Tân Tổng Quyền Dòng Đa Minh: Tương Lai Của Giáo Hội Không Chỉ Giới Hạn Ở Á Châu Hay Phi Châu

Cha Gérard Francisco Timoner, OP. là người Á Châu đầu tiên trong lịch sử được chọn làm Tổng quyền Dòng Giảng Thuyết, nói về thách đố trong sứ vụ của ngài, cũng như về đóng góp của Giáo hội Á Châu cho Giáo hội hoàn vũ, đặc biệt là trong việc đối diện với những thách đố và sự đa dạng của công cuộc Tân Phúc âm hóa. Dưới đây là nguyên văn bài phỏng vấn tân Bề trên Tổng quyền do thông tín viên Solène Tadié. Bài được đăng trên báo báo điện tử National Catholic Register, ngày 26 tháng Bảy, 2019.

Nguyên văn bài phỏng vấn

Cha là người Á Châu đầu tiên làm lãnh đạo Dòng Đa Minh với lịch sử hơn 800 năm. Tổng hội của Dòng lần này tổ chức tại Việt Nam là dấu hiệu cho thấy Dòng đang hướng cái nhìn về Á Châu. (Theo cha) Đâu là đóng góp cụ thể của Giáo hội tại Á Châu trong cuộc Tân Phúc Âm hóa?

Một số anh em đã nói với tôi rằng quyết định bầu chọn vị Tổng quyền người Á Châu là một dấu chỉ cho thấy Dòng đang hướng về Á Châu. Đó là sự thật. Ngày càng có nhiều người Á Châu tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong Giáo hội là dấu chỉ cho thấy sự lớn mạnh và trưởng thành của Giáo hội tại lục địa dân cư rất đông này, chỉ tính riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã là hơn 3 tỉ người. Tuy nhiên, dẫu là công dân của một quốc gia cụ thể, chúng ta cũng là công dân của Nước Trời.

Thật lòng, tôi không ưng ý với cách nói rằng Á Châu và Phi Châu là “tương lai” của Giáo hội, ra như Âu Châu và Mỹ Châu đã là quá khứ hay hiện tại. “Tương lai” của Giáo hội là bất cứ nơi nào Tin Mừng cần được loan báo, cho dù đó là những xã hội mà Tin Mừng đang dần bị sao lãng hay những nơi mà Tin Mừng chưa được loan báo cách xứng hợp. Tương lai của Giáo hội cũng phải đặt nền tảng trên giới trẻ, những người tiếp tục trung thành với Đức Kitô.

Trở lại với những gì cụ thể mà Giáo hội Á Châu cống hiến cho Giáo hội hoàn vũ, xin được trích lại một vài dữ liệu trong bản báo cáo của tôi gửi Tổng hội trong tư cách là phụ tá Tổng quyền vùng Á Châu – Thái Bình Dương. Á Châu là lục địa rộng lớn nhất và đông dân nhất thế giới.

Tất cả những truyền thống tu đức và tôn giáo lớn trên thế giới đều có nguồn gốc từ Á Châu, như Do thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo, Khổng giáo và Lão giáo. Trong đó, lớn nhất là Ấn giáo, với (25,3%), kế đến là Hồi giáo (24,3%), không tôn giáo (21,2%), Phật giáo (11,9%), tín ngưỡng dân gian (9,0%), Kitô giáo (7,1%), tôn giáo khác (1,3%).

Dựa trên bối cảnh này, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC), trong tài liệu chính thức nhiều năm trước, đã xác định 6 đề xuất mang đặc tính của Giáo hội Á Châu:

1) Giáo hội Á Châu được mời gọi để trở thành một Giáo hội hiệp thông giữa các cộng đoàn, đó là, 2) Được định hình bởi và đáp trả sự phong phú đa dạng và đa nguyên của Á Châu, 3) Được củng cố bởi cam kết dân thân và phục vụ sự sống, 4) Được hứng khởi bởi một viễn tượng của sự hòa hợp, 5) Được hướng dẫn đến cuộc đối thoại trên ba lãnh vực: các nền văn hóa, tôn giáo và người nghèo ở Á Châu, và 6) Nỗ lực xây dựng Nước Thiên Chúa tại Á Châu.

Điều có vẻ hiển nhiên là 6 đề xuất này cũng đã đủ nhiều để nói về các lục địa khác. Ngày nay, có một số phần tử của Giáo hội dường như đề cao sự khác biệt khả dĩ đưa đến chia rẽ, nhưng chúng ta phải nhớ rằng Giáo hội chính là sự hiệp thông giữa các cộng đoàn, rằng sự khác biệt không luôn luôn đưa đến chia rẽ, nhưng là sự hài hòa. Tôi cũng muốn nhắc lại, ở Á Châu, cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa và giữa các tôn giáo nhất thiết phải bao gồm cả cuộc đối thoại với người nghèo và người bị gạt ra bên lề.

Chia sẻ trong nghi thức nhậm chức, cha thổ lộ mình đã do dự chấp thuận nhiệm vụ này khi biết được kết quả của cuộc bầu cử. Cha có thể nói về cảm nhận lúc đó? Và đâu là thách đố lớn nhất đối với cha trong sứ vụ mới này?

Thật sự là lúc đầu tôi ngập ngừng chấp thuận kết quả bầu cử. [*] Tôi nói với các anh em rằng tôi có một hạn chế rất lớn về ngôn ngữ, bởi vì tôi chỉ nói được tiếng Anh, một trong ba ngôn ngữ chính thức của Dòng. Tôi chỉ nói tiếng Anh chứ không biết tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Tôi nghĩ rằng, tôi không có tài như các vị tiền nhiệm [nói được ba ngôn ngữ này], và tôi biết rằng, có nhiều anh em khác hiện diện trong Tổng hội này có thể nói cả ba, hoặc ít là hai ngôn ngữ chính thức của Dòng.

Tôi cũng ý thức mình thiếu khả năng giải quyết các vấn đề. Tôi cũng không phải là người sáng giá nhất hay người giỏi nhất trong Tổng hội. Quả thật, khi cha Tổng thư ký Tổng hội mời tôi vào gặp gỡ các Nghị huynh sau khi đã bỏ phiếu, tôi đã nghĩ rằng, thật điên khùng khi nói “Vâng” với kết quả cuộc bầu cử. Nhưng không phải sự liều lĩnh hay dại dột đã xui khiến tôi chấp thuận, mà chính là những anh em ở Trung ương Dòng đã khiến tôi bình tâm lại(talked sense into my confused head). Tôi còn nhớ rất rõ lời các anh em ấy đã nói với tôi: “Chúng ta đã tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng, và các Nghị huynh đã quyết định với lương tâm ngay thẳng. Vậy, trừ trường hợp rất cần kíp(unless your house is burning), xin anh hãy vào gặp các Nghị huynh và chấp thuận.” Một người anh em khác đã ôm lấy tôi và nói, “Anh sẽ không lẻ loi đâu, có chúng tôi ở đây.” Sau đó, các anh em này cùng tôi lên nhà nguyện để cầu nguyện. Và lúc đó, tôi biết rằng, trong đức tin, tôi phải chấp nhận quyết định của anh em mình.

Dòng Đa Minh mới mừng 800 năm thành lập, điều đó có nghĩa gì với người Đa Minh hôm nay?

Tôi tin rằng, Dòng vẫn tiếp tục đứng vững, như đã vững vàng bước vào thiên niên kỷ mới, nếu Dòng tiếp tục trung thành với sứ mạng ban đầu của mình. Sứ mạng của Dòng là xây dựng sự hiệp nhất trong Hội thánh, thân thể của Đức Kitô, như thánh Phanxicô và thánh Đa Minh đã làm trong giai đoạn thảm khốc của Giáo hội hồi thế kỷ XIII.

Làm sao chúng ta có thể xây dựng Giáo hội, thân thể Đức Kitô? Trước tiên, điều quan trọng nhất là nhận ra rằng chúng ta chỉ là những người “giúp việc” hay người “phụ giúp.” Chính Thiên Chúa Ba Ngôi mới là Đấng xây dựng, là nguồn gốc và khuôn mẫu của sự hiệp thông. Chúng ta biết rằng, điều đơn giản nhưng sâu sắc nhất về thần học của sự hiệp thông là lời cầu nguyện của Đức Giêsu cho sự hiệp nhất, điều đó tỏ bày ý muốn và sứ mạng của Người: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Ga 17,21)

Chúng ta nhắc lại hiến pháp nền tảng của Dòng: “Hình thái của Dòng, xét như một hội dòng, xuất phát từ sứ vụ và sự hiệp thông huynh đệ của Dòng.” (VI) Sứ mạng và tình huynh đệ của chúng ta làm nên căn tính của mình, như những tu sĩ giảng thuyết. Tầm nhìn của thánh Đa Minh để lại cho Dòng rất rõ ràng khi ngài xin đức giáo hoàng Hônôriô III thay đổi một điểm nhỏ nhưng quan trọng trong sắc lệnh châu phê Dòng ngày 21 tháng Giêng năm 1217 [Gratiarum Omnium], là thay vì viết những người đi giảng thuyết  (praedicantes)thì viết những người giảng thuyết (praedicatores). Quả vậy, chúng ta có thể nói rằng, sứ vụ của chúng ta trước tiên không phải là điều chúng ta làm, tức là đi giảng, mà chúng ta là người giảng thuyết.

Sứ vụ của chúng ta là phục vụ và xây dựng Giáo hội qua đặc sủng được trao cho thánh Đa Minh và cho Dòng.

Cụ thể hơn, chẳng hạn, một giáo xứ Đa Minh là một cộng đoàn trong đó sự hiệp thông của các anh em chăm lo cho sự hiệp thông của giáo xứ. Một cở sở Học vấn Đa Minh là một cộng đoàn trong đó sự hiệp thông của các anh em hướng dẫn người khác học tập, giảng dạy và nghiên cứu. Một trung tâm muốn thúc đẩy học thuyết xã hội của Giáo hội, muốn thăng tiến sự bình an của Đức Kitô qua tương quan huynh đệ, là một cộng đoàn của những anh em tha thiết với việc giúp người khác sống đúng phẩm giá của họ là con cái Thiên Chúa.

Thực vậy, sự khác biệt và đa dạng giữa các tu sĩ có thể đôi khi làm yếu đi sự hiệp thông. Nhưng điều này cũng có thể trở thành một phần trong sứ mạng ngôn sứ của chúng ta là phục vụ Giáo hội và xã hội: Chúng ta có thể khác nhau nhưng vẫn là anh em… và không đánh mất sự hiệp thông.

Trong cuốn sách gần đây của vị tiền nhiệm của cha, nguyên Bề trên Tổng quyền Bruno Cadoré, đã nói rằng người giáo dân Đa Minh (với con số rất đông trong Dòng) là nguồn mạch quan trọng để đối diện với những thách đố trong Giáo hội hiện nay. Cha nghĩ sao?

Tôi đồng ý với cha Bruno. Giáo dân là một thành phần chính yếu trong thân thể Đức Kitô, tức là Hội thánh. Vì Dòng Giảng Thuyết là một phần của Hội thánh nên cũng có chung vận mệnh ấy. Một thành phần lớn trong gia đình Đa Minh là Huynh đoàn Đa Minh. Ví dụ ở Việt Nam, có hơn 400 linh mục-tu sĩ, hơn 2,500 nữ tu và hơn 117,000 đoàn viên Huynh đoàn Đa Minh. Điều này mời gọi các Nghị huynh xem xét kỹ hơn đến tầm quan trọng và không thể thay thế của người giáo dân Đa Minh trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

Đâu là kế hoạch của cha, một cách lý tưởng, trong vòng 9 năm tới?

Tổng quyền Dòng Đa Minh không phải là người lên kế hoạch trong nhiệm kỳ của mình; nhưng đúng hơn, chính các Nghị huynh của Tổng hội xác định kế hoạch này (trong Tổng hội, dù Tổng quyền là chủ tịch, nhưng cũng chỉ có quyền bỏ phiếu như bất kỳ một nghị huynh nào khác).

Nếu tôi có thể dùng hạn từ “lãnh đạo-phục vụ,” thì vai trò của Bề trên Tổng quyền Dòng là phục vụ cho sứ vụ của Dòng, là cùng với anh em xây dựng Giáo hội, Thân thể Đức Kitô, và “hướng dẫn” anh em trong việc phục vụ cùng một sứ mạng. Sứ mạng vẫn luôn là như thế, nhưng bối cảnh của Giáo hội và xã hội thì thay đổi, vì vậy Tổng hội của Dòng sẽ xác định con đường để chúng ta có thể thực thi sứ mạng ở đây và lúc này.

Tôi hy vọng và ước nguyện rằng, trong những năm tới đây, việc tái cấu trúc Dòng, điều đã bắt đầu từ nhiều năm nay, sẽ mở ra một chiều kích hiệp thông sâu sắc và ý nghĩa hơn. Vị tiền nhiệm của tôi, cha Bruno Cadoré, đã nói rằng, Dòng chúng ta hiện có 800 anh em đang trong giai đoạn đào tạo sơ khởi. Chúng ta phải tìm ra phương thế giúp các anh em này đạt được cùng một nền tảng giáo dục [như những anh em Đa Minh đã nhận được trong quá khứ], bởi vì họ không chỉ là con cái của các Tỉnh dòng nhưng họ là những người anh em của chúng ta.

ĐTH chuyển ngữ, NCL hiệu đính

[*] Trước cuộc bầu cử Tổng quyền, các ứng viên chấp thuận hay từ chối để các Nghị huynh bàn luận về mình (x. Tractatus). Nếu ai từ chối, các Nghị huynh sẽ hướng đến các ứng viên khác. Ở đây, cha Timoner là một trong số những ứng viên chấp thuận để người khác bàn luận về mình. Nghĩa là, một khi được bầu thì sẽ nhận chứ không từ chối, trừ trường hợp rất đặc biệt. (người dịch)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *