Vì lẽ gì mà Giáo hội mời gọi người Công giáo không ăn thịt vào các ngày thứ Sáu trong Mùa Chay (cũng như thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh) nhưng lại cho phép ăn cá?
- Vì lẽ gì mà Giáo hội mời gọi người Công giáo không ăn thịt vào các ngày thứ Sáu trong Mùa Chay (cũng như thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh) nhưng lại cho phép ăn cá?.
Trước hết, người ta có thể thắc mắc “Tại sao lại là ngày thứ Sáu?”. Từ xa xưa, các cộng đoàn Công giáo đã phân biệt hành trình tuân giữ ngày thứ Sáu bằng việc sám hối cách đặc biệt, qua đó họ chia sẻ niềm vui, nỗi khổ đau của Chúa Kitô, ngõ hầu một ngày nào đó họ cũng được tôn vinh nơi Ngài. Điều này tạo nên truyền thống kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu, truyền thống này đã được giữ trong Giáo hội Công giáo thánh thiện. Vì người ta tin rằng Chúa Kitô chịu đau khổ và chết trên thập tự giá vào ngày thứ Sáu, nên ngay từ xa xưa, những người theo đạo Công giáo đã yêu thích ngày này để kết hợp những đau khổ của họ với những đau khổ của Chúa Giêsu. Điều này khiến cho Giáo hội công nhận mỗi thứ Sáu như là “Thứ Sáu Tuần Thánh”, trong đó các Kitô hữu có thể tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô bằng cách thực hành một hình thức sám hối cụ thể. Một thời gian dài trong lịch sử Giáo hội, thịt được ưa chuộng để đánh dấu các bữa tiệc và lễ kỷ niệm.
- Thịt là món ăn ngon
Trong hầu hết các nền văn hóa cổ xưa, thịt được coi là cao lương mỹ vị và người ta sẽ chỉ “giết bê béo”, nếu có sự kiện gì đó để ăn mừng. Vì thứ Sáu được coi là ngày sám hối và hãm mình nên việc ăn thịt để “cử hành” cái chết của Chúa Kitô dường như không phù hợp (ngẫu nhiên, một số giám mục đã cho phép ăn thịt khi ngày lễ thánh Patrick trùng vào thứ Sáu trong mùa Chay, vì ngày này là “một ngày lễ trọng thể” đối với nhiều người Công giáo Ireland).
- Nhưng tại sao cá không được coi là thịt?
Bởi vì, cá không ăn “động vật trên trái đất”. Những quy tắc kiêng khem này coi thịt có nguồn gốc từ động vật như thịt gà, thịt bò, thịt cừu hoặc thịt lợn, tất cả đều là động vật trên cạn. Chim cũng được coi là thịt.
- Ngày nay, cá mắc hơn
Cá thuộc một loại động vật khác. Do đó, được phép tiêu thụ cá, dù là cá nước ngọt hay cá biển, động vật lưỡng cư, bò sát (động vật máu lạnh) cũng như loài tôm cua.
Trong tiếng Latin, từ ngữ chuyên môn chỉ định “thịt” mà người ta không thể ăn vào thứ Sáu là chữ Carnis, nghĩa là “thịt động vật” và chưa bao giờ bao gồm cá trong định nghĩa. Hơn thế, ngày xưa thịt luôn có trong những bữa tiệc lớn, có giá trị. Vào thời điểm đó và trong văn hóa Latin, cá không được coi là một món ăn “lễ hội” và việc ăn cá là một điều hạn chế.
- Ý hướng của Giáo hội là khuyến khích các tín hữu dâng hy lễ cho Thiên Chúa, xuất phát từ trái tim và kết hợp đau khổ của họ với đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá.
Dữ liệu rất khác trong nền văn hóa hiện tại của chúng ta, thịt thường có giá thấp hơn cá và không còn liên quan trực tiếp đến ý tưởng ăn mừng. Đây là lý do tại sao nhiều người đặt câu hỏi về sự liên quan của những qui định này, đặc biệt là những người thích ăn cá và không coi đó là hành động sám hối.
Cuối cùng, ý hướng của Giáo hội là khuyến khích các tín hữu dâng hy sinh lên cho Thiên Chúa, xuất phát từ trái tim và kết hợp đau khổ của họ với nỗi đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá. Không ăn thịt là hành động sám hối cổ điển nhất, nhưng chúng ta không bao giờ được phép quên mục tiêu của qui định ăn kiêng này. Ví dụ, vấn đề không phải là ăn tôm hùm vào mỗi thứ Sáu trong mùa Chay. Ý tưởng là thực hiện một sự hy sinh cho phép chúng ta đến gần Chúa hơn, Đấng vì tình yêu đã dành cho chúng ta sự hy sinh lớn lao nhất.
Philip Kosloski, xuất bản ngày 09/03/2017, cập nhật ngày 20/03/2024
Ban văn hóa Giáo phận Xuân Lộc chuyển ngữ từ Aleteria FR, 25/03/2024
https://giaophanxuanloc.net/