Suy niệm Thánh Lễ Làm Phép Dầu – Thứ Năm Tuần Thánh

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Nghe giảng

Lời Chúa: Is 61,1-3a.6a.8b-9, Kh 1,5-8 , Lc 4,16-21

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 4,16-21)

 Khi ấy, Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh.  Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng :  Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,  công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.

 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Trong hội đường, trăm con mắt đều đổ dồn về phía Người.  Người bắt đầu nói với họ : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.”

Bài giảng Lễ Dầu của Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến

Trong hơn 3 năm đi học tại Mỹ, tôi được tham dự Lễ Truyền Dầu tại Tổng Giáo phậnPhiladelphia. Thánh lễ thường quy tụ khoảng 600 linh mục trong giáo phận. Thánh lễ là phụng vụ chung của Giáo hội thì ở đâu cũng cử hành giống nhau. Nhưng ai đến đây tham dự thánh lễ Dầu cũng cảm nhận được một niềm vui và chia sẻ đối với các linh mục. Đó là khi kết thúc thánh lễ, đoàn đồng tế di chuyển về phía cuối nhà thờ không đi vào giữa nhà thờ, mà lại đi vào lối đi giữa 2 hàng ghế có khá đông giáo dân tham dự. Bài hát kết lễ được thay thế bằng những tràng pháo tay giòn giã của giáo dân và các linh mục. Suốt đoạn đường di chuyển như thế, tôi thấy nhiều linh mục dừng lại bắt tay hoặc ôm hôn, vẫy tay chào tùy theo văn hóa giao tiếp của họ đối với những người thân, có thể là bà con anh em họ hàng ruột thịt, hoặc giáo dân quen biết. Vì là một giáo phận đa sắc tộc, nên người tham dự cũng như linh mục đoàn là người da trắng, người da màu, người Hispanic (nói tiếng Tây Ban Nha), người gốc Á châu như Philipines, Việt nam… Nhưng tất cả đều được người giáo dân trao tặng cho những nụ cười rạng rỡ biểu lộ trên từng nét mặt. Một tình cảm rất đặc biệt của những người giáo dân rất gần gũi, mà ta chưa một lần gặp mặt. Thật là cảm động!

Tuy nhiên, bước ra khỏi nhà thờ Chính Tòa, phía bên kia đường có quảng trường công cộng. Có một vài nhóm người giơ cao biểu ngữ chống đối linh mục. Có khi là các nhóm thuộc phong trào nữ quyền, đòi giáo hội phải công bằng với phụ nữ, phong chức linh mục cho phụ nữ; Có khi là nhóm chống đối đòi giáo hội mạnh tay kỷ luật các linh mục có những sai phạm, tội lỗi đối với những thành phần yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội… Hai hình ảnh trái ngược bên trong và bên ngoài nhà thờ khiến tôi nhiều suy nghĩ và tự hỏi:

1/ Tại sao linh mục được rất nhiều người yêu mến và luôn thể hiện tình chia sẻ hiệp thông?

2/ Tại sao linh mục cũng đang bị nhiều người chống đối lên án và loại trừ?

1/ Câu hỏi thứ nhất ta có thể trả lời qua hình ảnh Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay. Đức Giêsu bước vào cuộc đời công khai thực thi sứ vụ rao giảng Tin mừng. Ngài đi rao giảng nhiều nơi, làm nhiều phép lạ, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ… nay trở về Nazaret. Ngài vẫn thể hiện hình ảnh của một người Do Thái đạo đức. Đến Hội đường vào ngày Sabat như một công việc quen thuộc. Đây là một hành vi đạo đức theo luật định mà Đức Giêsu vẫn làm trong suốt những năm tháng sống ẩn dật tại Nazaret. Ngài đã từng đến đây vào ngày Sabat để nghe đọc Lời Chúa. Được các kinh sư giảng giải Lời Chúa. Cầu nguyện với Lời Chúa. Chia sẻ về sự hiểu biết và sống Lời Chúa với người khác. Nay trở lại Hội đường Nazaret với một tư cách khác. Đức Giêsu được trao cho nhiệm vụ đọc sách Thánh, đoạn trích từ sách Ngôn sứ Isaia. Mọi người chăm chú lắng nghe đoạn sách Thánh: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”. Lời giải thích của Đức Giêsu rất ngắn gọn. Ngài là Đấng mà Isaia đã loan báo. “Hôm nay ứng nghiệm lời ngôn sứ tai các ngươi vừa được nghe”. Đức Giêsu đã luôn ý thức được sứ mạng và ơn gọi của mình. Là người được tuyển chọn. Là Đấng được xức dầu. Được hiến thánh, tràn đầy Thánh Thần. Là người phải thực thi sứ mạng của Thiên Chúa trao phó: rao giảng Tin mừng cho người nghèo, an ủi kẻ ưu phiền, chữa lành người bệnh tật, đem tình thương tha thứ của Thiên Chúa đến cho người tội lỗi.

Thật vậy, Đức Giêsu là hình ảnh một linh mục mẫu mực: thực hành những việc đạo đức như bao người khác, giữ gìn luật Chúa, chu toàn bổn phận, hiện diện giữa cộng đoàn dân Chúa, cách riêng vào các ngày Sabat. Ngài là thừa tác viên Lời Chúa, công bố Lời Chúa, giải thích Lời Chúa cho mọi người. Đọc được dấu chỉ và thánh ý Thiên Chúa thực hiện ngang qua cuộc đời của Ngài. Chia sẻ kinh nghiệm sống Lời Chúa trong cuộc đời và sứ mạng được trao phó. Chu toàn bổn phận và dấn thân phục vụ mọi người. Nếu linh mục chúng ta biết sống theo khuôn mẫu là Đức Giêsu, chắc chắn sẽ được nhiều người yêu mến. Những người yêu mến linh mục, là vì linh mục biết noi gương Chúa Giêsu, sống như Chúa Giêsu, thực hiện sứ mạng của Chúa Giêsu và là hình ảnh của Chúa Giêsu nơi trần gian này. Vì thế, anh em linh mục chúng ta dễ dàng đón nhận được tình yêu thương, sự trợ giúp và chia sẻ tình hiệp thông từ phía những người Công giáo cũng như nhiều người ngoài Công giáo.

2/ Câu hỏi thứ 2 thật không dễ trả lời đối với chúng ta. Nhưng nếu nhìn lại đời sống cá nhân trong tư cách là linh mục của Chúa, chúng ta sẽ thấy được phần nào lý do của sự chống đối, bài giáo sĩ ngày nay.

Nếu chỉ vì nhiệt thành nhà Chúa, cố gắng sống như Chúa Giêsu, mà ta bị chống đối bài xích như Đức Giêsu đã bị giới lãnh đạo Do Thái chống đối và lên án, đó lại là một điều tốt. Nhưng trong thực tế, linh mục chúng ta đang sống xa Chúa Kitô. Người tín hữu không tìm thấy nơi linh mục khuôn mặt của Chúa Giêsu, Đấng chuyên chăm cầu nguyện, đời sống nhân bản, biết giúp đỡ và chia sẻ, hy sinh và nhiệt thành trong việc rao giảng Tin mừng. Linh mục chúng ta nhiều khi không ý thức đủ sự thánh thiện ngay trong chính những cử hành phụng vụ thánh. Linh mục là người được xức dầu thánh hiến, mà chúng ta vì một lý do nào đó đã không còn nhớ mình đã được thánh hiến, không còn thuộc trọn về Thiên Chúa. Dẫu rằng, linh mục vẫn là con người, mang một thân phận mỏng dòn yếu đuối, dễ sa ngã, phạm tội. Nhưng để làm một linh mục, chúng ta đã được huấn luyện, được giáo dục cẩn thận cho biết cách làm thế nào để có thể vượt qua những cám dỗ yếu hèn của thân phận con người. Hãy nhớ lại những khi ngồi giải tội, chúng ta nhân danh Chúa Kitô tha tội cho hối nhân. “Cha tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Một tội nhân nhân danh Chúa tha tội cho một hối nhân. Ta còn dạy cho người khác biết cách sống tốt hơn, biết tránh xa dịp tội, hoán cải tâm hồn mỗi khi lỗi phạm và dốc lòng chừa cải lỗi lầm. Trong khi chính linh mục chúng ta nhiều khi không làm được những điều mình khuyên dạy người khác. Thậm chí còn kéo lê cuộc đời của mình trong lầm lỗi và tìm mọi cách đánh lạc ý thức, biện minh cho những sai trái, lạm dụng lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Đó là lý do mà linh mục thường bị ngay chính những người tin vào Thiên Chúa chống đối, bài xích, chỉ vì chúng ta sống chưa đúng tư cách của một linh mục Chúa Kitô. Hơn nữa, đời sống linh mục chúng ta ngay cả sống tốt, sống khéo, làm đẹp lòng con người cũng đã là một điều khó. Thế thì sống đẹp lòng Chúa chắc chắn còn khó hơn nhiều.

Sám hối trở về với Thiên Chúa, Đấng từ bi và nhân hậu, giàu tình thương và rất mực khoan dung, một hành vi không bao giờ là quá muộn. Sám hối trở về sống đúng với căn tính của linh mục càng sớm càng tốt. Chúng ta vẫn tuyên xưng một Giáo hội thánh thiện, nhưng giáo hội ấy vẫn cần phải sám hối (GH số 8). Chỉ khi nào linh mục chúng ta ý thức mình hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô và giáo hội của Ngài, chúng ta sẽ sống trong chân lý và chân lý sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi nô lệ của những gì là bất chính, những quyến luyến lệch lạc, những ham hố đối với trần gian, những biếng nhác của người mục tử… những thứ đang làm cho linh mục tuy sống trong nhà Chúa nhưng lại rất xa Thiên Chúa.

Vì vậy, những gì là tốt lành thánh thiện và đầy cảm xúc mà người giáo dân hoặc lương dân dành cho một linh mục biết sống trung thành với ơn gọi và sứ mạng Chúa trao phó, chúng ta hãy trân trọng, cùng nhau tạ ơn Chúa và mỗi ngày ta cố gắng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Mặt khác, chúng ta sẽ có lúc phải đối mặt với những chỉ trích, khích bác, chống đối và sỉ nhục, ta đừng quên chính Đức Kitô cũng đã từng bị như vậy. Nhưng chúng ta cũng phải biết nhìn nhận những thiếu sót và lầm lỗi của mình có thể là nguyên nhân gây nên những phán kháng đó.

Trong một giáo hội hiệp hành, linh mục cần phải gặp gỡ, lắng nghe và phân định. Nhận ra đâu là tiếng nói của Thánh Thần soi dẫn, để chúng ta luôn trung thành với ơn gọi và sứ mạng, trở về sống đúng căn tính của người linh mục của Chúa Kitô. Amen.

Bài giảng Lễ Dầu của Đức Cha Giuse Võ Đức Minh

Hương thơm của Dầu thánh lan tỏa như hoa hồng Tình yêu trong việc loan báo Tin mừng.

Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,

1. Lời Chúa trong ngày lễ làm phép và thánh hiến Dầu thánh hôm nay làm sống lại cho chúng ta khuôn mặt, đời sống và sứ vụ loan báo Tin mừng Tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã được xức Dầu Thánh thần: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, bởi chính Người đã xức Dầu cho tôi, sai tôi đi loan báo Tin mừng cho người nghèo khó ….. Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh thánh tai các ngươi vừa nghe ‘’. Chúng ta, mỗi người, với ơn gọi và cuộc sống của người đã được xức Dầu thánh, trong tinh thần yêu thương và phục vụ, sẽ luôn đoàn kết, hiệp nhất với nhau, hầu tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô, làm  chiếu tỏa sự thánh thiện của Thiên Chúa bằng cách noi gương các vị Thánh, cách riêng các bậc Tổ tiên chứng nhân đức tin trên phần đất Việt Nam yêu quý, trên phần đất Giáo phận Nha Trang, nơi mà đúng 350 năm về trước (năm 1671), Đức cha Pierre Lambert de la Motte, vị Giám mục tiên khởi, Đại diện Tông Tòa Đàng Trong và Giám Quản Tông Tòa Đàng Ngoài đến phần đất Nha Trang. Ngoài việc định hướng hoạt động tông đồ cho Hội thánh của Chúa tại Đàng Trong và Đàng Ngoài, Ngài còn là nền tảng Tông đồ xây dựng Hội Thánh của Chúa tại vùng đất nầy; để dầu trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, Hội Thánh của Chúa vẫn tồn tại và phát triển tốt đẹp như ngày hôm nay; Đó chính là Tin Mừng về niềm vui, ánh sáng và niềm hy vọng, ẩn chứa trong Lời Chúa và Thánh thể, được loan báo đến với mọi người, đặc biệt cho người nghèo khổ, ốm đau, tuyệt vọng; cho người thất thế, cô thân, bị tội lỗi dày vò; ngay cả cho những người dững dưng với hồng ân của Thiên Chúa.

Thật vậy, một khi đã được xức Dầu thánh, chúng ta sống làm sao để gia đình, giáo xứ và cộng đoàn của mình chan hòa niềm vui trong bình an và hiệp nhất, khiến những người chung quanh mình phải thốt lên rằng : ‘’ Kìa xem, những người Kitô giáo : họ sống đạo tình thương; họ hiệp nhất với nhau; họ xây dựng gia đình êm ấm thuận hòa; họ giáo dục con cháu sống lễ độ, có tinh thần tương ái tương thân, lá lành đùm lá rách; họ sống bác ái với tha nhân; họ chăm sóc người nghèo khổ; họ phục vụ kẻ cô đơn; họ chia sẻ với người túng thiếu; họ sống nhân hậu, bao dung, vui tươi, nhẫn nại, trung tín, hiền hòa, dễ dàng tha thứ cho mọi người ‘’.

2. Trong Thánh lễ hôm nay, trước khi đọc kinh Lạy Cha, Giám mục sẽ làm phép Dầu bệnh nhân (OI) để Linh mục xức cho tín hữu khi đau yếu; sau lời nguyện hiệp lễ, Giám mục làm phép Dầu Dự tòng (OS), để Linh mục hay Phó tế xức cho những người muốn gia nhập đại gia đình Giáo hội Công giáo; cuối cùng Giám mục sẽ pha một chút thuốc thơm vào bình Dầu còn lại, rồi cùng với linh mục đoàn đọc lời nguyện thánh hiến Dầu thánh (SC), tức là Dầu Chrisma, Dầu hiến thánh, dùng để xức trên đầu người chịu phép rửa tội, xức trên trán người chịu phép thêm sức, xức đôi tay của vị Linh mục trong ngày lễ truyền chức, xức trên bàn thờ và các tường nhà thờ trong ngày lễ cung hiến và đổ trên đầu vị Giám mục ngày được tấn phong. Như vậy, Dầu thánh chan hòa nơi mỗi tín hữu kể từ ngày chịu phép rửa tội và thêm sức, thấm vào người chịu chức Linh mục và Giám mục, để lại dấu ấn nơi các Nhà thờ và cơ sở thờ phượng. Vì thế, hương thơm của Dầu thánh phải được tỏa lan khắp nơi như những “ bông hoa hồng tình yêu “ mà Thánh Tiến sĩ Hội thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu hằng mong ước.

3. Cách riêng, anh em Linh mục rất yêu quý, ngày lễ làm phép và thánh hiến Dầu thánh còn được gọi là ngày sinh nhật của chức Linh mục trong Hội thánh. Thánh lễ đồng tế hôm nay tại Nhà nguyện trong ngôi nhà tổ của Giáo phận có ý nghĩa rất đặc biệt; một đàng như nối kết chúng ta với dòng lịch sử 350 năm loan báo Tin mừng tại phần đất Nha Trang, đàng khác như thể hiện sự hiệp thông và hiệp nhất của hàng Linh mục với Giám mục của mình. Các Linh mục sẽ có nghi thức lập lại lời tuyên hứa trước mặt Chúa và cộng đoàn Dân Chúa, như ngày được truyền chức thánh. Sau đó, Giám mục cũng sẽ mời gọi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa cầu nguyện cho các vị chủ chăn của mình. Tất cả chúng ta hãy nhớ lại, chính trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đứng dậy, cởi áo ngoài ra, lấy khăn mà thắt lưng, rồi quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Đúng như Người đã từng nói với họ: “Thầy đến trong thế gian, không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để phục vụ mọi người” (Mt 20,28). Dẫu là Chúa và là Thầy, Ngài yêu thương đến nỗi tự hạ mình xuống để phục vụ cách tận tình, khiêm tốn và vô vị lợi. Ngài đồng thời mời gọi các tông đồ hãy rửa chân cho nhau. Thái độ của Chúa nhắc nhở anh em Linh mục chúng ta : luôn nhiệt tình, sẳn sàng, rủ bỏ con người cũ của mình, học biết từ bỏ ngay cả cá tính tự nhiên của mình, để có thể cúi xuống và thậm chí quỳ xuống như Chúa mà thi hành sứ vụ yêu thương, phục vụ trong đời sống của người mục tử, người lãnh đạo cộng đồng Dân Chúa.

Qua đời sống nội tâm, đời sống trung thành trong thiên chức Linh mục, đời sống hiền lành và khiêm nhường trong công việc mục vụ hằng ngày của người mục tử, Linh mục trở nên ngày càng đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu; vì thế, Thánh Gioan Maria Vianney, vị Thánh Linh mục có nếp sống đơn sơ, khiêm nhường, quảng đại, bao dung trong sứ mạng mục tử của mình, đã nói : ‘’ Hạnh phúc đích thực của Linh mục là được hao mòn vì phần rỗi linh hồn của giáo dân ‘’.

4. Năm nay, để đánh dấu hồng phúc lịch sử nầy, từ ngày 12 tháng 4 đến 16 tháng 4, các vị Chủ chăn của 27 Giáo phận, một cách nào đó, như hậu duệ thiêng liêng của Đức cha Pierre Lambert de la Motte sẽ về Nha Trang tham dự Hội Nghị Thường niên kỳ I/2021 tại Tòa giám mục Nha Trang. Các vị Chủ chăn cũng không quên những hậu duệ thiêng liêng khác của Đức cha Lambert là những người sống đời thánh hiến trong các Hội Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam.

Nhân năm hồng phúc nầy, xin nhắc lại tâm tình trong Lá thư mục vụ của Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, 50 năm về trước, trong cương vị là Giám mục Chánh Tòa Giáo phận Nha Trang, mà tôi trân trọng xem như di chúc thiêng liêng của Ngài :

“ Hãy nhìn quá khứ với tất cả lòng khâm phục tạ ơn,

Hãy nhìn hiện tại với tất cả ý chí tìm kiếm không ngừng,

Hãy nhìn tương lai với tâm hồn hăng say tin tưởng “.

Riêng phần tôi, nhìn lại cuộc đời 50 năm Linh mục, tôi ước mong  được thêm xác tín tâm tình cảm mến mà tôi đã đón nhận từ lúc còn là một chú bé, khi thấy tấm kính màu trên cung thánh của ngôi Nhà thờ Đalat, tôi thật ngỡ ngàng và hạnh phúc khi chiêm ngắmThánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đang rải  bông hoa hồng với lời nguyện ước : ” Giữa lòng Hội thánh Mẹ của con, con xin là tình yêu “.

Tôi nhớ, ngày 24/4/1971, sau khi truyền chức Linh mục cho tôi, Đức giám mục Giáo phận Đalat Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền đã nhỏ nhẹ nói với tôi như người cha nói với người con, như người thầy nói với người học trò :  ” Chúa chọn con; con cũng phải chọn Chúa. Hạnh phúc của con là thuộc về Chúa và Hội thánh. Con hãy nhớ khẩu hiệu giám mục và cuộc đời của cha là ” Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh “ (Predicamus Christum crucifixum ) “. Hình ảnh của Đức cha Simon-Hòa lúc nầy càng trở nên gần gủi, thân thương khiến tôi nhớ lại lời dạy đầy tình phụ tử của ngài năm xưa : “ Con đừng bao giờ quên mình là người Việt Nam, sống có tình có lý ! Người ta chấp nhận mình trước, rồi mới nghe lời mình nói. Người Việt Nam mình phải sống nền văn minh gia đình, luôn tôn trọng đạo hiếu. Con hãy tổ chức nơi con được Giáo Hội sai tới theo mô hình gia đình ”.

Tôi không bao giờ quên Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, vị mục tử đã cho phép tôi làm thư ký riêng của ngài suốt 16 năm. Ngài để lại cho tôi một bài học quý báu qua nhiều lần tâm sự: ” Hàng Linh mục là kho tàng quý giá mà Chúa và Hội thánh trao cho giám mục chăm sóc; hãy quý trọng, giữ gìn và phát huy kho tàng Chúa trao phó cho mình “.

Tôi cũng được học với Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, nay là Đức Hồng Y trong Hội thánh: ” Đến với người nghèo, người dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, vùng ngoại biên : không phải là để ban phát, nhưng là dấu chỉ ơn Chúa cho người tông đồ “.

Và đặc biệt, có lẽ ít ai ngờ, tại Nha Trang, ngay từ ngày 31.3.1975, khi làm công việc của linh mục thư ký của Đức cha Bartôlômêô, Giám mục Giáo phận Đalat, tôi đã gặp và chăm chú lắng nghe lời dạy của Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Giám mục Giáo phận Nha Trang và lời dạy nầy đã ảnh hưởng trong suốt cuộc hành trình linh mục của tôi : ” Đừng sợ ! Chúa luôn ở với con.  Hãy nhìn vào gương các vị Thừa sai, các vị Tử đạo trên đất Việt Nam: Đường Thánh giá sẽ luôn mở ra đường Hy vọng. Con đừng sợ ! Hãy kiên vững trong đức tin ! Cha chúc lành và cầu nguyện cho con. Cha yêu thương và tin con !”.

Nguyện xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót, qua lời chuyển cầu của Mẹ Nhân Lành, Thánh Cả Giuse, các Thánh Tử đạo, các Tông đồ tiền bối chúc phúc cho mọi người chúng con. Amen.

Bài giảng Lễ Dầu của Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng

1. Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Thánh lễ Truyền Dầu hôm nay có 2 ý nghĩa : thứ nhất, trong thánh lễ này, Đức Giám mục sẽ hiến thánh Dầu Thánh, làm phép Dầu Bệnh nhân và Dầu Dự tòng. Tiếp đến, lễ Truyền Dầu còn có mục đích tưởng niệm việc Chúa Giêsu lập bí tích Truyền chức Thánh, lập chức Linh mục.
Hình ảnh xức dầu thánh hiến và người linh mục được gắn bó với nhau. Linh mục là người được xức dầu thánh hiến, để thuộc về Thiên Chúa là Đấng Thánh và để thi hành những tác vụ mà Thiên Chúa ủy thác.
Trong bầu khí của gia đình giáo phận Phan Thiết trong lễ Truyền Dầu hôm nay,  tôi xin chia sẻ một vài suy niệm được gợi lên từ những bài đọc Kinh Thánh về hình ảnh: linh mục là người được thánh hiến và được sai đi.2. Bài đọc 1 trích từ sách tiên tri Isaia : Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Ngài đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó”….Và trong bài phúc âm, đoạn Kinh thánh từ sách Isaia này đã được chính Chúa Giêsu đọc lại, tại Hội đường Nazareth, và đã giải thích với lời khẳng định : “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.
Dưới ánh sáng Lời Chúa từ những đoạn Kinh thánh trên đây, có thể nhận ra ý nghĩa đích thực hay căn tính của người linh mục:“linh mục là người được thánh hiến và được sai đi” (consacré et envoyé).
Người linh mục được xức dầu thánh hiến để sai đi thi hành một nhiệm vụ.
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó”….3. Một cách cụ thể, linh mục là người đại diện cho giám mục, để trực tiếp chăm sóc cho đoàn chiên Chúa trong tư cách mục tử tại các giáo xứ.
Và ĐTC Phanxicô đã có một cách diễn tả thật bình dân và sống động về hình ảnh của giám mục linh mục như sau: thay vì nói “giám mục hay linh mục là người được thánh hiến và được sai đi”, thì ngài nói : Giám mục, linh mục là người “có mùi của Thiên Chúa” và “có mùi của chiên”.4. Trước hết, “để có mùi của Thiên Chúa”, người linh mục, phải gần gũi Thiên Chúa, phải cầu nguyện.
ĐTC nhắc lại câu nói của các tông đồ trong sách Cv 6,4 khi xác định về bổn phận của người Tông đồ là “cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa”.
Chúng ta cùng nghe lại đoạn lời Chúa này trong sách Công vụ Tổng đồ (Cv 6,1-4) :
62 Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói : “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. 3 Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. 4 Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.”Kính thưa cộng đoàn và đặc biệt quý cha thân mến,

Qua đoạn trích sách Công vụ Cv 6,1-4 vừa rồi, Lời Chúa nhắc lại cho chúng ta 3 nhiệm vụ chính yếu của người tông đồ, của giám mục, của linh mục là :

  • Cầu nguyện,
  • Phục vụ Lời Chúa
  • Chọn người cộng tác để giúp mình trong những công việc khác.
Từ đó chúng ta thấy rằng, 3 công việc này chính là 3 chức năng của người linh mục : Thánh hóa, rao giảng và lãnh đạo cộng đoàn.
– Trong 3 chức năng này, cầu nguyện hay chức năng thánh hóa được xếp hàng đầu. Những thành công thực sự hay những hoa trái trong đời mục vụ tùy thuộc vào Thiên Chúa. Chính qua cầu nguyện, người linh mục tiếp xúc, gặp gỡ Chúa, để Chúa thánh hóa mình, để mình được tràn đầy ơn Chúa, và rồi sau đó mang ơn Chúa hay mang Chúa đến cho người khác.
– Công việc thứ hai chính là phục vụ Lời Chúa, là rao giảng Lời Chúa hay loan báo Tin Mừng.
– Công việc thứ ba là “lãnh đạo cộng đoàn” qua hình ảnh các tông đồ đã chọn 7 phó tế để giúp các ngài trong nhiệm vụ quản lý, phục vụ bàn ăn cho cộng đoàn.
Kính thưa cộng đoàn,
Trên đây, chúng ta vừa nhìn lại hình ảnh “linh mục là người có mùi của Chúa”, gần gũi với Chúa đặc biệt qua cầu nguyện, qua việc rao giảng Tin mừng và lãnh đạo cộng đoàn.5. Sau hình ảnh “linh mục là người có mùi của Chúa”, ĐTC đã say mê nói về hình ảnh thứ hai “linh mục là người có mùi của chiên”.
Người mục tử đích thực cần phải gần chiên của mình. Thăm hỏi, gặp gỡ… và ĐTC còn nói cả đến phương thế hiện đại, đó là điện thoại. Các giám mục cần gần gũi các linh mục. Các linh mục có thể gọi điện thoại cho giám mục. Giáo dân có thể gọi điện thoại cho cha sở… Cha sở gọi điện thoại thăm hỏi giáo dân. Đó là những phương thế hỗ trợ giúp cho người mục tử biết chiên, gần gũi với chiên…
Trong thư Hướng dẫn mục vụ Thời Covid-19, Đức tổng giám mục Sàigòn đã nói về nhiệm vụ của người linh mục khi được mời đi xức dầu cho bệnh nhân như sau:
“Xức dầu bệnh nhân luôn phải là việc ưu tiên trong thừa tác vụ linh mục. Quí cha có nghĩa vụ đi xức dầu thánh và mang Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, ngay cả trong những lúc dịch bệnh hay những thời khắc nguy hiểm, để đem đến cho họ sự sống thiêng liêng và niềm hy vọng vào giây phút quan trọng nhất của cuộc đời…. Nếu phải hy sinh mạng sống vì thừa tác vụ thánh, thì đó là một hiến tế thánh thiêng cao đẹp của đời linh mục. “6. Kính thưa cộng đoàn,
Linh mục là người được thánh hiến và được sai đi. Linh mục là người “có mùi của Thiên Chúa” và “có mùi của chiên”. Linh mục là người “gần gũi với Thiên Chúa” và “gần gũi với đoàn chiên”.
Việc gần gũi thực sự với Chúa sẽ giúp cho người linh mục muốn gần gũi với đoàn chiên.
Kết quả của việc “được sai đi” sẽ dựa trên kết quả của việc “được thánh hiến”. Nhiệm vụ “được sai đi” của linh mục được đặt nền tảng trên việc “được thánh hiến”. Không có thánh hiến sẽ không có sai đi. Và sau khi được xức dầu rồi, nếu linh mục “bị cạn dầu” thì không thể mang ánh sáng Chúa Giêsu cho người khác được.Vì thế, kính thưa anh chị em tu sĩ và giáo dân,
Xin anh chị em cầu nguyện cho các giám mục và anh em linh mục chúng tôi, được luôn gắn bó với Chúa Giêsu, được luôn gần gũi với Chúa Giêsu, được tràn ngập “mùi ân sủng, mùi yêu thương, mùi tha thứ của Chúa Giêsu”, để rồi từ đó chúng tôi có thể gần gũi anh chị em hơn và chia sẻ những mùi hương thánh thiện đó cho anh chị em. Amen.ĐGM Giuse Đỗ Mạnh Hùng

Bài giảng lễ Truyền Dầu của Đức Cha Giuse Nguyễn Năng

Được xức Dầu Thánh hiến để nên thánh

Trong thánh lễ sáng thứ Năm Tuần Thánh, Giáo hội làm phép các loại dầu thánh : – Dầu Dự tòng để chuẩn bị tâm hồn các dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo ; – Dầu Bệnh nhân giúp bệnh nhân và người già yếu được tăng thêm sức mạnh hồn xác và hiệp thông vào mầu nhiệm Thánh giá ; Dầu Thánh hiến để thánh hiến con người và sự vật cho Thiên Chúa. Trong ba loại Dầu ấy, Dầu Thánh hiến là quan trọng nhất, được dùng để cung hiến bàn thờ và nhà thờ, đặc biệt được xức trên những người lãnh nhận bí tích Rửa tội, Thêm sức, và Truyền chức.

1. Dầu Thánh hiến nơi người được Rửa tội và Thêm sức

Thần Khí của Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi”. Dầu Thánh hiến tự nó chỉ là vật chất bình thường, nhưng khi được xức cho ai, thì Chúa Thánh Thần ngự đến trên người đó và làm cho họ được thánh hóa và được thánh hiến. Thánh có nghĩa là được cắt ra, tách biệt khỏi thế giới phàm tục và thông dự vào sự sống của Thiên Chúa. Khi được xức Dầu thánh hiến, người lãnh nhận bí tích Rửa tội được tách khỏi thế giới phàm tục, được nâng cao và dành riêng cho Thiên Chúa, được kết hợp với Chúa Giêsu và đầy tràn sự sống của Thiên Chúa. “Chúa Giêsu đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người”.

Một khi được xức Dầu Thánh hiến, các Kitô hữu đã là thánh, nghĩa là tách khỏi thế giới phàm tục. Do đó đời sống của các Kitô hữu đương nhiên phải là cuộc đời thánh thiện. Chúng ta đã được nâng cao nhưng nhiều lúc lại muốn sà xuống mặt đất, để trở nên như những người không được thánh hiến. ĐTC Phanxicô lặp lại lời mời gọi của Chúa : “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện”, và ĐTC nói thêm : “Đừng bằng lòng với cuộc sống xoàng xĩnh”.

Cuộc sống xoàng xĩnh là cuộc sống bay thấp lè tè trong thế giới phàm tục trong đó người ta lo thỏa mãn các nhu cầu của bản năng dục vọng và theo đuổi những mục tiêu ích kỷ.  Khi chấp nhận cái xoàng xĩnh tầm thường cũng là lúc con người đánh mất phẩm giá cao cả của mình. Trong dụ ngôn người cha nhân hậu (Tin Mừng Luca), người con thứ cứ tưởng rằng ở nhà với cha là bị kềm kẹp gò bó, là không được làm người tự do, không thể thăng tiến bản thân, nên đã rời khỏi mái nhà ấm áp của cha để ra đi tìm một cuộc sống thỏa thích theo ý riêng mình. Tuy nhiên, sung sướng thích thú thì ban đầu có đó, nhưng rốt cuộc lại là hậu quả thảm khốc đến nỗi chỉ mong ăn cám lợn mà cũng không được. Từ phẩm giá của một con người, nay xuống thấp đến độ thua con lợn ; từ hạnh phúc của một người con, nay chỉ còn là thân nô lệ thấp hèn.

Các Kitô hữu đã được xức Dầu thánh hiến để vươn lên tầm cao của sự sống Thiên Chúa. Vì thế, đừng bằng lòng với cái xoàng xĩnh tầm thường. Đừng để mình bị giam hãm trong thế giới của vật chất, của khoái cảm giác quan, của ích kỷ và hưởng thụ. Trái lại hãy sống thánh thiện. Sống thánh thiện theo đường lối Phúc Âm chính là lội ngược giòng đời, không theo lối sống của thế gian ; chỉ có như vậy mới giữ được độ cao của phẩm giá làm con Thiên Chúa và không rơi xuống vực thẳm thấp hèn.

Trong lộ trình của Dự án mục vụ 10 năm, năm 2019 các thành phần Dân Chúa trong giáo phận đang quyết tâm sám hối và nên thánh. Trong thánh lễ Truyền Dầu, chúng ta lại càng ý thức về hồng ân được xức Dầu thánh hiến. Chúng ta không thuộc về thế gian, nhưng đã được cung hiến và thuộc về Thiên Chúa. Có những lúc chúng ta đi lạc quỹ đạo của Tin Mừng và rơi xuống thấp, nhưng nhờ ơn Chúa, hãy định hướng lại và vươn lên cao, hãy bước theo Chúa Giêsu trên nẻo đường thánh thiện.

Sự thánh thiện của Kitô hữu là viên ngọc quí, nhưng không phải để tự hào tự mãn hoặc để giữ kín trong tủ, mà phải được đem ra để sinh lợi cho tha nhân. Kitô hữu được xức Dầu thánh hiến để “Chúa sai đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”, để thực thi lòng thương xót đối với những người khổ đau bé mọn. Đó là ý nghĩa của bí tích Thêm sức. Một Kitô hữu thực sự thánh thiện không tự ru ngủ trong sự sốt sắng đạo đức cá nhân, trái lại biết đi ra khỏi cuộc sống an phận để đến với anh chị em, biết dấn thân phục vụ anh chị em. Sống thánh thiện không phải chỉ là siêng năng làm các việc đạo đức, nhưng còn là đến với tha nhân để thực thi giới răn “thương người có mười bốn mối”. Người thánh thiện thật là người đầy tình yêu Chúa đến độ có thể tràn tình yêu ấy sang tha nhân. Ngược lại, người dấn thân phục vụ tha nhân phải là người đầy Chúa trong mình và sống thánh thiện ; nếu không, hoạt động của họ chỉ còn là phèng la kêu inh ỏi nhưng trống rỗng.

2. Dầu Thánh hiến nơi người lãnh nhận bí tích Truyền chức

Khi lãnh nhận bí tích Truyền chức, các linh mục được xức Dầu Thánh hiến và được đầy Chúa Thánh Thần, và từ lúc đó, trọn vẹn con người linh mục được tách ra khỏi thế gian để được dành riêng cho Thiên Chúa. Linh mục, tự bản chất, là con người của sự thánh thiêng, là hiện thân của Chúa Giêsu chí thánh.

Hành trình nên thánh của linh mục rất khó, vì thần dữ luôn tìm cách làm cho linh mục biến chất và trở nên ô uế phàm tục. Satan biết rằng một mình không thể chống lại Chúa Thánh Thần trong con người linh mục, nó rủ thêm bảy quỉ khác dữ dằn độc ác hơn để trở lại tấn công người của Chúa. Điều này giải thích tại sao các linh mục vẫn phải chịu ma quỉ tấn công, và đó là những cuộc tấn công mạnh mẽ, ác độc, nhưng lại rất tinh vi nhẹ nhàng hấp dẫn. Linh mục là người của Chúa, cần cảnh giác trước âm mưu ma quỉ để luôn giữ được tầm cao của sự thánh thiện.

Bằng cách sống của mình, linh mục hãy chứng tỏ mình là người của Chúa. Khi nhìn vào lối sống, lời nói việc làm và cách ứng xử của linh mục, mọi người đều khao khát nhìn thấy hình ảnh của Chúa Giêsu nơi các linh mục để có thể thốt lên rằng : đây quả thật là người của Chúa. Nhưng trong thực tế, đôi khi người ta lại không thấy người của Chúa, mà chỉ thấy người của thế gian. Đôi khi ta nghe nói : cha này sao giống đời quá.

Linh mục được thánh hiến để phục vụ Chúa và Hội Thánh, nhưng điều quan trọng không phải là chúng ta làm gì cho bằng chúng ta là ai và như thế nào. Chúng ta miệt mài chu toàn thừa tác vụ và lăn xả vào hoạt động, nhưng đừng bao giờ quên căn tính của mình. Chính điều chúng ta là ai và là thế nào mới thực sự đem lại hiệu quả cho công việc phục vụ.

Một đứa bé khóc vì ở nhà trong lúc mẹ đi chợ. Nhiều người đến dỗ, cho nhiều bánh kẹo, nhiều đồ chơi, mà bé vẫn khóc. Nhưng chỉ cần người mẹ ôm bé vào lòng, dù không có bánh kẹo đồ chơi, em nín khóc và cười tươi như hoa. Đơn giản chỉ vì đó là mẹ của bé.

Tại sao các hoạt động mục vụ của linh mục đem lại niềm vui và khích lệ cho dân Chúa ? Không phải vì làm nhiều, làm giỏi, làm hay. Nhiều người làm giỏi hơn hay hơn. Linh mục làm ít hơn, đơn giản hơn, nhưng hiệu quả lớn hơn, đơn giản chỉ vì chúng ta là linh mục, là người của Chúa.

Thánh Gioan-Maria Vianney đâu có đọc công thức giải tội nào khác chúng ta, nhưng tại sao ngài đem được nhiều linh hồn về với Chúa ? Thánh lễ ngài cử hành đâu có khác thánh lễ chúng ta hôm nay, nhưng tại sao lại làm cho cộng đoàn dân Chúa nên thánh ? Đơn giản chỉ vì con người ngài đầy Chúa, ngài sống thánh thiện, và ai cũng thấy ngài là người của Chúa. Đây chính là bí quyết của đời sống tông đồ.

Các linh mục hãy là những người dẫn đầu dân Chúa trong hành trình sám hối và nên thánh. Chúng ta đang kiểm điểm đời sống theo Tám Mối Phúc. Chúng ta đã có những quyết tâm cụ thể loại bỏ óc giáo sĩ trị, sống hiền lành và khiêm nhường hơn ; không ham mê tiền bạc của cải, nhưng sống đơn sơ giản dị theo tinh thần nghèo khó ; sống vui tươi hạnh phúc trong bậc độc thân khiết tịnh và dành trọn con tim và thân xác cho Chúa. Linh hồn, thân xác, lòng trí, tình yêu, khả năng, sức lực, tất cả mọi sự nơi chúng ta phải được dành riêng cho Chúa, và chỉ mình Chúa mà thôi. Chúa là Đấng hay ghen, không chấp nhận san sẻ cho bất cứ ai hay bất cứ điều gì.

Hành trình nên thánh còn dài. Là những con người yếu đuối, có thể chúng ta sẽ vấp ngã, sẽ tụt xuống, nhưng hãy chỗi dậy và tiến lên. Mỗi ngày là một khởi đầu mới, bắt đầu rồi lại bắt đầu. Dầu xức trên đôi tay đã khô đi ngay sau lễ phong chức, nhưng Dầu Thần Khí luôn mới mẻ và tỏa hương thơm. Chỉ khi nào có lòng khao khát mạnh mẽ muốn nên thánh, các linh mục mới có thể thông truyền hứng khởi thiêng liêng, khơi dậy lòng khao khát nên thánh nơi dân Chúa và hướng dẫn họ nên thánh.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin thánh hóa chúng con,

xin giúp chúng con trung thành thực thi Lời Chúa,

và xin mở lòng mọi người để họ tin nhận Thiên Chúa là Cha nhân từ”.

Bài giảng lễ Truyền Dầu của Đức Cha Phaolo Bùi Văn Đọc

Anh chị em rất thân mến,

 

  1. Năm nay chúng ta cử hành Thánh lễ làm phép Dầu trong bầu khí chuẩn bị “Năm Thánh Đức Tin”. Toàn thể Giáo hội Công giáo đang náo nức hướng về Năm Thánh sẽ được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI long trọng khai mở vào tháng 10 năm 2012 tới đây. Mặc dù tình hình chính trị và an ninh thế giới còn nhiều căng thẳng và bất ổn, tình hình kinh tế của Đất nước chưa được sáng sủa như lòng ta mong muốn, nhưng người Công giáo vẫn lạc quan và không bao giờ thất vọng. Đây không phải là một thứ lạc quan ngây thơ và mù quáng, nhưng là lạc quan vì vững tin vào Thiên Chúa, vào tình thương của Ngài biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô.

  2. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi nhân loại, là “loài mà Ngài yêu mến nhất”, vì Thiên Chúa đã tạo dựng họ theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài (x. St 1, 26). Thiên Chúa muốn cho chúng ta được chia sẻ hạnh phúc của Ngài, và chính vì thế mà Ngài đã sẵn sàng hy sinh Người Con Một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Cái chết của Chúa Giêsu là một sự hy sinh lớn lao không phải chỉ của Chúa Giêsu mà còn là của chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu chết cho chúng ta được sống, và được sống dồi dào. Chúa đã trao “hơi thở” của Chúa, Thần Khí của Chúa cho Giáo Hội, và Giáo Hội sống bằng chính sự sống của Chúa.
  3. Cử hành Lễ Dầu là cử hành mầu nhiệm “Giáo hội sống bằng Thần Khí của Chúa”. Thần Khí đó là “Thần Khí của Đấng Messia Cứu Thế”, là “Dầu Xức”, mà Chúa Cha đã dùng để tấn phong Chúa Giêsu, như lời tiên tri Isaia:“Thần Khí của Thiên Chúa ngự trên tôi, vì Thiên Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn” (Is 61, 1a). Chính Thần Khí làm cho Chúa Giêsu trở thành Tông Đồ, Sứ giả đích thực của Thiên Chúa, đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng về Tình yêu của Thiên Chúa, về lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa.
  4. Ngày nay Thiên Chúa vẫn muốn cho Giáo Hội được xức bằng cùng thứ dầu là Dầu Thánh Thần, và tiếp tục ra đi loan báo Tin mừng “Nước Thiên Chúa”. Cả Giáo Hội được xức dầu của Đấng Messia Cứu Thế, để cùng tham gia “Sứ Vụ Cứu Thế của Chúa Giêsu”. Giáo Hội có cùng sứ vụ của Chúa, do chính Chúa đã trao lại:“Như Cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em” (Ga 20, 21). Với Dầu của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần, Giáo Hội “băng bó những tấm lòng tan nát”, mạnh dạn công bố lệnh ân xá của Thiên Chúa, tha tội và giải thoát mọi người khỏi tù ngục, khỏi ách nô lệ thần dữ (x. Is 61, 1-2).
  5. Mọi người đã chịu phép Rửa tội do Chúa Giêsu thiết lập, đều được thông phần Dầu Xức của Chúa Giêsu, chia sẻ Thần Khí Thánh của Ngài. Họ đã được “hiến thánh cho Thiên Chúa”, trở thành Dân Tư tế, làm nên Vương Quốc của Chúa Giêsu. Hôm nay chúng ta sẽ làm phép “dầu Chrisma”, biến bình dầu Ôliu vẫn được sử dụng trong đời thường trở thành “Dầu Chrisma”, Dầu hiến thánh của Chúa. Dầu này cũng được dùng để hiến thánh các giám mục, linh mục, làm cho họ trở nên các “thừa tác viên” của Chúa, phục vụ Dân Thánh Chúa.

  6. Giáo Hội cũng làm phép Dầu bệnh nhân, dầu được dùng để băng bó các vết thương tâm hồn và thể xác của những người đau ốm bệnh tật. Chỉ có Chúa Giêsu mới là “Thần Y đích thực” đã dùng “linh dược” là “Thần Khí Thánh” của Ngài mà chữa lành các bệnh nhân. Giáo Hội làm phép dầu bệnh nhân, biến dầu Ôliu trở thành dầu có sức chữa lành các bệnh nội tâm là tội lỗi muốn hủy diệt các linh hồn, hoặc giam hãm con người cách vĩnh viễn với thần dữ.

  7. Một thứ dầu nữa mà Giáo Hội làm phép là “Dầu dự tòng”, “Dầu thánh”, Dầu cung cấp sức mạnh thần linh cho các dự tòng, để họ có thể chiến đấu chống lại muôn vàn cám dỗ của thần dữ. Hơn bao giờ hết, các thứ cám dỗ ngày hôm nay xuất hiện rất nhiều, và rất tinh vi, rất hấp dẫn, khó lòng mà cưỡng lại được. Ngày hôm nay, trên con đường tái rao giảng Tin mừng, hay loan báo Tin mừng cách mới mẻ, Giáo Hội khuyến khích chúng ta khiêm nhường đi lại “con đường dự tòng”, dù chúng ta đã chịu Phép Rửa tội nhiều năm, đã là “đạo dòng đạo giống” từ rất nhiều đời.

Các thứ Dầu được làm phép hôm nay đều là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, là Sức mạnh Tình Yêu của Thiên Chúa, Ánh sáng Chân lý của Thiên Chúa. Chúng ta tin rằng chỉ có sức mạnh ấy mới thực là “vô địch”, và chỉ có ánh sáng ấy mới không bao giờ tàn lụi. Chúng ta hãy xác tín như thế thì chính Chúa sẽ là nguồn vui cho mọi người chúng ta.


† Phaolô BÙI VĂN ĐỌC

Giám mục Giáo phận Mỹ Tho

Bài giảng lễ Truyền Dầu của Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long

Anh chị em thân mến,

Hôm nay giáo phận chúng ta cử hành lễ Dầu sớm hơn qui định, đúng ra là ngày thứ Năm Tuần Thánh. Lễ này còn gọi là lễ của chức linh mục, vì thế anh chị em thấy đông đủ linh mục sum vầy quanh đức giám mục giáo phận, người có chức linh mục trọn vẹn. Hôm nay, mọi người cầu nguyện cho linh mục. Giáo Hội toàn cầu cầu nguyện cho các linh mục cách đặc biệt trong ngày thứ Năm Tuần Thánh. Các linh mục thật hạnh phúc vì không chỉ được Chúa thương yêu, mà giáo dân cũng thương mến. Tôi cũng muốn tỏ lòng thương mến linh mục qua việc gửi đến các cha trong giáo phận phần đầu của bài giảng này, phần sau sẽ nói với giáo dân.

 

Thưa anh em linh mục giáo phận,

Trước tình thương của Chúa và mọi người dành cho mình, chắc anh em đều muốn đáp trả cho xứng đáng. Anh em phải làm sao ? Tôi tìm được lời giải đáp mới toanh của ĐTC Phanxicô. Ngày 16.3 vừa qua, trong cuộc gặp gỡ với linh mục và chủng sinh đang theo học các đại học Tòa Thánh tại Roma, ngài đã trả lời rất thiết thực và xác đáng các câu hỏi xoay quanh chủ đề làm thế nào sống tốt sứ vụ và đời sống linh mục. Tôi xin tóm tắt trong ba chiều kích hoặc ba đối tượng: với Chúa ; với tha nhân ; với chính mình.

  1. Đối với Chúa, linh mục là người linh thánh, là người thuộc về Chúa, nên phải sống trọn vẹn cho Thiên Chúa Cha, sống kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, và sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ý tưởng này gợi nhớ châm ngôn của cha Jean-Jacques Olier, vị sáng lập Hội Linh mục Xuân Bích: “Sống hết mình cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô” (Vivre souverainement à Dieu en Jésus-Christ) và “Buông mình cho Chúa Thánh Thần” (Se laisser à l’Esprit). Kim Chỉ Nam Linh mục cũng bàn về căn tính linh mục trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa ở số 1-12. Vậy anh em linh mục muốn sống tốt đẹp sứ vụ và đời sống linh mục thì hãy sống hết mình cho Chúa Cha trong sự cầu nguyện, sống như là hiện thân của Chúa Giêsu Kitô (in persona Christi), và sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã sống như thế trong suốt đời Ngài. Xin anh em đọc các số trích dẫn trên đây trong ngày thứ Năm Tuần Thánh này khi chầu Thánh Thể.
  2. Đối với tha nhân, trả lời câu hỏi của một phó tế Bắc Mỹ về linh đạo, tức đường lối nên thánh của linh mục giáo phận, ĐTC khuyên các linh mục giữ cho tốt đẹp mối tương giao với giám mục, với anh em linh mục và với giáo dân của mình. Ngài nói nếu linh mục giữ được ba mối tương giao này tốt, thì linh mục nên thánh rồi. Câu trả lời của ĐTC làm cho chúng ta phải suy nghĩ.
  • Mối liên kết giữa giám mục và linh mục là mối liên kết hữu cơ, do chức thánh và giáo vụ. Linh mục là cộng sự viên của giám mục, như đầu và tay chân. Thánh Inhaxiô Antiokia ví sự hòa hợp giữa giám mục và linh mục như đàn với giây, đàn mà không có giây thì không phải là đàn, giây mà không mắc vào đàn thì cũng như không ! Xin anh em linh mục cho tôi chia sẻ suy nghĩ này: tôi cảm tưởng rằng có những linh mục trong giáo phận không gắn bó với giám mục, sống xa cách với ngài, chẳng hề thăm hỏi, dù là qua điện thoại, chẳng gặp gỡ, có chăng là qua loa, không thân tình, nói tóm là không có tình nghĩa với giám mục. Có thể anh em sẽ nói: giám mục cần gần gũi chúng tôi trước rồi chúng tôi sẽ gần gũi giám mục sau ! Đúng, điều này đòi hỏi cả hai.
  • Đối tượng thứ hai là linh mục đoàn. Lẽ ra các linh mục phải thân thiết với nhau, vì cùng một hội một thuyền, cùng làm việc trong cánh đồng giáo phận, là “đồng chí” với nhau. Nhưng xem ra có những linh mục sống như thể không cần ai mà cũng chẳng ai cần mình ! Linh mục mà không có tình nghĩa thiết với nhau thì nguy hiểm vô cùng. ĐTC nói trong cuộc gặp gỡ này rằng: “Linh mục đừng bao giờ cô độc một mình, cần có bạn hữu, cần có người để cho mình tựa vào”. Người ấy chắc chắn không phải là một phụ nữ, cũng không phải là những đứa con thiêng liêng, hay một người bạn, đừng nói là bạn nhậu… mà phải là một vài linh mục bạn thân. Nếu linh mục không thân thiết với nhau thì nguy hiểm lắm. Chúng ta biết câu nói: “Sacerdos sacerdotibus lupissimus” đáng sợ như thế nào! – Đối tượng thứ ba là giáo dân, mối tương giao này cũng rất quan trọng nhưng cần có chừng mực, có khoảng cách, được đặt trên tương quan phụ-tử, huynh-đệ, thầy-trò, mục tử-chiên, yêu thương nhưng cách đúng đắn, thiêng liêng, trong sáng, không vụ lợi mà trái lại hiến trao, quên mình… Bên cạnh chiều kích thiêng thánh, đừng quên chiều kích nhân bản. Đúng vậy, linh mục là con người thiêng liêng, nhưng đồng thời cũng phải là con người rất người. Đức Phanxicô trả lời như sau cho một linh mục Mêhicô hỏi làm thế nào để giữ được thế quân bình suốt đời: “Linh mục phải là người bình thường, có khả năng vui cười, có khả năng lắng nghe người bệnh trong thinh lặng, an ủi họ bằng cử chỉ yêu thương, phải là người cha, chứ không phải công chức của chức thánh hay nhân viên của Chúa”.
  1. Đối với bản thân, ĐTC nhắc nhở linh mục phải xét mình hàng ngày để biết mình chiến đấu thế nào trước những cám dỗ về đức khiết tịnh, về kiêu ngạo, về tiền bạc, về quyền lực và tiện nghi. Ngài lưu ý một nguy cơ của thời đại hiện nay là sự vô cảm, lạnh lùng, xa cách với những con người thật bằng xương bằng thịt, để chỉ loay hoay với mối tương giao ảo của điện thoại. Ngài mời các linh mục xét xem mình sống như thế nào trong việc “giao tiếp ảo”, mình “dùng điện thoại cầm tay như thế nào”.

Muốn giữ được quân bình trong đời sống, ĐTC còn nhắc nhở các linh mục phải lưu tâm đến việc huấn luyện trường kỳ về bốn chiều kích “nhân bản, thiêng liêng, mục vụ và cộng đoàn”, (ở đây ĐGH nói đến chiều kích cộng đoàn, bởi vì là linh mục giáo phận, làm mục vụ trong các cộng đoàn giáo xứ). Đừng coi thường việc huấn luyện trường kỳ, vì “việc đào tạo này nảy sinh từ ý thức mình yếu đuối” và “các giới hạn của mình”, nên phải cập nhật hóa (update), canh tân (renew) kiến thức cũng như phương pháp mục vụ. Đừng tự mãn, tự thị, tự hào… Tại giáo phận Hưng Hóa, đức cha chính đã yêu cầu các linh mục làm mục vụ chiều sâu cho giáo dân, bao hàm việc đào sâu giáo lý, Lời Chúa, giúp giáo dân sống đạo chứ không chỉ theo đạo và giữ đạo. Linh mục không phải chỉ cử hành bí tích mà thôi, vì như thế chẳng khác gì ông thầy cúng, thầy pháp của tín ngưỡng dân gian.

Anh chị em giáo dân thân mến,

Trước mặt anh chị em là các linh mục đang phục vụ trong giáo phận nhà. Nhìn chung, chúng tôi vui mừng vì tương quan linh mục – giáo dân trong giáo phận rất tốt. Đi thăm mục vụ các xứ, tôi nhận thấy giáo dân rất yêu thương các cha. Các vị trong Hội Đồng Giáo Xứ, Ban Hành Giáo, các Hội Đoàn, Ban Ngành không quản ngại hy sinh thời gian, sức khỏe, công việc, gia đình… để giúp đỡ các cha trong công tác chung. Giáo dân thì quảng đại, hưởng ứng các công việc chung, nâng đỡ các cha. Hôm nay cũng có sự hiện diện của các tu sĩ nam nữ, chúng tôi biết các tu sĩ cũng góp phần không nhỏ vào việc giúp các cha chu toàn sứ vụ và sống tốt đời linh mục của mình. Chúng tôi xin chân thành cám ơn tất cả.

Tôi mạnh dạn góp ý thêm với anh chị em: Các linh mục cũng là người, nên vẫn có những mỏng dòn, yếu đuối, lỗi lầm, và tội lỗi. Xin anh chị em thương yêu linh mục thật sự bằng cách giúp các cha xử sự đúng, tốt, đẹp sứ vụ và đời sống linh mục. Khi thấy linh mục có gì sai trái, xin anh chị em đừng nhắm mắt, bịt tai, ngoảnh mặt, nhưng hãy chân thành góp ý, xây dựng, sửa sai… Anh chị em thương yêu linh mục thì xin đừng để các linh mục, vốn là 3 C (Cao quý, Cao cả, Cao cường) lại lâm lụy vào 3 Đ (Độc tài, Độc tôn, Độc đoán), 3 L (Làm sang, Làm phách, Làm biếng), 3 T (Tình, Tiền, Tửu) !!!

Sau cùng, xin anh chị em đừng quên cầu nguyện nhiều cho các linh mục. Chúng tôi rất cần lời cầu nguyện của anh chị em, đặc biệt của những cụ già, người bệnh tật và các em thiếu nhi. Có dư tràn ơn Chúa, chúng tôi mới có thể phục vụ anh chị em hữu hiệu. Amen.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *