TẠI SAO ÔNG MÔSÊ KHÔNG ĐƯỢC VÀO ĐẤT HỨA

Trong lớp giáo lý Kinh Thánh tại nhà thờ giáo xứ Thái Hà tối qua, chúng tôi đã cùng học hỏi một “bí mật lớn”: Tại sao ông Môsê không được vào đất hứa?

Có hai truyền thống khác nhau về “bí mật lớn” này, một đổ lỗi cho bản thân ông Môsê và một đổ lỗi cho dân chúng làm liên lụy đến ông Môsê. Nhưng theo một học giả Kinh Thánh, bí mật lớn này không hẳn là nhắm giải thích vì lỗi của ai, nhưng chỉ muốn làm nổi bật sự thánh thiện của Thiên Chúa: Chỉ có Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, không phàm nhân nào có thể so sánh với Thiên Chúa, mọi người đều có khuyết điểm, ngay cả ông Môsê!

Truyền thống trong Ngũ Thư dường như rõ ràng rằng phiên bản tư tế đặt lời nguyền rủa (nhưng không nói rõ) lên ông Môsê, trong khi sách Đệ nhị luật (Đnl) đặt lời nguyền rủa lên dân chúng (Đnl 32, 48-52 là rõ ràng được gán cho nguồn P). Với sự ngay thẳng không nao núng, các tác giả của Ngũ Thư đã đưa ra hai phiên bản khác nhau để giải thích lý do tại sao ông Môsê đã không bao giờ vượt qua sông Gio-đan để được vào đất hứa – nhưng cả hai để lại các lý do được che giấu trong một sự tổng quát hóa bí mật.

Chúng ta cần đọc hai trình thuật Kinh Thánh sau đây: Nước phun ra từ tảng đá

Sách Dân số 20,1-14

1 Toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en đến sa mạc Xin vào tháng giêng, và dân ở lại Ca-đê. Bà Mi-ri-am đã qua đời và được chôn cất tại đây.

2 Cộng đồng không có nước, họ bèn tụ tập phản đối ông Mô-sê và ông A-ha-ron. 3 Dân gây chuyện với ông Mô-sê, họ nói: “Phải chi lúc anh em chúng tôi tắt thở trước mặt Ðức Chúa, thì chúng tôi cũng tắt thở luôn cho rồi. 4 Hai ông đưa đại hội của Ðức Chúa vào sa mạc này để làm gì? Có phải để chúng tôi và súc vật của chúng tôi chết ở đây hay không? 5 Hai ông đưa chúng tôi từ Ai-cập lên để làm gì? Có phải để đưa chúng tôi vào chốn độc địa này chăng? Ðây không phải là nơi để gieo vãi, không vả, không nho, không lựu, không cả nước uống.”

6 Ông Mô-sê và ông A-ha-ron rời đại hội đến cửa Lều Hội Ngộ, các ông sấp mặt xuống đất. Bấy giờ vinh quang Ðức Chúa hiện ra với các ông. 7 Ðức Chúa phán với ông Mô-sê: 8 “Hãy cầm lấy cây gậy, và cùng với A-ha-ron, anh ngươi, triệu tập cộng đồng lại. Trước mặt chúng, các ngươi sẽ nói với tảng đá và chúng sẽ cho nước; từ tảng đá, ngươi sẽ làm cho nước chảy ra cho chúng, và ngươi sẽ cho cộng đồng và súc vật của chúng uống.”

9 Ông Mô-sê cầm lấy cây gậy ở trước nhan Ðức Chúa, như Người đã truyền cho ông. 10 Ông Mô-sê và ông A-ha-ron triệu tập đại hội trước tảng đá; ông Mô-sê nói với họ: “Nghe đây, hỡi quân phản nghịch! Từ tảng đá này, chúng tôi có thể làm cho nước chảy ra cho các người được không?” 11 Ông Mô-sê giơ tay, lấy gậy đập vào tảng đá hai lần; nước trào ra lai láng cho cộng đồng và súc vật uống.

12 Bấy giờ Ðức Chúa phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron: “Bởi vì các ngươi đã không tin vào Ta để biểu dương sự thánh thiện của Ta trước mắt con cái Ít-ra-en, nên các ngươi sẽ không được đưa đại hội này vào đất Ta ban cho chúng.” 13 Ðó là mạch nước Mơ-ri-va – nghĩa là gây chuyện – nơi con cái Ít-ra-en đã gây chuyện với ÐỨC CHÚA, và Người đã biểu dương sự thánh thiện của Người giữa họ.

Sách Xuất hành 17,1-7

1 Toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en nhổ trại rời sa mạc Xin, đi từ chặng này đến chặng khác, theo lệnh của Ðức Chúa. Họ đã đóng trại ở Rơ-phi-đim, nhưng tại đấy không có nước cho dân uống. 2 Dân gây sự với ông Mô-sê. Họ nói: “Cho chúng tôi nước uống đi!” Ông Mô-sê nói: “Tại sao anh em lại gây sự với tôi? Tại sao lại thử thách Ðức Chúa?” 3 Ở đó, dân khát nước nên đã kêu trách ông Mô-sê rằng: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho (chúng) tôi, con cái (chúng) tôi, và súc vật của (chúng) tôi bị chết khát hay không?” 4 Ông Mô-sê kêu lên cùng Ðức Chúa: “Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con!” 5 Ðức Chúa phán với ông Mô-sê: “Ngươi hãy đi lên phía trước dân, đem theo một số kỳ mục Ít-ra-en; cầm lấy cây gậy ngươi đã dùng để đập xuống sông Nin, và đi đi. 6 Còn Ta, Ta sẽ đứng ở đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khô-rếp. Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống.” Ông Mô-sê đã làm như vậy trước mắt các kỳ mục Ít-ra-en. 7 Ông đặt tên cho nơi ấy là Ma-xa và Mơ-ri-va, nghĩa là thử thách và gây sự, vì con cái Ít-ra-en đã gây sự và thử thách Ðức Chúa mà rằng: “Có Ðức Chúa ở giữa chúng ta hay không?”

Giải đáp của cha Roland E. Murphy, O. Carm. (Dòng Cát Minh)

Đây là một trong các bí mật lớn của bộ Ngũ Thư và của truyền thống Israel. Tôi nghĩ câu trả lời đúng là rằng câu hỏi này gây nhiều ngạc nhiên cho họ cũng như cho chúng ta. Tại sao vậy? Bởi vì câu hỏi được nêu ra nhiều lần, ít là mặc nhiên, và chưa có câu trả lời rõ ràng nào xuất hiện cả. Tôi xin phép minh họa: chúng ta đã thấy một quan điểm nói rằng việc ông Môsê đập gậy hai lần vào tảng đá là một sự giải thích theo tập tục. Nhưng sách Dân số (Ds) 20, 2-14 không được giải thích như thế. Đó là có đoạn tương tự trong Xuất hành (Xh) 17, 1-7: một sự phiền trách đặc trưng khác – không có nước để uống. Chúa đến cứu ông Môsê và ông A-ha-ron; hai ông cầm chiếc gậy nổi tiếng, đứng trước toàn dân và “nói” (tức ra lệnh) với tảng đá và từ tảng đá, nước chảy ra. Theo Kinh Thánh, ông Môsê nói với toàn dân như thế này: “Nghe đây, hỡi quân phản nghịch! Từ tảng đá này, chúng tôi có thể làm cho nước chảy ra cho các người được không?” (Xh 20, 10). Ông Môsê giơ tay, lấy gậy đập vào tảng đá hai lần; nước trào ra lai láng cho cộng đồng và súc vật uống. Không có phản ứng tức giận nào từ Chúa cả, nhưng chỉ là một nhận xét khô khan và tẻ nhạt: “”Bởi vì các ngươi đã không tin vào Ta để biểu dương sự thánh thiện của Ta trước mắt con cái Ít-ra-en, nên các ngươi sẽ không được đưa đại hội này vào đất Ta ban cho chúng” (Xh 20, 12). Câu kế tiếp (câu 13) là một giải thích tầm nguyên luận của tên địa điểm ấy: “Ðó là mạch nước Mơ-ri-va (Meribah) – nghĩa là gây chuyện – nơi con cái Ít-ra-en đã gây chuyện với ÐỨC CHÚA, và Người đã biểu dương sự thánh thiện của Người giữa họ”. Trong một đoạn tương tự ở Xuất hành 17, 6-7, không nhắc đến việc đập gậy vào tảng đá hai lần, và sự việc được giải thích như là việc dân Do Thái thử thách Chúa. Sự giải thích này được nhắc lại trong Ds 20, 24 khi ông A-ha-ron qua đời; ông không vào đất hứa do sự nổi loạn của ông và ông Môsê ở Mơ-ri-va. Trong Ds 27, 12-14, lý do tương tự được nêu ra: trong khi ông Môsê lên ngọn núi kia của dãy A-va-rim (Abarim), để nhìn xem miền đất hứa, ông nhớ lại rằng ông chỉ được nhìn thấy đất hứa mà thôi, vì ông và ông A-ha-ron đã không tuân theo lời Chúa: “Các ngươi đã chống lại lệnh Ta truyền làm cho nước chảy ra, để tỏ bày sự thánh thiện của Ta trước mắt dân chúng” (câu 14). Không có sự giải thích nào thêm cho câu mù mờ “tỏ bày sự thánh thiện của Ta”. Nước được đồng hóa với nước của mạch Mơ-ri-va ở Ca-đê (Meribah-kadesh), trong sa mạc Xin (Zin). Sự việc này vẫn là bí mật. Không có lý do để cho rằng việc đập hai lần vào tảng đá giả thiết việc thiếu lòng tin.

 

Khi người ta trở lại với sách Đệ nhị luật (Đnl), có một sự trình bày khác cho việc cấm này. Trong phong cách của các “diễn ngôn” của ông Môsê, chúng ta nghe ông nói với dân chúng rằng Chúa đã nổi cơn thịnh nộ với ông “vì anh em” (Đnl 1, 37). Sự quở trách nằm nơi dân chúng! Sau một lời năn nỉ với Chúa để vượt qua sông Gio-đan “thời ấy” (khi bờ đông của sông Gio-đan là vùng an toàn, Đnl 3, 8-22), ông nhận được câu trả lời cộc lốc từ Chúa: ông không hề đặt lại vấn đề này nữa. Nhưng lý do vẫn là như cũ: “vì anh em” (3, 26). Phiên bản tương tự được tìm thấy lần nữa, trên môi miệng của ông Môsê khi ông nói với dân chúng, trong 4, 22. Có một dấu chỉ than vãn không nhầm lẫn trong lời ông: “Tôi sắp phải chết tại đất này: tôi sẽ không được sang sông Gio-đan, còn anh em thì sắp sang và sẽ chiếm hữu miền đất tốt tươi ấy”. Trong Đnl 32, 48-52, có lời nhắc lại chủ yếu của Ds 27, 12-14: Ông Môsê và ông Aharon (đã qua đời) không thể vào đất Canaan, bởi vì cả hai ông “đã không trung thành với Chúa” và “đã không biểu lộ sự thánh thiện của Chúa giữa con cái Ít-ra-en”.

 

  1. JM. Hà Ngọc Phú CSsR

Ngoài đôi chỗ biên soạn, bài này dựa trên:

Giải đáp thắc mắc Cựu Ước

Lm Roland E. Murphy, O. Carm. (Dòng Cát Minh)

Nguyễn Trọng Đa dịch “Responses to 101 questions on the Biblical Torah”, Manila, St Pauls, 1999, trang 67-68, 70-71)