vĩnh cửu. Chúng ta không muốn nghe sự thật vì sự thật khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái – bởi vì sự thật đôi khi đòi hỏi chúng ta phải thay đổi đời sống, tâm trí và trái tim của mình hướng về Thiên Chúa và tha nhân.

Sự sám hối theo nghĩa Kinh Thánh

Khi Chúa Giêsu kêu gọi mười hai Tông đồ và bắt đầu sai họ đi rao giảng, Ngài ban cho họ uy quyền và sức mạnh để chữa bệnh, làm cho kẻ chết sống lại và cho người mù nhìn thấy, quyền trừ quỷ và làm cho những người bại liệt đi lại được. Sức mạnh ở đây chính là việc mang lại sự chữa lành mọi thứ đau khổ của con người. Nhưng Tin Mừng cũng cho chúng ta biết rằng, mặc dù có uy quyền ghê gớm đó, nhưng sứ vụ quan trọng nhất mà Đức Kitô đã trao cho các Tông đồ là rao giảng về sự cần thiết của sự sám hối. “Sám hối” là một trong những từ quan trọng nhất và được dùng thường xuyên nhất trong toàn bộ Kinh Thánh.

Những lời đầu tiên của Chúa Giêsu khi Ngài bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài là, “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,17). Và Chúa đã nói với các Tông đồ rằng, ở bất cứ nơi nào mà người ta từ chối nghe lời đó và hành động theo lời đó, thì họ phải rời khỏi đi và giũ bụi dưới chân mình để làm chứng chống lại những người đó (Mt 10,14). Mọi sứ giả từng được Thiên Chúa sai đi trong Cựu ước và cả Tân ước đều đến để rao giảng một thông điệp về sự sám hối. Không ai có thể là người môn đệ của Đức Kitô, hoặc thậm chí xưng danh là “Kitô hữu”, nếu người đó không sẵn lòng sám hối.

Sám hối là gì?

Chính xác thì chúng ta đang nói về điều gì khi nói về sự sám hối? Trước tiên và ở mức độ đơn giản nhất, sám hối nghĩa là nhìn nhận thực tại tội lỗi của bản thân trong cuộc sống của bạn – và quay lưng lại với nó. Nó có nghĩa là loại bỏ tội lỗi ra khỏi cuộc sống của bạn và thay đổi cuộc sống của bạn theo Ý Chúa, ngay cả khi Ý muốn của Thiên Chúa không tương hợp với ý riêng của bạn.

Thứ hai, sám hối nghĩa là tìm kiếm tình yêu thương xót của Thiên Chúa với tinh thần thống hối thực sự. Thống hối không chỉ là đau khổ vì tội lỗi; Có ba yếu tố dẫn đến sự thống hối đích thực: buồn phiền vì những tội lỗi bạn đã phạm, ghét những tội lỗi đó và tất cả các tội nói chung, và chắc chắn hướng tới sửa đổi, nghĩa là bạn có ý cố gắng, với sự trợ giúp của ơn Chúa, không phạm những tội tương tự trong tương lai.

Thứ ba, sám hối nghĩa là chấp nhận lời Chúa và lề luật của Chúa và biến nó thành lối sống của bạn. Nó có nghĩa là đặt đức tin vào hành động. Chúng ta được cứu bởi đức tin hoạt động qua tình yêu. Ơn cứu độ không chỉ bởi đức tin, và nó không bao giờ là như vậy. Thánh Giacôbê đã viết, “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” (Gc 2,17). Đức tin của chúng ta phải là một đức tin sống động. Nó không thể ở trạng thái bất động hoặc tê liệt. Sự sống động sẽ không cắt lìa đức tin với Thiên Chúa.

Và cuối cùng, sám hối có nghĩa là thực thi việc đền tội. Cho dù chúng ta có nhận thức điều đó hay không, ngay cả những tội lỗi ẩn sâu nhất theo một cách bí ẩn nào đó cũng làm đảo lộn toàn bộ trật tự tạo dựng của Thiên Chúa. Chúng gây ra sự suy giảm ân sủng nơi Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Thiên Chúa mong đợi chúng ta đền bù những tổn hại do tội lỗi của chúng ta gây ra với Ngài và với những người lân cận.

Không ai trong chúng ta có thể nhìn thấy viễn cảnh về Thiên Chúa trên Thiên đàng trừ khi chúng ta đủ khiêm tốn để nhận biết và thừa nhận rằng chúng ta là những tội nhân cần lòng thương xót của Chúa. Không có ngoại lệ. Chúng ta đừng bao giờ xấu hổ hoặc sợ hãi khi thừa nhận điều đó vì Kinh Thánh nói rằng: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3,23).

Bí tích Thống hối

Chúa Giê-su nói với các Tông Đồ của Ngài trong Vườn Ghết-sê-ma-ni rằng: “Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26,41). Tất cả chúng ta đều cảm thấy sức hấp dẫn của tội lỗi trong cuộc sống của mình. Tất cả chúng ta đều phải đấu tranh để kiểm soát những đam mê rối loạn của mình. Luôn luôn có nguy cơ chúng ta có thể đầu hàng trước cám dỗ và sa vào tội trọng trong một lúc yếu đuối. Do đó, chúng ta luôn cần có sự sám hối trong cuộc sống.

Đây là lý do tại sao Chúa của chúng ta trong sự khôn ngoan vô hạn của Ngài đã ban cho chúng ta bí tích của Lòng Thương Xót của Ngài, Bí tích Thống hối! Ngài đã ban cho chúng ta vào Chúa Nhật Phục Sinh đầu tiên, khi Ngài hiện ra với các Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly sau khi Ngài phục sinh, một thời điểm quan trọng trong lịch sử của Giáo Hội. Chúng ta được kể về điều này trong Phúc âm của Thánh Gioan: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20, 22–23).

Mọi người Công giáo nên ghi nhớ những câu Kinh thánh đó. Chúng ta nên học thuộc lòng để có thể sẵn sàng trả lời bất cứ khi nào đức tin của chúng ta bị chất vấn về vấn đề này. Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ ràng rằng Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ của Ngài quyền năng để tha tội nhân danh Ngài. Nhưng – và điều này rất quan trọng – Ngài đã không cho họ sức mạnh để “đọc vị” suy nghĩ! Làm sao các môn đệ có thể biết tội nào nên tha và tội nào giữ lại nếu không có ai xưng tội? Chúng ta thực hành việc xưng tội vì nó đã được truyền lại cho thế hệ chúng ta từ các Tông đồ bởi ý muốn của Đức Giêsu Kitô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Đó là lý do tại sao việc xưng tội, dưới hình thức này hay hình thức khác, đã được các Kitô hữu thực hành ngay từ thuở đầu.

Sự biến đổi nội tâm

Bạn thấy đấy, Chúa Giêsu để lại cho chúng ta bí tích này vì Ngài biết rõ tội và mặc cảm tội lỗi có thể gây ra điều gì cho linh hồn con người. Chúng có thể xé nát và chia cắt linh hồn chúng ta khỏi Thiên Chúa. Chúng có thể khiến một người tuyệt vọng. Thiên Chúa biết chúng ta cần phải có cách nào đó để thoát khỏi tội lỗi và mặc cảm vì chúng có thể cướp đi sự bình an và niềm vui nội tâm mà lẽ ra là của chúng ta với tư cách là Kitô hữu – sự bình an và niềm vui đi kèm với việc có lương tâm trong sạch trước mặt Thiên Chúa.

Tinh thần con người cần được bình an với Thiên Chúa, và được bình an với chính mình. Chúng ta cần biết rằng chắc chắn Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Chúng ta cần có khả năng kinh nghiệm về tình yêu thương xót của Thiên Chúa khi tình yêu ấy chạm đến cuộc sống của chúng ta. Chúng ta biết rõ là sẽ có những lúc trong đời, khi nào chúng ta cần một sự khởi đầu thiêng liêng mới mẻ, khi nào chúng ta cần phải để lại sau lưng quá khứ lầm lỗi và khởi động lại lần nữa. Khi làm điều này, chúng ta sẽ rất cần ân sủng của Thiên Chúa gia tăng sức mạnh để tránh đi những tội lỗi tương tự trong tương lai. Đó là cách bí tích Giải tội giúp chúng ta được biến đổi nội tâm.

Việc xưng tội dẫn đến sự thánh thiện

Vẻ đẹp của Bí tích Sám hối là: bất cứ khi nào bạn thú nhận tội lỗi với tất cả khả năng và trí nhớ – khi bạn không giữ lại bất cứ điều gì và bạn thực sự hối lỗi và quyết tâm sửa lỗi – bạn sẽ luôn luôn rời khỏi tòa giải tội với sự đảm bảo đầy tin tưởng về sự tha thứ hoàn toàn của Thiên Chúa.

Nhiều người lo lắng một cách không cần thiết về những tội mà họ có thể đã quên trong lúc họ xưng thú. Nhưng tâm trí con người không giống như một chiếc máy tính có thể truy cập tất cả dữ liệu đúng lúc nó cần. Ký ức của chúng ta bị mờ đi với bản chất con người sa ngã của chúng ta. Khi bạn đã thực hiện tốt việc xưng tội, mọi tội lỗi của bạn đều được tha thứ, miễn là bạn có một con tim biết thống hối. Chúa nhìn thấy tận bên trong trái tim. Và nếu sau này bạn nhớ lại tội nào đó mà bạn đã quên xưng, hãy nhắc lại nó trong lần xưng tội tiếp theo. Đơn giản là thế.

Có một ý tưởng về việc cố sao cho tránh xa hoàn toàn tội trọng và truy tìm sự thánh thiện thực sự trong cuộc đời. Nhắm tới việc trở thành các thánh! Những ai chìm đắm vào lối suy nghĩ tự mãn này đã quên mất sức mạnh của ân sủng bí tích – bởi lẽ bí tích là rào chắn hiệu quả để chống lại tội lỗi và là phương tiện thực sự hữu hiệu để bản thân nên thánh.

Chính vì tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho chúng ta mà Ngài đã truyền lệnh cho chúng ta sử dụng Bí tích Sám hối. Chính trong bí tích này, chúng ta phó thác quá khứ cho lòng thương xót của Thiên Chúa, hiện tại cho tình yêu của Ngài, và tương lai cho sự quan phòng của Ngài.

Lm. WILLIAM CASEY
https://catholicexchange.com/go-confession-lent
Chuyển ngữ: Tô Linh
Bản dịch Kinh Thánh của nhóm CGKPV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *